BÁO CÁO KẾT QUẢ RÀ SOÁT, XỬ LÝ CÁC VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI GIẢI QUYẾT CỦA BỘ Y TẾ
16/12/2024 | 12:39 PM



Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về việc báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ việc xây dựng Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 08/4/2024 Bộ Y tế đã gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Y tế.
Theo báo cáo nêu, trong giai đoạn từ năm 2021 đến ngày 15/3/2024, công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp của Bộ Y tế đã đạt được một số kết quả nhất định như: chuẩn hóa danh mục TTHC; bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều TTHC, quy định điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; từng bước thiết lập, vận hành Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế: việc thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh, quy định phân cấp có một số nội dung chưa đúng tiến độ; xử lý hồ sơ tồn đọng còn chậm; một số quy định TTHC chưa rõ ràng, minh bạch về: quy định thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện, trách nhiệm của các Đơn vị trong quy trình giải quyết; việc cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, xây dựng hệ thống bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chưa đảm bảo thời gian theo quy định.
Nguyên nhân của những hạn chế trên do: i) Người đứng đầu một số đơn vị thuộc Bộ chưa quan tâm đôn đốc, thúc đẩy việc hoàn thiện hành lang pháp lý thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chưa chú trọng đầu tư đúng mức cả về nhân lực, trang thiết bị cho công tác cải cách TTHC và việc lấy ý kiến các bên liên quan khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; ii) Việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin, dữ liệu giữa Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các Đơn vị và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ Y tế, Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn chậm, dữ liệu chưa đảm bảo; iii) Cán bộ đầu mối về TTHC của các đơn vị hầu hết là kiêm nhiệm trong khi khối lượng công việc rất nhiều nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiệm vụ.
Về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định trong việc xây dựng VBQPPL, làm tốt vai trò thẩm định quy định về TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại dự thảo VBQPPL, bảo đảm chỉ ban hành và duy trì những TTHC, quy định thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất; kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, giảm tối đa số lượng văn bản này theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt, giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Bộ Y tế giao Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định liên quan đến TTHC và các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo VBQPPL (Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 20/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số tại Bộ Y tế). Từ năm 2021 đến ngày 15/3/2024, Bộ Y tế đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều VBQPPL, trong đó có nội dung thẩm định quy định về TTHC, cụ thể: 01 Luật, 03 Nghị định của Chính phủ, 16 Thông tư của Bộ Y tế (Chi tiết tại mục II. Phụ lục Báo cáo kèm theo).
Liên quan đến những vướng mắc, bất cập về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Y tế tập trung rà soát Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh và danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã được công bố tại Quyết định số 1899/QĐ-BYT ngày 20/5/2019 và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Mục tiêu của việc rà soát, đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Ngày 04/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1661/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.
Bộ Y tế là Bộ đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, tổng số 163 quy định TTHC và quy định về điều kiện kinh doanh được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Kết quả thực hiện đến 14/03/2024 Bộ Y tế đã hoàn thành thực thi được 75/163 quy định TTHC và quy định về điều kiện kinh doanh theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 46,6%).
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, bảo đảm nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng, nhiều nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực cho nhân dân; đẩy mạnh tăng cường phân cấp cho cấp dưới trực tiếp, cho địa phương xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về TTHC,… Trong thời gian qua Bộ Y tế đã tích cực rà soát, nghiên cứu toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của các Đơn vị đề xuất phương án phân cấp tối đa theo hướng vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1104/TTg-KSTT ngày 25/8/2021 về việc triển khai xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính”, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác và Nhóm giúp việc Tổ công tác xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết TTHC” của Chính phủ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế và chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn có TTHC khẩn trương rà soát lại toàn bộ TTHC phạm vi quản lý của Đơn vị.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/08/2022 phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp 69 TTHC trong 07 lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó đã phân cấp giải quyết TTHC về cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình cho cơ quan chuyên môn về Y tế của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12 tháng 3 năm 2024 quy định cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y (03 TTHC) đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư này theo mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và Luật An toàn thực phẩm để phân cấp quản lý theo hướng: (1) Bộ Y tế tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP): thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, Giấy chứng nhận y tế; (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất các nhóm thực phẩm còn lại, cơ sở sản xuất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng, sửa đổi các VBQPPL thực thi phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tin liên quan
- Bộ Y tế: Kết quả cải cách hành chính Quý I năm 2025
- Quyết định về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành và bị bãi bỏ quy định tại Thông tư số 08/2025/TT-BYT ngày 07 tháng 3 năm 2025 của Bộ Y tế
- Bộ Y tế ban hành quyết định sứa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 7867/QĐ-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2018
- Tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong lĩnh vực Y tế
- Dự kiến sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các thủ tục hành chính tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược
- Tỉnh Quảng Trị thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Sở Y tế
- KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC, NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI THÁNG 11 NĂM 2024 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 12 NĂM 2024 TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG