Nền tảng y tế số là công cụ tuyệt vời để cải thiện tính công bằng và khả năng tiếp cận xét nghiệm HIV
02/12/2024 | 09:17 AM
|
Việt Nam đảm bảo mọi người có nhu cầu đều được xét nghiệm HIV thông qua mở rộng các tùy chọn xét nghiệm cho người dân.
Theo TS. Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giảm số ca nhiễm HIV mới, cũng như đảm bảo rằng những người bị nhiễm bệnh được điều trị theo nhu cầu.
Về xét nghiệm, Việt Nam đảm bảo mọi người có nhu cầu đều được xét nghiệm HIV thông qua mở rộng các tùy chọn xét nghiệm cho người dân. Tùy thuộc vào nơi sinh sống, người dân có thể đến một địa điểm tại địa phương và sẽ có một tổ chức cộng đồng hỗ trợ làm xét nghiệm. Ở một số khu vực, người dân có thể đặt lịch xét nghiệm trực tuyến thông qua trang web. Như vậy, Việt Nam đã làm rất tốt trong công tác mở rộng xét nghiệm.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Toàn cầu và hỗ trợ kỹ thuật từ WHO, Việt Nam đang có một nền tảng sức khỏe số sáng tạo giúp những người có nguy cơ mắc HIV có thể tự xét nghiệm và nhận được sự chăm sóc.
Điều này càng làm cho chủ đề của Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS năm 2024 trở nên có ý nghĩa hơn, đó là "Công bằng và bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ HIV/AIDS nhằm hướng tới việc chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030".
Việt Nam đang có một nền tảng sức khỏe số sáng tạo giúp những người có nguy cơ mắc HIV có thể tự xét nghiệm và nhận được sự chăm sóc. Ảnh: WHO
Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt cho biết: "Các nền tảng y tế số là công cụ tuyệt vời để cải thiện tính công bằng và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Bằng cách thu hẹp khoảng cách trong khả năng tiếp cận xét nghiệm HIV như thế này, chúng ta có thể hỗ trợ và thu hút những người đang sống chung với HIV, có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV – đặc biệt là những người bị cô lập và chịu nhiều thiệt thòi nhất".
"Chúng tôi mong muốn tất cả mọi người luôn khỏe mạnh và giữ an toàn cho người khác bằng cách đi xét nghiệm. Bạn có thể chọn xét nghiệm HIV trực tiếp tại cơ sở chăm sóc sức khỏe mà bạn yêu thích hoặc, tùy thuộc vào tỉnh thành nơi bạn sinh sống, đặt bộ dụng cụ tự xét nghiệm tại nhà và được giao hàng đến tận nơi" - Tiến sĩ Pratt gửi đi thông điệp cho bất kỳ ai không chắc chắn về tình trạng HIV của mình.
Nâng tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của mình lên 95% vào năm 2030
Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đang tập trung vào mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm, hướng đến việc đạt 95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Cục đã triển khai các hoạt động cụ thể như:
1. Đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV: Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các dự án và tổ chức quốc tế để triển khai tư vấn xét nghiệm HIV thông qua nhiều mô hình khác nhau. Mục tiêu là đưa dịch vụ này đến gần nhất với nhóm người có hành vi nguy cơ cao, từ đó giúp phát hiện sớm và tăng tỷ lệ người biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Các hoạt động cụ thể bao gồm:
- Duy trì các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV trên toàn quốc, với hơn 1.300 cơ sở y tế thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV.
- Triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 33 tỉnh/thành phố.
- Cung cấp tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình và người chích chung của người nhiễm HIV, cũng như các nhóm có hành vi nguy cơ cao và các hoạt động truy vết.
- Cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm tại các tỉnh trong khuôn khổ dự án Quỹ Toàn cầu và Dự án EPIC.
- Triển khai cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm trực tuyến qua website http://tuxetnghiem.vn tại 32 tỉnh/thành phố, từ năm 2020 đến nay đã cung cấp hơn 40.000 đơn hàng, ghi nhận gần 30.000 lượt phản hồi kết quả và khoảng 1.000 lượt báo cáo có phản ứng với sinh phẩm tự xét nghiệm.
2. Triển khai xét nghiệm nhiễm mới HIV tại 50 tỉnh/thành phố: Việc mở rộng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm mới, giúp can thiệp kịp thời và hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV.
3. Duy trì và mở rộng mạng lưới cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV và xét nghiệm phục vụ theo dõi và điều trị: Cục đã duy trì và phát triển mạng lưới gồm 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV: tuyến Trung ương 31 phòng (trong đó có 05 phòng thuộc Công an, bao gồm 02 trạm giam; 03 phòng thuộc Quân đội); tuyến tỉnh 80 phòng; tuyến huyện 136 phòng; tư nhân: 04 phòng.
4. Đảm bảo chất lượng hoạt động tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV: Cục đã thực hiện giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ sở xét nghiệm. Ngoài ra, các hướng dẫn chuyên môn và hành lang pháp lý cũng được xây dựng để hỗ trợ triển khai hoạt động này một cách hiệu quả.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc