Điểm tin y tế ngày 9/6/2018

09/06/2018 | 00:00 AM

 | 

I. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp Đại sứ Cu Ba

Ngày 8.6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp bà Lianys Torres, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cu Ba tới chào xã giao và làm việc về thúc đẩy hợp tác y tế song phương.

Đại sứ Lianys Torres cho biết trong chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng cộng sản (ĐCS) Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Cu Ba, Tổng bí thư ĐCS Cu Ba Raul Castro và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thống nhất thúc đẩy hợp tác song phương lên tầm cao mới, trong đó có thương mại, đầu tư, y tế,… phù hợp với tiềm năng, lợi thế hai nước. Theo trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo, đồng chí Raul Castro cho biết Cu Ba có thể chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong chăm sức khỏe ban đầu.

Hai bên tăng cường hợp tác sản phẩm sinh học công nghệ cao, chuyển giao công nghệ y tế. Hiện tại có 18 bác sĩ Cu Ba đang làm việc tại các bệnh viện ở Việt Nam.Đại sứ Lianys Torré cũng bày tỏ hy vọng về thỏa thuận dược giữa Cục quản lý Dược hai nước.Không chỉ xuất khẩu, mà Cu Ba cũng mong muốn nhập khẩu sản phẩm dược từ Việt Nam.

2. Một phụ nữ tại TP.HCM tử vong vì nhiễm cúm A H1N1

Tối 8-6, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết một phụ nữ 26 tuổi, nội trợ, ngụ ở Q.Thủ Đức đã tử vong sau 5 ngày điều trị cúm A H1N1 tại nhà.

 Người phụ nữ này có thể trạng béo phì.Kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A H1N1.

Ngày 5-6, một bệnh nhân nam 49 tuổi, là tài xế, ngụ tại Bình Thuận, có tiền sử tiểu đường type 2, nhập Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng suy hô hấp nặng, sau 8 ngày tự điều trị tại nhà. 

Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.Tại đây bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả dương tính cúm A H1N1.Hiện tại bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Ngay sau khi nhận được thông tin từ bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM tiến hành điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng.

Kết quả bước đầu ghi nhận đây là 2 trường hợp bệnh cúm xảy ra trên đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng cao (béo phì, tiểu đường), không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện. 

Đối với ca bệnh tại TP.HCM, qua 8 ngày giám sát, đến nay không phát hiện ca bệnh cúm tại nơi cư ngụ và trong các bệnh viện đã chăm sóc điều trị bệnh nhân này. 

Thông tin ca bệnh ở Bình Thuận đã được báo cáo cho Viện Pasteur TP.HCM để tổ chức giám sát theo quy định.

Trung tâm Y tế dự phòng TP và Viện Pasteur cũng đã thống nhất với các bệnh viện các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện; đồng thời truyền thông phòng chống cúm tại nơi bệnh nhân cư ngụ.

Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, béo phì, có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như: tiêm chủng văcxin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp. 

Nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc.

3. Cách ly điều trị một tài xế nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch

Ngày 8.6, nguồn tin từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết BV này vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân H.Đ.H (nam, 49 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) do bị nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và đơn vị chống độc, BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân được chuyển đến từ BV tuyến trước trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng.

Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, đang diễn tiến theo chiều hướng nặng và được cách ly điều trị, thở máy.

“Sau 3 ngày thở máy, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu khá hơn, tiên lượng dè dặt và có thể sẽ phải thực hiện chạy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO)”, bác sĩ Hùng cho biết thêm.

Người nhà bệnh nhân cho biết ông H. làm nghề lái xe. Vài ngày trước nhập viện ông có chở một đoàn khách du lịch đi Đà Nẵng và trên chuyến xe đó có một hành khách bị cảm cúm.

Sau khi về nhà thì ông H. sốt cao, đau nhức, mệt mỏi nên được đưa vào BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận, sau đó chuyển đến BV Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Tại đây ghi nhận bệnh nhân sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, viêm phổi nặng, kèm bệnh lý đái tháo đường.BV Q.Thủ Đức đã đặt nội khí quản và chuyển lên BV Chợ Rẫy.

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, cúm A/H1N1 là cúm mùa thông thường, không quá nặng, tuy nhiên với những người miễn dịch kém, có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, huyết áp hoặc thai phụ thì bệnh có thể diễn tiến nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

* Theo một nguồn tin, cách đây 8 ngày tại TP.HCM đã có một phụ nữ tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại BV Bệnh Nhiệt đới.

4. Bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã được xuất viện

Theo Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 8/6, bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H1N1 của tỉnh trong năm nay đã được xuất viện.

Bác sỹ Phạm Trung Thảo - Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, ngày 4/6 Khoa tiếp nhận ông N.M.K, sinh năm 1964 ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức trong tình trạng ho, sốt cao, sổ mũi, rát họng, người mệt mỏi, chán ăn. 

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân này có đưa vợ đi khám và điều trị tại bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có ổ cúm A/H1N1).Bệnh viện nghi ngờ đây là bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. 

Bệnh viện Bà Rịa đã khám, thu dung và cách ly bệnh nhân theo đúng quy trình. Qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 nhưng chưa có biến chứng nặng. Sau 4 ngày điều trị, theo dõi, đến 8/6 sức khỏe bệnh nhân đã tốt, đã cắt cơn sốt được 3 ngày, ăn uống bình thường nên bệnh viện đã cho xuất viện.

Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng lây nhiễm cao và lan nhanh trên diện rộng. Cúm A/H1N1 có biểu hiện giống với triệu chứng cúm thông thường, chỉ có thể phát hiện bệnh bằng cách xét nghiệm dịch mũi, họng tại các cơ sở y tế. 

Đối với một số trường hợp cúm A/H1N1 có thể biến chứng nặng như phụ nữ có thai hoặc mắc các bệnh mãn tính… Khi nghi ngờ bị cúm A/H1N1 bệnh nhân phải đến ngay bệnh viện khám và điều trị kịp thời, phòng tránh trường hợp biến chứng có thể dẫn tới tử vong./.

5. 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017 số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp.

Dù số mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè... đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh, nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.

Để chủ động phòng chống dịch, ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018, xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng cao điểm ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6) cao điểm trong tháng 6/2018.

6. Bệnh nhân chết bất thường tại Trung tâm y tế huyện sau khi tiêm 2 mũi giảm đau

Đến khám bệnh vì lý do đau bụng không rõ nguyên nhân, nam bệnh nhân được chỉ định tiêm 2 mũi giảm đau, nhưng bất ngờ tử vong.

Sáng 8/6, đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận sự việc bệnh nhân chết sau khi tiêm 2 mũi giảm đau tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Tường.

Trả lời PV VTC News, vị đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Ngay khi nhận được báo cáo từ Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, lãnh đạo Sở cùng Trưởng phòng nghiệp vụ y tế đã xuống trung tâm và phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân sự việc".

Theo đó, khoảng 6h30 ngày 6/6, bệnh nhân Lương Hữu Toàn, 47 tuổi, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường tới Trung tâm y tế huyện để khám bệnh do đau bụng.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đau bụng chưa rõ nguyên nhân nên chuyển bệnh nhân sang Khoa Ngoại. Sau đó, anh Toàn được bác sĩ Vũ Xuân Trường, Trưởng khoa Ngoại thăm khám.

Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định sử dụng 1 ống thuốc giảm đau Nospa 40 mg tiêm bắp; 2 ống Atropin 0,25 mg tiêm dưới da và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm hiểu rõ căn nguyên đau bụng.

Khoảng 10h, người bệnh được đưa đi lấy nước tiểu, sau đó về đến phòng bệnh thì ngất xỉu.Các bác sỹ, điều dưỡng kiểm tra, xác định người bệnh bị ngừng tuần hoàn, bèn chỉ định cấp cứu.

Dù, các nhân viên y tế và bác sĩ tại Trung tâm dốc sức cứu chữa, nhưng tình trạng anh Toàn ngày càng nghiêm trọng. Bệnh nhân được cấp cứu liên tục từ 10h sáng đến 13h35p chiều nhưng vẫn không có dấu hiệu khả quan rồi qua đời.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường gửi Sở Y tế, nguyên nhân cái chết của anh Toàn được giả định là do chứng nhồi máu cơ tim cấp. Gia đình bệnh nhân không chấp nhận giả thiết này và cho rằng vì tiêm 2 mũi thuốc nên anh Toàn mất mạng, cần cơ quan công an và lực lượng chức năng vào cuộc.

Vụ việc vẫn đang được các lực lượng chức năng điều tra làm rõ.

7. Lãnh đạo trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường lên tiếng về việc bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc giảm đau

“Theo kết luận ban đầu của hội đồng trung tâm y tế huyện Vĩnh Tường thì bệnh nhân Lương Hữu T. tử vong do bị nhồi máu cơ tim sau dưới cấp tính…”, Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Vĩnh Tường cho biết.

Liên quan đến việc bệnh nhân Lương Hữu T. (47 tuổi, trú tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường sau khi được các y, bác sĩ tại trung tâm tiêm thuốc giảm đau (Nospa 40 mg x 01 ống, tiêm bắp; Atropin 0,25 mg x 02 ống, tiếm dưới da) và làm các xét nghiệm liên quan. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đắc Hợi, Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường.

Ông Hợi cho biết, trường hợp tử vong của bệnh nhân T. tại Trung tâm thì chúng tôi đã cấp cứu đúng quy trình.Ngay sau khi bệnh nhân T. tử vong chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Sở Y tế và bệnh Viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.Sau đó chúng tôi đã thành lập hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân. Theo kết quả chẩn đoán ban đầu của hội đồng chuyên môn thì bệnh nhân T. tử vong do bị nhồi máu cơ tim dưới cấp tính….

Cũng theo ông Hợi, khi bệnh nhân T. được người nhà đưa vào TTYT huyện Vĩnh Tường trong tình trạng đau bụng dữ dội vũng thượng vị. Các y bác sĩ đã thăm khám và bệnh nhân được bác sĩ Vũ Xuân Trường (trưởng khoa Ngoại) chỉ định tiêm thuốc giảm đau để bệnh nhân giảm được cơn đau. Sau khi tiêm được 10 phút, y tá tiến hành lấy máu và nước tiểu của bệnh nhân T. để đi làm xét nghiệm.Tuy nhiên, sau khi vào nhà vệ sinh lấy nước tiểu ra thì bệnh nhân T. đã ngất xỉu, lên cơn co giật.

Ngay lập tức các y bác sĩ có mặt tại đó đã cấp cứu, sau đó có gọi điện báo cho tôi và bác sĩ Cao Văn Dương (Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu) đến hỗ trợ cấp cứu. Về khía cạnh chuyên môn thì ban đầu chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân T. bị nhồi máu cơ tim dưới cấp, tiên lượng xấu.

Sau đó, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo sở Y tế và bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ gấp để cấp cứu cho bệnh nhân.Khi các bác sĩ ở tuyến trên về thì đã hội ý và thăm khám thì cũng nhận định, chẩn đoán giống như chẩn đoán của trung tâm.

Sau khi bệnh nhân tử vong, gia đình yêu cầu làm rõ nguyên nhân thì chúng tôi đã báo cáo UBND huyện cùng Công an huyện Vĩnh Tường để điều tra làm rõ nguyên nhân, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của sở Y tế.

Qua kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân T. cho thấy men tim (CK) tăng gấp rưỡi (người bình thường tối đa là 167 CK, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân T. là 211.9 CK) nên nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim đối với bệnh nhân T. là rất cao.

Hai loại thuốc giảm đau Nospa 40 mg x 01 ống, tiêm bắp; Atropin 0,25mg x 02 ống, tiếm dưới da, tiêm vào tất cả các bệnh đều không việc gì. 

Chúng tôi rất lấy làm tiếc về trường hợp của bệnh nhân T., sau khi tử vong, phía Trung tâm đã cử Phó Giám đốc làm trưởng đoàn đến thăm viếng. Kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân T. thì phải chờ cơ quan Công an kết luận.

Được biết, để làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Lương Hữ T., Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã mời 4 y, bác sĩ của trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường liên quan đến quá trình khám bệnh, lấy máu, tiêm thuốc giảm đau để lấy lời khai, điều tra làm rõ.

8. Công bố nhiều sai phạm tại bệnh viện C Đà Nẵng

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, ngoài mặt hàng thuốc, Bệnh viện C Đà Nẵng đã lập kế hoạch đấu thầu mua sắm vật tư tiêu hao và hóa chất xét nghiệm tăng cao hàng chục tỉ đồng so với nhu cầu sử dụng.

Ngày 8-6, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố Kết luận số 77/KL-TTrB do Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính ký về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, phòng chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Theo kết luận thanh tra, đối với công tác đấu thầu mua thuốc, giá trị tiền thuốc sử dụng cả năm 2014 là hơn 30 tỷ đồng, nhưng Bệnh viện C Đà Nẵng lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc năm 2015 là 196,3 tỷ đồng, gấp 6,49 lần. Giá trị tiền thuốc sử dụng năm 2015 là 50,4 tỷ đồng, bệnh viện lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc năm 2016 là 172,5 tỷ đồng, gấp 3,41 lần.

Bên cạnh đó, đối với công tác đấu thầu mua vật tư y tế tiêu hao và hóa chất xét nghiệm, giá trị tiền mua thực tế theo nhu cầu của bệnh viện cả năm 2014 hơn 26 tỷ đồng nhưng bệnh viện lập kế hoạch đấu thầu năm 2015 là 133 tỷ đồng, gấp 5,11 lần. Giá trị tiền mua thực tế theo nhu cầu sử dụng năm 2015 hơn 66 tỷ đồng, bệnh viện lại lập kế hoạch đấu thầu 2016 hơn 182 tỷ đồng, gấp 2,74 lần…

Thanh tra Bộ Y tế cho biết nguyên nhân dẫn đến việc lập kế hoạch đấu thầu vượt thực tế sử dụng như trên là do Phòng Tài chính - Kế toán chưa phối hợp chặt chẽ với khoa chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện về việc bố trí nguồn vốn trong năm.

Từ kết luận trên, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện C Đà Nẵng lập kế hoạch đấu thầu phải thực hiện đúng các hướng dẫn và quy định, phải căn cứ dự toán ngân sách Nhà nước được giao, dự toán thu từ các nguồn hợp pháp khác để lập kế hoạch đấu thầu. Đồng thời, việc lập kế hoạch đấu thầu phải dựa trên cơ sở phải có nguồn kinh phí và phải căn cứ nhu cầu thực tế  để phù hợp với thực tế sử dụng…

9. Cấp dưới chiếm đoạt tiền tỉ của sinh viên, nguyên giám đốc Sở Y tế Cà Mau bị kỷ luật

Người từng đứng đầu ngành y tế Cà Mau bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm để cho thủ quỹ và kế toán của đơn vị chiếm đoạt nhiều tỉ đồng tiền học phí của sinh viên

Ngày 8-6, một nguồn tin xác nhận cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã họp kiểm điểm về mặt chính quyền đối với ông Huỳnh Quốc Việt, Tỉnh ủy viên, nguyên giám đốc Sở Y tế Cà Mau, vào chiều 7-6.

Theo đó, có 13/14 phiếu đề nghị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền đối với ông Việt.

Trước đó, cuối tháng 4-2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau cũng đã kỷ luật ông Việt bằng hình thức cảnh cáo Đảng.

Nguyên nhân ông Việt bị kỷ luật được cho là đã để kế toán và thủ quỹ của Sở Y tế chiếm dụng khoảng 3 tỉ đồng của sinh viên

Cụ thể, năm 2011, tỉnh Cà Mau được Trường Đại học Y dược Cần Thơ đào tạo 252 sinh viên nhằm giải quyết khó khăn nhân sự trong lĩnh vực y tế. Sinh viên cam kết sau khi ra trường sẽ về phục vụ địa phương ít nhất 5 năm. Tiền học phí, sinh viên nộp cho thủ quỹ và kế toán Sở Y tế Cà Mau thu hộ.

Tuy nhiên, đến năm 2016, trường ghi nhận có đến 400 sinh viên nợ học phí trong khi sinh viên khẳng định đã nộp đủ. Số tiền này sau đó cơ quan điều tra xác định là bị cán bộ Sở Y tế chiếm dụng.

Liên quan đến vụ việc này, ông Huỳnh Quốc Việt không được tái bổ nhiệm vào 6 tháng trước, dù còn 4 năm mới đến tuổi hưu. Ngoài ra, ông Việt còn bị cáo buộc trong thời gian làm lãnh đạo đã điều động nhân sự trong ngành có nhiều thiếu sót, chưa chặt chẽ và kỷ luật Đảng cán bộ trong ngành không đúng quy trình…

10. Gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bất hợp lý

Thời gian qua, công tác thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Song, công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Chi phí KCB BHYT bất hợp lý gia tăng, chỉ định rộng rãi bệnh nhân vào điều trị nội trú, xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp bệnh. Kết quả đấu thầu và sử dụng thuốc tại một số nơi còn bất hợp lý về chi phí - hiệu quả… 

Nhiều bất hợp lý trong công tác đấu thầu thuốc

Phản ánh những tồn tại trong công tác đấu thầu, cung ứng, sử dụng và thanh toán thuốc tại Hội nghị giao ban thực hiện chính sách BHYT năm 2018, Ban Dược và Vật tư y tế (VTYT) cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý thể hiện ngay trong công tác tổ chức đấu thầu thuốc tại các địa phương. 

Ví dụ như một số cơ sở y tế có hội đồng xây dựng gói thầu có tổng giá trị quá lớn so với nhu cầu và nguồn kinh phí dành cho thuốc của cơ sở y tế, thậm chí tăng 3-4 lần giá trị sử dụng năm trước. Điển hình như tỉnh Bến Tre có tổng chi phí thuốc đề nghị thanh toán năm 2017 là 367 tỉ đồng, kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2017 là 1.272 tỉ đồng. Năm 2018, Bến Tre mua sắm bổ sung sử dụng từ tháng 4 đến tháng 8/2018 với tổng giá trị trúng thầu 345 tỉ đồng.

Một số địa phương thì bổ sung, thay thế thuốc đối với một số hoạt chất, nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật, dạng bào chế trong kế hoạch sử dụng không thật sự cần thiết, dẫn đến lãng phí. Cụ thể, trong năm 2017, tỉnh Nam Định đã chuyển sử dụng hai loại thuốc cùng nhóm là Cefoperazon 1g sang Cefoxitin 1g, nhưng mức giá chênh lệch nhau rất nhiều (38.000 đồng/lọ và 147.000 đồng/lọ), khiến số chi cho hai nhóm thuốc này tăng lên hơn 3 tỉ đồng. Hay Đồng Nai chuyển sang sử dụng Amoxicilin + Acid Clavulanic dạng bào chế viên nén phân tán (hàm lượng 500mg+62,5mg) với giá 10.000 đồng/viên, thay cho dạng bào chế gói uống có giá 2.200 đồng/gói...

Bên cạnh đó, năm 2017, Ban Dược và VTYT rà soát phát hiện 39 thuốc giá cao, với chi phí khoảng 390 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 1,1%). Một số tỉnh có tỉ lệ thuốc hàm lượng ít cạnh tranh giá cao như: Bình Phước 5,4%, Đắk Nông 4,4%, Tây Ninh 4,3%, Sơn La và Tuyên Quang cùng 3,6%...

Đặc biệt, theo thống kê, năm 2017, chi sử dụng thuốc biệt dược gốc là 8.486 nghìn tỉ đồng (chiếm 23,7% tổng chi thuốc KCB, giảm khoảng 1,6% so năm 2016). Tuy nhiên, một số BV có tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc còn cao so tỉ lệ sử dụng tại các BV cùng tuyến, cùng hạng hoặc tại BVĐK tỉnh cùng hạng, cùng khu vực.

Dịch vụ kỹ thuật bị “thổi giá”

Bên cạnh những bất hợp lý trong công tác đấu thầu thuốc thì vấn đề dịch vụ kỹ thuật bị đẩy giá lên cao với mức độ phức tạp hơn cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, trong danh mục dịch vụ kỹ thuật (DVKT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có một số DVKT không thuộc chuyên khoa có tên trong phạm vi hoạt động KCB của cơ sở y tế; hoặc DVKT mà cơ sở y tế chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở có xu hướng chỉ định rộng rãi xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh, đặc biệt là các chỉ số hóa sinh máu, siêu âm màu tim mạch, chụp CT-Scanner, Chụp MRI…

Kết quả kiểm tra tại Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau… cũng phát hiện một số cơ sở y tế có thống kê thanh toán DVKT đã được thanh toán; thực hiện một loại phẫu thuật nhưng thanh toán loại phẫu thuật khác với mức độ phức tạp hơn, có mức giá cao hơn (phẫu thuật cắt ruột thừa đơn thuần thành phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa); thống kê thanh toán không đúng thực tế chỉ định, thực hiện trong hồ sơ bệnh án…

Một số cơ sở KCB sử dụng hóa chất, VTYT không đúng, không đủ định mức trong các DVKT theo quy định của Bộ Y tế (găng tay khám, kim châm cứu, Parafin…); thống kê thanh toán các VTYT đã kết cấu trong cơ cấu giá của DVKT; thống kê thanh toán những DVKT người bệnh không được thực hiện…

Tại nhiều cơ sở KCB, người thực hiện DVKT chưa đủ điều kiện theo quy định như: Chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; thực hiện các DVKT chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở KCB…

Trong đề nghị thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân điều trị nội trú, vẫn xuất hiện tình trạng cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án cấp cứu khi tình trạng bệnh lý của người bệnh chưa phải là cấp cứu (Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đà Nẵng…). Cơ sở KCB chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú rộng rãi đối với nhiều trường hợp bệnh nhẹ, không cần thiết phải nằm viện, như: Điều trị tủy răng, viêm họng cấp, tái khám sau các can thiệp hoặc phẫu thuật tim mạch…; người bệnh có hồ sơ điều trị nội trú nhưng không nằm điều trị tại BV…

Đặc biệt, có cơ sở y tế còn chỉ định kéo dài ngày điều trị không hợp lý cho các trường hợp đẻ thường, phẫu thuật Phaco, điều trị hóa chất, điều trị phục hồi chức năng… (Đà Nẵng, Hòa Bình, Lào Cai…).

Theo đó, để giải quyết những tồn tại nêu trên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh lưu ý thực hiện một số nội dung cụ thể như: Rà soát lại hợp đồng, phụ lục hợp đồng (nếu có); thực hiện theo đúng Quy trình giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH ngày 1/12/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; kiểm tra, rà soát chặt chẽ việc đấu thầu, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, VTYT tại các cơ sở KCB; kiểm soát việc thanh toán tiền khám, tiền ngày giường và DVKT theo định mức tính giá…

11. Việt Nam lên hạng rất nhanh trên bảng xếp hạng uống nhiều rượu bia

"Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách các nước dùng nhiều rượu bia. Đến năm 2016, đã tiến lên vị trí 64.VN đã tiến rất nhanh trong danh sách này".

Ỏ Việt Nam, tỷ lệ nam - nữ uống bia rượu trung bình là 77% - 11%

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới tại VN chia sẻ như trên tại hội thảo về dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ở Hà Nội sáng 8-6.

Theo ông Lâm, với lượng rượu bia tiêu thụ hiện nay tương đương 8,3 lít cồn/người/năm, ở khu vực Châu Á VN đang xếp thứ 3, cao hơn nhiều nước như Nhật, đứng thứ 64 trên thế giới về lượng cồn tiêu thụ.

Điều đặc biệt hơn nữa, theo ông Lâm, con số chung kể trên là tính bình quân/người, nhưng ở VN, nữ giới sử dụng rượu bia không nhiều mà chủ yếu người dùng là nam. 

"Trung bình thế giới tỉ lệ uống rượu bia ở nam/nữ là 48% - 29%, trong khi ở VN là 77% - 11%. Do đó, nếu tính riêng số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia thì một nam giới VN tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (con số năm 2010), mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 ở Châu Á và thứ 29 thế giới"- ông Tuấn Lâm cho biết.

Các doanh nghiệp sản xuất rượu bia và ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của bia rượu cũng đang có những tranh cãi xung quanh dự thảo. 

Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng không cần thiết ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, do hiện nay có tới 85 văn bản từ Luật, Nghị định, nghị quyết, chỉ thị... quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia.

Ngoài ra, hiện bình quân người Việt mới tiêu thụ 4,4 lít cồn/người/năm và loại rượu gây ngộ độc, không kiểm soát được hiện nay chủ yếu là rượu sản xuất thủ công. 

Tuy nhiên, ban soạn thảo Luật cho rằng trong 85 văn bản liên quan đến quản lý rượu bia thì chỉ còn 33 văn bản còn hiệu lực, chưa kể có khoảng trống lớn chưa được điều chỉnh, thiếu quy định phòng ngừa tác hại rượu bia. 

Ban soạn thảo cũng cho rằng lượng rượu bia tiêu thụ thực tế hiện nay là nhiều (8,3 lít cồn/người/năm), không phải chỉ 4,4 lít cồn/người/năm như doanh nghiệp công bố.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng cho biết đang tích cực hoàn thiện dự thảo này để trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm 2019. Đây là dự thảo có thời gian xây dựng dài nhất trong ngành y tế: Kể từ khi bắt đầu có ý tưởng, đặt bút viết đến nay đã gần 10 năm nhưng vẫn đang còn tiếp tục phải bàn thảo.

12. Thái Lan "mách nước" tăng thuế để hạn chế rượu bia, thuốc lá

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế, tăng giá để giảm tiêu thụ rượu bia là hết sức cần thiết.

Tại hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 8.6 cho thấy, lượng tiêu thụ rượu bia ở VN đứng thứ 3 châu Á, 64 thế giới, với mức trung bình 8,3 lít năm 2016 (năm 2003 chỉ là 3,8 lít). Dự báo đến năm 2025, mức độ tiêu thụ rượu bình quân sẽ là 7 lít/người/năm.

Các chuyên gia cho rằng bài học từ Thái Lan - quốc gia có ngành du lịch phát triển mũi nhọn, với các biện pháp thắt chặt về quảng cáo rượu bia, địa điểm bán, thời gian bán mà ngành công nghiệp không khói này vẫn phát triển vượt bậc, tăng từ khoảng 14 triệu khách du lịch, doanh thu hơn 16 tỉ USD (2008) lên hơn 35 triệu khách, doanh thu hơn 50 tỉ USD (2017).

Điều đó chứng tỏ việc ban hành Luật kiểm soát đồ uống có cồn không ảnh hưởng đến nền công nghiệp không khói này mà việc phát triển du lịch phụ thuộc lớn vào các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn...

Để giảm tiêu thụ rượu bia, ông Nguyễn Phương Nam - Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại VN cho rằng, các biện pháp về giá, thuế là biện pháp hiệu quả nhất. “Trên thế giới đã có 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán. Trên 90% quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ rượu bia, trong đó nhiều nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình”- ông Nam nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, phòng ngừa tác hại rượu bia hiệu quả cần xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách hiệu quả, gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, giờ bán, điểm bán kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ. Tăng giá và kiểm soát rượu bia lậu. Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ. Ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia.

TS. Bundit Sornpaisarn- đại diện Quỹ nâng cao sức khỏe Thái Lan cũng chia sẻ: Sau 10 năm ban hành luật (từ 2008), người tiêu dùng tuân thủ tốt hơn quy định của luật về không mua đồ uống có cồn tại những nơi cấm bán (93% không mua ở điểm tín ngưỡng, 96% không mua ở công viên, điểm công cộng...), giảm 7% mua hàng trong khung giờ cấm bán, hoạt động khuyến mại quảng cáo giảm 43%...

Bên cạnh đó, Thái Lan còn thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe, nguồn tài chính cho quỹ hoạt động được thu từ các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, bia, rượu (2%). Quỹ này được WHO và Chính phủ Thái Lan đánh giá là minh bạch, hiệu quả và có tác động đáng kể đến việc giảm hút thuốc lá, uống rượu và chấn thương đường bộ. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của quỹ này cũng được WHO đánh giá rằng, mỗi một USD đầu tư vào việc giảm sử dụng rượu có hại sẽ mang lại lợi ích là 9,13 USD.

Tại Thái Lan, thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho rượu bia là 100% nộp cho cơ quan thuế nhà nước và 2% thuế phụ thu từ rượu bia, thuốc lá nộp vào cho quỹ Nâng cao sức khỏe. Thuế này được gọi là thuế đánh vào sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Năm 2012, khoản thu thêm cho quỹ này được 120 triệu đô, năm 2013 là 140 triệu đô và năm 2014 là 150 triệu đô.

13. Bộ Y tế: Sẽ nghiêm cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên

Nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên.

Quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau.

Những nội dung trên được Bộ Y tế đưa ra trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia sau khi lấy ý kiến bộ, ngành, doanh nghiệp.

Theo bà Trần Thị Trang - Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), để đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia, về hoạt động quảng cáo, trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ siết chặt đối với các hoạt động quảng cáo các sản phẩm này tới người dân.

Bộ Y tế cũng đề xuất nghiêm cấm quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trong các chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩ khác có đối tượng trẻ em, trên các phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia.

Bà Trang cho hay, kiểm soát soát quảng cáo là một trong ba giải pháp quan trọng mà các nước hướng tới để giảm sử dụng rượu bia. Hiện nay, trên thế giới đã có 17 nước đã cấm hoàn toàn trên các phương tiện truyền thông, có 80 quốc gia cấm một phần.

Tại hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia diễn ra sáng 8/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.

Về mức độ tiêu thụ rượu, bia nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất thì bình quân người trên 15 tuổi/năm ở Việt Nam đã tăng nhanh.

Cụ thể, bình quân người trên 15 tuổi/năm tăng từ 3,8 lít trong giai đoạn 2003-2005 lên 6,6 lít trong giai đoạn 2008-2010 và lên tới 8,3 lít vào năm 2016 - đã tăng tới 118%.

Như vậy, Việt Nam đã tăng 30 bậc theo xếp loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia.

Theo Báo cáo thực trạng toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe của WHO, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên tác hại do sử dụng bia cũng đang ngày càng gia tăng.

Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh rượu bia khá đầy đủ, có 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Nghị quyết, chỉ thị, thông tư. Tuy nhiên công tác này vẫn chưa được quản lý tốt.

Lý giải về vấn đề này, ông Quang cho hay, đã có 85 văn bản liên quan đến hoạt động quản lý rượu, bia trong đó tính đến nay chỉ còn 33 văn bản có hiệu lực. Tuy nhiên, các văn bản này chủ yếu điều chỉnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử phạt rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu bia. Do đó, còn một khoảng trống rất lớn các nội dung chưa được điều chỉnh đặc biệt là các quy định mang tính phòng ngừa tác hại của rượu bia.

Vì vậy, cần thiết phải có một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia, kiểm soát việc cung cấp rượu bia, giảm tác hại của rượu bia…/.

14. Không đạt chỉ tiêu về hàm lượng, thuốc chữa tiêu hóa bị đình chỉ lưu hành

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định đình chỉ thuốc viên nang cứng Neopeptine do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Neopeptine là loại thuốc chữa các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu do rối loạn men, biếng ăn, ăn không tiêu, tiêu hóa kém, bụng trướng hơi, tiêu phân sống.

Cục Quản lý Dược cho biết, thuốc viên nang cứng Neopeptine (Anpha amylase 100mg, Papain 100mg, Simethicone 30mg), SĐK: VN-17152-13, số lô: R17072, NSX: 20/11/2017, HD: 19/11/2019, do công ty Raptokos, Brett & Co., Ltd (India) sản xuất, Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre nhập khẩu bị đình chỉ trên toàn quốc do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hàm lượng Anpha amylase. Mẫu thuốc được lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Ngọc Diệp (quầy 537 tầng 5, Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội).

Cũng liên quan đến đình chỉ lưu hành thuốc, Cục Quản lý Dược cũng đã ra thông báo đình chỉ lưu hành thuốc Nexium 20mg và Nexium 40mg chưa được phép lưu hành. Thuốc này có GPNK 16738/QLD-KD ngày 19/12/2011 và 2765/QLD-KD ngày 27/2/2013 trên các hộp thuốc là thuốc nhập lậu, không được phép lưu hành, mạo danh doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty cổ phần Armephaco, địa chỉ tại 118 Vũ Xuân Thiều, Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội với một số đặc điểm khác với thuốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Thuốc nhập lậu có tên Nexium 20mg, Nexium 40mg, là thuốc nhập khẩu song song có số đăng ký, số giấy phép nhập khẩu là GPNK 16738/QLD-KD ngày 19/12/2011 hoặc 2765/QLD-KD ngày 27/2/2013; hoặc giấy phép khác và mạo danh cơ sở nhập khẩu là Công ty cổ phần Armephaco. Ngôn ngữ trên vỏ hộp và tờ hướng dẫn là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, thuốc Nexium đã được cấp phép lưu hành là Nexium mups 20mg, SĐK: VN-19783-16; Nexium mups 40mg, SĐK: VN-19782-16 do Công ty Phytopharma nhập khẩu và có ngôn ngữ tiếng Việt trên vỏ hộp và tờ hướng dẫn sử dụng.

15. Thu hồi toàn bộ sản phẩm của Công ty mỹ phẩm Hoa Việt

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu thu hồi toàn bộ các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm của Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt.

Căn cứ theo Thông tư 06 của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm và công văn của Sở Y tế Đồng Nai cũng như hồ sơ liên quan, Cục Quản lý Dược đã ra thông báo thu hồi toàn bộ các sản phẩm mỹ phẩm do chi nhánh Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt sản xuất tại địa chỉ 60/18 tổ 28 khu phố 5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) do mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt có trụ sở tại TP.HCM và chi nhánh sản xuất tại Đồng Nai đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm kem dưỡng trắng da, trị mụn, trị nám New White, Victory... Trước đó, năm 2015, hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm của Công ty mỹ phẩm Hoa Việt cũng đã bị thu hồi do có chứa paraben.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai và Sở Y tế TP.HCM phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty mỹ phẩm Hoa Việt cũng như việc thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định, báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

16. Dược sĩ, trình dược viên muốn được hành nghề phải có trình độ cao đẳng trở lên

Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định trình dược viên phải có trình độ Cao đẳng Dược trở lên, và bắt buộc phải đeo thẻ “Người giới thiệu thuốc” do chính cơ sở kinh doanh dược cấp.

Theo thông tư này, để trở thành dược sĩ, trình dược viên tư vấn giới thiệu thuốc, buộc nhân viên dược phải có trình độ cao đẳng chuyên ngành y, dược trở lên và phải được phải được tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn.

Bên cạnh đó, người trình dược viên bắt buộc phải đeo thẻ “Người giới thiệu thuốc” do chính cơ sở kinh doanh dược cấp, đồng thời chỉ thực hiện giới thiệu thuốc khi có sự đồng ý của người hành nghề khám chữa bệnh.

Dược sĩ, trình dược viên muốn được hành nghề phải có trình độ cao đẳng trở lên, khi hành nghề phải đeo thẻ

trình dược viên chỉ được giới thiệu những thuốc được phép lưu hành ở Việt Nam theo đúng danh mục do cơ sở kinh doanh phân công, chỉ được cung cấp những thông tin về thuốc ghi trên nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã đăng ký lưu hành, hoặc nội dung thông tin thuốc được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế xác nhận.

Ngoài ra, trình dược viên cần có trách nhiệm trong việc báo cáo các phản ứng có hại của thuốc, các báo cáo có liên quan đến chất lượng của thuốc trong quá trình giới thiệu thuốc để cơ sở kinh doanh dược kịp thời tổng hợp và báo cáo về cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế.

Cũng trong thông tư này, Bộ Y tế quy định rõ 9 hành vi người giới thiệu thuốc không được thực hiện như sau:

- Thông tin thuốc không đúng với nội dung thông tin thuốc đã đăng ký, xác nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc phát hành các tài liệu thông tin thuốc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.

 -  Giới thiệu thuốc không được cơ sở kinh doanh dược phân công giới thiệu.

Trình dược viên chỉ được giới thiệu.cung cấp những thông tin về thuốc ghi trên nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được đăng ký lưu hành hoặc nội dung thông tin thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế xác nhận. 

 - Sử dụng lợi ích vật chất dưới mọi hình thức để tác động đến thầy thuốc, người dùng thuốc để thúc đẩy việc kê đơn, mua bán, sử dụng thuốc.

- Giới thiệu, cung cấp thông tin thuốc không phù hợp với các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 76 luật Dược.

- So sánh, giới thiệu thuốc của cơ sở mình tốt hơn thuốc của cơ sở khác mà không có tài liệu khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo để chứng minh.

- Giới thiệu sản phẩm không phải là thuốc.

- Có hoạt động liên quan đến việc mua, bán, ký gửi thuốc với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Tiếp cận người bệnh, hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, thảo luận hoặc yêu cầu cung cấp thông tin liên liên quan đến người bệnh.

- Phát hành tài liệu thông tin thuốc không đúng đối tượng đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế xác nhận.

Nếu người trình dược viên không thực hiện đúng trách nhiệm công việc của mình thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần đình chỉ công việc của người này trong phạm vi cơ sở mình.

17. Xử phạt 475 triệu đồng đối với 12 doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, mới đây, Cục đã ra quyết định xử phạt đối với 12 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 475 triệu đồng.

Được biết, trong thời gian từ ngày 24/4/2018 đến 05/6/2018, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 475 triệu đồng.

Các doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm bao gồm: Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Bảo Tâm, CTCP Thọ Xuân Đường, công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hòa Bình, công ty TNHH Ecopath Việt Nam, công ty TNHH UNITED SPOT MEDICAL, CTCP Dược phẩm Quốc tế Á Châu, CTCP phát triển thảo dược Việt Nam, CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội, công ty TNHH Mộc Hoa Đường, công ty TNHH Đầu tư Thương mại STS Việt Nam, CTCP thiết bị vật tư y tế Nam Việt và công ty TNHH thương mại điện tử Lotte Việt nam.

Trong đó, CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội bị phạt số tiền lớn nhất lên tới 100 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zentokid trên website và quảng cáo có nội dung không phù hợp.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Bảo Tâm cũng bị phạt 50 triệu đồng với hành vi sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Truekidz ăn ngủ ngon và công ty TNHH Đầu tư Thương mại STS Việt Nam bị phạt 50 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường vương thượng bổ trên các website gây hiểu lầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Các công ty khác bị phạt từ 25 đến 35 triệu đồng vì các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, quảng cáo không đúng nội dung cấp phép, sản phẩm không đúng như tài liệu đã công bố,...

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các cơ sở tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

18. Mục tiêu đến 2020: Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%

Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đã phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 diễn ra từ ngày 1-30/6.  Hoạt động của tháng cao điểm, nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020”.

Ths. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện đang có xu hướng gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV, do đó, việc kiểm soát, tư vấn và xét nghiệm cho đối tượng này còn khó khăn, dẫn tới công tác phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm trước và trong quá trình mang thai thấp, ở mức 53% khiến cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả tối đa.

Để góp phần khắc phục tình trạng này, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 diễn ra từ ngày 1-30/6. Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.

Đồng thời, các hoạt động trong Tháng hành động hướng tới giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

19. Tình dục đồng giới gia tăng nhiễm HIV

Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới tăng trung bình 2% mỗi năm.Tỷ lệ nhiễm mới cao, tuổi mắc HIV cũng sớm hơn với tuổi trung bình.Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ dùng bao cao su trong nhóm này rất thấp, chưa đến 60%.

Ông Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát, theo dõi, đánh giá, xét nghiệm Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, số người nhiễm HIV mới chung đang giảm dần. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 10.000 ca nhiễm mới so với con số khoảng 30.000 ca mỗi năm vào những năm cao điểm trước đó.

Tuy nhiên, vấn đề HIV gia tăng trong quan hệ tình dục đồng giới nam lại khiến các chuyên gia lo ngại. Giám sát trọng điểm trong nhóm này cho thấy, nếu như năm 2013 tỷ lệ quan hệ đồng giới nam nhiễm HIV chưa đến 4% thì đến nay đã là 12%, cho thấy gia tăng trung bình là 2% mỗi năm.

Theo kết quả ban đầu một nghiên cứu với 800 mẫu của nhóm quan hệ đồng giới nam tại Hà Nội cũng phát hiện khoảng 12% nhiễm HIV.

Trong đó, có đến 37% là nhiễm mới trong vòng 6 tháng, trên 50% người nhiễm là dưới 22 tuổi. Tỉ lệ dùng bao cao su trong nhóm này rất thấp, chưa đến 60%.

Chuyên gia cho biết thêm, tại Việt Nam hiện có khoảng 170.000 người thuộc nhóm đồng giới nam.Việt Nam đã thí điểm điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV trong nhóm này tại Hà Nội và TP HCM.Kết quả bước đầu cho kết quả khá tốt, được đề nghị mở rộng hoạt động này trong tương lai.

Ngoài ra, vấn đề lây truyền HIV mẹ - con cũng được đặc biệt quan tâm, với mục tiêu đến năm 2020 giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%.Trong năm 2017, 90% phụ nữ mang thai và con của họ được điều trị dự phòng lây nhiễm mẹ con bằng ARV. 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chuẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV.

Trong năm 2017, số trẻ đẻ sống sinh ra từ mẹ nhiễm HIV là 1828 trường hợp (trong đó 99% me được dự phòng lây truyền mẹ con từ thuốc ARV). Tuy nhiên, tỉ lệ phụ nữ mang thai sinh con được làm xét nghiệm HIV còn thấp, chiếm 50%. Tỉ lệ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm từ trước và trong mai thai thấp, chỉ đạt 53%.

Cũng đã có gần 2000 trường hợp được điều trị ARV, trong đó trước mang thai là 1166, trong thời kì mang thai là 428, trong chuyển dạ là 365.

Các chuyên gia cho biết, để dự phòng lây truyền HIV mẹ - con, cần điều trị ngay cho thai phụ khi phát hiện nhiễm HIV không phụ thuộc tuổi thai, giai đoạn. Sử dụng xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi và quyết định phác đồ điều trị ARV. Điều trị ARV bằng phác đồ 3 thuốc cho mẹ.

Còn điều trị cho con với thời gian, phác đồ như thế nào phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ và lựa chọn có cho con bú hay không.

20. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân

Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Riêng năm 2018, đã xảy ra 3 sự việc nghiêm trọng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung...

Chiều 8/6/2018, Hội Thầy thuốc trẻ VN đã tổ chức tọa đàm "Bạo hành trong bệnh viện – Vấn nạn và Giải pháp" nhằm đưa ra những ý kiến xoay quanh nguyên nhân của sự gia tăng bạo lực đối với nhân viên y tế thời gian gần đây, từ đó, đưa ra ý kiến về giải pháp trong thời gian tới để gửi cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào thực hiện.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ VN, Giám đốc BV K Trung ương, trong thời gian qua, dư luận cả nước nhất là các cán bộ nhân viên ngành Y tế rất bức xúc trước vấn đề tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là ở một số bệnh viện lớn xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự mà cụ thể là các vụ việc người nhà bệnh nhân hủy hoại tài sản công và hành hung y, bác sĩ.

Trước sự gia tăng vấn nạn bạo hành y tế như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình”, sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị lực lượng công an phối hợp, tăng cường kiểm soát trật tự trong các bệnh viện và bảo đảm an ninh trật tự khu vực xung quanh…

"Dưới góc độ chuyên môn nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy vấn đề không chỉ dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực và những nguyên nhân do rượu bia, ảnh hưởng của chất kích thích ở một số người bệnh, người nhà người bệnh mà ngay chính trong phương pháp làm việc và giao tiếp với bệnh nhân của một số y bác sĩ còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân mà việc tăng cường các biện pháp pháp lý không thể giải quyết triệt để vấn đề"- GS.Thuấn nói.

GS. Thuấn cũng chia sẻ thêm, tại BV K Trung ương, nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân ung thư, mà trong quan niệm của người dân khi đã mắc căn bệnh này là mang "án tử". Rất nhiều người bệnh khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng bệnh thì hoang mang, suy sụp, chính lúc này người bác sĩ cần phải làm biện pháp tâm lý trấn an cho người bệnh, an ủi động viên họ điều trị.

"Chúng tôi luôn lấy người bệnh làm trung tâm, việc nâng cao chất lượng điều trị, chấn chỉnh thái độ phục vụ luôn được quan tâm để đem lại sự hài lòng cho người bệnh"- GS.Thuấn cho hay.

Cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, thực trạng và nguyên nhân của bạo hành y tế đã đề cập đến nhiều lần, nhưng quan trọng là tìm ra giải pháp giải quyết thế nào. Theo PGS. Bình, ở góc độc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ y tế thì cần bổ sung vào luật xem như đây là một rủi ro nghề nghiệp và cán bộ y tế cần phải được bảo vệ như là người thi hành công vụ giống với các lực lượng công an, bộ đội....

Thêm vào đó, cần có hướng dẫn các tổ chức công đoàn về quy trình giải quyết khi xảy ra bạo hành y tế một cách nhanh chóng.Đồng thời, các hội nghề nghiệp cũng cần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này để bảo vệ thầy thuốc. Trong thời gian qua, Hội Thầy thuốc trẻ VN, Tổng hội Y học VN đã phát huy tốt vai trò của mình, phát huy tiếng nói chung trong việc chống bạo hành y tế.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần phải cam kết tạo điều kiện thuận lợi và và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế yên tâm làm việc....

BS. Trần Văn Phúc - BVĐK Xanh Pôn cho rằng, bệnh nhân và người nhà mang nhiều nỗi bức xúc đến bệnh viện nhưng không vì thế mà được phép hành hung bác sĩ. "Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, ngày nào bước chân ra khỏi bệnh viện mà bác sĩ chưa bị đánh thì ngày đó mới được coi là an toàn"- BS. Phúc tâm sự.

Công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu - nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên xảy ra các vụ xô xát, bạo hành y tế, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ, bản thân anh cũng từng là nạn nhân của bạo hành y tế. PGS.Hải cho rằng, tạo môi trường bệnh viện tốt cũng góp phần giảm nạn bạo hành."Chẳng hạn trong ngày hè nóng nực thế này, các BV cần bố trí phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, quạt mát... thì sẽ phần nào đó giảm áp lực, tạo tâm lý thoải mái hơn. Bên cạnh đó, theo tôi, tại khoa cấp cứu cần thiết phải có lực lượng công an đứng gác, túc trực cùng các y bác sĩ để các đối tượng dù muốn hành hung cũng phải dè chừng và khi xảy ra các vụ xô xát thì sẽ có lực lượng công an trấn áp ngay..."- PGS. Hải nói.

21. Đàm phán thương mại dịch vụ trong ASEAN về y tế: Cơ hội và thách thức

Trong khuôn khổ Dự án khu vực “Hỗ trợ sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) trong Khuôn khổ Một thị trường chung ASEAN”, sáng 8/6, Bộ Công thương phối hợp Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức “Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực đàm phán thương mại dịch vụ trong ASEAN về lĩnh vực y tế” nhằm nâng cao kiến thức và các kỹ năng đàm phán thương mại dịch vụ trong lĩnh vực y tế cho các cán bộ y tế.

Mở cửa thị trường y tế

Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) được các nước ASEAN ký kết vào ngày 15/12/1995 tại Bangkok, Thái Lan với mục tiêu: Tăng cường hợp tác các dịch vụ giữa các nước thành viên nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đa dạng hoá năng lực sản xuất, cung cấp và phân phối dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài ASEAN; Loại bỏ các rào cản trong dịch vụ giưã các quốc gia thành viên; Tự do hoá thương mại dịch vụ thông qua tự do hoá theo chiều sâu và mở rộng phạm vi tự do hoá vượt qua các cam kết của các nước thành viên trong GATS với mục tiêu xây dựng một khu vực thương mại tự do trong các dịch vụ.

Tại hội thảo, ông Dương Huy Hoàng – Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong lĩnh vực y tế, MRA về Điều dưỡng đã ký ngày 8/12/2006 tại Cebu, Philippines. MRA về Hành nghề y và MRA về Hành nghề nha khoa được ký ngày 26/2/2009 tại Cha-am, Thái Lan. Đặc điểm chung của cả 3 MRA này là không hướng tới thiết lập một cơ chế đăng ký hành nghề chung ASEAN mà chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác về công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực ngành nghề này, thúc đẩy áp dụng các thực tiễn tốt nhất về các tiêu chuẩn và trình độ, cung cấp cơ hội xây dựng năng lực và đào tạo…

Vì vậy, các cá nhân của một nước ASEAN hoạt động trong 3 lĩnh vực này khi muốn hành nghề tại một nước ASEAN khác thì vẫn phải thực hiện hoàn toàn theo các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên quan của nước ASEAN khác đó.

Mục tiêu gồm: Di chuyển người người hành nghề y trong ASEAN; Trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác công nhận lẫn nhau về hành nghề; Thúc đẩy thông qua công nhận thực tiễn tốt về tiêu chuẩn và trình độ và cung cấp các cơ hội nâng cao năng lực và đào tạo hành nghề y khoa; Nhân tố chính là công nhận và điều kiện người hành nghề y là người nước ngoài

MRA trong lĩnh vực y tế là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách; cải thiện quy trình quản lý cấp phép hành nghề; chuẩn hoá hệ thống đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, tạo động lực cạnh tranh cải thiện năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh chuyên nghiệp và chất lượng.Người dân được hưởng nguồn lợi từ nguồn “chất lượng tốt từ các nước trong khối”. Người lao động nước ngoài có thể được hưởng chăm sóc của người “cùng quê bản xứ” trên đất Việt. Cán bộ y tế Việt Nam có cơ hội làm việc ở các bệnh viện chất lượng và có thu nhập tốt ở trong khu vực.

Xây dựng đàm phán thương mại y tế

Tuy nhiên, theo ông Đào Huy Giám - Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại WTO -Geneva, hiện tại ở Việt Nam, việc đào tạo y tế hầu như chưa đạt so với chuẩn mực quốc tế. Tình trạng bán thuốc không cần kê đơn, biệt được giá “trên trời” vẫn rất phổ biến. Cho thuê bằng cấp mà không trực tiếp quản lý, phạm vi chịu trách nhiện hẹp, an toàn tiêu dùng thấp.… đang là những thách thức của Việt Nam trong việc đàm phán hiệp định khung.

Do đó, để đạt được hiệu quả, tầm nhìn đàm phán thương mại là vài chục năm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả dịch vụ y tế cần sớm xây dựng các quy chuẩn chứng chỉ nghề, vị trí nghề, đào tạo; áp dụng quản lý an toàn tiêu dùng trên cơ sở rủi ro. Cần tránh tính “cạnh tranh sơ khai” giữa các cơ sở dịch vụ y tế thông qua đánh giá nhu cầu kinh tế (một cơ sở tạo được thị trường, nhiều cơ sở mở ngay bên cạnh để trục lợi). Chấn chỉnh ngay từ đạo đức, văn hoá, quy tắc nghề giữa nhà chuyên môn với nhà cung cấp (bác sĩ chỉ định cửa hàng bán thuốc);…

Toàn cầu hoá đã làm tăng nhu cầu ngoại giao y tế, các loại liên minh y tế mới và sự gia tăng hợp tác giữa các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Hiện đang có thêm nhiều quá trình đàm phán dài hạn giữa các quốc gia, các tổ chức mang tính bắt buộc hoặc chưa bắt buộc trong lĩnh vực sức khỏe, ví dụ như kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, phòng chống hút thuốc lá, thiết lập các mục tiêu sức khỏe toàn cầu…

Các cuộc đàm phán y tế đang diễn ra ở các khắp nơi với quy mô, phạm vi và mức độ phức tạp khác nhau và là hoạt động lồng ghép giữa chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia. Và để thực hiện tốt chức năng này, hơn bao giờ hết, các quốc gia cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngoại giao y tế, có đủ năng lực và kỹ năng đàm phán.

Tại hội thảo, một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện và sự tham gia của các chủ thể vào quá trình hội nhập lĩnh vực y tế được các đại biểu nêu lên nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm, nhìn nhận cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình Việt Nam triển khai MRAs; hỗ trợ các cơ sở y tế, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về con đường hội nhập, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức…

22. VNPT triển khai phần mềm VNPT LIS tại Trung tâm Y tế Hương Trà, Thừa Thiên - Huế

Nhằm tạo sự nhanh chóng trong việc trả kết quả xét nghiệm trên phần mềm VNPT HIS, vừa qua Trung tâm Công nghệ Thông tin VNPT Thừa Thiên - Huế triển khai phần mềm VNPT LIS tại Trung tâm Y tế Hương Trà.

VNPT LIS là một phần mềm trung gian kết nối máy xét nghiệm, đọc kết quả các máy xét nghiệm và gửi kết quả về phần mềm VNPT HIS, việc sử dụng phần mềm này đã góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân khi đến khám, chữa bệnh.

Hiện, Trung tâm Y tế Hương Trà đã triển khai LIS (Phần mềm kết nối và quản lý dữ liệu máy xét nghiệm).Theo đó, tất cả các máy xét nghiệm Huyết học, Hóa sinh tự động trả kết quả vào phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (VNPT HIS).Nhờ đó, kết quả được trả lời nhanh chóng, đồng thời tránh được sai sót do nhân viên khoa xét nghiệm có thể nhập nhầm.

Trung tâm Y tế Hương Trà cũng là đơn vị y tế tiên phong sử dụng tích hợp VNPT Invoice, VNPT LIS với VNPT HIS nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tăng độ chính xác trong công tác khám và điều trị bệnh nhưng quan trọng hơn vẫn là đồng bộ được thông tin và dữ liệu của bệnh nhân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Được biết, VNPT-HIS là giải pháp được Tập đoàn VNPT phát triển dành riêng cho lĩnh vực y tế, giúp tin học hóa công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực y tế, kết nối toàn diện các đối tượng trong quá trình khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Trong những năm qua, giải pháp này được đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ công tác quản lý ngành Y tế.

Giải pháp này còn được xem là công cụ hữu hiệu góp phần tiết kiệm chi phí, cũng như đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại hệ thống các cơ sở Y tế khám chữa bệnh.Đến nay, VNPT- HIS đã được triển khai cả 04 cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã. Cụ thể, VNPT-HIS đã được đưa vào ứng dụng và góp phần số hóa công tác khám chữa bệnh cho hơn 6.920 cơ sở Y tế (trong tổng số 13.800 cơ sở Y tế trên cả nước).

Tuy nhiên, đặc thù của các cơ sở Y tế lớn, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương trung bình mỗi ngày phải đón tiếp hàng nghìn bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, cùng với đó đội ngũ Y, bác sỹ và các nhân viên của bệnh viện phải xử lý một khối lượng công việc khá khổng lồ. Mặc dù nhiều bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, nhưng mọi thứ từ quản lý hồ sơ người bệnh, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, quản lý nhân viên, quản lý cơ sở thiết bị Y tế, công tác tài chính kế toán… tất cả đều chưa đồng bộ, thiếu tính chính xác, gây khó khăn cho các cấp quản lý, tiêu tốn thời gian và công sức của người bệnh.

Thực trạng này đòi hỏi một giải pháp toàn trình hơn cho lĩnh vực y tế mà bản thân VNPT-HIS ở giai đoạn đầu cũng chưa đáp ứng được. Đó là lý do thôi thúc đội ngũ kỹ sư của VNPT nghiên cứu, nâng cấp VNPT-HIS phân hệ dành cho bệnh viện lên một giải pháp tổng thể hơn nhằm mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái thông minh cho lĩnh vực y tế.

Được xây dựng theo xu hướng công nghệ 4.0, VNPT- HIS được ứng dụng những công nghệ mới nhất như Internet kết nối vạn vật (IoT), Công nghệ điện toán đám mây (Cloud), Phân tích dữ liệu lớn (Bigdata), Nền tảng di động (Mobility), Thiết bị đeo thông minh (Wearable)… Với kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) và triển khai trên nền tảng công nghệ cloud, VNPT-HIS đảm bảo thời gian triển khai nhanh chóng và đáp ứng số lượng người dùng với dữ liệu lớn..

Bên cạnh đó, dựa trên kiến trúc hệ thống mở, VNPT-HIS cho phép kết nối, tích hợp với các thiết bị và hệ thống khác nhau như máy xét nghiệm, chẩn đoán hình hành, thiết bị y tế cá nhân. Cùng với đó, Phần mềm quản lý bệnh viện này còn liên kết đến các hệ thống quản lý nhà nước cổng bảo hiểm xã hội, cổng dữ liệu Bộ Y tế, Các hệ thống trong nền tảng chính phủ điện tử eGOV.

Giải pháp tổng thể VNPT HIS cho ngành y tế có các phân hệ ứng dụng nổi bật như Quản lý thông tin bệnh viện, Quản lý khoa xét nghiệm, Quản lý khoa chuẩn đoán hình ảnh (HIS/LIS/PACS), Quản lý y tế cơ sở, Cơ sở dữ liệu tập trung, Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, Quản lý tiêm chủng, Quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, Quản lý nhân sự, Quản lý tài chính kế toán (có phiên bản riêng cho đơn vị hành chính sự nghiệp có thu), Quản lý tài sản, Quản lý văn bản điều hành, Cổng thông tin điện tử, Hóa đơn điện tử, Chữ ký số, Tổng đài hỗ trợ, Truyền hình hội nghị...

Giải pháp cung cấp khả năng liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế với nhau, giữa các cơ sở y tế trong 1 tỉnh, và trong cả nước, phù hợp với mô hình nhiều cơ sở y tế liên kết, và bệnh viện vệ tinh. Hệ thống này triển khai tại các IDC đạt tiêu chuẩn quốc tế của VNPT, đội ngũ quản trị vận hành 24/7.

Với những đặc điểm trên, đây được xem là giải pháp toàn trình đầu tiên cho lĩnh vực y tế tại Việt Nam.Nó cho phép quản lý toàn trình, từ Bệnh nhân, Bệnh viện và Bộ Y tế/Bảo hiểm xã hội (3B).

Với những ưu điểm nổi trội về mặt công nghệ và góp phần nâng cao đời sống xã hội VNPT-HIS đã đạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 và mới đây là đạt giải vàng Stevie Award Châu á – Thái Bình Dương năm 2018 cho hạng mục đổi mới xuất sắc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (Award for Excellence in Innovation in Health Care Industries).

23. Công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam

Viện Tế bào gốc (trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) vừa chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc điều trị bệnh thoái hóa khớp và đĩa đệm cột sống. Đây là sản phẩm thuốc tế bào gốc đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu sản xuất.

Thuốc tế bào gốc Cartilatist là sản phẩm chứa tế bào gốc sống, được bảo quản đông lạnh, có thể rã đông và tiêm ngay vào khớp hay đĩa đệm của bệnh nhân.

Bắt đầu từ năm 2012, PGS.TS Phạm Văn Phúc và nhóm nghiên cứu ở Viện bắt đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm Cartilatist, năm 2016 hoàn thiện rồi chuyển sang giai đoạn đánh giá chất lượng.

Vừa qua, Viện đã chuyển giao độc quyền công nghệ này cho bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) trong 10 năm. 

Theo kế hoạch, sản phẩm sẽ được sản xuất quy mô lớn vào năm 2019, đánh giá lâm sàng vào năm 2020-2021.

"Khi sản xuất quy mô lớn, chất lượng sản phẩm ổn định qua các mẻ, điều kiện tiên quyết cho hiệu quả điều trị ổn định, đồng thời giá thành sẽ giảm đáng kể. Nhóm nghiên cứu hi vọng công nghệ này sẽ phù hợp cho số đông bệnh nhân" - TS.Phúc viện trưởng cho biết.

Tùy bệnh, tùy loại tế bào mà cơ chế tế bào gốc tác động lên bệnh rất khác nhau.Song, ưu điểm lớn nhất của việc điều trị tế bào gốc đến nay được ghi nhận là tác dụng không mong muốn thấp hơn các phương pháp truyền thống.

"Thuốc tế bào gốc là thế hệ thứ 3 của sản phẩm tế bào gốc ứng dụng trên người.Hiện nay không nhiều quốc gia làm chủ được công nghệ này.Chỉ có khoảng 10 sản phẩm thuốc tế bào gốc được cấp phép lưu hành, ứng dụng trên người khắp thế giới" - TS.Phúc khẳng định. "Đây là sản phẩm thuốc tế bào gốc đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, phát triển và sản xuất".

Cụ thể, thế hệ 1 là ghép hỗn hợp giàu tế bào gốc mà 90% các cơ sở ghép tế bào gốc ở VN đang sử dụng. Thế hệ 2 là ghép tế bào gốc tinh sạch khoảng 10% các cơ sở còn lại đang làm.Thế hệ 3 là thế hệ tế bào gốc đồng loài, quy mô lớn gọi là thuốc tế bào gốc.Cartilatist là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam.

Viện Tế bào gốc cũng đang hoàn thiện nhiều sản phẩm mới như Modulatist ứng dụng điều trị tự miễn, viêm mạn tính; Vasculatist ứng dụng trong điều trị tắc nghẽn mạch máu; Bonetist ứng dụng điều trị các bệnh lí về xương; Liverist ứng dụng điều trị viêm gan giai đoạn mất bù; Kidist ứng dụng trong điều trị suy thận mạn; dòng sản phẩm mỹ phẩm công nghệ tế bào gốc BabyEver như StemActive, Micropierce do Viện sáng chế.

Trước đó, Viện Tế bào gốc thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về công nghệ điều trị đái tháo đường, kết hợp thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh theo giấy phép của Bộ Y tế.

24. Khách Tây rủ nhau sang Việt Nam… chữa bệnh

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, năm qua TP đón khoảng 30.000- 40.000 lượt khách quốc tế tới khám chữa bệnh, đem lại cho TP doanh thu khoảng 1 tỉ USD.

Tại Bệnh viện (BV) đa khoa Sài Gòn, đối diện chợ Bến Thành (quận 1), nơi du khách thường chọn là điểm dừng chân đầu tiên, BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV, cho biết hằng tháng BV tiếp nhận khoảng 130-140 khách nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Đàn ông Úc qua Việt Nam căng da mặt

Hầu hết du khách đến BV đa khoa Sài Gòn đến từ năm châu lục và gần 40 quốc gia, trong đó Mỹ và Hàn Quốc chiếm tỉ lệ khoảng 10%. BV có đội ngũ thông dịch viên được phân công theo kế hoạch nên khá thuận lợi trong việc tiếp nhận khám chữa bệnh cho người nước ngoài.

“Cách đây không lâu, khoa Nam học BV Bình Dân tiếp nhận một vị khách trung niên người Nhật sang Việt Nam (VN) công tác và bị rối loạn tiêu tiểu, tiểu rát nên đến khám. Khi được thăm khám, ông hỏi bác sĩ có cần phiên dịch tiếng Anh không.Khi biết bác sĩ có thể trao đổi bằng tiếng Anh, ông rất vui. Bệnh nhân đã được tư vấn, xét nghiệm, hướng dẫn cách uống thuốc và ra về rất hài lòng” - TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân, kể một trường hợp thăm khám cho bệnh nhân người nước ngoài. Ngoài cấp cứu tiêu hóa, tiết niệu, nam khoa, tai nạn sinh hoạt, BV cũng thường tiếp nhận khách ngoại quốc chữa rối loạn cương dương, xuất tinh hoặc các trường hợp đã triệt sản nhưng sang VN cưới vợ muốn điều trị để có con lại...

Không chỉ nam khoa, lĩnh vực thẩm mỹ cũng được khách nước ngoài gửi gắm. Trong một tháng qua, khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận hai ca phẫu thuật căng da mặt là người nước ngoài đến từ Úc và Mỹ. Hai vị khách cho biết qua VN thăm người quen và đi du lịch, sẵn kết hợp làm đẹp để vẻ ngoài trẻ hơn so với độ tuổi ngoài 60 của họ. “Hai bệnh nhân đều rất hài lòng và chia sẻ cùng phẫu thuật căng da mặt, ở nước họ có thể ngốn đến 10.000 USD nhưng ở VN chỉ 2.000-3.000 USD là hết cỡ. Hơn nữa, bác sĩ Việt có bàn tay khéo léo, đường may tỉ mẩn” - PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, cho hay. Khi ra về, vị khách người Úc còn vui vẻ chụp ảnh lưu niệm cùng các bác sĩ tại khoa. Theo BS Hùng, năm 2017 tại khoa tiếp nhận điều trị cho 10 ca là khách nước ngoài đến từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc. Họ chọn những dịch vụ như hút mỡ bụng, làm thấp mũi, sửa mũi gồ hoặc một số chấn thương mũi như gãy xương mũi.

Chất lượng xịn, giá rẻ hơn 1/3

Theo BS Hồng Quốc Khanh, Phó Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, lợi thế ngành răng hàm mặt ở VN là bác sĩ rất khéo tay, chuyên môn cao, có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng tất cả nhu cầu điều trị nha khoa.

Mặt khác, giá điều trị ở VN so với các nước ASEAN cũng dao động thấp hơn từ 1/2 hoặc 1/3 đối với các nước Mỹ và châu Âu. “Làm một răng sứ ở VN giá trung bình 100-300 USD nhưng có khi tốn cả ngàn đô khi làm ở châu Âu. Phẫu thuật implant 800-1.000 USD nhưng các nước thấp nhất cũng 2.000-5.000 USD. Không phải người nước ngoài nào cũng có điều kiện. Mặt khác, điều trị thẩm mỹ cũng không được chi trả trong gói bảo hiểm sức khỏe” - BS Khanh cho hay lý do một số người nước ngoài chọn làm răng ở BV.

Quảng bá chủ yếu bằng… truyền miệng

Theo BS Hùng, BV Chợ Rẫy cho biết mặc dù tự tin trình độ phẫu thuật thẩm mỹ ở VN không thua kém các nước trên thế giới, bàn tay bác sĩ khéo léo… nhưng BV vẫn chưa thu hút được lượng khách đa dạng. Đối tượng đến khám và điều trị chủ yếu là được người thân, quen ở VN giới thiệu chứ chưa biết nhiều đến thông tin qua các kênh khác. BS Hùng hy vọng du lịch kết hợp quảng bá y tế nước nhà sẽ là cơ hội cho BV thu hút khách nước ngoài đến điều trị.

BS Vui, BV đa khoa Sài Gòn, cho biết khó khăn của BV là chưa đào tạo được nhiều nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Bổ sung, BS Dũng, BV Bình Dân, nhìn nhận việc tiếp cận những bệnh nhân nước ngoài của các BV còn hạn chế vì bệnh nhân tin tưởng vào các cơ sở khám chữa bệnh có các bác sĩ bắt buộc phải nói được và giao tiếp được bằng tiếng Anh. Đồng thời cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhìn nhận vấn đề trên, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đã bắt tay với Sở Du lịch TP xây dựng các chương trình kết hợp chăm sóc sức khỏe với du lịch cho du khách. Điển hình mới đây, hai sở đã ra mắt “sổ tay du lịch y tế” giới thiệu các điểm điều trị bệnh ở TP bên cạnh du lịch nha khoa.

Sắp tới Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu những mô hình hay để phát triển du lịch y tế của TP, như mở ra các mô hình tầm soát sức khỏe cho du khách và nghiên cứu giá cả phù hợp.

Sở sẽ chọn ra một số lĩnh vực, một số BV sẵn sàng tham gia xây dựng quy trình đáp ứng khách du lịch, chẳng hạn xây dựng tour du lịch tham quan phối hợp tầm soát sức khỏe, khám chữa bệnh trong ngày; nâng cao sức khỏe thì có hoạt động tập dưỡng sinh, châm cứu... Sau khi hợp tác một thời gian, hai sở sẽ sơ kết rút kinh nghiệm và bàn hướng triển khai tiếp theo.

25. Nuôi dưỡng thành công bé sinh non chỉ nặng 500 gr

Ngày 7.6, PGS-TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư, cho biết BV cứu sống, nuôi dưỡng thành công bé gái sơ sinh 26 tuần tuổi, nặng chỉ 500 gr. 

Sau 3 tháng nuôi dưỡng, bé đã đạt gần 2,7 kg, bú tốt, vận động tốt và chuẩn bị xuất viện. Bé gái là con của vợ chồng chị V.T.D ở Hà Nội, sau nhiều năm người mẹ điều trị hiếm muộn. Khi thai ở tuần thứ 26, chị D. có dấu hiệu chuyển dạ và sinh non. Em bé chào đời chỉ nặng 500 gr với hệ thống hô hấp rất yếu ớt và chưa hoàn thiện, phản xạ rất yếu. Phần đùi em bé chỉ nhỏ như ngón tay út của người lớn.

Để chăm sóc sơ sinh đặc biệt, những ngày đầu, các nhân viên y tế sử dụng bơm tiêm điện bơm sữa với liều lượng 1 ml sữa truyền nhỏ giọt trong 3 giờ, mỗi ngày bé ăn 8 ml. Chi phí nuôi dưỡng bé là hơn 200 triệu đồng, được bảo hiểm y tế chi trả.

Trước đó, đầu năm 2018, BV Phụ sản T.Ư cũng nuôi dưỡng thành công 2 bé sinh đôi nặng 500 gr và gần 20 trẻ có cân nặng chỉ 600 - 700 gr. Các bé đều khỏe mạnh và được xuất viện.

Năm 2010, lần đầu tiên BV nuôi dưỡng thành công cháu bé sinh non nhẹ cân nhất ở VN, cũng chỉ nặng 500 gr lúc chào đời. Hiện cháu bé này đã đi học và phát triển bình thường.  

26. Cấp cứu cụ bà 84 tuổi bị hóc hạt sen suýt chết

Ngày 8-6, ông Nguyễn Minh Nghiêm, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết ê kíp can thiệp vừa thực hiện thành công ca nội soi lấy dị vật đường thở hi hữu.

Trước đó, tối 7-6, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Cao Thị G. (84 tuổi, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ), trong tình trạng suy hô hấp có đặt nội khí quản.

Theo người nhà, bệnh nhân bị suy kiệt và không đi lại đã 6 tháng nay. Cùng ngày bà G. đang được đút ăn cháo tổ yến và hạt sen, đột ngột lên cơn ho sặc sụa, khó thở nhiều và khò khè. Sau đó bà G. không trả lời khi được lay gọi, gia đình đưa bà đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại đây ê kíp trực cấp cứu đã khám, xác định bệnh nhân bị dị vật đường thở.Tiến hành nội soi phế quản cấp cứu. Các bác sĩ soi thám sát phát hiện dị vật nằm ở phế quản thùy dưới bên phải, sau đó dùng rọ để bẫy và kéo dị vật ra khỏi phế quản. Sau khoảng 30 phút, dị vật được lấy ra là mảnh hạt sen, kích thước khoảng 0,5 x 0,5 x 1,2 cm.

Theo bác sĩ Hà Tấn Đức, êkíp can thiệp nội soi cấp cứu, sau khi lấy dị vật, tình trạng hô hấp của bệnh nhân đã cải thiện. Hiện tại, bệnh nhân tiếp xúc được, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Dị vật đường thở rất thường gặp ở trẻ em và người già, đặt biệt các trường hợp người già bệnh mạn tính nằm lâu ngày… Vì vậy, khi cho ăn nên tán nhuyễn thức ăn, để tư thế ngồi hoặc nằm đầu kê cao, không nên cho ăn tư thế nằm ngang, đầu thấp rất dễ rơi thức ăn vào đường thở gây nghẹt thở rất nguy hiểm, bác sĩ Đức khuyến cáo.

27. VN xét nghiệm HIV qua nước bọt

Để biết một người có dương tính với HIV hay không, phương pháp truyền thống cho đến nay là xét nghiệm máu. Nhưng hiện nay VN đã xét nghiệm HIV qua nước bọt.

Mức giá cho mỗi test xét nghiệm đến cảng VN chỉ 2 USD, đây là mức giá rất rẻ, bằng 1/10 giá đang bán trên các trang web mua bán trực tuyến quốc tế.

Biết HIV qua nước bọt

Theo ông Vũ Hải Sơn - Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), lần đầu tiên Bộ Y tế đang triển khai 80.000 test xét nghiệm HIV qua nước bọt, các test này đã có mặt ở Hà Nội, TP.HCM, sắp tới sẽ có ở Thái Nguyên, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu...

"Xét nghiệm HIV qua nước bọt có độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 99%, tức là không có trường hợp nào âm tính mà xét nghiệm lại cho kết quả dương tính. Chỉ có điều khi xét nghiệm các trường hợp HIV đã điều trị ARV nhiều năm thì kết quả có thể không chính xác, còn các trường hợp khác là chính xác.Tuy nhiên đây chỉ là xét nghiệm chỉ điểm, muốn khẳng định nhiễm HIV hay không phải đến phòng xét nghiệm và làm xét nghiệm máu" - ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, hiện các trang web bán hàng trực tuyến đang bán loại test này giá 20 USD chưa tính tiền vận chuyển về VN, nhưng phía VN đã đàm phán được với nhà sản xuất ở Mỹ để mua test này về đóng gói tại VN với giá 2 USD/test (giá nhập khẩu đến cảng VN).

"Mức giá này rẻ hơn so với giá ở Mỹ, là mức giá có hỗ trợ và người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thêm một phương pháp xét nghiệm mới, nhanh, bí mật, trước khi đến cơ sở xét nghiệm" - ông Sơn nói.

Nhiều người trẻ nhiễm HIV

Tại cuộc họp báo ngày 7-6, Cục Phòng chống HIV/AIDS cảnh báo đang gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

"Tỉ lệ nhiễm HIV chung ở nhóm này là 12%, một khảo sát gần đây thực hiện tại Hà Nội cũng cho thấy tỉ lệ này là 12%, trong đó có 37% là mới nhiễm trong vòng 6 tháng và trên 50% người nhiễm HIV trong nhóm là dưới 22 tuổi, lứa tuổi còn rất trẻ" - ông Sơn cho biết.

Khi tỉ lệ người nhiễm trong nhóm MSM cao thì nguy cơ lây nhiễm sẽ gia tăng, ông Sơn cũng khuyến cáo việc quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn quan hệ tình dục thông thường. Điều nguy hiểm hơn nữa là tỉ lệ sử dụng bao cao su trong nhóm MSM lại thấp hơn tỉ lệ chung, nên nguy cơ sẽ càng cao.

Một khảo sát gần đây cho thấy nhóm MSM chiếm 0,7% nhóm 15-49 tuổi, tương đương khoảng 170.000 người. Việc can thiệp phòng chống HIV trong nhóm này sẽ tháo gỡ được nguy cơ gia tăng HIV trở lại.

Mỗi năm có 200 trẻ nhiễm HIV từ mẹ

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, mỗi năm có khoảng 200 trẻ nhiễm HIV từ mẹ được sinh ra, so với thông thường các năm trước, ông Hoàng Đình Cảnh - phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - cho rằng số này đã giảm.

"Trước đây mỗi năm có tới 500-600 bé nhiễm HIV từ mẹ, nhưng nếu dự phòng được sớm hơn chúng tôi mong số 200 bé hiện nay giảm còn 60 bé và giảm hơn nữa càng tốt.

Tuy nhiên nhiều bà mẹ đến tận lúc chuyển dạ mới biết mình nhiễm HIV và khi sinh không phối hợp uống thuốc dự phòng cho con, do mẹ ngại bị kỳ thị, di chuyển con đi xa nên việc dự phòng và điều trị cho những trường hợp đó đã giảm hiệu quả".

28. Đoàn bác sĩ Hoa Kỳ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em dị tật miền Trung – Tây Nguyên

Từ ngày 4/6, Đoàn Resurge International (Hoa Kỳ) phối hợp Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em dị tật ở miền Trung - Tây Nguyên tại Bệnh viện Trung ương Huế, TP Huế.

Gần 150 trường hợp trẻ em bị tật hở vòm miệng như sứt môi, hở hàm ếch, sụp mí mắt bẩm sinh, sẹo co rút do di chứng bỏng, dị tật bàn tay... đã được các bác sĩ, chuyên gia Hoa Kỳ và BV Trung ương Huế trực tiếp thăm khám, nếu đủ tiêu chuẩn và đáp ứng được điều kiện sức khỏe sẽ được tiến hành phẫu thuật.

Đây là lần thứ 7 đoàn Resurge International phối hợp với BV Trung ương Huế tổ chức chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ.Chương trình kéo dài cho đến hết ngày 17/6.

Đoàn bác sĩ Hoa Kỳ phẫu thuật tạo hình miễn phí cho trẻ em dị tật miền Trung – Tây Nguyên

Theo TS.BS.Lê Thừa Trung Hậu, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình & Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Huế trong vòng 2 tuần phẫu thuật, Bệnh viện sẽ miễn phí về các chi phí phẫu thuật và các phương tiện cho bệnh nhân. Đối với một số trường hợp trẻ em dị tật có hoàn cảnh khó khăn, Bệnh viện sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí lưu viện điều trị giúp gia đình đỡ gánh nặng kinh tế.

Được biết, bệnh nhân đến khắp các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến tận Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận. Đoàn bác sĩ Hoa Kỳ là các chuyên gia trong các chuyên khoa về phẫu thuật tạo hình ở các bệnh viện có tiếng tại Mỹ. Dự kiến đoàn sẽ đến lại Huế trong năm tới.  

29. Hà Tĩnh: Cảm phục anh thợ hồ hơn 20 lần hiến máu cứu người

 “Mình hiến máu cứu người không vì mục đích gì cả mà nó xuất phát từ cái tâm thôi. Mỗi lần đi hiến máu mình không hề có đắn đo, cứ nghĩ việc mình làm sẽ giúp được nhiều người là trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái rồi.”

Đó là chia sẻ bộc bạch của anh Nguyễn Đức Dương (SN 1975, trú thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Mặc dù công việc hàng ngày vất vả, bộn bề với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, nhưng gần 9 năm qua, anh đã 21 lần tham gia hiến máu tình nguyện cứu người.

Chia sẻ về câu chuyện “bén duyên” với hoạt động hiến máu, anh Dương cho biết, năm 2009, trong một lần nghe loa phát thanh xã vận động người dân đi hiến máu, anh đã một mình lên UBND huyện tham gia hiến máu lần đầu tiên. Lúc ấy, kết quả xét nghiệm cho biết anh có nhóm máu AB, có thể cho máu để cứu người nên anh vui lắm, cái cảm giác đó đối với anh không sao quên được.

Ngày ngày đi phụ hồ, hoặc ai thuê gì làm nấy; vợ cũng không có việc làm, 2 con nhỏ đang trong độ tuổi đi học cùng người mẹ già nên cuộc sống gia đình anh Dương hết sức vất vả. Thế nhưng, hễ có người bệnh cần hiến máu là anh lại sẵn sàng tình nguyện tham gia.

“Ngoài việc hiến máu ở các đợt phát động, thì khi có bệnh nhân nghèo mổ tim, thận hoặc cần máu điều trị bệnh hiểm nghèo, tôi luôn sẵn sàng. Có những năm tôi hiến đến 3 lần như năm 2014 và năm 2017” - anh Dương nói.

Có người cho rằng anh "gàn dở", đi phụ hồ kiếm từng đồng đóng học cho con mà lại cho máu không lấy tiền; nhưng với anh, hiến máu cứu người là hành động cao cả, nhân văn. Minh chứng cho điều đó, kể từ lần hiến máu đầu tiên, đến nay anh Dương đã có “bảng thành tích” với 18 lần hiến máu tại Bệnh viện đa huyện Lộc Hà và 3 lần hiến máu trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.

Ngoài việc tự mình đi hiến máu, anh Dương còn vận động được rất nhiều thanh niên ở địa phương cùng tham gia.Đến nay, anh đã thành lập nhóm và vận động được gần 100 lượt hiến máu.

Nhận xét về anh phụ hồ có tấm lòng cao cả này, anh Đào Khắc Qúy – Bí thư Huyện đoàn Lộc Hà nói: "Với sức khỏe tốt và sự nhiệt tình, nhiều năm qua, anh Dương đã tích cực hiến máu cứu người, giúp nhiều bệnh nhân nghèo vượt qua cơn nguy kịch. Anh Dương là tấm gương điển hình về hoạt động hiến máu của địa phương".

Với những thành tích 21 lần hiến máu tình nguyện anh Dương đã nhận rất nhiều Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh trong công tác hiến máu tình nguyện.

30. Cứu sống bệnh nhân tim ngừng đập

BS Nguyễn Lương Quang, phụ trách ê-kíp can thiệp tim mạch khoa Nội tim mạch - BVĐK Quảng Nam, cho biết: 14 giờ 30 ngày 4-6, khoa Cấp cứu BV tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Cẩm (78 tuổi, trú xã Bình Triều, H. Thăng Bình, Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu, huyết áp không đo được. Qua chẩn đoán xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có biến chứng ngưng tuần hoàn hô hấp nặng. Các bác sĩ đã hồi sức tim phổi tại chỗ, can thiệp đặt stent động mạch vành. Hơn 30 phút áp dụng các phương pháp, bệnh nhân có thể tự thở được, huyết áp dần ổn định, nhịp tim phục hồi trở lại bình thường và được các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Hiện, sau những ngày điều trị, bệnh nhân đã dần hồi phục, có thể nói chuyện, tự ăn uống, tự phục vụ nhu cầu cá nhân và sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Theo bác sĩ Quang, BVĐK Quảng Nam có một ê-kíp "Báo động đỏ" để xử trí các trường hợp cấp cứu tim mạch, cấp cứu tiêu hóa, ngoại khoa…, phải có mặt ngay khi có bệnh cần cấp cứu, bỏ qua một số thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian vì mục đích cứu sống bệnh nhân một cách nhanh nhất.

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

31. Costa Rica mở chiến dịch tiêm chủng lớn

Ngày 11-6, Costa Rica bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hàng năm phòng chống các loại virus cúm với chi phí lên tới 7,5 triệu USD. 

Quỹ An sinh xã hội Costa Rica (CCSS) cho biết cơ quan phụ trách tiêm chủng của Costa Rica đã mua khoảng 1,3 triệu liều vaccine chất lượng cao phòng chống nhiều chủng loại cúm như cúm A (H1N1 và H3N2) và cúm B (Yamagata và Victoria). Nước này ưu tiên  tiêm chủng cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim, người có vấn đề về hô hấp và phụ nữ mang thai. 

32. World Cup có thể khiến bệnh sởi lây lan khắp châu Âu

Các chuyên gia đang lo ngại World Cup 2018 ở Nga có thể khiến bệnh sởi lây lan khắp châu Âu. Nhiều cổ động viên đến từ các nước đang có dịch sởi. Chỉ cần 1, 2 ngưởi ủ bệnh là có thể lây cho mọi người.

Bệnh sởi thường lây lan qua hơi thở hoặc khi người bệnh ho, hắt hơi. Vì vậy, sởi lây nhiễm cao và có thể gây tử vong. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu Âu đang xuất hiện dịch sởi, theo CNN.

Ý, Đức, Hy Lạp, Pháp, Romania, Anh và cả Nga, nước chủ nhà World Cup 2018, đều đang có dịch sởi. Tại Anh, từ đầu năm 2018 đến nay đã có khoảng 1.200 trường hợp mắc sởi. Trong khi đó, Nga đã ghi nhận được 800 trường hợp.

Trong những năm gần đây, nhiều căn bệnh vốn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng đã bắt đầu tái xuất hiện thành các ổ dịch ở châu Âu, trong đó có sởi. Nguyên nhân là việc tiêm vắc xin phòng ngừa những căn bệnh này không còn được mọi người chú trọng như trước, theo ông Robb Butler, giám đốc chương trình phòng bệnh bằng vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở châu Âu.

Năm 2017, đã có hơn 20.000 người tại châu lục này bị nhiễm vi rút sởi, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Ukraine và Romania. Tại Romania, hơn 5.000 người đã bị nhiễm sởi trong năm qua, theo CNN.

“Lúc này, bệnh sởi đang xuất hiện ở Liên bang Nga”, ông Butler khẳng định.Ông khuyến cáo mọi người, kể cả người lớn và trẻ em, cần phải tiêm phòng vắc xin sởi trước khi đến Nga xem World Cup 2018.Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 14.6 đến 15.7.

Điều này thực sự rất quan trọng khi nhiều người từ các nước đang bùng phát dịch sởi quy mô lớn như Đức, Brazil cũng sẽ đến Nga. Các triệu chứng của sởi gồm sổ mũi, sốt cao, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, tiêu chảy, phát ban với các chấm nhỏ màu đỏ đường kính khoảng 1 mm. Ban đầu xuất hiện trên mặt sau đó lan khắp cơ thể. Sởi có thể gây mù, viêm não, thậm chí là tử vong, theo WHO.  

33. FDA vừa thông báo có 12 ca tử vong có liên quan đến phương pháp giảm cân bằng bóng khí

Có rất nhiều cách để giảm cân như việc nạp ít calo hơn như trong 1 bài trước đây mình có nói, hay là detox, rồi cả những biện pháp cực đoan như tuyệt thực, uống thuốc không rõ nguồn gốc. Có 1 phương pháp giảm cân gần đây được ưa chuộng đó là đặt bóng khí vào dạ dày để lấp đầy, giúp người sử dụng sẽ ăn ít hơn, qua đó giảm cân gần như kiểu tự nhiên. Tuy nhiên gần đây đã có những trường hợp tử vong liên quan đến cái weight loss balloon này, và FDA đang phải điều tra và đã đưa ra cảnh báo đến lần thứ 3 về việc sử dụng thiết bị này. Đã có thêm 5 ca tử vong có liên quan đến quả bóng này, đưa tổng số người thiệt mạng lên đến con số 12, từ khi sản phẩm được chấp thuận để sử dụng đại trà vào năm 2015. Hai sản phẩm có liên quan ở đây có tên là ReShape, sản xuất bởi ReShape Lifesciences, và Orbera, sản xuất bởi Apollo Endosurgery. Vào cuối tháng 5 FDA đã đưa ra yêu cầu thay đổi về mẫu mã bao bì sản phẩm ghi rõ thêm các nguy cơ liên quan đến việc đặt bóng khí vào cơ thể, song song với đó là tiếp tục làm việc với 2 công ty để tìm ra nguyên nhân tại sao chúng lại gây ra các biến chứng ở những ca tử vong nói trên. Trong số 12 ca tử vong có 4 ca có nguyên nhân là bị thủng dạ dày, hiện tượng này xảy ra trong khoảng từ ngày 1 đến 3,5 tuần sau khi đặt bóng khí, với các ca còn lại nguyên nhân vẫn đang được điều tra.

Đó là cảnh báo của FDA, còn về phía 2 công ty có liên quan họ cũng đưa ra thông cáo đang tích cực hợp tác để tìm nguyên nhân, với Orbera họ còn đưa dẫn chứng có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện sức khỏe kém như béo phì hay huyết áp cao vẫn lắp đặt thành công sản phẩm này. Hiện tại theo ước tính Orbera đã bán gần 300,000 sản phẩm trên toàn cầu, và tỉ lệ tử vong của họ đưa ra là ít hơn .01%.

Với ReShape họ đã bánh hơn 5000 sản phẩm từ khi cho ra mắt và nguyên nhân tử vong gần nhất là do thủng dạ dày nhưng thực tế bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công. Lý do tử vong của bệnh nhân này là do cục máu đông ở phổi sau khi phẫu thuật dạ dày.

Mặc dù đây là phương pháp lành nhất trong các dạng có liên quan đến thủ thuật, bởi sau khi đặt vào và bơm khí, bệnh nhân chỉ cần tuân thủ các chế độ ăn kiêng cũng như tập luyện, sau khoảng 6 tháng bóng khí sẽ được tháo ra. Việc này an toàn hơn nhiều so với các thủ thuật cắt bớt dạ dày hay những phương pháp giảm cân chưa được kiểm chứng khác. Tuy nhiên do tỷ lệ tử vong bắt đầu có dấu hiệu gia tăng chắc chắn sẽ làm dấy nên nỗi lo về tiêu chuẩn của sản phẩm cũng như cách xử lý các vấn đề như thế nào cho hợp lý.

34. Mỹ ban bố cảnh báo sức khỏe mới với các công dân nước này tại Trung Quốc

Ngày 8/6, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã ban hành cảnh báo sức khỏe mới tới các công dân của nước này.

Ngày 8/6, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã ban hành cảnh báo sức khỏe mới tới các công dân của nước này sau khi có thêm các nhân viên chính phủ Mỹ phải rời khỏi Trung Quốc vì lo ngại các vấn đề bất thường về sức khỏe. 

Trong cảnh báo mới, Đại sứ quán Mỹ yêu cầu các nhân viên chính phủ nước này đang làm việc tại Trung Quốc cũng như các thành viên trong gia đình của họ phải liên hệ với cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế nếu cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu hoặc sự việc bất thường nào, hoặc những hiện tượng lạ về khả năng thẩm âm và cảm giác cũng như những vấn đề sức khỏe khác. Những dấu hiệu cần được chú ý gồm hoa mắt, đau đầu, ù tai, mệt mỏi, các vấn đề về nhận thức, thị lực, thính lực hay khó ngủ. Đây là cảnh báo sức khỏe mới nhất và cũng là cảnh báo thứ hai trong vòng hai tuần qua mà Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đưa ra. 

Trước đó, ngày 6/6, truyền thông Mỹ đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã đưa về nước thêm nhiều nhà ngoại giao tại Trung Quốc sau khi những người này gặp vấn đề sức khỏe. Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert (Hi-thơ Nau-ớt) nêu rõ sau khi xác nhận một nhân viên Chính phủ Mỹ tại thành phố Quảng Châu (Guangzhou), miền Nam Trung Quốc, "gặp sự cố y tế", bộ trên đã cử một đội chuyên gia tới kiểm tra các nhân viên cùng người nhà tại Lãnh sự quán tại Quảng Châu. Sau kết quả kiểm tra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển thêm một số cá nhân về nước để tiến hành đánh giá toàn diện hơn các triệu chứng.Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết công tác kiểm tra y tế tại Quảng Châu hiện vẫn đang được tiến hành. Hãng tin AFP dẫn một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết triệu chứng của các nhân viên này tương tự như trường hợp các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba hồi năm ngoái, mà Washington cáo buộc là do "tấn công sóng âm". 

Các vụ việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang rơi vào thời kỳ căng thẳng và đứng trước nguy cơ vướng vào một cuộc chiến thương mại. Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa đưa ra cáo buộc cụ thể với một quốc gia hay tổ chức nào. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 7/6, cho biết cuộc điều tra do phía này thực hiện đối với trường hợp đầu tiện hiện vẫn chưa cho thấy bất kỳ bằng chứng hay nguyên nhân cụ thể nào, còn với những trường hợp mới thì phía Mỹ chưa liên hệ trực tiếp với phía Trung Quốc./. ​


Thăm dò ý kiến