Ứng dụng khoa học hạt nhân chăm sóc sức khỏe người dân
14/12/2024 | 11:32 AM
|
Sau gần 2 năm hoạt động, dây chuyền sản xuất dược chất phóng xạ dùng trong chẩn đoán ung thư của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu các dược chất phóng xạ mới, hướng tới các thuốc vừa chẩn đoán vừa điều trị (chẩn trị) ung thư. Đây là minh chứng rõ nét việc các nhà khoa học trong nước nỗ lực phát triển, đưa khoa học hạt nhân vào ứng dụng trong cuộc sống, chăm sóc sức khỏe người dân.
Cán bộ Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vận hành máy gia tốc cyclotron để sản xuất dược chất phóng xạ FDG. (Ảnh SƠN TÙNG) |
Dẫn chúng tôi tham quan phòng sản xuất dược chất phóng xạ, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Gia tốc và Điện tử hạt nhân, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội giới thiệu quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG sử dụng trong chụp PET/CT chẩn đoán ung thư.
Theo đó, khu vực sản xuất và chuẩn bị chất phóng xạ được kiểm soát chặt chẽ về an toàn bức xạ và an ninh; chỉ nhân viên được đào tạo và trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ mới được phép vào khu vực này; có hệ thống cảnh báo, khóa an toàn để hạn chế người vào khu vực nguy hiểm; liều bức xạ của nhân viên được theo dõi và giữ trong giới hạn an toàn.
Đều đặn từ khi đi vào sản xuất (tháng 2/2023) đến nay, mỗi ca có 7 người, ca đầu tiên bắt đầu từ 1 giờ đến 6 giờ hoàn thành, trong 30 phút sau đó, thuốc sẽ được đưa tới các bệnh viện để tiêm cho bệnh nhân ca sáng. Ca thứ hai được vận hành từ 8 giờ đến 12 giờ để kịp có thuốc cho bệnh nhân tiêm buổi chiều.
Tại các bệnh viện, người bệnh được tiêm dược chất này để chụp PET/CT chẩn đoán ung thư. Sở dĩ thời gian sản xuất và vận chuyển đặc biệt như vậy là do thuốc phóng xạ có thời gian bán rã nhanh, quá 12 giờ là thuốc không sử dụng được nữa.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, hiện nay, ngoài máy của Trung tâm, trong nước có 5 máy khác sản xuất được chất phóng xạ, đặt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 máy của Công ty cổ phần y học Rạng Đông đặt tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) và Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (Hà Nội) và 1 máy của Bệnh viện Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, các máy này chưa hoạt động hết công suất. “Thuốc này không thể nhập khẩu do thời gian bán rã nhanh và trong bối cảnh các máy chạy chưa hết công suất, nhu cầu khám, chữa bệnh lại lớn, cho nên Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phải sản xuất tối đa công suất với 2 ca/ngày, cung cấp luân phiên cho các bệnh viện tại Hà Nội mới đáp ứng đủ nhu cầu rất lớn hiện nay”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Phan Việt Cương, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết.
Được biết, thiết bị sản xuất dược chất phóng xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là máy gia tốc cyclotron KOTRON13 với năng lượng 13 MeV. Đây là quà của Chính phủ Hàn Quốc tặng Việt Nam. Máy gia tốc này đã được lắp đặt và bàn giao cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội tháng 9/2014 nhưng do tại thời điểm đó, Bộ Y tế chưa có cơ chế cho phép các đơn vị ngoài bệnh viện sản xuất thuốc phóng xạ FDG để phục vụ ghi hình PET/CT cho người bệnh, cho nên đến năm 2018, Trung tâm mới được cấp giấy phép sản xuất thuốc.
Năm 2020, Trung tâm đã nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và đưa dây chuyền vào sản xuất từ tháng 2/2023. Cho đến nay, Trung tâm đã và đang từng bước làm chủ công nghệ máy gia tốc cyclotron trong sản xuất dược chất phóng xạ.
Dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ của Trung tâm là 1 trong 3 dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ đạt tiêu chuẩn GMP-WHO cho thuốc phóng xạ của Việt Nam; 1 trong 7 dây chuyền đạt GMP-WHO cho thuốc phóng xạ của khu vực Đông Nam Á và châu Á (gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Singapore và Malaysia). Việc này đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá cao và lấy làm mô hình để chia sẻ kinh nghiệm cho các nước trong khu vực châu Á.
Từ tháng 2/2023 đến hết tháng 11/2024, Trung tâm đã sản xuất hơn 400 ca thuốc phóng xạ, với khoảng hơn 200.000 mCi thuốc Vinatom FDG cung cấp cho các bệnh viện tại Hà Nội như: K, Ung bướu Hà Nội, Trung ương Quân đội 103, Mặt trời và Đa khoa Vinmec, phục vụ ghi hình PET/CT cho hơn 15.000 lượt bệnh nhân ung thư .
Trung tâm là đơn vị công lập duy nhất của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam được trang bị máy gia tốc cyclotron, đồng thời cũng là đơn vị nhà nước có vai trò định hướng nghiên cứu, tư vấn, kết hợp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất dược chất phóng xạ bằng máy gia tốc cyclotron.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Anh, Trưởng phòng Hóa Phóng xạ của Trung tâm cho biết, nghiên cứu, sản xuất dược chất phóng xạ dùng trong chẩn trị ung thư là xu thế hiện nay của y học hạt nhân các nước trên thế giới và sẽ là hướng đi sắp tới của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe người dân.
Đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản là cơ sở để Trung tâm triển khai nghiên cứu các dược chất phóng xạ mới. Để đạt được mục tiêu đó, Trung tâm sẽ vận hành theo mô hình phối kết hợp giữa cơ sở nghiên cứu và các bệnh viện để nắm rõ nhu cầu về dược chất phóng xạ, từ đó phối hợp nghiên cứu và phát triển các loại dược chất phóng xạ mới dùng chẩn trị các bệnh ung thư phổ biến trong nước.
Trong lộ trình nghiên cứu các dược chất chẩn trị riêng cho từng loại ung thư, Trung tâm đang nghiên cứu thuốc phóng xạ sử dụng đánh giá các giai đoạn của ung thư và các thuốc phóng xạ dùng chẩn trị u thần kinh nội tiết và ung thư tuyến tiền liệt.
Lãnh đạo Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho rằng, việc đầu tư cho các tổ chức nghiên cứu công lập có đủ đội ngũ nhân lực trình độ cao, làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong sản xuất dược chất phóng xạ mới dùng trong chẩn trị ung thư là hết sức cần thiết.
Hiện nay, nhân lực được đào tạo về lĩnh vực y học hạt nhân vẫn rất thiếu, trong khi y học hạt nhân ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần được đầu tư tương xứng với tiềm năng phát triển các dược chất phóng xạ mới để thay thế thuốc nhập khẩu.
Khi đó, giá thành thuốc phóng xạ sản xuất trong nước sẽ rẻ hơn thuốc nhập khẩu, bệnh nhân có nhiều cơ hội tiếp cận những phương pháp chữa bệnh tiên tiến, các bác sĩ có nhiều lựa chọn phác đồ điều trị hơn, giảm gánh nặng cho cả bảo hiểm y tế và người bệnh trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Hiện nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội chưa có những phòng thí nghiệm, thiết bị trọng điểm để nghiên cứu và phát triển các dược chất phóng xạ mới và để định hướng đầu tư cho các cơ sở khác.
Nếu Nhà nước không định hướng, quản lý về mặt sản xuất và phát triển dược chất phóng xạ, các cơ sở sản xuất dược chất phóng xạ bằng máy gia tốc cyclotron do tư nhân đầu tư tự phát sẽ dẫn đến tình trạng thừa dược chất phóng xạ ở các thành phố lớn nhưng lại thiếu những dược chất phóng xạ quan trọng phục vụ chẩn trị các bệnh ung thư.
Nguồn: nhandan.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc