Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con có mắc bệnh không?
29/10/2023 | 16:01 PM
Rất nhiều người thắc mắc nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV thì khi sinh con ra liệu có mắc bệnh?
Hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, điều trị thuốc dự phòng kịp thời, đầy đủ có thể giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống dưới 2%.
ThS. Nguyễn Thị Thu Nghĩa - Trưởng khoa Sản 3, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền và có khả năng làm mẹ nếu như được tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và áp dụng các cách đề phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
"Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện..." - ThS. Nguyễn Thị Thu Nghĩa nói.
Tại BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã từng tiếp nhận khám, đỡ đẻ cho nhiều sản phụ nhiễm HIV; trong đó có nhiều sản phụ nhiễm HIV đang điều trị thuốc hoặc nghi ngờ nhiễm HIV – phát hiện nhờ xét nghiệm sàng lọc tại viện.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các chương trình quốc gia dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm ba chiến lược đồng thời:
- Phòng ngừa nhiễm HIV nguyên phát ở phụ nữ mang thai;
- Ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn ở phụ nữ nhiễm HIV;
- Các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hai chiến lược đầu tiên thường đạt được thông qua các phương pháp tránh thai và thay đổi hành vi, trong khi chiến lược thứ ba liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho phụ nữ nhiễm HIV và con của họ và là trọng tâm của hầu hết các chương trình lây truyền lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Các giai đoạn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
HIV là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh mà hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. HIV lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, trong chuyển dạ đẻ và sau đẻ - cho con bú. Việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa quan trọng, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Cụ thể:
- Đối với giai đoạn mang thai: Cần tư vấn và xét nghiệm HIV sớm cho thai phụ, dùng thuốc kháng virus theo phác đồ để giảm nồng độ virus.
- Đối với giai đoạn chuyển dạ đẻ: Song song với sự dụng thuốc kháng virus, cần áp dụng các biện pháp sản khoa làm giảm sự phơi nhiễm của thai với các dịch cơ thể của người mẹ.
- Trong giai đoạn sau đẻ - cho con bú: Cần tư vấn dùng sữa thay thế hoàn toàn hoặc cho bú mẹ an toàn đến 12 tháng song song với sử dụng thuốc kháng virus theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Cũng theo chuyên gia sản khoa, đối với tất cả các trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV đều cần sử dụng thuốc kháng virus dự phòng phơi nhiễm HIV.
Việc xác định HIV ở trẻ được tiến hành sau sinh 4 – 6 tuần hoặc ngay sau giai đoạn này càng sớm càng tốt bằng phương pháp xét nghiệm PCR. Dựa vào kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị, theo dõi tiếp cho trẻ.
Nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở người mẹ mang thai bị nhiễm HIV thì người mẹ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản và theo dõi, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Khi quá trình chuyển dạ diễn ra, sản phụ cần phải tiếp tục hợp tác tốt với các bác sĩ sản khoa để giúp quá trình sinh nở được thuận lợi và an toàn. Đặc biệt, các bà mẹ cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị cho trẻ sau sinh để giảm tối đa các nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Người phụ nữ hôn mê sâu tiên lượng xấu, vì uống thuốc bột chữa bệnh dạ dày
- Một người Tày hiến tạng ‘hồi sinh’ 4 cuộc đời
- Từ 1/1/2025, người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo lên thẳng bệnh viện tuyến trên, BHYT vẫn thanh toán 100%
- Chứng chỉ đào tạo chuyên khoa có dùng để điều chỉnh phạm vi hành nghề?
- Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
- Gần 400 y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025