Bộ Y tế giải đáp về Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp

13/08/2014 | 10:00 AM

 | 

Nhiều câu hỏi của bạn đọc đã gửi đến chương trình giao lưu trực tuyến "Nguy cơ từ Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp" do Tuổi Trẻ Online phối hợp Bộ Y tế thực hiện.

Đại diện Báo Tuổi Trẻ (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho các vị khách mời tham dự chương trình giao lưu trực tuyến tại tòa soạn Tuổi Trẻ tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Lê Mạnh Hùng , Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho BS Lê Mạnh Hùng - Ảnh: Thanh Đạm 

Tính đến nay, số người mắc bệnh Ebola tại bốn nước châu Phi đã lên đến 1.848 người, với 1.013 người tử vong.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, chủng virus gây bệnh Ebola năm nay là chủng nguy hiểm nhất trong năm chủng virus gây bệnh này. Đây cũng là năm có dịch Ebola lớn nhất trong vòng 40 năm nay và dịch có nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, dịch bệnh trong nước cũng đang nóng khi phía Bắc xuất hiện ổ dịch viêm não cấp ở Sơn La với 13 trẻ tử vong. Tại TP.HCM, hai ổ dịch tiêu chảy cấp tại huyện Bình Chánh cũng làm hai trẻ em tử vong.

Phòng chống các loại dịch bệnh kể trên như thế nào?

Đâu là căn nguyên khiến dịch bệnh dồn dập xuất hiện trong thời gian gần đây?

Cách ứng xử phù hợp của mỗi cá nhân như thế nào để giữ sức khỏe cho gia đình và bản thân? ...

Để trả lời những câu hỏi này, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Nguy cơ từ Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp” từ 14g chiều 13-8. Mời quý độc giả đặt câu hỏi cho ba khách mời:

1, PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

2. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

3, TS.BS Lê Mạnh Hùng , Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

* Tiêu chảy tại sao vẫn cho ăn uống như bình thường, liệu có gây ngộ độc thêm không? (Vinh, 45 tuổi, dunglong@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng -  Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM: Khi bệnh nhân bị tiêu chảy thì khả năng hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm có giảm nhưng không bị ảnh hưởng nhiều và cơ thể vẫn cần năng lương để hoạt động.

Do đó không cần thiết phải có chế độ kiêng cữ đặt biệt. Ngộ độc thức ăn chỉ xảy ra khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc chất.

Nếu thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân tiêu chảy.

* Xin cho biết ở Việt Nam hiện nay đã có ca nào mắc Ebola chưa? Nếu có thì ở đâu và tình trạng bệnh nhân hiện giờ ra sao? (Ngọc Mai, 37 tuổi, ngocmai@)

- PGS.TS Trần Như Dương: Chúng tôi xin khẳng định đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola nào.

Hiện tại hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu cũng như tại nội địa vẫn đang được giám sát một cách chặt chẽ.

* Hôn nhau có làm lây nhiễm Ebola không? (Thạch Hà, 43 tuổi, hathach@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính:Hôn nhau có thể lây nhiễm Ebola vì virus có mặt trong nước bọt. Tuy nhiên tỷ lệ thấp vì Ebola lây chủ yếu qua đường máu.

* Nếu gần nơi mình sống hay làm việc có người nhiễm Ebola thì bản thân mình cần phải đi khám?(Chân Mây, 36 tuổi, chanmay@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Nếu có ca bệnh xảy ra gần nơi mình sinh sống hoặc làm việc, thì những nơi đó sẽ được xác định là ổ dịch.

Các hoạt động phòng chống dịch tại ổ dịch sẽ được cơ quan chức năng triển khai theo đúng quy định. Mọi người trong ổ dịch cần phải tuân thủ và hợp tác chặt chẽ để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch do cơ quan chức năng yêu cầu.

Nếu bạn vẫn đang khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì nghi mắc bệnh thì không cần phải đi khám. Tuy nhiên nếu bạn có triệu chứng gì bất thường hoặc nghi ngờ mình bị mắc bệnh thì phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

* Viêm não cấp và tiêu chảy cấp trẻ em thường mắc vào mùa nào nhiều nhất? Cách điều trị tại nhà ra sao? (Lân, 50 tuổi, lanlan@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Viêm não cấp và tiêu chảy cấp ở trẻ em thường xảy ra vào những tháng mùa hè (5,6,7).

Những trường hợp tiêu chảy cấp nhẹ, không sốt, trẻ vẫn ăn uống được bình thường thì có thể chăm sóc tại nhà với chế độ ăn uống bình thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt cần uống dung dịch điện giải (ORS) để bù dịch. Nếu trẻ bị sốt cao, tiêu chảy nhiều lần hoặc phân có đàm, máu thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Đối với bệnh viêm não cấp ở trẻ em thì phải bắt buộc vào bệnh viện điều trị.

* Mong bác sĩ hướng dẫn những bước cần làm và những điều cần lưu ý khi trẻ bị tiêu chảy cấp. (Mẹ Na, 50 tuổi, navan23@...)

Điều cần lưu ý là không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt thuốc cầm tiêu chảy vì có thể làm cho bệnh trầm trọng.

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, ngoài việc chăm sóc như nói trên thì cần lưu ý đến phòng ngừa lây lan trong gia đình bằng cách rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.

Cho trẻ đi tiêu trong nhà vệ sinh, trường hợp phân trẻ dính vào nền nhà thì cần tẩy uế sạch sẽ bằng xà phòng và dung dịch khử khuẩn.

Điều cần lưu ý là không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt thuốc cầm tiêu chảy vì có thể làm cho bệnh trầm trọng.

Các thuốc cầm tiêu chảy thường làm giảm nhu động ruột khiến phân tiêu chảy tích tụ trong lòng ruột khiến cho những chất độc, vi khuẩn, chất thải cần loại ra ngoài bị ứ lại. Bụng trẻ sẽ bị căng chướng, ứ dịch, ứ hơi nên dễ bị nôn ói, không ăn uống được, không bù dịch bằng đường uống cho trẻ... Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

* Hiện nay ở Việt Nam đã có phác đồ điều trị Ebola chưa? Nếu chẳng may có người bệnh Ebola hoặc xuất hiện một ổ dịch Ebola ở đâu đó trong đất nước Việt Nam thì đội ngũ y, bác sĩ sẽ xử trí thế nào hay chỉ điều trị thông thường theo phác đồ điều trị sốt và tiêu chảy thông thường? (Thanh Lam, 35 tuổi, lamthanh@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Ngày 8-8-2014, Bộ Y tế đã chính thức ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola.

Hướng dẫn này đã được gửi tới tất cả các Sở Y tế và trong ngày 13 và 14-8. Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn cho tất cả cán bộ y tế tuyến tỉnh cả hệ điều trị, dự phòng và kiểm dịch y tế quốc tế về hướng dẫn này nhằm thống nhất thực hiện trên toàn quốc.

Bạn có thể tham khảo hướng dẫn này trên trang web của Bộ Y tế và Cục Quản lý khám chữa bệnh. Chính vì chúng ta đã có hướng dẫn quốc gia về phác đồ điều trị nên các bác sĩ sẽ xử trí theo đúng phác đồ mà Bộ Y tế đã ban hành trong trường hợp Việt Nam có bệnh nhân Ebola.

* Việt Nam đã khảo sát tình hình thế giới như thế nào để xây dựng phác đồ điều trị bệnh Ebola hay chỉ dựa trên số liệu của WHO? Phác đồ của Việt Nam có những điểm chính nào? (maivaninh, 40 tuổi, hinhmai@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Trước hết cần phải thu thập đầy đủ thông tin về dịch bệnh, vì bệnh này đã xảy ra ở châu Phi bốn thập kỷ nay.

Hiện nay dịch bắt đầu bùng phát và có nguy cơ lan rộng ra các nước, do vậy nhóm chuyên gia kỹ thuật phải dựa trên tất cả thông tin dịch tễ về virus học, về bệnh sinh, về bệnh cảnh lâm sàng và các phương thức điều trị đã được áp dụng tại các nước châu Phi kết hợp với các khuyến cáo của WHO và CDC Hoa Kỳ để xây dựng phác đồ điều trị Ebola cho Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, bệnh Ebola hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phác đồ tập trung hướng dẫn phát hiện các triệu chứng lâm sàng, khai thác các yếu tố dịch tễ học để phát hiện những ca nghi ngờ nhằm cách ly và điều trị kịp thời. Việc điều trị tập trung vào điều trị các triệu chứng và điều trị hỗ trợ là chính.

* Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu ban đầu và ở mức độ nào thì phải đưa ngay vào bệnh viện của 3 loại bệnh trên? (Nguyễn Thị Quỳnh Mai, 19 tuổi,nguyenthiquynhmai1012@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Riêng đối với Ebola, với các dấu hiệu sốt đột ngột, đau đầu, đau cơ toàn thân, kết hợp có yếu tố dịch tễ học, là người đi hoặc đến từ vùng có dịch thì đều phải đưa ngay vào bệnh viện để cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Đối với viêm não, hiện nay do rất nhiều căn nguyên gây nên, nhưng biểu hiện chung đều là sốt đột ngột, rối loạn ý thức, rối loạn vận động, rối loạn thần kinh thực vật, một số trường hợp có thể kèm theo nôn hoặc buồn nôn, ngay khi có các dấu hiệu này cần nhập viện để theo dõi điều trị.

Đối với trường hợp bị tiêu chảy cấp, nếu bệnh nhân đi ngoài nhiều lần trong ngày, kèm theo khát nước hoặc lờ đờ, mệt mỏi cần phải vào ngay bệnh viện để theo dõi điều trị.

* Khi bị sốt, làm thế nào để phân biệt sốt thông thường hay sốt do nhiễm Ebola? (Lam Thi, 45 tuổi, lamthi2005@...)

- PGS-TS Nguyễn Văn Kính: Sốt là triệu chứng của rất nhiều căn nguyên.

Muốn phân biệt được sốt do Ebola hay do các căn nguyên khác cần phải làm các xét nghiệm phát hiện nguyên nhân. Do vậy, tốt nhất bạn nên nhập viện để bác sĩ khám, chẩn đoán và lấy bệnh phẩm đi xét nghiệm để khẳng định.

* Tôi có bé trai được 9 tháng tuổi. Trước tình hình dịch bệnh đang nóng lên như hiện nay, tôi khá lo lắng cho sức khỏe của con mình. Tôi phải làm gì để hạn chế đến mức tối đa không mắc một trong số các  bệnh trên cho bản thân và con tôi? (Phan Hà, 27 tuổi,honghasp.phan@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Bạn cũng không nên quá lo lắng về tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên để phòng bệnh nói chung, trong đó có các bệnh nguy hiểm, trẻ em và người chăm sóc trẻ rất cần thiết phải thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh, người ốm nói chung.

Riêng đối với trẻ em, việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là hết sức quan trọng để chủ động phòng bệnh cho bé. Cần tiêm chủng đầy đủ cả các vắcxin trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng.

* Bị tiêu chảy cấp, có thể tự cho trẻ uống những loại thuốc nào tại nhà trước khi đến Trung tâm y tế? Có thể theo dõi vài ngày tại nhà không? (Lân, 50 tuổi, lanlan@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Nếu bệnh không quá nặng bạn có thể cho trẻ uống oresol, nhưng nếu trẻ mệt lả, đi ngoài nhiều lần, lờ đờ thì phải đưa ngay vào bệnh viện để điều trị.

* Triệu chứng của người mắc bệnh Ebola như thế nào? Làm thế nào để ngăn ngừa và tránh nhiễm Ebola? (Nhã Khanh, 25 tuổi, nhakhanh2000@...)

- PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Sau khi tiếp xúc với máu hoặc dịch của bệnh nhân hoặc động vật bị mắc bệnh hay tiếp xúc gián tiếp với các đồ dùng của người bệnh từ 2-12 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu dữ dội, đau cơ toàn thân. Sau đó có các biểu hiện như nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn chức năng gan, thận, xuất huyết ngoài da hoặc trong nội tạng, dẫn đến suy đa tạng, sốc và tử vong.

Bệnh nhân thường tử vong từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 16 của bệnh.

Nếu vượt qua được giai đoạn từ ngày thứ 8-16 ngày, bệnh nhân sẽ ở giai đoạn hồi phục kéo dài từ 3-4 tuần rồi khỏi. Tuy nhiên, virus Ebola vẫn tồn tại trong tinh dịch trong vòng 60 ngày và trong sữa mẹ nên người bệnh vẫn có nguy cơ lây truyền mầm bệnh qua việc cho con bú hoặc qua quan hệ tình dục. Vì vậy cần tư vấn cho họ trong việc ngừng cho con bú hoặc không quan hệ tình dục trong giai đoạn này.

Virus Ebola lây truyền qua đường máu và các dịch tiết sinh học. Do vậy để ngăn ngừa và tránh nhiễm bệnh cần phải áp dụng triệt để các biện pháp lây truyền qua đường máu bao gồm: không trực tiếp tiếp xúc với máu và dịch của người bệnh hoặc động vật mắc bệnh. Thường xuyên mang găng tay và mang các thiết bị phòng hộ khi phải chăm sóc người bệnh. Thực hiện ăn chín, uống chín, thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn khác. Thực hiện cách ly triệt để đối với các trường nghi hoặc bị mắc bệnh.

* Nghe nói triệu chứng của người nhiễm Ebola là sốt và tiêu chảy. Vậy làm thế nào để phân biệt một bệnh nhân bị tiêu chảy do nhiễm Ebola? (Khắc Cường, 32 tuổi, Cuongkhac@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Các triệu chứng của người nhiễm Ebola có thể tương tự như triệu chứng của những bệnh nhân bị nhiễm trùng khác (sốt xuất huyết Dengue, tiêu chảy nhiễm trùng, thương hàn...).

Vì vậy, để nghi ngờ một trường hợp nhiễm Ebola thì ngoài các triệu chứng sốt, tiêu chảy, đau cơ, xuất huyết... thì phải xem xét yếu tố dịch tễ (người đó có đi đến vùng đang xảy ra dịch, có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người hoặc thú có nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Ebola).

Yếu tố dịch tễ này rất quan trọng, nếu không có yếu tố dịch tễ thì khả năng nhiễm Ebola gần như không có.

* Đau mỏi vai gáy có phải là triệu chứng của Ebola không? (Cù Long, 54 tuổi, cuvanlong@...)

- PGS-TS Nguyễn Văn Kính: Ebola thường gây ra đau mỏi cơ toàn thân, tuy nhiên triệu chứng của bạn sẽ bị nghi ngờ nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch của bệnh nhân mắc Ebola.

* Trẻ em hay người lớn, ai có nguy cơ nhiễm và mắc bệnh Ebola cao hơn? (Thanh Ngân, 22 tuổi, thanhngan@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Tất cả mọi người dù già hay trẻ đều có nguy cơ lây nhiễm Ebola khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch của bệnh nhân hoặc xúc vật bị mắc bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp với các đồ dùng của bệnh nhân mắc bệnh Ebola.

* Đâu là những đầu mối tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Ebola, cụ thể là tại Hà Nội và TP.HCM? (Quỳnh Giang, 45 tuổi, giangquynh@...)

- PGS.TS Trần Như Dương:Theo công điện của Thủ tướng, những ca bệnh đầu tiên mắc Eblola sẽ được tiếp nhận, điều trị tại bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Bắc Thăng Long (tại Hà Nội). Ở miền Trung là các bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện C Đà Nẵng. Ở miền Nam là bệnh viện nhiệt đới TP.HCM và bệnh viện trung ương Cần Thơ.

* Chủng virus gây bệnh Ebola hiện tại được coi là nguy hiểm nhất trong các chủng virus gây bệnh này. Vậy nguy hiểm hơn cụ thể là gì?(Tùng, 35 tuổi, tunglay@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Virus gây bệnh Ebola có năm chủng, trong đó vụ dịch 2014 hiện nay do chủng Zaire Ebolavirus (EBOV) gây ra. Đây là chủng gây bệnh dịch nguy hiểm nhất, vì khả năng lây lan cũng như tỷ lệ gây tử vong cao nhất so với các chủng khác.  

* Thưa ông lý do vì sao ngày càng có nhiều căn bệnh lạ xuất hiện? (Dũng Ngân, 35 tuổi, nganlyho@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Hiện nay chưa có câu trả lời đầy đủ về vấn đề này. Tuy nhiên, một số điều sau đây có thể là yếu tố thuận lợi cho một số bệnh phát sinh và phát triển, trong đó phải kể đến vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, một số nơi môi trường sinh thái bị phá hủy do tác động của con người.

Vấn đề đô thị hóa, di dân, tăng cường giao lưu đi lại không được kiểm soát. Bên cạnh đó, chiến tranh, đói nghèo làm cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế bị phá hủy cũng làm cho dịch bệnh dễ phát sinh và phát triển. 

Cùng với đó, các vi sinh vật gây bệnh cũng có xu hướng biến đổi, tiến hóa để tồn tại, phát triển, từ dó gây bệnh cho người.

Tóm lại, vấn đề xuất hiện các bệnh dịch cần phải được nghiên cứu thêm nữa, tuy nhiên có thể đây là hệ quả của sự tương tác nhiều yếu tố giữa con người, môi trường và tác nhân gây bệnh gây nên.

* Tiêu chảy cấp khác những tiêu chảy khác chỗ nào? Có nguy hiểm hơn không? Khi trẻ vừa tiêu chảy phải chăm sóc thế nào, trường hợp nào mới đưa đến bác sĩ? (Hung, 34 tuổi, lamnhung@...)

- PGS.TS Lê Mạnh Hùng: Khi đi cầu phân lỏng hơn 3 lần trong ngày thì gọi là tiêu chảy. Khi tiêu chảy xảy ra dưới 2 tuần gọi là tiêu chảy cấp. Như vậy, tiêu chảy cấp là một dạng của tiêu chảy có thời gian kéo dài dưới 2 tuần.

Khoảng 90% trường hợp tiêu chảy cấp có nguyên nhân do nhiễm trùng. Một số trường hợp tiêu chảy có thể nguy hiểm khi người bệnh bị tiêu chảy nhiều lần, mất nước nặng, dẫn đến suy thận, sốc mất nước (bệnh tả) hoặc dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết) ở một số trường hợp như trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch.

* Theo ông dịch Ebola sẽ được dập tắt không nếu nó tràn vào Việt Nam. Cách đối phó của Bộ Y tế ra sao?(Haminhtien, 45 tuổi, Haminhtien@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Thực tế bệnh Ebola đã diễn biến bốn thập kỷ qua tại châu Phi và nay mới bùng phát, có nguy cơ lan tràn ra các nước khác. Do vậy, Việt Nam cũng là nước có nguy cơ bị dịch xâm nhập, tuy nhiên nguy cơ này không cao. Để đối phó với sự xâm nhập của dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch trung ương đã xây dựng kế hoạch phòng chống theo ba tình huống khác nhau gồm:

Tình huống 1: Bệnh nhân xuất hiện ở nước ngoài mà Việt Nam chưa có ca nào thì cách ứng phó sẽ là tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất kỹ thuật để điều trị khi có ca bệnh. Đồng thời tăng cường truyền thông để cung cấp thông tin cho dân chúng biết về bệnh tật để dự phòng.

Tình huống 2: Khi xuất hiện các ca bệnh lẻ tẻ, các bệnh viện được chỉ định sẽ thực hiện cách ly nghiêm ngặt và tiến hành điều trị cho người bệnh. Đồng thời thực hiện giám sát ở mức độ cộng đồng với những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân để thực hiện cách ly theo dõi.

Tình huống 3: Bệnh dịch xảy ra ở cấp độ có nhiều ca ở cộng đồng thì có thể phải triển khai các khu vực cách ly dã chiến tại chỗ để điều trị. Đồng thời huy động tất cả mọi nguồn lực của các cấp và của cộng đồng để dập tắt dịch bệnh.

* Tiêu chảy có lây không? Tại sao trẻ tử vong vì tiêu chảy? Do chữa không kịp thời hay do bệnh diễn biến nhanh? Cần phòng ngừa như thế nào? (Nhang, 34 tuổi,nhanghan@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Nguyên nhân gây bệnh là nhiễm trùng, trẻ có thể bị tử vong do chữa trị không đúng cách (dùng thuốc cầm tiêu chảy, không bù nước điện giải đầy đủ, không chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh...).

Điều này có thể làm cho bệnh diễn tiến nhanh và nặng hơn. Nếu không kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện cứu chữa thì tính mạng của trẻ khó bảo toàn.

* Bệnh Ebola xuất phát từ nguyên nhân nào và cách phòng ngừa ra sao? (Nguyen Hoang Tam, 35 tuổi, Tam200956@...)

- PGS-TS Nguyễn Văn Kính: Ổ chứa tự nhiên của virus Ebola là loài dơi ăn quả ở Tây Phi.

Sau đó lan truyền vào các loài linh trưởng như nhím, lợn rừng, linh dương, người săn bắt các động vật này để ăn thịt thì bị lây nhiễm từ các động vật mắc bệnh.

Sau đó người lây sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với máu và dịch của người bệnh. 

Cho đến nay chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này. Vì vậy việc dự phòng chủ yếu là áp dụng các biện pháp phòng các bệnh lây qua đường máu. 

* Hiện nay Việt Nam đã có trường hợp nào bị bệnh Ebola chưa, nếu có thì bao nhiêu người? (Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, Nguyenvanhung@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Hiện nay tại Việt Nam chưa có ca nào mắc Ebola.

* Xin hỏi ông Lê Mạnh Hùng, xin ông hướng dẫn người dân cách phòng các bệnh trên được hiệu quả và phụ hợp với điều kiện các gia đình. (Lê Thành Thắng, 34 tuổi,ltthangtcntv@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Để phòng ngừa các bệnh trên thì quan trọng tránh được các đường lây của bệnh. Đối với bệnh tiêu chảy cấp, đường lây qua đường tiêu hóa, do đó, cần phải ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân...

* Tại sao tại Hà Nội, trẻ viêm não Nhật Bản năm nay gấp 4 lần TP.HCM? Vắcxin bệnh này chích thế nào là đảm bảo, chích đủ có khả năng bệnh không? (Minh Hồng, 35 tuổi, hongloan@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Virus viêm não Nhật Bản B có ổ chứa tự nhiên ở các loài chim như liếu điếu, tu hú, lợn, muỗi sẽ đốt chim hoặc lợn gây bệnh cho chúng, sau đó muỗi lại đốt những động vật mắc bệnh này rồi truyền sang người. Các loại chim thường có mặt vào mùa vải chín (mùa hè), vì vậy bệnh hay xảy ra ở miền Bắc. 

Để phòng ngừa bệnh cần phải tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản B. Phải tiêm ba mũi cơ bản. Mũi một tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi trẻ được một tuổi. Mũi 2 tiêm cách sau mũi 1 từ 1-2 tuần. Mũi 3 tiêm sau mũi 1 khoảng 1 năm. Sau đó khoảng 5 năm tiêm nhắc lại.  

* Ngoài 3 loại bệnh đang đề cập, hiện tại còn có những loại bệnh dễ lây nào nữa mà phụ huynh cần cảnh giác? (Minh Trung, 37 tuổi, trungbinh13@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Ngoài ba bệnh chúng ta đang đề cập là Ebola, viêm não Nhật Bản và tiêu chảy cấp, một số bệnh mùa hè khác cũng đang xuất hiện cần phải chú ý đề phòng như tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh dại ở người.  

Để phòng chống các căn bệnh này, rất cần cá nhân và cộng đồng thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch, thường xuyên diệt muỗi và cho con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

* Những đường lây nào gây ra viêm não? Có lây từ người qua người không? Những triệu chứng nghi ngờ viêm não ở người lớn và trẻ con có giống nhau không? (Minh Hẳng, 36 tuổi, honghanh@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Có rất nhiều căn nguyên dẫn đến viêm não, tuy nhiên ở Việt Nam phần lớn viêm não do virus viêm não Nhật Bản B. Virus này được truyền từ người này sang người khác do muỗi culex đốt người mắc bệnh truyền qua. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người.

Các triệu trứng viêm não của người lớn và trẻ em đều giống nhau bao gồm: sốt đột ngột, rối loạn ý thức, rối loạn vận động, co giật, hôn mê.

* Xin cho hỏi những dấu hiệu để nhận biết được dịch bệnh Ebola và biện pháp phòng chống bệnh?(Phạm Thanh Vy, 21 tuổi, phumy_hung@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Những dấu hiệu chủ yếu của bệnh Ebola bao gồm: bệnh nhân sốt đột ngột, đau đầu dữ dội, đau cơ toàn thân sau khi đã trải qua thời kỳ ủ bệnh từ 2 cho đến 21 ngày. Đến thời kỳ toàn phát sau các dấu hiệu trên khoảng 1-2 ngày, bệnh nhân sẽ xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm: đau bụng, nôn mửa, xuất huyết ngoài da và trong nội tạng, suy gan, thận, suy đa tạng, sốc dẫn tới tử vong.

Để phòng ngừa căn bệnh này, chúng ta cần thực hiện các hoạt động dự phòng không đặc hiệu vì hiện nay chưa có vắcxin. Các hoạt động dự phòng bao gồm:

- Đối với mỗi cá nhân: tuyệt đối không tiếp xúc gần với những người nghi hoặc bị bệnh Ebola.

- Không trực tiếp tiếp xúc với máu và dịch của cơ thể người bệnh khi chăm sóc người bệnh. Nếu phải chăm sóc thì phải áp dụng các biện phát dự phòng lây truyền qua đường máu và các dịch tiết của cơ thể.

- Cần phải thực hiện ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.

- Khi chế biến các thực phẩm nghi ngờ bị nhiễm Ebola cần phải áp dụng các biện pháp dự phòng như khi tiếp xúc với máu và bệnh dịch của người bệnh.

- Khi có ca bệnh nghi ngờ hoặc bản thân nghi ngờ bị mắc bệnh cần phải báo ngay cho cơ sở y tế hoặc đến ngay bệnh viện nơi gần nhất để được khám, chữa bệnh và cách ly kịp thời.

- Đối với các cơ sở y tế, cần áp dụng triệt để các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm qua đường máu.

- Đối với cộng đồng dân cư, cần phải bình tĩnh tìm hiểu đầy đủ các thông tin về bệnh dịch, áp dụng tốt các biện pháp dự phòng cho cá nhân và cho cộng đồng.

* Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào? Lây qua đường nào? (Lam Anh, 36 tuổi, lambentre@...)

- PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Bệnh lây truyền qua đường máu. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch của người/động vật mắc bệnh.

* Nuôi nhiều gia súc, gia cầm có thể gây ra viêm não và tiêu chảy cấp phải không? Nếu nuôi thì phải làm thế nào để hạn chế bệnh tật? (Mỹ Loan, 50 tuổi, loanhinh@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Có rất nhiều bệnh tật lây truyền qua việc tiếp xúc với gia súc, gia cầm được nuôi không hợp vệ sinh. Do vậy, để tránh mắc bệnh từ các động vật nuôi cần phải tuân thủ quy trình nuôi an toàn và thường xuyên phải tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi.

Ví dụ tiêm vắcxin phòng chống cúm cho gia cầm, phòng chống dại cho chó, phòng chống bệnh than cho trâu bò, vệ sinh chuồng trại...

* Bệnh Ebola do nguyên nhân từ vật chủ là loài dơi ăn quả. Khi nghiên cứu thuốc điều trị sao không tìm loại kháng thể từ vật chủ thưa bác sĩ? (Nguyễn Hữu Vương, 29 tuổi,maiyeuem_1986_2009@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Qua nghiên cứu, hiện nay người ta đã xác định ổ tiên phát của virus Ebola là loài dơi ăn quả. Dơi ăn quả nhiễm virus sẽ phát tán mầm bệnh tới các loài động vật hoang dã trong rừng như các loài linh trưởng, nhím, linh dương và gây dịch ở các loài động vật này.

Người, đặc biệt là thợ săn, người đi rừng khi tiếp xúc với động vật ốm chết trong quá trình săn bắt, giết mổ bị nhiễm bệnh và sau dó đưa mầm bệnh về cộng đồng, gây ra dịch Ebola trong cộng đồng dân cư.

Chính vì vậy trong các dịch, quá trình lây truyền từ người sang người là phổ biến nhất, do tiếp xúc trực tiếp với máu, mô, chất tiết, dịch tiết của cơ thể người bệnh trong quá trình chăm sóc hoặc trong xử lý tử thi trong tang lễ.

* Tôi ở miền Tây, tôi muốn hỏi bệnh tiêu chảy cấp có vắcxin ngừa hay không? Tôi có một bé 32 tháng tuổi và một bé 10 tháng tuổi. Tôi muốn ngừa bệnh viêm não Nhật Bản và tiêu chảy cấp cho bé cùng lúc được không? (Bach Hop, 32 tuổi, cachepbaongoc@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Hiện nay, có 2 bệnh tiêu chảy cấp có vắcxin để ngừa là tiêu chảy cấp do Rotavirut và tả. Viêm não Nhật bản cũng có vắcxin và tiêm chủng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Việc tiêm chủng ngừa viêm não Nhật Bản và tiêu chảy cấp có thể thực hiện cùng lúc. Bạn nên liên hệ đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để được tư vấn hướng dẫn chích ngừa cho cháu.

* Thưa ông Nguyễn Văn Kính, được biết Ebola chỉ có thể lây qua nước bọt và các chất như máu mủ của người bệnh. Trong phòng bệnh có cần đeo khẩu trang như phòng các bệnh hô hấp hay không? Phương tiện phòng hộ bao gồm những gì? (Lan Hương, 35 tuổi, huonglan11@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Bệnh do virus Ebola không lây qua đường hô hấp. Bệnh này lây truyền do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với máu hoặc dịch của người bệnh. Do vậy các phương tiện phòng hộ bao gồm các phương tiện dự phòng lây truyền qua đường máu.

Bạn có thể đeo khẩu trang y tế là đủ, bên cạnh đó phải thực hiện không tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể của bệnh nhân. Luôn đeo găng tay nếu phải chăm sóc người bệnh hoặc chế biến thực phẩm có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống chín. Nếu đi thăm bệnh nhân phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như mặc áo choàng, đi ủng, đeo khẩu trang, đi găng giống như cán bộ y tế.

* Có bao nhiêu loại bệnh viêm não, hiện nay viêm não nào đang là nguy cơ ạ? (Thanh Hằng, 28 tuổi, hang891@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Bệnh viêm não thường do các loại virus gây ra, có thể chia làm 2 nhóm:

- Viêm não virus nguyên phát: Virus tấn công trực tiếp vào não và gây bệnh (bệnh viêm não Nhật Bản).

- Viêm não virus thứ phát: Virus gây bệnh cho cơ thể, sau đó tấn công vào não (bệnh viêm não trong bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh dại...)

Trước năm 1997, viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp (chiếm 60% các bệnh viêm não do virus). Hiện nay, nhờ có vắcxin chủng ngừa viêm não Nhật Bản nên số trường hợp bị viêm não Nhật Bản chỉ chiếm 10-15% các bệnh viêm não do virus.

* Vùng dịch tễ của viêm não virus  tại Việt Nam là những vùng nào? (Minh Hẳng, 36 tuổi, honghanh@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Viêm não do virus có thể xảy ra ở tất cả các tỉnh của Việt Nam. Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản B thường gặp nhiều ở các tỉnh miền Bắc. 

* Có bao nhiêu loại bệnh viêm não, hiện nay viêm não nào đang là nguy cơ? (Thanh Hằng, 28 tuổi, hang891@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Bệnh viêm não thường do các loại virus gây ra, có thể chia làm 2 nhóm:

- Viêm não virus nguyên phát: Virus tấn công trực tiếp vào não và gây bệnh (bệnh viêm não Nhật Bản).

- Viêm não virus thứ phát: Virus gây bệnh cho cơ thể sau đó với tấn công vào não (bệnh viêm não trong bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh dại...)

* Gần đây liên tục xuất hiện nhiều loại dịch bênh, liệu chúng ta có chính sách dài hạn nào để phòng chống những dịch bệnh đó? (Duong, 32 tuổi, Duongnguyen@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Để ngăn chặn, phòng chống các dịch bệnh mới nổi hoặc tái nổi, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch trung ương. Ban này có nhiệm vụ đưa ra các kế hoạch để phòng chống khi dịch xảy ra.

* Viêm não khác với viêm màng não thế nào, các triệu chứng khác nhau ra sao? (Thủy, 31 tuổi, hunglong@...)

- Ông Lê Mạnh Hùng: Viêm não là trường hợp não bị viêm khác với viêm màng não là màng bao quanh não bộ bị tổn thương. Nguyên nhân gây viêm não thường do virus, viêm màng não thường do vi khuẩn... Những trường hợp viêm màng não nặng có thể gây tổn thương não bộ gọi là viêm não - màng não.

Về triệu chứng thì viêm màng não và viêm não có thể gây sốt, rối loạn tri giác. Các triệu chứng như là nôn ói, cổ gượng có thể xảy ra trong viêm màng não, còn viêm não có thể gây yếu liệt (rối loạn cảm giác vận động).

* Những di chứng nguy hiểm để lại của ba loại bệnh này là gì? Cách để hạn chế di chứng? Bệnh tới mức nào thì bác sĩ bó tay? (Vung An, 25 tuổi, anlanh@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Đối với viêm não, các di chứng ở bệnh nhân thường là liệt vận động hoặc rối loạn trí nhớ nếu như bị viêm não do các virus tấn công vào nơron thần kinh (ví dụ viêm não Nhật Bản B, viêm não do Herpes...). Còn các viêm não khác phần nhiều được hồi phục hoàn toàn, có thể sau nhiều năm mới xuất hiện di chứng về tâm thần nhưng với tỷ lệ rất thấp.

Bệnh tiêu chảy hầu như không có di chứng. Bệnh nhân hoặc khỏi, hoặc bị tử vòng nhưng tỷ lệ điều trị khỏi tới hơn 99%.

Còn Ebola có thể để lại các di chứng về tinh thần hoặc vô sinh, nhưng tỷ lệ rất thấp vì tỷ lệ tử vong cao.

* Người lớn có bị viêm não virus không, còn viêm não mô cầu thì sao? Khả năng chữa trị như thế nào? (MaiLan@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Viêm não Nhật Bản B thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, tuy nhiên vẫn có người lớn mắc bệnh do không được tiêm phòng và lại ở trong vùng dịch tễ.

Còn não mô cầu là một loại bệnh do vi khuẩn gây nên. Bệnh do não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp nhưng rất dễ được điều trị khỏi bằng kháng sinh.

* Hiện tại tôi có cháu bé 27 tháng. Cháu bị nóng gần 3 ngày nay, cứ nóng và uống thuốc hạ sốt thì hạ. Sau đó khoảng nửa buổi lại nóng trở lại. Tôi rất hoang mang và lo lắng không biết biểu hiện sốt này có phải là nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh nguy hiểm khác như Ebola, viêm não không? (Dao Thao, 30 tuổi, dthao82@...) (hiếu, 33 tuổi,thangnhan@...)

- TS.BS Lê Mạnh Hùng: Sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh, thường là do nhiễm trùng, nếu cháu đã bị sốt 3 ngày thì bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị.

Ngoài các bệnh mà bạn lo lắng như Ebola, viêm não... thì bệnh mà chúng tôi cần quan tâm trong trường hợp này là bệnh sốt xuất huyết (đang vào mùa).

* Tại bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM tình hình bệnh nhân viêm não và tiêu chảy cấp tăng hay giảm so với cao điểm tháng 7 vừa qua, bệnh viện có khuyến cáo gì với người dân không? (Lê Quỳnh, 34 tuổi, quynhyen_67@)

TS.BS Lê Mạnh Hùng: Tình hình tiêu chảy cấp trong tháng 7 vừa qua có tăng nhẹ so với những tháng trước, còn bệnh viêm não thì không có sự gia tăng.

Để ngừa các bệnh tiêu chảy cấp, người dân lưu ý thực hiện các biện pháp tránh lây lan bệnh qua đường tiêu hóa (an toàn vệ sinh thực phẩm, rửa tay, dùng nước sạch...)

Đối với bệnh viêm não thì nên cho trẻ dưới 15 tuổi đi chủng ngừa viêm não Nhật bản (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi). Chú ý diệt lăng quăng, ngủ mùng để tránh các bệnh viêm não do muỗi chích.

* Tại sao Ebola đã diễn ra bốn thập kỷ ở châu Phi mà lại không có giải pháp khả quan để khống chế bệnh? Thuốc vừa được thông qua có tác dụng kiềm chế bệnh thế nào? (Nga, 35 tuổi, ngahoang@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Những nước ở châu Phi, đặc biệt là bốn nước có nhiều ca bệnh hiện nay là những nước rất nghèo, kiệt quệ về y tế và kinh tế.

Có nền y tế lạc hậu nên không đủ khả năng kiểm soát dịch bệnh. Hơn nữa bệnh vẫn chưa có vắcxin dự phòng và điều trị đặc hiệu, mầm bệnh lại tồn tại trong loài dơi ăn quả hoang dã nên khó khống chế.

Thuốc mới được tổ chức WHO khuyến cáo chưa có hiệu dụng rõ ràng và cũng chưa được thử nghiệm lâm sàng, mặc dù đã có một số người được sử dụng nhưng vẫn có bênh nhân sử dụng thuốc này mà vẫn tử vong.

* Cho em hỏi Ebola có nghĩa là gì? Nếu phát hiện bệnh Ebola sớm có thể điểu trị hết hay chỉ ngăn ngừa thôi? (Lê Nguyễn Minh Tuấn, 25 tuổi, badboy16665@...)

- PGS-TS Nguyễn Văn Kính: Ebola là tên của một dòng sông ở Congo. Ở đó có một làng ven sông xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên nên bệnh được đặt tên là bệnh Ebola và virus gây bệnh được đặt tên là virus Ebola. Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm được tỷ lệ tử vong.

* Khi xem hình ảnh chúng tôi thấy nhiều nạn nhân Ebola bị nổi hạt khắp người rất kinh khủng, xin hỏi đó là triệu chứng gì của bệnh này, giai đoạn mấy?(Linh, 334 tuổi, honglinh@yahoo.com)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: triệu chứng điển hình của Ebola là xuất huyết ngoài ra và trong các nội tạng. Những hình ảnh mà bạn xem trên mạng chỉ là bề nổi, tức là những biểu hiện xuất huyết hoại tử trên da mà thôi. Bệnh nhân thường bị tử vong ở giai đoạn này - giai đoạn cuối của bệnh.

* Công tác phòng chống viêm não và tiêu chảy cấp tại Việt Nam trong năm nay có vấn đề gì không mà để dịch lan rộng và có cả tử vong như vậy? (NgânThương, 30 tuổi, thuongnhieu@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Viêm não và tiêu chảy là bệnh thường gặp ở Việt Nam. So với những năm trước đây, số ca mắc và tử vong không cao hơn.

* Ngành Y tế tiên lượng dịch bệnh Ebola sẽ phát triển như thế nào, khả năng xâm nhập vào Việt Nam ra sao, liệu thời gian thế giới ngăn chặn nó có nhanh không? (Ngân Hà, 30 tuổi, hangan@...)

- PGS-TS Nguyễn Văn Kính: Các chuyên gia y tế của Việt Nam và tổ chức WHO cho rằng Việt Nam có nguy cơ bị dịch Ebola xâm nhập nhưng không cao.

Hiện nay WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh dịch này nhằm huy động sự tham gia của tất cả các quốc gia, các cộng đồng cùng ngăn chặn dịch bệnh.

Các thử nghiệm về sản xuất vắcxin phòng bệnh cũng bắt đầu được triển khai. Hy vọng dịch sẽ sớm được khống chế.

* Nếu một bệnh nhân tại Việt Nam nhiễm Ebola, việc chữa trị sẽ diễn ra theo phác đồ như thế nào? Bệnh nhân cần chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hay bệnh viện nào cũng được? (Linh, 334 tuổi, honglinh@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Tùy theo tình huống của bệnh dịch mà bệnh nhân có thể được điều trị ở một vài bệnh viện chuyên ngành (nếu là những ca đầu tiên). Khi bệnh lan tràn ở mức độ cộng đồng thì bất cứ bệnh viện nào cũng có thể tham gia cách ly và điều trị cho người bệnh.

1/. Cách nhận biết và triệu chứng của bệnh do vi rút Ebola là gì? 2./ Ai có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất? 3/. Cách tốt nhất để trách nguy cơ nhiễm bệnh do vi rút Ebola gây ra? Thành thật cảm ơn!(Lê Văn Lâm_Cty CP Thuỷ Sản Hải Hương_Bến Te, 36 tuổi, lambentre@)

- PGS.TS Trần Như Dương: Những người nghi mắc bệnh do virus Ebola thường là người có tiền sử ở/đi/đến từ vùng có dịch, hoặc tiếp xúc gần với người hoặc động vật bị bệnh Ebola trong vòng 21 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng sốt cao đột ngột; mệt mỏi; đau đầu; đau cơ; nôn, buồn nôn; tiêu chảy cấp; phát ban, trong một số trường hợp có chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu.

Những người nghi ngờ mắc bệnh này cần phải được thông báo ngay cho cán bộ y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để khám, cách ly, xét nghiệm và điều trị theo đúng quy định.

Trong vụ dịch, những người sau đây là có nguy cơ mắc bệnh cao nhất: Những người sống trong cùng gia đình hoặc những người trực tiếp chăm sóc, tiếp xúc gần với người bị mắc bệnh; Những người xử lý tử thi trong đám tang hoặc tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết. Tại Châu Phi, thợ săn ở rừng mưa có tiếp xúc với xác động vật chết trong rừng; cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Hiện nay bệnh do virus Ebola chưa có vắc xin phòng bệnh, chính vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu nhưng rất quan trọng như không nên đi đến vùng có dịch, không tiếp xúc với người hoặc động vật nghi ngờ mắc bệnh, không săn bắt, ăn thịt động vật hoang dã, thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn chín uống sôi). Theo dõi và thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của chính quyền cũng như ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

* Tại Hà Nội, tình hình viêm não Nhật Bản đến nay đã thuyên giảm chưa, bệnh viện có khuyến cáo gì với người dân?(Tỉ ti)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Hiện nay viêm não Nhật Bản B đã giảm, tuy nhiên để ngăn chặn bệnh dịch này cần phải đưa trẻ em đi tiêm chủng theo đúng lịch của chương trình tiêm chủng.

1 / Ở VN ta có bệnh này chưa? 2/ Triệu chứng khi bệnh ? 3/ Bệnh viện nào chuyên chữa bệnh này ở TPHCM ?(nguyen thi minh Tuyet, 42 tuổi, Bình Dương)

 - PGS -TS Nguyễn Văn Kính: Việt Nam chưa từng có bệnh Ebola, đến này cũng chưa phát hiện được ca nào. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, nhức đầu, đau cơ toàn thân sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với máu và dịch của người bệnh trong khoảng thời gian từ 2-21 ngày, sau các triệu chứng trên, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như đau bụng, nôn, tiêu chảy và suất huyết ngoài da hoặc trong các nội tạng, suy gan, thận, suy đa tạng, sốc và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%.

VN là nước có nguy cơ bị dịch xâm nhập, vì vậy những bệnh nhân đầu tiên sẽ được chuyển tới điều trị tại các bệnh viện chuyên ngành về truyền nhiễm.

* Bắt đầu năm học mới, các bác sĩ cho phụ huynh chúng tôi lời khuyên để giúp con em hạn chế những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Lê Trung, 34 tuổi, trungcom_09@)

TS.BS Lê Mạnh Hùng: Chào bạn, để giúp trẻ hạn chế những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần lưu ý những vấn đề sau:

- Tiêm chủng cho trẻ các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có thuốc chủng ngừa.

- Thực hiện vệ sinh cá nhân cho trẻ, lưu ý rửa tay thường xuyên không để trẻ ngậm tay vào miệng. Lưu ý trong pha chế, bảo quản sữa, thức ăn phải bảo đảm hợp vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn.

- Cho trẻ ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt.

Khi trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, tiêu chảy, nôn ói, đau đầu... thì nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, tránh tự ý mua thuốc dùng cho trẻ.

* Không chỉ dịch bệnh trên, tôi có con nhỏ, và môi trường học tập vui chơi có rất nhiều nguy cơ để bị lây nhiễm dịch bênh. Theo các anh, chúng tôi phải làm sao để giới hạn những vấn đề này?(Lan anh, 32 tuổi, Trinhnguyen...@yahoo)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Đứng trước mỗi dịch bệnh xảy ra, bạn không nên quá lo lắng nhưng cũng không quá chủ quan. Tốt nhất nên cập nhật thông tin qua truyền thông đại chúng để áp dụng các biện pháp dự phòng phù hợp, bạn vẫn cho con đi học, vui chơi bình thường.

* Thực trạng phòng chống bệnh truyền nhiễm của VN hiện nay như thế nào? Đứng ở vị trí nào so với khu vực và thế giới? (Loan Nhung)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Mặc dù VN là nước đang phát triển, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm phòng chống các bệnh dịch truyền nhiễm. VN là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS - một bệnh rất nguy hiểm và nhiều dịch bệnh khác như sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, bại liệt... vv. VN cũng là nước đầu tiên đạt rất nhiều chỉ tiêu thiên niên kỷ về y tế và điều này đã được các tổ chức y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác đánh giá cao.

* Cách nhận biết và triệu chứng của bệnh do virus Ebola là gì? Ai có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất? Cách tốt nhất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh do virus Ebola gây ra? (Lê Văn Lâm, công ty CP Thủy sản Hải Hương, Bến Tre, 36 tuổi, lambentre@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Những người nghi mắc bệnh do virus Ebola thường là người có tiền sử ở/đi/đến từ vùng có dịch, hoặc tiếp xúc gần với người hoặc động vật bị bệnh Ebola trong vòng 21 ngày. Sau đó xuất hiện các triệu chứng sốt cao đột ngột, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, nôn, buồn nôn, tiêu chảy cấp, phát ban. Trong một số trường hợp có chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu.

Những người nghi ngờ mắc bệnh này cần phải được thông báo ngay cho cán bộ y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để khám, cách ly, xét nghiệm và điều trị theo đúng quy định.

Trong dịch, những người sau đây là có nguy cơ mắc bệnh cao nhất:

- Những người sống trong cùng gia đình hoặc những người trực tiếp chăm sóc, tiếp xúc gần với người bị mắc bệnh

- Những người xử lý tử thi trong đám tang hoặc tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết.

Tại Châu Phi, thợ săn ở rừng mưa có tiếp xúc với xác động vật chết trong rừng, cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Hiện nay bệnh do virus Ebola chưa có vắcxin phòng bệnh. Chính vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu nhưng rất quan trọng như không nên đi đến vùng có dịch, không tiếp xúc với người hoặc động vật nghi ngờ mắc bệnh, không săn bắt, ăn thịt động vật hoang dã, thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn chín uống sôi).

Theo dõi và thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của chính quyền cũng như ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

* Việt Nam có nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh trên không? Tỉ lệ là bao nhiêu? (Duong, 32 tuổi, Duongnguyen@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Theo cảnh báo của WHO, bệnh Ebola có thể xâm nhập vào bất cứ quốc gia nào trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đi lại rất dễ dàng từ nơi này sang nơi khác. Do vậy, Việt Nam cũng là nước có nguy cơ bị dịch xâm nhập nhưng không cao.

* Thông tin cho rằng chưa khuyến cáo việc ngừng đi lại và giao thương liên quan đến Ebola, nhưng những người tiếp xúc với người bệnh lại bị cách ly. Thưa ông, tiếp xúc như đi cùng chuyến máy bay có được coi là có tiếp xúc và phải cách ly không? Việc cách ly được thực hiện như thế nào? (Xuân Toàn, 45 tuổi, toandung@...)

- PGS-TS Nguyễn Văn Kính: Ebola là bệnh lây qua đường máu, nếu bạn đi cùng chuyến bay với người mắc bệnh thì cần phải cách ly. Tuy nhiên bệnh Ebola diễn biến rất cấp tính, nên thường khi có các biểu hiện lâm sàng thì bệnh nhân cũng không đi máy bay. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ có nguy cơ bị lây nhiễm, khi xuống sân bay bạn cần phải làm tờ khai kiểm dịch, sau đó bạn sẽ được nhân viên y tế theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày tại nhà.

* Thực trạng phòng chống bệnh truyền nhiễm của VN hiện nay như thế nào? Đứng ở vị trí nào so với khu vực và thế giới? (Loan Nhung)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Mặc dù VN là nước đang phát triển, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm phòng chống các bệnh dịch truyền nhiễm. VN là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS - một bệnh rất nguy hiểm và nhiều dịch bệnh khác như sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, bại liệt... vv. VN cũng là nước đầu tiên đạt rất nhiều chỉ tiêu thiên niên kỷ về y tế và điều này đã được các tổ chức y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác đánh giá cao.

* Điều kiện sống của virus Ebola trong môi trường tự nhiên? Hóa chất nào có thể diệt virus này? (Nguyễn Thanh Tú, 50 tuổi, lamthanhtu11@...)

- PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Mặc dù gây bệnh nguy hiểm, nhưng virus Ebola rất dễ bị tiêu diệt. Ở môi trường thuận lợi, và trong tử thi, virus có thể tồn tại vài ngày. Còn với nhiệt độ 56 độ C, virus chết trong vòng 30-45 phút. Tất cả các hóa chất sát trùng như Cloramin B, nước Javen, cồn iode, cồn 70 độ đều có tác dụng tiêu diệt virus. Dầu tràm như đồn đại không có giá trị tiêu diệt virus.

* Cháu nhà em được 10 tháng tuổi. Cháu hay bị nôn ói, xin bác sĩ cho biết cháu bị như vậy có vấn đề gì không? (Nguyễn Thị Ngọc Phụng, 31 tuổi, phung nguyen@...)

- PGS.TS. Nguyễn Văn Kính: Nôn ói là một triệu chứng rất thông thường ở trẻ em, nhất là ở trẻ còn bú hoặc ăn quá no. Nếu cháu vẫn ăn, ngủ, vui chơi bình thường thì không sao cả, nhưng nếu nôn nhiều, mệt lả, lờ đờ thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

* Bệnh Ebola có lan đến Việt Nam không? Các biện pháp để phòng tránh bệnh hiệu quả nhất? (Lê Hồ Trung Kiên, 32 tuổi, trungkien1285@...)

- PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nguy cơ lây lan của dịch Ebola. Việt Nam cũng là nước có nguy cơ bị bệnh xâm nhập nhưng không cao, mặc dù vậy Ban chỉ đạo phòng chống dịch trung ương đã xây dựng kế hoạch ứng phó với từng tình huống dịch cụ thể, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các Bộ, Ban, ngành và UBND các tỉnh thành để triển khai kế hoạch ứng phó với từng tình huống dịch.

Bệnh Ebola lây truyền qua đường máu, cho đến nay chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy cách phòng chống tốt nhất là áp dụng các biện pháp dự phòng tương tự bệnh lây qua đường máu (viêm gan B, viêm gan C, HIV).  

* Thưa ông, lý do vì sao ngày càng có nhiều căn bệnh lạ xuất hiện? (Dũng Ngân, 35 tuổi,nganlyho@...)

- PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Do biến đổi vi khí hậu, hội nhập toàn cầu nên việc đi lại rất thuận lợi giữa các châu lục và các nước.

Bên cạnh đó, việc triệt hạ các môi trường sống của con người, ví dụ như đô thị hóa quá nhanh, thải ra nhiều chất thải độc hại ra môi trường, động vật hoang dã- ổ chứa thiên nhiên của các vi sinh vật gây bệnh bị săn bắt, ăn thịt...

Các mầm bệnh cũ thì lại gia tăng đề kháng với các thuốc đã có, cho nên ngày càng xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi.

* Tại các cửa khẩu, nhiều người dân cho biết việc kiểm tra sức khỏe người nhập cảnh còn sơ sài, ngành Y tế đã triển khai công tác phòng chống tại cửa khẩu ở mức độ nào? (Linh, 34 tuổi, honglinh@...)

- PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay tại hai cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất, cơ quan kiểm dịch y tế đã triển khai các phòng cách ly tạm thời, đồng thời đặt máy đo thân nhiệt tự động đối với tất cả hành khách nhập cảnh. Tờ khai kiểm dịch cũng đã được phát để người nhập cảnh kê khai, nhằm phát hiện người đến từ vùng có dịch để tập trung theo dõi sức khỏe.

Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sẽ được chuyển ngay đến bệnh viện chuyên ngành để theo dõi, cách ly và điều trị. Đối với cửa khẩu đường thủy và đường bộ cũng bắt đầu áp dụng phiếu khai kiểm dịch y tế.

Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu để sàng lọc ca nghi ngờ, do vậy việc giám sát phát hiện các ca bệnh từ cơ sở khám chữa bệnh đóng vai trò rất quan trọng.

* Hiện nay chúng ta có chủ trương phòng chống Ebola như thế nào ở cấp nhà nước? (Anh, 32 tuổi, Anhngu@...)

- PGS.TS Trần Như Dương: Trước hết Ban chỉ đạo phòng chống dịch trung ương đã xây dựng kế hoạch phòng chống với ba tình huống:

Tình huống 1: Dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam thì cần tăng cường giám sát, kiểm dịch tại cửa khẩu và tích cực phát hiện ca bệnh đầu tiên. Đồng thời truyền thông cho dân chúng hiểu về bệnh dịch để không quá hoang mang và cũng không quá chủ quan.

Tình huống 2: Khi xuất hiện các ca bệnh, tập trung cách ly điều trị ở các bệnh viện chuyên ngành. Đồng thời tăng cường giám sát những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhằm cách ly kịp thời các ca bệnh nghi ngờ.

Tình huống 3: Dịch xảy ra ở cộng đồng thì tất cả hệ thống y tế phải tham gia phòng chống dịch. Đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để triển khai các hoạt động ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh.

Ngày 9-8-2014, để ứng phó với dịch ngay sau khi tổ chức WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch Ebola, Thủ tướng Chính phủ đã họp khẩn với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan, đồng thời có công điện khẩn gửi các địa phương để tổ chức phòng chống dịch kịp thời.  

Chương trình giao lưu đã kết thúc, TTO  chân thành cám ơn bạn đọc đã theo dõi.

TTO thực hiện