TP.HCM: 20% bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm, 66,7% bệnh nhân từng thở máy bị rối loạn lo âu
20/09/2021 | 16:44 PM
|
Theo kết quả khảo sát được thực hiện tại BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Ngày 20/9, thông tin từ BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM (do BV Chợ Rẫy phụ trách) cho biết, theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở BV Hồi sức COVID-19 được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỉ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong suốt quá trình điều trị tại BV Hồi sức COVID-19. Đồng thời, 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.
Trước nhu cầu thực tế đó, Ban Giám đốc BV Hồi sức COVID-19 đã mời nữ tu – Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân COVID-19 tại đây.
TS. Trì Thị Minh Thúy – tình nguyện viên "đặc biệt" tại BV Hồi sức COVID-19 cho biết: "Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi rất muốn đóng góp, hỗ trợ cùng các y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và bệnh nhân. Tôi cảm thấy đây là cơ hội để đóng góp, cống hiến giúp mọi người chống chọi với đại dịch này.
Ngày đầu tôi đi một vòng quanh bệnh viện, cảm giác lúc đó bất lực lắm vì ở đây có quá nhiều bệnh nhân nặng, không thể trò chuyện được. Tôi cứ đặt câu hỏi không biết mình giúp được gì đây? Sau đó, tôi tiếp cận với các bệnh nhân tỉnh, nói được thì thấy rằng khá nhiều người gặp vấn đề lo lắng, hoảng loạn, trầm buồn, chán nản, không muốn ăn. Cũng có nhiều người nằm im ru, không nói. Tôi cố gắng kiên nhẫn nói chuyện với bệnh nhân, khơi gợi họ, cho họ ăn, mát xa để bệnh nhân có thể giao tiếp".
"Thực tế, vấn đề lo âu, hoảng loạn trầm buồn là những vấn đề chính ở bệnh nhân mắc COVID-19. Để vượt qua giai đoạn đó cần có người kề bên đồng hành lắng nghe, trò chuyện giúp họ vượt qua", TS Trì Thị Minh Thúy nói./.
Nguồn: SKĐS
Tin liên quan
- Còn nhiều thách thức trong việc tăng 40% nhóm MSM sử dụng PrEP vào năm 2030
- Đột phá trong ứng dụng AI nội soi tiêu hóa
- Thông tin mới vụ 2 ca tử vong ngoại viện, nghi ngộ độc sau bữa ăn trưa
- Điểm mới tại Hội nghị Y học TP.HCM 2024 với báo cáo chuyên sâu về dây chằng cổ chân
- Phẫu thuật nội soi cho cụ 88 tuổi bị viêm ruột thừa kèm tràn dịch màng tim nguy hiểm
- Hơn 20.000 bệnh nhân ung thư đã không phải xin giấy chuyển tuyến BHYT ngay ngày đầu năm 2025
- Điện Biên công bố dịch bệnh sởi quy mô cấp xã tại Pú Xi