Chiều 29/1: Việt Nam tiếp nhận gần 212 triệu liều vaccine phòng COVID-19; người dân về quê ăn Tết cần liên hệ y tế địa phương khi nào?
29/01/2022 | 15:10 PM
Bộ Y tế cho biết đến nay đã tiếp nhận 211,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19; hiện đã tiêm hơn 180,8 triệu liều; Người dân về quê đón Tết cần thông báo cho y tế địa phương khi có biểu hiện nghi mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở; Bệnh viện Chợ Rẫy lập 9 đội chi viện các tỉnh chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán...
51 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%
Bộ Y tế cho biết đến nay đã tiếp nhận đủ số vaccine phòng COVID-19 mua từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Trong tổng số 211,9 triệu liều đã tiếp nhận, hiện đã phân bổ 194,2 triệu liều; còn khoảng 17,7 triệu liều chưa phân bổ do mới được tiếp nhận, cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h30 ngày 29/1 cho biết, cả nước đã tiêm được hơn 180,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19, số vaccine tiêm trong ngày 28/1 là hơn 510 nghìn liều.
Đến ngày 28/1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 164.188.517 liều, trong đó mũi 1 là 70.586.511 liều; mũi 2 là 67.701.344 liều; mũi bổ sung là 9.706.625 liều, mũi 3: 16.194.037 liều.
51/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 12/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90% là Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Bình Định, Phú Yên, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương.
Số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.177.749 liều, trong đó mũi 1 là 8.437.423 liều, mũi 2 là 7.740.326 liều.
35/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 17/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90% là: Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 23% - dưới 80% là Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương
Người dân về quê đón Tết cần thông báo cho y tế địa phương khi có biểu hiện nghi mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở…
Cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ; đề cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch dịp Tết, đề nghị người dân di chuyển về địa phương bảo đảm an toàn trật tự, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định.
Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 theo tinh thần làm xuyên Tết, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phấn đấu trong quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, bảo đảm tiêm hết cho người cao tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân lao động trong các khu công nghiệp cho những người có đủ điều kiện tiêm chủng.
Nam Định ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong 1 ngày
Chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đang tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lây lan trong cộng đồng dịp Tết Nguyên đán.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, trong ngày 28/1, ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay với 518 ca. Trong số này có tới 343 F0 trong cộng đồng; còn lại ở trong khu cách ly, phong tỏa.
10/10 huyện, thành phố xuất hiện các ổ dịch phức tạp ở trong doanh nghiệp, chợ và công dân Nam Định từ các tỉnh, thành phố về quê đón Tết, thăm người thân. Trong một tuần trở lại đây (từ ngày 22 - 28/1), tỉnh Nam Định đã ghi nhận trên 2.560 ca mắc COVID-19 mới, nhiều ca ghi nhận trong cộng đồng.
Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến chiều 28/1, tỉnh Nam Định đã ghi nhận tổng số 9.800 ca mắc; trong đó, 4.997 ca tại cộng đồng, còn lại là trong khu vực cách ly, phong tỏa. Hiện tại, các cơ sở y tế, cơ sở thu dung tập trung của tỉnh đang cách ly điều trị 1.062 bệnh nhân; 1.946 bệnh nhân nhẹ đang được điều trị tại nhà, còn lại đã xuất viện hoặc chuyển tuyến lên các Bệnh viện Trung ương điều trị.
Theo bảng đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn Nam Định cập nhật đến 17 giờ ngày 28/1, toàn tỉnh chỉ còn 124/226 xã, phường, thị trấn thuộc "vùng xanh"; 71 xã, phường, thị trấn thuộc "vùng vàng" và 31 xã, phường, thị trấn thuộc "vùng cam".
Bệnh viện Chợ Rẫy lập 9 đội chi viện các tỉnh chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán
Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên kế hoạch ứng phó cho tình huống cấp cứu, quá tải bệnh nhân COVID-19 hoặc xuất hiện ca nghi nhiễm biến chủng Omicron trong đợt Tết Nguyên đán.
Theo đó, trong trường hợp bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy trên 90 ca, toàn bộ tầng 2 khu E được huy động. Khi tiếp nhận trên 120 ca, khu Hồi sức tích cực D được chuyển công năng thành tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch.
Khu E và khu Hồi sức tích cực D đã được chuyển đổi thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua.
Bệnh viện cũng thiết lập khu vực riêng để điều trị bệnh nhân COVID-19 là nhân viên y tế, nhân lực điều động tương ứng với các mức độ gia tăng số giường bệnh. Trong trường hợp có ca Covid-19 nghi nhiễm Omicron, bệnh nhân được cách ly khu vực riêng, xét nghiệm xác định và điều trị theo phác đồ.
Bên cạnh đó, lượng oxy y tế cũng được rà soát, chuẩn bị cho tình huống nhu cầu oxy tăng hoặc công ty ngừng cung cấp.
Bệnh viện đã lên danh sách dự phòng khi số lượng nhân viên trong ca trực mắc COVID-19 trên 30%.
Ngoài đội cơ động dự phòng tại chỗ với 30 bác sĩ và điều dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẵn sàng 9 đội chi viện cho các tỉnh. Khi có lệnh điều động của Bộ Y tế, lực lượng này sẽ nhanh chóng chi viện cho các địa phương, hỗ trợ chuyên môn chống dịch. Đây là những y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt vừa qua.
Nguồn: SKĐS
Tin liên quan
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan