Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
31/12/2023 | 08:54 AM
|
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 28- CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Toàn văn Chỉ thị như sau:
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, gia đình và xã hội; tổ chức bộ máy, chính sách, nguồn lực, hệ thống y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, các dịch vụ xã hội được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; quyền trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em.
Tuy nhiên, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, thiếu quy định cụ thể trong một số lĩnh vực; tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước, vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, đáng lo ngại; việc tạo môi trường an toàn và công tác bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cơ bản, thiết chế văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao chưa rộng khắp, chưa bảo đảm tiếp cận cho trẻ em ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực để thực hiện chủ trương, chính sách, mục tiêu còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước ở một số nơi, một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao; chưa ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh một số vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để tăng cường, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt nhất, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng sát với thực tiễn địa phương, đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của thế hệ tương lai gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; phối hợp chặt chẽ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.
2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em phù hợp giai đoạn mới. Đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hóa, khuyến khích, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo.
3. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật; bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển; được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển quốc gia, ngành, địa phương. Nghiên cứu, tích hợp, xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển trẻ em mang tính tổng thể, toàn diện; đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030 và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan đến trẻ em. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp. Nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quản lý chặt chẽ các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo trợ, các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động khác liên quan đến trẻ em. Chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực, bỏ rơi, mua bán, lạm dụng, xúi giục, kích động trẻ em và các hành vi bị nghiêm cấm khác.
4. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ.
Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, chuẩn bị cho trẻ em sống có trách nhiệm, thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, quê hương đất nước phù hợp với lứa tuổi. Đẩy mạnh bảo vệ trẻ em trước thông tin không có lợi trên không gian mạng và xã hội, những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển toàn diện; không để trẻ em làm công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khoẻ, phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em. Phát triển các sản phẩm văn hoá, văn học - nghệ thuật, giáo dục lành mạnh, phù hợp, có chất lượng dành cho trẻ em.
5. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kịp thời phản ánh, phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Quan tâm bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường, tổ chức của trẻ em. Tăng cường hợp tác, tham gia, phát huy vai trò thành viên tích cực trong thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc, các phong trào toàn cầu, khu vực về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.
6. Tổ chức thực hiện
- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội phổ biến, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị.
- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến trẻ em; lồng ghép, phân bổ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện.
- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em; xây dựng, hoàn thiện chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em; đánh giá tác động đến trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật; chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tổ chức xã hội tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề liên quan đến trẻ em.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Bão số 3 đi vào Vịnh Bắc Bộ: Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó bão và mưa lũ sau bão
- Triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 (YAGI) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Chủ động triển khai công tác y tế ứng phó bão số 3 và mưa lũ
- Bão số 3 mạnh lên thành siêu bão: Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp
- Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ, phối hợp tìm nguyên nhân một số trường hợp học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên nhập viện điều trị
- Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương ứng phó bão số 3
- Bộ Y tế đề nghị sử dụng vitamin A trong điều trị hỗ trợ bệnh sởi ở trẻ em