Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo khoa học về điều trị toàn diện bệnh lý đột quỵ
20/07/2025 | 23:02 PM



Với mục tiêu cập nhật kiến thức và chia sẻ những tiến bộ y khoa mới nhất, Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức thành công Hội thảo Khoa học với chủ đề "Điều trị toàn diện bệnh lý đột quỵ". Sự kiện thu hút hơn 1.200 người tham dự trực tiếp và trực tuyến, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ và thần kinh.
Điều trị đột quỵ không chỉ dừng lại ở việc cứu sống người bệnh, mà còn phải giúp họ tái hòa nhập cộng đồng một cách trọn vẹn
Hội thảo được chủ tọa bởi PGS.TS.BS. Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. PGS. Tôn nhấn mạnh quan điểm: “Điều trị đột quỵ không chỉ dừng lại ở việc cứu sống người bệnh, mà còn phải giúp họ tái hòa nhập cộng đồng một cách trọn vẹn”. Theo ông, việc nhận diện và can thiệp kịp thời những di chứng "thầm lặng" như suy giảm nhận thức sau đột quỵ là bước đi then chốt trong mô hình chăm sóc toàn diện.
Tại hội thảo, bài tham luận của BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, đã nhận được nhiều sự quan tâm. Với chủ đề "Điều trị suy giảm nhận thức trên bệnh nhân đột quỵ não", bác sĩ Dũng phân tích sâu về cơ chế bệnh sinh và đề xuất chiến lược điều trị toàn diện gồm: điều trị phòng ngừa tối ưu và can thiệp dược lý mục tiêu nhằm phục hồi chức năng não bộ.
BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tham luận chủ đề "Điều trị Suy giảm nhận thức trên bệnh nhân đột quỵ não".
Ngoài ra, các báo cáo thực tế từ BS.CKI. Đỗ Thị Hải (BVĐK Hợp Lực), BS.CKII. Dương Quang Hải (BV Đà Nẵng) và góc nhìn dược lâm sàng của PGS.TS.DS. Nguyễn Hoàng Anh (BV Bạch Mai) cũng mang lại những thông tin quý báu. Sự đồng chủ tọa của các bác sĩ từ nhiều bệnh viện lớn cho thấy sự liên kết chặt chẽ trong xây dựng mạng lưới điều trị đột quỵ hiệu quả trên toàn quốc.
Hội thảo khép lại với nhiều kỳ vọng về một hướng tiếp cận toàn diện, bền vững hơn trong điều trị và phục hồi bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam.
Đột quỵ là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu, gây tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra đột ngột khi dòng máu lên não bị gián đoạn do tắc hoặc vỡ mạch máu, khiến các tế bào não nhanh chóng bị tổn thương, thậm chí chết đi chỉ sau vài phút. Đột quỵ có thể gây liệt nửa người, mất ngôn ngữ, suy giảm nhận thức, thậm chí hôn mê sâu hoặc tử vong. Điều đáng lo ngại là đột quỵ không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà ngày càng trẻ hóa, đặc biệt ở những người có lối sống thiếu lành mạnh hoặc mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa, nhận biết sớm dấu hiệu cảnh báo và can thiệp kịp thời là yếu tố then chốt để bảo vệ tính mạng và chức năng não bộ cho người bệnh.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Người phụ nữ 63 tuổi phát hiện ung thư buồng trứng di căn từ dấu hiệu không điển hình
- Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ghi nhận trường hợp sốt rét ngoại lai sau khi trở về từ Cameroon
- Nữ bệnh nhân nhiễm ấu trùng ký sinh dưới da sau khi làm vườn không mang bảo hộ
- Phòng chống dịch bệnh mùa hè: Chủ động nhận biết và cách phòng chống bệnh viêm màng não do não mô cầu
- Ngành Y tế quyết tâm đổi mới toàn diện: Nâng tầm chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Hiến giác mạc – nghĩa cử hồi sinh ánh sáng đang lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam