Điểm tin y tế ngày 13/4/2017

14/04/2017 | 02:19 AM

 | 

I.THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về phát triển dược liệu Việt Nam: "Đất nước ta núi rừng bao la, cây dược liệu phát triển ở mọi miền.Phát triển ngành dược liệu không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể mang lại sự giàu có cho một bộ phận người dân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam sáng 12/4 tại Lào Cai. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành tại các đầu cầu. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định điều kiện tự nhiên ở Việt Nam là tiềm năng to lớn để phát triển nhiều loại dược liệu, đặc biệt là nhiều loại dược liệu quý.Thủ tướng cũng nhận định chúng ta có thị trường rộng lớn để tiêu thụ, cả trong nước và xuất khẩu. “Trên thế giới có đến 80% dân số sử dụng y học cổ truyền thì ở Việt Nam, như Bộ Y tế trình bày, thuốc từ cây dược liệu trong nước phải chiếm ít nhất 30%. Đây là một cơ hội lớn để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển. Đó là chưa tính đến dược liệu dùng trong ăn uống hằng ngày, bồi bổ sức khỏe” - Thủ tướng nói. Thủ tướng đánh giá cao một số địa phương đã quan tâm và có sự thành công trong một số sản phẩm cây dược liệu như nghệ, atiso, quế, sản phẩm từ cây sâm ngọc linh… nhưng đây chỉ mới là bước đầu và cần phát triển hơn nữa. Còn với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 3 thành phố trực thuộc trung ương nước ta, tuy không phải là nơi sản xuất nhiều nhưng là những điểm trung tâm bào chế thành phẩm có giá trị của cây dược liệu ở khâu cuối cùng. Thủ tướng cũng nêu rõ: “Phát triển ngành dược liệu phải gắn với các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp dược để chế biến tiết kiệm, có hiệu quả, bao bì đẹp, quảng bá mạnh mẽ là cách làm chúng ta cần đặt ra hiện nay. Chúng ta phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra quốc tế”. Trước thực trạng quy mô phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại, Thủ tướng yêu cầu phải thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, ở từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt y tế, để chú trọng tập trung phát triển. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.Cùng với đó, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, đặc biệt là sản xuất, chế biến, sử dụng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan chú trọng bảo tồn nguồn gen, phát triển dược liệu quý hiếm, hỗ trợ, phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền…, thu hút đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn. “Dược liệu làm thuốc chữa bệnh thì phải chặt chẽ trước khi áp dụng, còn thuốc bồi bổ thì phải phổ cấp cho nhân dân.Ngoài ra, ngành y tế phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng thuốc dược liệu, y học cổ truyền, khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

2. Bộ Y tế yêu cầu điều tra nguyên nhân khiến bé 1 tháng tuổi ở Đắk Lắk tử vong: Chiều 14/4, Bộ Y tế gửi công văn khẩn tới Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, yêu cầu báo cáo về trường hợp tử vong của bé trai 1 tháng tuổi sau nửa ngày nhập viện điều trị Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Theo gia đình bệnh nhân, chiều ngày 4/4, gia đình thấy bé T. có biểu hiện bú ít, hơi khó chịu nên đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk để khám. Tại đây, do gia đình vào viện lúc 17h nên các bác sĩ bảo sẽ khám ngoài giờ cho bé. Lúc này, có một bác sĩ tới đo tim, phổi rồi kết luận bé bị viêm phổi và yêu cầu xét nghiệm máu cho bé. Người nhà cho biết, sau khi bác sĩ vừa rút kim tiêm lấy máu bé để đi xét nghiệm thì có một bác sĩ nữ gọi bế bé sang phòng rồi chích liên tiếp 3 mũi vào người bé dù chưa hề có kết quả xét nghiệm. Đến khoảng 19h cùng ngày, bé lại được bác sĩ chích tiếp 1 mũi vào đùi. Tới rạng sáng ngày (5/4) do bé vẫn còn tỏ vẻ khó chịu trong người nên bà ngoại bé bế đi dạo trong bệnh viện. Khi gặp một nữ bác sĩ, bà có xin cô này cho đi đo nhịp tim, huyết áp nhưng bác sĩ này lại tiêm thêm 1 mũi nữa vào người con tôi. Sau đó, thấy bé không đỡ mà rên rỉ, gia đình đã báo bác sĩ nhưng được trả lời gần sáng cho đi chụp phim. Đến 5h sáng, thấy bé thở yếu, gia đình bế bé sang bác sĩ, ngay lập tức bé được cho thở bằng ô xi, cấp cứu nhưng bé đã tử vong. Gia đình bệnh nhân cho rằng bé chết oan ức, chỉ 12 tiếng đồng hồ vào viện rồi tử vong nên đã báo công an. Trước những thông tin phản ánh này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẩn trường xác minh thông tin trên. Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng về trường hợp tử vong trên cần sớm hop hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình chăm sóc, theo dõi và xử trí đối với trẻ tại Bệnh viện đa khoa huyện M’Đrắk để có kết luận và hướng giải quyết cũng như trả lời gia đình bệnh nhân và công luận. Kết quả giải quyết báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 17/4. Ngày 11-4, một lãnh đạo Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết vẫn chưa có kết luận nguyên nhân tử vong của cháu V.Đ.T (hơn 1 tháng tuổi) con anh Vũ Văn Hiếu (SN 1987, tạm trú tại thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk). Trước đó, ngày 5/4 sau khi nhận được tin báo của gia đình anh Hiếu, cơ quan chức năng huyện M’Đrắk đã tiến hành khám nghiệm tử thi, thu thập hồ sơ tài liệu để điều tra làm rõ cái chết của cháu T trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk.

3. Thông báo kết luận nguyên nhân tử vong của thai phụ sau sinh mổ ở Sóc Trăng: Liên quan đến vụ việc thai phụ tử vong sau khi sinh mổ, ngày 12/4, Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã thông tin đến các cơ quan báo chí về nguyên nhân tử vong của sản phụ từ kết quả, biên bản làm việc của Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh. Theo kết quả họp của Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh, về mặt lâm sàng từ khâu nhận định tình trạng bệnh, đến khâu chuẩn bị mổ và khi hồi sức cấp cứu, diễn biến bệnh tình của thai phụ Trà Thị Bích Liên tương tự bệnh cảnh thuyên tắc ối. Diễn biến bệnh của thai phụ có hai yếu tố nguy cơ dẫn đến thuyên tắc ối: Thai phụ được chẩn đoán là nhau tiền đạo trung tâm và những chấn thương cho cơ tử cung khi mở tử cung để lấy thai, làm mở toang các mạch máu. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bá Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay  thuyên tắc ối được gọi chung là Hội chứng phản vệ trong thai kỳ vì bệnh cảnh diễn ra giống như một dị ứng toàn thân với nhiều lý do, mà một trong những lý do là do nước ối đi vào trong lòng mạch gây nên những phản ứng.  Thuyên tắc ối là một bệnh rất hiếm. Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong do bệnh này lên tới 70%. Tỷ lệ tử vong chung cho bệnh này là 80 - 90%. Cơ hội cứu sống bệnh nhân rất thấp.  Về trường hợp của thai phụ Trà Thị Bích Liên, thai phụ có diễn biến từ phù phổi cấp đến tím tái phù hợp với diễn biến sốc phản vệ trong thai nhi giai đoạn đầu tiên khởi phát, với dấu hiệu sốc phản vệ trong thai kỳ sau đó, dẫn đến hội chứng rối loạn đông máu và cuối cùng bệnh nhân đi vào hôn mê. Diễn tiến theo trình tự giống hệt như một thuyên tắc động mạch phổi, bệnh cảnh cuối cùng là rối loạn đông máu và chảy máu. Do đó, kết quả chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến tử vong của thai phụ là do sốc phản vệ trong thai kỳ (thuyên tắc ối) và mất máu cấp gây ra tử vong. Kết quả kết luận cuối cùng sẽ dựa vào kết quả giải phẫu bệnh của Viện Pháp y Quốc gia. Từ kết quả cuộc họp, Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh đã kiến nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tiếp tục quan tâm chia sẻ với gia đình thai phụ, chăm sóc tốt cho con của thai phụ, hiện vẫn đang được chăm sóc tại bệnh viện. Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức kiểm thảo tử vong theo đúng quy chế bệnh viện, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm qua cấp cứu điều trị đối với trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc ối khi sinh. Trước đó, ngày 11/4, Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh gồm lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi và Công an tỉnh Sóc Trăng đã họp để xác định nguyên nhân tử vong của sản phụ Trà Thị Bích Liên. Hội đồng đã được cung cấp thông tin về những diễn biến lâm sàng của thai phụ và sự nỗ lực cứu chữa người bệnh của đội ngũ bác sĩ Chuyên khoa Sản - Nhi. Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bá Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: “Đứng về thái độ xử trí, Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi chỉ định cắt tử cung là phù hợp để đề phòng rối loạn đông máu gây chảy máu.  Lãnh đạo bệnh viện có mặt kịp thời, xử trí tích cực, khẩn trương.Tinh thần phối hợp với bệnh viện đa khoa tỉnh rất tốt, đã chuyển bệnh nhân về tới bệnh viện đa khoa tỉnh với các sinh hiệu được duy trì”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng: "Mặc dù đã tư vấn cho gia đình bệnh nhân trước khi mổ, tiên lường và chuẩn bị máu, đồng thời chia sẻ mất mát với gia đình sau khi bệnh nhân tử vong, song nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ bệnh nhân. Trường hợp này là trăn trở, là bài học kinh nghiệm để ngành Y tế tỉnh cố gắng làm tốt hơn".

4. Bệnh nhi bị teo chân do bác sỹ để sót dị vật trong vết thương: đó là trường hợp cháu Mai Hoàng Thiên Bảo (8 tuổi) ở Lâm Đồng bị teo chân vì bác sỹ để sót dị vật ở vết thương, bác sỹ Huỳnh Văn Thiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa 2 Lâm Đồng cho biết kíp trực của bệnh viện có sai sót khi đã không phát hiện ra dị vật trong chân bệnh nhân Bảo. Kíp trực đã cho bệnh nhân về, hẹn tái khám mà không giải thích rõ với gia đình bệnh nhân là khả năng còn sót dị vật bên trong, điều này khiến gia đình bệnh nhân không lường hết được tình trạng bệnh nên đã không quay lại tái khám theo hẹn. Ban Giám đốc bệnh viện yêu cầu kíp trực và Hội đồng y khoa của bệnh viện tiếp tục làm việc với gia đình để hỗ trợ gia đình và mong nhận được sự thông cảm từ gia đình cháu Bảo.Ngày 12/4, chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (mẹ của cháu Mai Hoàng Thiên Bảo, ngụ xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết gia đình vẫn tiếp tục khiếu nại đến Bệnh viện Đa khoa 2 Lâm Đồng về việc con trai chị bị teo chân do các y bác sỹ đã để sót dị vật trong chân phải của cháu trong quá trình cấp cứu, xử lý vết thương tại bệnh viện này. Theo chị Điệp, vào đầu tháng 12/2016, cháu Bảo đang chơi trước nhà thì bị cửa kính vỡ văng vào chân, chảy rất nhiều máu nên gia đình đã đưa Bảo đến Bệnh viện Đa khoa 2 Lâm Đồng cấp cứu. Một điều dưỡng của bệnh viện đã thăm khám, lau rửa và khâu vết thương, chích ngừa cho cháu Bảo. Sau đó, có một bác sỹ đến khám và cho đơn thuốc. Mặc dù gia đình đã yêu cầu chụp phim, truyền máu cho Bảo nhưng bác sỹ cho rằng vết thương không nghiêm trọng nên cho bé về, hẹn hôm sau tái khám. Do nghĩ vết thương không nghiêm trọng như lời bác sỹ nói nên sau đó, chị Điệp chỉ rửa vết thương và cho con uống thuốc theo chỉ dẫn tại nhà. Tuy nhiên, sau khoảng nửa tháng, chân phải của cháu Bảo không cử động, không thể nhấc lên và không đi được.Gia đình đã cho cháu đi khám tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh.Các bác sỹ chẩn đoán bàn chân phải của cháu “rớt tổn thương hông khoeo ngoài,” phải mổ chuyển gân. Nhưng do chân bị teo nên các bác sỹ chưa thể mổ ngay mà đề nghị gia đình cho Bảo về tập vật lý trị liệu và hẹn 6 tháng sau sẽ mổ. Sau 20 ngày vừa uống thuốc, vừa tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Đa khoa 2 Lâm Đồng, chân phải của cháu Bảo vẫn không đi được, chân ngày càng teo, không thể duỗi thẳng.Thấy tình hình nghiêm trọng, ngày 18/1, chị Điệp lại đưa con về Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh khám, các bác sỹ chẩn đoán chân của Bảo bị đứt dây thần kinh và phải mổ lại vết thương. Khi phẫu thuật, bác sỹ ở đây phát hiện trong chân của Bảo còn 2 mảnh kính dài khoảng 2 cm chèn lên dây thần kinh.Dị vật này cũng khiến dây thần kinh bị đứt, gây ra hiện tượng teo chân và liệt tạm thời.

5. Kết luận thanh tra về vụ hai mươi ngàn viên thuốc đặc trị ung thư bị hết hạn: Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo về kết luận thanh tra của Thanh tra TP về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại ba bệnh viện: Truyền máu huyết học, Ung bướu và Phạm Ngọc Thạch. UBND TP thống nhất với nội dung kết luận thanh tra và đề nghị Sở Y tế, Sở Tài chính và các bệnh viện liên quan chấn chỉnh, kiểm điểm các cá nhân liên quan theo quy định. Việc thanh tra ba bệnh viện này thực hiện cuối năm 2016, kết luận tháng 2/2017. Kết luận thanh tra cho thấy năm 2014 và 2015, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc, hiện vật và tiền của một số đơn vị trong và ngoài nước trị giá gần 819 tỉ đồng. Trong đó viện trợ bằng thuốc Glivec 100mg và thuốc Tasigna 200mg (trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy) cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỉ đồng. Tuy nhiên, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna kéo dài nên đến thời điểm nhập kho thì hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng, dẫn đến bệnh viện còn tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỉ đồng. Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo giao giám đốc Sở Y tế kiểm tra làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt và đề xuất xem xét, hỗ trợ giải quyết cho bệnh viện nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna để có cơ sở xử lý theo quy định… Ngoài ra, giám đốc bệnh viện phải tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót đã nêu trong kết luận. Kết luận thanh tra tại Bệnh viện Ung bướu TP cũng cho thấy trong hai năm 2014-2015, bệnh viện nhận viện trợ hơn 337 tỉ đồng bằng tiền, thuốc và hiện vật của các đơn vị, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thực hiện báo cáo về viện trợ còn chưa đúng quy định. Ngoài ra, bệnh viện còn nhận tài trợ hơn 30 tỉ đồng nhưng sau khi chi cho các hoạt động của hai năm 2014-2015 vẫn còn tồn hơn 6,8 tỉ đồng chưa sử dụng. Cụ thể, bệnh viện mua sắm thiết bị y tế gần 200 triệu đồng từ tiền viện trợ trước khi được Sở Tài chính xác nhận viện trợ là chưa đúng quy trình thẩm định viện trợ; việc mua sắm thiết bị y tế trị giá hơn 858 triệu đồng từ khoản viện trợ bằng chỉ định thầu không đúng quy định. Việc bệnh nhân trả lại 613 viên thuốc Glivec (thuốc viện trợ) không sử dụng nhưng bệnh viện đem cấp cho bệnh nhân khác là không đúng theo thỏa thuận giữa bệnh viện và nhà tài trợ. Bệnh viện chưa tích cực tìm hướng xử lý, để 267 viên thuốc Nexavar (trị giá gần 287 triệu đồng) được viện trợ hết hạn sử dụng dẫn đến phải hủy bỏ, gây lãng phí viện trợ. Đáng lưu ý, bệnh viện tiếp nhận hàng viện trợ từ tháng 3-2014 có trị giá gần 3,4 tỉ đồng khi chưa thật sự có nhu cầu nên đến cuối năm 2015 mới sử dụng gần 29% tổng giá trị hàng viện trợ. Nhiều mặt hàng không có thời hạn sử dụng hoặc không phù hợp nhu cầu nhưng vẫn tiếp nhận…Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Thanh tra TP kết luận hai năm 2014-2015 đã nhận viện trợ 25,5 tỉ đồng (tiền, thuốc, hóa chất, vật tư) từ nước ngoài để thực hiện 24 đề tài nghiên cứu. Bệnh viện còn nhận viện trợ (thuốc, hóa chất) từ Chương trình chống lao quốc gia và Ủy ban phòng chống AIDS trị giá hơn 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, bệnh viện đã tiếp nhận kinh phí thực hiện bốn đề tài cao hơn số tiền UBND TP phê duyệt là 1,14 tỉ đồng nhưng không báo cáo UBND TP là sai quy định. Với 19 đề tài ngưng thực hiện do kết thúc chương tình còn tồn hơn 3,34 tỉ đồng, bệnh viện chưa xử lý đúng. Lãi phát sinh tiền gửi ngân hàng và quy đổi ngoại tệ (gần 516 triệu đồng) từ nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại chưa được lập bổ sung xác nhận viện trợ và kết chuyển vào thu nhập hoạt động… Thanh tra TP đã kiến nghị giám đốc bệnh viện kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có thiếu sót nêu trên. Thanh tra TP kiến nghị UBND TP giao giám đốc Sở Y tế TP chỉ đạo giám đốc các bệnh viện tiến hành rà soát, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và đề xuất hướng xử lý đối với các khoản tài trợ, viện trợ (tiền, hiện vật) còn kết dư hoặc không có nhu cầu sử dụng, các khoản lãi phát sinh tiền gửi ngân hàng… từ nguồn tài trợ, viện trợ. Giao giám đốc bệnh viện chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng viện trợ, tài trợ và mua sắm thiết bị theo đúng quy định; khẩn trương thanh lý tài sản không còn sử dụng để tránh lãng phí; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan những thiếu sót nói trên.

6. Phát hiện nhiều sai phạm tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau: Sở Y tế tỉnh Cà Mau vừa có kết luận phát hiện nhiều sai phạm xảy ra tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh này. Các sai phạm gồm: in tài liệu truyền thông với số tiền hàng chục triệu đồng nhưng không sử dụng được. Nguồn tin từ cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho biết, Sở Y tế tỉnh này vừa có kết luận một số nội dung kiến nghị, phản ánh liên quan đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau. Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm tại đơn vị này. Cụ thể, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau đã in tài liệu truyền thông từ năm 2015 (số tiền 80,5 triệu đồng) vẫn cất trong kho, không sử dụng được vì nhiều lỗi như sai chính tả, địa chỉ, số điện thoại; mua máy cất nước với số tiền 60 triệu đồng từ năm 2007 không đưa vào sử dụng (hiện tại, máy đang để ở Phòng lưu trữ vật liệu trang thiết bị chờ thanh lý - PV); mặc dù test CD4 và Elisa vẫn còn tồn và sử dụng đến hết năm 2017 nhưng đơn vị này lại xuất tiền mua mới làm ảnh hưởng kinh phí hoạt động của đơn vị. Cũng theo kết luận, tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau có nhiều trang thiết bị mua về từ năm 2013 nhưng nhập kho đến gần đây mới đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng có một số thiệt bị không sử dụng được như máy chiếu và máy photo. Khi mua sắm sinh phẩm, hóa chất cho Khoa Xét nghiệm chỉ có trên giấy, khi có phản ứng của cán bộ thì mới trả hàng, đến nay vẫn chưa giao đủ cho Khoa Xét nghiệm. Được biết, ngoài những sai phạm nói trên, lãnh đạo đơn vị này còn bị phát hiện mua hàng giá cao hơn nhiều so với thị trường. Nội dung vụ việc vẫn đang được Sở Y tế tiếp tục xác minh, làm rõ. Trong khi nguồn kinh phí dành cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đang ngày càng hạn hẹp do nguồn đầu tư giảm, thì việc sử dụng lãng phí nguồn lực này ở địa phương là việc rất đáng tiếc. Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết sẽ xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có vi phạm này và sẽ xử lý nghiêm; đồng thời, Sở cũng chấn chỉnh các đơn vị y tế trong tỉnh rà soát lại tình hình cung cấp và sử dụng trang thiết bị y tế, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những những thiếu sót nếu có, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho y tế, nhất là đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Cà Mau.

7. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên doanh nghiệp sản xuất, chế biện thực phẩm không an toàn: Trong thời gian từ 15-4 đến 15-5-2017, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức nhiều hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn thành phố. Cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, thu mua, chế biến, chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn sẽ bị xử lý nghiêm và đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng. Theo kế hoạch thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành, chủ đề của tháng là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Mục tiêu nhằm giải quyết bức xúc hiện nay về việc sử dụng hóa chất hoặc cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trọng tâm là giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ được lập từ cấp thành phố, cấp sở ngành, quận huyện để tổng kiểm tra, rà soát việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Các sở chuyên ngành tùy theo yêu cầu, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế, giết mổ, sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh rau, thịt, thủy sản và rượu. Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra còn tổ chức lấy mẫu giám sát sản phẩm có nguy cơ cao. Sau đó kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng an toàn thực phẩm tập trung vào các nhóm sản phẩm hay sử dụng  phụ gia thực phẩm, chất cấm. Tùy kết quả kiểm tra mà xử lý nghiêm đối với các sản phẩm không an toàn và đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình tổ chức chuyên trách quản lý về an toàn thực phẩm với việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc UBND thành phố, hoạt động như một Sở độc lập có nhiệm vụ quản lý tất cả các vấn đề liên quan an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Với 500 nhân sự, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố được chia thành 6 phòng, ban gồm: Phòng hành chính, Phòng nghiệp vụ, Phòng quản lý nguy cơ và xử lý ngộ độc, Phòng thanh tra, Phòng thông tin truyền thông và Phòng quản lý chất lượng xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

8. Cảnh báo nghiêm trọng về nhiễm khuẩn bệnh viện: Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng được quan tâm, tỉ lệ nhiễm khuẩn giảm xuống. Tuy nhiên vẫn còn những ca nhiễm khuẩn bệnh viện làm cho nhiều công sức của nhiều đơn vị, từ hồi sức, ngoại khoa…đổ sông đổ bể vì bệnh nhân không thể qua khỏi. Tại hội thảo chuyên đề: “Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị chăm sóc tích cực” diễn ra chiều 12/4, PGS Châu cho rằng, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện có nguy cơ rất cao vì quá tải bệnh viện, vì là bệnh viện tuyến cuối đón bệnh nhân đã đi qua rất nhiều cơ sở y tế trước đó. Tại BV Bạch Mai, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện luôn được tăng cường, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng giảm đi, từ 6,1% năm 2006 xuống 5.0% năm 2011. PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Bạch Mai), các đơn vị chăm sóc tích cực là khu vực có nguy cơ nhất nhiễm khuẩn bệnh viện. Bởi đây là nơi tập trung bệnh nhân nặng, hệ thống bảo vệ cơ thể suy giảm, thời gian nằm viện kéo dài và phải chịu nhiều thủ thuật xâm nhập. Tại BV, nhiễm khuẩn phổi gặp cao nhất với 44,7%, tiếp đến là nhiễm khuẩn vết mổ (29,3%), tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn máu. Trong những năm qua, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đã giảm đáng kể.Như với nhiễm khuẩn vết mổ năm 2016 đã giảm 2/3 so với năm 1999. Từ chỗ thực hiện 5- 6 ca mổ/ngày thời điểm đó, đến nay thực hiện khoảng 100 ca phẫu thuật lớn mỗi ngày, nhưng tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ chỉ chiếm 3,7%. Tương tự, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa Hồi sức tích cực, giảm gần 50% so với 10 năm trước). Từ 29 – 30% năm 2002 giảm xuống còn 24,7% sau 6 năm và đến giai đoạn 2014 – 2016 tỷ lệ này còn 13,2%. “Tuy nhiễm khuẩn bệnh viện đã giảm nhưng còn ở mức hơn 2-3 lần so với những nước phát triển.Mục tiêu đặt ra phải giảm nhiễm khuẩn bệnh viện tại khu vực này xuống còn một con số”, PGS Hùng nói. Hầu hết nhiễm khuẩn tại các Đơn vị chăm sóc tích cực gây ra bởi các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Nhiễm khuẩn bệnh viện do kháng sinh, đa kháng kháng sinh rất khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân do làm tăng gấp 2 lần ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong (30-40%). Thực tế, nhiều ca bệnh các thầy thuốc đã nỗ lực, tốn nhiều công sức nhưng vì nhiễm khuẩn bệnh viện, bệnh nhân lại trở nên trầm trọng, thậm chí tử vong. Để giảm thiểu hơn nữa tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, PGS Hùng cho rằng không chỉ ở nhân viên y tế mà cần ý thức thực hiện của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Theo đó, mọi nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các qui trình vô khuẩn trong chăm sóc ở mọi nơi; phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải. Duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải… Đặc biệt cần duy trì kiểm tra, giám sát chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các khoa phòng để tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm nhiễm khuẩn bệnh viện.

9. Phần lớn số ca mắc bệnh ho gà chủ yếu là trẻ dưới 2 tháng tuổi: theo nghiên cứu của các y bác sỹ Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm, tại bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trẻ với chẩn đoán ho gà. Điều đáng lưu ý hiện nay là độ tuổi trẻ em mắc ho gà ngày càng nhỏ tuổi, đáng lưu ý có bệnh nhân nhi mới chỉ 7 ngày tuổi đã mắc bệnh ho gà. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ 13, diễn ra sáng 12/4 tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tìm hiểu đặc điểm dịch tễ bệnh ho gà ở trẻ em mắc bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong hai năm gần đây cho thấy, độ tuổi trẻ mắc bệnh ho gà trung bình là 2 tháng tuổi. Theo kết quả nghiên cứu của các y bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trên 200 bệnh nhân được chẩn đoán ho gà cho thấy, bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chiếm tỷ lệ 37%. Tỷ lệ trẻ chưa được tiêm phòng bệnh ho gà cao, chiếm tỷ lệ gần 90%, trong đó có 88% trẻ đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm. Nguyên nhân là do trẻ dưới 2 tháng tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao, bởi đây là lứa tuổi chưa được tiêm phòng ho gà, trong khi đó, miễn dịch của người mẹ với bệnh ho gà có thể thấp không đủ giúp trẻ phòng được bệnh này trong giai đoạn đầu đời. Vì vậy, nghiên cứu chỉ ra nên tiêm phòng ho gà cho bà mẹ mang thai sau 20 tuần giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ho gà cho trẻ nhỏ. Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, trong những tháng đầu năm đã có 55 trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Đáng lưu ý, có 5 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh ho gà trong tổng số 55 ca mắc bệnh.Tỷ lệ trẻ tử vong cao trong tổng số ca mắc bệnh ho gà là vấn đề đáng lưu tâm để các bậc phụ huynh phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Ho gà là bệnh có thể dự phòng được, tuy nhiên cho đến nay bệnh vẫn là mối đe dọa tính mạng đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì vậy, biện pháp được coi là hiệu quả nhất cho đến nay để giúp làm giảm tỷ lệ mắc và nguy cơ tử vong là cần tiêm phòng đúng lịch cho trẻ nhỏ và phải tiêm phòng nhắc lại cho trẻ lớn. Ho gà là một bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch được lây truyền qua đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm qua giọt nước bọt li ti được bắn ra ở miệng người mang vi khuẩn với tỉ lệ từ 70-100%, nên lây lan nhanh. Trước đây, dịch bệnh ho gà thường xảy ra có tính chu kỳ cứ mỗi 3-4 năm/lần. Ở những quần thể dân cư chưa có miễn dịch, bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Dịch bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ em ở lứa tuổi đi học và trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trẻ em bị mắc bệnh ho gà, nhưng kể từ ngày có vaccine phòng bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh ho gà ở trẻ em đã giảm đi rất nhiều.

10. Phương pháp mới điều trị giãn tĩnh mạch tinh hoàn: Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những bệnh nam khoa không phải hiếm gặp, chúng gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như khả năng sinh sản ở nam giới. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn, dài ra và ngoằn ngoèo một cách bất thường đám tĩnh mạch nằm trong thừng tinh phía trên tinh hoàn do máu của các tĩnh mạch này chảy ngược về chỗ thấp (thay vì về tim), nguyên nhân thường do các van bên trong tĩnh mạch bị hư hoặc do các tĩnh mạch tinh bị chèn ép bởi các tác nhân khác trên đường đi. Có trên 80% trường hợp giãn thừng tinh xảy ra ở bên trái, và là bệnh lý chiếm từ 20-40% những trường hợp vô sinh ở nam giới. Thạc sĩ - bác sĩ (BS) Đỗ Anh Toàn, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch tiết niệu sinh dục, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM), cho biết lần đầu tiên BV Bình Dân đã dùng kỹ can thiệp nội mạch bơm chất keo sinh học (NBCA) chữa trị giãn mạch tinh hoàn cho nam bệnh nhân L.T.T (32 tuổi, Cà Mau). Trước đó, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng bìu trái sưng to và đau nhức kéo dài gây ảnh hưởng chất lượng sống và công việc. Bệnh nhân đã có con và mong muốn có thêm con nữa nhưng tình trạng bộ phận sinh dục sưng đau khiến anh sợ giảm chất lượng tinh trùng. Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn độ III, tinh hoàn trái bằng 3/4 tinh hoàn phải.Xét nghiệm tinh dịch ghi nhận giảm số lượng và khả năng di động của tinh trùng. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nội mạch, các bác sĩ đã dùng một ống thông mạch máu nhỏ chuyên biệt dưới hướng dẫn hình ảnh mạch máu xóa nền (DSA), sau đó chọn lọc mạch máu tinh hoàn giãn để đưa vật liệu vào thuyên tắc hoàn toàn, giúp loại bỏ tình trạng máu ngược dòng từ tĩnh mạch trung tâm về tĩnh mạch tinh hoàn. Theo BS Toàn, giãn tĩnh mạch tinh hoàn là nguyên nhân thường gặp gây giảm sản xuất và giảm chất lượng tinh trùng (mặc dù không phải mọi trường hợp giãn tĩnh mạch tinh hoàn đều ảnh hưởng đến sự sản xuất ra tinh trùng). Bệnh này chiếm 15% ở nam giới (90% bị giãn ở bìu bên trái) và là nguyên nhân của vô sinh nam với tỷ lệ lên đến 40-50%.Có khoảng 20% đàn ông mắc chứng giãn tĩnh mạch tinh sẽ bị hiếm muộn. Tùy theo mức độ và biến chứng của giãn tĩnh mạch tinh hoàn mà bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Còn kỹ thuật thuyên tắc tĩnh mạch tinh hoàn giãn cho kết quả tương tự như phẫu thuật, gúp cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng, tỷ lệ có con sau thuyên tắc từ 32-57%. “Kỹ thuật mới này rất an toàn, tính thẩm mỹ cao vì không có vết mổ, không có biến chứng teo tinh hoàn do tránh được tổn thương động mạch tinh hoàn và tiết kiệm chi phí.…”, BS Toàn cho hay.

11. Bệnh viện E phẫu thuật thành công cho cô gái có cả bộ phận sinh dục nam và nữ: PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện E cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ, 24 tuổi, (Hà Nội) có 2 bộ phận sinh dục (của cả nam và nữ) trên cơ thể. Bệnh nhân là nữ giới nhưng lại có cả cơ quan sinh dục nam. Khi cô còn nhỏ, mọi người trong gia đình nhận thấy bộ phận sinh dục của con lớn hơn những đứa trẻ sơ sinh khác, nhưng khuôn mặt và hình dáng bên ngoài đúng là bé gái nên cũng không bận tâm. Tuy nhiên khi trẻ lớn lên, dù có kinh nguyệt đều đặn nhưng bộ phận sinh dục nam trên cơ thể ngày càng phát triển khiến cô rất mặc cảm và tự ti. Tại bệnh viện E, PGS.TS Tuấn cùng các bác sĩ khoa Phụ sản tiến hành khám và chẩn đoán bệnh nhân bị dị dạng lưỡng tính bộ phận sinh dục. Qua kiểm tra, xét nghiệm, bệnh nhân có đầy đủ cơ quan sinh dục của nữ như buồng trứng trái đúng vị trí (không thấy buồng trứng phải), tử cung hoàn chỉnh và bình thường, có màng trinh, âm đạo. Hai thận bình thường nhưng bên ngoài cơ thể lại có cả âm vật và cả dương vật có chiều dài 4 cm. Đồng thời, vùng xương mu bên phải cách vùng dương vật 5 cm có tồn tại cấu trúc tròn di động giống như tinh hoàn.Dựa trên các yếu tố các bác sĩ khẳng định giới tính bệnh nhân là nữ.Vậy nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nam và chỉnh hình cơ quan sinh dục nữ cho bệnh nhân.Hiện tại bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công và có thể sinh hoạt, làm mẹ như một người phụ nữ bình thường. Theo PGS.TS Tuấn, việc phẫu thuật thành nam hay nữ không phải do mong muốn chủ quan của bệnh nhân hay gia đình bệnh nhân, mà phải căn cứ vào nhiễm sắc thể giới tính, cơ quan sinh dục bên trong và hormone quyết định giới tính của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân trên được chỉ định làm các xét nghiệm đánh giá về giới tính. Kết quả cho thấy bệnh nhân có bộ nhiễm sắc thể là nữ giới và có lượng hormone sinh dục nữ bình thường, nồng độ testosterone thấp nên quyết định loại bỏ bộ phận sinh dục nam cho phù hợp. Tuy nhiên, trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân cũng đã được bác sĩ tư vấn tâm lý khẳng định giới tính là nữ.Điều này rất quan trọng để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bệnh nhân. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện E.

12. Bệnh viện quận Thủ Đức điều trị thành công u gan vỡ bằng phương pháp TAE: Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân có khối u gan vỡ bằng phương pháp TAE.Đây là bệnh viện tuyến huyện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật này. Bệnh nhân là ông T.V.T (67 tuổi, ở Bình Dương). Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện quận Thủ Đức vào ngày 2.4 trong tình trạng  đau, chướng vùng bụng phải suốt 1 tuần. Cảm giác đau càng ngày càng tăng dần. Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, ông T được phát hiện một khối u gan phải bị vỡ kèm xuất huyết ổ bụng. Sau khi hội chẩn chuyên khoa Ngoại Tổng quát, Ung bướu và Chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ đã quyết định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp TAE (can thiệp tắc mạch máu qua đường động mạch). Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 3.4 – sau 1 ngày bệnh nhân nhập viện. Bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội mạch dưới hướng dẫn của máy DSA sau khi đã điều trị ổn định các dấu hiệu huyết học. Tại đây, các bác sĩ đã chọn lọc nhánh động mạch gan phải nuôi khối u và thực hiện bơm tắc mạch máu xuất huyết bằng PVA.Thủ thuật đã thực hiện thành công sau 2 giờ với ghi nhận nhánh động mạch gan nuôi khối u đã tắc hoàn toàn. Sau thủ thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại khoa Ngoại Ung bướu. Hiện bệnh nhân ổn, tỉnh táo và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Bs. Nguyễn Thanh Long – Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, đây là trường hợp khó, khối u đã bị vỡ, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết ổ bụng, mạch máu nuôi khối u biến thể xuất phát từ động mạch mạc treo tràng trên khó tiếp cận. Nếu không thực hiện thủ thuật này kịp thời thì sẽ xuất huyết nặng, có thể dẫn đến tử vong. TAE (transcatether artery embolization) can thiệp tắc mạch máu qua đường động mạch là thủ thuật can thiệp tối thiểu dưới hướng dẫn của máy DSA với mục đích chính là chụp và can thiệp mạch máu đang chảy máu với các vật liệu tắc mạch có thể là gelfoam, coils, PVA hoặc keo sinh học. Bệnh nhân được chọc kim shealth vào động mạch đùi, sau đó được chọn lọc vào mạch máu gây xuất huyết và tại đây mạch máu được bơm tắc bằng những vật liệu nói trên. Thường thủ thuật được dùng trong các trường hợp can thiệp như chấn thương bụng kín gây vỡ tạng đặc, gây xuất huyết với huyết động không ổn bằng phương pháp điều trị bảo tồn, hoặc những trường hợp u vỡ gây xuất huyết nội. Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Thủ Đức đã thực hiện được nhiều kỹ thuật y tế phức tạp, cứu sống nhiều bệnh nhân mà không cần chuyển lên tuyến trên. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những thành công của một bệnh viện tuyến quận/huyện này.

13. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ bằng cách sử dụng thuốc tiêu sợi huyết: Từ tháng 3/2015, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng thành công liệu pháp tiêu sợi huyết, đến nay đã cứu sống và phục hồi chức năng cho hơn 100 bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não cấp. Liệu pháp tiêu sợi huyết(TSH) cho bệnh nhân nhồi máu não (NMN) cấp được xem là điều trị quy chuẩn số một trên toàn thế giới, được áp dụng lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1996. Ở Việt Nam được áp dụng vào năm 2006 tại Bệnh viện Nhân dân 115, Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2009 áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Còn tại Hà Tĩnh liệu pháp TSH được áp dụng từ năm 2015 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.Đến nay, bệnh viện đa khoa tỉnh đã cứu sống và phục hồi chức năng cho hàng trăm bệnh nhân NMN cấp bằng liệu pháp TSH. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Phó khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ năm 2014 trở về trước, tại Hà Tĩnh khi chưa áp dụng được liệu pháp TSH thì đa số bệnh nhân bị đột quỵ do NMN cấp đều bị tàn phế suốt đời hoặc bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Từ tháng 3/2015 bệnh viện đa khoa tỉnh đã áp dụng thành công liệu pháp TSH, đến nay đã cứu sống và phục hồi chức năng cho hơn 100 bệnh nhân đột quỵ do NMN cấp. Liệu pháp TSH có hiệu quả mở thông được mạch máu não bị tắc, cải thiện khiếm khuyết thần kinh, giảm tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ do NMN cấp, nhưng muốn có tác dụng thì phải sử dụng trong vòng 3 giờ(giờ vàng) kể từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ do NMN, dùng thuốc càng sớm thì khả năng thành công càng cao. Bệnh nhân Nguyễn Thích, 56 tuổi, ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc là một trong rất nhiều bệnh nhân vào viện sớm trong giờ vàng nên anh đã được cứu sống nhờ liệu pháp TSH. Chị Thái Thị Thuận, người nhà của anh Thích chia sẽ: “Anh rất khỏe mạnh, đi lao động bình thường, nhưng tự nhiên ngày 4/4 đang ăn cơm sáng thì thấy anh kêu mệt, lên cơn co giật, miệng méo, nói khó, nữa người bên trái không cử động được. Gia đình đã vội vã đưa anh đến bệnh viện đa khoa tỉnh, nhờ các y, bác sỹ cấp cứu kịp thời nên đã tai qua nạn khỏi. Mới được 3 ngày nhưng sức khỏe của anh tiến triển rất tốt, nữa người bên trái đã được hồi phục, anh đã đi lại, nói chuyện, ăn uống bình thường. Gia đình rất vui mừng, hài lòng trước tinh thần thái độ phục vụ và chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện”. PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Trưởng đơn vị cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội nhận định: "Thời gian qua Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh triển khai điều trị liệu pháp TSH rất tốt, các bệnh nhân bị Nhồi máu não, Nhồi máu cơ tim được dùng thuốc kịp thời, tận dụng được "giờ vàng" trong điều trị, góp phần cứu sống và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân. Đây là liệu pháp điều trị mà nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa triển khai được.Mong rằng trong thời gian tới nhiều bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn quốc cũng triển khai được liệu pháp này như bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thành công".

14. Số người bị đột quỵ do nhồi máu não có xu hướng trẻ hoá ở Hà Tĩnh: Từ năm 2015 đến nay có khoảng trên 2.000 bệnh nhân đột quỵ do NMN cấp vào điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng chỉ có 5 đến 10% số bệnh nhân đến trong giờ vàng được cứu sống, phục hồi chức năng, số bệnh nhân còn lại đến quá muộn nên hậu quả để lại di chứng tàn phế suốt đời hoặc bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân do hầu hết người dân thiếu thông tin về bệnh đột quỵ do NMN cấp và "giờ vàng" trong điều trị đột quỵ do NMN. Trước đây đột quỵ do NMN thường xảy ra ở người già trên 60 tuổi, nhưng thời gian gần đây đột quỵ do NMN có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Trong số bệnh nhân đột quỵ do NMN đến điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì có từ 30 đến 40% ca dưới 60 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Phó khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau đột quỵ do NMN cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, vì thế với bệnh nhân đột quỵ do NMN, thời gian là vàng nên khi thấy có một trong các dấu hiệu sau: tê nửa người, một tay hoặc nửa mặt; yếu (hoặc động tác vụng về, cảm giác nặng nề) nửa người, một tay hoặc nửa mặt; nói khó hoặc khó hiểu lời nói; nhìn mờ hoặc mù; chống mặt hoặc mất thăng bằng; đau đầu một cách bất thường(có thẻ kèm nôn và buồn nôn); méo miệng, thì cần nhanh chống gọi cấp cứu 115, không nên trì hoãn và gọi số điện thoại 02393699115 của Khoa cấp cứu chống độc, bệnh viện đa khoa tỉnh để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, phục vụ 24/24h, đồng thời nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 3 giờ đầu để được điều trị tối ưu. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi tại nhà, người thân có thể tiến hành sơ cứu bằng cách: đặt bệnh nhân ở tư thế nằm, có thể nằm gối cao 30-45 độ; nới rộng quần áo thông thoáng, quan sát xem bệnh nhân thở như thế nào, màu da như thế nào. Trường hợp bệnh nhân có nôn thì nên xoay mặt, nghiêng người bệnh nhân sang một bên tránh để nuốt chất nôn và gây sặc. Đặc biệt lưu ý không đưa các thức ăn đồ uống gì vào bệnh nhân dễ gây sặc. Nguyên nhân của bệnh đột quỵ do NMN cấp là do: tăng huyết áp, các bệnh lý về tim, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, NMN cấp gây ra ở bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, nghiện thuốc lá, rượu bia và ít hoạt động thể lực. Vào mùa lạnh NMN tăng nhiều, vì thế để tránh bị NMN trong thời tiết lạnh giá, người dân cần giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột; khám sức khỏe định kỳ là điều quan trọng của việc điều trị dự phòng để kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu, đường máu; thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, kiêng bia rượu, luyện tập thể dục, thể thao đều đặn; thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, hạn chế đạm, giảm muối. Đối với bệnh nhân được cứu sống sau NMN, ngoài thực hiện các khuyến cáo trên cần uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, không bỏ thuốc đột ngột để phòng tránh tái phát đột quỵ não. Bác sĩ Thái cũng nhấn mạnh: hiện nay trên toàn tỉnh chỉ có duy nhất Bệnh viện tỉnh mới có khả năng điều trị cho bệnh nhân NMN cấp, nhưng với trường hợp đến trước 3 giờ đầu(từ khi bệnh nhân có triệu chứng nhồi máu não cho đến khi nhập viện) thì khả năng phục hồi cao, giảm các di chứng tàn phế. Trước thực trạng bệnh nhân đột quỵ nói chung, đặc biệt đột quỵ do NMN cấp liên tục tăng cao, đầu tháng 4/2017 bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập “Đơn vị điều trị đột quỵ” nhằm đào tạo, ứng dụng những phương pháp điều trị hiện đại để giảm số bệnh nhân tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ. Sắp tới, bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ áp dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch mạch não. Kỹ thuật này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho bệnh nhân NMN nặng, tăng tiêu chuẩn giờ vàng lên 6 giờ, tạo cơ hội sống, giảm di chứng tàn phế cho nhiều bệnh nhân NMN nặng.

II. THÔNG TIN Y TẾ NGOÀI NƯỚC

15. Các nhà khoa học Mỹ tìm ra phương pháp mới giúp tế bào kháng virus HIV: Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Scripps ở bang California, Mỹ đã tìm ra cách làm cho tế bào kháng lại HIV. Theo đài Channel NewsAsia, nhà khoa học Jia Xie thuộc Viện Scripps cho biết phương pháp trên là một cách tiếp cận mới thuộc dạng "chủng ngừa tế bào" nhằm cung cấp sự bảo vệ lâu dài cho các bệnh nhân. Tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã đăng tải công trình nghiên cứu của Viện Scripps. "Mục tiêu cuối cùng là kiểm soát HIV ở bệnh nhân bị AIDS mà không cần dùng đến các phương pháp điều trị khác" - nhà khoa học Jia Xie giải thích. Tờ Science Daily cho biết phương pháp này liên quan đến việc "kết nối kháng thể chống HIV với các tế bào miễn dịch, tạo ra một quần thể tế bào có khả năng kháng lại virút này". Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy các tế bào kháng bệnh này thay thế các tế bào bệnh với các kháng thể bám trên bề mặt của các tế bào và che chắn chúng khỏi HIV. Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận rằng phương pháp mới này tỏ ra hiệu quả hơn phương pháp điều trị thông thường cho các bệnh nhân nhiễm HIV nhờ vào các kháng thể di động. Tiến sĩ Richard Lerner dẫn đầu nhóm nghiên cứu, phối hợp với các nhà khoa học khác tại Trung tâm Liệu pháp Gen của Thành phố Hope để tiến hành đánh giá kết quả và thực hiện thêm các thí nghiệm tiếp theo theo luật liên bang trước khi phương pháp này có thể được thử nghiệm trên bệnh nhân. HIV là virút lây lan qua một số chất dịch nhất định của cơ thể và tấn công hệ miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là các tế bào CD4. Theo thời gian, HIV có thể phá hủy nhiều tế bào CD4, khiến cơ thể yếu đi và không đủ sức đề kháng để chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Nếu không điều trị kịp thời, HIV có thể dẫn đến bệnh AIDS, tức hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có khoảng 36,7 triệu người trên thế giới phải sống chung với HIV từ cuối năm 2015. Việc tìm ra phươn pháp giúp tế bào kháng virus HIV đã mở ra hy vọng mới cho việc kiểm soát đại dịch này. Các nhà khoa học cũng cho rằng cần thêm thời gian để hoàn thiện kết quả nghiên cứu, sau đó mới có thể thử nghiệm lâm sàng phương pháp này. Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (viết tắt HIV/AIDS -Human immunodeficiency virus infection/acquired immunodeficiency syndrome), còn gọi bệnh liệt kháng (tê liệt khả năng đề kháng), là một bệnh của hệ miễn dịch, gây ra do bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Giai đoạn đầu khi vừa nhiễm virus, người bệnh thường có những triệu chứng giống bệnh cúm trong một thời gian ngắn. Sau đó, bệnh nhân không có dấu hiệu gì trong một thời gian dài. Khi bệnh tiến triển, nó gây ảnh hưởng ngày càng nhiều đến hệ miễn dịch, làm cho bệnh nhân dễ mắc phải các nhiễm trùng, như các loại nhiễm trùng cơ hội hoặc các khối u, là những bệnh mà người có hệ miễn dịch hoạt động bình thường khó có thể mắc phải.

16. Đứa trẻ đầu tiên ở Anh được cấy tim nhân tạo: Một bé gái 13 tuổi đã làm nên lịch sử khi trở thành đứa trẻ đầu tiên ở Anh được cấy tim nhân tạo. Chloe Narbonne, lúc đó 12 tuổi, đã được lắp thiết bị thành công trong ca mổ kéo dài 9 tiếng tại bệnh viện Hoàng gia Brompton ở London sau khi ghép tim thất bại. Vào thời điểm đó, bố mẹ và đội ngũ y tế có lựa chọn hoặc là giữ sự sống cho cô bé sống ở Worcester bằng các thiết bị hỗ trợ, có thể là vô thời hạn, trong khi chờ ghép tim lần hai, hoặc thực hiện ca phẫu thuật "cực kỳ nguy hiểm". Sau khi quyết định được đưa ra, Chloe trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chuyển viện khi đang mở ngực với máy thở ôxy ngoài cơ thể. Với trái tim nhân tạo tổng thể tích 50cc được cấy thành công, các bác sĩ đã đợi vài tuần để sức khoẻ của bệnh nhân ổn định trước khi thực hiện ghép tim lần hai từ người hiến tặng. Chloe được chẩn đoán bị bệnh cơ tim giãn khi mới được 4 tuần tuổi, căn bệnh khiến tim trở nên to hơn và không thể bơm máu đúng cách. Ở tuổi 11, em đã bị đột quị trong khi chờ được ghép tim, và gần như rơi vào tay tử thần khi ca mổ ghép không thành công. Bác sĩ phẫu thuật tim Andre Simon đã buộc phải tạo lại các phần của tâm nhĩ đã bị cắt bỏ trong quá trình ghép tim thất bại. Mẹ em, bà Narbonne nói: "Việc các bác sĩ cứu được Chloe quả là một phép màu. Nếu không có tim nhân tạo thì chắc cháu đã chết". Cuối năm 2013, các nhà khoa học Pháp đã thực hiện thành công ca cấy ghép tim nhân tạo đầu tiên vào cơ thể người. Theo Telegraph, ca cấy ghép thành công tim nhân tạo ở người đầu tiên trên thế giới được thực hiện cho một bệnh nhân 75 tuổi, ở bệnh viện Georges Pompidou, Paris. Trái tim nhân tạo hoạt động bằng pin Lithium-ion, nặng khoảng 900 gram, gần gấp ba lần so với một trái tim khỏe mạnh bình thường. Nó có khả năng bắt chước hoạt động co bóp của cơ tim và chứa các cảm biến thích ứng với quá trình tuần hoàn máu theo chuyển động của bệnh nhân. Các bề mặt của tim nhân tạo tiếp xúc với máu được làm từ mô tim bò thay vì các vật liệu nhân tạo như nhựa, vốn có thể gây chứng đông máu hay các biến chứng khác. Theo các chuyên gia, trái tim nhân tạo có thể giúp bệnh nhân sống thêm 5 năm, khác với các trái tim nhân tạo khác được thiết kế với chức năng sử dụng tạm thời. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể trở về nhà và thậm chí tiếp tục làm việc. Các bác sĩ cho biết sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh lại và nói chuyện bình thường. Bệnh nhân đang được theo dõi đặc biệt và sẽ sớm được xuất viện trong thời gian tới. Alain Carpentier, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho hay, trái tim nhân tạo mới có thể giúp các bệnh nhân sống một cuộc sống bình thường mà không cần phải lệ thuộc quá nhiều vào các phương tiện y tế. Thiết bị mới này có thể giúp hàng nghìn người bị mắc các bệnh về tim và tử vong trong thời gian chờ đợi được phẫu thuật. Theo ước tính của Carmat, công ty thiết kế trái tim nhân tạo này, hiện có khoảng 100.000 người ở các nước châu Âu và Mỹ cần được phẫu thuật tim.  

17. Malaysia thu hồi ba loại mỹ phẩm độc hại: Tờ The Star ngày 12.4 đưa tin Bộ Y tế Malaysia ra quyết định thu hồi 3 loại mỹ phẩm sản xuất nội địa chứa thành phần độc hại.  Đó là các sản phẩm Tati Skincare Night Cream chứa thủy ngân, sản phẩm Tati Skincare Treatment Cream và Moleek Anti Pigmentation Cream chứa cả hydroquinone lẫn tretinoin. “Tất cả những cơ sở phải dừng bán và phân phối các sản phẩm này ngay lập tức”, ông Noor Hisham Abdullah, đại diện Bộ Y tế Malaysia thông báo. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân ngừng sử dụng các sản phẩm nói trên  và tham vấn với bác sĩ nếu họ từng bị khó chịu khi sử dụng chúng. Ông Noor Hisham cảnh báo tiếp xúc với thủy ngân có thể gây suy thận và tác hại đến hệ thần kinh. “Thủy ngân cũng tác động đến quá trình phát triển não bộ ở thai nhi và trẻ sơ sinh”, ông nói thêm. Tại Malaysia, các chất hydroquinone và tretinoin có thể dùng trong y tế nhưng phải đăng ký với Cục Quản lý dược và sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia y tế. Hydroquinone ngăn cản quá trình hình thành sắc tố da và giảm khả năng bảo vệ trước các tia cực tím, làm tăng nguy cơ ung thư. Tretinoin cũng gây kích ứng và khó chịu cũng như ăn mòn làm da nhạy cảm với ánh nắng. Đây là lần thứ hai trong năm 2017, Malaysia tiến hành thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất độc hại đối với cơ thể người. Trước đó, theo tờ The Star ngày 23/3 đưa tin Bộ Y tế Malaysia đã thu hồi 8 loại mỹ phẩm sản xuất nội địa chứa các hóa chất độc hại bị cấm và khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng. Cụ thể, các loại Moleek Day Cream, Adel Miracle Flawless Serum, Ah Beauty Night Cream bị phát hiện chứa thủy ngân, NDZ UV Whitening chứa hydroquinone còn Snow Cream Normal, Snow Cream Sensitif, Dnars Nar Cream Sensitif và Ellfie Night Cream chứa cả hydroquinone lẫn tretinoin. Ông Noor Hisham Abdullah, đại diện Bộ Y tế Malaysia, cho biết các sản phẩm chứa thủy ngân thường được quảng cáo làm sáng da và ngừa lão hóa nhưng thực tế có thể gây tổn thương thận và hệ thần kinh. Thủy ngân còn ảnh hưởng sự phát triển não bộ ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Trong khi đó, các chất hydroquinone và tretinoin có thể dùng trong y tế nhưng phải đăng ký với Cục Quản lý dược. Hydroquinone ngăn cản quá trình hình thành sắc tố da và giảm khả năng bảo vệ trước các tia cực tím, làm tăng nguy cơ ung thư. Tại Malaysia, việc giám sát chất lượng mỹ phẩm do Cục kiểm soát an toàn dược phẩm quốc gia của Malaysia thực hiện. Cục này đã ra lệnh cấm sử dụng nhiều loại mỹ phẩm chứa nhiều thành phần độc tố có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

18. Các bác sỹ Ấn Độ loại bỏ thành công viên sỏi bàng quan nặng 1,4kg cho một bệnh nhân: Các bác sĩ ở Ấn Độ vừa phẫu thuật loại bỏ thành công viên sỏi bàng quang có kích thước 11,5x17 cm và nặng 1,4 kg cho một bệnh nhân 49 tuổi. Maheshbhai Rasikbhai Patel, đến từ bang Tamil Nadu (Ấn Độ), bị đau bụng dữ dội trong đêm và được gia đình chuyển ngay tới bệnh viện.Sau khi thực hiện các xét nghiệm và chụp X-quang, các bác sĩ tại bệnh viện Sri Sainath bất ngờ khi phát hiện trong bàng quang của người đàn ông này có một viên sỏi khổng lồ. Viên sỏi bàng quang của Maheshbhai có kích thước 11,5x17 cm và nặng 1,4 kg. Các bác sĩ phải mất tới 90 phút để loại bỏ viên sỏi khổng lồ này. Viên sỏi của anh Maheshbhai này đã phá vỡ kỷ lục “viên sỏi bàng quang có trọng lượng lớn nhất”, của một bệnh nhân ung thư người Ấn Độ với trọng lượng 1,22 kg vào năm 2010. Dhirubhai C Patel, bác sĩ phẫu thuật cho Maheshbhai, chia sẻ: “Một trong những lý do chính gây ra sự hình thành sỏi bàng quang này có thể là lượng khoáng chất trong nước tiểu quá cao. Thêm nữa, bệnh nhân này từng bị tổn thương niệu đạo và điều này cũng có thể góp phần hình thành sỏi. Hiện tình trạng của Maheshbhai đang tiến triển rất tốt chỉ sau chưa đầy một tuần điều trị. Đây là trường hợp đầu tiên có sỏi bàng quan kích thước và trọng lượng lớn như vậy. Sỏi bàng quang là các khoáng chất hình thành những khối đá nhỏ trong bàng quang. Sỏi bàng quang phát triển khi nước tiểu trong bàng quang trở nên tập trung, gây ra kết tinh khoáng chất trong nước tiểu. Tập trung, tù đọng nước tiểu thường là kết quả của phì đại tuyến tiền liệt, thiệt hại dây thần kinh hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu tái diễn. Sỏi bàng quang không luôn luôn gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng và đôi khi được phát hiện trong các kiểm tra cho các vấn đề khác. Khi triệu chứng xảy ra, có thể từ đau bụng đến máu trong nước tiểu. Sỏi bàng quang nhỏ đôi khi tự vượt ra ngoài, nhưng có thể cần phải loại bỏ bởi bác sĩ. Còn lại không được điều trị, sỏi bàng quang có thể gây ra nhiễm trùng và biến chứng khác. Một trong những nguyên nhân tạo sỏi là do thận lọc máu, hấp thụ các chất nhu cầu cơ thể cần và loại bỏ các chất lỏng dư thừa và chất thải, đó là bài tiết nước tiểu. Nước tiểu thông qua hai ống niệu quản và đi vào bàng quang, nơi nó được lưu trữ cho tới khi ra khỏi cơ thể. Nếu bàng quang không trống rỗng hoàn toàn, nước tiểu giữ lại có thể bắt đầu hình thành các tinh thể mà cuối cùng trở thành sỏi bàng quang. Trong hầu hết trường hợp, một vấn đề tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng đến bàng quang không trống hoàn toàn. Nếu không được điều trị kịp thời, sỏi bàng quang có thể gây ra nhiễm trùng và các biến chứng nghiêm trọng khác. 8 dấu hiệu cảnh báo thận không khỏe Mệt mỏi, khó thở, có vị kim loại trong miệng, thay đổi màu sắc nước tiểu là những dấu hiệu biểu hiện thận không khỏe bạn cần lưu ý.​ 


Thăm dò ý kiến