Gia tăng trẻ mắc sởi do chủ quan không tiêm phòng
13/12/2024 | 08:56 AM
|
Những ngày gần đây, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận hàng chục bệnh nhi mắc sởi nhập viện. Trong số này, có những trẻ mắc sởi chưa đến tuổi tiêm vaccine; một số trẻ tiêm không đầy đủ và có trẻ bị bỏ sót mũi tiêm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, các giường bệnh đã chật kín vì trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện khá đông, khu vực điều trị bệnh nhi mắc sởi được tách riêng để tránh lây nhiễm.
Đang chăm con nhỏ nằm viện vì sởi, chị Đinh Thị Phương (ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con chị nhập viện trong tình trạng sốt triền miên, cháu sốt đến ngày thứ 5, xuất hiện mẩn đỏ, phát ban khắp người và được xét nghiệm, chẩn đoán mắc bệnh sởi. Khi vào viện, cháu đã có biến chứng kèm theo viêm thanh quản. "Đã lâu, gia đình quên không tiêm vaccine sởi cho cháu nên cũng khá lo lắng”, chị Phương nói.
Cũng theo chị Phương, dù tiêm nhiều loại vaccine cho con, nhưng gia đình lại chủ quan, bỏ qua mũi sởi.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị gần 40 bệnh nhân mắc sởi. Đa số các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho và sổ mũi. Đây cũng là các triệu chứng của viêm đường hô hấp, giống với nhiều bệnh lý. Một số trẻ sốt đi kèm phát phát ban thì được test để chẩn đoán sởi.
Trẻ mắc bệnh sởi nằm điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Số các trẻ mắc sởi được ghi nhận chủ yếu là trẻ ở độ tuổi 4 tháng tuổi đến 8 tuổi. Nhiều trẻ khi vào viện đã bị biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản, chưa ghi nhận trường hợp nặng như viêm não.
Nhiều trẻ mắc sởi chưa đến tuổi tiêm vaccine; một số trẻ tiêm không đầy đủ; trẻ bị bỏ sót mũi tiêm.
Về việc bệnh sởi gia tăng, bệnh sởi đã được ghi nhận bùng phát theo chu kỳ, cứ khoảng 10 năm lại có một đợt sởi bùng phát mạnh. Tại Hà Nội, năm 2024 cũng là năm dự báo bùng phát dịch, sau đợt bùng phát dịch sởi năm 2014.
Nguyên nhân dịch sởi lây lan còn do các yếu tố như: Thời tiết mùa đông-xuân hiện nay đang là môi trường thuận lợi để virus sởi phát triển, lây lan. Bên cạnh đó, miễn dịch do tiêm vaccine sởi ở trẻ chưa sản sinh hoặc miễn dịch của trẻ chưa tốt. Đặc biệt, thời gian ủ bệnh, diễn biến bệnh sởi khá lâu nên dẫn đến thời gian lây nhiễm kéo dài. Việc chẩn đoán chính xác bệnh sởi thường là khi bệnh nhi đã xuất hiện phát ban và gia đình mới có thể cách ly trẻ.
Bác sĩ cũng chú ý, đối với việc tiêm vaccine sởi cho trẻ, khi mới tiêm 1 mũi, hiệu lực vaccine đã có thể giảm xuống dưới 80%; khi tiêm đủ 2 mũi, cơ thể sản sinh ra kháng thể đạt 90% - 95% hiệu lực của vaccine.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, các gia đình cần chú ý lịch tiêm vaccine sởi, và tiêm đủ mũi cho trẻ theo hướng dẫn để trẻ có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh.
Không chỉ bệnh sởi, tại Bệnh viện Thanh Nhàn cũng ghi nhận các ca mắc sốt sốt huyết gia tăng. Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, người dân nên tiêm các vaccine cúm, phế cầu cho trẻ nếu có đủ điều kiện. Ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt cao khó hạ, co giật, bỏ ăn, khó thở, khò khè,... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tránh để bệnh diễn tiến nặng.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc