Điểm tin y tế ngày 22/4/2018
23/04/2018 | 01:53 AM



1. Thái độ của nhân viên y tế không phải là nguyên nhân của tình trạng bạo hành bác sỹ: Ngày 19/4, PGS-TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Xanh pôn cho biết, 23 giờ ngày 13.4, khoa phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được bố đưa vào. Bác sĩ Vũ Hồng Chiến tư vấn cho bệnh nhân về cách điều trị và chi phí khám bệnh thì bố của bệnh nhi lao vào đánh bác sĩ Chiến tới tấp. Khi bị đánh, bác sĩ Chiến đang giải thích cho bố bệnh nhân về thương tổn và chi phí tài chính khi điều trị. Đây là quá trình cần thiết, bắt buộc đối với bất cứ ca bệnh nào khi nhập viện và chấp nhận sự điều trị của bác sĩ, để gia đình lựa chọn cách điều trị cũng như biết về các rủi ro, tai biến có thể xảy ra. "Với thương tổn vùng hàm mặt, ngoài sơ cấp cứu chảy máu bắt buộc phải xử lý khâu cầm máu hoặc đưa lên phòng mổ (nếu nguy hiểm đến tính mạng).Với thương tổn không phải mất máu nhiều, gây sốc, bác sĩ sẽ phải đánh giá để đảm bảo xử lý vết thương tốt nhất.Trường hợp như vậy bác sĩ phẫu thuật tạo hình sẽ đánh giá, khâu vết thương để đảm bảo tính thẩm mỹ” – PGS Dũng nói. Theo PGS Dũng, vết thương của bệnh nhi tại thời điểm đó không được đánh giá là nặng. Việc khâu, khám cấp cứu sẽ ưu tiên những ca bệnh nặng chứ không phải ai đến trước khám trước mà căn cứ vào tình hình bệnh, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Hiện toàn bộ băng hình, thông tin vụ việc đã được bàn giao cho bên công an điều tra. PGS Dũng chia sẻ, hiện bác sĩ Vũ Hồng Chiến vẫn còn rất hoảng loạn, BV tạm thời cho bác sĩ Chiến nghỉ việc để ổn định tâm lý, sức khỏe. Vụ việc bác sĩ BV Xanh pôn bị đánh chỉ là một trong hàng loạt các vụ hành hung bác sĩ xảy ra thời gian gần đây. Trước đó, đêm 8.4, khoa Nhi - BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng sốt cao. Trong lúc đang thăm khám cho bệnh nhân thì một người đàn ông tự nhận là bố đứa trẻ lao vào đấm bác sĩ Nguyễn Đình Phi. Thấy vậy, thực tập sinh Trần Nhật Giáp chạy đến can ngăn nhưng bị người đàn ông này đánh bất tỉnh. Chiều 31/3, nữ bệnh nhân L.T.H.T (35 tuổi, trú tại sông Cầu, Bắc Kạn) vào BV Đa khoa Bắc Kạn và được chẩn đoán, thăm khám đầy đủ quy trình. Các bác sĩ đang tiến hành các bước cần thiết để lên phác đồ điều trị, sau đó bệnh nhân kêu đau và tê tay. Người chồng của bệnh nhân này đã tức tốc gọi các bác sĩ, điều dưỡng viên của ca trực và to tiếng lăng mạ, đánh một nữ bác sĩ và một điều dưỡng của ca trực. Ngày 21/2, đối tượng Lê Xuân Duẩn đến BV Đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An) tiêm phòng uốn ván (vì trước đó bị tai nạn, bác sĩ cho điều trị ngoại trú), nhưng do thủ tục chưa đủ nên chị Lăng Thị Hiền là cán bộ BV chưa nhập được vào máy tính. Cho rằng chị Hiền bắt mình phải đi lòng vòng nên Duẩn chửi mắng và dùng chân đá vào người, đầu chị Hiền khiến chị bị thương phải nhập viện, trong khi chị Hiền đang mang thai. Để toàn tâm toàn ý cứu người, trước tiên bác sĩ phải được an toàn, được thanh thản để chuyên tâm vào công việc. Khi yếu tố an toàn không còn được đảm bảo, bác sĩ phải tìm cách đảm bảo an toàn cho bản thân mình, rồi mới có thể tìm cách cứu bệnh nhân. Do đó, nếu tình trạng hành hung bác sĩ còn tiếp tục tiếp diễn và gia tăng thì sợ là nhân viên y tế sẽ phát sinh tâm lý vì an toàn cá nhân mà né tránh những ca bệnh khó, cần có sự mạo hiểm, có thể phải đối mặt với kiện cáo. Như vậy bệnh nhân sẽ thiệt thòi”. Ngày 20/2, một đối tượng có vợ sinh nở tại BV Sản Nhi Yên Bái, sau khi bị nhắc nhở vì trèo lên vị trí không cho phép để quay phim, đã rủ 15 đối tượng khác đến hành hung các bác sĩ vừa mổ đẻ thành công cho vợ anh ta. Một bác sĩ đã phải khâu 20 mũi trên đầu. Trong tất cả những trường hợp trên, bác sỹ đang tận tình cứu chữa bệnh nhân nhưng vẫn bị người nhà bệnh nhân hành hung.
2. Cần công an phối hợp để bảo đan an ninh bệnh viện: trước hàng loạt vụ hành hung bác sĩ trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn các ban ngành, đặc biệt là ngành công an, chính quyền địa phương các cấp cần vào cuộc một các quyết liệt để đồng hành, hỗ trợ ngành y tế và cán bộ y tế không để các bác sĩ đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của chính bản thân mình và yên tâm chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Theo Bộ trưởng: “Cách tốt nhất là phải có lực lượng công an đi tuần tra, kiểm soát, cắm chốt ngay tại trong BV, tại những điểm nóng như phòng cấp cứu thì mới có biện pháp hiệu quả”. Đồng thời, BV cũng cần phối hợp với công an, lắp đặt hệ thống camera quan sát tại các điểm nóng như khu khám bệnh, phòng cấp cứu để có bằng chứng mỗi khi xảy ra xô xát. Bộ trưởng cũng cho rằng các đối tượng hành hung bác sĩ phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, hiện nay, các vụ hành hung bác sĩ vẫn bị xử lý quá nhẹ. Mới chỉ có 1 đối tượng bị tù giam 2 năm, 1 người tù giam 9 tháng, còn lại đều tạm giam và sau đó xử lý hành chính như tội “Gây rối trật tự công cộng”, với số tiền không đáng là bao. “Hành vi đánh, đe dọa bác sĩ gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người bệnh. Người hành hung công an, gây rối trên máy bay được cho là gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của nhiều người, bị tù, bị phạt tiền nặng, cấm bay, tại sao đánh bác sĩ lại chỉ bị phạt hành chính?” – TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) chất vấn. Về việc cần phải “lập chốt” công an thường xuyên tuần tra, tăng cường lực lượng bảo vệ tại các điểm nóng của BV, một bác sĩ cho rằng, điều này cũng sẽ khó hạn chế được nạn hành hung bác sĩ nếu như người dân còn có thái độ không đúng về bác sĩ. Theo thống kê, nếu như từ 2010-2016 chỉ diễn ra khoảng 10 vụ bạo hành bác sĩ thì riêng trong năm 2017 đã gần 10 vụ đánh bác sĩ khi họ đang cứu chính người đánh mình hoặc người thân của họ. Còn từ đầu năm 2018 đến nay đã ghi nhận ít nhất 5 vụ hành hung bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, các vụ hành hung bác sĩ vẫn bị xử lý quá nhẹ. Mới chỉ có 1 đối tượng bị tù giam 2 năm, 1 người tù giam 9 tháng, còn lại đều tạm giam và sau đó xử lý hành chính như tội “Gây rối trật tự công cộng”, với số tiền không đáng là bao.
3. Bác sỹ làm đúng quy trình khám chữa bệnh khi giải thích, tư vấn cho người nha bệnh nhi: “Cực lực lên án hành vi xâm phạm đến sức khỏe và nhân phẩm của nhân viên y tế”. Đó là ý kiến của PGS-TS. Trần Trung Dũng, PGĐ BVĐK Xanh Pôn bày tỏ tại buổi trao đổi với báo chí về việc bác sỹ Vũ Hồng Chiến, khoa Phẫu thuật tạo hình bị người nhà bệnh nhân hành hung ngày 13/4 vừa qua. Ngày 19/4, thay mặt BVĐK Xanh Pôn, TS. Trần Trung Dũng đã phát ngôn chính thức về vụ việc bác sỹ Chiến bị bố bệnh nhi hành hung tối 13-4. TS. Dũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, tinh thần của bác sỹ Chiến vẫn rất hoảng loạn, sợ hãi và chưa đi làm trở lại được. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng của BV như bảo vệ, vệ sỹ cùng CA phường, cảnh sát 113 đã có mặt để ngăn ngừa diễn biến xấu. Qua sự việc này, BV đã tổ chức nhiều cuộc họp để rút kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, an ninh, vệ sỹ liên quan đến bảo vệ tính mạng của nhân viên y tế; rà soát lại lỗ hổng có thể có ở các điểm trọng yếu trong các khu vực nhạy cảm của BV như: Khoa Hồi sức, khu khám bệnh, phòng mổ, cấp cứu… Đồng thời, BV phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thu thập bằng chứng, lời khai để CQCA có thể xử lý đúng người đúng tội. “Chúng tôi mong rằng việc này các cơ quan pháp luật cần làm nghiêm, làm đúng để hiện tượng này không tái diễn được nữa”, TS.Dũng nói. Về nội dung trao đổi giữa bác sỹ và người nhà bệnh nhi, ông Dũng khẳng định: Bác sỹ Chiến giải thích cho bố bệnh nhân về thương tổn và chi phí tài chính. Việc giải thích là bắt buộc vì bệnh nhân và người nhà cần hiểu không chỉ chuyên môn mà cần biết thông tin về toàn bộ các vấn đề, kể cả ngoài chuyên môn. Việc quyết định là do bệnh nhân và người nhà chứ không nhân viên y tế, cơ sở y tế nào ép được. Việc trao đổi mới chỉ là vấn đề trao đổi về chuyên môn và cả các vấn đề xung quanh. Quy trình xử lý khám chữa bệnh cấp cứu với bệnh nhân liên quan vụ việc này được làm hoàn toàn đúng theo quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế. Quy trình làm việc của BV với thương tổn vùng hàm mặt ngoài chức năng sơ cấp cứu bệnh nhân chảy máu thì một trong những vấn đề quan trọng là liên quan đến thẩm mỹ của người bệnh. Đối với thương tổn nặng phải cấp cứu, nguy cơ sốc mất máu tử vong bắt buộc có thể đưa thẳng lên phòng mổ, xử lý khâu cầm máu tạm thời. Còn những trường hợp không nguy hiểm đến tính mạng, không chảy máu mất máu kéo dài, không nguy cơ sốc thì bệnh nhân ở khoa Cấp cứu sẽ được bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình trực tiếp đánh giá, xử lý để đạt được kết quả tốt nhất với vấn đề điều trị vết thương cũng như thẩm mỹ cho bệnh nhân sau này. Trường hợp cháu nhỏ vết thương ở vùng hàm mặt, vết thương có thể hiểu không quá kinh khủng. Quy trình ấy hoàn toàn đúng theo quy định của BV-TS. Dũng nhấn mạnh.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành nhân viên y tế: Sau nhiều trường hợp bạo hành y tế, có lẽ trường hợp này được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, nguyên xuất thân từ GĐ CATP nên chỉ đạo xử lý rất quyết liệt. Thông tin bác sỹ Chiến bãi nại thì CQĐT đang tiến hành điều tra. “Chúng tôi khẳng định bác sỹ Chiến giai đoạn đầu hoảng loạn lo sợ nhiều thứ nên lúc đầu có thể theo tư vấn khác nhau, sợ trả thù nên có ý định bỏ qua mọi việc. Tuy nhiên hiện tại mọi việc CQĐT đang tiếp tục tiến hành”. -TS. Trần Trung Dũng, PGĐ BVĐK Xanh Pôn chia sẻ: Vấn đề bạo hành thực tế đã xảy ra trong thời gian qua ở khá nhiều địa bàn trên cả nước.Ngay tại Thủ đô, tại BVĐK Xanh Pôn nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô mà cũng xảy ra chuyện này-đây là hành động đáng lên án. Mong rằng các cơ quan truyền thông giúp chúng tôi cùng cơ quan pháp luật truyền tải thông điệp trong việc chống bạo hành nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc cho nhân viên y tế làm việc đảm bảo an toàn tính mạng, nhân phẩm, sức khỏe… “Thay mặt toàn thể ban lãnh đạo cùng nhân viên BV, chúng tôi cực lực lên án hành vi xâm phạm đến sức khỏe và nhân phẩm của nhân viên y tế không chỉ ở BVĐK Xanh Pôn mà trên cả nước. Mong rằng toàn xã hội cùng phối hợp với những nhân viên y tế chúng tôi làm sao để giúp loại bỏ các hành vi gây bạo hành trong y tế; để nhân viên y tế yên tâm thăm khám chữa bệnh phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”, TS. Dũng đưa ý kiến. Trước đó, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 13-4, BVĐK Xanh-Pôn đã tiếp nhận bệnh nhân Trương Vũ Ph, SN 2013, với vết thương trán khoảng 2cm. Bệnh nhân được người nhà đưa vào BV khám. Bác sĩ Vũ Hồng Chiến - bác sĩ trực tại khoa Phẫu thuật tạo hình khám và chỉ định khâu vết thương.Trong khi bác sĩ Chiến giải thích cho người nhà bệnh nhân về các thủ tục để tiến hành khâu vết thương cho người bệnh thì bố bệnh nhân có thái độ không hợp tác và đã đánh bác sĩ Chiến vào vùng mặt, đầu, thái dương.
5. Đã đến lúc cần có luật phòng, chống bạo hành nhân viên y tế: Luật và các văn bản dưới luật hiện hành đang có những lỗ hổng, chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh nên tính chất vụ việc và số lượng hành vi bạo lực nhằm vào các nhân viên y tế ngày càng gia tăng. Môi trường bệnh viện (BV) đang trở nên mất an toàn khi tình trạng hành hung nhân viên y tế đã trở thành vấn đề nóng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các vụ việc trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh; ảnh hưởng tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc. Đó còn là sự xúc phạm, tổn thương danh dự, nhân phẩm, tự trọng nghề nghiệp của những người hành nghề y. Thậm chí, gây nên nỗi sợ hãi khi hành nghề. Đáng nói là các y - bác sĩ (BS) bị hành hung, đe dọa, xúc phạm bởi chính người nhà của bệnh nhân (BN) mà mình dốc sức cứu chữa. Hành vi côn đồ đang ngang nhiên hoành hành, bất chấp đạo lý, nhân tính con người. Tổng hội Y học Việt Nam đã có nhiều công văn hỏa tốc về các sự việc nói trên.Đã có những đối tượng bị xử tù giam từ 9 tháng đến 2 năm nhưng cũng không ít trường hợp khác chỉ bị tam giam rồi… xử lý hành chính. Dường như chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng này. Có một thực tế là công chức, viên chức ngành y tế không được hưởng quyền lợi được luật pháp bảo vệ như đang thực thi công vụ. Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp, nên dù bị người ta mắng chửi, hành hung, các BS cũng không được từ chối khám, chữa bệnh cho họ vì nhiệm vụ của ngành y là không được từ chối khám, chữa bệnh cho BN. Vì vậy, chúng tôi góp thêm một kiến nghị Quốc hội cần cho ban hành Luật Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có bộ luật này với các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với các hành vi bạo hành cán bộ y tế đang chăm sóc BN cũng như mức đền bù về sức khỏe và tinh thần. Không thể có chuyện đánh, tát cán bộ y tế với lý do chung chung là bức xúc rồi sau đó chỉ cần nộp phạt hành chính là xong. Mong muốn hơn nữa là khi bộ luật ra đời, Bộ Công an, Bộ Y tế có thêm những văn bản dưới luật để cụ thể hóa điều luật này cho các cán bộ y tế yên tâm làm việc. BV là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ giúp BN qua cơn hiểm nghèo và cũng là để BN tĩnh dưỡng. Khi nhân viên y tế bị hành hung, lập tức sẽ ảnh hưởng đến những BN khác trong khu vực đó, đặc biệt trong trường hợp nhân viên y tế đang cấp cứu cho một BN khác mà bị hành hung sẽ bị gián đoạn công việc, gây nguy hiểm đến tính mạng BN. Các cơ sở y tế khi xảy ra các vụ hành hung cán bộ của mình cần kiên quyết xử lý, gửi các văn bản kiến nghị đến các cơ quan pháp luật, báo cáo sở y tế, hội y học địa phương để cùng phối hợp, theo dõi giám sát quá trình xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, cộng đồng cần lên án những hành vi côn đồ đối với cán bộ, nhân viên y tế. Những sai phạm của cán bộ y tế nếu có sẽ bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau, thậm chí buộc thôi việc, chịu án phạt. Tuy nhiên, cán bộ y tế cần được bảo đảm an toàn trong hành nghề và mọi sự xâm phạm, bạo hành cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh vì vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức. Bất cứ lý do gì biện minh cho việc xâm hại sức khỏe và tinh thần đối với cán bộ y tế chỉ thể hiện sự thấp kém về nhận thức và văn hóa.
6. Bộ Y tế đề xuất quy định giờ bán rượu bia: Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo mới nhất về luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có những quy định kiểm soát khung giờ bán rượu, bia. Tuy nhiên, cũng như phương án cấm bán rượu bia sau 22 giờ mà Bộ đưa ra lần trước. Trong dự thảo mới nhất về luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian được bán rượu, bia. Cụ thể, phương án 1 chỉ được bán rượu bia từ 11 - 14h và từ 17 - 22h hàng ngày. Phương án 2, chỉ được bán rượu, bia từ 6 - 22h (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch). Phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo cũng đưa ra quy định địa điểm công cộng không được bán rượu như: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan tổ chức doanh nghiệp; trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, tỉnh lộ. Mang những thông tin mới nhất về khung giờ bán rượu bia để hỏi chuyện anh Hùng, chủ một cửa hàng bán bia trên đường Đội Cấn, anh cười cho biết: tôi cũng nghe nói có phương án cấm sau 22h nhưng các bác cấm cứ cấm, dân có nhu cầu thì chúng tôi vẫn phải bán thôi. Kinh doanh mà cấm bán vào giờ đó thì có mà chúng tôi chỉ có nước đóng cửa hàng… Cấm bán rượu bia sau 22h- vấn đề mà anh Hùng nêu ra cũng là một trong những điểm gây tranh cãi nhất hiện nay. Theo lý giải của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) các nghiên cứu cho thấy, 20h - 24h là lúc cơ địa con người cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì chúng ta lại vui chơi và uống chất kích thích. Điều này nếu tích lũy lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt tác động lớn đến hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hô hấp và tim mạch. Uống vào giờ đó mà tiếp tục tham gia giao thông thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, một ví dụ điển hình về tác hại của việc uống rượu bia sau 22h là sự việc người lái xe bán tải đã kéo lê xe máy hàng trăm mét trên phố Ô Chợ Dừa (Hà Nội) diễn ra ngày 11/4 vừa qua. Tuy nhiên, Theo quan điểm của Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, nhưng việc đưa ra quy định về khung giờ bán rượu bia là không khả thi, không thể tư duy theo kiểu không quản được thì cấm. “Theo tôi các phương án mà Bộ Y tế đưa ra về việc bán rượu bia theo giờ đều không khả thi. Nếu cấm cũng chẳng thể cấm được. Cấm giờ này người kinh doanh sẽ bán giờ khác, người dân đi uống giờ khác, tác hại của nó vẫn không thay đổi.Tôi lấy ví dụ, về mặt y khoa, nếu uống sau 10h đêm là có hại cho sức khỏe, nên Bộ Y tế đề xuất nên cấm bán rượu bia sau giờ này. Tuy nhiên, nếu để uống rượu bia vào ban ngày thì hệ quả còn lớn hơn. Có thể người dân sẽ đi uống trong giờ hành chính, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến giờ làm việc, chất lượng làm việc”- Luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định, người sử dụng lao động làm việc tại các địa điểm bán lẻ rượu, bia phải tổ chức tập huấn cho người lao động về tác hại của rượu, bia; khuyến nghị người tiêu dùng về đơn vị rượu nên sử dụng ở mức nguy cơ thấp; cách nhận biết dấu hiệu người say rượu, bia của khách hàng, hay người mua rượu phải trên 18 tuổi… Với những quy định này, nhiều người cho rằng yêu cầu người bán lẻ phải “nhận biết dấu hiệu người say rượu, bia của khách hàng” khá mơ hồ bởi với lái xe, để kiểm soát sử dụng rượu bia còn phải căn cứ qua kiểm tra nồng độ cồn, nhưng với người có biểu hiện say thì rất không rõ ràng, lấy tiêu chí nào làm chuẩn cho người say. Hay trẻ dưới 18 tuổi không được mua rượu thì ai sẽ là người kiểm tra hay mỗi khi mua rượu phải trình chứng minh thư.
7. Đề xuất việc bán rượu bia theo giờ được cho là làm khó cho người kinh doanh: TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quy định về thời gian bán rượu bia trong Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và dẫn ví dụ ở những khu vui chơi giải trí, những nơi đang phát triển dịch vụ du lịch, thu hút rất đông khách trong nước và quốc tế, nếu hạn chế vào các khung giờ thì vấn đề đặt ra là liệu khách du lịch đi từ xa tới họ sẽ cảm thấy thế nào khi muốn nghỉ ngơi, giao lưu cùng bạn bè.
“Theo tôi, quy định về khung giờ tại Dự thảo này là chưa phù hợp. Không nên có công thức nào để “cấm đoán” như vậy nhất là “cấm đoán” đối với mọi dich vụ sẽ hạn chế với ngành du lịch, và không phù hợp với những nơi kinh doanh như quán bar, vũ trường khi được phép mở đến khung giờ muộn. Cho phép người ta mở tới khung giờ nào phải cho họ bán rượu bia tới giờ đó. Bộ Y tế nên thảo luận, xem xét cùng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có phương án phù hợp nhất”, TS. Lê Đăng Doanh nói. Đối với cấp chính quyền, nếu Dự thảo đưa ra quy định này phải có lực lượng giám sát, kiểm tra. Đây là điều, theo TS. Lê Đăng Doanh, các cơ quan quản lý phải tính tới, và lực lượng kiểm tra, giám sát họ có năng lực làm việc đó hay không. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng cần phải lựa chọn phương án nào phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu quy định bán rượu bia tới 22h sẽ hơi sớm, nhất là có một số phố buôn bán đêm nên chăng khung giờ nên muộn hơn. “Sẽ chọn phương án nào tạo điều kiện bán hàng đêm cho người bán. Hơn nữa, trong mọi tình huống, ngoài việc quy định giờ bán cũng phải quy định đối tượng bán.Quan trọng hơn phải có sự kiểm soát chất lượng để không tạo ra các vụ ngộ độc rượu, hay buôn bán những sản phẩm không được phép”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho biết: “Quy định về giờ bán rượu đã được nhiều quốc gia thực hiện. Nếu quy định này được đưa vào luật để thực thi thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức. Ví dụ như lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông sẽ thêm giám sát giờ bán rượu chứ không phải lại tổ chức thêm một lực lượng đi thanh tra kiểm tra”. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến mà Bộ Y tế đưa ra bởi theo các chuyên gia kinh tế, việc giám sát thực hiện sẽ là rất khó khăn khi mà lực lượng quản lý thị trường đang rất mỏng, ngay với công việc hiện nay còn đang quá tải. Quy định này, nếu áp dụng với cán bộ, công chức thì đơn giản hơn, nhưng nếu với toàn dân thì sẽ khác. Quy định như vậy rất khó quản lý cho địa phương. Chính quyền có thể tuyên truyền nhắc nhở nhưng không có đủ cán bộ để đứng đó canh xem họ có tuân thủ không. Vả lại, giờ đó là hết giờ làm hành chính rồi, nếu cần lực lượng chức năng sẽ phải sinh ra một giờ làm việc khác, kéo theo cơ chế chính sách ngoài giờ và nhiêu vấn đề liên quan.
8. Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia: Góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, nhiều ý kiến cho rằng nên có sự phân định rõ ngay từ tên gọi của Dự luật; đồng thời, các bên nên trao đổi đa chiều với nhau để tìm ra chính sách dung hòa nhất. Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam vừa phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam cho rằng, Bộ Y tế cần đánh giá, xem xét kỹ về xây dựng dự án luật, cũng như tên của luật. Bia, rượu là một trong những đồ uống có truyền thống lâu đời nhất của nhân loại cách đây 12.000 năm mà loài người tạo ra, đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt thường ngày và lễ hội truyền thống của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. “Nếu sử dụng rượu, bia điều độ, phù hợp với khuyến cáo của bác sỹ thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe mà ngược lại, còn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe. Vì vậy, Dự luật cần nhấn mạnh đến phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia chứ không nên là phòng chống tác hại của rượu bia”, ông Việt phân tích. Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội: Các bên nên ngồi lại với nhau để bàn và tìm ra giải pháp kiểm soát được tác hại của rượu bia. Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng, nên để tên là kiểm soát tác hại của lạm dụng rượu bia. Tên gọi như thế nào để phù hợp với điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội như hiện nay, để bảo vệ sức khỏe và có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng… Còn việc quản lý bán rượu, bia theo giờ, ông Hoàng cho rằng, các diễn giả đưa ra các khung giờ để quản lý lập luận cũng có cơ sở. Nhưng, “như bạn bè, anh em tôi đi Nga, ở khách sạn xuống lễ tân mua lúc 10g đêm thì họ không bán; hoặc vào siêu thị mua bia không để ý giờ, lúc đi ra đến cửa cỡ 10g5 lại phải quay vào trả. Diễn giả đưa ra báo cáo một số nơi nhưng liệu không bán thì họ có không uống nữa hay không?Thực tế họ không dừng lại vì có rượu ở phòng. Cái chính là quản lý như thế nào?”, ông Hoàng bày tỏ lo ngại. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng, có 2 điểm bất hợp lý của Dự thảo luật này là tên gọi, có thể cần quay trở về phương án ban đầu là Luật Phòng chống lạm dụng rượu bia. Nhấn mạnh đến “lạm dụng” chứ bản thân rượu bia dùng chừng mực, có văn hóa thì cũng không tạo tác hại. Thứ 2 là về Quỹ Phòng chống tác hại rượu bia. Hiện nay đang áp dụng quỹ như thuốc lá khiến DN e ngại vì trích quỹ rất lớn. Quỹ Phòng chống chung nhưng khu vực không kiểm soát vốn lại rất lớn như rượu không nguồn gốc, không nhãn mác lại nhiều. Nếu chỉ dồn gánh nặng cho DN đóng thuế nghiêm túc, đàng hoàng là điều khiến giá thành tăng.Theo ông Tuấn, VCCI tích cực tạo diễn đàn cho DN nói đầy đủ tiếng nói của mình để các cơ quan Nhà nước liên quan lắng nghe. Khi thảo luận nên thảo luận hết nhẽ và đánh giá đầy đủ đa chiều, trao đổi để tìm ra giải pháp dung hòa nhất, chứ DN nói về phía DN, cơ quan soạn thảo nói tiếng nói của mình thì lại xa nhau. Ông Nguyễn Văn Việt đề xuất, Dự luật cần tăng cường kiểm soát nguồn cung, kiểm soát nhu cầu loại đồ uống không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm sao cho phù hợp với thực tế truyền thống của Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan quản lý, cơ quan hữu quan cần kiểm soát tốt hoạt động nấu rượu thủ công bởi đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe. PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, kết quả nghiên cứu điều tra quốc gia do Viện thực hiện tại 6 vùng kinh tế-xã hội của Việt Nam từ tháng 11-2014 đến tháng 1-2016 cho thấy: Rượu không kiểm soát được ở Việt Nam là rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ. Loại rượu này chất lượng kém và là nguyên nhân gây ra ngộ độc, hàng năm gây thất thu ngân sách lớn (ước tính 2.000 tỷ đồng). Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.
9. Nội dung bức thư của Bác sĩ Hoàng Công Lương gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Bác sĩ Hoàng Công Lương đã có tâm thư gửi Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch trước, Thủ tướng và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ mong muốn vụ án của mình được xét xử đảm bảo công khai, đúng người, đúng tội. Trong thư bác sĩ Hoàng Công Lương xưng mình là "cháu" (sinh năm 1986) hiện đang công tác tại Đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình với nhiệm vụ là bác sĩ điều trị. Bác sĩ Lương viết trong tâm thư, từ hàng loạt vụ án được giải oan và xử lý kịp thời những năm qua như vụ quán cafe Xin Chào, vụ giải oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long... nên bác sĩ Lương mạnh dạn bày tỏ tâm tư với kính mong được lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, giúp đỡ. Kể lại diễn biến sự việc, bác sĩ Lương cho biết, ngày 28/5/2017, công việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Phòng vật tư-trang thiết bị y tế của Bệnh viện có cử người giám sát quá trình này. Ngày 29/5/2017, sau khi nhận được thông báo đã sửa chữa bảo dưỡng xong hệ thống nước RO, có thể chạy thận hoạt động bình thường (có biên bản bàn giao), các điều dưỡng khởi động hệ thống nước RO, thấy các chi số trong giới hạn bình thường. Vì thế sau khi rửa máy thận, kiểm tra (test) máy thận thấy các chỉ số bình thường, các điều dưỡng đã lắp quả lọc máu vào máy, thấy máy hoạt động bình thường. Bác sĩ Lương cùng hai bác sĩ khác chia nhau đến các buồng bệnh khám sàng lọc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo được hơn 30 phút, một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngứa khắp người, tức ngực, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Ngay lập tức, việc chạy thận nhân tạo cho tất cả các bệnh nhân đều dừng lại. Đồng thời tất các y bác sĩ của Đơn nguyên thận nhân tạo, sau đó có sự hỗ trợ của Đơn nguyên hồi sức tích cực nhanh chóng cấp cứu cho các nạn nhân. Sự cố hy hữu đã khiến 8 bệnh nhân tử vong, 120 bệnh nhân suy thận mạn phải chuyển về các bệnh viện tại Hà Nội để chạy thận nhân tạo. Nguyên nhân tử vong sau đó được xác định là do trước đó một ngày, đơn vị sửa chữa bảo dưỡng đã bất cẩn để tồn dư một lượng lớn hóa chất trong hệ thống nước RO để chạy thận nhân tạo. Trong thư bác sĩ Lương nhấn mạnh công việc liên quan đến sửa chữa bảo dưỡng hệ thống nước RO "không liên quan đến chuyên môn và trách nhiệm của cháu và các đồng nghiệp", họ đã thực hiện công việc của mình "theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ được Bộ Y tế ban hành năm 2014" và khi đã được bàn giao từ phòng Vật tư để sử dụng thì có nghĩa "nguồn nước đã đảm bảo an toàn". Theo bác sĩ Lương: Chúng cháu sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh nếu dẫn đến tử vong, nhưng không thể buộc chúng cháu phải gánh trách nhiệm không thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Vì thế, khi nhận được bản cáo trạng ngày 22/2 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình truy tố xét xử về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ Lương cho biết cảm thấy bàng hoàng, đau xót vì trách nhiệm đó không thuộc về mình, hậu quả nghiêm trọng đó do những người có trách nhiệm gây ra.
10. Bộ Y tế xây dựng dự thảo Nghị định quy đệnh về điều kiện đầu tư, kinh doanh thức ăn đường phố: Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Theo đó những đơn vị, cá thể kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng nhiều điều kiện khá ngặt nghèo. Người bị viêm gan A, E, lao phổi, viêm da nhiễm trùng bị cấm kinh doanh thức ăn đường phố. Dự thảo nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến. Bên cạnh đó, thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm. Nước chế biến thức ăn phải đáp ứng quy định về chất lượng nước ăn uống. Chất thải rắn phải được thu gom vào dụng cụ có nắp đậy. Cống rãnh ở khu vực chế biến phải có nắp đậy và không ứ đọng. Nguyên liệu, phụ gia dùng trong chế biến thức ăn phải có nguồn gốc xuất xứ và bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất. Dự thảo cũng nêu rõ điều kiện đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể: Dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng, bao gói thức ăn không được thôi nhiễm vào thực phẩm. Thức ăn phải được bày bán trên giá kệ cao cách mặt đất ít nhất 60cm và được che đậy để ngăn chặn bụi bẩn, côn trùng xâm nhập. Nước phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng quy định về chất lượng nước ăn uống. Người kinh doanh phải sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh. Người đang mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, theo dự thảo, thiết kế xây dựng nhà xưởng sản xuất phải đảm bảo quy trình sản xuất thực phẩm phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm; sơ chế, chế biến, đóng gói; nhà vệ sinh; rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan phải được bố trí riêng biệt; khu vực chiết rót nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước uống đóng chai phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí; cống rãnh thoát nước thải phải được che kín, không ứ đọng…
11. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 hỗ trợ đào đạo cán bộ chuyên ngành mắt Quân chủng hải quân: Trong khuôn khổ chương trình hợp tác ký kết giữa Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 với Quân chủng Hải quân Việt Nam, cùng với việc hỗ trợ đào tạo chuyên môn về nhãn khoa cho y bác sỹ hải quân, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 sẽ phẫu thuật miễn phí cho 30 cán bộ chiến sỹ mắc tật khúc xạ. Ngày 21-4, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Sở Y tế Hà Nội tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân Việt Nam. Chia sẻ tại lễ ký kết, Đại tá Phạm Chí Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân Việt Nam đánh giá: Qua thăm, làm việc với bệnh viện, đoàn công tác của quân chủng hải quân đã thấy được tiềm năng của bệnh viện khi có đội ngũ y, bác sỹ trình độ chuyên môn cao, đội ngũ hộ lý tận tình, chu đáo, chuyên nghiệp dù mới ra đời được 1 năm. “Chúng tôi thấy có bệnh viện có tâm huyết muốn đóng góp sức lực vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nói chung và sự nghiệp bảo vệ thầy thuốc nói riêng.Như vậy là thành công”. Theo đại tá Phạm Chí Sơn, Quân chủng Hải quân có nhiều lực lượng cơ bản đóng quân ở biển đảo, bộ đội làm việc trong điều kiện khó khăn nhất định. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ bộ đội nói riêng đòi hỏi có những có yêu cầu mới. Đặc biệt vừa qua, sau khi thăm bệnh viện mắt, chúng tôi thấy chăm sóc sức khoẻ cho đôi mắt rất quan trọng. “Đối với chúng tôi có đội ngũ y bác sỹ được đào tạo y cơ bản, nhiệt huyết. Tuy nhiên nhưng về chuyên khoa sâu và nhãn khoa chỉ có 2 bác sỹ mắt với 4 điều dưỡng, nên việc tư vấn chăm sóc sức khoẻ mắt cũng như thực hiện phẫu thuật lớn về nhãn khoa còn hạn chế. Chúng tôi mong muốn sự giúp đỡ của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 trong việc đào tạo chuyên môn cho y, bác sỹ cũng như tư vấn, chăm sóc sức khoẻ về mắt cho cán bộ chiến sỹ của quân chủng”, Đại tá Sơn nhấn mạnh. Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Quản Cần, Tổng giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Trong dịp kỷ niệm 1 năm thành lập, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 rất hân hạnh và tự hào được được Cục hậu Cần-Quân chủng Hải quân Việt Nam tin cậy lựa chọn là đối tác hợp tác trong khuôn khổ khám chữa điều trị tật khúc xạ cho chiến sỹ Quân chủng Hải quân; tư vấn cho các chiến sỹ các phương pháp phòng ngừa tật khúc xạ; nghiên cứu phương pháp điều trị tật khúc xạ cho một số lực lượng đặc thù của Hải quân; đào tạo chuyên môn chuyên khoa mắt cho các bác sỹ và điều dưỡng của Viện Y học Hải quân. “Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác này, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 sẽ tài trợ mổ miễn phí Lasik cho 30 cán bộ, chiến sỹ của Quân chủng Hải quân Việt Nam với mong muốn có những đóng góp tích cực và thiết thực vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc”, ông Lê Quản Cần nhấn mạnh. Thời gian qua, bệnh viện đã khám chữa cho gần 28.000 lượt bệnh nhân, trong đó đã phẫu thuật thành công trên 3.500 ca trong đó có gần 300 ca Lasik cơ bản, hơn 400 ca Femto Lasik, trên 300 ca Relex Smile và gần 2.000 ca đục thủy tinh thể (Phaco).
12. Nhiều trường Đại học ngoài công lập được mở ngành đào tạo y đa khoa: Trong mùa tuyển sinh năm 2018, có thêm nhiều trường ĐH ngoài công lập được tuyển sinh ngành y đa khoa. Năm nay, Trường ĐH Phan Châu Trinh bắt đầu tuyển sinh ngành y đa khoa sau khi được Bộ cho phép ngày 28.12.2017 với 50 chỉ tiêu. Sau vài năm có đào tạo liên quan đến các ngành thuộc khối sức khỏe, từ mùa tuyển sinh 2018 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bắt đầu tuyển sinh ngành y đa khoa, chỉ xét tuyển bằng phương thức từ kết quả thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT cũng cho phép Trường ĐH Nam Cần Thơ đào tạo ngành y đa khoa với 60 chỉ tiêu trong năm 2018. Còn Trường ĐH VinUni sẽ bắt đầu đào tạo ngành y đa khoa từ năm 2020 qua việc hợp tác với Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ). Như vậy đến nay có các trường ĐH ngoài công lập: Nam Cần Thơ, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Tân Tạo, Duy Tân, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Võ Trường Toản được phép đào tạo ngành y đa khoa. Điều kiện cho phép thêm các trường ngoài công lập mở ngành này, ông Đặng Quang Việt, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết hồ sơ đăng ký mở ngành của các trường phải đảm bảo tất cả các điều kiện theo quy định hiện hành. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải thực hiện cam kết điểm đầu vào và chỉ tiêu đào tạo cho ngành y đa khoa theo đề án đăng ký mở ngành. Theo ông Việt, việc cho phép mở ngành đào tạo đối với các ngành thuộc khối khoa học sức khỏe được thực hiện theo đúng các quy định. Ngoài ra, các trường phải có ý kiến của Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực ngành y tế và phải thực hiện đúng cam kết theo đề án đã đăng ký. Chẳng hạn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: điểm chuẩn 22,5, chỉ tiêu 50 sinh viên; Trường ĐH Nam Cần thơ: điểm chuẩn 24, chỉ tiêu 35. Còn nhớ năm 2015 đã xảy ra tranh cãi xung quanh việc cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y đa khoa. Trước thực trạng này, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD-ĐT với nội dung: khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành y, dược sẽ không đảm bảo chất lượng… Cuối tháng 12.2014, Bộ GD-ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành dược tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y, dược. Việc tạm dừng nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc.
13. Thông tin về vụ 12 khách du lịch Trung Quốc bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện sau ăn sáng: Sáng ngày 21/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra thông tin chính thức về vụ 12 khách du lịch Trung Quốc phải nhập viện sau khi dùng bữa sáng tại một nhà hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, khi về đến Uông Bí (Quảng Ninh) lại có triệu chứng ngộ độc. Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Bệnh viện đa khoa loại I, trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh): Vào hồi 7h30' ngày 20/4/2018, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển đã tiếp nhận 12 trường hợp bệnh nhân vào viện trong tình trạng nôn, đau bụng, tiêu chảy. Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế thành phố Uông Bí tổ chức điều tra các ca nghi ngộ độc thực phẩm theo quy định; đồng thời phối hợp với Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển tổ chức điều trị và hỗ trợ du khách nước ngoài. Theo thông tin do hướng dẫn viên đoàn khách cung cấp: Nhóm 12 người này nằm trong đoàn khách du lịch 48 người là khách du lịch Trung Quốc đi từ sân bay Nội Bài về Hải Phòng, do Công ty du lịch Kỳ Mỹ (số 64, đường Nguyễn Du, Phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang) dẫn đoàn. Trước đó đoàn có dừng ăn tại một nhà hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, khi về đến Uông Bí thì một số người xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn. Tất cả được đưa ngay vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển. Ngay khi tiếp nhận các bệnh nhân, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển đã khám sàng lọc bệnh nhân. Kết quả có 8 người bị nhẹ, sức khỏe ổn đinh và ngay sau đó đã đi cùng đoàn khách về Hải Phòng; 4 người còn lại có biểu hiện nôn, đau bụng, và đi ngoài phân lỏng nhiều đã được các y, bác sĩ của bệnh viện tập trung xử lý tích cực, truyền dịch, giảm đau và xét nghiệm phân. Đến 15 giờ cùng ngày, cả 4 người này đều đã ổn định và được xuất viện. Mặc dù, đoàn khách chỉ đi qua tỉnh Quảng Ninh, và sự việc bị ngộ độc thức ăn không xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và hiện đoàn đã trở về Hải Phòng, song Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nắm bắt thông tin về sức khỏe của đoàn khách du lịch để báo cáo kịp thời nếu xảy ra các diễn biến bất thường.
14. Cần xử lý nặng những người có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn: Việc thực thi, chế tài pháp luật đối với sản xuất - kinh doanh thực phẩm bẩn còn bất cập, thiên về xử lý hành chính nên thực phẩm bẩn vẫn tràn lan. Mấy ngày qua, vụ việc Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) sử dụng tạp chất cà phê tẩm nhuộm với than pin bán ra thị trường. Trước đó, ngày 15-1, đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An, TP Hải Phòng đã phát hiện sản phẩm thuốc chữa ung thư Vinaca được làm từ than tre có chứa chất độc hại và cơ quan công an đã khởi tố vụ án. Hiện trong Bộ Luật Hình sự (năm2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), phần các tội phạm trong sản xuất - kinh doanh, thương mại có 6 tội danh liên quan đến xử lý thực phẩm bẩn, thuốc giả như: Sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; quảng cáo gian dối; lừa dối khách hàng... Về hình phạt, đối với tội làm thuốc chữa bệnh giả và thực phẩm giả, khung hình phạt cũng rất cao, lên tới chung thân, tử hình trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể thấy việc áp dụng luật vào thực tiễn vẫn khó khăn và chưa hiệu quả để ngăn chặn và phòng chống nạn thực phẩm bẩn. Trong đó có nguyên nhân là luật chỉ mới quy định mang tính định lượng về giá trị lô hàng giả, mà chưa truy xét, tìm đến đúng bản chất, hậu quả nguy hại về lâu dài của thực phẩm bẩn, khi hậu quả chưa xảy ra ngay, thoạt nhìn có vẻ không nghiêm trọng. Chẳng hạn, điều 193 Bộ Luật Hình sự quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị phạt từ 2-5 năm tù, phạt tù từ 5-10 năm khi hàng giả trị giá từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng, tính theo giá bán, giá niêm yết. Như vậy, có nghĩa là thực phẩm độc hại nhưng nếu không được xác định là "giả" thì sẽ thoát tội này. Cũng như lô hàng có giả rẻ mạt, gây tổn hại sức khỏe ít (dưới 50%) hoặc chưa gây tổn hại ngay thì cũng không hoặc chưa thể xử lý theo khung này. Trong khi, theo điều 168 về tội "Cướp tài sản", dù là một chiếc nón vải trị giá vài mươi ngàn đồng cũng có thể bị phạt tù 5 năm hay mua bán chất ma túy giá trị chỉ vài chục ngàn đồng đã bị xử nhiều năm tù. Rõ ràng, trong nhiều trường hợp các chất độc hại chứa trong thực phẩm có thể không làm chết người ngay mà nó ngấm từ từ, chuyển hóa và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khi về già, hay thậm chí di truyền cho các thế hệ sau. Sức khỏe người dân không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế - xã hội, chi phí thuốc men, chữa trị… sẽ trở thành gánh nặng quốc gia.Vấn đề này lại không được truy xét và xử lý tận gốc. Ngoài những giải pháp về pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, cần thắt chặt điều kiện cấp phép trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Mỗi người hằng ngày đều ăn uống, biết rõ nơi mình giao tiếp, mua hàng; đồng thời là đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp nên cần sự đồng lòng của mỗi cá nhân, gia đình có trách nhiệm lên tiếng, tố giác trong việc phòng chống và phát hiện thực phẩm bẩn.
15. Y tế tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong thanh toán khám chữa bảo hiểm y tế: Theo phản ánh của đại diện các bệnh viện tư, có nhiều rào cản cần xóa bỏ để hệ thống y tế tư nhân tự tin thực hiện chức năng của mình, đặc biệt là khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm. Y tế tư nhân trở thành cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho người dân không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, so với hệ thống y tế công lập, số lượng cơ sở y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho người dân bằng bảo hiểm y tế chưa nhiều. Tại các bệnh viện như Trí Đức, An Việt…, ngoài loại hình bảo hiểm bảo lãnh, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cấp chỉ được thanh toán khi điều trị nội trú hoặc cấp cứu. Mức thanh toán so với bệnh viện cùng hạng của hệ thống công lập không nhiều.Như vậy, với hoạt động khám sức khỏe ban đầu, người dân không được thanh toán. Đây là một trong những lý do khiến người dân chưa mặn mà với hệ thống cơ sở y tế tư nhân. Thống kê của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 200 bệnh viện và 4.000 phòng khám tư nhân. Tại các bệnh viện ký kết trở thành cơ sở khám chữa bệnh ban đầu vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Điển hình như mâu thuẫn về quyền lợi giữa cơ sở y tế tư nhân và quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong một số điều khoản, nội dung thỏa thuận. Bên cạnh đó, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân cũng không đồng ý với việc cơ quan Bảo hiểm Xã hội tạm dừng ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế với một số cơ sở y tế tư nhân do không bổ sung đầy đủ thông tin về năng lực của cơ sở để tiếp tục giao kết hợp đồng. Bất cập tiếp theo được chỉ ra là Bảo hiểm Xã hội ở nhiều tỉnh, thành tạm ứng, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa kịp thời. Việc thanh toán các trang thiết bị, vật tư y tế cũng rắc rối. Trước những bức xúc của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện đúng, đủ các quy định của Nhà nước về lĩnh vực này. Theo ông Sơn, hợp đồng ký kết giữa hai bên theo hướng dẫn của thông tư và dựa trên đặc điểm của từng địa phương, đặc thù của cơ sở y tế. Với những cơ sở không ký hợp đồng phần lớn do không thống nhất được các điều khoản. Còn về thời gian thanh toán, dù bệnh viện công hay tư đều theo quy định, tức sau khi nhận báo cáo quyết toán đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh của cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm thực hiện việc giám định trong 30 ngày. 5 ngày sau khi có kết quả giám định, cơ quan bảo hiểm sẽ quyết toán. Trường hợp có vướng mắc sẽ được giải quyết trong quá trình giám định hoặc sau đó.Với cơ sở không thực hiện đúng cam kết hoặc lạm dụng quỹ, không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bảo hiểm Xã hội sẽ chấm dứt hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền.
16. Số ca mắc bệnh uốn ván ở khu vực phía Nam những tháng đầu năm 2018 đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM liên tục tiếp nhận các ca mắc uốn ván từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2017. Căn bệnh tưởng chừng đã được thanh toán nhưng bất ngờ quay trở lại với nhiều ca bệnh nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Theo đại diện BV Bệnh nhiệt đới TP, một vấn đề khiến nhiều bệnh nhân trở nặng khi lên đến BV tuyến trên là do việc chuyển viện không an toàn. Trong quá trình chuyển viện, bệnh nhân có thể lên cơn co thắt dữ dội, ngưng tim, ngưng thở, có thể tử vong, nên rất cần thiết phải có một nhân viên y tế đi kèm lúc chuyển viện. Tuy nhiên, nhiều BV tuyến dưới đã không quan tâm đến vấn đề này. Theo số liệu thống kê, mỗi năm BV Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận khoảng 250 - 300 bệnh nhân mắc bệnh uốn ván. Ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2018, số bệnh nhân mắc uốn ván gia tăng đột biến với 100 bệnh nhân nhập viện, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2017. Như cách đây một tháng, bệnh nhân Phạm Văn N. (59 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) được Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TPHCM trong tình trạng ngưng thở nhưng không hề có nhân viên y tế đi theo. Song nguyên nhân lớn nhất vẫn xuất phát từ việc nhiều người dân không chủ động đến cơ sở y tế chích ngừa khi bị thương hay có vết thương hở, mà tự xử lý vết thương qua loa tại nhà hoặc đắp các loại thuốc lá theo kinh nghiệm dân gian. Các bác sĩ cho biết, việc xử lý vết thương qua loa hoặc đắp các loại thuốc lá sẽ khiến cho vết thương càng lở loét hơn và vi trùng uốn ván có cơ hội xâm nhập. Cách đây không lâu, BV Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận một trường hợp nguy kịch do tự đắp lá cây lên vết thương. Sau đó vết thương đã lở loét, tụ mủ và bị vi trùng uốn ván tấn công. Các bác sĩ khuyến cáo chích ngừa vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất.Hiện mỗi mũi vaccine ngừa uốn ván có giá 200.000 - 300.000 đồng. Trong khi mỗi ca điều trị bệnh uốn ván thường kéo dài, với chi phí khoảng 40 - 100 triệu đồng/ca. Mặt khác, những năm gần đây, vi trùng uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể người không cần qua các vết thương hở. Có đến 15% bệnh nhân mắc uốn ván tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM không có vết thương hở. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chích ngừa chủ động ngay cả khi không có vết thương hở. “Người dân nên cân nhắc đến lợi ích của việc chích ngừa chủ động để phòng ngừa mắc bệnh uốn ván. Mỗi người cần chích ngừa và chích nhắc đủ 5 mũi mới đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất”, bác sĩ Dương Bích Thủy cho hay.
17. Công an thành phố Hải Phòng khởi tố vụ án sản xuất thuốc ung thư từ than tre: Liên quan đến vụ sản xuất sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ bột than tre, ngày 20/4/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án về Tội sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Điều 193 Bộ Luật hình sự năm 2015. Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin trước đó, ngày 15/01/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An kiểm tra cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc (SN 1994), tại Tổ dân phổ Tiến Bộ, Ngọc Sơn, Kiến An, Hải Phòng. Quá trình kiểm tra thấy cơ sở có 10 công nhân đang làm việc với các công việc tạo viên nang, dán nhãn sán phẩm, đóng gói sản phẩm dưới sự quản lý trực tiếp của Đào Thị Chúc. Đoàn kiểm tra đã thu giữ các sản phẩm như: Vinaca ung thư CO3.2, Vinaca Vi5, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca Baby Vi6, Vinaca vi lượng, Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác. Chủ cơ sở Đào Thị Chúc không xuất trình được các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc sản xuất nói trên và không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở. Trong các sản phẩm phát hiện, thu giữ tại cơ sở có sản phẩm "Vinaca ung thư Co3.2" đóng gói 80 viên/hộp, nhãn mác có nội dung thực phẩm chức năng; ghi đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Vinaca, địa chỉ số 17b/40 Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội; đóng gói tại Trangly Pharma Co.,ltd. Theo lời khai của Chúc, cơ sở hoạt động từ đầu năm 2017, theo sự chỉ đạo của chồng là Nguyễn Xuân Thu (37 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vinaca). Các loại thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm được sản xuất bằng cách nghiền thủ công. Nguyên liệu là than tre, nứa được tán thành bột do ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Phong, trụ sở tại xã Hồng Phong (An Dương, Hải Phòng) cung cấp, sau đó pha thêm hóa chất (tùy loại sản phẩm), đóng thành viên nang, đóng chai cung cấp ra thị trường 19 tỉnh, thành phố. Qua điều tra, xác minh tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trên chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất; sản phẩm thực phẩm chức năng Vinaca ung thư CO3.2 chưa đăng ký công bố chất lượng. Sở Y tế Hải Phòng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký công bố sản phẩm, thu hồi tất cả các sản phẩm mang tên Vinaca trên địa bàn, đồng thời thông báo với Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế để thông báo thu hồi sản phẩm trên phạm vi toàn quốc.
18. Mặc dù chưa được cấp phép, nhưng thuốc Nhức khớp tê bại hoàn vẫn rao bán tràn lan: Dù chưa được cấp phép nhưng thời gian qua, trên các trang mạng xã hội tràn lan hình ảnh quảng cáo của các cơ sở giới thiệu, rao bán loại thuốc Nhức khớp tê bại hoàn của cơ sở Đông Nam dược Đại An. Mới đây, Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn khẩn số 6406/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thông báo quyết định đình chỉ lưu hành thuốc mang tên Nhức khớp tê bại hoàn, SDK: VD-93312-16, nơi sản xuất: Cơ sở Đông Nam dược Đại An, 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội thông báo đến các đơn vị y tế trong ngành, phòng y tế các quận, huyện, thị xã về việc thuốc Nhức khớp tê bại hoàn chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Điều đáng nói là dù chưa được cấp phép nhưng thời gian qua, trên các trang mạng xã hội tràn lan hình ảnh quảng cáo của các cơ sở giới thiệu, rao bán loại thuốc Nhức khớp tê bại hoàn này. Theo đó, một tài khoản có tên T.B.T đăng hình ảnh cùng dòng giới thiệu chức năng thuốc Nhức khớp tê bại hoàn của cơ sở Đông Nam dược Đại An có công dụng trị đau lưng, viêm nhức xương khớp, bệnh gút, vôi cột sống, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thốn gót, tê nhức tay chân, sưng khớp, đi đứng khó khăn, đau nữa đầu, vai gáy, đau thần kinh tọa, teo cơ.... "Ngoài ra uống lâu ngày mạnh gân cốt, phòng ngừa tai biến, hết tận gốc bệnh, không tái phát.Đây là thảo dược có nguồn gốc xuất xứ nên mọi người có thể yên tâm sử dụng", tài khoản này giới thiệu.
Tại một tài khoản Facebook khác, người này giới thiệu loại thuốc Nhức khớp tê bại hoàn có tác dụng để bổ thận, bổ khí huyệt, hoạt huyết, trị đau nhức xương khớp loại thoái hóa nặng. Người này cho rằng, đã dùng hơn một năm thấy hiệu quả nên nhập loại thuốc này để bán cho những ai có nhu cầu. Trong khi đó, vào sáng ngày 20/4, tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP Hà Nội trên các phố Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), các chủ tiệm đều tỏ ra cảnh giác khi được hỏi về thuốc “Nhức khớp tê bại hoàn” của Đông Nam Dược Đại An. Tuy nhiên, tại nhà thuốc T.T trên phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội), khi nghe PV hỏi mua thuốc “Nhức khớp tê bại hoàn”, một trong số 3 nữ dược sĩ có mặt tại quầy thuốc nhanh nhảu cho biết "có bán". Nhưng chưa đầy một phút sau, các nữ dược sĩ ra “ám hiệu” cho nhau, sau đó yêu cầu PV cho xem hình ảnh mẫu thuốc trực tiếp. PV tiếp tục hỏi về giá của một hộp Nhức khớp tê bại hoàn, một nữ dược sĩ trả lời “chưa biết”, đồng thời nhanh chóng hứa hẹn với PV sẽ "ghi lại tên và số điện thoại, nếu có chị sẽ gọi em”. Trước đó, mẫu thuốc mang tên Nhức khớp tê bại hoàn được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc-Mỹ phẩm-Thực phẩm Bến Tre lấy tại Cơ sở Y học cổ truyền Vạn An Đường (thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre), sau đó gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM kiểm nghiệm với kết quả dược liệu này có chứa thành phần Paracetamol. Trong khi đó, căn cứ kết quả xác minh, đối chiếu dữ liệu về đăng ký thuốc tại Cục Quản lý dược cho thấy, Cục không cấp giấy đăng ký lưu hành cho thuốc mang tên Nhức khớp tê bại hoàn có thông tin trên nhãn: SDK: VD-93312-16, nơi sản xuất: Cơ sở Đông Nam Dược Đại An (40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội). Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng thuốc "Nhức khớp tê bại hoàn" của Cơ sở Đông Nam Dược Đại An có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
19. Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai triển khai dự án Kết nối giữa các cơ sở y tế và trại giam trong việc phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS: Điều trị HIV/AIDS đang là vấn đề được xã hội quan tâm, đặc biệt, việc điều trị cho những phạm nhân trong trại giam bị nhiễm HIV/AIDS là thách thức lớn. Việc điều trị HIV/AIDS hiệu quả cho những phạm nhân cần có sự kết nối giữa các cơ sở y tế và trại giam. Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có gần 8.000 bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS tích lũy từ năm 1993 đến nay. Trong đó, gần 4.300 số bệnh nhân được quản lý, hơn 1.100 số bệnh nhân không tìm thấy, số còn lại đã tử vong. Các trại giam trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 130 phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS và đang gặp khó khăn trong quá trình điều trị. Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Cục Phó Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay, việc điều trị HIV/AIDS cho người bị nhiễm đã được tiến hành rộng rãi trong toàn xã hội. Tuy nhiên, ở các trại giam, việc điều trị cho những phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS còn nhiều khó khăn.Những phạm nhân ở trong trại giam không có điều kiện được chăm sóc, điều trị như người bình thường.Tất cả dịch vụ những phạm nhân trong trại giam có được đều phải nhờ các cơ sở y tế, cộng đồng giúp sức, hỗ trợ. Do đó, việc liên kết hỗ trợ điều trị, kết nối giữa các cơ sở y tế và trại giam là một trong những giải pháp cần thiết để điều trị cho phạm nhân nhiễm HIV/AIDS. Ngày 18/4 vừa qua, Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai thành lập dự án Kết nối giữa các cơ sở y tế và trại giam trong việc phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Theo dự án, cán bộ y tế của phòng điều trị HIV ngoại trú thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai sẽ phối hợp với cán bộ ở các trại giam để cung cấp thuốc và dịch vụ phòng chống HIV cho phạm nhân bị nhiễm ở trại giam. Tất cả mọi chi phí sẽ được Tổ chức AHF hỗ trợ, phạm nhân không phải bỏ bất kỳ chi phí nào. Ông Chhim Sarath, Giám đốc Tổ chức AHF khu vực châu Á cho biết, việc hợp tác, hỗ trợ trong điều trị HIV là một trong những giải pháp để chia sẻ khó khăn với Việt Nam. Hiện tại, Tổ chức AHF đã triển khai hợp tác với 11 trại giam và hai trung tâm cai nghiện ở Việt Nam, tập trung ở những tỉnh, thành có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao. Đồng Nai là 1 trong 13 địa phương nhận được sự tài trợ của Tổ chức AHF trong việc điều trị HIV. Ông Chhim Sarath khẳng định, thời gian tới, tổ chức sẽ mở thêm cơ sở khám chữa bệnh, điều trị HIV, hợp tác với nhiều trại giam tại các tỉnh, thành khác như Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh…Đồng thời sẽ xây dựng nguồn ngân sách nhiều hơn để hỗ trợ Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt là phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS được điều trị ngay tại trại giam. Dự án này kéo dài từ nay đến hết năm 2020 nhằm giúp Đồng Nai sớm hoàn thành mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp.
20. Nhân viên Bệnh viện Xanh Pôn bị tống tiền 150 triệu đồng vì làm giấy chuyển tuyến giả: Biết được việc làm giấy tờ chuyển tuyến giả của nhân viên bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Trần Thị Thảo (SN 1974, trú ở phường Chiềng Lề, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn. Được hướng dẫn làm đơn tố giác nhưng Thảo lại đến cơ sở y tế trên tống tiền 150 triệu đồng. Hồ sơ vụ án xác định Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1975) – cựu Kỹ thuật viên xét nghiệm bệnh viện Xanh Pôn, trước khi về làm việc tại đây có thời gian thực tập tại Khoa huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có mối quan hệ với nhiều người ở đây. Cuối năm 2016, Thủy được đồng nghiệp nhờ chuyển BHYT từ Bệnh viện Xanh Pôn lên Bệnh viện Bạch Mai cho 11 trường hợp với chi phí từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người. Thực tế, tất cả các trường hợp chuyển BHYT đều chưa từng điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Cáo trạng truy tố chỉ ra: Thủy bàn với đồng nghiệp cùng bệnh viện là Trần Thanh Vân (SN 1979), từng là y tá Khoa Khám bệnh nhập dữ liệu của các trường hợp chuyển BHYT vào hệ thống bệnh viện, sau đó bàn tính khắc dấu giả Bệnh viện Xanh Pôn để hoàn tất thủ tục chuyển tuyến. Theo chỉ dẫn của Vân, Thủy thuê Trần Thị Thảo (SN 1974, trú ở phường Chiềng Lề, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) là cò mồi tại khu vực Bệnh viện Xanh Pôn đi scan dấu giả Bệnh viện này vào các giấy tờ chuyển BHYT. Tổng cộng, các đối tượng đã tự làm 20 giấy chuyển BHYT nhưng một số giấy tờ không sử dụng được. Về sau, khi thấy Thủy và Vân đã hoàn tất việc chuyển giấy tờ BHYT giả giúp đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai thì Thảo bắt đầu nảy sinh ý đồ “tống tiền” Bệnh viện Xanh Pôn. Thảo gặp luật sư nhờ tư vấn sau đó đến bệnh viện Xanh Pôn ra giá 150 triệu đồng. Chiều ngày 18/7/2016, trong lúc Thảo đang nhận tiền thì bị cơ quan công an bắt quả tang. Quá trình bị điều tra, Thủy khai cũng bị Thảo liên tục đe dọa “tống tiền” 85 triệu đồng. Với hành vi phạm tội như trên, Trần Thị Thảo bị cáo buộc về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Thảo từng phải thi hành 26 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và có 1 tiền sự.Còn hai cựu nhân viên bệnh viện Xanh Pôn là Nguyễn Thị Thu Thủy và Trần Thanh Vân bị cáo buộc phạm tội “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức”. Ngày 20/4, TAND Hà Nội đưa vụ án ra xét xử. Nguyên đơn dân sự là đại diện bệnh viện đa khoa Xanh pôn, đại diện bệnh viện Bạch Mai đều có mặt. Bị cáo Thảo thừa nhận hành vi phạm tội.
21. Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xử lý hành chính và dừng hoạt động cơ sở nha khoa hoạt động không phép: Sáng 20/4, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết vừa phối hợp với Phòng Y tế quận 9 tiến hành kiểm tra đột xuất Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt tại địa chỉ 1242 Nguyễn Duy Trinh (phường Long Trường, quận 9). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận bà Nguyễn Thị Thanh Thúy đang điều trị cho các bệnh nhân. Do bà Thúy không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động theo yêu cầu, đoàn buộc bà Thúy ngưng ngay hoạt động khám chữa bệnh khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Thanh tra Sở Y tế đã xử lý vi phạm hành chính và đề nghị Phòng Y tế quận 9 giám sát việc tháo dỡ bảng hiệu, dừng hoạt động của cơ sở này.
22. Bác sỹ khuyến cáo không được chủ quan với bệnh dại: Dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu là qua các vết cắn, cào do động vật mang vi rút dại gây ra. Tất cả các trường hợp đã lên cơn dại đều dẫn đến tử vong. Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tại Việt Nam, trên 90% ca bệnh dại do chó gây ra, một số ít lây qua mèo và các động vật khác. Trong năm 2017, cả nước đã có 74 người chết vì bệnh dại, và trong 3 tháng đầu năm cũng đã có 16 người chết vì bệnh dại. Tại TP.HCM, từ năm 2017 cho đến nay, có 1 người tử vong vì căn bệnh này. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). BS Lê Hồng Nga khuyến cáo, đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng có thể phòng chống và điều trị dự phòng được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thế nhưng nhiều người dân vẫn còn chủ quan, dù bị súc vật cắn nhưng không đi chích phòng bệnh dại, do nghĩ là chó nhà nuôi đã được tiêm phòng. Các bác sĩ cảnh báo, dù chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại đầy đủ thì khi bị cắn hoặc cào hoặc liếm trên vùng da bị trầy xước, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương, sau đó đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn, xử trí vết thương và tiêm phòng dại kịp thời, theo đúng chỉ định. Tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe của con chó, mèo trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn, nếu con vật bị bệnh, bị mất hoặc bị chết thì thông báo ngay cho cơ sở tiêm phòng dại để được tư vấn. Trong trường hợp bị chó hoang, mèo hoang không rõ lai lịch cắn, thì cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để tiêm phòng bệnh dại
23. Hội nghị Sản Phụ Khoa lần III tại Cần Thơ: Ngày 19/4, Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ đã tổ chức thành công “Hội nghị Sản phụ khoa – Lần III”.Hội nghị với sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ các khu vực trong và ngoài TP Cần Thơ. Tham dự Hội nghị có ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, BS.CKII. Lê Hùng Dũng – Nguyên Chủ tịch Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, GS.TS.BS.Đặng Vạn Phước Chủ tịch Hội Tim mạch học TPHCM, GS.BS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM, GS.TS.BS.Trần Thị Lợi – Trưởng Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y – ĐHQG TP.HCM, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung – Chủ tịch Hội Phụ Sản TP.HCM, TS.BS.Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc BV Hùng Vương cùng rất nhiều chuyên gia uy tín khác và toàn thể đại biểu là đại diện của các lãnh đạo Ban, Ngành, Hội, Ban giám đốc các Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Sản Nhi 12 tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long, cùng các đơn vị, Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.Cần Thơ. Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch thường trực UNBD TP.Cần Thơ biểu dương Bệnh viện Phụ Sản TP.Cần Thơ. Trong năm qua công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào bảo vệ, chăm sóc sinh sản ngày càng được nâng cao. Bệnh viện cũng đã làm tốt vai trò điều trị và kết nối, tạo điều kiện để cán bộ y tế trong vùng được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau tại Hội nghị nghiên cứu khoa học. Đồng thời, cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác của các đơn vị, giáo sư đầu ngành sản phụ khoa đã truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức cho ngành Y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân TP.Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Hội nghị gồm 7 phiên với 39 đề tài nghiên cứu khoa học.Bệnh viện Phụ Sản TP.Cần Thơ có 15 bài báo cáo với nhiều đề tài nghiêm cứu mang tính thời sự trong công tác điều trị, chăm sóc người bệnh.Sự kiện là diễn đàn giao lưu, cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. BS.CKII.Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản TP.Cần Thơ đại diện đơn vị tổ chức cho biết “Hội nghị là sự kiện thường niên của ngành Y tế, Bệnh viện Phụ Sản tổ chức định kỳ hằng năm. Đây cũng là cầu nối quy tụ các chuyên gia đầu ngành Sản Phụ khoa, đội ngũ Y, Bác sĩ tham gia chia sẻ, thảo luận về công trình nghiên cứu khoa học góp phần ứng dụng vào thực tiễn lâm sàng nâng cao chất lượng khám, điều trị hướng đến sự hài lòng của người bệnh”.Tại Hội nghị BS.CKII.Nguyễn Hữu Dự đã gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác của các đơn vị và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Phát biểu bế mạc, GS.TS.BS.Trần Thị Lợi – Trưởng Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y-ĐHQG TP.HCM hài lòng và đánh giá cao công tác tổ chức cũng như chất lượng khoa học với nhiều báo cáo phong phú, đa dạng cập nhật những tiến bộ vượt bậc thuộc các lĩnh vực Sản Phụ khoa. Qua đó có thể khẳng định năng lực và thương hiệu Bệnh viện Phụ Sản TP.Cần Thơ, xứng đáng là “Nơi gửi trọn niềm tin”.
24. Đề nghị xử lý nghiêm vụ Nước uống Collagen Edally lưu hành trái phép: Theo Luật sư Trần Đại Phong - Công ty Luật TNHH Khang Thái - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, sự việc nước uống Collagen Edally lưu hành trái phép cần phải xử phạt nghiêm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không để lặp lại hệ quả “cà phê trộn lõi pin” gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng cả thời gian dài mới bị phát giác. Luật sư Trần Đại Phong cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng - TPCN) là loại thực phẩm thông thường nhằm cung cấp các vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, Khoản 1, Điều 2, Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Food Supplement, Dietary Supplement) là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây: a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác; b) Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.” Trong nước uống Collagen Edally có chứa thành phần chính là collagen và các vitamin đã được chế biến dưới dạng lỏng. Do vậy, theo quy định trên nước uống Collagen Edally là một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trước khi lưu thông trên thị trường, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được công bố hợp quy và đăng ký hợp quy (đối với sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật); hoặc phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật). Như vậy, trong trường hợp nước uống Collagen Edally đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế. Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải được công bố phù hợp an toàn thực phẩm và đăng ký công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế trước khi lưu hành. Trước những thông tin về việc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ sản xuất Hòa Bình lưu hành sản phẩm nước uống Collagen Edally trái phép trên thị trường, Luật sư Phong cho biết, cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo quan điểm của Luật sư Phong, TPCN là một sản phẩm được người dùng tiêu thụ trực tiếp vào cơ thể, gây ảnh hưởng nhất định tới chức năng của cơ quan trong cơ thể nên tổ chức, cá nhân kinh doanh TPCN phải có trách nhiệm hoàn thiện đầy đủ hồ sơ về công bố an toàn thực phẩm và đăng ký hợp quy để chứng minh sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng. “Vừa qua, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại một cơ sở thu mua nông sản đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê. Sự việc đang được điều tra để làm rõ thêm nhưng đã khiến dư luận bàng hoàng vì hành vi coi thường sức khỏe người tiêu dùng của chủ cơ sở. Theo khai nhận ban đầu của các đối tượng, cơ sở này đã xuất bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê tại thị trường tỉnh Bình Phước, còn con số thực tế là bao nhiêu vẫn đang cần được làm rõ. Quay trở lại với vấn đề lưu hành TPCN trái phép của Công ty Hòa Bình, những hành vi lưu hành sản phẩm trái phép cần phải được xử phạt nghiêm minh. Thị trường TPCN ngày càng nở rộ, kèm theo đó là sự hỗn loạn giữa những sản phẩm có chất lượng và kém chất lượng. Cũng giống như vụ việc cà phê trộn lõi pin, khi bị phát giác, sản phẩm đã được phân phối ra thị trường. Những lô sản phẩm trái phép đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có những hình thức xử phạt nghiêm minh với những hành vi lưu hành sản phẩm không phép để không để lặp lại hệ quả cà phê trộn lõi pin”, Luật sư Phong chia sẻ.
25. Bồi dưỡng kỹ năng viết bài tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá: Bộ TT&TT phối hợp cùng với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge) đã tổ chức buổi hội thảo cung cấp thông tin và Hội nghị tập huấn kỹ năng viết bài tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các phóng viên, biên tập viên vào ngày 19/4 tại TP.HCM. Tại Hội nghị bà Nguyễn Hạnh Nguyên – Chuyên gia Trung tâm HealthBridge Canada tại Việt Nam đánh giá: “Hiện nay báo chí viết về tác hại thuốc lá hàng ngày nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống mà báo chí chưa quan tâm khai thác như: Giá thuốc lá quá rẻ, chính sách thuế thuốc lá yếu; mua thuốc lá quá dễ, chính sách kiểm soát các điểm bán hạn chế; quảng cáo thuốc lá tràn lan tại các điểm bán, vi phạm trắng trợn Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL); sự can thiệp của các công ty thuốc lá, vi phạm điều 5.3 PCTHTL; hay thực thi chính sách, pháp luật về PCTHTL chưa nghiêm; …” Theo bà Hạnh Nguyên, những hạn chế của truyền thông của báo chí về PCTHTL là đang mang màu sắc và cảnh báo quá nhiều, thiếu cách tiếp cận cùng những thông điệp mang tính thúc đẩy hành động khuyến khích hành vi tốt. Bên cạnh đó, nhiều bài báo sử dụng số liệu và bằng chứng từ nhiều nguồn không đáng tin cậy.
Điển hình khảo sát của Trung tâm và đầu tư quốc tế (ITIC) năm 2012 về tình trạng buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam cùng với thông điệp “tăng thuế làm gia tăng buôn lậu, giảm sản xuất, thất thu ngân sách” được đăng tải và trích dẫn trong hàng loạt bài báo. Tuy nhiên sự thật đằng sau báo cáo của ITIC lại được tài trợ bởi công ty thuốc lá đa quốc gia Phillip Moris và được xây dựng trên các điều khoản tham chiếu được thỏa thuận với công ty này. Phương pháp nghiên cứu không đảm bảo tính khoa học, mẫu nghiên cứu không đại diện, mô hình ước tính chưa tính toán đầy đủ tác động của các yếu tố, … Theo báo cáo của Trung tâm HealthBridge Canada, thời gian vừa qua hành vi vi phạm liên quan đến Luật PCTHTL, vi phạm truyền thông hoạt động tài trợ, trách nhiệm xã hội, … của báo chí Việt Nam ngày càng nhiều. Cụ thể, năm 2014 có 12 tin bài vi phạm, năm 2015 có 16 tin bài vi phạm, năm 2016 có 46 tin bài vi phạm, năm 2017 có 28 tin bài vi phạm. Theo ông Lê Quang Tự Do (Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT – Bộ Thông tin & Truyền thông), “Hiện nay đề tài PCTHTC chưa được các báo đi sâu giống như các đề tài về giao thông, cướp, giết, hiếp, suy đồi đạo đức, ... Hiện có nhiều nhân vật, sự đau đớn của những bệnh nhân do tác hại thuốc lá đưa tới chưa được khai thác, nên các bài viết về PCTHTL chưa thu hút được bạn đọc.” “Cách viết mang tính áp đặt, buộc tội, phê phán, … rất khó thuyết phục người đọc. Chính vì thế rất cần các phóng viên, nhà báo thay đổi kỹ thuật viết, làm sao cho người đọc dễ hiểu, dễ thuyết phục, có tính lan truyền cao” – Phó Cục trưởng Lê Quang Tự Do nói. Ngày nay, vai trò báo chí truyền thông trong PCTHTL là rất quan trọng không thể phủ nhận.Tuy nhiên, để làm tốt hơn trách nhiệm của mình, báo chí cần tăng cường phát huy và đổi mới trong truyền thông. Tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan PCTHTL và cơ quan báo chí. Đặc biệt, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc giám sát các vi phạm về quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị của các công ty thuốc lá trên báo chí.
II.THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI
26. Các nhà khoa học Mỹ và Úc phát kiến keo chữa lành vết thương trong 60 giây: Các nhà khoa học Australia và Mỹ đã phát triển một loại keo phẫu thuật dễ co giãn nhanh chóng khô ráo chỉ trong 1 phút, tạo ra sự thay đổi khả thi và nhanh chóng vết khâu và làm liền vết thương, Báo Thổ Nhĩ Kỳ Daily Sabah hôm 20-4 cho biết. Vết khâu và chỉ khâu cũng có thể tăng nguy cơ gây tổn thương, nhiễm trùng mô/nội tạng, quy trình này không phải lúc nào cũng có bác sĩ, đặc biệt ở khu vực khó tiếp cận, mô mong manh, dễ vỡ như tim, phổi và động mạch. Trong nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Khoa học Diễn dịch, các nhà nghiên cứu cho biết họ đang phát triển một loại keo phẫu thuật kết dính cao, nhanh khô ráo có thể chữa lành mô bị tổn thương. Các nhà nghiên cứu cho biết họ muốn phát triển một loại keo phẫu thuật kết dính cao, nhanh khô ráo có thể chữa lành mô bị tổn thương. Trong khi một số loại keo y tế hiện nay thường có độ kết dính kém, và đặc biệt không đàn hồi, thường không được sử dụng trong điều kiện ẩm ướt hoặc vị trí cơ học đầy phức tạp trong cơ thể. Những loại keo có sẵn hiện nay không thích hợp cho hầu hết ứng dụng phẫu thuật và chúng không thể tự hoạt động nếu không cần khâu hoặc ghim, bởi vì chúng thiếu sự kết dính, tính đàn hồi, sự kết dính mô và độ bền. "Bằng cách sử dụng chuyên môn trong lĩnh vực vật liệu y học tái tạo, chúng tôi có mục đích tạo ra một sự khắc phục thật sự cho vấn đề này thông qua nỗ lực đa ngành cùng với nhiều bác sĩ và nhà khoa học sinh học”, PGS.TS Ali Khademhosseini, Viện Khoa học Kỹ thuật Sinh học Wyss (Đại học Havard). Keo được đặt tên MeTro là một loại hydrogel được làm từ tropaelastin, một loại protein tự nhiên trong cơ thể người. Nó có thể trực tiếp được áp dụng để chữa lành về thương bất kể điều kiện ẩm ướt, và sau khi được kính hoạt với tia cực tím (UV), nó sẽ dần chắc lại để tạo ra “một con dấu hoàn chỉnh” - tức làm kín miệng vết thương chỉ trong vài giây. “Khi quan sát Metro, bạn có thể nhìn thấy nó hoạt động giống như một loại chất lỏng, lấp kín khe hở và bịt kín miệng vết thương”, GS. Anthony Weiss, Đại học Charles Perkin ở Sydney, Australia cho biết, và so sánh việc áp dụng Metro với “dán kín phong bì”. “Nó phản ứng tốt về mặt sinh học, và tương tác chặt chẽ với mô trong cơ thể người để thúc đẩy việc làm lành vết thương”, ông cho biết thêm. Loại keo này còn có một loại enzym tích hợp cho phép nó tự phân hủy theo thời gian, có thể từ vài giờ đến vài tháng, không hề có bất kỳ dấu hiệu ngộ độc. Tùy thuộc vào loại và vị trí vết thương, keo sẽ kết dính trong bao lâu, các nhà khoa học cho biết. "Chúng tôi nhận thấy Metro có thể giải quyết nhiều vấn đề mà các loại keo y tế có sẵn hiện nay không thể.Bây giờ chúng tôi sẵn sàng chuyển giao nghiên cứu để thử nghiệm trên người. Tôi hy vọng MeTro sẽ sở được sử dụng trong lâm sàng, cứu mạng sống con người”, ông Weiss chỉ ra tiềm năng vô hạn của keo. Loại keo mang tính cách mạng, vẫn đang chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng trên người, dự kiến có thể dùng điều trị vết thương trong 3 năm tới, theo Daily Sabah.
27. Những hiểu nhầm về vai trò của chất Nicotine với các bệnh liên quan đến thuốc lá: Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Công cộng Anh (Public Health England-PHE) thuộc Chính phủ Anh, chỉ ra rằng đã có “nhiều sự hiểu nhầm trong cộng đồng” về nicotine. Thuốc lá chứa nicotine, một chất gây nghiện, vốn giúp người hút thuốc cảm thấy hưng phấn, kích thích não bộ hoạt động nhanh nhạy khiến con người tỉnh táo, tập trung cao độ, suy nghĩ ra những ý tưởng tốt hơn. Và là chất gây nghiện nên khi cơ thể không được nạp lượng nicotine như thường lệ thì ắt hẳn sẽ đòi hỏi, dẫn đến những triệu chứng như mất ngủ, đau đầu, khó chịu, thèm thuốc … Thế nhưng, bên cạnh việc gây nghiện, nicotine có phải là nguyên nhân chính gây ra những căn bệnh liên quan đến thuốc lá như người ta vẫn tưởng hay không? Theo nghiên cứu của Viện Y tế và Chăm sóc Sức khoẻ Quốc gia Anh, các độc tố và chất gây ung thư trong khói thuốc lá - chứ không phải nicotine - mới là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong. Các chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đồng ý rằng, những hợp chất độc hại được tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đễn các bệnh liên quan đến hút thuốc như ung thư phổi cùng các bệnh về tim mạch chứ không phải nicotine. Quá trình đốt cháy điếu thuốc lá được diễn ra ở nhiệt độ cao (từ 600 – 900 độ C) dẫn đến sự đốt cháy hoàn toàn lá thuốc bao gồm cả đốt cháy các hợp chất dễ bay hơi và đốt cháy tạp chất từ than, cuối cùng tạo ra một lượng tàn tro tương ứng. Các nhà nghiên cứu ước tính khói thuốc lá có chứa 7,357 hợp chất hóa học thuộc nhiều loại khác nhau. Khoa học thừa nhận rộng rãi rằng có khoảng 60 loại hóa chất chính sinh ra từ quá trình đốt cháy của thuốc lá là độc hại và gây ung thư. Trong báo cáo mới nhất của PHE, ít hơn 10% số người trưởng thành hiểu đúng về nicotine. Vì khả năng gây nghiện, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng những biện pháp để kiểm soát nicotine bằng cách quy định liều lượng nicotine trong các sản phẩm thuốc lá. Năm 2009, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ FDA Hoa Kỳ đã giành được quyền hạn chế -nhưng không loại bỏ- nicotine trong thuốc lá điếu với việc thông qua Đạo luật kiểm soát thuốc lá. Mới đây, FDA đã đề xuất một quy tắc mới để hạn chế lượng nicotine trong thuốc lá bán ở Mỹ như là một mũi xung kích đầu tiên của cuộc tấn công vào tính chất gây nghiện của sản phẩm này.Đây là "một động thái lịch sử và sẽ là một đòn giáng mạnh vào Big Tobacco" nhưng còn cần một quá trình lâu dài để xây dựng nguyên tắc. TS Benowitz TS Neal Benowitz (Đại học California San Francisco) nói rằng ông "lạc quan một cách thận trọng", rằng nếu đạt được kết quả, quy tắc của FDA có thể làm giảm đáng kể tác hại của việc hút thuốc, cùng với những sáng kiến khác. "Cá nhân tôi nghĩ rằng sự sẵn có của thuốc lá điện tử hoặc các sản phẩm an toàn khác sẽ làm cho cách tiếp cận này trở nên dễ dàng hơn đối với người hút thuốc, và thành công hơn vì người ta sẽ không nghĩ là nicotine bị cấm sử dụng”, ông cho biết.