Cử tri tiếp tục kiến nghị ngành Y tế quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới, đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân (TP. Hồ Chí Minh).
28/05/2020 | 08:04 AM



Cử tri tiếp tục kiến nghị ngành Y tế quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới, đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân (TP. Hồ Chí Minh).
Bộ Y tế xin trả lời như sau:
1. Vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện
Theo phân cấp quản lý của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật: Việc đầu tư cho y tế cở sở thuộc trách nhiệm của địa phương,ngân sách Trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Đối với địa phương, đặc biệt ở đây là Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đã tự cân đối chi từ nguồn thu và còn nộp về ngân sách Trung ương theo tỷ lệ quy định nên Bộ Y tế đề nghị Cử tri có ý kiến với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm trong việc tăng cường đầu tư cho y tế địa phương để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, dần từng bước xóa bỏ tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
2. Về việc quản lý, đào tạo về chuyên môn
Tăng cường năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ ở các tuyến, nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên là một trong các ưu tiên của ngành Y tế. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động tăng cường quản lý giáo dục và đào tạo nhân lực y tế và chỉ đạo triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế.
2.1. Nhóm các hoạt động đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế
Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Đơn vị liên quan xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đào tạo nhân lực y tế nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo. Bộ Y tế thường xuyên cử các đoàn cán bộ tham gia đoàn thẩm định, kiểm tra, giám sát cơ sở đào tạo và hoạt động đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bộ Y tế đã xác định rõ hai loại năng lực trong đào tạo là nghiên cứu và khám, chữa bệnh, góp ý các dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học theo hướng Chính phủ sẽ quy định các đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, nhất là đào tạo chuyên khoa và thực hành tại cơ sở y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng các quy định về̀ đào tạo bằng cấp chuyên khoa và mã cho các bằng chuyên khoa cho các loại hình nhân lực y tế.
Để cải thiện đào tạo thực hành, Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ, trong đó xác định cụ thể trách nhiệm và quyền của các cơ sở thực hành, các yêu cầu của cơ sở thực hành là cơ sở khám, chữa bệnh, cơ chế phối hợp giữa cơ sở thực hành và cơ sở giáo dục.
Bộ Y tế đã và đang xây dựng và ban hành các chuẩn năng lực cơ bản cho từng loại hình nhân lực y tế, để làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo và làm cơ sở để đánh giá năng lực nhân lực y tế.
Hiện nay, Bộ Y tế đang cùng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế triển khai chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng dựa trên năng lực. Xây dựng dự thảo Đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng là nghiên cứu đề xuất tổ chức kỳ thi quốc gia kiểm tra năng lực người hành nghề khám chữa bệnh trước khi cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời Bộ Y tế cũng đang đề xuất sửa đổi Luật khám, chữa bệnh và đưa vào nội dung thi cấp chứng chỉ hành nghề.
Đối với đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức y khoa cho những cán bộ y tế hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2013/BYT-TT ngày 09/8/2013 hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế. Trên cơ sở Thông tư này, Bộ Y tế đã hướng dẫn các Sở Y tế và các cơ sở y tế trên toàn quốc thiết lập hệ thống các cơ sở đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, thực hiện qui định của Luật khám bệnh, chữa bệnh về việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề khám chữa bệnh. Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục rà soát, chỉnh sửa Thông tư nêu trên, để đảm bảo sự phù hợp với thực tế và thuận tiện cho các cơ sở đào tạo. Bộ Y tế cũng tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các qui định hiện hành của các cơ sở đào tạo.
2.2. Nhóm các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, nâng cao năng lực cho nhân lực y tế
Để giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 2008 Bộ Y tế đã xây dựng Đề án 1816, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Ngày 09/01/2013, Thủ tưởng Chính phủ đã có Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh. Giai đoạn đầu của Đề án, Bộ Y tế đã giao cho 14 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân cho 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố tập trung vào 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng là: tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi. Đến nay hệ thống bệnh viện vệ tinh đã có 21 bệnh viện hạt nhân và 119 bệnh viện vệ tinh tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Trên cơ sở các kỹ thuật cần chuyển giao cho tuyến dưới các bệnh viện tuyến trên xây dựng chương trình đào tạo, chương trình chi tiết và Tài liệu đào tạo, tổ chức triển khai đào tạo theo quy định.
Bộ Y tế cũng đã xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020” với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Đến nay hệ thống này đã được xây dựng và thực hiện thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh các Đề án nêu trên, Bộ Y tế còn có các hợp phần, hoạt động nằm trong các chương trình, dự án về đào tạo cho tuyến y tế cơ sở. Một trong 3 hợp phần chính của Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế nhằm đổi mới hệ thống y tế vay vốn Ngân hàng thế giới giai đoạn 2016-2020 là về nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, tập trung vào đầu tư trang thiết bị, đào tạo cho nhân viên y tế của tuyến cơ sở các tỉnh khó khăn.
3. Vấn đề đạo đức của cán bộ y tế
Không chỉ hiện nay, mà ngay từ những năm 1970, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh đã trở thành vấn đề luôn được quan tâm của ngành Y tế. Bộ Y tế rất coi trọng công tác tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế cũng như xử lý các vi phạm. Công tác này đã được triển khai thường xuyên với các nội dung:
(1) Thành lập Bộ môn Y đức tại các Học viện, Nhà trường đào tạo về lĩnh vực Y Dược.
(2) Giao cho Cục Khoa học công nghệ và Đạo tạo là cơ quan tiến hành soạn thảo, xây dựng nội dung, chương trình giáo án giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế.
(3) Bộ Y tế tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị cách lập kế hoạch tập huấn, soạn thảo mẫu nội dung, chương trình; Trực tiếp mở nhiều lớp tập huấn cho các báo cáo viên cũng như cán bộ y tế, mỗi năm khoảng 4-7 lớp với hàng ngàn người tham dự. Trực tiếp tập huấn cho viên chức y tế tại các cơ sở y tế khi các đơn vị có nhu cầu, mỗi đơn vị thường từ 200-300 người dự.
Điển hình là Bộ Y tế trực tiếp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho 100% viên chức tại Bệnh viện K, chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp. Bệnh viện K đã quyết tâm ngăn chặn nạn “cò” bệnh viện, đang tích cực triển khai công tác xã hội trong bệnh viện, tổ chức hội thi về quy tắc ứng xử cho công chức, viên cức, người lao động trong bệnh viện.
(4) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị rà soát, phân loại đối tượng, ưu tiên tập trung tập huấn cho các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, người dân; Những đối tượng làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc, căng thẳng, dễ sinh cáu gắt như khoa Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu….
(5) Để nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, ngoài người việc tăng cường mở các lớp tập huấn, Bộ Y tế còn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức các hội thi về quy tắc ứng xử, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” gắn với thương hiệu bệnh viện; đưa ra các tình huống ứng xử tại Bệnh viện (điển hình là Hội thi chung kết sáng tạo slogan bệnh viện và Quy tắc ứng xử giỏi năm 2016 của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hội thi bác sỹ giỏi lần thứ nhất của Bệnh viện sản nhi Hưng Yên...).
(6) Bộ Y tế cũng tích cực kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiêp, quy tắc ứng xử do người dân, báo chí đưa tin.
Các Bệnh viện nghiêm túc xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân thông qua các kênh thông tin báo chí, hòm thư góp ý, đường dây nóng và kể cả các trang mạng xã hội… Theo báo cáo tổng hợp về phản ánh của người dân qua đường dây nóng 1900-9095, trong năm 2019 đã có tổng số 54.841 cuộc gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế, trong đó 11.654 cuộc gọi đúng phạm vi xử lý của đường dây nóng. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, Lãnh đạo các đơn vị đã xử lý nghiêm khắc các cán bộ vi phạm trong quá trình phục vụ người bệnh, cụ thể: khiển trách 105 trường hợp; điều chuyển sang bộ phận khác 07 trường hợp, cho nghỉ việc 07 trường hợpvà 02 trường hợp bị cắt chức, cắt thi đua 61 trường hợp tại các đơn vị vì đã có hành vi, thái độ không đúng mực trong quy trình thực hiện nhiệm vụ đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó các cơ sở y tế đã tiến hành cải thiện cơ sở vật chất 202 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 498 trường hợp. Thông qua đường dây nóng, các cơ sở y tế cũng phát hiện và khen thưởng 101 trường hợp cán bộ y tế có thành tích, có thái độ, chuyên môn tốt.
Tin liên quan
- Điều chỉnh giấy phép hành nghề y cần có văn bằng gì?
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Tuyên Quang, trước kỳ họp Thứ 7, Quốc hội Khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Hà Nam trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Cao Bằng trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri Thành phố Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Đắk Lắk