Cấp cứu kịp thời bệnh nhân sốc phản vệ do ong đốt
09/07/2025 | 10:34 AM



Sáng 8/7/2025, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Hà Nội đã cấp cứu thành công một trường hợp sốc phản vệ nguy kịch do ong đốt, giúp người bệnh qua cơn nguy hiểm kịp thời.
Bệnh nhân là anh Đoàn Văn Nhanh (37 tuổi), trú tại xã Vân Đình. Theo người nhà cho biết, sáng sớm cùng ngày, trong lúc ra vườn làm việc, anh bị ong đốt. Chỉ ít phút sau, anh xuất hiện các triệu chứng như nổi ban đỏ toàn thân, ngứa, khó thở, tức ngực, buồn nôn... và nhanh chóng được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Vân Đình.
Bác sĩ Quách Thị Minh – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho biết: “Bệnh nhân nhập viện lúc 6h25 trong tình trạng rõ rệt của sốc phản vệ: mẩn ngứa toàn thân, phù mặt, phù môi, khó thở, tụt huyết áp, buồn nôn. Nhận định đây là tình huống cấp cứu tối khẩn, kíp trực đã lập tức xử trí theo đúng phác đồ điều trị sốc phản vệ. Nhờ can thiệp kịp thời, sau ít giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi sát các chỉ số sinh tồn.”
Theo các chuyên gia, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu không xử trí đúng và kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như nọc độc côn trùng (ong, kiến), thuốc, thực phẩm (tôm, cá, sữa, hải sản...) và khiến các cơ quan trong cơ thể rối loạn hoạt động. Biểu hiện thường gặp bao gồm nổi mẩn, phù nề, tức ngực, suy hô hấp, tụt huyết áp, thậm chí ngừng tuần hoàn.
Bác sĩ Quách Thị Minh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi làm việc ngoài trời, nhất là tại vườn, rừng – những nơi có nguy cơ tiếp xúc với tổ ong. “Người dân không nên tự ý phá tổ ong hay xua đuổi ong. Khi bị ong bay đến, cần giữ bình tĩnh, đứng yên hoặc ngồi xuống, tránh cử động mạnh. Nếu bị đốt, cần nhanh chóng loại bỏ vòi chích, rửa sạch vết đốt bằng xà phòng và nước, chườm lạnh. Nếu có biểu hiện bất thường như chóng mặt, khó thở, buồn nôn… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ nhấn mạnh.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu sốc phản vệ và xử trí đúng cách là yếu tố then chốt giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng, đặc biệt trong mùa hè – thời điểm ong hoạt động mạnh.
Ngoài ra, người dân làm việc ngoài trời nên mặc quần áo dài, đội mũ rộng vành, tránh sử dụng mỹ phẩm có mùi thơm gây kích thích ong. Việc chủ động bảo vệ bản thân trước nguy cơ côn trùng đốt là cách thiết thực để phòng ngừa sốc phản vệ hiệu quả.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Người mẹ 49 tuổi sinh con sau 22 năm
- Kích thích từ trường xuyên sọ: Cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân tâm thần kháng trị
- Cắt trọn u cường giáp tái phát cho bệnh nhân 65 tuổi, bảo tồn dây thanh quản
- Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Phẫu thuật nội soi cho người bệnh 96 tuổi mắc ung thư đầu tụy
- Cứu sống bệnh nhân suy tim với khối u tuyến giáp hiếm gặp chèn ép khí quản
- Ghép da từ mẹ cứu sống bé trai bỏng nặng 60% cơ thể
- Bé gái đau bụng 3 ngày, đi khám phát hiện bị tắc ruột non do mắc ung thư đường tiêu hóa Ba ngày bí đại tiện, đau bụng âm ỉ quanh rốn tăng dần, bé gái 10 tuổi được gia đình đưa