Cải cách tài chính công, một trong những kết quả nổi bật của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ về cải cách hành chính trong năm 2021[1]

15/10/2021 | 09:27 AM

 | 

 

Trong năm 2021, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính và đạt được kết quả tích cực trên một số nội dung sau:

Về cải cách thủ tục hành chính: Hiện nay, Sở Y tế đã chuyển 152/155 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế sang tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ theo hình thức Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (chỉ có 03 TTHC đặc thù là được thực hiện theo cơ chế một cửa tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế) nhằm tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân có giao dịch hành chính với Sở Y tế. UBND tỉnh đã phê duyệt nâng cấp mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Phú Thọ đối với 38 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế trong năm 2021.

Về cải cách bộ máy hành chính: Sở đã tiến hành sắp xếp, bổ sung, kiện toàn lại tổ chức bộ máy cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan Sở và các đơn vị thuộc sở đã xây dựng quy chế về tổ chức hoạt động, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hạn chế việc chồng chéo nhiệm vụ, nâng cao được hiệu quả công tác.

Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức: Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế theo Đề án số 364/ĐA-SYT ngày 11/3/2016 của Sở Y tế về Đề án tinh giản biên chế; đã quan tâm trú trọng các nội dung, hình thức đào tạo phù hợp góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao năng lực thi hành công vụ của cán bộ, công chức.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp đã tạo ra sự thông thoáng, chủ động của đơn vị trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Sở Y và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở Y tế trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng được yêu cầu của công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Một trong những điểm nổi bật trong công tác cải cách hành chính của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ là trong công tác cải cách hành chính công. Theo đó:

Việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005. Các cơ quan hành chính thuộc ngành Y tế gồm: Sở Y tế; Chi cục Dân số - KHHGĐ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩn (đã được UBND tỉnh giao tự chủ về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính từ khi Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ có hiệu lực thực hiện, giai đoạn từ năm 2016 được UBND tỉnh giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và biên chế tại Quyết định số 3474/QĐ-UBND ngày 31/12/2015. Các  cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước, đặc biệt là thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công dân có nhu cầu giải quyết công việc, ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Tăng cường triệt để thực hiện các nội dung về cải cách hành chính trong điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; số cơ quan, đơn vị ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công: 03/03 đơn vị.

Về thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp thuộc, trực thuộc đã thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ. Các đơn vị đã được giao quyền tự chủ tiếp tục thực hiện tự chủ trong xây dựng kế hoạch; tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan quản lý cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ, cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật. Các đơn vị được giao quyền tự chủ đã chủ động trọng việc thực hiện dịch vụ,  huy động vốn để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật mới, mở rộng các loại hình dịch vụ, tăng cường triển khai các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động khám chữa bệnh, chủ động sử dụng nguồn thu, chủ động quyết định mức chi trên cơ sở định mức đã được cơ quan có thẩm quyền quy định. Số đơn vị sự nghiệp công lập ban hành quy chế chi tiêu nội bộ và tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao làm căn cứ chi trả thu nhập tăng thêm: 25/25 đơn vị.

Về sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngành Y tế, Sở đã thực hiện chính sách phát triển y tế theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị được giao tự chủ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính và cung ứng dịch vụ. Quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động của cơ quan cụ thể là; chủ động rà soát, xây dựng lại định mức chi tiêu trong hoạt động của đơn vị, cắt giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết, tiết kiệm điện, nước, xăng dầu, vật tư, trang thiết bị bằng hình thức sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản công tại 100% các đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện. Thực hiện chủ động trong việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho y tế, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài các đối tượng có khả năng chi trả trực tiếp các dịch vụ kỹ thuật cao từ nguồn xã hội hóa, các đối tượng nghèo, cận nghèo, trẻ em, chính sách xã hội cũng được hưởng lợi từ trang thiết bị này, ngoài ra phương thức này cũng góp phần giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người bệnh, góp phần đưa ngành y tế trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững./. (1503. 3)

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế .

 


 


Related news