Cử tri kiến nghị ngành Y tế quan tâm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ danh mục các loại thuốc điều trị cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới; đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn, kỹ năng mềm và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế để góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên (TP. Hồ Chí Minh).
27/05/2020 | 13:35 PM



Cử tri kiến nghị ngành Y tế quan tâm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ danh mục các loại thuốc điều trị cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới; đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn, kỹ năng mềm và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế để góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên (TP. Hồ Chí Minh).
Bộ Y tế xin trả lời như sau:
I. Về kiến nghị ngành Y tế quan tâm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần quyền lợi cho tất cả các những người có thẻ bảo hiểm y tế, thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, công cụ khuyến khích và thúc đẩy các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện đã có chuyển biến tích cực trong cải tiến quy trình khám bệnh, cải tiến các điều kiện phục vụ người bệnh, đổi mới phong cách, thái độ, đáp ứng sự hài lòng người bệnh, người có thẻ bảo hiểm y tế cũng được quan tâm chăm sóc như người không có thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tập trung các nhiệm vụ ưu tiên sau:
1. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh là trung tâm, mọi hoạt động trong bệnh viện phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Lãnh đạo, nhân viên y tế cần đổi mới quan điểm, tư duy về người bệnh và quản lý chất lượng, lấy "người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị", an toàn người bệnh là số 1, quản lý và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính "sống còn".
2. Tích cực triển khai các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh
Tích cực triển khai Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012, Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó nhấn mạnh các giải pháp: Cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng; cải tiến thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế; ứng dụng phát số khám bệnh tự động, bảng số điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc điện tử, phần mềm tương tác thuốc; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức đồng thời sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh và các buồng bệnh, mua bổ sung, thay thế bàn, ghế, giường, tủ, dụng cụ khám bệnh, điều hòa nhiệt độ, quạt điện, chăn, ga, gối, đệm, quần áo người bệnh ... tại khu vực khám bệnh và các buồng bệnh. Thực hiện tốt cam kết không nằm ghép sau giờ quy định.
3. Thực hiện nghiêm các văn bản, công cụ quản lý chất lượng đã ban hành gần đây
- Thông tư số 01/2013/TT-BYT ngày 11/01/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám chữa bệnh: Tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm thường xuyên và cải tiến nâng cao chất lượng xét nghiệm.
- Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện: Nghiên cứu áp dụng quy trình khám bệnh thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
- Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện: Khẩn trương, nghiêm túc thiết lập bộ máy, thành lập phòng/tổ quản lý chất lượng, nhân viên chuyên trách, mạng lưới chất lượng.
- Quyết định số 4276/QĐ-BYT ngày 14/10/2015 ban hành Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn đến năm 2025: Các Sở Y tế, bệnh viện và ban ngành cùng vào cuộc để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng riêng của mình cho phù hợp với thực tế và triển khai tích cực.
- Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện: Các bệnh viện dựa trên 83 tiêu chí để xác định những vấn đề tồn tại và ưu tiên để xây dựng các đề án cải tiến chất lượng cho từng bộ phận như khám bệnh, kế toán, dược, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng, dinh dưỡng, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng...
- Trong năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BYT Hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đây là một văn bản rất quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn cho người bệnh, hạn chế tối đa các sự cố y khoa có thể phòng ngừa được và là một Hướng dẫn thống nhất quy định liên quan đến nhận diện, phân loại, báo cáo sự cố và một số nguyên tắc cơ bản việc khắc phục, xử lý, xác định nguyên nhân, phòng ngừa sự cố trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với Thông tư số 43/2018/TT-BYT, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 7482/QĐ-BYT ngày 18/12/2018 về việc ban hành Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật, việc ban hành Bộ tiêu này là cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng phẫu thuật an toàn, bảo đảm người bệnh được tiếp cận dịch vụ phẫu thuật an toàn, chất lượng, kịp thời.
4. Tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng và triển khai các hướng dẫn kỹ thuật
Kể từ năm 2010 đến tháng 12/2019, Bộ Y tế đã ban hành 7.698 hướng dẫn quy trình kỹ thuật của 28 chuyên khoa và khoảng hơn 850 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng thông qua việc áp dụng, cập nhật, triển khai các hướng dẫn kỹ thuật và thông tư chuyên môn như Thông tư số 07/2015/TT-BYT áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh, Thông tư số 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 sửa đổi, bổ sung Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Quyết định số 7328/QĐ-BYT ngày 10/12/2018 của về Hướng dẫn chẩn đoán điều trị Đục thủy tinh thể - căn cứ để tiến tới việc kiểm định chất lượng lâm sàng đang được thực hiện tại các cơ sở có cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt tại Việt Nam và nhiều Thông tư, văn bản khác như bệnh viện vệ tinh, công tác luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới, tích cực chỉ đạo tuyến...
5. Xử lý kịp thời thông tin phản hồi của người dân
Các bệnh viện cần nghiêm túc xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân thông qua các kênh thông tin báo chí, hòm thư góp ý, đường dây nóng và kể cả các trang mạng xã hội, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-BYT về đường dây nóng.
6. Triển khai thực hiện đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 – 2025
Ngày 27/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025 với mục tiêu là nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm (sau đây gọi chung là các phòng xét nghiệm), nhằm giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã khẩn trương tổ chức triển khai một số nội dung chủ yếu:
- Hình thành, phát triển mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu trên toàn quốc: Hiện đã thiết lập hệ thống 03 Trung tâm kiểm chuẩn, tạo thành mạng lưới kiểm chuẩn xét nghiệm toàn quốc (Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm thuộc Trường Đại học Y Hà Nội; Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm thuộc Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh).
- Liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm trên toàn quốc bảo đảm thực hiện lộ trình sau:
+ Chậm nhất đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, đã thực hiện liên thông đối với các các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189, hướng dẫn áp dụng liên thông, công nhận đối với các xét nghiệm có trong danh mục và đã được công nhận chất lượng. Trong năm 2018, đã triển khai đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của 38 bệnh viện trực thuộc Bộ, làm căn cứ để xét liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện.
II. Về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ danh mục các loại thuốc điều trị cho các bệnh viện nhất là ở tuyến dưới
1. Trong những năm vừa qua, bên cạnh nguồn đầu tư từ Ngân sách địa phương, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt một số Chương trình, Đề án, dự án đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA để đầu tư nhằm tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho bệnh viện/trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã (Đề án đầu tư cho 47, Đề án Y tế cơ sở theo Quyết định số 2348, các dự án ODA hỗ trợ y tế địa phương...).
Ngoài các nguồn vốn trên, trong điều kiện ngân sách cho y tế còn nhiều khó khăn nên Chính phủ đã cho phép các cơ sở y tế được liên doanh, liên kết, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ.
Về cơ chế tài chính, thực hiện chủ trương cải cách tài chính công của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã trình Chính phủ điều chỉnh giá khám, chữa bệnh nhằm tính đúng tính đủ chi phí, tạo được nguồn thu phục vụ tái đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh. Các địa phương có thể sử dụng một phần ngân sách nhà nước hàng năm dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình kết cấu các khoản chi trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để chi đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để nâng cao chất lượng điều trị.
Theo phân cấp quản lý của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thì Ngân sách địa phương có nhiệm vụ chi đầu tư cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý; Ngân sách trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ. Vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế đều đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương theo đề nghị của Sở Y tế.
Do nhu cầu đầu tư còn rất lớn, nên rất cần sự quan tâm của các cấp Ủy đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc tăng cường đầu tư cho y tế địa phương để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, dần từng bước xóa bỏ tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế cũng đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội, các cử tri có ý kiến để Quốc hội tiếp tục tăng đầu tư cho y tế.
2. Trong những năm qua, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế đã được Bộ Y tế thường xuyên rà soát, sửa đổi và bổ sung. Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Có thể khẳng định rằng, Thông tư số 30/2018/TT-BYT đã đáp ứng được nhu cầu điều trị, phù hợp trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các Trạm y tế xã và bệnh viện tuyến huyện. Theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT, tuyến xã được sử dụng gần 400 hoạt chất, tuyến huyện được sử dụng hơn 800 hoạt chất bao gồm đầy đủ các nhóm chuyên khoa: gây tê, gây mê; giảm đau, hạ sốt, chống viêm; tim mạch, da liễu, tiêu hóa, hô hấp; thúc đẻ, cầm máu sau đẻ… với các dạng dùng khác nhau như thuốc uống, tiêm, dùng ngoài, đặt, miếng dán, nhỏ mắt, nhỏ tai.
Thông tư số 30/2018/TT-BYT đã bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công nghiệp dược; bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở như bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí tiền túi của người bệnh. Quy định này giúp tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được tiếp cận điều trị tốt hơn khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các Trạm y tế xã và Bệnh viện tuyến huyện giúp giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, Thông tư còn quy định trường hợp các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật của tuyến cao hơn theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thì được sử dụng các thuốc theo danh mục thuốc quy định đối với tuyến cao hơn, phù hợp với dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc cho y tế tuyến cơ sở.
III. Đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo về chuyên môn, kỹ năng mềm và đạo đức cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế để góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên
1. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Như vậy, bên cạnh việc thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các cán bộ y tế tuyến trên phải thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn để giúp đỡ tuyến dưới. Bộ Y tế còn triển khai chính sách khuyến khích bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác có thời hạn ở bệnh viện thuộc các vùng miền núi, vùng khó khăn, góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở y tế tuyến dưới.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả của việc tăng cường năng lực cho y tế cơ sở để làm tốt nhiêm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm các trường hợp chuyển tuyến không cần thiết, ngày 24/8/2018 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 5168/QĐ-BYT về phê duyệt Đề án: “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 – 2020” trong đó các nội dung bao gồm: lựa chọn một số bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện hạng 1 thuộc Sở Y tế thành phố Hà Nội, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về 26 xã điểm; Xây dựng mô hình mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận cán bộ bệnh viện tuyến Trung ương về khám, chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để chẩn hóa phác đồ điều trị. Chuyển giao công nghệ khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế xã, phường. Tạo phong trào thực hiện nghĩa vụ luân phiên các bộ từ trung ương, tỉnh, huyện xuống xã.
2. Phát triển mạnh mạng lưới bệnh viện vệ tinh
- Số lượng bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh tham gia đề án không ngừng tăng lên: Đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân (14 bệnh viện trực thuộc Trung ương, 8 bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, 01 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa cũng tham gia Đề án.
- Đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh: Các bệnh viện hạt nhân đã khảo sát nhu cầu khám, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các nhóm bệnh chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển như cấp cứu tim mạch, cấp cứu sản khoa, chấn thương sọ não…Các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh thống nhất các kỹ thuật để chuyển giao và cách thức chuyển giao các kỹ thuật này.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đề án: Thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa Bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine) trong hoạt động Đề án. Đảm bảo 100% các bệnh viện vệ tinh thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa với Bệnh viện hạt nhân.
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của bệnh viện vệ tinh để phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật: Các Bệnh viện hạt nhân đã được trang bị máy mô phỏng và nhiều thiết bị khác để phục vụ việc đào tạo cho các kíp kỹ thuật bệnh viện vệ tinh.Bệnh viện vệ tinh được trang bị máy, trang thiết bị để phục vụ việc tiếp nhận kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc.
- Đã tạo được sự thay đổi nhận thức trong cán bộ y tế về hoạt động của mô hình bệnh viện vệ tinh trong nâng cao năng lực cho y tế cơ sở thông qua công tác truyền thông: Tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuyên truyền hình ảnh, hoạt động của đề án bệnh viện vệ tinh và các hoạt động đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
3. Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình
Tính đến hết tháng 12/2017, đã có 14 tỉnh, thành phố tham gia Đề án thành lập 340 phòng khám Bác sỹ gia đình với nhiều mô hình khác nhau. Trong số 340 phòng khám Bác sỹ gia đình đã được thành lập, có 297 phòng khám Bác sỹ gia đình công lập và 43 phòng khám Bác sỹ gia đình tư nhân, kết quả thu được ban đầu như sau:
Lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Trong giai đoạn 2013 – 2017, các phòng khám Bác sỹ gia đình đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 81.765 người bệnh, trong đó 86,7% người bệnh tại các phòng khám Bác sỹ gia đình thuộc khối bệnh viện quận, huyện. Chỉ có 12,8% người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế.
Thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh: Theo kết quả điều tra, tính đến hết năm 2017, các phòng khám Bác sỹ gia đình tại các tỉnh/thành phố đã thực hiện được 1.166.214 lượt khám bệnh, chữa bệnh; 4.285 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu; 13.429 ca thủ thuật; chuyển tuyến 35.708 ca và khám bệnh tại nhà 6.804 ca.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Tp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018 -2020”
Đây là để án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người dân của các xã này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Đề án: “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025” (kèm theo Quyết định số 1718 ngày 10/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế), mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn. Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện. Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Đảm bảo đến năm 2020: ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; Đến năm 2025: 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
5. Về nâng cao đạo đức nghề nghiệp: Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đổi mới toàn diện ngành Y tế, đặc biệt là đổi mới về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế “Xanh-sạch-đẹp”. Theo đánh giá độc lập, đánh giá sự hài lòng người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện thuộc Trường và Bệnh viện tuyến tỉnh, năm 2018 có 83,7% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế. Tỷ lệ hài lòng theo tuyến cung cấp dịch vụ: càng lên tuyến trên tỷ lệ hài lòng của người sử dụng dịch vụ đối với các cơ sở y tế công lập càng cao (84,5%, đối với tuyến trung ương, 83,3% đối với tuyến tỉnh) và đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành Y tế vào năm 2020 (mức >80%).
Bộ Y tế tổ chức thí điểm chương trình khảo sát sự hài lòng của người bệnh qua điện thoại tại 60 bệnh viện trong 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả: Sự hài lòng chung của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh đạt 80,8% (năm 2017 đạt 79,6%).
Tin liên quan
- Điều chỉnh giấy phép hành nghề y cần có văn bằng gì?
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Tuyên Quang, trước kỳ họp Thứ 7, Quốc hội Khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Hà Nam trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Cao Bằng trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri Thành phố Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Đắk Lắk