Phát hiện và điều trị thành công bệnh nhân nhiễm giun lươn

13/11/2024 | 01:57 AM

 | 

“Giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa. Nhưng không phải ai cũng được phát hiện bệnh kịp thời”, bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhấn mạnh điều này trong cuộc chia sẻ với phóng viên.

Bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa khám và điều trị cho bệnh nhân.

Được biết mới đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp tục tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc bệnh giun lươn nhiều năm không biết. Bác sĩ có thể chia sẻ về ca bệnh cũng như tình hình hiện tại của bệnh nhân sau khi được điều trị?

Bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa: Bệnh nhân Lã Quang Nguyên, sinh năm 1976, quê ở Thanh Oai, Hà Nội. Vào viện từ ngày 23/10 với biểu hiện chính là ngứa rải rác toàn thân, kéo dài khoảng 2 năm. Ngoài ra, bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, vẫn ăn uống bình thường, không đau bụng, kèm sút cân. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi theo hướng điều trị theo hướng dị ứng nhưng không đỡ. Sau khi đến bệnh viện khám Xét nghiệm phân phát hiện ấu trùng giun lươn, xét nghiệm máu có kháng thể anti-Elisa dương tính với giun lươn và bạch cầu ưa acid tăng nhẹ. Sau điều trị bằng thuốc đặc hiệu, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện, các triệu chứng như ngứa, tiêu chảy đã ổn định.

Bệnh nhân thứ 2 là Đinh Văn Tiễn, sinh năm 1945, quê ở Gia Viễn, Ninh Bình. Vào viện ngày 14/10 với biểu hiện ngứa rải rác toàn thân kéo dài gần 20 năm, người mệt mỏi, ăn kém. Bệnh nhân có triệu chứng thường xuyên táo bón không có biểu hiện đau bụng, tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp. Đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, khám xét nghiệm phát hiện trùng giun lươn trong phân, xét nghiệm Elisa trong máu dương tính, bạch cầu acid tăng, ngoài ra xét nghiệm máu có chỉ số thiếu máu nhẹ. Sau 12 ngày điều trị bằng thuốc đặc hiệu, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân có giảm: ngứa giảm, ăn uống tốt hơn, tuy vẫn còn táo bón nhưng cải thiện nhiều hơn trước.

Thưa bác sĩ, từ trước tới nay, người dân không được biết nhiều tới bệnh giun lươn. Xin bác sĩ cho biết, con đường lây nhiễm bệnh giun lươn? Bệnh Giun lươn có phải là bệnh mới gặp không?

Bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa: Con đường lây nhiễm bệnh giun lươn có 2 cơ chế: lây nhiễm qua đường da và cơ chế tự nhiễm.

Lây nhiễm qua đường da: Ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, niêm mạc vào trong cơ thể người sau khi bệnh nhân tiếp xúc với đất bị ô nhiễm.

Cơ chế tự nhiễm: giun lươn cái đẻ ra trứng, trứng nở thành ấu trùng hoặc đẻ ấu trùng và phát triển thành giun trưởng thành trong lòng ruột gây bệnh cho người. Việc ăn thịt lươn không phải là nguyên nhân gây bệnh giun lươn.

Bệnh giun lươn đã được phát hiện từ rất lâu. Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun lươn không đặc hiệu. Người dân thường không để ý nên không đi khám và không phát hiện ra được bệnh sớm.

Đối với bệnh giun lươn có con số thống kê nào về người nhiễm giun lươn không? Bệnh giun lươn thường xuất hiện ở những vùng miền nào, độ tuổi nào? Đối tượng nào có nguy cơ mắc giun lươn nhiều nhất?

Bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa: Bệnh giun lươn thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trên thế giới có khoảng 30-100 triệu người bị nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun lươn 1-2% tổng dân số, tập trung nhiều khu vực phía Nam như Củ Chi, Thủ Đức (TP.HCM), miền Trung Tây Nguyên như Gia Lai, Bình Định.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh giun lươn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ nhiễm bệnh cao thường gặp ở độ tuổi lao động và nhóm nghề làm nông nghiệp.

Người mắc giun lươn có những dấu hiệu gì điển hình?

Bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa: Bệnh giun lươn có những triệu chứng thường gặp như: Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy có thể kéo dài trên 2 tuần và xen kẽ đợt táo bón. Ngoài ra, bệnh còn có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, nổi mẩn đỏ tại vị trí ấu trùng giun lươn xâm nhập, hoặc triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, sút cân. Biểu hiện của bệnh đều có gặp trong có bệnh bệnh ký sinh trùng khác.

Những phương pháp để chẩn đoán ra bệnh giun lươn? Người bệnh đã mắc giun lươn sau khi điều trị rồi có bị tái mắc bệnh nữa không? Hoặc có thể nhiễm thêm các bệnh ký sinh trùng khác?

Bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa: Những phương pháp để chẩn đoán bệnh giun lươn: Xét nghiệm phân: phương pháp soi tươi, phương pháp Baerman; nuôi cấy; xét nghiệm dịch tá tràng, dịch rửa phế quản; xét nghiệm Elisa tìm ra kháng thể kháng giun lươn trong máu, xét nghiệm sinh học phân tử; xét nghiệm IgE toàn phần, bạch cầu ái toan trong máu thường tăng...

Thời gian điều trị của bệnh nhân tùy thuộc theo thể bệnh thông thường hay thể bệnh nặng sẽ khác nhau. Cụ thể như thể bệnh thông thường thời gian điều trị từ 7 cho đến 10 ngày, còn đối với thể nhiễm giun lươn nặng, nhiễm giun lươn lan tỏa điều trị kéo dài cho đến khi sạch ấu trùng có thể điều trị đến hai tuần.

Trong quá trình điều trị cần lưu ý phải xét nghiệm phân nhiều lần để đánh giá hiệu quả điều trị nếu phân còn ấu trùng thì chỉ định điều trị lại cho đến khi sạch ấu trùng.

Người mắc bệnh giun lươn sau khi điều trị do không có miễn dịch lâu dài nên vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm và vẫn có thể nhiễm thêm các bệnh ký sinh trùng khác.

Nếu không được điều trị, người bị bệnh mắc giun lươn có nguy cơ hậu quả gì cho sức khỏe?

Bác sĩ CKI Đinh Thị Bảo Thoa: Giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa bởi nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể con người gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt thể bệnh nặng ấu trùng xâm nhập vào nhiều cơ quan như phổi, gan, tim, thận, thần kinh trung ương có nguy cơ dẫn đến tử vong cao.

Do đó, để phòng bệnh, đối với cá nhân, người cần chú trọng vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt với người thường xuyên phải tiếp xúc với đất, cát. Người nghi ngờ nhiễm bệnh giun lươn nên đến khám và xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể như: ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập luyện thể thao...

Đối với cộng đồng, cần được tuyên truyền giáo dục sức khỏe về bệnh, nâng cao ý thức người dân về phòng chống bệnh. Quản lý phân tốt, vệ sinh môi trường, rác thải tốt.

Sau khi điều trị khỏi, người bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm, cần theo dõi sức khỏe và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh.

Phòng Truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến