Đề nghị hướng dẫn về thẩm quyền quyết định phân cấp và kiểm tra việc thực hiện phân cấp đối với một số gói thầu mua sắm thuốc của cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế. Do quy định về chủ thể thực hiện phân cấp đối với một số gói thầu mua sắm thuốc của cơ sở y tế là “Chủ tịch UBND tỉnh” quy định tại điểm d, Khoản 3 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế mâu thuẫn với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
28/05/2020 | 08:03 AM



Đề nghị hướng dẫn về thẩm quyền quyết định phân cấp và kiểm tra việc thực hiện phân cấp đối với một số gói thầu mua sắm thuốc của cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế. Do quy định về chủ thể thực hiện phân cấp đối với một số gói thầu mua sắm thuốc của cơ sở y tế là “Chủ tịch UBND tỉnh” quy định tại điểm d, Khoản 3 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế mâu thuẫn với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cụ thể: Theo Khoản 2, Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Việc phân cấp phải được thể hiện bằng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan phân cấp; Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: Văn bản quy phạm pháp luật do cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành gồm Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và Quyết định của UBND cấp tỉnh. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh không ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân cấp như Thông tư số 15/2019/TT-BYT đã quy định mà việc phân cấp phải là của UBND tỉnh (Bắc Kạn).
Bộ Y tế xin trả lời như sau:
Thực tiễn đấu thầu thuốc cho thấy để đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ người bệnh thì hàng năm mỗi cơ sở y tế sẽ phải tổ chức rất nhiều kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng nhiều hình thức khác (đấu thầu rộng rãi, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu...) với quy mô rất khác nhau (từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng trăm tỉ đồng). Như vậy, hàng năm số lượng các kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét phê duyệt là rất lớn (lên đến hàng chục, hàng trăm kế hoạch lựa chọn nhà thầu mỗi năm). Bên cạnh đó, có những gói thầu quy mô nhỏ mua để phục vụ nhu cầu cấp bách như thuốc cấp cứu, thuốc giải độc, thuốc hiếm, thuốc kiểm soát đặc biệt, thuốc phòng chống dịch,...cần cải cách thủ tục hành chính để tăng tính chủ động, linh hoạt cho các cơ sở y tế trong việc mua thuốc phục vụ nhu cầu cấp bách.
Trên cơ sở làm rõ quy định về phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016, Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 đã hướng dẫn rõ hơn nội dung phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (tại Khoản 1 Điều 17).
Theo ý kiến của cử tri việc phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gặp khó khăn do phải thực hiện đồng bộ với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bộ Y tế ghi nhận ý kiến của cử tri để phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn triển khai nội dung trên.
Tuy nhiên, về cơ bản việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế không bị ảnh hưởng do thẩm quyền phê duyệt kế hoạch vẫn thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố có thể tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 15/2019/TT-BYT), cụ thể:
Theo Khoản 7 Điều 22 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn: “ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh”. Như vậy, theo quy định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc các Sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (ví dụ Giám đốc Sở Y tế) để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu toàn bộ hoặc một số kế hoạch lựa chọn nhà thầu do các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố. Việc ủy quyền phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.
Tin liên quan
- Điều chỉnh giấy phép hành nghề y cần có văn bằng gì?
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Tuyên Quang, trước kỳ họp Thứ 7, Quốc hội Khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Hà Nam trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Cao Bằng trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri Thành phố Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
- Bộ Y tế trả lời kiến nghị Cử tri tỉnh Đắk Lắk