TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 01-10/9/2017

10/09/2017 | 14:06 PM

 | 

 

1. Bác sỹ Bệnh viện Việt Đức cứu sống bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ hiếm gặp do tai nạn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cứu sống một bệnh nhân bị chấn thương eo động mạch chủ hiếm gặp bằng phương pháp can thiệp đặt stent graft, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Bệnh nhân Nguyễn Huy B., nam – 23 tuổi, trú tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó thở, huyết áp 90/50 mmHg, có sốc, ép tim, mất máu, áp lực tĩnh mạch trung ương tăng 14-15cm nước. Qua thăm khám kỹ lưỡng với các kết quả cận lâm sàng như x quang ngực và CT scanner 64 dãy, cho chẩn đoán kịp thời và chính xác là bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ, gây tụ máu lớn ở trung thất và màng ngoài tim, tràn máu màng phổi hai bên, nguy cơ tử vong rất cao nếu không can thiệp ngay. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, vỡ eo động mạch chủ là một bệnh lý rất hiếm gặp ở Việt Nam. Eo động mạch chủ là vùng ranh giới giữa quai động mạch chủ và động mạch ngực, nên khi bị chấn thương eo động mạch chủ, đa số các trường hợp bị tử vong ngay sau tai nạn. Các triệu chứng như: đau ngực, khó thở, x quang ngực thấy trung thất trên rộng là các dấu hiệu tốt gợi ý có chấn thương của eo động mạch chủ. Một số trường hợp còn sống và được chuyển đến bệnh viện nhờ thương tổn vỡ eo chưa quá nặng, nhưng chẩn đoán thường rất khó vì bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, lại hay kèm tình trạng sốc rất nặng, bệnh cảnh đa chấn thương, nên nguy cơ tử vong vẫn rất cao do chẩn đoán và điều trị chưa kịp thời. Chỉ có một số rất ít trường hợp thương tổn đụng giập eo động mạch chủ nhẹ, sau vài tuần đến vài tháng tiến triển thành khối giả phồng động mạch, tức là thể mạn tính của thương tổn, thì mới có tiên lượng khá tốt nhờ tiến triển chậm và kỹ thuật điều trị không cấp cứu.

 

2. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á kịp thời cứu sống bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Xuyên Á vừa kịp thời cứu sống bệnh nhân N.T.N.(60 tuổi quê tỉnh Kiên Giang) bị phình động mạch chủ bụng. Thấy đau bụng, ông N. tìm bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ phát hiện động mạch chủ bụng của ông đang phình to khổng lồ như quả bong bóng, có thể “nổ” bất cứ lúc nào; đặc biệt khối phình này đang đẩy lệch các cấu trúc kế cận, bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong. Theo người nhà của ông N.T.N.(60 tuổi quê tỉnh Kiên Giang), những ngày gần đây, ông N. thấy bụng của mình hay đau râm ran, ông nghĩ chắc do ăn uống gì đó không hợp nên đau bụng. Sau đó, ông N. tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) để kiểm tra.Tại đây, ông N.cho biết mình bị đái tháo đường và huyết áp cao đã điều trị nhiều năm qua. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã chỉ định ông N. chụp MSCT160 lát cắt dựng 3D vùng bụng thì phát hiện bệnh nhân có khối phình động mạch chủ bụng khổng lồ, đường kính lên đến 60x70mm. Khối phình kéo dài ngay dưới hai động mạch thận cho đến các động mạch chậu chung. Các bác sĩ nhận định khối phình của bệnh nhân này rất lớn, kèm theo triệu chứng đau bụng, hình ảnh viêm quanh khối phình rõ nên quyết định phẫu thuật gấp để cứu sống bệnh nhân, nếu chậm trễ khối phình trên bị vỡ, đe dọa đến tính mạng. TS.BS Nguyễn Văn Châu – Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho hay trong quá trình mổ các bác sĩ ghi nhận khối phình cực lớn này (đường kính 6 - 6.5cm) đang đẩy lệch các cấu trúc kế cận, đặc biệt khi mở ra, thành khối phình rất mỏng và "mủn nát dễ rách". Loại tổn thương này nguy cơ vỡ rất lớn. Các bác sĩ tiến hành khống chế động mạch chủ - chậu, cắt bỏ khối phình, ghép mạch máu nhân tạo bằng Dacron hình chữ Y để thay thế động mạch chủ bụng và hai động mạch chậu chung bị bệnh lý. “Ca phẫu thuật thành công, đến hôm nay (1.9) bệnh nhân đã phục hồi tốt, các chỉ số sinh hiệu gần như bình thường.Nếu không có gì thay đổi, bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ Châu cho biết. Theo bác sĩ Châu phình động mạch chủ bụng là một bệnh lý mạch máu nguy hiểm, có thể tiến triển âm thầm trong nhiều năm, túi phình mạch máu kích thước lớn có nguy cơ vỡ cao, đe dọa đến tính mạng người bệnh. “Người dân nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi thấy có các triệu chứng như: có khối ở vùng bụng đập theo nhịp mạch, hoặc khi đang theo dõi phình động mạch chủ bụng mà có triệu chứng đau bụng nhiều, hoặc đau bụng xuất hiện đột ngột... đến bệnh viện ngay tức khắc để kiểm tra. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu bệnh lý tim mạch, mạch máu và lồng ngực như: bệnh tim bẩm sinh, hẹp van tim, hở van tim, cầu nối mạch vành, phình - hẹp động mạch chủ bụng, các bệnh mạch máu ngoại vi, suy giãn tĩnh mạch, u phổi, chấn thương ngực...thì nên đến những bệnh viên có các chuyên khoa tim mạch để kiểm tra sớm nhằm phát hiện và điều trị kịp thời”, bác sĩ Châu khuyến cáo.

 

3. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu thành công bệnh nhân hẹp động mạch cảnh trong: Theo thông tin Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 1/9, lần đầu tiên các bác sỹ Khoa Cấp cứu can thiệp tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu thành công bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh trong. Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Hải, 68 tuổi trú tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột.Ngày 17-8, ông Hải nhập viện trong tình trạng say xẩm mặt mày. Sau khi thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk xác định: Bệnh nhân có hẹp xơ vữa 90% động mạch cảnh trong. Với trường hợp này, nguy cơ gây tắc mạch máu cao, dễ bị tai biến, nhồi máu não và tử vong có thể xảy ra. Vì vậy, ngày 28-8, các bác sĩ của khoa quyết định thực hiện thủ thuật nong đoạn hẹp bằng bóng và đặt stent qua đoạn hẹp cho bệnh nhân này dưới sự hỗ trợ của máy DSA. Sau khi thực hiện thủ thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hiện tại đang được tiếp tục theo dõi và sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, đây là kỹ thuật cao lần đầu được thực hiện thành công tại bệnh viện và toàn bộ chi phí thủ thuật cho bệnh nhân được miễn phí hoàn toàn với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh hình Nghệ An lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật phức tạp chuyển vạt da tự do cho bệnh nhân bị khuyết phần mềm lộ xương: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 1/9, các bác sỹ Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An đã tiến hành vi phẫu chuyển vạt tự do cho bệnh nhân bị khuyết hổng phần mềm cẳng chân lộ xương. Đây là kỹ thuật phức tạp trong vi phẫu chuyển các vạt da che khuyết hổng phần mềm, lần đầu tiên được triển khai tại Nghệ An. Bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng kỹ thuật này trong điều trị là chị Nguyễn Kiều Loan (25 tuổi) ở Nghi Kim Nghi Lộc bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng mất da phần mềm toàn bộ phần cẳng chân diện rộng. Sau khi khám, hội chẩn các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình Nghệ An đã tiến hành phẫu thuật chuyển vạt tự do cho bệnh nhân; với sự hỗ trợ các bác sỹ chuyên khoa Vi phẫu, Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh hình TP.HCM.  Theo Bác sỹ Nguyễn Duy Quyết – Trưởng khoa Chi trên, Bệnh viện Chấn Thương – Chỉnh hình Nghệ An, với các trường hợp bệnh nhân bị khuyết hổng lộ xương lớn, nguy cơ nhiễm trùng và cắt cụt chi rất cao. Trước đây, hầu hết các trường hợp này phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Với việc triển khai kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt tự do cho bệnh nhân bị khuyết hổng phần mềm cẳng chân lộ xương, các bác sĩ tiến hành di dời một vạt da ở vùng khác trên cơ thể của người bệnh để khâu nối các cuống mạch vào vùng nhận, che vùng lộ xương. Đây là kỹ thuật cao trong phẫu thuật tạo hình.Kỹ thuật này được triển khai thành công sẽ mở ra hướng điều trị mới cho bệnh viện đồng thời giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. 

 

5. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống cụ bà 90 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp và nhiều sỏi mật: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cấp cứu và cứu sống cụ bà 90 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, nhiều sỏi ống mật chủ biến chứng viêm mủ đường mật. Trước đó, lúc 8h30, ngày 24/8, bệnh nhân Hứa Thị Thọ được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau ngực nhiều. Tại bệnh viện, bệnh nhân khai, cách nhập viện 5 tiếng, bệnh nhân bị đau ngực, kèm đau thượng vị, nôn, ói. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp và được can thiệp mạch vành cấp cứu. Sau can thiệp tình trạng ổn định bệnh nhân hết đau ngực.Tuy nhiên, 8 tiếng sau can thiệp, bệnh nhân sốt cao, ấn đau thượng vị, mắt vàng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng tắc mật, nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường mật do sỏi đoạn cuối ống mật chủ, nhồi máu cơ tim thành dưới ngày 2 đã đặt stent. Bệnh nhân có chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng. Bác sĩ tiến hành đặt 2 stent, mật thông chảy tốt.Sau can thiệp cụ Thọ hết sốt, hết đau bụng, bớt vàng da vàng mắt, sinh hiệu ổn và có thể ra viện trong vài ngày tới.

 

 

6. Người bệnh chưa hài lòng về cách khám, hỏi bệnh của bác sĩ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, nhiều người bệnh chưa hài lòng về cách khám, hỏi bệnh của bác sỹ ở một số bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát ý kiến của người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố> PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, việc khảo sát là nhằm chủ động thông tin về sự không hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các BV. Kết quả khảo sát trong tháng 6.2017 của Sở Y tế TP.HCM về sự không hài lòng của bệnh nhân (BN) đi khám, chữa bệnh tại 53 bệnh viện (BV) công lập tại TP, cho thấy có 1.177 lượt bấm vào máy khảo sát ở nội dung không hài lòng với cách hỏi bệnh của bác sĩ (BS), xếp thứ 4 trong 13 nội dung khảo sát. Còn khảo sát trong tháng 7 thì lượt bấm tăng lên 1.213, vọt lên một bậc, xếp thứ 3 trong 13 nội dung khảo sát. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, việc khảo sát là nhằm chủ động thông tin về sự không hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các BV, để nâng cao trách nhiệm của BV - phải chủ động giám sát tìm nguyên nhân để có giải pháp cải tiến. Từ khi Bộ Y tế thiết lập đường dây nóng, đã có hơn 2.000 cuộc gọi đến có giá trị phản ánh. Trong đó, nhiều nhất là phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ y tế. “Cách giao tiếp ứng xử, hỏi bệnh còn lệ thuộc vào cá nhân mỗi BS do BV chưa tập huấn kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh đó là sự giám sát giao tiếp ứng xử của BS chưa được BV chủ động và ưu tiên thực hiện”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói. PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng khám BS gia đình (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM), cho rằng trong quy trình đào tạo sinh viên y khoa rất chú trọng việc hỏi bệnh và giao tiếp với BN, theo hai chiều: Hỏi và lắng nghe. Đây là việc bắt buộc. Việc đào tạo này bắt đầu từ năm thứ 3. Theo PGS-TS Hiệp, một cuộc khám bệnh bình quân từ 10 - 15 phút, trong đó hỏi bệnh từ 5 - 7 phút. Tùy vào tình huống, bệnh tật mà hỏi chứ không bắt buộc thời gian cố định. Việc hỏi bệnh giúp BS có định hướng chẩn đoán, suy luận lâm sàng phù hợp. “Việc hỏi bệnh còn mang tính chất tâm lý. Bởi vì khi mắc bệnh, BN cần hỏi và BS giải đáp sẽ tạo thêm tin tưởng, giải tỏa lo lắng cho BN”, PGS-TS Hiệp nhận xét.

 

7. Các bác sĩ Sài Gòn vượt 2.000km chữa bệnh cho bà con ở bản Y Tý, Lào Cai:  Theo tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế trong ngày 1 và 2.9, tập thể y, bác sĩ nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã vượt hơn 2.000 km đến với đồng bào vùng cao Bát Xát, Lào Cai để khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho đồng bào các dân tộc nơi đây.Trước khi tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân đoàn các y, bác sĩ đã tổ chức khánh thành bàn giao và đưa vào sử dụng công trình nâng cấp cải tạo phòng khám dân quân y kết hợp cho Đồn biên phòng Y Tý. Công trình có trị giá trên 300 triệu đồng gồm các hạng mục xây dựng nâng cấp phòng khám, và trang bị các thiết bị y tế phục cho tác khám chữa bệnh. Toàn bộ số kinh phí trên do các các y bác sĩ Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, một số phòng khám, y bác sĩ của nhiều bệnh viên trên địa bàn thành phố quyên góp ủng hộ. Tại phòng khám dân quân y kết hợp, các y, bác sĩ từ thành phố Hồ Chí Minh, đã khám chữa bệnh cho nhân nhân gồm về mắt, siêu âm, răng hàm mặt, và các bệnh khác. Trong ngày 2.9, các y bác sĩ đã khám cho gần 300 lượt người dân thuộc địa bàn các xã Y Tý, Ngải Thầu, A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ngoài ra mỗi một người dân đến khám chữa bệnh tại đây còn nhận được một phần quà bằng tiền mặt trị giá 100 nghìn đồng từ các y, bác sĩ. Đợt khám bệnh lần này các y, bác sĩ đã cấp thuốc miễn phí cho người dân trị giá trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, các y, bác sĩ trình còn tổ chức tư vấn sức khỏe, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách vệ sinh phòng dịch bệnh và thực hiện chế độ ăn uống hợp lý.Việc tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo trên địa bàn biên giới là một trong những hoạt động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các y bác sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc trên biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc còn khó khăn... qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân. Thể hiện rõ trách nhiệm giữa hậu phương luôn hướng về biên giới.

 

8. Các bác sỹ đơn vị Tim mạch Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cứu sống cháu bé 3 tháng tuổi bị nhiều tật tim bẩm sinh: Theo thông tin từ Đường Dây  nóng Bộ Y tế, các bác sĩ thuộc đơn vị Tim mạch của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hoàn Mỹ Cửu Long đã điều trị thành công trường hợp cháu bé chỉ mới 3 tháng tuổi  mắc nhiều tật tim bẩm sinh, giúp cháu bé vượt qua cơn nguy kịch. Đây là một trong những ca điều trị tim bẩm sinh đối với bệnh nhi nhỏ tháng tuổi nhất tại ĐBSCL. Cháu N.K (3 tháng tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) cân nặng 5,6 kg được chẩn đoán và xác định mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên thất, liên nhĩ kèm theo còn ống động mạch và đã được các bác sĩ xử trí kịp thời. Đội ngũ ekip các bác sĩ của BV dưới sự hỗ trợ và tư vấn của BS Nguyễn Trung Kiên, Viện Tim Hà Nội đã thực hiện can thiệp bít dù ống động mạch qua da cho bé. Đây cũng là ca can thiệp bít dù thành công cho trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất từ trước đến nay tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. Nói về bệnh tình của cháu, chị T (mẹ cháu K.) cho biết, “Gia đình phát hiện cháu mắc tim bẩm sinh từ 1 tháng tuổi trong một lần cho cháu tham gia chương trình tầm soát tim mạch miễn phí cho trẻ em tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long và được chính bác sĩ Nguyễn Đình Đại Khánh, Trưởng khoa Tim Mạch Can Thiệp, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long trực tiếp siêu âm và phát hiện cháu mắc tim bẩm sinh. Nhưng vì còn nhỏ tháng và nhẹ cân nên cháu bé cần được tiếp tục nuôi dưỡng và theo dõi đến đúng thời điểm cần thiết thì mới có thể thực hiện can thiệp”. BS Nguyễn Đình Đại Khánh cho biết thêm, “Cháu nhập viện trong tình trạng thở khó, viêm phổi, tăng áp động mạch phổi gây suy tim, dẫn đến nguy cơ mất sự sống là rất cao. Tại đây, cháu bé đã được các bác sĩ can thiệp bít ống động mạch bằng dụ cụ qua da, ca can thiệp diễn ra thành công”. Sau 2 ngày điều trị, hiện tình trạng sức khỏe của cháu K đã ổn định, và được các bác sĩ cho xuất viện trong niềm vui của gia đình.

 

9. Người nhà sản phụ cho rằng y bác sỹ tắc trách khiến thai nhi 32 tuần tuổi tử vong: Theo tin từ Đường Dây nóng Bộ Y y, người nhà sản phụ Hoàng Thị Nhung (27 tuổi, trú ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, sản phụ mang thai 32 tuần tuổi nhưng sau khi nhập viện vào Bệnh viện Trung ương (TW) Huế, thai nhi trong bụng chị Nhung đã tử vong khiến gia đình sản phụ này vô cùng đau đớn, bức xúc. Trong ngày 6/9, anh Võ Hoài Nam (33 tuổi, chồng chị Nhung) đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan thẩm quyền để yêu cầu làm rõ vụ việc thai nhi 32 tuần tuổi trong bụng vợ anh tử vong sau khi nhập viện tại bệnh viện TW Huế. Trước thông tin dư luận liên quan đến vụ việc này, trưa 6-9, bệnh viện TW Huế đã tổ chức buổi trao đổi thông tin với đại diện gia đình sản phụ Hoàng Thị Nhung và các cơ quan thông tấn báo chí. Tại buổi làm việc, BSCKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện TW Huế cho biết, sản phụ Nhung vào viện lúc 18h25 ngày 3-9 tại phòng Sinh của khoa Sản với chẩn đoán thai lần 3, 33 tuần, dọa sinh non, tiền sử thai chết lưu không rõ nguyên nhân. Khai thác bệnh sử, sản phụ đã khám thai tại phòng khám tư ngoài bệnh viện và được siêu âm nhiều lần với kết quả: "Dạ dày không thấy trong quá trình khảo sát sau khi cho bệnh nhân chờ 30 phút để khảo sát. (Theo y văn, dị tật bẩm sinh teo thực quản không thấy dạ dày trên siêu âm thì khả năng thai chết trong tử cung là 83%). Theo đó, tại thời điểm nhập viện bệnh nhân tỉnh táo, mạch 90 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg; chiều cao tử cung 25cm, vòng bụng 88cm, ngôi đầu, thế trái, cơn co tử cung thưa. Sản phụ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế theo hướng dọa sinh non và trưởng thành phổi. Theo BS Tuyên, vào lúc 19h45 cùng ngày, sản phụ Nhung được tiến hành đo tim thai và không phát hiện được tim thai. Sản phụ được siêu âm thai cấp cứu và ghi nhận tim thai âm tính, trọng lượng thai khoảng 1.900gr, dạ dày thai nhi khó quan sát. Đến 20h ngày 5-9, sản phụ sinh thường, tình trạng mẹ sau sinh ổn định. “Để xác định chính xác nguyên nhân tử vong của thai nhi, Bệnh viện đề nghị chuyển thai nhi đến khoa Giải phẫu bệnh để tiến hành mổ xác nhằm tìm hiểu nguyên nhân tử vong và có hướng dự phòng cho những lần có thai tiếp theo của sản phụ. Tuy nhiên anh Võ Hoài Nam, chồng sản phụ không đồng ý và viết giấy từ chối, xin đưa thai nhi về”, ông Tuyên nói. Tuy nhiên, theo anh Võ Hoài Nam, có nhiều chi tiết được phía bệnh viện TW Huế đưa ra là không đúng sự thật, bởi trên thực tế vợ anh nhập viện lúc 17h ngày 3/9 chứ không phải 18h25 như thông tin Bệnh viện cung cấp.  Ngoài ra, mốc thời gian đo tim thai bệnh viện đưa ra cũng không chính xác. Cụ thể, vợ anh được đo tim thai vào khoảng 20h30 ngày 3/9 chứ không phải lúc 19h45 như thông tin bệnh viện đưa ra. Anh Nam phản ánh, bệnh án của vợ anh có hiện tượng bị thay đổi về mốc thời gian đồng thời yêu cầu phía bệnh viện TW Huế cần làm rõ vụ việc và có lời giải thích xác đáng với gia đình. Trước đó, vào chiều 4/9, đại diện lãnh đạo Phòng Kế hoạch Tổng hợp và khoa Sản Bệnh viện TW Huế cùng một số nữ hộ sinh, bác sĩ trong kíp trực hôm xảy ra vụ việc đã làm việc với phía gia đình anh Nam. Tại buổi làm việc, những cá nhân liên quan đã thừa nhận trách nhiệm về sự sai sót dẫn đến cái chết của thai nhi trong bụng chị Nhung.

 

10. Các bác sỹ Bệnh viện Bưu điện phối hợp với các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai tiến hành ba ca mổ liên tiếp cứu sống người bệnh nguy kịch: Theo tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, bệnh nhân bị  tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được truyền gấp 3 lần lượng máu cơ thể trong suốt quá trình cấp cứu, phẫu thuật để giành giật lại sự sống. Ngày 7/9, Ths.BS Phạm Trường Giang, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Bưu điện) chia sẻ ca bệnh đặc biệt được các bác sĩ BV phối hợp cùng bác sĩ BV Bạch Mai cứu chữa thành công. Trước đó, khoảng 16h chiều ngày 30/8/2016, bệnh nhân Lương Xuân Quyền (29 tuổi) được đưa vào Phòng cấp cứu Bệnh viện Bưu điện trong tình trạng đa chấn thương nặng, lơ mơ, mất ý thức, da, niêm mạc nhợt, khó thở, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp thấp 70/40 mmHg, bụng chướng, đùi phải sưng nề từ gốc đùi, tiên lượng xấu do mất máu quá nhiều sau tai nạn giao thông. Ngay sau khi được chụp CT, lấy máu xét nghiệm, và hội chẩn trực tuyến với bác sĩ BV Bạch Mai, bệnh nhân đã được chuyển thẳng vào phòng mổ cấp cứu, với chẩn đoán sốc đa chấn thương, chấn thương sọ não, chảy máu màng mềm, chấn thương ngực kín, tràn máu – tràn khí màng phổi trái, chấn thương bụng kín, vỡ lách, gãy liên mấu chuyển xương đùi bên phải. Theo đó, bệnh nhân được thực hiện 2 cuộc phẫu thuật ngay ngày đầu nhập viện. Đầu tiên các bác sĩ cắt lách và dẫn lưu màng phổi tối thiểu nhưng chảy máu quá nhiều trong quá trình mổ vì rối loạn đông máu (do mất máu nhiều), các bác sĩ của 2 bệnh viện tiếp tục hội chẩn và quyết định phẫu thuật mở ngực để cầm máu cho bệnh nhân. Sau cuộc phẫu thuật này, bệnh nhân tương đối ổn định về huyết áp nhưng tiên tượng còn rất nặng. Tuy nhiên sau một đêm các bác sĩ tiếp tục hội chẩn liên viện lần thứ 3, quyết định phẫu thuật lấy khối máu tụ dưới màng cứng bán cầu não trái giải quyết tổn thương chèn ép não, nguyên nhân gây giãn đồng tử mắt trái của người bệnh. Sau ca phẫu thuật này, theo nguyện vọng của gia đình, BV Bưu điện đã chuyển BV lên BV Bạch Mai điều trị. BS Giang chia sẻ thêm, trước ca mổ các bác sĩ đã tiên lượng là một ca bệnh khó, nhưng khó hơn nữa là trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân bị chảy máu liên tục do rối loạn đông máu. Bác sĩ vẫn mổ, máu vẫn chảy vì thế lượng máu và các chế phẩm máu phải truyền lên đến 17 lít. Trong khi đó, ở một người khỏe mạnh bình thường cơ thể chỉ có từ 4 - 5 lít máu. May mắn, nhờ kíp phẫu thuật kịp thời đưa ra những chỉ định đúng đắn điều chỉnh rối loạn đông máu, thực hiện hồi sức tích cực, truyền máu trong phẫu thuật, trải qua hơn 3 giờ phẫu thuật với 17 lít máu được truyền, với sự tham gia của 11 bác sĩ, 16 điều dưỡng của Bệnh viện Bưu điện và các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại, bệnh nhân đang điều trị tại BV Bạch Mai trong tình trạng tạm ổn định. Tuy nhiên chụp CT sọ vẫn còn nhồi máu não. Tiên lượng bệnh nhân còn nặng, phải điều trị lâu dài song nhờ được cấp cứu kịp thời với sự tận tình, trách nhiệm của các bác sĩ, nhân viên y tế của cả 2 bệnh viện nên bệnh nhân đã thoát khỏi cơn nguy kịch.

 

11. Các bác sỹ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu bệnh nhân bàn tay dập nát vì bị cuốn vào máy xay thịt: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM ngày 7/9 tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân bị máy xay thịt cuốn bàn tay và tiến hành tháo máy ra khỏi bàn tay phải của bệnh nhân. May mắn ở đốt ngón số hai bị máy xay cuốn dính, vết thương không dập nát nhiều. Bác sĩ đã rửa, cắt lọc và khâu vết thương ngón tay cũng như nẹp bột cẳng bàn tay phải. Bệnh nhân được theo dõi nguy cơ hoại tử đốt xa ngón tay do chèn ép lâu. Chị làm việc tại một quán cơm chay ở TP HCM, khi đang dùng máy xay thịt để nghiền đậu phụ thì tay bị cuốn vào máy. Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận người phụ nữ bị máy xay thịt cuốn chặt cả cánh tay. Bác sĩ  dùng kềm cộng lực cắt phần máng của máy và phẫu thuật cắt bỏ phần bàn tay dính vào miệng máy. Bệnh nhân phải hy sinh bàn tay bên phải. Người làm bếp thường có thói quen lấy tay khuấy thịt trong máy xay. Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng khi dùng máy xay, thực hiện an toàn lao động, không cho tay vào máy để phòng ngừa tai nạn.

 

12. Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống thai phụ bị hôn mê sâu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế vừa cứu sống thai phụ Nguyễn Thị Mai (41 tuổi, trú Đức Xá, Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị) bị hôn mê sâu do rối loạn hạ đường huyết kéo dài vì suy tuyến giáp khi mang thai lần 3. Ngày 8/9, Th.s.BS. Thầy thuốc ưu tú Bùi Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết Khoa đã cùng phối hợp với Khoa Gây mê Hồi sức, Khoa Sản cứu sống thai phụ bị hôn mê sâu khi đang mang thai 35 tuần tuổi. Trước đó, thai phụ Mai được đưa từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vào Bệnh viện Trung ương Huế ngày 29/8. Qua chẩn đoán, bệnh nhân hôn mê sâu glasgore 3 điểm, mạch yếu, huyết áp thấp, nguy cơ tử vong rất cao.Các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực đã cho bệnh nhân dùng thuốc vận mạch dopamin và đặt nội quản thở máy và hồi sức tích cực. Sáng 30/8, cuộc hội chẩn liên khoa giữa khoa Hồi sức Tích cực, khoa Sản, khoa Gây mê Hồi sức đã tiến hành khẩn. Ngay sau đó, các bác sĩ đã mổ lấy thai. Ca mổ tiến hành tốt đẹp và cháu bé đã ra đời. Ngày 4/9, sản phụ Mai được ngưng thuốc vận mạch, ngày 6/9 được rút nội quản.Đến ngày 7/9 bệnh nhân tỉnh táo, glasgore 15 điểm. Thời gian ngắn sắp tới, bệnh nhân ổn định sẽ được chuyển qua khoa Sản. Riêng cháu bé đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi – Sơ sinh thuộc Trung tâm Nhi khoa tại bệnh viện. BS CK II. Lê Thị Công Hoa, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi – Sơ sinh cho hay hiện con sản phụ Mai đang được thở máy và điều trị tích cực tại khoa để nâng cao thể trạng. “Đây là ca đầu tiên chúng tôi gặp phải và các y bác sĩ đã cố gắng xử lý tình huống nhanh nhất.Kết quả thành công, bệnh viện đã cứu được cả 2 mẹ con”, Thầy thuốc ưu tú Bùi Mạnh Hùng trao đổi.

 

13. Nửa đêm các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 ‘báo động đỏ’ cứu thanh niên thủng tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng, một nam thanh niên bị đâm thủng tim, nhập viện lúc nửa đêm trong tình trạng “nghìn cân treo sơi tóc”, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) đã lập tức khởi động quy trình báo động đỏ, cứu thanh niên này thoát khỏi “lưỡi hái thần chết”. Ngày 8/9, TS.BS Cù Xuân Thanh - Chủ nhiệm khoa Lồng ngực, Bệnh viện Quân y 175 cho hay, bệnh viện vừa kịp thời mổ cứu sống một nam thanh niên bị đâm thủng tim được chuyển đến bệnh viện lúc nửa đêm trong tình trạng vết thương ở tim làm thủng thất phải đến 1,5 x 0,5 cm, gây chảy máu và chèn ép tim cấp. Bác sĩ Thanh cho biết, nam thanh niên tên Nguyễn Tiến Luân (19 tuổi, ngụ ở đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM) được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) vào lúc 1 giờ 10 ngày ngày 6.9, với một vết thương ngay ngực khoảng 2 cm máu chảy loang lổ, người lơ mơ, tím tái... Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện mạch bằng 0, còn huyết áp không đo được, nhịp tim rất mờ khoảng 150 lần/phút. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, đồng thời siêu âm tim thì phát hiện bệnh nhân bị dịch máu màng ngoài tim, chèn ép tim cấp. Các bác sĩ nhận định việc chèn ép tim cấp ở bệnh nhân Luân là do vết thương ở tim làm thủng thất phải đến 1,5 x 0,5 cm, gây chảy máu khiến trong khoang màng tim có đến 500 ml máu đông và không đông. Nếu không xử lý mổ cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong ngay. “Chúng tôi đánh giá đây là một trường hợp tử vong rất cao, mạng sống của bệnh nhân chỉ tính bằng phút, nên phải mổ ngay mới có cơ hội cứu sống bệnh nhân trong lúc này. Do đó ê kíp trực đã chỉ huy kích động quy trình báo động đỏ. Và rất nhanh, từ lúc nhập viện đến khi bệnh nhân phẫu thuật mở lồng ngực để xử lý vết thương tim chỉ trong vòng chưa tới 17 phút”, bác sĩ Thanh nói. Bác sĩ Thanh nhớ lại: “Ngay trong đêm, tất cả các bộ phận của bệnh viện từ ê kíp phẫu thuật cấp cứu tim đến gây mê, hồi sức, tiếp huyết... được được triệu tập để có mặt tại phòng mổ. Bệnh nhân được chuyển thẳng từ phòng cấp cứu lưu (C1-3) vào phòng mổ trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái. Mạch nhanh 120 lần/phút, huyết áp 80/40mm Hg. Các bác sĩ vừa gây mê vừa hồi sức và tiến hành mở lồng ngực để xử lý vết thương tim. Sau một thời gian các bác sĩ đã tiến hành khâu nối và xử lý thành công vết thương ở tim cũng như giải phóng máu ở khoang mang tim”. Cũng theo bác sĩ Thanh, hiện sau 2 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang phục hồi, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tại khoa Lồng ngực. “Trong những năm qua, bệnh viện đã mổ và thay van cho trên 400 bệnh nhân mắc bệnh lý van tim, mạch vành và cấp cứu thành công cho rất nhiều bệnh nhân bị thủng tim. Đây là ca điển hình minh chứng cho quy trình tổ chức, trình độ chuyên môn của các bác sĩ bệnh viện trong xử trí cấp cứu tối khẩn về tim”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

 

14. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng nối thành công cổ tay bị chém đứt lìa: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 8-9, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng vừa tiến hành thành công ca phẫu thuật nối cổ tay bị vật sắc chém đứt lìa. Trước đó, khuya ngày 6/9, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận nạn nhân Vũ Văn Vĩnh (23 tuổi), trú tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, trong tình trạng bị đứt lìa cổ tay trái. Hiện trạng vết thương được ghi nhận: đường kính dài 10cm, đứt gần lìa cổ tay vết thương gãy hở chẻ đôi, xương quay, toát hết đầu dưới khớp cổ tay, đứt toàn bộ gân cơ giữa các ngón tay, tổn thương mạch máu bên trụ. Ê kíp bác sĩ của bệnh viện đã mất hơn 2 tiếng tiến hành phẫu thuật để nối lại cổ tay cho nạn nhân. Bác sĩ Phùng Văn Hà, người thực hiện chính ca phẫu thuật cho biết, hiện cổ tay được nối lại của anh Vũ Văn Vĩnh đã sống, ấm hồng. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên phải mất khoảng 6 tuần cổ tay nạn nhân mới có thể phục hồi. Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc anh Vũ Văn Vĩnh đứt lìa cổ tay trái là do bị chém.

 

15. Các bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh ghép thận thành công cho bệnh nhân 76 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 8/9, các bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh vừa thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhân Đ.N.V (76 tuổi, ngụ Đồng Nai). Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Việt Nam. Theo  BS CKII Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa nội thận - miễn dịch ghép Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân V. được chẩn đoán: suy thận mạn, lọc máu đã 1 năm, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, tăng lipid máu, bệnh mạch vành, suy tim. Bệnh nhân V. có hai nguy cơ dẫn đến tử vong là bệnh mạch vành và suy thận phải lọc máu qua màng bụng (phương pháp thẩm phân phúc mạc).Tuy nhiên, để ghép thận thì bệnh nhân cần đặt stent mạch vành. Sau khi đặt 3 stent tại Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh thì bệnh nhân liền được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị 3 tháng để chuẩn bị ghép thận. Điều khó khăn là bệnh nhân đang sử dụng 2 loại thuốc chống đông máu đồng thời, loại sử dụng 6 tháng và loại cả đời. Muốn ghép thận thì phải ngưng sử dụng thuốc chống đông máu trước phẫu thuật 5 ngày. Do vậy, trước 5 ngày ghép thận, các bác sĩ phải theo dõi tình trạng đông máu bệnh nhân hằng ngày, nếu để máu đông sẽ gây tắc nghẽn, bệnh nhân tử vong. Ngày 15/8, sau 4 giờ phẫu thuật lấy thận từ người hiến tự nguyện và ghép, ca phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân V. tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã thành công. Theo BS CKI Tạ Phương Dung, nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, cứ 3 người trên 75 tuổi lọc máu trong vòng 1 năm đầu tiên thì có 1 người tử vong. Nếu không ghép thận thì tình trạng tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… của bệnh nhân ngày càng kém và cơ hôi ghép cũng không còn. Nếu ghép thận thì bệnh nhân không phải lọc máu và giảm nguy cơ các bệnh tật khác. Trước đó, tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã có 3 trường hợp 69 tuổi được ghép thận, trong đó 2 người ghép đã 4 năm và 10 năm còn sống khỏe mạnh, một người mất sau 6 năm ghép do bị ung thư đại tràng. Bác sĩ Dung cho biết tuổi ghép thận không giới hạn, nhiều trường hợp sau khi ghép đến ngày qua đời thì thận ghép vẫn còn tốt. Ca ghép thận thành công đã giúp cho bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Gia đình bệnh nhân vô cùng cảm ơn các bác sỹ Bệnh viện.

 

16. Bệnh viện Trung ương Huế tạm đình chỉ công tác đối với y bác sỹ thuộc hai 2 ê-kip trực liên quan thai nhi 32 tuần chết lưu: Theo thông tin từ Đường dây nóng Bộ Y t ế ngày 8/9, Bệnh viện Trung ương Huế vừa tạm đình chỉ công tác đối với các y bác sỹ thuộc hai kíp trực liên quan đến thai nhi 32 tuần tuổi bị chết lưu. Ông Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết 2 ê-kip trực thuộc 2 phiên trực chiều tối 3/9 tại khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Huế gồm 10 nữ hộ sinh và một số bác sĩ đã được Ban giám đốc bệnh viện này tạm ngưng công tác chuyên môn để viết tường trình toàn bộ sự việc dẫn đến vụ chết lưu thai nhi 32 tuần của sản phụ Hoàng Thị Nhung. Ông Tuyên cho biết, bệnh viện đã thành lập hội đồng khoa học để tìm nguyên nhân vụ việc, từ 7-15 ngày tới sẽ có kết quả. Căn cứ kết quả này, cộng với bản tường trình của 2 ê-kip trực của Khoa Sản, bệnh viện sẽ thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét việc ra quyết định kỷ luật cuối cùng. Qua phản ánh của anh Võ Hoài Nam (33 tuổi, trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), vợ anh là Hoàng Thị Nhung (32 tuổi) vào trưa 3/9 có biểu hiện sức khỏe không tốt khi đang mang thai 32 tuần tuổi. Chiều 3/9, anh Nam đã đưa vợ đến khám tại phòng khám tư ở TP Huế thì bác sĩ chẩn đoán tim thai hơi yếu, cần nhập viện ngay. Vào 17h chiều cùng ngày, anh đưa vợ đến nhập viện tại khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây, anh và vợ đã trình bày cho các y bác sĩ tình trạng thai, và đề nghị cho đo tim thai ngay vì tim thai yếu. Tuy nhiên ê-kip trực tại Khoa Sản không thực hiện yêu cầu này. Trong thời gian này, vợ anh lần lượt được tiêm các liều thuốc giảm co tử cung và thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi. Đến khoảng 20h30’ tối khi ê-kip trực đo tim thai thì không thấy tim thai nữa, thai nhi tử vong. “Trong mấy tiếng đồng hồ đó, các y bác sĩ không đo tim thai cho vợ tôi. Nếu biết thai sẽ chết lưu mà có sự quan tâm, đo tim thai của bác sĩ thì chúng tôi cũng cam lòng. Vợ chồng tôi và gia đình chăm sóc, mong mõi cháu từng ngày, nhưng vì sự tắc trách của một số cán bộ bệnh viện đã xảy ra sự việc.Mong các cơ quan sớm xem xét, giải quyết để gia đình bớt đau thương, ổn định cuộc sống”, anh Nam cho biết. Qua sự việc, người nhà đã gửi đơn khiếu nại đến Bệnh viện Trung ương Huế, Cơ quan điều tra Công an TP Huế, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. Thông báo cho Đường Dây nóng, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết sản phụ Hoàng Thị Nhung nhập viện chiều tối 3/9 với chẩn đoán thai lần 3 (2 lần trước sinh thường và con sống). Khai thác bệnh sử, sản phụ đã siêu âm nhiều lần với kết quả dạ dày không thấy trong quá trình khảo sát… theo y văn, dị tật bẩm sinh teo thực quản không thấy dạ dày trên siêu âm thì khả năng thai chết trong tử cung là 83%. Khi vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, mạch 90 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg. Chiều cao tử cung 25cm, vòng bụng 88cm, ngôi đầu, thế trái, cơn co tử cung thưa. Kết quả khám trong: cổ tử cung dài, hở lỗ ngoài. Sản phụ đã được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế theo hướng dọa sinh non và trưởng thành phổi. Lúc 19h45’ tối 3/9 tiến hành đo tim thai và không phát hiện được tim thai trên CTG. Sản phụ được siêu âm thai cấp cứu và ghi nhận: tim thai âm tính, trọng lượng thai khoảng 1.900gr, dạ dày thai nhi khó quan sát. Sau khi thai nhi chết lưu, bệnh viện đã giải thích và sản phụ được phát chuyển khởi dạ vào sáng 5/9 sinh bé trai nặng 2kg, da non, cuống rốn thai nhi nhồi máu, bầm tím dài khoảng 10cm. Có một mảng xuất huyết lớn từ thành ngực đến bụng. Tình trạng mẹ sau sinh ổn định. Sau khi đưa thai ra, Bệnh viện đã gặp gia đình để thông báo tình hình của mẹ và bé. Để xác định chính xác nguyên nhân tử vong của thai nhi, Bệnh viện đề nghị chuyển thai nhi đến Khoa Giải phẫu bệnh để tiến hành mổ xác nhằm tìm hiểu nguyên nhân tử vong và có hướng dự phòng cho những lần có thai tiếp theo của sản phụ. Tuy nhiên, chồng sản phụ là anh Võ Hoài Nam không đồng ý và đã viết giấy từ chối, xin đưa thai nhi về lúc 20h50’ cùng ngày. “Hiện nay, lãnh đạo Bệnh viện và tập thể Khoa Sản đang tập trung mọi điều kiện tối ưu nhất để tích cực điều trị cho sản phụ.Bệnh viện cũng đã gửi lời chia buồn đến gia đình. Ban Giám đốc Bệnh viện cũng đã chỉ đạo sau khi có kết luận của Hội đồng khoa học đối với trường hợp này, Bệnh viện sẽ có hình thức xử lý tiếp theo”, ông Tuyên cho biết.

 

17. Các các bỹ Bệnh viện Trung ương Huế tích cực giành lại sự sống cho hai mẹ con thai phụ 35 tuần bị hôn mê sâu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Nộ Y tế ngày 8/9, các bác sỹ Khoa Hồi sức Tích cực phối hợp với Khoa Gây mê Hồi sức và Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Huế đã cứu sống một thai phụ bị hôn mê sâu khi đang mang thai 35 tuần tuổi. Ngày 29/8, thai phụ Nguyễn Thị Mai (41 tuổi, trú tại Đức Xá, Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được chuyển từ bệnh viện Đa khoa Quảng Trị lên bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bị hôn mê sâu do rối loạn hạ đường huyết kéo dài vì suy tuyến giáp khi mang thai lần 3. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê sâu glasgore 3 điểm, mạch yếu, huyết áp thấp, nguy cơ tử vong rất cao.Vì vậy, các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực đã cho bệnh nhân dùng thuốc vận mạch dopamin và đặt nội quản thở máy và hồi sức tích cực. Sáng 30/8, các bác tiến hành hội chẩn liên khoa giữa khoa Hồi sức Tích cực, khoa Sản, khoa Gây mê Hồi sức và quyết định mổ lấy thai cho bệnh nhân. Một bé gái được chào đời khỏe mạnh. Ngày 4/9, sản phụ Mai được ngưng thuốc vận mạch, ngày 6/9 được rút nội quản. Đến ngày 7/9 bệnh nhân tỉnh táo, glasgore 15 điểm. Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, bệnh viện Trung ương Huế  cho biết, đây là ca đầu tiên chúng tôi gặp phải và các y bác sĩ đã cố gắng xử lý tình huống nhanh nhất. Kết quả thành công, bệnh viện đã cứu được cả 2 mẹ con. Hiện sức khỏe của 2 mẹ con sản phụ mai đã ổn định và đang được tiếp tục chăm sóc. 

 

Thăm dò ý kiến