Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ghi nhận trường hợp sốt rét ngoại lai sau khi trở về từ Cameroon

20/07/2025 | 23:01 PM

 | 

Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp sốt rét ngoại lai – tức nhiễm bệnh tại nước ngoài nhưng phát bệnh tại Việt Nam – ở bệnh nhân 42 tuổi sau chuyến công tác ngắn ngày tại Cộng hòa Cameroon, khu vực đang có dịch lưu hành mạnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây ra.

TS.BSCKII. TTƯT. Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Thường trực phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thăm khám cho bệnh nhân.

Bệnh nhân là ông V.Đ.H., trú tại An Hòa, TP. Hải Phòng. Sau khi trở về từ Cameroon, ông có biểu hiện sốt cao, rét run từng cơn, đau đầu, mệt mỏi toàn thân. Người nhà đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để được thăm khám. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từng sinh sống và làm việc dài hạn tại Cameroon và đã nhiều lần mắc sốt rét trong quá khứ. Thời gian gần đây, ông chỉ đi công tác ngắn ngày sang quốc gia này và trở về Việt Nam sau mỗi đợt làm việc. Đây là lần đầu tiên ông phát bệnh sau khi về nước.

Xét nghiệm máu tại Bệnh viện xác định bệnh nhân nhiễm Plasmodium falciparum – tác nhân gây sốt rét ác tính, có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như hôn mê, suy gan, suy thận, phù phổi hoặc tử vong nếu không điều trị kịp thời. Rất may, bệnh nhân đã được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, hiện đã cắt sốt, tình trạng sức khỏe ổn định và đang được theo dõi tại cơ sở y tế.

Theo TS.BSCKII. TTƯT. Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Thường trực phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, đây là một trong những ca sốt rét ngoại lai điển hình trong năm nay. Ông cho biết, mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn tiến tới loại trừ sốt rét, nhưng nguy cơ lây lan từ các ca bệnh nhập cảnh vẫn hiện hữu. Muỗi Anopheles – véc-tơ truyền bệnh sốt rét – vẫn tồn tại tại nhiều khu vực như miền núi phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam. Nếu không được kiểm soát tốt, các ca sốt rét ngoại lai có thể trở thành nguồn lây truyền mới trong cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030 của quốc gia.

Nguy cơ từ ca bệnh nhập cảnh và các biến chứng sốt rét ác tính

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây qua vết đốt của muỗi Anopheles cái. Trong đó, Plasmodium falciparum là loại nguy hiểm nhất do khả năng gây sốt rét ác tính với tốc độ phát bệnh nhanh và tỉ lệ tử vong cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu do vỡ hồng cầu, tổn thương gan thận, phù phổi cấp, hạ đường huyết, rối loạn tri giác, thậm chí tử vong. Phụ nữ mang thai và trẻ em là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương khi mắc loại sốt rét này.

Theo bác sĩ Thọ, điều đáng lo ngại là nhiều người sau khi trở về từ vùng dịch thường chủ quan trước những triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu – vốn dễ nhầm lẫn với cúm hay các bệnh sốt thông thường. Việc trì hoãn thăm khám dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, làm gia tăng nguy cơ lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân sống hoặc làm việc tại các vùng còn muỗi truyền bệnh.

Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, chỉ trong hai tuần đầu của tháng 6/2025, đã ghi nhận 4 ca sốt rét ngoại lai. Tính từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 8 trường hợp được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tất cả đều là các bệnh nhân trở về từ các quốc gia đang có dịch sốt rét lưu hành mạnh như Cameroon, Angola và một số nước châu Phi. Nếu không được phát hiện sớm, những ca bệnh này có thể là nguồn phát tán ký sinh trùng ra cộng đồng thông qua véc-tơ muỗi tại địa phương.

Khuyến cáo cho người dân đi công tác hoặc lao động tại vùng dịch

Trước thực tế nhiều ca bệnh sốt rét nhập cảnh được ghi nhận, các chuyên gia cảnh báo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là những người đi công tác, lao động hoặc sinh sống tại các quốc gia đang lưu hành dịch.

Trước khi đi đến vùng có dịch, người dân nên tìm hiểu kỹ tình hình dịch tễ tại địa phương mình đến, sử dụng thuốc phòng sốt rét theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời mang theo màn tẩm hóa chất, vợt muỗi, thuốc đuổi muỗi cá nhân. Trong thời gian lưu trú, cần ngủ màn, hạn chế ra ngoài vào chiều tối hoặc đêm muộn, sử dụng quần áo dài tay và thuốc xua muỗi để tránh muỗi đốt.

Sau khi trở về Việt Nam, người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe trong ít nhất 30 ngày. Nếu xuất hiện triệu chứng như sốt, rét run, đau đầu, vã mồ hôi… cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa và thông báo lịch trình đi lại để được xét nghiệm sốt rét kịp thời.

Bác sĩ Thọ nhấn mạnh, ngành y tế đang duy trì hệ thống giám sát, chẩn đoán và điều trị sẵn sàng để phát hiện và xử lý kịp thời các ca sốt rét nhập cảnh. Tuy nhiên, để bảo vệ cộng đồng và giữ vững thành quả loại trừ sốt rét, sự hợp tác và ý thức phòng bệnh của người dân đóng vai trò rất quan trọng.

Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong kiểm soát và loại trừ sốt rét, nhưng hành trình về đích vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm xuyên biên giới. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực từ hệ thống y tế, mỗi người dân – đặc biệt là những người thường xuyên đi lại quốc tế – cần chủ động phòng bệnh và không chủ quan trước các triệu chứng bất thường. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần giữ an toàn cho cộng đồng.

Phòng Truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến