Thông tin đường dây nóng tháng 4.2019
30/04/2019 | 09:50 AM
|
- Bệnh viện đa khoa Việt Nam Thụy Điển Uông Bí trả lời phản ánh của người dân về việc bệnh nhân cấp cứu nhưng không được hưởng 100% BHYT: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 15 tháng 4 năm 2019, chị Phạm Thị Hồng đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Nguyễn Hà Nhi nhập việc cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Việt Nam Thụy Điển Uông Bí. Bệnh nhân bị sốt 39% vào khoa cấp cứu đêm 14/4. Một bác sĩ nam đeo kính khoảng 30 tuổi nói đây không phải tình trạng cấp cứu nên không được hưởng 100% BHYT chỉ được 40% BHYT. Chị Hồng không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Người bệnh: Nguyễn Hà Nhi, sinh năm: 30/3/2018, địa chỉ: Tràng Bạch - Hoàng Quế - Đông Triều - Quảng Ninh; được chẩn đoán: Sôt chưa rõ nguyên nhân; vào viện: 17h40 phút ngày 14/4/2019. Quá trình bệnh lý: Trẻ ở nhà sốt 1 ngày nay không ho, không co giật, không ỉa lỏng, không nôn, không khó thở, ở nhà dùng thuốc không đỡ. Tình trạng lúc vào khoa cấp cứu: Trẻ tỉnh không co giật, da niêm mạc hồng, tim nhịp đều rõ, phổi thông khí 2 bên không thấy ran, bụng mềm không chướng, gan lách không to; M: 150 lần/phút, Nhiệt độ: 38,8 độ C, Nhịp thở 36 lần/phút cân nặng 8 kg. Sau khi khám đánh giá người bệnh, bác sĩ cho y lệnh: Acepron 80mg x 1 gói uống, lau người nước ấm, Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, Chụp XQ ngực thẳng, test cúm A,B, Sinh hóa máu. Kết quả: XQ phổi: Nhu mô phổi sáng; BC: 18,8G/l; N 59,8; Hb; 114g/l; TC; 276 G/l; CRPhs: 11,5mg/l. Chẩn đoán; Viêm họng cấp. Sau điều trị Trẻ ổn định, được chỉ định nhập viện điều trị tiếp. Bác sỹ giải thích chế độ bảo hiểm y tế là vượt tuyến được hưởng 40% (Trẻ ở Thị Xã Đông Triều), gia đình người bệnh có ý kiến, bác sỹ giải thích chờ đến thứ 3 ngày 16/4, sau nghỉ lễ, nhân viên y tế bệnh viện sẽ có ý kiến với thường trực BHYT tại bệnh viện để giải quyết chế độ BHYT cho bệnh nhân, gia đình sau đó gọi điện thoại đường dây nóng cho Bộ Y tế. Sau khi tìm hiểu sự việc, bệnh viện kết luận Bác sỹ trực cấp cứu chưa đánh giá tình trạng cấp cứu của người bệnh vào Hồ sơ bệnh án để xác định chế độ BHYT, mà chỉ ghi là trường hợp vượt tuyến. Bác sỹ đã giải thích chờ đến ngày đi làm để phối hợp với thường trực BHYT giải quyết chế độ cho người bệnh. Gia đình người bệnh bỏ qua y tế cơ sở gần nhà để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Chiều ngày 16/4/2018, bệnh viện đã phối hợp với thường trực BHYT tại bệnh viện giải quyết chế độ BHYT cho bệnh nhân được hưởng 100%.
- Bệnh viện đa khoa khu vực Bãi Cháy, Quảng Ninh, trả lời phản ánh của người dân về việc thu phí ngoài quy định: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 23 tháng 4 năm 2019, anh Giang đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Thái Ngọc Xương bị đứt gân tay đến Bệnh viện đa khoa khu vực Bãi Cháy để khám và được chuyển từ khoa cấp cứu lên phòng phẫu thuật, hiện tại bệnh nhân đã được xuât viện nhưng khi bệnh nhân xuât viện, Bệnh viện không kê cho bệnh nhân thuốc điều trị; Bệnh viện thu thêm hóa đơn 3 triệu 890 nghìn đồng nhưng không ghi rõ số tiền đó là chi vào khoản nào. Anh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Ngay sau khi nhận được phản ánh, Bệnh viện đã tiến hành họp các bộ phận liên quan do Bác sĩ Lê Ngọc Dũng - Phó giám đốc bệnh viện chủ trì và yêu cầu các cá nhân liên quan viết bản tường trình. Ngày 26/4/2019 khi nhận được bản tường trình của các cá nhân, Bác sĩ Dũng đã chủ trì tổ chức họp các bộ phận liên quan. Bs Hà Duy Nam (bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân) đọc bản tường trình: Bs Nam đã yêu cầu bệnh nhân phải điều trị nội trú, tiêm kháng sinh để tránh nhiễm trùng cho vết mổ, xong gia định bệnh nhân kiên quyết xin ra viện (có ký giấy cam đoan). Sau đó Bs Nam có hướng dẫn bệnh nhân về tuyến dưới điều trị nội trú (để tiêm kháng sinh) cho an toàn, tránh nhiễm trùng vết mổ và không hề kê thêm đơn cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân ra viện điều dưỡng hành chính đã thông báo và in bảng kê chi tiết các khoản phải thanh toán cho người nhà bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xem và ký ở phần dành cho người bệnh, người nhà bệnh nhân đã thắc mắc sao lại đắt vậy. Toàn bộ chi phí bệnh nhân phải thanh toán là giá viện phí bệnh viện thu đúng theo quy định của nhà nước (vì đây là bệnh nhân không có thẻ Bảo hiểm y tế). Bs Dũng đã yêu cầu các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi làm phẫu thuật, thủ thuật, thủ tục thanh toán. Yêu cầu khoa Chấn thương chỉnh hình kiểm điềm và nhắc nhở Bs Nam tại khoa và hạ một bậc tiền lương tăng thêm trong vòng hai tháng. Bs Nam cũng xin rút kinh nghiệm sâu sắc. Người phản ánh - anh Giang không có thắc mắc gì thêm.
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La trả lời phản ánh của người dân về thái độ cáu gắt của bác sỹ đối với sản phụ: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 23 tháng 4 năm 2019, anh Lê Văn Tuấn đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Quàng Thị Tuyến nhập viện vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La sáng ngày 19/4 để cấp cứu vì bệnh nhân bị thai chết lưu có hiện tượng sinh non. Bệnh nhân nằm tại khoa sản giường 11. vào lúc 2h sáng bệnh nhân vào phòng sinh. Bác sỹ có thái độ cáu gắt và có lời lẽ xúc phạm bệnh nhân như: tôi chưa nói sinh tại sao lại rặn để nước ối bắn hết ra sàn. Anh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Hồi 22h38 phút ngày 23/4/2019 Điện thoại đường dây nóng Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La nhận được một cuộc gọi điện thoại và khi điện thoại viên hỏi cần chúng tôi hỗ trợ gì thì giọng nam giới hỏi chức vụ của người giữ điện thoại và sau đó ngắt máy. Hôm sau nhân viên của Bệnh viện kiểm tra trên hệ thống phần mềm của Đường dây nóng và đề nghị kíp trực Khoa Sản tường trình lại sự việc: Anh Tuấn phản ánh về tinh thần thái độ của cán bộ kíp trực với bệnh nhân Quàng Thị Tuyết (không phải tên Quàng Thị Tuyến). Khoa Sản tường trình diễn biến sự việc như sau: Bệnh nhân Quàng Thị Tuyết vào viện ngày 11/4/2019 với chẩn đoán Phù thai rau và có chỉ định đình chỉ thai. Bệnh nhân được chỉ định phương pháp đặt thuốc gây chuyển dạ nghén từ ngày 11/4 nhưng không kết quả. Đến ngày 13/4 bệnh nhân được chỉ định đặt bóng Cook và theo dõi đến ngày 18/4 được truyền đẻ chỉ huy. Đến hồi 1h55 phút ngày 19/4 bệnh nhân đau bụng nhiều tự rặn ối vỡ bắn ra và Hộ sinh đỡ đẻ có nói "Ơ, buồn rặn sao không bảo cô mà để ối bắn hết ra nhà thế này". Ngay sau đó anh chồng tỏ thái độ gay gắt và nói "cháu làm sao mà biết được". Theo kíp trực giải thích vì bệnh nhân nằm viện lâu, điều trị phức tạp nên cho 1 người nhà ở bên cạnh bệnh nhân để động viên bệnh nhân. Qua đây Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng đã nhắc nhở kíp trực cần phải thực hiện đúng nội quy, quy chế chuyên môn. Toàn bệnh viện cũng cần nâng cao hơn nữa việc giao tiếp ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân để tránh những hiểu lầm không cần đáng có.
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình trả lời phản ánh của người dân về việc Bệnh viện không tạo điều kiện cho bệnh nhân chuyển tuyến được hưởng BHYT: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 26 tháng 4 năm 2019, anh Hà Việt Dũng đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: mẹ anh là bệnh nhân Nguyễn Thị Nghiên đang điều trị ở Bệnh viện K 1 (Hà Nội) hơn hai năm nay. Mỗi năm chỉ xin giấy chuyển tuyến một lần từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, rồi bệnh nhân theo giấy hẹn 3 tháng tái khám một lần tại Bệnh viện K. Tuy nhiên đến tháng 4/2019 khi đến làm thủ tục chuyển tuyến tại Khoa ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, bác sỹ không cho giấy chuyển tuyến nữa, và giữ bệnh nhân lại để điều trị tại cơ sở. Khi gia đình yêu cầu tiếp tục được theo phác đồ điều trị của Bệnh viện K1 thì bác sỹ Trần Hà có ghi giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân nhưng khi người nhà bệnh nhân mang lên làm thủ tục tại Bệnh viện K1 thì được báo theo giấy đó bệnh nhân hoàn toàn không được hưởng BHYT. Anh Dũng bức xúc vì bác sỹ và Bệnh viện đã gây khó dễ không tạo điều kiện cho người bệnh. Anh đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Ngày 25/4/2019, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình tiếp nhận bệnh nhân: Nguyễn Thị Nhiên 58 tuổi; địa chỉ: Xã Cộng Hòa – Hưng Hà – Thái Bình; Chẩn đoán: Ung thư vú. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân thì bệnh nhân đã điều trị K vú bằng phương pháp phẫu thuật và hóa trị cách đây 2 năm, ngày 25/4 bệnh nhân lên xin giấy chuyển tuyến lên viện K với lý do khám định kỳ và xin cấp thuốc nội tiết. Hiện nay, bác sỹ tiếp nhận đã giải thích, tư vấn cho người bệnh và người nhà người bệnh hiện nay Bệnh viện đa khoa Thái Bình đã có đầy đủ thuốc nội tiết vú để cấp phát đối với bệnh nhân BHYT và đã triển khai các xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá tình trạng bệnh K vú và khẳng định Bệnh viện đa khoa tỉnh đủ điều kiện chuyên môn, kỹ thuật để khám và điều trị cho bệnh nhân Nhiên. Tuy nhiên người bệnh và gia đình vẫn có nguyện vọng chuyển tuyến trên (người viết cam kết là chị Đinh Thị Tuyết, con dâu của người bệnh). Căn cứ cam kết xin chuyển tuyến theo nguyện vọng của gia đình người bệnh, cán bộ phòng khám Ngoại Ung bướu đã hướng dẫn đầy đủ các thủ tục cho người bệnh chuyển tuyến trên. Trong quá trình làm thủ tục người bệnh không có ý kiến thắc mắc đối với Bệnh viện.
- Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa trả lời phản ánh của người dân về việc bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa chẩn đoán không đúng: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 10 tháng 4 năm 2019, anh Lê Văn Hùng đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: thai phụ Lê Thị Hương nhập viện vào sáng ngày 08/4/2019 tại Khoa sản, Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng. Bác sỹ Nguyễn Quán Quýt nghi nghờ bệnh nhân bị táo bón. Sau khi siêu âm, bác sỹ thông báo thai nhi vẫn bình thường, và nghi ngờ bệnh nhân bị đau dạ dày nên yêu cầu bệnh nhân nằm chờ để mổ nội soi, nhưng bác Hùng trao đổi là bệnh nhân đã được mổ ruột thừa. Sau khi gia đình yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì bác sỹ mới cho chuyển, khi lên tuyến trên thì thai nhi đã chết, Anh Hùng không hài lòng, đã phản ánh về Đường dây nóng của Bộ Y tế. Điện thoại viên đã chuyển cuộc gọi về Bệnh viện nhưng không được hỗ trợ, nên đã chuyển đến Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị Sở Y tế giải quyết. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã trả lời như sau: Sở Y tế đã chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thiệu Hóa kiểm tra giải quyết nhanh để trả lời cho người phản ánh và báo cáo Sở Y tế. Ngày 09/4, Bệnh viện Thiệu Hóa đã có báo cáo gửi Sở Y tế Thanh Hóa như sau: Bệnh viện đã kiểm tra lại thông tin người nhà bệnh nhân phản ảnh. Diễn biến sự việc như sau: ngày 8/4/2019 bệnh nhân Lê thị Hương 31 tuổi là người cùng xóm với bác sỹ Quyết vào nhập viện tại Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa trong tình trạng sốt cao, đau hố chậu phải. Bệnh nhân đã được các bác sỹ khám xét kỹ lưỡng. Các bác sỹ có nghi bệnh nhân bị viêm ruột thừa, thai 12 tuần có dấu hiệu động thai. Bệnh nhân đã được mổ U nang buồng trứng phải năm 2017. Khoa sản cùng bác sỹ Tuấn Phó Giám đốc phụ trách hệ ngoại đã hội chẩn điều trị theo hướng vừa theo dõi thai vừa cắt ruột thừa nội soi. Đến 16 giờ cùng ngày, gia đình không đồng ý, xin chuyển lên Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Khi đến Bệnh viện tỉnh, bệnh nhân đau bụng nhiều, ra huyết âm đạo nhiều, được siêu âm kiểm tra thấy tim thai yếu nguy cơ cao. Sau 3 giờ theo dõi xử lý tại Bệnh viện tỉnh, thai chết lưu. Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa đã tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm tất cả các khâu từ đón tiếp đến xử lý, điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện sẽ báo cáo Sở chi tiết sau.
- Bệnh viện đa khoa huyện Như Thanh, Thanh Hóa, trả lời phản ánh của người dân về việc bác sỹ chậm chễ dẫn đến thai nhi bị ngạt: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 04 tháng 4 năm 2019, anh Nguyễn Văn Thanh đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: thai phụ Phạm Hải Yến nhập viện 22h ngày 01/4/2019 tại Bệnh viện đa khoa huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Bệnh nhân được đưa đi siêu âm, bác sỹ Liên, Khoa sản, chuẩn đoán vẫn bình thường, âm đạo mởi 2 phân, nước ối vỡ, hướng dẫn khi nào chuyển dạ thì sang đẻ. Vào 6h sáng ngày 02/4/2019 bệnh nhân đau đẻ nhưng bác sỹ báo chưa mở âm đạo, yêu cầu nằm chờ, trưa ngày 02/4/2019 bệnh nhân đau quá, chuyển sang phòng đẻ, vào 11h bệnh nhân đẻ, thai nhi bị ngạt. Bác sỹ sơ cứu tại chỗ, sau đó chuyển lên Bệnh viện tuyến trên. Khoảng 13h bác sỹ thông báo trẻ sơ sinh bị suy hô hấp, suy tim, sau đó tử vong. Anh Thanh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Sản phụ Phạm Thị Hải Yến 33 tuổi địa chỉ ở Eo Son- Phú Nhuận- Như Thanh, thanh hóa; Sản phụ vào viện lúc 23 giờ 15 phút ngày 1/4/2019 với lý do thai 9 tháng, lần 2 chuyển dạ đẻ. Sản phụ đã được các bác sỹ, điều dưỡng tiếp nhận, khám và chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm, điện tim kịp thời. Kết quả: Trên Siêu âm có hình ảnh 01 thai 39 tuần, p= 3300gram, chỉ số ối 65mm; Tim thai 140l/p; các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường. Sản phụ được theo dõi tại khoa đến khoảng 4 giờ ngày 2/4/2019 sản phụ có dấu hiệu vỡ ối, thăm khám thì ối đã vỡ hoàn toàn, nước ối màu trong, cổ tử cung mở 3cm, tim thai đều rõ nhịp 140l/p, cơn co tử cung đều tần số 3 kéo dài 30 giây, được xử trí kháng sinh và theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ, tim thai; khoảng 9 giờ ngày 02 /4/2019 sản phụ được đưa vào phòng đẻ để theo dõi; các chỉ số tim thai, cơn co tử cung bình thường, đến 10 giờ 30 ph cổ tử cung mở hết ngôi lọt thấp hướng dẫn sản phụ răn đẻ sau 15 phút đẻ ra một thai trai cân nặng 2900g, trẻ có biểu hiện ngạt và chưa loại trừ bệnh tim bẩm sinh; được hồi sức tích cực và chuyển tuyến trên (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) lúc 11 giờ 5 phút; do tình trạng bệnh nặng, trẻ đã tử vong tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa lúc 13 giờ cùng ngày. Căn cứ vào ý kiến phản ánh của người nhà bệnh nhân, chiều ngày 04 tháng 4 năm 2019 Bệnh viện đã mời gia đình và người có ý kiến phản ánh đến bệnh viện trao đổi, giải thích để gia đình rõ tình hình bệnh tật của trẻ và gia đình thống nhất không thắc mắc gì thêm.
- Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, trả lời phản ánh của người dân về việc gây phiền hà cho bệnh nhân chuyển tuyến: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 13 tháng 4 năm 2019, chị Trinh đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: tại trạm y té xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân Bùi Thị Huyền chuyển dạ đau đẻ muốn nhập viện tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Khi bệnh nhân lên đến Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, thì bác sỹ yêu cầu phải có giấy chuyển tuyến và hướng dẫn người nhà bệnh nhân quay lại Trạm y tế xin giấy chuyển tuyến, nhưng khi chị quay lại Trạm Y tế, nhân viên y tế tại trạm nói là máy tính hỏng chưa in được, nhưng trước đó có bệnh nhân khác lại được hỗ trợ. Chị Trinh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế ghiari quyết. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã trả lời như sau: Sở đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ngọc Lặc kiểm tra trả lời người phản ánh và báo cáo Sở Y tế. Trung tâm Y tế Ngọc Lặc đã kiểm tra sự việc ở trạm y tế Ngọc khê và làm việc với người phản ánh là Bùi Thị Trinh kết quả giải quyết có báo cáo ngày 17/4/2019, như sau: sáng ngày 13/4/2019, bệnh nhân Bùi Thị Huyền đang mang thai tháng thứ 9 có dấu hiệu chuyển dạ được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Ngọc Lạc. Bệnh nhân được khám và làm thủ tục nhập viện. Nhưng do bệnh nhân đi thẳng lên Bệnh viện tuyến huyện, không qua Trạm Y tế xã, tại thời điểm đó sức khỏe bệnh nhân ổn định, không phải trường hợp cấp cứu nên phòng khám hướng dẫn làm thủ tục chuyển tuyến đúng quy định để đảm bảo quyền lợi BHYT. Sau đó người nhà bệnh nhân là chị Bùi Thị Chih đã đến Trạm Y tế xã Ngọc Khê (là Trạm gần Bệnh viện nhất) để làm thủ tục chuyển viện, nhưng không có bệnh nhân đi cùng. Thời điểm đến Trạm Y tế xã là 8h30 cùng ngày, gặp y sỹ Nguyễn Thị Huệ. Chị Chinh được giải thích là phần mềm BHYT đang trục trặc nên không làm thủ tục chuyển viện được và hướng dẫn chị đến Trạm khác và đã hoàn thiện được thủ tục chuyển viện. Bệnh nhân đã nhập viện kịp thời. Ban Giám đốc cùng Ban thanh tra của Trung tâm y tế Ngọc Lặc đã làm việc với Trạm Y tế Ngọc Khê và trao đổi qua điện thoại với chị Bùi Thị Chinh và đã thống nhất kết luận như sau: (1) Việc phần mềm BHYT của Trạm Y tế Ngọc Khê bị trục trặc trong buổi sáng ngày 13/4, không làm thủ tục chuyển viện được cho bệnh nhân là đúng thực tế; (2) Quá trình tiếp xúc giữa cán bộ y tế và người nhà bệnh nhân là đúng quy định, không gây khó khăn, hướng dẫn chu đáo, cẩn thận; (3) Người nhà bệnh nhân phản ánh đến Đường dây nóng là mong muốn Trạm Y tế xã phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân. Giám đốc Trung tâm Y tế Ngọc Lặc đã trao đổi với người nhà bệnh nhân và đã nhận được sự nhất trí; đồng thời cũng nhắc Trạm Y tế Ngọc Khê chú ý không để tình trạng phần mềm BHYT bị trục trặc kéo dài, khi có vấn đề cần có biện pháp xử lý kịp thời, thích hợp.
- Bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít, Vĩnh Long, trả lời phản ánh của người dân về việc thu tiền vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 10 tháng 4 năm 2019, anh Nguyễn Thanh Bình đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Nguyễn Thị Ngưu được chuyển viện từ Bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít, Vĩnh long, lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Nhưng bệnh viện đa khoa huyện Mang Thít đã thu của anh 140 nghìn tiền xăng vận chuyển. Anh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Đơn vị tiến hành thẩm tra công tác khám chữa bệnh tại Khoa Hồi sức cấp cứu và Phòng thu viện phí ngày 10/4/2019. Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngưu; 83 tuổi, vào Khoa Hồi sức cấp cứu lúc 21 giờ, được chẩn đoán bệnh: Suy thận mạn đang chạy thận tại Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long. Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận và khám tình trạng: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không khó thở, mạch: 106 l/p, HA: 130/80mmHg, SPO2: 96%, phù nhẹ 2 chi dưới, tim nhanh đều, phổi thô, bụng mềm., Bác sĩ giải thích với người nhà sẽ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Nhưng người nhà không đồng ý và yêu cầu chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long vì đang điều trị chạy thận tại đó. Điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu có giải thích chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long là đúng tuyến, bệnh nhân không phải thanh toán tiền xăng xe chuyển viện, nếu chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long thì bệnh nhân phải thanh toán tiền xăng xe chuyển vì không đúng tuyến chuyển bệnh nhân. Người nhà nhất định đòi chuyển đến Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long, Bác sĩ trực cấp cứu xin ý kiến Bác sĩ trực lãnh đạo thống nhất chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long để tiếp tục điều trị và chạy thận. Điều dưỡng trực thông báo người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Ngưu đóng tiền xăng xe là 140.000 đồng VN để chuyển bệnh nhân. Cùng lúc đó đơn vị có chuyển thêm 1 bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Như vậy lúc đó chuyển cùng lúc 2 bệnh nhân, điều dưỡng có giải thích với 2 bên người nhà 2 bệnh nhân là chia tiền ra là 1 bên 70.000 đồng VN. Và trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Ngưu là chuyển lên Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long nên thu thêm tiền xăng là 40.000 đồng VN. Số tiền đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Ngưu phải đóng là 110.000 đồng VN. Nhưng người nhà khó chịu nói nặng nhẹ và quăng tờ 100.000 đồng vào phòng viện phí rồi bỏ lên xe. Kế toán Thy có ra biên lai thu tiền là 100.000 đồng VN, người nhà bệnh nhân không lấy. Với nội dung phản ánh của anh Nguyễn Thanh Bình nêu trên là không đúng sự thật. Thực tế bệnh nhân Nguyễn Thị Ngưu được chuyển đến Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long và số tiền thu được là 100.000 đồng.
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trả lời phản ánh của người dân về việc người nhà bệnh nhân nghi ngờ bác sỹ sử dụng dụng cụ cũ cho bệnh nhân: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 04 tháng 4 năm 2019, chị Thư đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Nguyễn Văn Sáu đang nằm tại Khoa ngoại của Bệnh viện Đa hhoa Vĩnh Phúc. Bệnh nhân bị ung thư phổi. Ngày 27/3, bệnh nhân được bác sỹ Minh cho đi lấy sinh thiết. Sau khi lấy sinh thiết bệnh nhân bị sốt và nhiễm virus. Chị Thư còn thắc mắc về kim tiêm để lấy sinh thiết, bác sỹ hướng dẫn chị Thư ra hiệu thuốc của Bệnh viện mua nhưng nhân viên không đưa kim tiêm cho chị Thư mà lại nói kim tiêm đã được đưa lên cho bác sỹ Minh rồi chị Thư có gặp bác sỹ Minh để lấy hóa đơn mua kim tiêm nhưng bác sỹ Minh không cho. Chị Thư nghi ngờ bác sỹ Minh đã lấy kim tiêm cũ để lấy sinh thiết cho bệnh nhân. Chị đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc có tiếp nhận và điều trị cho người bệnh Nguyễn Văn Sau (sinh năm 1963, địa chỉ xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) với chẩn đoán U phổi - Theo dõi ung thư phổi. Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, người bệnh được chỉ định chụp Cắt lớp vi tính phổi, nội soi phế quản phổi và sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn chụp cắt lớp vi tính. Người bệnh và gia đình người bệnh được giải thích về các nguy cơ biến chứng có thể xẩy ra trong và sau sinh thiết như: chảy máu- tràn máu, tràn khí, nguy cơ dẫn lưu màng phổi, mở ngực cầm máu, nguy cơ nhiễm trùng,... và sự cần thiết của kim sinh thiết phổi. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Bệnh viện chưa có quyết định trúng thầu gói thầu vật tư y tế năm 2019 (trong đó có kim sinh thiết). Do đó, để thực hiện được kỹ thuật này, gia đình người bệnh được hướng dẫn mua kim sinh thiết tại Quầy thuốc Bệnh viện. Sau đó người nhà giao lại phiếu thu tiền mua kim sinh thiết cho nhân viên y tế để lĩnh vật tư nhằm tránh nhầm lẫn, thất lạc kim và trục dẫn đường (do thời gian sinh thiết phụ thuộc vào phòng chụp cắt lớp vi tính). Người bệnh được chuyển từ khoa Ung bướu-YHHN tới khoa Ngoại tổng hợp để sinh thiết. Theo kế hoạch, người bệnh làm sinh thiết sau 1 ngày tới khoa Ngoại tổng hợp, nhưng khi tới khoa người bệnh có sốt, ho, thể trạng mệt mỏi, siêu âm có dịch màng ngoài tim, người bệnh được hoãn sinh thiết xuyên thành ngực và điều trị kháng sinh theo hướng viêm phổi. Sau 04 ngày điều trị, người bệnh hết sốt, đỡ ho, người bệnh có chỉ địnhết định làm sinh thiết phổi. Kim sinh thiết của bệnh nhân hoàn toàn vô trùng theo đúng quy định của nhà sản xuất, thực hiện đúng quy trình sinh thiết. Còn bệnh nhân sốt, ho sau sinh thiết thì không thể khẳng định có phải do sinh thiết hay không vì trước đó bệnh nhân đã sốt, ho và ho có đờm. Mặt khác, việc viêm nhiễm sau sinh thiết cũng có thể xảy ra nhất là trong hoàn cảnh sau sinh thiết trên bệnh nhân có chẩn đoán ung thư phổi, dịch màng tim, giai đoạn điều trị nội khoa không có chỉ định phẫu thuật. Khi nhận được phản ánh của gia đình người bệnh về việc trả lại phiếu thu tiền mua kim sinh thiết, bác sĩ điều trị trực tiếp cho người bệnh đã liên hệ cho nhân viên y tế lĩnh bộ kim sinh thiết gửi lại phiếu thu cho gia đình. Sau khi nhận được phản ánh của gia đình người bệnh, lãnh đạo khoa đã giải thích lại về toàn bộ sự việc trên và gia đình người bệnh không thắc mắc gì thêm. Đồng thời nhắc nhở nhân viên y tế cần giao tiếp, truyền đạt thông tin cho người bệnh rõ ràng hơn, tránh hiểu lầm.
- Sở Y tế Đà Nẵng trả lời phản ánh của người dân về việc bác sỹ Trung tâm Y tế Quận Sơn Trà khám qua loa và chẩn đoán không đúng bệnh: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 27 tháng 4 năm 2019, anh Nguyễn Thanh Hòa đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: đêm ngày 27/4 anh đến Khoa cấp cứu, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Đà Nẵng, để khám bệnh vì bệnh nhân cảm thấy bị cợm ở cổ. Tại đây, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị trào ngược dạ dày và cho thuốc chống nôn. Bệnh nhân khẳng định mình không bị trào ngược dạ dày và bị nôn. Anh Hòa phản ánh bác sĩ tại khoa khám qua loa để về. Anh Hòa không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng kiểm tra. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Sở Y tế đã trả lời như sau: Sở Y tế đã chuyển ý kiến phản ánh của công dân cho Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà để xem xét và giải quyết, trả lời cho người phản ánh và báo cáo Sở. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã báo cáo như sau: Sau khi nhận được phản ảnh của hệ thống đường dây nóng Bộ Y tế, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã kiểm tra trường hợp người bệnh Nguyễn Thanh Hoàng. Diễn biến quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân Hoàng như sau: Lúc 0h27 ngày 27/04 người bệnh đến khám tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Sau khi thăm khám, người bệnh được theo dõi: Bệnh chính: Viêm họng; Bệnh kèm: hội chứng trào ngược dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh và chống nôn; nhưng bệnh nhân “không đồng ý” với chẩn đoán này, nói Bác sỹ trực khám không kỹ (qua loa) và đề nghị muốn được làm nội soi để chẩn đoán, nhưng bệnh viện không đáp ứng được vì khám nội soi họng và dạ dày chỉ được thực hiện trong giờ hành chính. Người bệnh muốn xin chuyển viện sang bệnh viện Đà Nẵng và đã được bác sĩ trực cấp cứu giải quyết cho chuyển. Nhưng sau đó bệnh nhân cũng không đi. Sáng ngày 27/4, ban lãnh đạo đã gọi điện cho người bệnh thăm hỏi và giải thích thêm về tình trạng của người bệnh cũng như hẹn người bệnh lên lại để thực hiện nội soi họng. Tuy nhiên, người bệnh sau khi dùng kháng sinh đã cảm thấy đỡ, không muốn lên khám và không có ý kiến gì khác. Ban lãnh đạo cũng đã nhắc nhở phiên trực cấp cứu và toàn viện phải giải thích rõ ràng hơn đối với người bệnh để người bệnh hài lòng trong những trường hợp tương tự.
- Trung tâm Y tế quận Hải Châu, Đà Nẵng, trả lời phản ánh của người dân về thái độ không thận thiện, chu đáo của bác sỹ Khoa khám bệnh BHYT: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 12 tháng 4 năm 2019, anh Nguyễn Tuấn Ngọc đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: anh đến Trung tâm Y tế quận Hải Châu để khám bệnh theo chế độ BHYT, nhưng thái độ phục vụ của bác sỹ (khoảng 40 tuổi,người thấp nhỏ) ở phòng A,206, tầng 2, Khoa khám bệnh, không thân thiện và không hướng dẫn chu đáo cho bệnh nhân. Anh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Trung tâm Y tế quận Hải Châu đã gửi văn bản trả lời về ý kiển phản ánh của ông Nguyễn Tuấn Ngọc như sau: Ban Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu đã chỉ đạo Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng Khoa Khám bệnh phối hợp để giải trình ý kiến phản ánh của bệnh nhân. Kết quả như sau: ngày 12/4/2019, bệnh nhân Nguyễn Tuấn Ngọc, sinh năm 1985, đến khám tại Khoa khám bệnh, Trung tâm Y tế Hải Châu, để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Anh Ngọc đã được bác sỹ Lê Anh Tuấn phụ trách Phòng khám giải thích BHYT không thanh toán việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, trong khi đó anh Ngọc đang làm ở doanh nghiệp, hàng năm đều có khám sức khỏe định kỳ. Nhưng anh Ngọc nói mình cân nặng thấp, chưa tói 50 kg nên muốn tìm hiểu xem vì sao không lên cân, Anh Ngọc đề nghị làm xét nghiệm men gan. Bác sỹ trả lời, làm xét nghiệm men gan không có giá trị chẩn đoán nguyên nhân không lên cân của anh Ngọc, Tuy nhiên bác sỹ Tuấn vẫn cho thực hiện xét nghiệm men SGOT và SGPT (kết quả trong giới hạn bình thường). Anh Ngọc cũng đã được bác sỹ Tuấn chuyển khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt vì anh có vài hạch xơ chai nhỏ ở vùng cằm. Bác sỹ Răng Hàm Mặt sau khi khám cũng không xử trí gì. Anh Ngọc lại yêu cầu chụp XQuang lồng ngực, kết quả cũng bình thường. Đến lúc này, anh lại yêu cầu kiểm tra cơ quan tiêu hóa vì cho rằng mình ăn không hấp thu nên không lên cân. Đến đây, Trung tâm y tế buộc phải chuyển anh Ngọc lên tuyến trên là Bệnh viện Đà Nẵng. Trung tâm Y tế quận Hải Châu kết luận: Bệnh nhân Nguyễn Tuấn Ngọc đã được 02 chuyên khoa (nội, rằng hàm mặt) khám, làm 2 xét nghiệm theo yêu cầu, thì không thể nói bác sỹ khám “không thân thiện, không hướng dẫn chi đáo”. Qua việc này, Lãnh đạo Trung tâm Y tế cũng nhắc nhở, chấn chỉnh toàn thể nhân viên y tế về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân; hướng dẫn chi đáo hơn, tiếp xúc thân thiện hơn với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai trả lời phản ánh của người dân về việc trì hoãn lịch mổ của bệnh nhân: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 16 tháng 4 năm 2019, anh Trần Ngọc Quang đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: ngày 11/4/20119 bệnh nhân Huỳnh Tấn Phát bị thương ở chân, gãy chân,được đưa đến phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai để khám và điều trị. Bệnh nhân hiện tại đang nằm tại phòng số 25, tầng 11 của Khoa Khám dịch vụ, Khu B. Khi bệnh nhân được đưa đến Khoa chấn thương, bác sỹ Khánh nói là muốn nhanh thì qua khoa khám dịch vụ, anh Quang đưa bệnh nhân qua Khoa khám dịch vụ. Bác sỹ Lê Trí Hiếu nói là ngày 12/4 mổ cho bệnh nhân, nhưng đã 5 ngày rồi mà bệnh nhân chưa được mổ. Hiện tại vết thương của bệnh nhân bị sưng phù nề, bác sỹ Văn Công Lộc trưởng Khoa khám dịch vụ nói là đợi vết thương xẹp xuống mới mổ được. Anh Quang không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Nhận được phản ánh của anh Trần Ngọc Quang (người nhà người bệnh) phòng Quản lý chất lượng của Bệnh viện đã liên hệ với Khoa chấn thương chỉnh hình của khối A và khối B được biết tình trạng bệnh nhân như sau: Bệnh nhân Huỳnh Tấn Phát vào khoa cấp cứu khối A lúc 11h27' ngày 11/4/2019 được bác sĩ tại khoa cấp cứu tổng hợp khám và chỉ định một số cận lâm sàng như xét nghiệm, điện tim thường, chụp X-Quang cẳng chân phải phát hiện bệnh nhân bị gãy 1/3 dưới 2 xương cẳng chân phải. Sau đó bác sĩ chỉ định bệnh nhân đi thủ thuật ngoại khoa: nắn, bó bột gãy 1/3 giữa 2 xương cẳng chân (bột liền). Vào lúc 00h45' ngày 12/04/2019 bệnh nhân được chuyển lên trại khoa Chấn thương chỉnh hình khối A nằm điều trị nộ trú. Trong thời gian này bác sĩ và điều dưỡng khối A điều trị, chăm sóc bằng thuốc giảm đau, kháng sinh. Trong quá trình điều trị bệnh nhân thấy chân nổi bọng nước, có trao đổi với bác sĩ Khánh tình trạng bệnh và được bác sĩ Khánh giới thiệu qua khu dịch vụ nằm điều trị và người nhà xin qua khu dịch vụ nằm điều trị tiếp để mổ. Lúc 19h55 ngày 12/4/2019 bệnh nhân được chuyển qua khoa Chấn thương chỉnh hình khu dịch vụ nằm điều trị, trước khi chuyển qua bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, chân phải đau nhiều đang bó bột, cẳng chân nổi bọng nước. Từ ngày 13 đến ngày 16/4/2019 bệnh nhân được bác sĩ khối dịch vụ điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng sinh và có giải thích cho người nhà và bệnh nhân là chân đang bị bọng nước, chèn ép khoang nên chưa cho chỉ định mổ được. Tuy nhiên người bệnh và thân nhân sợ và lo lắng nên xin chuyển viện theo yêu cầu lên Bệnh viện chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh điều trị và được trưởng khoa, bác sĩ điều trị chấp thuận, được chuyển lên lúc 13h00 ngày 16/4/2019. Phòng Quản lý chất lượng đã liên hệ với người bệnh và người nhà nhưng không liên lạc được để giải thích cụ thể quá trình điều trị bệnh theo đúng quy trình, phác đồ điều trị.
- Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai, trả lời phản ánh của người dân về thái độ thờ ơ của bác sỹ Khoa chấn thương chỉnh hình: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, 13h17 ngày 03 tháng 4 năm 2019, anh Phạm Minh Thanh đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Trần Thị Thùy Dương nằm điều trị tại P203B, Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. Bệnh nhân bị gãy xương cánh tay và xương chân phải, Bác sỹ Ninh điều trị cho bệnh nhân đưa hướng điều trị mổ cho bệnh nhân, nói là đẻ nẹp bên trong về sau. Anh Thanh là người nhà bệnh nhân cũng là bác sỹ, sau khi xem phim thấy không cần mổ có thể điều trị bằng bó bột, có nhận xét chuyên môn bác sĩ điều trị không tốt và đã nói lại với bác sỹ Ninh. Sau đó, thái độ của bác sỹ không tốt, thờ ơ, trả lời lại bệnh nhân rằng Bệnh viện không mổ, chuyển đi đâu thì chuyển; đồng thời bác sỹ bỏ sót khám gãy xương chày ở chân của bệnh nhân. Anh Thanh rất không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Ngay sau khi nhận được thông tin, phòng Quản lý chất lượng đã trình Ban Giám đốc nội dung phản ánh, chuyển Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình- Bỏng kiểm tra thông tin và báo cáo lãnh đạo bệnh viện. Sau khi nhận được phản ánh, Trưởng Khoa ngoại Chấn thương Chỉnh hình đã gọi điện thoại liên lạc với anh Phạm Minh Thanh (em chồng bệnh nhân) và trao đổi với người bệnh Trần Thị Thùy Dương cùng mẹ ruột Nguyễn Thị Kim Phượng và thống nhất như sau: Người bệnh Trần Thị Thùy Dương được chuyển từ khoa Ngoại TK xuống khoa Ngoại CTCH . Sau khi điều dưỡng nhận bệnh. BS NGô Thị Ninh đến khám đến khám, giải thích rõ ràng cho bệnh nhân Dương và người nhà Trần Ngọc Thùy Oanh (em gái) là bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật. Anh Phạm Minh Thanh (em chồng bệnh nhân) chưa từng gặp mặt và tiếp xúc bác sĩ Ninh. Trước đó, anh chỉ xem phim XQuang gửi qua điện thoại và nói với bệnh nhân chỉ cần bó bột chứ không cần phẫu thuật. Nên khi bác sỹ điều trị giải thích thì bệnh nhân không đồng ý mổ. BS Ninh có nói nếu bệnh nhân không đồng ý mổ, muốn xin chuyển tuyến trên hoặc bệnh viện nào tùy ý thì khoa sẽ giải quyết. Bác sỹ NInh xác nhận chưa bao giờ tiếp xúc với anh Thanh. Mẹ bệnh nhân cũng cho biết cho biết từ lúc nhập viện, mọi việc bệnh nhân và người nhà đều trao đổi qua điện thoại chứ anh Thanh chưa từng có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. Như vậy các nội dung phản ánh trong đường dây nóng là chưa chính xác. Về vấn đề gãy xương chân, thì trước khi chuyển xuống khoa CTCH, Khoa Ngoại Thần KInh đã phát hiện và xử trí kịp thời cho bệnh nhân. Ngoài ra mẹ bệnh nhân là chị Dương và chị Oanh cũng không phàn nàn gì nhân viên khoa Ngoại CTCH. BS Nguyễn Tường Quang, trưởng khoa CTCH đã giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Họ xác nhận đã thấu hiểu về chuyên môn và cách giải thích của BS Ninh.
- Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh trả lời phản ánh của người dân về việc ở phòng dịch vụ máy điều hòa không hoạt động: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 10 tháng 4 năm 2019, chị Trinh đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: tại Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân vừa mổ mắt cườm xong và chuyển xuống phòng 308 (phòng dịch vụ) nhưng máy lạnh bị hỏng. Chị Trinh có xin quạt cây nhưng nhân viên bệnh viện trả lời không có. Chị Trinh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: sau khi tiếp nhận phản ánh, Tổ Đường dây nóng đã liên hệ với Điều dưỡng Trưởng khoa Tổng hợp để giải thích và hỗ trợ cho người bệnh ngay lúc đó. Máy lạnh phòng 308 không bị hư mà do nhiệt độ ngoài trời quá nóng nên nhiệt độ trong phòng cũng bị ảnh hưởng. Người bệnh trả lời hơi nóng nhưng đã đỡ hơn so với lúc nãy. Người bệnh không thắc mắc gi thêm.
- Bệnh viện Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh, trả lời phản ánh của người dân về việc sử dụng thang máy trong bệnh viện: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 15 tháng 4 năm 2019, chị Trần Kim Thảo đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Hồ Thanh Hoàng Yến chạy thận nhân tạo tại khu D, Bệnh viện Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện có tình trạng thang máy chỉ có 1 thang máy sử dụng được, 1 thang không sử dụng được. Bệnh nhân gặp bất tiện trong quá trình di chuyển tại Bệnh viện để chạy thận. Đã báo Bệnh viện nhiều lần nhưng Bệnh viện chưa khắc phục. Chị Thảo đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Trường hợp phản ánh của Bà Trần Kim Thảo Bệnh viện Nguyễn Trãi đã giải quyết theo số phản ánh: 100999 lúc 11:43 ngày 08/04/2019 từ đường dây nóng Bộ Y tế (đóng phản ánh lúc 10:35 ngày 11/04/2019). Từ ngày 08/04/2019 đến ngày 26/04/2019 phần mềm đường dây nóng Bộ Y tế tại bệnh viện Nguyễn Trãi tiếp nhận thêm 2 trường hợp phản ánh số 101159 lúc 13:59 ngày 09/04/2019 và số 101439 lúc 14:36 ngày 11/04/2019 đều đã được xử lý và đóng phản ánh đúng thời hạn quy định. Nhưng đến ngày 02/05/2019 phần mềm đường dây nóng Bộ Y tế hiển thị thông tin tái trich xuất nội dung phản ánh của Bà Trần Kim Thảo nhưng với số thứ tự phản ánh: 101263 lúc 10:10 ngày 10/04/2019 và được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chuyển về Bệnh viện lúc 14:56 ngày 30/04/2019 báo quá hạn xử lý nội dung phản ánh của Bà Thảo. Sau lần phản ánh đầu tiên về sự việc 1 trong 2 thang máy khu D bị hư, bệnh viện đã tiến hành sửa chữa khắc phụ, đảm bảo hoạt động di chuyển của người bệnh.
- Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh trả lời phản ánh của người dân về việc bệnh viên yêu cầu người nhà bệnh nhân tự đi tìm phương tiện chuyển bệnh nhân: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 03 tháng 4 năm 2019, anh Thông đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: sáng ngày 03/04/2019 anh đưa bệnh nhân Vũ đến thăm khám tại Bệnh viện Chấn thường chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân không thể tự di chuyển. Khi vào Bệnh viện, bệnh nhân cần băng ca cứu thương để đưa bệnh nhân vào bệnh viện. Tuy nhiên khi anh Thông vào phòng hướng dẫn đê mượn băng ca, nhân viên bệnh viện lại thông báo sang phòng khám của khoa cấp cứu để lấy băng ca, nhưng tại đây nhân viên y tế nói đã hết băng ca rồi, người nhà tự tìm đi. Anh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Bệnh viện sẽ nhắc nhở các nhân viên tiếp nhận và hộ lý sắp xếp xe cho bệnh nhân, cảm ơn bệnh nhân đã góp ý cho bệnh viện.
- Bệnh viện Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh, trả lời phản ánh của người dân về việc hết thuốc: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 30 tháng 4 năm 2019, anh Lý Thanh Tiến đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bệnh nhân Trần Thị Diễm Hường xuất viện tại Bệnh viện Hùng Vương, tuy nhiên khi anh đến quầy thuốc lấy thuốc điều trị cho bệnh nhân: osdemed, thuốc sắt saferol, a.trim, thì nhân viên quầy thuốc báo hết các loại thuốc này, anh không hài lòng, đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Bệnh viện đã trả lời như sau: Bệnh viện đã tiếp nhận thông tin và đang cho kiểm tra ở quầy dược.
- Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh trả lời phản ánh của người dân về việc Bệnh viện Nhi đồng 2 hết thuốc điều trị bệnh động kinh cho bệnh nhi: Theo thông tin từ Tổng đài trực Đường dây nóng Bộ Y tế, ngày 25 tháng 4 năm 2019, chị Uyên đã gọi điện đến Đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh: bé Nguyễn Hô Huy Lâm đến bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh. Tại đây loại thuốc Thuốc TOPAMAX trị động kinh ở bệnh viện báo hêt từ tháng 11/2018 đến nay vẫn chưa có và bệnh viện báo người nhà bệnh nhi ra ngoài mua. Chị Uyên không hài lòng về việc Bệnh viện khong hỗ trợ cho bệnh nhân nên đã phản ánh lên Đường dây nóng Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin do Đường dây nóng Bộ Y tế chuyển đến, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời như sau: theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, tổ tiếp dân đã liên hệ và giải thích mong người nhà bệnh nhi thông cảm. Khoa dược của Bệnh viện cho biết: đến cuối tháng 5 đầu tháng 6 bệnh viện mới có thuốc.