Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và cứu sống thành công người phụ nữ bị chứng “trái tim tan vỡ”

30/09/2016 | 13:03 PM

 | 

Theo báo cáo thống kê của đường dây nóng Bộ Y tế ngày 30/9/2016, Bộ Y tế đã tiếp nhận cuộc gọi của người nhà bệnh nhân H.T.Q.P (45 tuổi, ở An Giang) muốn cảm ơn tập thể y, bác sỹ khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cụ thể như sau: BSCKII Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân là H.T.Q.P (45 tuổi, ở An Giang). Vào ngày 15.9, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa An Giang lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê. Người nhà cho biết, 2 ngày trước nhập viện, bà Q.P được người nhà phát hiện nằm hôn mê, bên cạnh có 7 viên thuốc ngủ đã được bóc vỏ. Và suốt 1 năm qua, bệnh nhân thường xuyên rơi vào tình trạng stress, đau buồn, mất ngủ kéo dài, phải phụ thuộc thuốc an thần. Người nhà đã đưa bà đến cấp cứu ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa An Giang nhưng tình trạng hôn mê cải thiện nên chuyển lên tuyến trên.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, điểm tri giác 8/15, bệnh nhân bị suy hô hấp phải thở máy qua nội khí quản. Xác định bị ngộ độc thuốc ngủ, bệnh nhân được chuyển xuống điều trị tại khoa Chống độc Nhiệt đới. Sau 1 ngày điều trị, bà Q.P xuất hiện tình trạng nguy kịch: hạ huyết áp nhanh, nhịp tim nhanh, phổi có dấu hiệu trào bọt hồng qua ống nội khí quản, xét nghiệm thấy điện tim thay đổi, men tim tăng cao.

Bệnh viện tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa, chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim gây choáng tim và phù phổi cấp. Các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân qua phòng thông tim để chụp mạch vành và can thiệp đả thông mạch vành, cứu sống bệnh nhân.

Tuy nhiên, kết quả chụp mạch vành không thấy hiện tượng tắc mạch vành, kết luận không phải bệnh lý nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, vùng mõm tim bệnh nhân phình to và vô động, xuất hiện sự tăng động vùng đáy tim. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh cơ tim do stress, hay còn gọi là chứng “trái tim tan vỡ”. Với tình trạng này, bệnh nhân có thể tử vong vì vùng mõm tim có thể vỡ ra.

12 giờ đêm, ngay sau khi phát hiện bệnh nhân bị chứng “trái tim tan vỡ”, các bác sĩ đã khẩn cấp tiến hành kỹ thuật oxy hóa máu ngoài cơ thể (ECMO). Chiếc máy này hoạt động thay thế trái tim, giúp trái tim nghỉ ngơi hoàn toàn, hồi phục. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể tự nâng huyết áp và trở lại bình thường. Theo BS Linh, lần đầu tiên, các bác sĩ phải tiến hành kỹ thuật ECMO vào nửa đêm. 4 bác sĩ được huy động gấp và đến 3 giờ sáng mới hoàn thiện. Lúc đó, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Sau 2 ngày thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực và hồi phục sức khỏe sau 1 tuần. Tuy nhiên bệnh tình của bà Q.P vẫn có thể tái phát (tỷ lệ khoảng 10%) nếu vấn đề tâm lý không được giải quyết. Do đó, các sau khi hồi phục, bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị tâm lý​

Thăm dò ý kiến