Người mắc COVID-19 có nên uống nước dừa không?

26/02/2022 | 14:33 PM

 | 

Thời gian gần đây trên mạng có nhiều thông tin chia sẻ khác nhau về việc người bệnh COVID-19 nên hoặc không nên uống nước dừa. Vậy, nước dừa có tác dụng gì và bệnh nhân COVID -19 có nên uống nước dừa không?

1. Nước dừa bổ dưỡng, bù nước và cân bằng điện giải

Nước dừa tự nhiên là một loại nước uống có tác dụng giải khát và bổ dưỡng. Nước dừa chứa đường, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C... tốt cho sức khỏe.

Nước dừa chứa 94% là nước và rất ít chất béo. Một cốc nước dừa 240 ml chứa 60 calo, cũng như:

  • Carb: 15 gram
  • Đường: 8 gam
  • Canxi: 4% giá trị hàng ngày (DV)
  • Magiê: 4% DV
  • Phốt pho: 2% DV
  • Kali: 15% DV

Các khoáng chất trong nước dừa như: kali, natri, canxi, magiê, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể.

Vì vậy, nước dừa thường được dùng uống bù nước hiệu quả nhằm bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết qua mồ hôi, mất nước do sốt, tiêu chảy…

TS. Nguyễn Đức Quang
Người mắc COVID-19 có nên uống nước dừa không? - Ảnh 2.

Nước dừa bổ dưỡng, giúp bù nước và cân bằng điện giải cho cơ thể.

Trong y học cổ truyền, nước dừa là vị thuốc có vị ngọt mát, tính bình, tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu. Thường dùng chữa say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, tiêu chảy, suy nhược…

Do vậy, nước dừa vừa có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lại là nước uống bổ dưỡng giàu vitamin và khoáng chất có thể bù nước và cân bằng điện giải cho cơ thể trong các trường hợp mất nước do suy nhược, sốt, tiêu chảy…

2. Người mắc COVID-19 có nên uống nước dừa không?

Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng, thể chất bình thường, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Người nhiễm COVID-19 cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày). Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát.

Người mắc COVID-19 có nên uống nước dừa không? - Ảnh 4.

Người mắc COVID-19 cần uống nhiều nước.

Như vậy, chế độ dinh dưỡng và nước là vô cùng quan trọng với người mắc COVID-19. Người bệnh cần uống nước ấm nhiều lần trong ngày, ngày uống tối thiểu 2 lít nước. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Không uống các loại nước gây kích thích thần kinh như trà, cà phê…

Đặc biệt, trong trường hợp có sốt nên uống oresol để bù nước và điện giải. Và uống nước dừa cũng là thức uống tốt để bù nước và điện giải.

3. Nên uống nước dừa như thế nào là phù hợp?

Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều.

Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Người mắc COVID-19 có nên uống nước dừa không? - Ảnh 5.

Không nên uống quá nhiều nước dừa.

Theo ý kiến của chuyên gia y học cổ truyền, nước dừa bổ mát có tính âm cao không nên lạm dụng, mỗi ngày chỉ nên dùng 1 - 2 quả. Đặc biệt là người hàn lạnh âm thịnh dương suy, miệng không khát kiêng nước dừa, nếu uống cho thêm vài lát gừng, 2 - 3g muối tăng dương tính, khử bớt tính hàn.

Ngoài ra, không dùng nước dừa cho các trường hợp sau:

- Người bị COVID-19 biểu hiện lạnh nhiều, ho thở, mệt mỏi, đờm nhiều, đờm loãng, sợ gió, bụng đầy chậm tiêu…

- Người bị COVID-19 biểu hiện đang sốt cao tự nhiên mồ hôi ra đầm đìa, tay chân giá lạnh, hạ huyết áp…

- Người béo phì bị COVID-19 biểu hiện tiêu hóa kém, hay đầy bụng, sau khi ăn hay mệt mỏi…

- Người có đường huyết cao, người hư nhược, già yếu…

Nguồn: SKĐS


Thăm dò ý kiến