Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, Bác sĩ mổ lấy thai cứu sống em bé ngay tại Phòng Cấp cứu tim mạch
20/08/2016 | 09:12 AM



Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 20/08/2016, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà Sản phụ N.T.T (25 tuổi, quê ở Cao Bằng)
muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ Đơn vị Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch (C1) Viện Tim mạch BV Bạch Mai. Cụ thể như sau: Sản phụ N.T.T (25 tuổi) được chuyển đến phòng cấp cứu C1 từ phòng tim mạch Nhi C5 trong tình trạng tính mạng cả mẹ lẫn con đều bị đe dọa nghiêm trọng. Ngay sau khi nhận được thông báo, PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng, Trưởng Đơn vị Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch (C1), Viện Tim Mạch nhận định, cần phải cấp cứu tốt nhất và hy vọng cứu sống được mẹ đồng thời đảm bảo được sự sống cho thai nhi trong thời gian cấp cứu. Đồng thời tiên lượng nếu mẹ phải hồi sinh tim phổi kéo dài hoặc không qua được thì phải có phương án mổ lấy thai (mổ bắt con) ngay lập tức. Và như vậy, nếu mổ bắt con thì phải mổ ngay tại giường cấp cứu vì di chuyển bệnh nhân đi đâu lúc này là không thể. Tinh thần này được nhanh chóng phổ biến tới toàn thể lực lượng cấp cứu và khi đó, ngay lập tức PGS. Cường và các bác sĩ, nhân viên y tế Viện Tim Mạch liên lạc với các khoa Sản và Nhi để phối hợp hành động. Dưới sự chỉ huy và kết nối của PGS. Cường, các ê kíp cấp cứu, bao gồm ê kíp hồi sinh tim phổi, ê kíp phẫu thuật, ê kíp hồi sức sơ sinh, nhóm nhân viên y tế hỗ trợ những phần việc phát sinh trong cấp cứu nhanh chóng được hình thành và mỗi ê kíp đảm bảo tốt nhất phần việc của mình được giao.
Theo PGS. Cường, đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh có luồng thông đảo chiều, suy tim giai đoạn rất muộn như bệnh nhân T. thì hàm lượng oxy trong máu rất thấp nên lượng oxy đến thai cũng ít. Khi bệnh nhân ngừng tim thì oxy cung cấp cho thai nhi càng kém nên nguy cơ thai nhi bị ngạt và tim thai ngừng đập là rất lớn nên các bác sĩ phải tính toán từng giây, từng phút không những cho mẹ mà phải cho cả con. Khi hồi sinh tim phổi cho sản phụ được khoảng 15 phút mà chưa có kết quả khả quan, tiên lượng sản phụ có thể còn phải cấp cứu ngừng tuần hoàn lâu hơn và thai nhi có thể bị ngạt nên PGS. Cường đã đưa ra quyết định mổ bắt con, hy vọng thai nhi 33 tuần tuổi có thể nuôi dưỡng được và tránh nguy cơ thai nhi bị ngạt hoặc ngừng tim, đồng thời tăng thêm hi vọng cho hồi sinh tim phổi đối với mẹ - TS.BS Phạm Minh Tuấn (C1) là người trực tiếp ép tim cho sản phụ, cùng với ThS.BS Văn Đức Hạnh đã không ngần ngại triển khai sát khuẩn vùng bụng để kịp thời mở đường cho bác sĩ Dương Văn Quất, BS. Vương Quỳnh Nga (Khoa Sản) tiến hành mổ bắt con của sản phụ ngay khi tiếp cận bệnh nhân. “Tại thời điểm đó, chúng tôi cần phải tiết kiệm từng giây cho cháu bé, chính vì vậy mặc dù không phải là bác sỹ sản khoa nhưng tôi đã không ngần ngại thực hiện các thao tác ban đầu chuẩn bị cho ca mổ bắt con. Điều chúng tôi lo lắng nhất lúc bấy giờ là khi mổ cứu thai nhi ra khỏi bụng thì em bé chưa có nhịp tim. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, các bác sĩ Cao Thị Bích Hảo cùng với các điều dưỡng Khoa Nhi tiến hành hồi sinh tim phổi (ép tim, đặt ống bóp bóng qua nội khí quản, bơm adrenalin qua nội khí quản), sau vài phút, tim cháu bé đã đập trở lại, bé hồng hào hơn, có những phản xạ của sự sống và được chuyển về Khoa Nhi để hồi sức tiếp tục. Trong những ngày đầu, cháu bé vẫn còn phải thở máy nhưng mấy ngày nay, cháu đã có thể tự thở được và vẫn được nuôi trong lồng ấp... Mẹ cháu mặc dù đã được các bác sĩ tích cực hồi sinh tim phổi nhưng trái tim chị đã vĩnh viễn ngừng đập. Các thày thuốc chúng tôi lúc này đây vẫn có cảm giác mừng vui buồn lẫn lộn, mừng vì cứu được em bé nhưng đau xót vì mẹ của bé đã không còn…”