KẾT QUẢ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG CẢI CÁCH THỂ CHẾ TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG QUÝ I NĂM 2023

17/07/2023 | 15:59 PM

 | 

 

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tính riêng trong tháng 2/2023 Chính phủ đã ban hành 02 nghị quyết để chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, tổ chức soạn thảo các dự án văn bản quy phạm pháp luật đã có trong chương trình, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, kiên quyết từng bước khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản. Theo đó, đã kịp thời chỉ đạo các bộ, cơ quan ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, chất lượng xây dựng thể chế thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Trong Quý I/2023, các bộ, ngành đã ban hành 116 thông tư và tham mưu,trình Chính phủ 26 nghị định, HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành khoảng hơn 780 văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong số đó, có nhiều văn bản liên quan đến cải cách hành chính.Về xây dựng văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 14/3/2023, tổng số văn bản quy định chi tiết được giao là 53 văn bản, đã hoàn thành 05/53 văn bản, 04/53 văn bản quá hạn, 44/53 văn bản đang thực hiện trong hạn. Nhìn chung, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc chủ động của các bộ, ngành, tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được nâng lên; các đề xuất xây dựng pháp luật đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý; phương pháp, hình thức lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế đã có nhiều đổi mới, chú trọng lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xây dựng pháp luật ngày càng được cải thiện.

Để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, công tác theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách chủ động từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023, theo đó, đã xác định 02 lĩnh vực trọng tâm cần theo dõi là: (i) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giá; (ii) theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực ban hành kế hoạch; rà soát, xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BTP ngày 16/01/2023 về việc quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chế độ báo cáo này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Toà án nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc.

Kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm, thực hiện thường xuyên, có nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành quyết định công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần; đồng thời, tham mưu, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, trái quy định pháp luật trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát năm 2022. Trong Quý I/2023, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, các bộ, ngành đã tổng hợp được 57 văn bản quy phạm pháp luật cần phải xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố hết hiệu lực). Tại địa phương, có 177 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 709 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong Quý I/2023 là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Phú Thọ,...

Phòng KTTTHC, Văn phòng Bộ