Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Cùng thời điểm (ngày 5/12), liên tiếp ghi nhận hai ổ dịch bệnh truyền nhiễm là bệnh lỵ trực trùng và sởi tại hai địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Điện Biên đã khẩn trương vào cuộc khoanh vùng, dập dịch. Ngành y tế Điện Biên đã liên tiếp phát đi thông báo yêu cầu y tế cơ sở, chính quyền các địa phương chủ động vào cuộc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; hạn chế dịch lây lan trên diện rộng tại địa bàn và các địa bàn lân cận, khu vực giáp ranh…
|
Đoàn công tác Sở Y tế Điện Biên kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc bệnh sởi tại huyện Tuần Giáo. |
Cung cấp thông tin về ổ dịch bệnh sởi trên địa bàn, ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, cho biết: Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện mắc bệnh sởi tại địa bàn là cháu V.T.N. (sinh năm 2021), người dân tộc H’Mông, ở bản Hua Mức 2, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo. Trước đó, ngày 2/12/2024, cháu V.T.N. bị sốt, ho từng cơn và nổi ban đỏ toàn thân.
Ngày 5/12 cháu N. được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo khám, điều trị; được các bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm; ngày 6/12 kết quả xét nghiệm khẳng định cháu N. dương tính với TgM virus sởi.
Sau hơn chục ngày được bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị sức khỏe cháu N. dần hồi phục, đến ngày 19/12 cháu N. được ra viện; về nhà cháu có tiếp xúc với một số trẻ khác trong bản.
|
Trẻ em xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo mắc bệnh sởi được thu dung điều trị tại địa bàn. |
Ngày 25/12, Trường Mầm non Pú Xi huyện Tuần Giáo ghi nhận 15 trường hợp sốt phát ban. Tiếp nhận thông tin, ngay lập tức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử bác sĩ về lấy 6 mẫu của 6 học sinh mầm non Pú Xi làm xét nghiệm, kết quả ghi nhận 6/6 mẫu đều dương tính với TgM virus sởi. “Tính chung cả đợt từ ngày 5-27/12, trên địa bàn bản Thẩm Mú và Hua Mức của xã Pú Xi đã ghi nhận 33 trẻ mắc bệnh sởi. Trong đó, một ca bệnh đã được điều trị ổn định và ra viện; còn lại các ca bệnh khác đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, khu thu dung điều trị và điều trị tại nhà” - lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo cho biết.
Cùng thời điểm (ngày 5/12), trên địa bàn xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) - nơi từng xảy ra trận lũ quét lịch sử làm thiệt hại nặng về người, tài sản vào cuối tháng 7/2024, cũng phát sinh một ổ dịch bệnh lỵ trực trùng mà đối tượng mắc bệnh hầu hết là học sinh của một trường học tại địa bàn.
Ông Phạm Minh Tú, Phó trưởng Trạm Y tế xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, cho biết: Trường hợp học sinh đầu tiên mắc bệnh lỵ trực trùng ở địa bàn là cháu H.T.D., học lớp 7E, người dân tộc H’Mông ở bản Pá Chả, xã Mường Pồn.
|
Học sinh nội trú Trường trung học cơ sở Mường Pồn được hướng dẫn vệ sinh nơi ở, đồ dùng sạch sẽ để phòng, chống các bệnh lây lan. |
Điều đáng nói, sau ngày 4/12 (thời điểm cháu H.T.D. bị đau bụng, tiêu chảy) thì những ngày sau đó Trường trung học cơ sở Mường Pồn đã liên tiếp ghi nhận thêm nhiều học sinh có biểu hiện bệnh giống cháu D. Hầu hết học sinh mắc bệnh như cháu D. đều là bạn ở cùng phòng, cùng lớp, ăn cùng giờ với cháu D.
Đến ngày 13/12 toàn trường đã ghi nhận 21 học sinh là dân tộc H’Mông ở 6 bản gồm: Nậm Ty, Đỉnh Đèo, Huổi Un, Huổi Chan 2, Pá Chả, Pá Sáng mắc bệnh.
Hiện có 10 học sinh đã được điều trị ổn định, được cho về gia đình theo dõi; 11 học sinh đang được theo dõi, điều trị tại khu cách ly ở Trường.
Ngay sau phát hiện các ca bệnh sởi, lỵ trực trùng đầu tiên, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tuyến tỉnh và huyện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tại địa bàn hai xã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh là Pú Xi (huyện Tuần Giáo) và Mường Pồn (huyện Điện Biên), Sở Y tế yêu cầu phải khẩn trương phun khử khuẩn xử lý môi trường tại các trường học và những hộ gia đình có trường hợp ghi nhận người mắc bệnh. Khẩn trương thành lập khu cách ly thu dung và điều trị bệnh nhân tại Trường Trung học cơ sở Mường Pồn và khu cách ly điều trị tại Nhà văn hóa bản Thẩm Mú.
Công tác khoanh vùng, dập dịch cần tập trung rà soát những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những trẻ có biểu hiện ho, sốt, phát ban, đau bụng tiêu chảy để kịp thời cách ly, theo dõi và điều trị…
|
Ông Lường Văn Kiên (thứ 3 từ trái sang), Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, kiểm tra công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh sởi ở xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo. |
Trực tiếp kiểm tra công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sởi ở huyện Tuần Giáo, ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của ngành y tế phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi tại xã Pú Xi: Tăng cường các biện pháp giám sát không để nguồn bệnh lây lan sang các địa phương khác; bảo đảm các điều kiện khoảng cách và vệ sinh môi trường tại các khu cách ly và điều trị bệnh; bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh; rà soát bệnh nhân nặng để chuyển tuyến kịp thời.
Tại xã Mường Pồn, ngay khi ghi nhận ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên đã quyết định thành lập Tổ y tế lưu động do bác sĩ Vũ Hồng Vương, Trưởng khoa truyền nhiễm làm Tổ trưởng về Mường Pồn kiểm soát, khống chế và điều trị bệnh.
Bác sĩ Vũ Hồng Vương, cho biết: Tổ Y tế lưu động cùng cán bộ Trạm Y tế xã Mường Pồn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, giáo viên Trường trung học cơ sở Mường Pồn và các trường học khác trong địa bàn xã thực hiện nghiêm các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng. Với các học sinh đã mắc bệnh bảo đảm được theo dõi, điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế, không để người bệnh tiếp xúc với người chưa mắc bệnh để ngăn chặn nguy cơ cao.
Với sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của cán bộ Tổ y tế lưu động, Trạm Y tế xã Mường Pồn và sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương, đến ngày 23/12, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên đã chính thức công bố kết thúc ổ dịch lỵ trực trùng tại xã Mường Pồn.
|
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo trao thực phẩm cho các gia đình có người mắc bệnh sởi đang được thu dung, điều trị tại huyện Tuần Giáo. |
Với dịch bệnh sởi, do diễn biến các ca bệnh phức tạp hơn, tỷ lệ trẻ trong vùng dịch chưa được tiêm vaccine sởi, sởi-Rubela cao khiến việc khoanh vùng, khống chế dịch khó khăn hơn. “Đến ngày 29/12, toàn tỉnh đã ghi nhận 72 trường hợp ở ba huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Tủa Chùa mắc bệnh sởi. Trong đó, tâm dịch ở trung tâm xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) ghi nhận 65 trường hợp mắc bệnh; huyện Tủa Chùa ghi nhận 3 trường hợp; huyện Mường Nhé ghi nhận 4 trường hợp” - ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, cho biết thêm chi tiết về tình hình dịch!
Tâm dịch ở trung tâm xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) ghi nhận 65 trường hợp mắc bệnh; huyện Tủa Chùa ghi nhận 3 trường hợp; huyện Mường Nhé ghi nhận 4 trường hợp.
Đoàn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên
Nhận định thời gian tới bệnh sởi tại xã Pú Xi huyện Tuần Giáo có thể lây lan ra một số xã khác trên địa bàn huyện và các huyện có địa bàn giáp ranh, như: Mường Chà, Mường Ảng; đặc biệt nguy cơ cao bệnh lây lan tại các xã có tỷ lệ tiêm chủng thấp, như: Huổi Mí, Nậm Nèn (huyện Mường Chà), Sở Y tế Điện Biên đã yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế, trường học.
Thường xuyên chỉ đạo các khoa, phòng khám bệnh, các cơ sở điều trị bệnh nhân thực hiện giám sát phát hiện kịp thời các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh sởi. Đặc biệt lưu ý các trẻ có tiền sử đến khám và điều trị trở về từ các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh sởi lưu hành; không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bệnh sởi trong bệnh viện, tại các khu vực điều trị.
Cùng với các biện pháp trên, Sở Y tế Điện Biên còn yêu cầu y tế cơ sở chủ động phối hợp chính quyền các huyện, xã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác, để từ đó nâng cao nhận thức nhân dân trong công tác phòng, chống bệnh bằng việc chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng chống các bệnh truyền nhiễm hiệu quả.
Phải rà soát để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi; đặc biệt chú ý đến vùng lõm trong tiêm chủng để có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân cho con em đi tiêm đúng lịch, đúng liều…
Lường Văn Kiên-Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên
Ông Lường Văn Kiên, cho biết: Xác định tiêm vaccine là “lá chắn” phòng bệnh tốt nhất cho người dân, hiện tại Sở Y tế Điện Biên đã chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi; đặc biệt chú ý đến vùng lõm trong tiêm chủng để có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân cho con em đi tiêm đúng lịch, đúng liều…
Nguồn: Nhandan.vn