Đã ghi nhận hơn 79.700 ca sốt xuất huyết, ở chung cư cao tầng có bị bệnh này không?
07/10/2024 | 07:00 AM
|
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết năm nay giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên với điều kiện môi trường sau bão lũ, nguy cơ gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết là hiện hữu.
Số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong đều giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng
Theo thống kê mới nhất, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9, cả nước ghi nhận 79.727 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15,5%, số tử vong giảm 14 ca…
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm, tuy nhiên với điều kiện môi trường sau bão lũ tại các tỉnh phía Bắc, mưa bão ở miền Trung và mùa mưa ở miền Nam, nguy cơ gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết là hiện hữu.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 9/2024, thành phố ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt xuất huyết (giảm hơn 71% so với cùng kỳ năm 2023) và chưa có ca tử vong. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 142 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 18 ổ dịch đang hoạt động.
Tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9, cả nước ghi nhận 79.727 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11). Với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Kết quả giám sát tại một số ổ dịch tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, sốt xuất huyết đang ngày càng trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều khu vực với những biến động khó lường. Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu. Do đó, cần bổ sung các biện pháp phòng tránh chủ động hơn.
Ở chung cư cao tầng có bị sốt xuất huyết không?
Liên quan đến phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, có những ý kiến cho rằng ở chung cư cao tầng không có muỗi nên ngủ không cần mắc màn, tuy nhiên theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là sự chủ quan khiến nhiều người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết do bị muỗi đốt.
Theo chuyên gia, trước hết phải thừa nhận ở chung cư tầng cao sẽ ít muỗi hơn so với ở nhà mặt đất. Tuy nhiên, đối với sốt xuất huyết, dù ở nhà mặt đất hay ở chung cư cao tầng đều có nguy cơ mắc bệnh, nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bởi thực tế, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại sống trong nhà, có thể bay được trong bán kính 200 mét. Kể cả ở chung cư, muỗi cũng có thể bay từ tầng thấp lên tầng cao, bay từ nhà này sang nhà khác. Có thể muỗi theo người vào thang máy, rồi đi lên các tầng.
Một vấn đề nữa người dân ở chung cư cũng hết sức chú ý, đó là việc các căn hộ ở chung cư thường có thói quen làm bể cá trong nhà, trồng hoa, trồng rau trong thùng xốp, khay nhựa và có để các dụng cụ chứa nước đọng như đồ chứa nước thải điều hòa, nước thải máy lọc nước... Đây chính là điều kiện để muỗi sinh sản và phát triển ngay tại căn hộ của gia đình.
Đối với sốt xuất huyết, dù ở nhà mặt đất hay ở chung cư cao tầng đều có nguy cơ mắc bệnh, nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt.
Thông thường, khi có ánh sáng muỗi sẽ lẩn trốn ở những góc khuất, tối..., khi tắt điện, muỗi sẽ ra ngoài và nếu ngủ không mắc màn sẽ bị đốt. Như vậy, nguy cơ bị muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết truyền sang là rất lớn.
Chuyên gia nhấn mạnh, việc ngủ mắc màn không chỉ giúp phòng được muỗi đốt, mà còn tránh được cả các loại côn trùng khác nếu có. Bởi vậy, dù ở đâu cũng nên tạo thói quen mắc màn trước khi đi ngủ.
Ngoài việc ngủ phải mắc màn, những người ở chung cư nói riêng và toàn bộ người dân nói chung cần phải vệ sinh nơi ở gọn gàng, sạch sẽ; Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi; Dùng các sản phẩm xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối; Lật úp các dụng cụ chứa nước xung quanh nơi ở, thay nước ở lọ hoa, diệt loăng quăng/bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.
Cũng liên quan đến dịch sốt xuất huyết, Tổ chức Y tế thế giới vừa khởi động Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược toàn cầu (SPRP) để giải quyết bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác do muỗi Aedes truyền. Bằng cách thúc đẩy phản ứng phối hợp toàn cầu, Kế hoạch nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sốt xuất huyết và các bệnh do arbovirus khác do muỗi Aedes truyền như Zika và Chikungunya…
Kế hoạch nêu rõ các hành động ưu tiên để kiểm soát sự lây truyền và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia bị ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giám sát dịch bệnh, hoạt động xét nghiệm, kiểm soát véc tơ, gắn kết cộng đồng, quản lý lâm sàng, nghiên cứu và phát triển, thông qua cách tiếp cận toàn xã hội và khu vực.
Theo ước tính, có khoảng 4 tỷ người có nguy cơ nhiễm arbovirus trên toàn thế giới và con số này ước tính sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2050. Các trường hợp mắc sốt xuất huyết đã tăng vọt trên tất cả sáu khu vực của WHO và số ca mắc đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2021. Tính đến cuối tháng 8/2024, với hơn 12,3 triệu ca - gần gấp đôi so với 6,5 triệu ca được báo cáo trong cả năm 2023.
Sốt xuất huyết lưu hành ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ và cũng đáng lo ngại ở Châu Phi...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bộ trưởng Y tế đề xuất có Nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói về 'giữ chân' cán bộ y tế, quản lý thực phẩm chức năng
- TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10
- Thời gian xét nghiệm trung bình giảm từ 3 giờ còn 1 giờ
- Bộ Y tế yêu cầu 2 bệnh viện liên quan đến phản ánh 'bát nháo khám sức khoẻ' xác minh, xử lý sai phạm
- Chuyên gia chỉ nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt vẫn khiêm tốn
- Những thách thức trong quy định và thực thi chính sách về thuốc lá mới