Cuộc họp nhóm đối tác y tế: Chuyển đổi số trong y tế tại Việt Nam đến năm 2030

05/12/2024 | 18:20 PM

 | 

Sáng ngày 05/12/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế với chủ đề “Chuyển đổi số trong y tế tại Việt Nam đến năm 2030”. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức và TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp.

 

Tham dự có đại diện đến từ các đại sứ quán, các cơ quan/tổ chức hợp tác song phương và đa phương, các ngân hàng phát triển, các tổ chức phi Chính phủ; các Bộ/ ban/ ngành, đại biểu đến từ các tỉnh/thành phố, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Cuộc họp nhóm đối tác là cơ hội để Bộ Y tế và các đối tác chia sẻ các kết quả, định hướng về chuyển đổi số trong ngành Y tế; đồng thời, thảo luận về phương hướng, cách thức và các triển vọng, cơ hội hợp tác nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong y tế đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu.

Chuyển đổi số trong y tế là một trong những ưu tiên quan trọng của ngành Y tế

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng gửi lời tri ân và cảm ơn tới các đối tác phát triển, các Bộ/ban/ ngành, các cơ quan tổ chức và mong muốn quan hệ hợp tác đối tác ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt hơn nữa cho việc duy trì và phát triển các hoạt động của diễn đàn nhóm đối tác y tế.

Chuyển đổi số trong y tế được xác định là một trong những ưu tiên chính và là yếu tố quan trọng trong ngành Y tế nhằm đạt được các mục tiêu hướng tới Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Việc sử dụng và tích hợp công nghệ như Internet vạn vật, chăm sóc ảo, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối, nền tảng và công cụ trên hệ sinh thái y tế đã mang lại các cơ hội nâng cao sức khỏe người dân thông qua việc nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, tăng khả năng tiếp cận, tiết kiệm chi phí cũng như cải tiến các quy trình quản lý y tế.

 Vào tháng 5/2018, Đại hội đồng Y tế đã thông qua nghị quyết WHA71.7 về y tế số, trong đó yêu cầu Tổng Giám đốc “xây dựng chiến lược toàn cầu về y tế số, xác định các lĩnh vực ưu tiên mà WHO cần phải tập trung nguồn lực”.

Tại Việt Nam, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Việc chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế, dự phòng, chẩn đoán và điều trị, phục hồi chức năng, nghiên cứu khoa học, và đào tạo nhân lực y tế, tiết kiệm thời gian; hỗ trợ quản lý nhà nước đồng bộ, thống nhất, liên thông, tăng cường khả năng phục hồi và bền vững trước các tác động, mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng và môi trường. Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ “Về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trước đó, tháng 12-2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đoàn chủ tọa cuộc họp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm, mục tiêu chung của chuyển đổi số trong y tế là:

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả;

Công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế trong ngành được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số. Với mục tiêu trên, các nội dung tổng quan chuyển đổi số bao gồm: Xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số trong ngành Y tế, phát triển kinh tế số trong ngành Y tế, phát triển xã hội số trong ngành Y tế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đơn vị y tế trong quá trình chuyển đổi số.

Với quyết tâm, nỗ lực cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các bộ/ ngành, các đối tác, thời gian qua, Bộ Y tế bước đầu đã triển khai các nhiệm vụ và mang lại một số kết quả cụ thể:

(1) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán bảo hiểm y tế;

(2) Khám, chữa bệnh từ xa; xây dựng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên hệ thống định danh quốc gia (VneID); triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử;  khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng định danh điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh; thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế dự phòng và một số lĩnh vực chuyên môn, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất. Ngoài ra, Bộ Y tế đã triển khai một số hệ thống khác, như hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, ngân hàng thuốc, triển khai một số ứng dụng AI, chủ yếu trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh…

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Để thực hiện các mục tiêu trên ngành Y tế rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của các đối tác phát triển, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan hy vọng hợp tác về y tế tiếp tục là một phần quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược song phương và đa phương của quốc gia.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.

WHO tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong chương trình chuyển đổi số trong ngành Y tế

Tại cuộc họp, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá: Những tiến bộ trong công nghệ có tiềm năng to lớn giúp Việt Nam cải thiện sức khỏe và phát triển con người, bằng cách đóng góp vào sự phát triển của một hệ thống y tế hiệu quả và bền vững hơn.

Công nghệ số có thể giúp cải thiện các dịch vụ y tế cơ sở để quản lý cả bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm, bằng cách giúp các dịch vụ dễ tiếp cận hơn thông qua y tế từ xa, ứng dụng sức khỏe di động và dịch vụ…

TS Angela Pratt lấy ví dụ: Công nghệ số bao gồm AI cũng có tiềm năng cách mạng hóa việc chẩn đoán và thậm chí phát hiện sớm bệnh tật và các đợt bùng phát dịch bệnh, theo những cách mà chúng ta thậm chí còn chưa thể hình dung ra; giúp cải thiện các dịch vụ y tế cơ sở để quản lý cả bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm, bằng cách giúp các dịch vụ dễ tiếp cận hơn thông qua y tế từ xa, ứng dụng sức khỏe di động và dịch vụ…

Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng đề cập đến một số rủi ro cần cân nhắc và các cách giải quyết những rủi ro chuyển đổi số trong y tế.

TS Angela Pratt nhấn mạnh: WHO tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong chương chuyển đổi số y tế, bao gồm thông qua hỗ trợ phát triển chính sách, cũng như tạo điều kiện cho đối thoại về một số vấn đề thách thức…

Toàn cảnh cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận một số nội dung như: Đánh giá thực trạng và kết quả đạt được về chuyển đổi số y tế trong thời gian qua, các cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số y tế; định hướng và chiến lược về chuyển đổi số đến năm 2030 và trong tương lai; xác định nhiệm vụ, phương hướng cách thức thực hiện chuyển đổi số trong y tế đến năm 2030; vai trò và sự tham gia của các đối tác trong chuyển đối số tại Việt Nam, tăng cường hoạt động hợp tác và hỗ trợ chuyển đổi số trong y tế./.


Thăm dò ý kiến