Điều trị thành công ca sốt xuất huyết nặng trên bệnh nhân ghép thận nhờ can thiệp kịp thời

08/07/2025 | 21:05 PM

 | 

Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công một trường hợp sốt xuất huyết Dengue thể nặng có dấu hiệu cảnh báo trên nền bệnh nhân ghép thận, biến chứng cô đặc máu nghiêm trọng.

ThS.BS Bùi Ngọc Hải, Viện Y học Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho nam bệnh nhân 27 tuổi

Bệnh nhân nam, 27 tuổi, sống tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội), có tiền sử ghép thận 6 năm và đang duy trì thuốc ức chế miễn dịch Cellcept. Bệnh nhân chưa từng mắc sốt xuất huyết và cũng chưa tiêm phòng vắc xin. Nhập viện trong tình trạng sốt cao ba ngày, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng (Dengue có dấu hiệu cảnh báo - DHCB), với chỉ số tiểu cầu giảm còn 6 G/L và HCT tăng liên tục, biểu hiện cô đặc máu nghiêm trọng, kèm theo bụng chướng, phù toàn thân, khó thở.

Dù được truyền dịch tinh thể theo phác đồ, tình trạng không cải thiện. Các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển sang truyền dịch cao phân tử và albumin. Nhờ điều chỉnh kịp thời, sau 2 ngày, chỉ số HCT giảm về bình thường, tiểu cầu bắt đầu tăng, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống, tiểu tiện tốt. Đến ngày thứ 9, người bệnh hồi phục hoàn toàn, hết phù, bụng mềm, không còn chảy máu tự nhiên.

Theo ThS.BS Bùi Ngọc Hải, Viện Y học Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, đây là trường hợp điển hình cho thấy nguy cơ bệnh diễn biến nặng ở nhóm người có bệnh nền và hệ miễn dịch suy giảm. Việc phát hiện sớm, theo dõi sát và can thiệp đúng thời điểm là yếu tố quyết định cứu sống người bệnh.

Trong bối cảnh sốt xuất huyết đang gia tăng theo mùa, các chuyên gia khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người có bệnh lý mạn tính, nên chủ động tiêm phòng vắc xin Qdenga – loại vắc xin phòng sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép từ tháng 5/2024, giúp bảo vệ trước cả 4 tuýp virus Dengue và giảm tới 90% nguy cơ nhập viện.

Mọi người dân được khuyến cáo tiêm vắc xin sốt xuất huyết, nhất là người lớn tuổi, người cao huyết áp, mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường hen suyễn… Người mắc bệnh lý về huyết học như thiếu máu, tan máu… Đối tượng đã từng mắc sốt xuất huyết.

Những trường hợp: Mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào hoặc quá mẫn cảm với liều Qdenga trước đó. Người sử dụng thuốc corticoid điều trị dài ngày, đang điều trị xạ trị, hoá trị kéo dài từ 2 tuần trở lên thì cần tránh tiêm vaccine trong vòng 4 tuần. Những người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc nhiễm HIV không có triệu chứng kèm theo bằng chứng suy giảm chức năng hệ miễn dịch. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú… không nên tiêm vắc xin sốt xuất huyết.

Phòng Truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến