Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành Y Việt Nam trên toàn cầu
27/11/2021 | 21:04 PM
Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y Việt Nam trên toàn cầu nhằm kết nối tất cả các nhà khoa học để chia sẻ, trao đổi, liên kết trong nghiên cứu lĩnh vực y dược…
Khoa học y học của Việt Nam đã có bước tiến nhưng vẫn khiêm tốn
Phát biểu tại lễ bế mạc, trao giải Hội nghị khoa học và công nghệ tuổi trẻ ngành y tế lần thứ XX diễn ra chiều 27/11 ở Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Nhiều nhà khoa học trẻ có mặt hôm nay tại Hội nghị đã tình nguyện vào các điểm nóng ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… tham gia phòng chống dịch COVID-19, qua đó đồng thời nhiều thầy thuốc đã kết hợp nghiên cứu khoa học về các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch, góp phần làm nên thành công của hội nghị.
"Bộ Y tế đánh giá cao tất cả những cố gắng của các nhà khoa học trẻ ngành y tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, một câu hỏi lớn nhất được đặt ra là "chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ khoa học về mặt y học của thế giới? Đây là vấn đề mà các nhà khoa học trẻ ngành y cần đáng quan tâm, lưu ý".
"Chúng tôi đã có thống kê những bài báo khoa học của ngành y tế đăng trên các tạp chí quốc tế từ năm 2017- năm 2020 cho thấy, năm 2017, Việt Nam xếp thứ 80/173 quốc gia và vùng lãnh thổ; năm 2018 ở vị trí 62; năm 2019 là vị trí 66 và năm 2020 ở vị trí 65.
Trong lĩnh vực vi sinh, miễn dịch có khả quan hơn, dao động ở vị trí 48-50, tuy nhiên vẫn chưa có sức đột phá; lĩnh vực sinh học và sinh học phân tử cũng vậy; trong lĩnh vực điều trị, dược… cũng vẫn cần có nhiều cố gắng"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin thêm so với các lĩnh vực khác ở nước ta, lĩnh vực khoa học y học đứng đầu về số lượng công bố quốc tế với 16-18%.
"Mặc dù các nhà khoa học y học nước ta đã cố gắng, đã nỗ lực, thang điểm về trình độ khoa học có những bước tiến, nhưng vẫn ở mức độ khiêm tốn như trên. Đây là điều mà chúng tôi hết sức trăn trở vì thế mong muốn là làm sao kết quả của chúng ta sẽ cao hơn. Để làm được chúng ta phải cùng nhau cố gắng" - Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết một trong những quan điểm chung của Bộ Y tế trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành là "làm thế nào để tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và chia sẻ về khoa học và làm sao để đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế ở tất cả mọi miền".
Vì thế mục tiêu đặt ra là phải quan tâm, đầu tư hơn nữa để thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài khoa học hơn nữa, có thể là những công trình trong phòng thí nghiệm cũng có thể là các đề tài nghiên cứu trong y tế cộng đồng.
"Điều đầu tiên chúng tôi mong muốn và khuyến khích tất cả các nhà khoa học trẻ, các bác sĩ trẻ, học sinh sinh viên khối ngành y dược phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hơn nữa, để ứng dụng nghiên cứu đó vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân hàng ngày" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Khuyến khích và sẽ có phần thưởng cho các nghiên cứu y học đăng trên tạp chí danh tiếng quốc tế
Kể lại cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học trẻ ngành y của Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản trong chuyến công tác mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết nhiều người trong số này rất sáng tạo, đã có những sáng chế trong nghiên cứu khoa học.
Do đó với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y Việt Nam trên toàn cầu nhằm kết nối tất cả các nhà khoa học để chia sẻ, trao đổi, liên kết trong nghiên cứu lĩnh vực y dược…
Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo phải triển khai thực hiện việc này; Cùng đó cơ quan nhà nước cũng phải có những động viên, khuyến khích, ghi nhận và có những phần thưởng xứng đáng với những cố gắng, nỗ lực của các nhà khoa học.
"Chúng tôi rất khuyến khích và sẽ có những phần thưởng dành cho các bạn có các bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu về y học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng, ngành y tế hiện đang đổi mới căn bản và toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, y tế dự phòng, đầu tư, BHYT… nhưng có một đổi mới rất quan trọng là đào tạo. Muốn nâng cao thứ hạng của y tế Việt Nam, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế nói chung, khám chữa bệnh nói riêng, chỉ có đào tạo con người. Vì vậy, Việt Nam sẽ thay đổi căn bản đào tạo theo chuẩn chung của thế giới, đổi mới trong cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn…
"Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến khích các trường y dược thiết lập các trung tâm sáng tạo, nghiên cứu về y học để có bệ đỡ, diễn đàn cho các bạn trẻ nghiên cứu khoa học ngay trong nhà trường"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX diễn ra từ ngày 25-27/11 tại Hà Nội, có sự tham gia của các học viện, trường đại học, cao đẳng Y, Dược, bệnh viện trên toàn quốc với quy mô 180 công trình khoa học được lựa chọn báo cáo và trao 100 giải thưởng chính thức.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX lần này có nhiều điểm mới nổi bật như các báo cáo khoa học tiếng Anh và báo cáo video kỹ thuật.
Với quy mô 39 đơn vị đăng ký dự thi với tổng số 315 báo cáo, trong đó có 247 báo cáo khoa học, 68 báo cáo kĩ thuật thuộc 24 chuyên ngành chính và một số chuyên ngành khác. Có 24 báo cáo khoa học tiếng anh thuộc 11 chuyên ngành chính và 1 số chuyên ngành khác. Ban tổ chức đã trao 26 giải xuất sắc, 29 giải Nhất, 58 giải Nhì, 58 giải Ba và 139 giải khuyến khích cho các báo cáo viên.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Tài liệu Hội nghị Cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Y tế năm 2024
- Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố Nghị quyết bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhiệm kỳ 2020 – 2025
- Lễ trao giải tôi khỏe đẹp hơn lần 3
- Bộ Y tế gặp mặt các lãnh đạo, cán bộ, công chức đã nghỉ hưu
- Lãnh đạo Bộ Y tế dâng hương tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp Đoàn Tập Đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Trung Quốc
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Văn phòng Bộ Y tế