Hiện nay, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học số vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng nhiều chủ yếu là do thực phẩm bẩn nhiễm hóa chất, các cơ sở nấu ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh…. ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cử tri đề nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (Long An).

28/05/2020 | 07:53 AM

 | 

Hiện nay, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học số vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng nhiều chủ yếu là do thực phẩm bẩn nhiễm hóa chất, các cơ sở nấu ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh…. ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cử tri đề nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (Long An).

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, xã hội quan tâm và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức bộ máy quản lý, trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương, nhiều mô hình tiên tiến bảo đảm an toàn thực phẩm đang được xây dựng và nhân rộng. Nhờ đó, nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm đã có chuyển biến rõ rệt; ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể tại các trường học vẫn có những diễn biến phức tạp, vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm, vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và gây dư luận bất an cho cộng đồng.

Trong giai đoạn 2017 – 2019(tính đến hết tháng 11 năm 2019), toàn quốc ghi nhận 65 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể làm 2.801 người mắc, 2.709 người đi viện và không ghi nhận trường hợp tử vong. Trung bình mỗi năm có 22 vụ, 934 người mắc và 903 người đi viện do ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp/khu chế xuất. Trong đó: Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp/khu chế xuất là 39 vụ làm 1.966 người mắc và 1.908 người đi viện điều trị, không có tử vong. Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học là 28 vụ làm 1.628 người mắc và 1.546 người đi viện điều trị, không có trường hợp tử vong. So sánh giữa các năm 2017, 2018 và hết tháng 11 năm 2019, số vụ, số mắc, số người đi viện ngộ độc thực phẩm do bếp ăn tập thể đang được kiểm soát, có xu hướng giảm và không ghi nhận trường hợp tử vong nào.

Hiện nay nhu cầu đối với bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn hiện là rất lớn, không ngừng gia tăng. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể trường học vẫn xảy ra tuy đang được kiểm soát (số vụ, số mắc, số chết) do thức ăn bị ô nhiễm chủ yếu từ các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ nguyên liệu chế biến thức ăn, phụ gia chế biến thức ăn; Nguồn nước sử dụng cho ăn uống; Dụng cụ sơ chế, chế biến thức ăn, dụng cụ ăn uống; Địa điểm, môi trường bị ô nhiễm bởi bụi bẩn, ruồi, côn trùng; Do bảo quản và vận chuyển thức ăn. Tình hình bảo đảm tại bếp ăn tập thể vẫn diễn biến phức tạp, chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và gây bức xúc dư luận cộng đồng.

Một số nguyên nhân của những tồn tại trên là do:

 (i) Xu thế các bữa ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp trong các khu công nghiệp/khu chế xuất ngày càng tăng tuy nhiên trong đó một bộ phận lớn các cơ sở có nhu cầu, chấp nhận sử dụng thực phẩm giá chỉ từ 10.000 – 12.000 đồng/suất.

(ii) Nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể trường học đa dạng, khó kiểm soát an toàn thực phẩm triệt để nếu người tiếp nhận, chế biến thực phẩm cố tình gian dối.

(iii) Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...).

(iiii) Trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương các cấp, Ban giám hiệu nhà trường, Ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao, chưa thường xuyên:

- Không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn, trong khu vực quản lý.

- Chủ doanh nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường còn khoán công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà thầu cung cấp suất ăn; khoán cho bộ phận hành chính nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiệu quả thực hiện thường thấp và thực hiện thì không triệt để.

 (iiiii) Hiệu quả, hiệu lực quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến xuất ăn sẵn ở một số địa phương còn chưa cao, chưa thường xuyên (tổ chức, biên chế, nhân lực, trang thiết bị, ngân sách và kinh nghiệm hạn chế); tình trạng cơ sở trên địa bàn đã được phân công quản lý nhưng khi xảy ra sự cố an toàn thực phẩm mới phát hiện được các vi phạm của cơ sở…

Với trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực này đã được phân công, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm và rút giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

- Khuyến cáo tăng giá trị khẩu phần bữa ăn cho công nhân. Ủy ban nhân dân các cấp, Ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường kiên quyết không để các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn cung cấp suất ăn cho công nhân.

- Tăng cường hoạt động giám sát phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để cảnh báo và dự phòng; Mời công đoàn các công ty, doanh nghiệp, hội phụ huynh học sinh tham gia quá trình giám sát an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi của học sinh, công nhân.

- Hướng dẫn, tổ chức, xây dựng mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể trường học ở một số tỉnh/thành phố. Xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức diễn tập xử lý, khắc phục hậu quả với vụ ngộ độc thực phẩm lớn ở bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp/khu chế xuất.

 


Thăm dò ý kiến