Liên thông giữa tuyến trung ương và địa phương giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi
12/12/2024 | 15:09 PM
|
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, sự hợp tác, hỗ trợ chuyên môn và liên thông trong các hoạt động khám chữa bệnh giữa bệnh viện trung ương và địa phương có nhiều tiến bộ đã giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi và hạn chế gây phiền hà cho người bệnh.
Ngày 11/12, tại Bệnh viện Trung ương Huế diễn ra Hội nghị Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc bệnh viện các tỉnh miền Trung năm 2024.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ nhiệm CLB Giám đốc bệnh viện các tỉnh Miền Trung cho biết, hội nghị là một diễn đàn lớn để các nhà quản lý bệnh viện có cơ hội gặp gỡ, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý.
"Đây cũng là dịp để Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc lắng nghe ý kiến đóng góp của các bệnh viện trong việc xây dựng và triển khai chính sách về quản lý, bảo hiểm y tế, xây dựng giá khám chữa bệnh, triển khai công tác đấu thầu, bệnh án điện tử…một cách hiệu quả và đúng quy định của pháp luật", Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, cùng với quá trình phát triển chung của đất nước, hệ thống các bệnh viện được hình thành, phát triển khá mạnh mẽ. Đến nay, hình thành một hệ thống các bệnh viện bao phủ theo các tuyến, các địa bàn, kể cả địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Vấn đề đặt ra cho các bệnh viện hiện nay cần nâng cao trình độ tổ chức các hoạt động nhằm cung ứng cho bệnh nhân những dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Điều này liên quan trực tiếp đến năng lực quản trị của những người đứng đầu bệnh viện.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành y tế nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.
GS.TS Phạm Như Hiệp phát biểu tại hội nghị.
Bộ Y tế cũng tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, động viên khuyến khích gắn tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.
Tăng cường lắng nghe thực tiễn, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ dần từng bước các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vaccine, cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế...
"Cho đến nay giá dịch vụ y tế được điều chỉnh cho phép các bệnh viện có thể từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính, ứng dụng kỹ thuật cao với việc phát triển nguồn nhân lực đã giúp cho chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ngày càng được nâng cao.
Sự hợp tác, hỗ trợ chuyên môn và liên thông trong các hoạt động khám chữa bệnh giữa bệnh viện trung ương và địa phương có nhiều tiến bộ đã giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi và hạn chế gây phiền hà cho người bệnh", GS.TS Phạm Như Hiệp cho hay.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa phát biểu tại hội nghị.
Tại buổi lễ, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, CLB Giám đốc các bệnh viện được Bộ Y tế chỉ đạo thành lập theo Quyết định số 31/98/2000/QĐ-BYT ngày 11/9/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả khám bệnh chữa bệnh.
"Việc duy trì CLB giúp các bệnh viện gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nâng cao chất lượng bệnh viện, đảm bảo an toàn hiệu quả trong khám bệnh chữa bệnh, tạo sự hợp tác gắn kết, sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật giữa các bệnh viện trong khu vực và trên cả nước", TS.BS Nguyễn Trọng Khoa nói.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, hội nghị cũng là dịp để Bộ Y tế, các đơn vị thuộc lắng nghe ý kiến đóng góp của các bệnh viện trong việc xây dựng và triển khai chính sách của ngành y tế về chuyên môn, tài chính, đầu tư một cách hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa cho ngành y tế, các vấn đề đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vấn đề năng lực tổ chức thực hiện của các cơ sở y tế, nhân lực của ngành y tế... qua đó đưa việc chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng cải thiện tốt hơn trong thời gian tới.
Máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chiến lược, giải pháp thúc đẩy ngành y tế. Bên cạnh đó, kiện toàn, trình Quốc hội sửa đổi nhiều bộ Luật và các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ cơ bản khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành y tế.
Để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn hoạt động của ngành, đặc biệt của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, Bộ Y tế tham mưu, trình ban hành và ban hành nhiều văn bản chính sách. Trong đó, có những nội dung mang tính chất dài hạn như quy hoạch mạng lưới phát triển cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ ban hành...
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc