Sáng 27/6: Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại TP HCM; Cả nước chỉ còn 27 ca COVID-19 thở oxy

27/06/2022 | 08:49 AM

 | 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hôm nay 27/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng chống và điều trị sốt xuất huyết tại TP HCM. Về dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước chỉ còn 27 ca phải thở oxy, thấp nhất trong gần 1 năm qua.

Cả nước còn 1,05 triệu người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát

Theo Bộ Y tế, ngày 26/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 557 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 100 ca so với ngày trước đó) tại 32 tỉnh, thành phố (có 476 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn nhiều nhất với 177 ca COVID-19, tăng nhẹ so với trước đó (tăng 9 ca), TP HCM và Bắc Ninh cùng có 32 ca COVID-19/ ngày; 29, tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận số ca mắc mới từ 1-26 ca COVID-19/ ngày.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 680 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.743.448 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.490 ca nhiễm).

Sáng 27/6: Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại TP HCM; Cả nươc chỉ còn 27 ca COVID-19 thở oxy - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 ở nước ta trong khoảng 1 tháng qua ở khoảng gần 600- hơn 800 ca/ ngày

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.735.681 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.605.038), TP. Hồ Chí Minh (610.018), Nghệ An (485.531), Bắc Giang (387.719), Bình Dương (383.796).

Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 9.649.814 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.050.550 trường hợp, trong đó có 27 đang thở ô xy là 27 ca, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 21 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 0 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca; ECMO: 0 ca.

Chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tăng cường truyền thông, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống giáo dục…trong việc vận động tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh.

Đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới.

Quản lý, duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.

Đồng thời nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại TP HCM

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hôm nay 27/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng chống và điều trị sốt xuất huyết tại TP HCM.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ kiểm tra công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết tại 3 bệnh viện gồm Bệnh viện quận 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sẽ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM, Sở Y tế và các bệnh viện liên quan cùng bàn giải pháp phòng và khống chế dịch.

Tại TP HCM, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 16.057 ca, tăng 117,3%. Số ca sốt xuất huyết nặng tích lũy đến tuần 24 là 274 ca, như vậy tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến là 1,7%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (là 0,4%).

Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tổng số ca sốt xuất huyết tử vong đến nay là 9 ca. Bao gồm 2 ca ở Bình Chánh, 3 ca ở Củ Chi, 1 ca ở Bình Tân, 1 ca ở Quận 11, 1 ca ở huyện Hóc Môn và 1 ca ở TP. Thủ Đức, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Bộ Y tế, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời, mới đây, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh/ thành phố trọng điểm trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến