Hiệu quả điều trị dự phòng HIV ở Khánh Hòa
28/10/2024 | 15:24 PM
|
Việc điều trị dự phòng HIV với các nhóm nguy cơ cao ở Khánh Hòa luôn được chú trọng. Cùng với đó, người không may đã nhiễm HIV tuân thủ điều trị theo phác đồ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, địa phương luôn quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về bệnh HIV cho nhiều nhóm đối tượng như: Nhóm bán dâm, tiêm chích ma túy, quan hệ đồng giới. Đặc biệt, nhận thức về điều trị dự phòng với HIV đã được nhiều người quan tâm thực hiện.
Trong những tháng cuối năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa triển khai mạnh mẽ chuỗi hoạt động truyền thông theo nhóm dành cho những người quan hệ tình dục đồng giới. Từ các buổi truyền thông này, chương trình PrEP (điều trị dự phòng với HIV) sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, giúp phòng ngừa hiệu quả sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Các buổi truyền thông nhóm còn là dịp để những người tham gia có thể trực tiếp giao lưu và đặt câu hỏi với các cán bộ y tế có chuyên môn. Mọi thắc mặc về căn bệnh HIV từ cách phòng bệnh, cách điều trị đều được giải đáp một cách cặn kẽ, dễ hiểu. Tại Khánh Hòa, bất kể ai muốn tìm hiểu, tư vấn về điều trị dự phòng HIV có thể liên hệ số điện thoại của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa là 025.8 3562 749 sẽ được tư vấn.
Người có nguy cơ cao với HIV nên đi xét nghiệm sớm để được tư vấn cách phòng ngừa hoặc điều trị bệnh.
Thông thường, người có nguy cơ cao với HIV khi đến nghe tư vấn về điều trị dự phòng sẽ được bác sĩ đánh giá nguy cơ nhiễm HIV thông qua một số thông tin như, có quan hệ tình dục không an toàn không, có tiêm chích ma túy không. Sau đó, bác sĩ thăm khám và chỉ định làm một số xét nghiệm cần thiết, trong đó có xét nghiệm HIV. Khi có kết quả xét nghiệm chính xác bác sĩ sẽ kê đơn thuốc PrEP nếu cần thiết hoặc kê đơn thuốc ARV nếu không may đã nhiễm HIV. .
Người sử dụng PrEP, cũng phải thường xuyên đến cơ sở y tế định kỳ để tái khám và làm các xét nghiệm theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế dự phòng, trong các thử nghiệm lâm sàng với các nhóm đối tượng khác nhau như nhóm quan hệ đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy đều cho thấy tác dụng tốt của PrEP. Nếu tuân thủ tốt, PrEP có thể dự phòng được trên 90% khả năng lây nhiễm HIV.
Thời gian hiệu quả bảo vệ tối đa của PrEP khác nhau giữa PrEP uống hằng ngày và PrEP uống theo tình huống. Ví dụ như, nhóm quan hệ đồng giới chỉ quan hệ tình dục qua đường hậu môn, sử dụng PrEP liều hằng ngày, mỗi ngày một viên, thì hiệu quả bảo vệ đạt cao.
PrEP an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ có một số ít người (khoảng gần 10%) gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu nhưng các tác dụng phụ thường nhẹ và nhanh chóng mất đi, không ảnh hưởng đến sức khỏe. PrEP cũng không ảnh hưởng tới hệ thống nội tiết tố của cơ thể…Tất cả những điều cần biết về PrEP sẽ được bác sĩ cung cấp cho người sử dụng.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, các nhóm đối tượng nguy cơ cao với HIV nên đi xét nghiệm sớm để được tư vấn. Xét nghiệm kịp thời phát hiện xem mình có bị nhiễm hay không để có biện pháp tránh lây lan cho người khác đồng thời được tư vấn, điều trị cho chính bản thân mình. Hiện, công tác xét nghiệm HIV ở Khánh Hòa rất thuận lợi nên người bệnh hoặc người có nguy cơ hoàn toàn không phải lo lắng.
Chị A, một bệnh nhân đã xóa bỏ được mặc cảm, chia sẻ: Lạc quan để điều trị theo đúng các phác đồ của ngành y tế nên sức khỏe được cải thiện và không còn hoang mang nữa. Đặc biệt, khi gặp những người cùng cảnh ngộ như mình, chị A. luôn động viên họ vượt lên nỗi chán trường, sợ hãi. Từ đó nắm chắc các biện pháp bảo vệ an toàn cho mình và người thân. Thực tế nhiều phụ nữ không may mắc HIV/AIDS không những đáp ứng tốt điều trị mà còn vươn lên làm ăn, lo liệu tốt cho bản thân và còn trợ giúp cho gia đình của mình. Việc phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS từ người đã nhiễm với người xung quanh không khó khăn nếu làm theo đúng các hướng dẫn và khuyến cáo của ngành y tế.
Một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng chung dòng cảm xúc: Khi cầm kết quả xét nghiệm biết mình mắc bệnh HIV đều suy sụp, muốn sống biệt lập với mọi người. Thế nhưng nhờ các nhân viên y tế, các đồng đẳng viên tư vấn, thường xuyên nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, đồng thời giải thích cho hiểu về lợi ích khi tuân thủ điều trị và thực hiện tốt việc phòng lây nhiễm cho người khác.
Một người quan hệ đồng giới ở Nha Trang (Khánh Hòa) đang sử dụng thuốc điều trị dự phòng với HIV cũng chia sẻ, điều trị dự phòng giúp tự tin hơn trong cuộc sống, không còn áy náy hay lo lắng bị lây bệnh. Điều trị dự phòng không chỉ bảo vệ an toàn cho bản thân mà cả bạn tình, người thân.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Người phụ nữ hôn mê sâu tiên lượng xấu, vì uống thuốc bột chữa bệnh dạ dày
- Một người Tày hiến tạng ‘hồi sinh’ 4 cuộc đời
- Từ 1/1/2025, người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo lên thẳng bệnh viện tuyến trên, BHYT vẫn thanh toán 100%
- Chứng chỉ đào tạo chuyên khoa có dùng để điều chỉnh phạm vi hành nghề?
- Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
- Gần 400 y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đón công dân nhí đầu tiên năm 2025