Thảo luận các giải pháp nhằm tối ưu hóa chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
08/11/2024 | 09:55 AM
|
Ngày 7/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế, kinh tế và đại diện các tổ chức trong nước và nước ngoài cùng thảo luận, đánh giá tác động của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, hướng tới giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá đồng thời tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Các chuyên gia và đại diện từ các tổ chức trong nước và nước ngoài đã chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện những đề xuất chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có căn cứ khoa học và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tác động của việc sử dụng thuốc lá không chỉ dừng lại ở sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế quốc gia. Do đó, vấn đề giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với các thách thức về sức khỏe do thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định là một công cụ quan trọng nhằm kiểm soát tỷ lệ sử dụng các mặt hàng này. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng vai trò trong việc kiềm chế tỷ lệ tiêu dùng mà còn tạo ra một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả của chính sách này, cần có sự đánh giá và phân tích toàn diện về tác động vi mô của thuế đối với người tiêu dùng và các nhóm dân cư khác nhau.
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) Phan Thị Hải cho biết, tại Việt Nam, theo ước tính số tiền bỏ ra mua thuốc lá lên đến 49.000 tỷ đồng/năm. Chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá là 108.000 tỷ đồng chiếm 1,14% GDP. Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Theo bà Phan Thị Hải, việc hút thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên đang gia tăng như một “nạn dịch” mà hoàn toàn chúng ta có thể ngăn ngừa được. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ sản phẩm thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (70-75% giá bán lẻ). Do đó, việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, trước hết là trong thanh thiếu niên và người nghèo, bên cạnh đó việc tăng thuế thuốc lá cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Thông tin mới vụ 2 ca tử vong ngoại viện, nghi ngộ độc sau bữa ăn trưa
- Điểm mới tại Hội nghị Y học TP.HCM 2024 với báo cáo chuyên sâu về dây chằng cổ chân
- Phẫu thuật nội soi cho cụ 88 tuổi bị viêm ruột thừa kèm tràn dịch màng tim nguy hiểm
- Hơn 20.000 bệnh nhân ung thư đã không phải xin giấy chuyển tuyến BHYT ngay ngày đầu năm 2025
- Điện Biên công bố dịch bệnh sởi quy mô cấp xã tại Pú Xi
- Tăng cường tiếp cận thuốc hiếm cho bệnh nhân mắc bệnh hiếm bằng cách nào?
- Người phụ nữ hôn mê sâu tiên lượng xấu, vì uống thuốc bột chữa bệnh dạ dày