“Duyên nợ” với người bệnh phong
23/07/2015 | 01:07 AM



Tốt nghiệp Đại học y khoa Hà Nội với chuyên ngành ngoại – sản, bác sĩ Nguyễn Văn Ba, Trưởng khoa điều trị phong nội trú (Bệnh viện Da liễu Đồng Nai) hoàn toàn có thể kiếm được chỗ trong những bệnh viện lớn, có thu nhập cao…Nhưng hơn 30 năm qua, bác sĩ Ba vẫn chọn “sống chung” với bệnh nhân phong – đối tượng từng bị cộng đồng xa lánh, hắt hủi.
Kể về chuyện đời vì sao chọn “sống chung” với bệnh nhân phong, bác sĩ Ba chậm rãi tâm sự: “Ngày xưa ở quê tôi có một gia đình bị hủi. Họ đã phải sống ở bãi tha ma ngoài làng. Ngày ấy, bệnh hủi được cho… bị trời phạt, dân làng xa lánh, hắt hủi, đi đến đâu cũng bị xua đuổi, họ sống không bằng chết. Ngày ấy tuy còn nhỏ, dù sợ nhưng tôi cũng không tin là họ bị trời phạt, mà nghĩ họ bị bệnh gì đó nên rất thương. Có lần đi chăn trâu, tôi đã từng đánh nhau với bạn chỉ vì mấy cậu này lấy đất đá ném người hủi khi họ đi qua.
Với ước mơ lớn lên làm bác sĩ để chữa bệnh cho những người bệnh hủi, sau khi ra trường, bác sĩ Ba từng công tác tại một bệnh đa khoa tại Hà Nội được hơn 3 năm thì gia đình vào Đồng Nai sinh sống. Ngày đầu tiên nhận việc ở Bệnh viện da liễu Đồng Nai, bác sĩ Ba không thể quên. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn rất sợ hãi vì khi theo các bác sĩ của bệnh viện bước chân vào làng cùi Tam Hiệp. Cảm giác đầu tiên của ông là vi trùng tràn ngập không khí. Bệnh nhân ở những dạng tàn tật đặc biệt: người méo mồm, người cụt hết bàn chân, bàn tay, người không còn mũi, kẻ mất cả tai, người toàn thân lở loét, kẻ bị “mắt thỏ”…Họ sống mà như chờ chết. Quá sợ, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Ba quay đầu bỏ chạy. “Lúc ấy, trong tôi như có tiếng nhắc nhở của lương tri “Mày muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho người hủi kia mà! Sao giờ lại bỏ chạy?” – bác sĩ Ba đã trở lại. Sau ngày ấy, bệnh nhân phong không còn là nỗi khiếp sợ nữa…
Bác sĩ Ba thăm khám cho bệnh nhân phong bằng tay trần.
Khi qua “ải” bệnh nhân, thì chính là gia đình ông lại ngăn cản không cho ông làm việc ở “bệnh viện hủi”. Đi làm về, cả nhà không ăn uống, sinh hoạt chung với ông vì sợ lây bệnh. Đặc biệt là vợ bác sĩ Ba đã quyết tâm “giường ai nấy nằm”, bà thường “đay nghiến” ông: “Đang làm bác sĩ đa khoa, lại đi chọn bệnh viện hủi mà làm, đúng là có điên mới như ông!”. Buồn vì gia đình không thông cảm, mà lúc ấy ngay cả bản thân ông vẫn chưa hoàn toàn “bước” qua khỏi tâm lý sợ lây bệnh khi không dám “tay trần” khám bệnh, không dám tiếp xúc gần, không dám ăn, uống thức ăn người bệnh mời… Ông bảo, phải mất hơn một năm, khi quyết định gắn bó với bệnh viện này, gắn bó với bệnh nhân phong, ông đã dần tự thay đổi mình…
Ngày ấy, chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn bệnh phong như ngày nay. Ám ảnh về những cơn phản ứng phong làm bệnh nhân quằn quại đau đớn, sốt và gây nhiều di chứng ngũ quan, tứ chi, những người bệnh phong bị bỏ rơi trong bệnh viện, chết thì vô thừa nhận… càng làm ông thương hơn những người bệnh của mình. Điều đó nung nấu ý định phải học thêm chuyên ngành da liễu để quyết đưa bệnh nhân hòa nhập cộng đồng, để họ được đối xử công bằng như bao nhiêu người khác. Và ông đã làm được điều đó.
Yêu thương bệnh nhân như người thân
Từng làm ở khoa phong, rồi sang khoa AIDS, rồi trở lại khoa phong, mỗi ngày như mọi ngày, công việc của bác sĩ Ba đi từng phòng thăm khám, tư vấn, điều trị cắt nguồn lây và phẫu thuật chống đoạn chi, tàn phế cho người bệnh phong. Cứ nhìn cách ông thăm hỏi, trò chuyện với bệnh nhân và nhìn cách bệnh nhân trao đổi thân tình với ông mới thấy, dường như giữa ông và người bệnh không còn khoảng cách.
Theo bác sĩ Ba lên phòng điều trị bệnh. Một số người bệnh ở đây từng nhiều năm mặc cảm với bệnh, không đến điều trị sớm nên đã bị vi khuẩn Hansen làm cho tàn phế với biến chứng nặng như: mũi sư tử, mắt thỏ, tay chân đã bị “ăn” hết các ngón, trơ lại những cùi chân, cùi tay với những lỗ đáo sâu hoắm trong da thịt... Nhưng khi khám cho họ, bác sĩ Ba vẫn không dùng khẩu trang, không dùng găng tay. Ông bảo: “Làm thế, người bệnh thấy bác sĩ gần gũi hơn, họ cũng đỡ tủi thân. Hơn nữa, những người này đã được điều trị cắt nguồn lây, việc đụng chạm ngoài da không còn là nguy hiểm”.
Hướng dẫn cán bộ phòng chống phong của các huyện, thị xã và thành phố cách phát hiện lỗ đáo ở bệnh nhân phong.
Tận tụy với bệnh nhân, tâm huyết với nghề nghiệp, giản dị trong cuộc sống, thân tình trong các mối quan hệ với bệnh nhân và đồng nghiệp, bác sĩ Ba vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đề tài về chống tàn tật, đặc biệt là đề tài về phẫu thuật loại trừ lỗ đáo trên bệnh nhân phong, trước để giúp người bệnh tránh được tàn phế, sớm hòa nhập cộng đồng, sau là mong muốn để lại một chút kinh nghiệm gì đó cho những lớp bác sĩ tiếp nối nghiệp của ông.
Tin liên quan
- Việt Nam nhất quán thúc đẩy di cư quốc tế hợp pháp, an toàn
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương tri ân các đối tác đã đồng hành trong chặng đường phát triển Bệnh viện
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch mới nhất
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025
- Khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm tại Việt Nam
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024