Đoàn Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Nam Định

18/08/2017 | 05:32 AM

 | 


Triển khai thực hiện công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết mùa dịch năm 2017; Tình hình dịch bệnh sốt xuất tại Nam định năm nay đã xuất hiện sớm, với một số ổ dịch nhỏ tại TP. Nam định và một số huyện do có sự giao lưu, người lao động tự do theo mùa vụ từ Hà Nội mang nguồn bệnh về Nam Định.

Sáng ngày 05 tháng 8 năm 2017, Đoàn Bộ Y tế do PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Trưởng đoàn; cùng đi có Bà Bùi Thị Minh Thu – Giám đốc Sở Y tế và Bà Phạm Thị Oanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Nam Định đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại ổ dịch đầu tiên tại Phường Văn Miếu – TP. Nam Định.


Kiểm tra phát hiện bọ gậy tại hộ dân phường Văn Miếu-TP Nam Định


Kiểm tra thực tế, làm việc tại phường Văn Miếu – TP Nam định và công tác ứng phó, điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh; Đoàn kiểm đánh giá cao công tác triển khai kế hoạch, biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn tỉnh nói chung và phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại Tổ dân phố số 21, phường Văn Miếu. Công tác phun diệt muỗi, bọ gậy đã được triển khai quyết liệt; lập tổ liên ngành tại phường nhắc nhở từng hộ dân kể cả sẵn sàng áp dụng chế tài xử phạt hành chính nhưng vẫn còn một số hộ gia đình đi lao động xa vắng nhà; người dân chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe khi mắc dịch bệnh sốt xuất huyết vì là dịch bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu khi mắc bệnh.     

Theo báo cáo dịch bệnh sốt xuất huyết đến ngày 04/8/2017 toàn tỉnh đã ghi nhận 958 ca bệnh sốt xuất huyết và nghi sốt xuất huyết; qua xét nghiệm 56,7% xác định bằng NS1 xác định 95,1% (dương tính) với Dengue1. Báo cáo thống kê có tới 782 ca bệnh là người dân Nam Định mắc bệnh từ các tỉnh về quê nhà điều trị (chủ yếu là từ Hà Nội). Mặc dù có 5 ổ dịch và 11 điểm dịch có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại chỗ là TP Nam Định, huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu… đã cho thấy sốt xuất huyết đã xâm nhập về Nam định và có nguy cơ bùng phát nếu không quyết liệt khống chế dập dịch. Tỉnh đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết, phân tuyến, chuyển tuyến, điều trị ngoại trú, lập đường dây nóng tư vần phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đã lập kế hoạch, triện khai, kiện toàn đội cơ động phòng chống dịch tại chỗ từ tỉnh, huyện tới xã phường; Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống sốt xuất huyết được tăng cường; phát động chiến dịch người dân diệt muỗi, bọ gậy; cung cấp thông tin, khuyến cáo, tờ rơi phòng chống sốt xuất huyết tới các hộ gia đình và các phương tiện truyền thông công cộng. Mặc dù đội cơ động phòng chống dịch của Phường đã tiến hành các biện pháp tuyên truyền thông qua loa truyền thanh tổ dân phố, loa nhà văn hóa; đi vận động trực tiếp tới từng hộ gia đình; thả hóa chất vào từng bể chứa nước mưa; tuy vậy qua kiểm tra thực tế vẫn còn các ổ bọ gậy tại các hộ gia đình như đôn kê chậu hoa, vật dụng phế thải bằng nhựa, xô nhựa, lốp xe… Nguyên nhân là người dân chưa biết hết các loại dụng cụ chứa nước mưa là nơi đẻ trứng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Nam định đến nay chủ yếu là người dân lao động tự do, mùa vụ lên Hà Nội làm ăn sinh sống khi bị mắc sốt xuất huyết quay về Nam định điều trị tạo ra các ổ dịch nhỏ và điểm dịch sốt xuất huyết tại địa bàn Nam Định.


 Đoàn làm việc tại Sở Y tế Nam Định

Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của tỉnh Nam Định, PGS.TS.Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Trường đoàn công tác đã nhận định: Dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay đến sớm, diễn biến phức tạp trên Thế giới cũng như tại Việt Nam, gia tăng đột biến tại một số tỉnh miền Bắc nhất là Hà Nội, mà Nam Định lại là tỉnh đồng bằng có giao lưu lớn với Thủ Đô. Mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và còn kéo dài tới tháng 10, tháng 11 hàng năm.

Căn cứ tình hình thực tế, Đoàn công tác đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo:
1) Tập trung quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết nếu không ổ dịch bệnh nhân ngoại lai sẽ bùng phát tại chỗ và lan sang các địa bàn khác vì mật độ bọ gậy và muỗi truyền sốt xuất huyết còn ở mức độ cao. Tăng cường tuyên truyền, tăng kiểm tra ngẫu nhiên các ổ dịch và giám sát theo phân cấp và báo cáo theo hệ thống. Kể cả áp dụng xử phạt vi phạm hành chính sau khi đã triển khai nhắc nhở. 

2) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm đầu mối, hướng dẫn phun diệt muỗi 1-2 lần cách nhau 7-10 ngày tại các ổ dịch và điểm có nguy cơ cao, khu vực công trường xây dựng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp vào cuộc phối hợp với các cấp chính quyền, công an phường, đoàn thanh niện, hội phụ nữ, hội nông dân tuyên truyền vận động người dân và cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Lập danh sách, in bảng kiểm các dụng cụ chứa nước như: bình hoa, mảnh chai, lọ, gáo bát vỡ, phế liệu… có thể chứa nước mưa là nơi muỗi đẻ trứng, nở bọ gậy để người dân biết cũng như cán bộ kiểm tra, giám sát tiến hành rà soát tránh bỏ sót các ổ bọ gậy. Tổ chức vận động người dân, hộ gia đình, tổ dân phố, thôn xóm cộng đồng tiến hành vệ sinh môi trường 1-2 tuần /lần đảm bảo giải quyết triệt để các ổ bọ gậy tại địa bàn.

Công tác điều trị tiếp tục tiến hành tập huấn quy trình, phác đồ điều trị sốt xuất huyết tới toàn thể cán bộ y tế các tuyến, đảm bảo phân tuyến, phân loại tốt bệnh nhân; chuyển tuyến kịp thời, đủ thuốc tránh tử vong đáng tiếc xảy ra.  

3) Tiếp tục chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Nam Định theo nội dung Công điện số 1106/CĐ-TTg; có kế hoạch, phương án phân tuyến, chuyển tuyến điều trị, dự phòng quá tải bệnh viện, hỗ trợ tuyến dưới, y tế cơ sở xã, phường. Huy động mọi nguồn lực và thực hiện chính sách cho cán bộ tham gia phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với  công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.