Ghép da từ mẹ cứu sống bé trai bỏng nặng 60% cơ thể
12/07/2025 | 10:20 AM



Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM vừa điều trị thành công cho một bé trai 2 tuổi bị bỏng nặng với diện tích tổn thương lên tới 60% cơ thể. Bệnh nhi được ghép da đồng loại từ chính mẹ ruột – một can thiệp y khoa quan trọng giúp kiểm soát nhiễm trùng và thúc đẩy phục hồi. Tới thời điểm xuất viện, toàn bộ vùng da bị bỏng nặng đã phục hồi hoàn toàn.
Người mẹ hiến da vùng đùi để ghép cho con.
Bệnh nhi là bé B.P.T. (2 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai), được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 vào cuối tháng 6/2025 trong tình trạng nguy kịch. Toàn bộ các vùng cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi bị bỏng sâu, chiếm khoảng 60% diện tích cơ thể – mức bỏng được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ do nguy cơ mất nước, rối loạn điện giải và sốc bỏng.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Bỏng - Chỉnh trực đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực. Tuy nhiên, sau ba ngày điều trị, tình trạng mất dịch vẫn kéo dài và diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhi. Trước tình thế cấp bách, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định thực hiện ghép da đồng loại sớm – một kỹ thuật can thiệp chuyên sâu, hiếm khi áp dụng ở giai đoạn sớm như vậy.
Nguồn da hiến được lấy từ mẹ ruột của bé. Ca ghép diễn ra thành công. Chỉ sau một tuần, tình trạng của bé có cải thiện rõ rệt, các vùng da ghép bắt đầu liền đáy và phục hồi tốt. Đây là ca ghép da đồng loại được tiến hành sớm nhất (sau 5 ngày nhập viện) tại Khoa Bỏng - Chỉnh trực, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong điều trị bỏng nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Sức khỏe bé trai đang dần hồi phục
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Trưởng Khoa Bỏng - Chỉnh trực, cho biết: “Kỹ thuật ghép da đồng loại (allograft) là lựa chọn quan trọng trong các trường hợp bỏng quá rộng, không còn đủ da lành để ghép tự thân. Ghép da sớm có thể rút ngắn thời gian điều trị và đặc biệt giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng huyết – biến chứng nguy hiểm hàng đầu ở các ca bỏng nặng.”
Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 10 ca ghép da đồng loại để điều trị cho bệnh nhi bị bỏng diện rộng. Thành công trong ca ghép lần này tiếp tục khẳng định chuyên môn sâu và năng lực xử lý ca bệnh phức tạp của đơn vị, mở ra nhiều cơ hội sống và hồi phục toàn diện cho trẻ bị phỏng nặng.
Theo ghi nhận từ Khoa Bỏng - Chỉnh trực, bỏng do nước sôi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây bỏng nặng ở trẻ nhỏ. Các tai nạn thường xảy ra khi người lớn nấu nướng hoặc để vật chứa nước nóng trong tầm với của trẻ mà không có sự giám sát chặt chẽ.
Các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn cho trẻ tại khu vực bếp, không để các vật dụng đựng nước nóng trong tầm tay trẻ, và luôn để trẻ trong tầm quan sát. Trong trường hợp trẻ không may bị bỏng, cần xử lý sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng nghiêm trọng.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Người mẹ 49 tuổi sinh con sau 22 năm
- Kích thích từ trường xuyên sọ: Cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân tâm thần kháng trị
- Cắt trọn u cường giáp tái phát cho bệnh nhân 65 tuổi, bảo tồn dây thanh quản
- Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Phẫu thuật nội soi cho người bệnh 96 tuổi mắc ung thư đầu tụy
- Cứu sống bệnh nhân suy tim với khối u tuyến giáp hiếm gặp chèn ép khí quản
- Bé gái đau bụng 3 ngày, đi khám phát hiện bị tắc ruột non do mắc ung thư đường tiêu hóa Ba ngày bí đại tiện, đau bụng âm ỉ quanh rốn tăng dần, bé gái 10 tuổi được gia đình đưa