CỤC QUẢN LÝ DƯỢC, BỘ Y TẾ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG QUÝ 1/2022
14/04/2022 | 15:49 PM
|
Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính… là mục tiêu của công tác cải cách hành chính. Quý 1/2022, Cục Quản lý Dược đã tăng cường công tác cải cách hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong những tháng đầu năm, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã triển khai 05 đoàn kiểm tra; kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa 11 văn bản quy phạm pháp luật; rà soát 41 TTHC để đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa trên tổng số 99 TTHC Cục đang thực hiện; Cục đã rà soát, thực hiện phân cấp 35 TTHC cho địa phương thực hiện, 04 TTHC cấp trung ương được phân cấp cho các đơn vị khác thực hiện.
Trong cải cách chế độ công vụ: Cục đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo chức năng nhiệm vụ mới của Cục Quản lý Dược; theo đó, số lượng cán bộ, công chức được bố trí theo đúng đề án vị trí việc làm: 100%; số vị trí việc làm của đơn vị chưa có công chức đảm nhận hoặc chưa bố trí được cán bộ, công chức có đủ năng lực của vị trí việc làm đó: 02 vị trí việc làm của đơn vị chưa bố trí được cán bộ, công chức (Lưu trữ và kế hoạch). Hiện tại, các vị trí này do cán bộ kiêm nhiệm thực hiện. Số lãnh đạo các tổ chức thuộc đơn vị mới được bổ nhiệm trong quý là 02 đồng chí.
Trong cải cách tài chính công, Cục Quản lý Dược sử dụng có hiệu quả ngân sách và nguồn kinh phí được trích lại để sử dụng trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Thực hiện cơ chế khoán biên chế, kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ tạo điều kiện phát huy tính tự chủ trong quản lý đồng thời tạo sự năng động, chủ động trong điều hành các hoạt động của Cục. Theo đó, Cục đã chủ động phân bổ, sử dụng các khoản kinh phí thường xuyên trong tổng mức kinh phí được giao một cách hợp lý góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Về việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Cục đã hoàn thành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp được tích hợp lên cổng dịch vụ công của Bộ Y tế đối với tất cả các TTHC lĩnh vực dược, mỹ phẩm được thực hiện tại Cục như: Đăng ký thuốc, xuất/nhập khẩu kinh doanh thuốc, kê khai/kê khai lại giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc và công bố mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược đã thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 02 nhóm dịch vụ công: (1) Cấp giấy xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc gồm 03 TTHC và (2) Kê khai/kê khai lại giá thuốc gồm 03 TTHC đồng thời đã hoàn thành kết nối, tham gia Cơ chế một cửa quốc gia đối với 25 thủ tục hành chính: 01 TTHC về cấp số tiếp nhận phiếu công bố đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và 24 TTHC về lĩnh vực quản lý kinh doanh dược. Cùng với đó đã thực hiện thanh toán trực tuyến đối với tất cả các thủ tục hành chính tại Cục.
Cục đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin xây dựng và triển khai các phần mềm phục vụ công tác giải quyết TTHC và công tác tác nghiệp chung của Cục, cụ thể: (1) Phần mềm Quản lý đăng ký thuốc; (2) Phần mềm Kê khai giá thuốc; (3) Phần mềm thông tin, quảng cáo thuốc; (4) Phần mềm Thanh tra Dược và Mỹ phẩm; (5) Phần mềm Quản lý kinh doanh dược; (6) Phần mềm Quản lý chất lượng thuốc và (7) Phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung và đăng nhập tập trung. Đồng thời, đã hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong đăng ký thuốc, quản lý giá thuốc và chuẩn bị tiến hành triển khai chính thức trên hệ thống trực tuyến.
Kết quả giải quyết của nhiều TTHC đã được Cục Quản lý Dược thực hiện công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược hoặc trên Hệ thống phần mềm trực tuyến kết nối cơ chế Một cửa Quốc gia, cụ thể: Các THHC liên quan đến quản lý giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc, đăng ký thuốc, quản lý kinh doanh dược và quản lý mỹ phẩm để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Về thực hiện số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực dược: Cục Quản lý Dược đã thực hiện số hóa ngành dược với các kết quả: (1) Hoàn thành kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc 63/63 tỉnh/thành phố; (2) Xây dựng Ngân hàng dữ liệu ngành dược cung cấp thông tin, dữ liệu của 15.230 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam tại địa chỉ https://drugbank.vn; (3) Xây dựng Cơ sở dữ liệu về chứng chỉ hành nghề dược và cơ sở kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược (390 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 5.043 cơ sở bán buôn, 63.550 cơ sở bán lẻ thuốc) và 127.187 chứng chỉ hành nghề đã được cấp trên toàn quốc (địa chỉ: http://kdhnduoc.dav.gov.vn); (4) Xây dựng phần mềm báo cáo tồn thuốc, nguyên liệu làm thuốc để có cơ sở dữ liệu theo dõi nguồn cung của các thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam; (5) Xây dựng Cơ sở dữ liệu về mã định danh thuốc, hiện có khoảng 23.500 thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực và trong số đó 60% là thuốc kê đơn đã được cấp mã định danh + Cục Quản lý Dược Cục QLD đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành dược và hiện tại đang triển khai thực hiện với mục tiêu hoàn thành, về đích trước 02 năm theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Duy trì tốt việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, góp phần nâng cao năng lực quản lý trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước: Số quy trình ISO được cải tiến, ban hành mới trong quý: 02 SOP; Tổng số quy trình ISO của đơn vị đang áp dụng: 111 SOP; số quy trình ISO được duy trì thực hiện theo đúng quy định: 111 SOP.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong Quý 2/2022, Cục đề ra các nhiệm vụ cụ thể là:
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, đề án theo đúng kế hoạch được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, trong đó Cục Quản lý Dược đặt trọng tâm vào việc kịp thời sửa đổi một số quy định để đảm bảo phù hợp, theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để tiếp cận vắc xin covid -19, góp phần cung ứng vắc xin phòng covid - 19 cho nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp chế và các Vụ/Cục có liên quan xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế trình Thủ tướng xin ý kiến và dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền, cắt giảm/đơn giản hóa TTHC theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021, tăng cường công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực của Cục; rà soát các quy định, quy chế, các quy trình thao tác chuẩn cho phù hợp với các văn bản QPPL hiện hành.
Triển khai kết nối liên thông cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc lên Hệ thống Cơ sở dữ liệu dược Quốc gia.
Triển khai xây dựng và sửa đổi các quy trình tác nghiệp phù hợp với thực tiễn quản lý và thực hiện duy trì tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Tiếp tục hoàn thiện việc kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia trên nền tảng các dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế theo đúng lộ trình của Chính phủ.
Nâng cao hiệu quả chất lượng giải quyết thủ tục hành chính:
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và công khai, minh bạch các quy trình giải quyết theo từng TTHC hoặc nhóm TTHC.
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải tiến cơ chế đăng ký thuốc và tập trung cao độ thực hiện giải quyết các hồ sơ đăng ký thuốc còn tồn đọng; song song xây dựng Đề án đổi mới công tác đăng ký thuốc.
- Tăng cường đào tạo, tập huấn cho các chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc và cho các doanh nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng công tác đăng ký và thẩm định thuốc.
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác tác nghiệp, minh bạch hóa ngành dược, triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành dược, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, quản lý giá thuốc; tăng cường công tác truyền thông các hoạt động của Cục.
- Cung cấp thông tin liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, các quy định mới kịp thời cho các đối tượng thực hiện trên website của Cục Quản lý Dược.
Related news
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Kết quả trong thực hiện phân cấp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính tại Bộ Y tế năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực Dược, Mỹ phẩm năm 2025
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025 và một số định hướng đến năm 2030
- Tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh việc triển khai công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của Bộ Y tế
- Bộ Y tế thông qua phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y, Dược cổ truyền
- Tỉnh Thái Nguyên công bố Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực Y tế dự phòng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế