Điểm tin y tế ngày 27/6/2017

28/06/2017 | 00:48 AM

 | 

I.THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Số trẻ bị bệnh viêm não Nhật Bản có xu hướng tăng: ngày 26/6, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 6, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này. Trong khi những bệnh nhân nhập viện do biến chứng của viêm não Nhật Bản vẫn đang được theo dõi và điều trị thì ngày 28-6, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương lại tiếp nhận thêm 2 bệnh nhi nghi ngờ mắc bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, cho biết các bác sĩ vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm để khẳng định chính xác song những dấu hiệu tại thời điểm nhập viện cho thấy nhiều khả năng bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản. Theo bác sĩ Lâm, một trong số những bệnh nhân nặng nhất đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm là cháu Đ.K.L, 7 tuổi, ở Nghệ An. Đã qua 2 tuần điều trị nhưng đến nay, L. vẫn bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi và phải thở máy. May mắn hơn, sau gần 3 tuần được điều trị tích cực, sức khỏe bé N.Đ.Q (4 tuổi, ở Bắc Ninh) đang dần hồi phục. Theo người nhà bệnh nhi, trước khi nhập viện 3 ngày, cháu Q. bị sốt cao hơn 40 độ C, gia đình cho dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. Sau đó 2 ngày, bệnh nhi trở nên li bì, co giật nhiều. Khi được chuyển đến BV Nhi trung ương, cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Bác sĩ Lâm cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Truyền nhiễm BV Nhi trung ương đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là VNNB. Tại BV Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Thành Nam, phụ trách Khoa Nhi, cho hay số trẻ nhập viện được xác định VNNB cũng có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây. Hiện nay, một bé trai 13 tuổi bệnh rất nặng phải thở máy dù đã qua hơn 3 tuần điều trị. Theo bác sĩ Nam, đây là bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương nên gần 30% bệnh nhân tử vong hoặc bị di chứng tàn tật. Số còn lại bị ảnh hưởng đến nhận thức dù mức độ nặng nhẹ khác nhau. Mặc dù phần lớn số trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, nhưng vẫn còn một số trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ số mũi. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ chết và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25 đến 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các ca bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện quanh năm, tập trung cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9; lây truyền qua đường máu do vi-rút viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè, hoạt động mạnh vào lúc chập tối là trung gian chủ yếu truyền bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin; đồng thời ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt; vệ sinh môi trường (tích cực diệt muỗi, bọ gậy).

2. Chuyên gia y tế cảnh báo viêm não Nhật Bản dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác: PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. "Vì viêm não Nhật Bản gia tăng vào mùa hè, lại trùng với mùa vải nên nhiều người vẫn lầm tưởng ăn vải là nguyên nhân gây bệnh nhưng thực tế không phải vậy. Sở dĩ viêm não Nhật Bản hay gặp vào mùa vải là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim và dơi hoang dã mang theo mầm bệnh, từ đó lây sang đàn heo, gia súc gần người rồi lây sang người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi" - PGS Phu giải thích. Ở Việt Nam, loại muỗi gây bệnh VNNB sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, đặc biệt xuất hiện nhiều ở vùng trồng lúa như các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, người dân cần cảnh giác để phòng bệnh. Ông Phu cũng cho biết nhiều phụ huynh vẫn nhầm tưởng viêm não Nhật Bản và viêm não là một nhưng thực tế, viêm não do nhiều loại virus gây nên. Virus viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những tác nhân gây bệnh viêm não và chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp mắc bệnh viêm não virus. "Do có nhiều tác nhân gây bệnh nên việc phòng chống viêm não virus phức tạp hơn rất nhiều so với viêm não Nhật Bản " - ông Phu khẳng định. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, thống kê cho thấy 60% số trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% bị di chứng và khoảng 10% có thể tử vong. Đến nay, viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp điều trị tối ưu. Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản đã có vắc-xin phòng bệnh nên cách tốt nhất là tiêm chủng và diệt muỗi. Lý giải về việc trẻ tiêm phòng rồi vẫn có thể mắc viêm não Nhật Bản, ông Phu cho rằng một số trường hợp mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ số mũi. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết viêm não Nhật Bản thường khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Trong thời kỳ này, bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1-2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. "Do viêm não cấp xuất hiện rất nhanh, dấu hiệu ban đầu là sốt cao lại rất giống với nhiều bệnh lý thông thường như: cảm, sốt, đau đầu… nên cha mẹ không biết hoặc chủ quan. Nhiều bệnh nhi được dùng thuốc ở nhà, đến khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm não mới đưa tới BV thì bệnh đã nặng. Khi đó, bệnh nhi đã bị rối loạn tri giác, tính mạng bị đe dọa" - bác sĩ Nam lưu ý.

3. Nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long: Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2017, mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng trong thời điểm hiện tại, bệnh SXH gia tăng tại một số tỉnh, thành, nhất là các tỉnh, thành ĐBSCL. Tại TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau…, bệnh SXH đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp là địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất ĐBSCL (hơn 1.000 ca), trong đó có 72 ca nặng và có 2 ca tử vong tại huyện Tháp Mười và huyện Hồng Ngự. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, bệnh SXH bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 và tăng mạnh nhất vào tháng 10. Các địa phương có số ca mắc SXH nhiều là TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Thanh Bình. Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Ân Hận, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trung bình mỗi tuần toàn tỉnh có khoảng 50 ca mắc SXH. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh, chỉ khi có ca mắc SXH xảy ra gần khu vực sinh sống thì người dân mới lo sợ và phòng bệnh. Ngoài ra, một số người bệnh thường chủ quan, đến cơ sở y tế điều trị trễ nên dẫn đến trường hợp bệnh trở nặng”. Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ, cho biết đến thời điểm hiện tại, Cần Thơ ghi nhận gần 600 trường hợp mắc bệnh SXH. Trong gần 6 tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận và điều trị 853 ca bệnh SXH nội trú đến từ Cần Thơ và các tỉnh lân cận; tiếp nhận và điều trị ngoại trú khoảng 2.600 ca bệnh liên quan đến SXH (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016) cho các bệnh nhi đến từ các tỉnh trong vùng. Số ca mắc bệnh SXH mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi, chiếm tỷ lệ gần 84%. Tại tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay đã phát hiện hơn 700 ca mắc SXH, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao do bước vào mùa mưa. Ở 9/9 huyện, TP, thị xã trong tỉnh đều có ca nhiễm bệnh SXH; trong đó có 1 ca tử vong ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Ngành y tế tỉnh Bến Tre dự báo bệnh SXH có nguy cơ tăng cao trong thời gian sắp tới. Tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, trong những ngày này trẻ nhập viện do bệnh SXH và bệnh từ tuyến dưới chuyển lên ngày càng nhiều và tăng cao so với những tháng trước. Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã tiếp nhận điều trị nội trú 379 ca bệnh SXH, trong đó tháng 5-2017, số ca bệnh tăng ở mức 148%, còn tháng 6-2017, tăng đột biến trên 405% (so với cùng kỳ năm 2016). Có mặt tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc Nhi (Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau), chúng tôi thấy có khá nhiều trẻ bị bệnh SXH đang điều trị tại đây. Nhiều trẻ bị nặng, trong tình trạng hôn mê. Bác sĩ Trần Thiên Lý (Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc nhi) cho biết: “Khoảng 2 tuần trở lại đây số ca mắc bệnh SXH nặng chuyển từ tuyến dưới lên khoa ngày càng nhiều. Điều này cho thấy diễn biến bệnh SXH không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng cả số ca bệnh nặng”

4. Ngành Y tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực phòng chống sốt xuất huyết: Theo các chuyên gia, virus SXH đã lưu hành ở nhiều tuýp, nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí mắc bệnh lần sau nặng hơn lần trước. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn hiện nay có sự hiện diện của cả 3 tuýp virus Dengue gây bệnh và ưu thế tuýp D1 chiếm tỷ lệ 83,7%. Các chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng lây truyền bệnh vẫn ở mức cao. Các nghiên cứu về mối liên quan giữa SXH và biến đổi khí hậu cũng đã chứng minh sự gia tăng nhiệt độ, ẩm độ có liên quan đến sự gia tăng của muỗi, lăng quăng truyền bệnh SXH. Điều này cho thấy bệnh SXH có nhiều khả năng bùng phát dịch không theo quy luật và khó dự báo chính xác. Từ đầu năm đến nay, ngành y tế các tỉnh, thành trong vùng đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, vận động diệt lăng quăng, truyền thông phòng ngừa SXH nhưng bệnh vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, UBND TP và Sở Y tế Cần Thơ đã triển khai nhiều công văn chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai phòng, chống SXH trên địa bàn 9/9 quận, huyện. Tại Đồng Tháp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 vào tháng 6 và đợt 3 vào tháng 8. Tăng cường giám sát chặt chẽ số ca bệnh, giám sát mật độ côn trùng, lăng quăng, giám sát virus gây bệnh để dự báo sớm; đồng thời xử lý triệt để đối với những ổ dịch tránh lây lan rộng; phun xịt hóa chất trên diện rộng để diệt muỗi. Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng cùng các địa phương trong tỉnh đã tích cực giám sát chặt chẽ từng ca bệnh, tổ chức diệt lăng quăng, chủ động xử lý những nơi có mật độ côn trùng tăng cao, hoặc có 1 - 2 ca bệnh. Bên cạnh đó, Sóc Trăng duy trì chế độ báo cáo hàng ngày, giám sát xử lý chặt chẽ ổ dịch phát sinh tại địa phương sớm và triệt để. Tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống dịch cho các đội cơ động tuyến huyện, xã. Lực lượng tham gia chiến dịch từ tỉnh đến cơ sở đã đến từng gia đình vùng có dịch, vùng nguy cơ xảy ra dịch tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống dịch… Trước tình hình dịch bệnh SXH có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế khuyến cáo, để tích cực phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước; thay nước bình hoa; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hố nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng...

5. Không còn khái niệm “sữa tiệt trùng”: Sau hơn 2 năm, Bộ Y tế đã thống nhất thay đổi khai niệm "sữa tiệt trùng". Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết sẽ ký ban hành Quy chuẩn mới trong tuần tới. Cuối tuần qua, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp về sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng. Khái niệm "sữa tiệt trùng" được các bên thống nhất bãi bỏ, thay thế bằng khái niệm "sữa hoàn nguyên" và "sữa hỗn hợp". Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường chủ trì cuộc họp sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) với sự tham gia của Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, một số bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất sữa vào chiều 23/6. Sau một thời gian dài tranh luận trước và trong cuộc họp, việc bãi bỏ khái niệm “sữa tiệt trùng” để thay bằng hai khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” được đại đa số các doanh nghiệp và Hiệp hội sữa Việt Nam thống nhất. Hơn 2 năm qua, khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi, ảnh hưởng đến quyền được minh bạch thông tin, thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp nuôi bò, sản xuất sữa chịu sự bất bình đẳng trong kinh doanh, tốn chi phí quảng bá không cần thiết để khẳng định "sữa tươi" khác "sữa tiệt trùng". Ngành chăn nuôi bò sữa trong nước vì thế cũng bị tác động tiêu cực. Sau khi sự bất cấp này được dư luận, các chuyên gia phản ánh, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội vào cuộc giám sát và kết luận cần sửa đổi. Đoàn giám sát của Quốc hội về An toàn thực phẩm cũng nêu vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm chính, Bộ Y tế đã lấy ý kiến để sửa đổi nội dung này từ tháng 6/2015, sau khi sự việc được nêu ra. Tại các cuộc hội thảo do Bộ này tổ chức, bất cập này được phản ánh và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (cơ quan tham mưu trực tiếp) thừa nhận tên gọi sữa tiệt trùng gây nhầm lần cho người tiêu dùng. Trước khi cuộc họp diễn ra, một số doanh nghiệp và Hiệp hội Sữa cho rằng việc sửa đổi sẽ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh vì tốn chi phí sửa đổi nhãn mác. Thứ trưởng Y tế đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo nhưng đề nghị này bị Văn phòng Chính phủ trả lại vì công việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Thứ trưởng Trương Quốc Cường thống nhất chủ trương sửa đổi tên sản phẩm sữa đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế. Ông Cường cho biết trong tuần tới sẽ ký ban hành Quy chuẩn mới và quy định thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc chuyển đổi.

6. Báo động tình trạng gia tăng số ca viêm não Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh: Tính đến ngày 26 tháng 6, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đang có 6 bé đang phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản. Đây đều là những ca rất nặng. Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, từ nay đến tháng 10 sẽ là mùa của muỗi đồng, cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản. Sáu trẻ hiện đang rất nặng tại Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản. Trong đó có 2 ca đã kéo dài gần 1 năm qua. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho 2 bệnh nhi mắc chứng bệnh này. Theo các bác sĩ, hàng năm vào khoảng tháng 5, tháng 6 đến đầu tháng 10 là mùa mưa, cũng là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh phát sinh nhiều ở khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bệnh lây qua vật trung gian là một loại muỗi dân gian hay gọi là "muỗi ruộng". Muỗi đốt heo, chim rồi mang mầm bệnh truyền sang người, do đó ở vùng nông thôn vừa làm ruộng vừa có nuôi heo là nơi bệnh dễ gặp nhất. Viêm não Nhật Bản có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng và đã được nghiên cứu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau 3 mũi đầu tiên, bệnh nhân có thể tiêm nhắc lại sau 3 năm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo về sự nguy hiểm của bệnh này: Có em thì lệ thuộc máy móc, phải thở máy kéo dài, cuối cùng thì viêm phổi tử vong. Có em thì sống đời sống thực vật, cuối cùng thì cũng bị bội nhiễm phổi và tử vong. Có em thì chậm phát triển về trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng rất kém. Thậm chí có em bị động kinh hoặc yếu liệt chi. Đây là thời điểm viêm não Nhật Bản bắt đầu vào mùa và kéo dài cho đến hết tháng 10, bệnh nhân chủ yếu đến từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa;rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn,hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao cóthể lên đến 10% - 20%. Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do vi rút. Bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiềuloại vi rút gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh vàtử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứngliên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồnnôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rốiloạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em lànhững người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.

7. Nhiều trẻ bị di chứng nặng nề do viêm não Nhật Bản: Chiều 26/6, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây, gia tăng nhiều trường hợp bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng và để lại nhiều di chứng nặng nề. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận 176 ca viêm não trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong tháng Sáu, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này. Hiện nay, tại khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Không may mắn, cả hai bệnh nhi này đều phải gánh chịu một trong những di chứng nặng nề của bệnh. Một bé trai 4 tuổi, ở Bắc Ninh, nhập viện ngày 5/6. Theo lời người nhà của bệnh nhi, trước đó 3 ngày, cháu bé xuất hiện sốt cao 40 độ C. Gia đình đã cho con dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. Hai ngày sau, bé trở nên li bì, co giật nhiều và sau đó được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán bé mắc viêm não Nhật Bản. Đến nay, sau 17 ngày được điều trị bằng thở oxy, dùng thuốc chống phù não, bé đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng có di chứng vận động. Người nhà cho biết, cháu bé chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh này. Trường hợp khác là một bé trai 7 tuổi, ở Nghệ An, được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 12/6, khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ 10. Theo lời người nhà, sáng 2/6, bé đột ngột sốt cao 39-40 độ C. Gia đình cho bé uống thuốc hạ sốt thì thấy nhiệt độ có hạ. Hai ngày sau đó, bé liên tục kêu đau đầu, đau hốc mắt, có biểu hiện sợ ánh sáng. Gia đình đưa bé vào Bệnh viện tỉnh Nghệ An và được các bác sỹ thông báo cháu mắc viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi sau đó được tiến hành điều trị kháng sinh, chống phù não nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển. Sau ba ngày, bé xuất hiện hôn mê, thở ức chế. Hai ngày sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nặng: phải đặt nội khí quản và liệt vận động toàn thân. Đến nay, đã qua 14 ngày được các bác sỹ tích cực can thiệp bằng thở máy, thuốc chống viêm, chống phù, tình trạng của bé có cải thiện hơn nhưng cháu đã xuất hiện những di chứng nặng như liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi. Dù đã mở được mắt song bé vẫn phải phụ thuộc vào máy thở.

8. Bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm ở Việt Nam: Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắcxin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Theo bác sỹ Lâm, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa Hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Trong thời kỳ này, bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn. Để phòng bệnh, bác sỹ Lâm khuyến cáo việc tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản; Tiêm 2 lần cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại. Ngoài sốt xuất huyết và Zika, căn bệnh viêm não Nhật Bản cũng có vật trung gian là muỗi và rất cần đề phòng trong mùa mưa. Tính đến sáng 26-6, tại Khoa Nhiễm – thần kinh, BV Nhi Đồng 1 có  6 bé đang phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, hàng năm vào khoảng tháng 5-tháng 6 đến đầu tháng 10 là "mùa" của bệnh viêm não Nhật Bản. Có những thời điểm một vài bệnh nhi phải nằm tạm ở khoa Cấp cứu vì khoa Nhiễm – thần kinh không còn giường hồi sức nào trống. Tuy số ca mắc không nhiều (số liệu thống kê từ đầu năm đến ngày 22-6 là 25 ca), nhưng đây là căn bệnh rất nặng và điều trị rất khó khăn. "Khoảng 60% bệnh nhi sẽ khỏi bệnh và hồi phục hoàn toàn, 30% có di chứng và dưới 10% tử vong. Mỗi trẻ phải điều trị ít nhất 10 ngày, có khi kéo dài cả tháng. Những trẻ không may bị di chứng có khi phải lệ thuộc máy thở cả năm trời" – bác sĩ Khanh cho biết. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, căn bệnh này chiếm 50% trên tổng số các ca viêm não, gặp nhiều nhất ở trẻ trên 5 tuổi. Ở khu vực miền Nam, bệnh gặp nhiều ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bệnh lây qua vật trung gian là một loại muỗi dân gian hay gọi là "muỗi ruộng". Muỗi đốt heo, chim rồi mang mầm bệnh truyền sang người, do đó ở vùng nông thôn có nuôi heo là nơi bệnh dễ gặp nhất. Đó cũng là lý do thời điểm này – mùa mưa, mùa muỗi hoành hành – cũng là mùa của viêm não Nhật Bản.

9. Di chứng nguy hiểm sau viêm não Nhật Bản: Từ những đứa trẻ khôi ngô, khỏe mạnh bình thường, do nhầm lẫn với các bệnh khác các bé bj mắc viêm não Nhật Bản đã trở thành phế nhân, lệ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của thiết bị y tế. Khi được hỏi về tình trạng bệnh và sức khỏe của con, chị Lê Thị Bé Nh. (ngụ tại Long An) nghẹn ngào gạt nước mắt. Sự đau khổ của chị và gia đình đã kéo dài gần 1 năm nay chỉ vì căn bệnh viêm não Nhật Bản. Đầu tháng 8/2016, bé Lê Ngọc T. (12 tuổi - con trai chị Bé Nh.) có biểu hiện bị sốt cao, đau đầu, nôn ói... uống thuốc nhưng tình trạng bệnh không giảm. Nhập viện địa phương điều trị, được ít ngày bác sĩ phải chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM vì diễn tiến ngày càng nặng với biểu hiện co giật, hôn mê. Tại đây, qua thăm khám, xét nghiệm dịch não tủy, bác sĩ xác định bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản rất nặng. Bé Ngọc T. đã phải điều trị tích cực, hỗ trợ thở máy. Tuy nhiên, sau gần 1 năm nằm viện, hy vọng ngày con trở về với gia đình của cha mẹ bệnh nhi đang xa dần bởi tình trạng bệnh không cải thiện, sự sống của cháu phải lệ thuộc hoàn toàn vào máy móc, thiết bị y tế hỗ trợ. Từ đầu tháng 6/2017, bệnh viêm não Nhật Bản đang diễn tiến theo chiều hướng nguy hiểm khiến 25 ca phải nhập viện điều trị. “Hầu hết số trẻ mắc bệnh đều nặng mê sâu, phải thở máy. Số bệnh nặng quá nhiều, khoa Nhiễm của bệnh viện không đủ trang thiết bị đáp ứng nên có thời điểm phải “gửi” bệnh tại khoa Cấp cứu. Đáng chú ý hơn, đa số bệnh nhân viêm não Nhật Bản được chuyển đến từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Một trường hợp tương tự là bé Thái Ngọc Q. (10 tuổi) cũng đang phải lay lắt bấu víu sự sống vào máy móc. Chị Trần Thị Yến Ng. (mẹ bệnh nhi) gạt nước mắt nghẹn ngào: “Thằng bé đang khỏe mạnh bình thường thì bất ngờ đổ bệnh. Tôi đưa con đến bệnh viện địa phương khám, ban đầu bác sĩ bảo bé chỉ bị nhiễm siêu vi, cho nhập viện theo dõi. Nhưng nhiều ngày sau, bệnh của con càng trở nặng”. Phần vì muốn điều trị để bé chóng hết bệnh để về đi học, phần vì lo lắng nên gia đình quyết định chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, trẻ tiếp tục sốt cao, lên cơn co giật, hôn mê. “Bác sĩ tư vấn, báo cho tôi là thằng bé bị viêm não Nhật Bản. Tôi chẳng biết căn bệnh này là gì nên chưa chích ngừa cho con. Tưởng thằng bé chỉ nằm viện vài tuần sẽ khỏi, ai ngờ từ tháng 10/2016 đến nay, con tôi vẫn chưa tỉnh lại, chân tay thì ngày càng teo tóp, trong khi kinh tế gia đình đã khánh kiệt”. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, 2 ca trên là những trường hợp điển hình của những di chứng nặng nề do viêm não Nhật Bản để lại. Nỗ lực điều trị đã giữ được sự sống cho các bé, tuy nhiên sau gần 1 năm điều trị bệnh nhi không thể phục hồi. Hiện cả 2 đã rơi vào tình trạng bại não, không cai được máy.

10. Phần lớn bệnh nhân viêm não Nhật Bản nặng lừ ở khu vực nông thôn: Sáng 26/6, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, từ đầu năm đến nay có 25 ca viêm não Nhật Bản nặng nhập viện. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 6 đến nay đã có 6 ca nặng đang phải thở máy. Tuy chưa có ca tử vong nhưng so với cùng kỳ năm trước, viêm não Nhật Bản có dấu hiệu gia tăng mạnh. Phần lớn bệnh nhân đến từ nông thôn, ở khu vực trồng lúa hoặc chăn nuôi heo. BS Khanh cho biết, việc tăng này dễ hiểu vì theo cơ chế virus viêm não Nhật Bản lây qua muỗi và côn trùng ở vùng trống lúa nước và chăn nuôi heo (lợn). Đa phần bệnh nhân ở lứa 5-7 tuổi. Khảo sát các bậc phụ huynh đều không nhớ lịch chích ngừa của trẻ. Nhiều trường hợp có chích ngừa 2 mũi đầu, mũi thứ 3, do cách một năm nên hầu hết đã quên tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện tại, viêm não Nhật Bản có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng và đã được nghiên cứu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, việc tiêm chủng không giúp miễn dịch suốt đời. Sau 3 mũi đầu tiên, bệnh nhân có thể chích nhắc lại mỗi 3 năm. Tuy nhiên đến trên 15 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh này hầu như không còn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các bậc phụ huynh nên cho con chích ngừa căn bệnh này, vì nếu đã bị thì sẽ bị rất nặng, hậu quả nặng ề. Ông cũng cảnh báo: "Nhiều người chích xong hai mũi đầu nhưng lại quên mất mũi thứ 3, chích sau 1 năm. Như vậy thì hiệu quả phòng bệnh của vắc xin không đạt được". Ngoài ra, vì đây là căn bệnh lây truyền qua muỗi nên các biện pháp diệt muỗi, ngủ mùng… rất cần được chú ý. Trong mùa mưa này, việc diệt muỗi, chống muỗi còn có tác dụng phòng nhiều căn bệnh khác, không riêng viêm não Nhật Bản. Viêm não Nhật Bản là căn bệnh khó chẩn đoán, hầu như chỉ có thể chẩn đoán sau khi trẻ đã có biểu hiện co giật, hôn mê. Vì thế, để đề phòng căn bệnh này cũng như nhiều bệnh nhiễm siêu vi khác, trẻ cần được đưa vào viện khám nếu có các biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói, nhức đầu… Nếu đã có dấu hiệu rối loạn tri giác (co giật, hôn mê…) thì phải đưa đi cấp cứu. Viêm não Nhật Bản thường phải điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh/thành vì cần đến máy thở. Viêm não Nhật Bản là bệnh phụ thuộc vào cơ địa. Cùng bị muỗi mang mầm bệnh chích, chỉ có 1/200 người bị diễn tiến thành viêm não Nhật Bản, số còn lại chỉ phải trải qua một đợt sốt siêu vi.

11. Để không rơi vào tình trạng nghèo hóa vì bệnh tật, người dân cần tham gia Bảo hiểm y tế: Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), nếu không tham gia BHYT, với các ca bệnh cấp tính, hiểm nghèo, tai nạn… người bệnh có thể khiến gia đình sa sút, bần cùng, rơi vào cảnh nợ nần. Theo Thông tư 02 của Bộ Y tế, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện (BV). Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá trong thông tư này, mặc dù mức điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng số 20 - 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ có thể lên tới cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao. Ví dụ như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng... Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện, giá dịch vụ y tế sẽ còn tiếp tục tăng theo lộ trình. Song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào các BV. Hiện nay, BHYT đã chi trả từ 100%, 95% và 80% viện phí cho người bệnh tham gia BHYT. Như vậy, nếu giá viện phí tăng 20-30% thì người bệnh vẫn được BHYT chi trả phần lớn, sự tác động cũng không nhiều. Giá viện phí tính đúng, tính đủ cũng giúp người bệnh không phải mua thêm vật tư y tế, thuốc điều trị như khi giá viện phí quá thấp. Cách tốt nhất để người bệnh không bị tác động khi giá viện phí tăng, bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình chính là tham gia BHYT. Dù Luật BHYT quy định, người dân bắt buộc phải tham gia BHYT. Nhưng cho đến nay, Nhà nước, các cơ quan ban ngành đều chưa có chế tài gì để phạt người không tham gia BHYT. Tất nhiên, việc tăng giá chắc chắn có tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của BHYT. Nhưng đây không phải là biện pháp quan trọng nhất để thúc đẩy người dân tham gia BHYT. Cách tốt nhất vẫn là cung cấp cho người dân dịch vụ y tế tốt hơn, gia tăng danh mục kỹ thuật và thuốc mà người dân được hưởng, thay đổi thái độ phục vụ, giảm chi tiền túi của người dân… Khi thấy được lợi ích của “cứu mạng”, “cứu gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó” thì người dân sẽ vui vẻ tham gia BHYT.

12. Hơn 79% người dân thành phố Hồ Chí Minh đã có thẻ Bảo hiểm y tế: Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết, đến nay TPHCM có gần 6.567.000 người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo thống kê, dân số TPHCM thuộc diện tham gia BHYT là 8.290.000 người; như vậy TP mới đạt 79,2% số dân có thẻ BHYT, còn thiếu 1,5% so với chỉ tiêu Thủ tướng giao cho TPHCM năm 2017 (80,7%). Để đạt được độ bao phủ về thẻ BHYT, từ nay đến cuối năm 2017, TP cần có thêm 123.358 người dân tham gia BHYT. Về những người chưa có thẻ BHYT, ông Cao Văn Sang cho biết gồm khoảng 220.000 người lao động có hợp đồng lao động trên 3 tháng nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội; 230.000 học sinh, sinh viên và đặc biệt là gần 1,3 triệu người dân ở các hộ gia đình. Trước tình hình tăng viện phí, một số thủ thuật, phẫu thuật điều chỉnh tăng giá 20% - 30% so với mức giá hiện hành, trong đó có những dịch vụ có chi phí rất cao (lên tới 20 triệu đồng), ông Cao Văn Sang khuyến cáo người dân nên mua BHYT. Người bệnh có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán một phần theo quy định, sẽ bớt đi gánh nặng chi phí điều trị, nhất là với các dịch vụ đắt đỏ như chụp PET/CT, có thể được thanh toán 80%. Thời gian qua, rất nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo được quỹ BHYT thanh toán hàng trăm triệu đồng/trường hợp. Tính đến cuối tháng 4.2017, cả nước có 76,27 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số. Hiện có gần 18% dân số (hơn 17 triệu người) chưa tham gia BHYT. Các đối tượng này phần lớn là những đối tượng tham gia theo hộ gia đình, sau đó là người cận nghèo, lao động tự do, lao động làng nghề, nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình, học sinh – sinh viên và một số lao động ở các doanh nghiệp nhỏ, chưa được chủ lao động đóng BHYT. Vì thế, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đề ra từng biện pháp cụ thể để thúc đẩy các đối tượng này tham gia BHYT. Cụ thể, với tăng cường kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp còn trốn đóng BHYT, BHXH cho người lao động để yêu cầu họ thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện nhóm cận nghèo đang được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng và 30% còn lại nhiều tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ từ 10%, 20% đến đủ cả 30%. Chỉ còn 10 tỉnh là chưa hỗ trợ chút nào. Do đó, để tăng cường cho người cận nghèo tham gia BHYT, BHXH cũng yêu cầu tỉnh hỗ trợ nhóm đối tượng này. Còn đối với nhóm học sinh-sinh viên và nông, ngư, diêm dân có mức sống trung bình hiện đang được hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT thì thời gian tới BHXH cũng yêu cầu Chính phủ nâng mức hỗ trợ lên 50% mệnh giá thẻ BHYT. Đối với nhóm hộ gia đình, BHXH cũng sẽ tăng cường tuyên truyền. Nhiều người trong số họ có kinh tế không có khăn, tuy nhiên vẫn chủ quan với sức khoẻ và trước đây viện phí thấp nên họ vẫn có khả năng chi trả. Nhưng nếu viện phí tăng cao, họ không tham gia BHYT mà ốm đau, bệnh trọng, cả gia đình sẽ khốn đốn về kinh tế.

13. Ung thư gan cướp đi mạng sống của 22.000 người Việt mỗi năm: Tại hội nghị khoa học chuyên đề u gan được diễn ra tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa qua, BS Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy, cho biết ung thư gan là loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV). Theo thống kê mới nhất của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 22.000 ca tử vong do ung thư gan, là con số cao hơn rất nhiều số lượng người mới phát hiện mắc bệnh (trung bình 13.409 ca/năm). Điều này cho thấy một thực trạng đáng báo động về việc phòng ngừa, tầm soát và quản lý u gan nói riêng và ung thư nói chung trong cộng đồng. Tuy là một bệnh nguy hiểm và có diễn biến phức tạp, tỉ lệ tử vong cao  nhưng u gan lại nằm trong nhóm những bệnh ung thư có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu phát hiện sớm. TS-BS Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho hay hiện Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng rất ít nơi có thể quản lý được bệnh u gan một cách toàn diện. Trong khi theo thống kê ở khoa U Gan của BV Chợ Rẫy - nơi có số ca tiếp nhận và điều trị ung thư gan nhiều nhất Việt Nam, 90% bệnh nhân u gan có tiền sử bị viêm gan siêu vi B và/hoặc siêu vi C. Do vậy, việc tập trung bệnh nhân về một đơn vị có năng lực khám toàn diện và quản lý những bệnh nhân đó là rất quan trọng. Ung thư gan uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng của con người, khi phát hiện ra bệnh thì cần được điều trị kịp thời. Bệnh viện ung bướu Hiện đại Quảng Châu có đội ngũ chuyên gia đa khoa, 12 kĩ thuật điều trị vết thương nhỏ đều có những chuyên gia ưu tú, tập hợp được trí tuệ của họ giúp bệnh nhân chẩn đoán và điều trị. Mà những kĩ thuật như điều trị xâm nhập cục bộ, Dao đông lạnh, điều trị cấy hạt phóng xạ, liệu pháp miễn dịch sinh học là những phương pháp quan trọng trong điều trị ung thư gan, kết hợp các kĩ thuật điều trị vết thương nhỏ này để đưa ra phương pháp điều trị cá thể hoá dựa vào thể chất và bệnh tình của từng bệnh nhân ung thư gan, xoá bỏ được những hạn chế của kĩ thuật điều trị đơn nhất. Ngày 24/6, Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa thành lập Đơn vị u gan dựa trên cơ sở liên kết nhiều phòng-khoa chuyên môn, cùng sự hợp tác chuyên môn liên viện và học tập theo mô hình của BV Chợ Rẫy. Đây là bước tiến để BV này trở thành đơn vị tiên phong về chất lượng điều trị lẫn dịch vụ y tế, giúp bệnh nhân quản lý và điều trị bệnh u gan hiệu quả ngay từ đầu. Tại Đơn vị u gan, bệnh nhân sẽ được khép kín một quy trình từ phòng ngừa, tầm soát đến chẩn đoán và điều trị ung thư gan hay còn được gọi là “hành trình quản lý bệnh ung thư gan. Đây là kết quả của sự liên kết nhiều chuyên khoa khác nhau bao gồm khoa nội khám về gan mật, khoa tiêu hóa, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm, khoa ngoại phẫu thuật gan.

14. Năng lực của bệnh viện quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh không ngừng được nâng lên: “BV quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa cứu sống bệnh nhân LHM (44 tuổi, ở TP.HCM) ngưng tim, ngưng thở do bị huyết khối”. Sáng 26/6, bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cung cấp thông tin trên. Trước đó, bệnh nhân M. được người nhà đưa vào BV quận Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội. Các BS đã nhanh chóng thăm khám, đặt máy monitor theo dõi và đo điện tim cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ sau năm phút nhập viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở, mạch không bắt được, có nguy cơ tử vong. Ngay lập tức, các BS tiến hành hồi sinh tim phổi và liên tiếp shock điện năm lần. Khoảng 15 phút sau, mạch bệnh nhân đã có trở lại. Nhận định bệnh nhân M. bị nhồi máu cơ tim, các BS chuyển ngay bệnh nhân tới phòng thông tim can thiệp, tiến hành chụp mạch vành và phát hiện nhánh liên thất trước (mạch máu bên trái nuôi mặt trước trái tim) bị huyết khối gây tắc hoàn toàn. Các BS đã đặt một stent phủ thuốc tại vị trí mạch máu bị tắc, giải quyết được biến chứng ngưng tim, ngưng thở của bệnh nhân. Hiện tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Hiện nay, bệnh viện quận Thủ Đức đã khẳng định được năng lực khám chữa bệnh đúng với tầm vóc của bệnh viện cửa ngõ tuyến thành phố trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cụm y tế (Hóc môn, Bình chánh, Quận 7, Thủ Đức). Bệnh viện quận Thủ Đức phục vụ khám chữa bệnh cho cho người dân địa bàn quận Thủ Đức và tỉnh lân cận, tránh quá tải cho nhiều bệnh viện tuyến trên. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thề cán bộ viên chức của đơn vị nên chỉ trong vòng 8 năm từ 50 giường bệnh năm 2007 đã lên đến 800 giường thực hiện trên 3500 lượt bệnh nhân ngoại trú/ ngày, bình quân tiếp nhân khoảng 150 trường hợp cấp cứu/ ngày, với đội ngũ nhân sự bệnh viện khoảng hơn 1200 người trong đó trình độ chuyên môn đại học và sau đại học là 357 người với 9 phòng và 32 khoa tương đương như một bệnh viện đầu ngành. Bệnh viện xây dựng các chuyên khoa kỹ thuật cao với đầy đủ các chuyên khoa Nội, Nhi, Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh – cột sống, Ung bướu, Niệu, Da liễu, Tai – mũi – họng, Giải phẫu thẩm mỹ, Mắt, Răng hàm mặt – nha thẩm mỹ kỹ thuật cao, Sản, Y học cổ truyền và vât lý trị liệu - phục hồi chức năng, Khoa dinh dưỡng. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghệm, tay nghề cao cùng với phương tiện kỹ thuật hiện đại như CT Scan, máy mổ nội soi, máy kỹ thuật số, máy xét nghiệm huyết học - sinh hóa miễn dịch - Vi sinh tự động hoàn toàn đã đã thu hút các chuyên gia, các Giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành và đội ngũ bác sĩ có trình độ sau đại học ngày càng đông với tinh thần tận tâm đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của Bệnh viện tất cả đều hướng tới đáp ứng mục đích khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhằm tận dụng thật tốt “ thời gian vàng” trong điều trị, nâng cao khả năng sống cho người bệnh.

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NGOÀI NƯỚC

15. Tìm được nguyên nhân khiến tế bào ung thư di căn: Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Boston, Mỹ cho thấy, tế bào ung thư di căn là do tình trạng chật chội của tế bào trong khối u ung thư (lực kết dính giữa các tế bào ung thư càng chặt thì khi khối u vỡ ra, tế bào lan càng nhanh). Ung thư hiện nay đã trở thành vấn đề toàn cầu khi theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới cứ 1/6 bệnh nhân ung thư là tử vong . 90% trong số này bị chết do tế bào ung thư di căn. Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins đã tìm cách ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư. Theo họ, chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư là phải hiểu được điều gì khiến tế bào di căn. Họ tạo ra một môi trường không gian 3 chiều, mô phỏng mô người và nhận thấy: “Ở mức độ cơ bản, chúng tôi thấy rằng mật độ tế bào rất quan trọng trong việc kích hoạt cơ chế di căn. Nó giống như việc bạn đang ngồi chờ bàn trống trong một quán đông nghẹt khách và nhận được tin nhắn rằng bạn có thể ăn ngon ở một chỗ khác” - người đứng đầu công trình nghiên cứu này, Hasini Jayatilaka cho hay. Bên cạnh tế bào, họ còn xác định được 2 loại protein là Interleukin 6 và Interleukin 8 là những thủ phạm giúp tế bào ung thư lan nhanh. “Việc tìm ra được nguyên nhân khiến quá trình di căn ở bệnh nhân ung thư trở nên nhanh chóng sẽ giúp chúng tôi tạo ra được một liệu pháp duy nhất, tác động trực tiếp vào khối u di căn, chứ không phải tác động vào quá trình phát triển của khối u nguyên phát. Phương pháp điều trị này có khả năng ngăn chặn được quá trình di căn, từ đó nâng cao được hiệu quả chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư” – ông Denis Wirtz – đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho hay. Giáo sư Muhammad Zaman thuộc Đại học Boston cho rằng kết quả nghiên cứu này khá “lý thú”. “Nghiên cứu này đưa ra một mục đích cụ thể cho quá trình chế tạo thuốc chống lại bệnh ung thư. Hướng đi này khá có triển vọng nếu đứng trên quan điểm chế tạo thuốc và đưa ra liệu pháp chữa trị”. Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu, chỉ một loại thuốc và một liệu pháp sẽ không có hiệu quả trong việc chữa trị bệnh ung thư. Muốn chữa được bệnh ung thư, phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc hoặc kết hợp nhiều biện pháp chữa bệnh để tấn công quá trình di căn đồng thời tránh được hệ thống miễn dịch của cơ thể.​ 


Thăm dò ý kiến