Tọa đàm khoa học "Tăng cường nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong triển khai chính sách ngành y tế"
13/11/2024 | 10:04 AM
|
Sáng 12/11, tại Hà Nội, Viện Dư luận xã hội và Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế đồng tổ chức tọa đàm về “Nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của ngành y tế”.
Tiến sĩ Phạm Thu Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội phát biểu kết luận tọa đàm.
Hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp của Lãnh đạo Viện Dư luận xã hội, Vụ Xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế, cùng các chuyên gia và cộng tác viên dư luận xã hội cấp trung ương và Hà Nội đã tập trung làm rõ một số vấn đề về phương pháp nắm bắt, định hướng và thực trạng dư luận xã hội về ngành y tế; đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của ngành y tế...
Thời gian qua, dư luận xã hội đồng tình với chính sách bảo hiểm y tế nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, cũng như tự hào và đánh giá cao các thành tựu và sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng lãnh đạo, bác sĩ và cán bộ công nhân viên ngành y tế trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên sâu, từng bước khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực.
Đến cuối năm 2023, trên cả nước, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt 93,35% với hơn 93 triệu người tham gia. Trong đó, Nhà nước đã đóng và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 15 đối tượng, từ những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, cán bộ, công chức, viên chức đến các cháu dưới 6 tuổi. Các cấp, các ngành, nhiều tổ chức đã tuyên truyền, vận động đóng, trao tặng sổ bảo hiểm y tế cho các đối tượng còn lại.
Đồng thời, đã có hơn 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền quỹ chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tổ chức tốt từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi trực tiếp từ kinh phí của hộ gia đình cho dịch vụ y tế, tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội, như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lên đến hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, dư luận còn băn khoăn về một số vấn đề khi tham gia bảo hiểm y tế, như thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chi phí và chất lượng các dịch vụ y tế; tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, cũng như việc bán, làm “khống” các loại giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là kênh thông tin quan trọng góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền kịp thời có những biện pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; định hướng dư luận xã hội và tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để tăng cường nắm bắt, định hướng dư luận xã hội nhằm nâng cao hiệu quả triển khai chính sách bảo hiểm y tế thời gian tới dư luận, các đại biểu đề nghị: Tăng cường khảo sát, thu nhận và nắm bắt qua các kênh khác nhau dư luận xã hội, nguyện vọng của người dân và tổ chức thông tin rộng rãi về quyền lợi và nghĩa vụ người tham gia bảo hiểm y tế; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, vận động, ủng hộ, giúp đỡ để mọi người tham gia bảo hiểm y tế.
Ngành y tế tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, khắc phục những tồn tại, bất cập; tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh diện bảo hiểm y tế theo tinh thần mọi người dân đều được theo dõi, chăm sóc sức khỏe thường xuyên, liên tục, được cung cấp thông tin về chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để thực hiện quyền lựa chọn; triển khai rộng rãi việc xác thực thông tin sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội; đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội theo tinh thần bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Đồng thời, tiếp tục kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội của ngành y tế nói riêng và cộng tác viên dư luận xã hội của các cơ quan, đơn vị có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; duy trì thực chất các đường dây nóng, hộp thư góp ý nhằm sớm phát hiện, phản ánh các trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nắm bắt dư luận xã hội đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế đối với nhân dân (quy trình khám, chữa bệnh; thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao tinh thần trách nhiệm, y đức của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế…).
Dư luận xã hội là tấm gương phản chiếu về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Chủ động nắm bắt dư luận xã hội sẽ giúp cấp ủy Đảng, chính quyền đề ra những chủ trương, quyết sách đúng quy định, hợp lòng dân, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Tài liệu Hội nghị Cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Y tế năm 2024
- Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh sự sống từ tạng hiến của người cho chết não
- Bộ Y tế ban hành Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
- Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới
- Bộ Y tế công bố 62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến được hưởng BHYT 100%
- Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya tăng lên 31
- Pakistan có 68 ca mắc bệnh bại liệt năm 2024