Điểm tin y tế ngày 12/5/2017
13/05/2017 | 02:35 AM



1. Bộ Y tế hưởng ứng “Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới” 17/5: hưởng ứng “Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới” (17/5), Bộ Y tế đã tổ chức các các hoạt động tư vấn, đo huyết áp, tim mạch, tiểu đường cho người dân tại Cung Hữu Nghị, TP.Hà Nội. Tăng huyết áp, căn bệnh nguy hiểm, là loại bệnh lý phổ biến nhất và theo thống kê, tỷ lệ mắc ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rất rõ rệt ở nước ta và do nhiều nguyên nhân căn bệnh này đang có chiều hướng trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn trong độ tuổi lao động. Tăng huyết áp là bệnh mãn tính trong đó áp lực máu hệ thống động mạch tăng cao. Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Có thể kể ra như: Tim: dày thành thất trái, suy tim, nhồi máu cơ tim; Tai biến mạch máu não (nhũn não hoặc chảy máu não) với một số biểu hiện như tê tay chân, yếu hay liệt 1/2 người, bán mê, hôn mê hay nói ngọng, méo miệng, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ)…; Mắt: Mở mắt, xuất tiết – xuất huyết võng mạc, phù gai thị…; Thận có protein niệu, phù, suy thận; Mạch máu: Phình hoặc phình tắc thành động mạch, hẹp tắc mạch ngoại vi… Bệnh tăng huyết áp thường tiến triển trong thầm lặng, nhiều trường hợp tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt. Thực chất các biến chứng lên các cơ quan đích như tim, mắt, não, thận, mạch máu lớn…vẫn đang âm thầm xảy ra và ngày một nặng dần mà người bệnh không cảm nhận được. Ngày THA thế giới ra đời là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức phòng chống THA trong cộng đồng. Hội THA quốc tế (International Society of Hypertension), kết hợp với Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã có sáng kiến lấy ngày 17/5 hàng năm là ngày THA thế giới (World Hypertension Day) từ năm 2005. Với mục tiêu tạo ra một phong trào mạnh mẽ trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức về bệnh, cách phòng chống, điều trị và các biến chứng nguy hiểm gây ra bởi THA. Thông điệp qua mỗi năm đưa ra rất đơn giản nhưng có ý nghĩa thiết thực và to lớn trong phong trào phòng chống THA. Kể từ năm 2015, và trong 5 năm tiếp theo, chủ đề chính (khẩu hiệu) của ngày THA thế giới là “Hãy biết con số huyết áp của bạn” (Know your blood pressure). Phát huy những thành công đã đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để mọi người cùng có ý thức phòng, chống một cách tích cực và hữu hiệu, nhằm giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm do căn bệnh gây nên. Hưởng ứng “Ngày phòng chống tăng huyết áp Thế giới” năm nay, Bệnh viện Tim Hà Nội, Ban tổ chức Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM đã tổ chức nhiều hoạt động vô cùng ý nghĩa hướng tới người cao tuổi ở Thủ đô và cộng đồng xã hội. Tại đây người dân sẽ được: đo huyết áp, tim mạch, tiểu đường – tuyên truyền phổ biến kiến thức, tư vấn về các bệnh, tặng quà. Những hoạt động này sẽ góp phần tích cực và đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại bệnh THA – kẻ giết người thầm lặng; phục vụ hiệu quả cho việc tự phòng chống, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
2. Có dấu hiệu tái phát dịch bạch hầu ở Quảng Nam: Ngoài cháu bé 7 tuổi tử vong còn có 2 người ở huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam, mắc các triệu chứng bệnh tương tự, ngành y tế nghi dịch bạch hầu tái phát. Chiều 10/5, bác sĩ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, cháu Zơrâm Mai Nhất Ba 7 tuổi ở xã Ch’ơm, tử vong nghi do mắc bệnh bạch hầu. Theo ông Thông, ngày 23/4, trung tâm tiếp nhận cháu Ba với triệu chứng sốt, đau họng, khó nuốt, ăn uống hạn chế, có giả mạc họng và sưng hạch vùng cổ. Bé được chuyển lên tuyến trên điều trị, 6 ngày sau tử vong. Ngoài ra, em Poloong Thị Đao 15 tuổi, học nội trú tại trường cấp 2 Lý Tự Trọng, xã Axan, và em Poloong Thối 7 tuổi ở xã Gari, cũng có triệu chứng sốt, ho, đau họng tương tự. “Sau nhiều ngày điều trị, hai bệnh nhân này đã hết sốt, đỡ đau họng, ăn được. Các chỉ số huyết học trở về bình thường nên đã xuất viện. Trung tâm tiếp tục theo dõi và điều trị”, ông Thông nói. Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Văn đã đến kiểm tra và tiến hành các công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. “Ba bệnh nhân được lấy mẫu gửi vào Viện Paster Nha Trang để xét nghiệm, hiện chưa có kết quả”, ông Văn cho hay. Cuối năm 2016, ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở trường cấp 3 huyện Tây Giang khiến 2 học sinh tử vong, 24 người khác phải điều trị cách ly. Hồi tháng 7/2015, một ổ dịch bạch hầu được phát hiện tại xã Phước Lộc, (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) khiến 3 người tử vong. Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt. Bệnh có 4 thể lâm sàng: bạch hầu họng thể thông thường (70%), bạch hầu ác tính, bạch hầu thanh quản (26%) và bạch hầu mũi (4%).
3. Sở Y tế Quảng Nam cho rằng chưa có căn cứ để khẳng định dịch bạch hầu tái phát ở miền núi Tây Giang: Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng Quảng Nam, ngày 23/4/2017, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang tiếp nhận một trường hợp bệnh với các dấu hiệu sốt, đau họng, khó nuốt, ăn uống hạn chế, có giả mạc họng và sưng hạch vùng cổ. Ngày 24/4/2017, tiếp tục tiếp nhận thêm một trường hợp với triệu chứng tương tự. Trung tâm Y tế huyện Tây Giang nhanh chóng báo cáo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Đoàn điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sau đó có mặt tại huyện Tây Giang, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thực hiện điều tra hồi cứu và xác minh ca bệnh này. Theo đó, trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Zơrâm Mai Nhất Ba (SN 2010, ở tại thôn Zrượt, xã Ch’ơm, Tây Giang. Bệnh khởi phát 3 ngày với dấu hiệu sốt nhẹ, ho, nuốt đau. Qua thăm khám phát hiện nổi hạch vùng cổ, có giả mạc hầu, họng nghi do bạch hầu, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, sau đó bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ngày 30/4/2017, tình trạng bệnh nặng hơn và tử vong vào lúc 6h sáng cùng ngày với chẩn đoán theo dõi bạch hầu họng, biến chứng viêm cơ tim nhiễm trùng, nhiễm độc nặng; tiền sử tiêm chủng, trẻ đã được tiêm 3 mũi vắc xin Quinvaxem và 1 mũi DPT4 khi 18 tháng tuổi. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Poloong Thị Đao (SN 2002, ở tại thôn Aroi, xã Gari, hiện đang học nội trú tại trường THCS Lý Tự Trọng, xã Axan, huyện Tây Giang). Bệnh nhân sốt, ho, đau họng 2 ngày tại trường, sau đó về nhà tại xã Gari 2 ngày; ngày 24/4/2017 bệnh nhân tới Trung tâm Y tế huyện khám và phát hiện giả mạc vùng hầu, họng nghi do bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu, gửi viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Bệnh nhân được cách ly và điều trị kháng sinh Erythromycin tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, tình trạng hiện nay đã ổn định; tiền sử tiêm chủng không rõ. Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Poloong Thối (SN 2010, ở tại thôn Aroi, xã Gari). Ngày 25/4/2017, qua khám sàng lọc tại thôn phát hiện viêm Amydal mủ và có giả mạc vùng thành sau họng nghi do bạch hầu, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, được cách ly, theo dõi và điều trị, hiện nay trẻ đã ổn định; tiền sử tiêm chủng không rõ. Đến ngày 3/5, huyện Tây Giang mới tổ chức cuộc họp khẩn để xử lý tình trạng dịch bệnh này và Trung tâm Y tế huyện Tây Giang mới có báo cáo gửi cấp trên. Ngày 10/5, Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, nói: “Ở đây phải khẳng định không phải là dịch mà là các ca bệnh nghi bạch hầu và phải được báo cáo trong vòng 24h theo Thông tư 54/2015 của Bộ Y tế qua phần mềm và anh em đã thực hiện nghiêm việc này”. Theo ông Văn, để báo là dịch/ổ dịch phải có xét nghiệm khẳng định ca bệnh (+) và số mắc phải tăng vượt so với số mắc 3 tháng liền kề... Vì chưa có đủ các yếu tố trên và thường thì từ khi lấy mẫu gửi đi đến khi có kết quả phải mất đến 10 ngày. “Trong tình huống này, ca bệnh gửi đi xét nghiệm gần với nghỉ lễ; hơn nữa, rút kinh nghiệm lần trước để tránh tình trạng hoang mang trong học sinh và cũng gần ngày thi học kỳ 2 nên anh em vẫn “âm thầm” xử lý như khi có dịch xảy ra đó là việc phải làm, còn khi khẳng định được thì lại gần với ngày hết hạn theo dõi (với bệnh bạch hầu là 14 ngày) nên anh em thông tin bị muộn”, ông Văn nói.
4. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phòng chống sốt xuất huyết và Zika: Những tháng đầu năm 2017, mặc dù các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng số ca bệnh lại có sự gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, mùa mưa sắp đến là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika phát triển mạnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có văn bản số 2381/BYT- YTDP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị -xã hội tích cực tham gia và vận động người dân tiến hành các hoạt động loại bỏ các vật dụng phế thải nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Đồng thời, các địa phương cần đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động, hiệu quả. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun thuốc theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Công văn của Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, kỹ thuật phun hóa chất, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên; tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến. Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị cho bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết; đồng thời, thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành y tế triển khai mạnh các hoạt động tuyên truyền đến người dân và cộng đồng các biện pháp phòng chống bệnh, đồng thời hướng dẫn người dân khi có các dấu hiệu bệnh phải đến bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị bệnh tại nhà.
5. Người bị bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa: Hưởng ứng ngày Phòng, chống tăng huyết áp thế giới (17-5), ngày 11-5, tại Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Ban tổ chức Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM 2017 đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Tim mạch - Huyết áp - Tiểu đường, nhằm mục đích nâng cao ý thức phòng, chống bệnh tăng huyết áp cho người dân. Phát biểu tại hội thảo, bác sĩ Trương Quang Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến nhất và tỷ lệ mắc ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rất rõ rệt ở nước ta và do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, bệnh tăng huyết áp đang có chiều hướng trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn trong độ tuổi lao động. “Tôi tin tưởng rằng, những hoạt động này sẽ góp phần nhỏ bé, nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại bệnh THA - kẻ giết người thầm lặng; phục vụ hiệu quả cho việc tự phòng chống, bảo vệ và nâng cao sức khỏe bản thân”, bác sĩ Trương Quang Việt nhấn mạnh. Trong khuôn khổ hội thảo, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội cũng phổ biến kiến thức về tim mạch, huyết áp, tiểu đường và tổ chức khám bệnh về tim mạch, đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường miễn phí cho tất các đại biểu tham dự. Ngày tăng huyết áp thế giới ra đời là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức phòng chống tăng huyết áp trong cộng đồng. Hội Tăng huyết áp quốc tế (International Society of Hypertension), kết hợp với Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã có sáng kiến lấy ngày 17/5 hằng năm là ngày tăng huyết áp thế giới (World Hypertension Day) từ năm 2005 với mục tiêu tạo ra một phong trào mạnh mẽ trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức về bệnh, cách phòng chống, điều trị và các biến chứng nguy hiểm gây ra bởi tăng huyết áp. Theo Viện Tim mạch Quốc gia, số ca mắc tăng huyết áp ở Việt Nam tăng rất nhanh. Năm 1960: khoảng 1%, năm 1990: 8-9%, năm 2008: 25,5% và năm 2012: 27,4% ở người trưởng thành (25 tuổi trở lên), trong đó có xu hướng tăng lên dần ở những độ tuổi thấp hơn. Theo độ tuổi, những người có trị số cao hơn và mang tính thường xuyên là cao huyết áp. Số ca cao huyết áp ở Việt Nam có xu hướng xuất hiện ở độ tuổi thấp hơn (trẻ hóa) là do nhiều nguyên nhân, trong đó có mức sống tăng cao, chế độ ăn uống phong phú hơn, chất béo chứa chlesterol được đưa vào cơ thể tăng đột biến, đồng thời giới trẻ do nhu cầu ăn uống cao ít chú ý đến việc giữ gìn, có thói quen ăn uống không kiểm soát làm gia tăng rối loạn chuyển hóa lipid dẫn đến xơ mỡ động mạch và bệnh huyết áp cao ở người trẻ tuổi tăng lên. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn dân về bệnh cao huyết áp có hiệu quả tốt đối với những người cao tuổi. Đối tượng trẻ tuổi sinh hoạt phóng khoáng nhận thức vấn đề này hạn chế hơn.
6. Hút thuốc lá giảm khả năng sinh sản: Thuốc lá không chỉ là thủ phạm gây ra các bệnh ung thư, tắc nghẽn phổi mãn tính, các bệnh tim mạch mà nó còn là nguyên nhân gây ra các bệnh vô sinh ở cả nam và nữ. Theo thông tin từ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia, nếu phụ nữ hút trên 15 điếu thuốc một ngày sẽ phải tăng thời gian để có thể thụ thai. Nhưng phụ nữ hút thuốc không chỉ gặp khó khăn trong quá trình thụ thai mà còn phải chịu một số khó khăn về nuôi dưỡng thai nhi. Phụ nữ hút thuốc càng nhiều càng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Có nhiều lý do giải thích tại sao tỷ lệ khả năng sinh sản của phụ nữ hút thuốc có xu hướng thấp hơn phụ nữ không hút thuốc. Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng hút thuốc có xu hướng dẫn tới mãn kinh sớm. Lý do cơ bản dẫn tới mãn kinh sớm là do hút thuốc giảm mức estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Vì vậy, dẫu cho tất cả phụ nữ lớn tuổi đều giảm dần lượng estrogen khi qua tuổi 40, nhưng đối với phụ nữ hút thuốc thường có xu hướng bắt đầu vào giai đoạn mãn kinh sớm hơn 2 đến 3 năm so với người không hút thuốc. Chất nicôtin được cho là có một phần liên quan đến quá trình này nhưng ảnh hưởng của hormon vẫn được coi là liên quan tới hiện tượng mãn kinh sớm. Mãn kinh sớm cũng liên quan tới nguy cơ của các bệnh tim và chứng loãng xương vì estrogen có tác dụng bảo vệ chống lại cả hai căn bệnh về tim và chứng loãng xương. Hút thuốc làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và nguy hiểm hơn là hút thuốc làm giảm nghiêm trọng dòng máu đến dương vật, một số trường hợp gây liệt dương. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất chuyển hoá chính của khói thuốc (là những chất trong khói thuốc được hít vào rồi chuyển hoá trong cơ thể) được tìm thấy trong tinh dịch. Thậm chí một số chất còn tập trung tại đây (cotinine, trans 3 hydroxycotinin). Các thành phần của thuốc lá tìm thấy trong tinh dịch có những chất có thể kìm hãm sự hoạt động của hệ thống enzym choline acetyltransferase, enzym này cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động được. Nam giới hút thuốc so với những người không hút thuốc thì có nồng độ testosterone thấp (hormon này cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng) và làm tăng nồng độ horrmon kích thích nang (hormon nữ hoá). Hút thuốc làm giảm số lượng tinh dịch: tuỳ thuộc vào lượng thuốc hút mà những người hút thuốc số lượng tinh trùng giảm nhiều hay ít (với những người nghiện thuốc càng nặng thì điều này càng rõ). Hút thuốc gây nên viêm hệ thống sinh dục làm tinh trùng khó xâm nhập vào trứng. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, sinh dục ở nam giới mà nó còn gây ung thư bàng quang. Người ta không xác định được hút thuốc gây ung thư tiền liệt tuyến nhưng người ta thấy ở người ung thư tiền liệt tuyến mà hút thuốc thì sự xâm nhập và di căn của nó tăng lên.
7. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất nhiều vaccine trên thế giới: Với 2,5 triệu liều vaccine phối hợp sởi-rubella do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất chính thức đưa ra thị trường bắt đầu tháng 6-2017, Việt Nam sẽ hoàn toàn sử dụng vaccine sởi-rubella nội thay cho việc nhập khẩu lâu nay. Việc Bộ Y tế vừa cấp giấy phép lưu hành vaccine sởi-rubella do POLYVAC) sản xuất là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vaccine và y tế dự phòng, khi sẽ chấm dứt cảnh thiếu hụt vaccine do thủ tục nhập khẩu, hay do khan hiếm từ nhà sản xuất, mà giá lại rẻ bằng 50% vaccine nhập. Hiện Việt Nam đã trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được vaccine sởi-rubella, cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và là một trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới. Đây là một quá trình mang tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong vấn đề đối phó với dịch bệnh một cách bền vững. Việt Nam đã sản xuất được vaccine sởi – rubella chất lượng quốc tế. Ông Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc POLYVAC cho biết: Trước tình hình bệnh rubella thường xuyên xảy ra tại Vệt Nam, nhất là nguy cơ đối với các bà mẹ mang thai khi bị nhiễm rubella có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ như bệnh tim, điếc, não úng thủy, thai lưu vv…năm 2013, Bộ Y tế đã giao cho POLYVAC nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thành công vaccine phối hợp sởi –rubella. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản trong dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi -rubella” do JICA hỗ trợ, POLYVAC bắt tay vào nghiên cứu sản xuất. Dự án đã kéo dài trong gần 5 năm với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật, nhằm có được sản phẩm vaccine sởi – rubella đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến tháng 3-2016, vaccine phối hợp sởi – rubella do POLYVAC sản xuất đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại 2 tỉnh Hà Nam và Hòa Bình trên 756 người từ 1 - 45 tuổi. Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine có tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt, nên được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá cao và Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận vào tháng 11-2016. Việc tự sản xuất được vaccine trong nước giúp ngành y tế chủ động trong ngăn chặn dịch rất thiết thực, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm ngân sách nhà nước do không phải phải nhập khẩu vaccine. Nếu không có vaccine sản xuất trong nước, chỉ riêng chờ đợi thủ tục nhập khẩu vaccine cũng đã mất 6 tháng đến 1 năm, thậm chí, có loại vaccine khan hiếm do phải đặt trước nhà sản xuất mới có, thì hậu quả của dịch bệnh sẽ rất lớn. Sau khi Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA), việc chính thức đưa vaccine sởi – rubella do Việt Nam sản xuất vào sử dụng đã cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc sản xuất vaccine phục vụ nhân dân, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng có những diễn biến phức tạp.
8. Virus H7N9 biến đổi gen có thể lây nhanh hơn trước 1.000 lần: Ngày 11/5, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) đã ghi nhận sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc từ độc lực thấp sang độc lực cao khi tiến hành phân tích gene virus cúm ở người, cũng như ở gia cầm. Theo đó, ở trên người đã phát hiện gene độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại Quảng Đông và một bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 ở Đài Loan. Ở gia cầm, FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm và môi trường được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây và Hà Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy virus cúm A/H7N9 độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1.000 lần so với virus có độc lực thấp. Sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp. WHO cũng cho biết, dịch cúm A/H7N9 bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3-2013 với 5 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 5 diễn ra từ tháng 10-2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với 541 người mắc. Từ tháng 3-2017 đến nay đã ghi nhận thêm 3 địa phương thuộc khu vực Cam Túc, Tây Tạng và Thiểm Tây có trường hợp bệnh mới. Như vậy trong đợt dịch thứ 5 đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại 17 tỉnh tại Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế nhận định virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập nước ta rất cao. Do đó, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với WHO, FAO và các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo cho người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp. Các lực lượng chức năng và địa phương đang tập trung việc ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường. Đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực buôn bán gia cầm sống, các cơ sở y tế và tại các cửa khẩu. Cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn và tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tại các tỉnh biên giới về công tác giám sát, xét nghiệm và xử lý ổ dịch. Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
9. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa làm rõ thông tin người dân phải mua sổ tiêm chủng với 50.000 đồng: Ngay sau khi nhận được thông tin người dân phải mua sổ tiêm chủng với giá 50.000 đồng, Bộ Y tế đã yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng Thanh Hóa làm rõ. Đó là thông tin được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cung cấp vào chiều 11/5. "Việc nhân viên trạm y tế thu 50.000 đồng/sổ tiêm chủng là không đúng. Cần phải làm rõ ai chỉ đạo thu, số tiền thu đi đâu. Nếu có vi phạm thì phải xử lý", ông Phu nói. Trước đó, trên mạng xã hội facebook, chủ tài khoản Y.L (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết, ngày 8.5, vợ chồng đưa con gái mới sinh đi tiêm phòng vaccine lao ở trạm y tế xã Xuân Phú (huyện Thọ Xuân). Tại đây, sau khi làm các thủ tục, chị được hướng dẫn lấy sổ tiêm chủng và đóng 50.000 đồng. Cho rằng sổ tiêm chủng được phát miễn phí, chị thắc mắc với nhân viên y tế thì nhận được câu trả lời là theo quy định của trạm. Chưa hài lòng với câu trả lời đó, một lát sau chị quay trở lại trạm để làm rõ. Nhân viên y tế cho biết, ai đăng ký khám thai và đẻ tại trạm thì không mất tiền mua sổ, còn không đăng ký thì đều phải mua sổ tiêm chủng. Chị Y. tìm hiểu thì được biết, nhiều phụ huynh khác khi đưa con đi tiêm cũng phải mua sổ với giá 50.000 đồng. Nhân viên y tế thu tiền sổ cũng không hề có hóa đơn, giấy tờ thu. Ngay sau khi thông tin trên được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ. Hầu hết các ý kiến đều phản đối cách làm của trạm y tế ở Thanh Hóa. Liên quan đến sự việc trên, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Trung tâm đã kiểm tra và xác định có 4 trường hợp bị thu tiền sổ tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Xuân Phú. Cũng theo ông Ngư, mặc dù vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng là miễn phí nhưng số lượng sổ cấp về thường chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu. Thậm chí từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh Hóa vẫn chưa tiếp nhận được cuốn sổ tiêm chủng nào từ cấp trên đưa về. “Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý những cán bộ, trạm liên quan đến sai sót trên”, ông Ngư nói. Ngay sau khi thông tin trên được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ. Hầu hết các ý kiến đều phản đối cách làm của trạm y tế ở Thanh Hóa. Liên quan đến vấn đề này, ngày 12/5, Đoàn cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân, xã Xuân Phú và Trạm y tế, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Phú và kết luận: Việc Trạm Y tế xã Xuân Phú thu tiền tiêm của 4 trẻ x 50.000 đồng/trẻ thuộc các đối tượng vãng lai (từ Hà Nội về, miền nam ra, xã khác đến) là không đúng quy định. Đoàn đã mời đại diện phụ huynh của 4 trẻ đến tham dự buổi làm việc để tư vấn và thông báo với người dân về quan điểm và thái độ giải quyết của ngành y tế về sự việc. Đồng thời yêu cầu Trạm Y tế xã Xuân Phú cử cán bộ xuống từng hộ gia đình trả lại số tiền đã thu và xin lỗi các bà mẹ. (Hiện tại các bà mẹ đã nhận lại số tiền trên). Đoàn công tác đề nghị Chủ tịch UBND xã Xuân Phú xem xét lại việc hợp đồng có thời hạn đối với y sỹ Tùng (người theo dõi sau tiêm chủng và thu tiền của 4 trẻ) bảo đảm đúng quy chế chuyên môn và luật cán bộ viên chức; giao Trung tâm Y tế Thọ Xuân chỉ đạo Trạm Y tế kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân và xử lý theo mức độ sai phạm.
10. Đề phòng bệnh Tai biến mạch máu não: Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu tới não, dẫn tới giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng não làm cho tế bào thần kinh thiếu năng lượng để hoạt động, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh trung ương. Thống kê cho thấy, các bệnh lý mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau ung thư và tim mạch. Trong đó, 2/3 người đứng tuổi mắc chứng bệnh này và 25% tổng số các tai biến mạch máu não là do thiếu máu não. Nguy cơ dẫn đến thiếu máu não được chia thành 2 nhóm là: nhóm không thể can thiệp được và nhóm có thể phòng tránh được. Trong đó, nhóm không thể can thiệp được thường gặp ở trung niên và người cao tuổi, khoảng 75% trường hợp người bệnh trên 60 tuổi. Nhóm có thể phòng tránh được thuộc đối tượng những người có bệnh lý về hệ tim mạch cụ thể như: cao huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc, mỡ máu cao, lười vận động, béo phì, bia rượu và người lao động trí óc với cường độ cao. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiện – Trưởng khoa Đột quỵ não, Bệnh viện 103 chia sẻ, tai biến mạch máu não là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ 3 sau căn bệnh tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về tỷ lệ tàn tật. Tỷ lệ tử vong từ 20% - 30%, số chống chọi được với bệnh chỉ khoảng 30% - 40%, còn lại có thể nằm liệt giường. Tình trạng thiếu máu não nếu không được điều trị sớm và tích cực sẽ tiến triển không ngừng, gây hậu quả nghiêm trọng như xơ hóa não, động kinh, Parkinson…và nếu xảy ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ). Với sự nguy hiểm của căn bệnh này và xu hướng ca bệnh ngày một tăng cao, Ths. Hoàng Khánh Toàn – Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, người bệnh phải giữ cho mình một đời sống tinh thần thư giãn, tránh lo lắng thái quá, ăn uống đủ chất, tích cực luyện tập thể dục thể thao, yoga, dưỡng sinh, thái cực quyền. Cùng với đó, người bệnh cũng nên sử dụng các sản phẩm Đông dược có công dụng hoạt huyết, bổ huyết nhằm tăng cường tuần hoàn não một cách tốt nhất. Một số điều người bệnh phải kiêng khi mang trong mình bệnh tai biến mạch máu não là: tắm nước lạnh khi đi ngoài trời nắng về, để nhiệt độ cơ thể xuống quá thấp vào mùa lạnh, khi tỉnh giấc không nên bật dậy ngay mà phải nằm một lúc. Ths. Hoàng Khánh Toàn cho biết thêm, về chế độ ăn uống của người bệnh tai biến mạch máu não cần tuân thủ nguyên tắc ít thịt – nhiều rau, đặc biệt là không nên sử dụng nhiều thức uống có cồn, có ga và chất kích thích chứa nhiều nicotin. Ngoài ra, một giải pháp hữu hiệu cho người bệnh tai biến mạch máu não đó là chăm sóc sức khỏe định kỳ.
11. Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xây dựng phương thức chi trả phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát được chi phí và nâng cao chất lượng KCB. Tuy nhiên, các phương thức chi trả BHYT ở nước ta còn nhiều bất cập. Đó là lý do để Bộ Y tế và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo về xây dựng các phương thức chi trả dịch vụ y tế tại Hà Nội ngày 10-5, nhằm tiếp cận các phương thức hiệu quả nhất cho Việt Nam. Với mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân thì phương thức chi trả là giải pháp quan trọng để mua dịch vụ y tế hợp lý, đảm bảo sự bền vững của quỹ. Hiện nay, thanh toán chi phí KCB BHYT được thực hiện theo 3 phương thức: Thanh toán theo định suất; thanh toán theo giá dịch vụ và thanh toán theo trường hợp bệnh. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, đang có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương trong chi trả BHYT KCB ngoại trú, có nơi chi trả 60.000 đồng/lần khám, có nơi lại trả 200.000 đồng/lần khám. Điều này không tạo ra chất lượng và sự công bằng giữa các cơ sở y tế. Vì thế, mục tiêu của Bộ Y tế là xây dựng và đổi mới phương thức chi trả theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng giữa các tuyến KCB. Phương thức chi trả theo định suất đang được thực hiện ở Việt Nam với nhiều mô hình. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, các mô hình này còn nhiều điều không phù hợp thực tế. Phương thức chi trả khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả sẽ đảm bảo công bằng cho người bệnh. Nếu tính suất phí theo chi phí bình quân năm trước theo nhóm đối tượng BHYT ở tỉnh, thì đơn vị nào năng lực thấp hơn lại lợi hơn khi nhận quỹ và đơn vị nào năng lực cao lại bị giao quỹ thấp hơn, dẫn đến các cơ sở y tế sẽ chọn các thẻ nằm trong nhóm người ít bị bệnh, vì đơn vị nào có nhiều thẻ trong nhóm đối tượng có chi phí KCB cao thì không đủ quỹ, đơn vị nhiều thẻ thuộc nhóm ít khám và chi phí thấp sẽ thừa quỹ. Vì vậy, khi mới giao quỹ đã biết ngay là thừa hoặc thiếu quỹ. Còn mô hình tính suất theo chi phí bình quân năm trước của thẻ BHYT theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thì dù có ưu điểm là không chênh lệch nhiều giữa các cơ sở cùng tuyến, nhưng đơn vị nào có nhiều thẻ trong nhóm nhiều người KCB và chi phí KCB cao thì không đủ quỹ và ngược lại. Mô hình định suất áp dụng năm 2015 lại gây ra tình trạng tỉnh nào năm trước đã bị âm quỹ thì năm sau càng âm, tỉnh nào đã thừa quỹ thì năm sau lại thừa nhiều hơn, có đơn vị kết dư quá lớn, dẫn đến không công bằng, không tạo cơ chế cho việc tăng năng lực, trình độ và áp dụng dịch vụ mới ở các cơ sở y tế. Đơn vị nào càng ít hoạt động càng có kết dư lớn. Không thực hiện đúng nguyên tắc kết dư thì được hưởng, còn bội chi thì phải tự cân đối, nên không khuyến khích việc chi phí tiết kiệm, hiệu quả, mà còn tạo cơ chế cho việc chỉ định dịch vụ quá mức để có lợi cho năm sau giao quỹ, gây phiền hà và tốn kém không cần thiết cho người bệnh. Ông Yoriko Nakamura - đại diện của USAID cho rằng, hiện các nước vẫn phổ biến áp dụng kết hợp các phương thức chi trả khác nhau. Nhiều nước đã triển khai hệ thống thanh toán theo định suất và theo trường hợp bệnh để cải thiện hiệu quả và kiểm soát chi phí. Các phương thức chi trả đều có ưu điểm lẫn nguy cơ, vấn đề là để giảm thiểu nguy cơ phải lưu ý đến quá trình thiết kế triển khai các phương thức này với các tiêu chí: công thức minh bạch, xác định rõ danh mục các dịch vụ và tính toán chi phí; rõ ràng về các mục được chi trả… Việt Nam cần quan tâm cải thiện quá trình thiết kế và triển khai các phương thức thanh toán này.
12. 53 bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt ki-ốt khảo sát mức độ không hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân: Sáng 11-5, Sở Y tế TPHCM cho biết hệ thống ki-ốt khảo sát mức độ không hài lòng của người bệnh đã được lắp đặt tại tất cả 53 bệnh viện, bao gồm 30 bệnh viện TP và 23 bệnh viện quận, huyện. Sở Y tế TP cũng đã vận hành thử nghiệm giám sát từ xa tình hình không hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP. Với hệ thống ki-ốt khảo sát này, bên cạnh việc thông tin khảo sát sẽ được phản ánh ngay đến Phòng Quản lý chất lượng và lãnh đạo bệnh viện, thông tin khảo sát của tất cả bệnh viện còn được liên thông đến Sở Y tế. Như vậy, hàng ngày và bất cứ thời điểm nào trong ngày Sở Y tế dễ dàng nắm bắt tình hình không hài lòng của người bệnh ở tất cả các bệnh viện. Ban Giám đốc Sở Y tế đã giao cho Phòng Nghiệp vụ Y chịu trách nhiệm theo dõi tình hình không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện, qua theo dõi để kịp thời nhắc nhở các bệnh viện có kế hoạch cải tiến và căn cứ vào kết quả khảo sát Sở Y tế có kế hoạch kiểm tra, giám sát thực tế hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh tại những bệnh viện có phản ánh không hài lòng cao hoặc phản ánh tập trung vào 1 trong 15 câu hỏi khảo sát đã được Sở Y tế xây dựng. Theo kế hoạch của Sở Y tế TPHCM, dự kiến sau một thời gian khoảng 3-6 tháng, Sở Y tế định kỳ sẽ công khai kết quả khảo sát không hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện để người dân biết và sẽ giới thiệu những bệnh viện có cách làm hay và hiệu quả về cải tiến chất lượng phục vụ dựa trên kết quả khảo sát. Theo Sở Y tế TP, Phòng Nghiệp vụ Y của sở được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện, qua đó kịp thời nhắc nhở các bệnh viện có kế hoạch cải tiến. Kết quả khảo sát còn là cơ sở để Sở Y tế có kế hoạch kiểm tra, giám sát thực tế hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh tại những bệnh viện có phản ánh không hài lòng cao hoặc phản ánh tập trung vào 1 trong 15 câu hỏi khảo sát đã được Sở Y tế xây dựng.
Theo kế hoạch của Sở Y tế, dự kiến sau mỗi 3 - 6 tháng, sở sẽ định kỳ công khai kết quả khảo sát không hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện để người dân biết và sẽ giới thiệu những bệnh viện có cách làm hay và hiệu quả về cải tiến chất lượng phục vụ dựa trên kết quả khảo sát.
13. Cần gắn trách nhiệm của nhà cung cấp với thị trường: Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc thay đổi phương thức quản lý, gắn trách nhiệm của nhà cung cấp với thị trường, tránh trường hợp ủy quyền lòng vòng như trước đó. Tại Hội thảo, những điểm cần chú ý trong thực hiện Luật Dược số 105/2016/QH13, nội dung cơ bản Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế được Bộ Y tế tổ chức chiều 10.5, ông Bạch Minh Hùng – Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết: Nghị định 36 là văn bản đầu tiên có tính pháp lý cao nhất về vấn đề quản lý trang thiết bị y tế. Trong Nghị định có phân cấp vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, của nhà cung cấp nhập khẩu, của nhà sử dụng và trách nhiệm bảo đảm chất lượng khi sử dụng các thiết bị y tế. Nhờ đó đã cơ bản gắn được trách nhiệm của các đơn vị khi tham gia lĩnh vực trang thiết bị y tế, đi kèm với đó là các quyền lợi mà họ được hưởng.
Trưởng phòng Quản lý đăng ký trang thiết bị y tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế Nguyễn Tử Hiếu cũng cho hay, do từ trước đến nay nước ta chưa có phân loại trang thiết bị y tế mà chỉ phân loại quản lý theo nhóm sản phẩm như nhóm thiết bị hình ảnh, thiết bị xét nghiệm, thiết bị cấy ghép… theo chuyên khoa. Do vậy, việc quy định phân loại theo Nghị định 36 tương đối mới, tuy nhiên không gây khó khăn cho các doanh nghiệp, vì ngay từ năm 2005 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến, định hướng cho các doanh nghiệp thực hiện các quy định này. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định, các doanh nghiệp chỉ cần số đăng ký lưu hành sản phẩm vào thị trường là được nhập khẩu tự do, không phải xin phép nhập khẩu chuyến như hiện nay. Theo nguyên tắc, mỗi chủ sở hữu số đăng ký phải chịu trách nhiệm cuối cùng sản phẩm của mình, từ khâu đưa vào thị trường, đến chất lượng, bảo hành, bảo trì sản phẩm với số đăng ký đó. Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Y tế và các Sở Y tế nắm số đăng ký và sẽ rút giấy phép nếu doanh nghiệp thực hiện sai quy định. Làm được việc này sẽ tránh được những bất bình đẳng, hoặc những thắc mắc giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, vì trước đây, hàng nhập khẩu chỉ căn cứ vào các giấy phép đã được cấp phép lưu hành tại nước sở tại và chứng chỉ chất lượng ở nước ngoài là được cấp.
14. Thay đổi lối sống có thể phòng ngừa bệnh tăng huyết áp: Nhiều người biết mình bị bệnh tăng huyết áp nhưng do không thấy biểu hiện khác thường nên chủ quan, bỏ qua việc điều trị, dẫn tới những tai biến khó lường. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim khiến hàng trăm nghìn người tử vong hoặc bị tàn phế… Theo TS.Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ. Điều đáng lo ngại là trong số người mắc bệnh tăng huyết áp, có tới 60% chưa phát hiện được bệnh và hơn 80% chưa được điều trị. Tại Viện Tim mạch Việt Nam, BS.Dương Ngọc Long cho biết, khảo sát mới nhất của Viện tại 1.179 xã, phát hiện 1/3 số bệnh nhân tăng huyết áp trong số hơn 2,2 triệu người khám sàng lọc. Trong đó, số người mới phát hiện lần đầu chiếm 50%. Đây là con số đáng báo động vì người dân còn thiếu kiến thức về bệnh tăng huyết áp. Theo các chuyên gia, tăng huyết áp là 1 bệnh lý tiến triển âm thầm, có thể gây rất nhiều biến chứng khác nhau, khiến người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là về tim như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim,… ở não như xuất huyết não, nhũn não… ở thận như phù, suy thận và một số biến chứng khác về mắt, mạch máu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có khoảng 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân. Chỉ một số ít bệnh nhân có một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng. Đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Do đó, những dấu hiệu lâm sàng thể hiện bệnh tăng huyết áp thường không đặc hiệu và người bệnh có thể không thấy biểu hiện gì khác biệt so với người bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người mắc bệnh tăng huyết áp không biết mình bị bệnh, hoặc biết nhưng do không thấy biểu hiện khác thường nên chủ quan, bỏ qua việc điều trị, dẫn tới những tai biến khó lường. Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là rất quan trọng. Người bị tăng huyết áp nên thường xuyên đo ít nhất là 3 lần/tuần. Mọi người nên thay đổi lối sống, điều này được ví như điều trị không dùng thuốc nhưng đạt nhiều mục tiêu như phòng ngừa bệnh tăng, hạ huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Các biện pháp thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục hàng ngày, hạn chế rượu, muối, nước mắm khi nấu ăn, không hút thuốc lá…
15. Bệnh viện Chợ Rẫy cứu hai mẹ con thai phụ ngừng tim: Sáng 11-5, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết vừa thực hiện ca mổ cứu sống cả mẹ lẫn con cho một thai phụ 12 tuần tuổi mắc bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Theo bác sĩ Trần Minh Trung, khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân tên Nguyễn Thị Mỹ D, 20 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương được chuyển đến Chợ Rẫy ngày 27-4-2017 trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm. Ngoài ra còn có hiện tượng bị chảy máu ồ ạt, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân đã ổn định sau ca phẫu thuật, tiếp tục được theo dõi tại BV Chợ Rẫy. Trước đó, bệnh nhân nhập viện điều trị do khó thở, đau ngực kèm ho khan kéo dài tại BV đa khoa Becamex (Bình Dương). Nhận thấy các cơn khó thở của bệnh nhân ngày một dồn dập, các bác sĩ BV này đã chuyển lên BV Chợ Rẫy để cấp cứu. Tại BV Becamex - Bình Dương các bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho thở máy. Khi nhập viện Chợ Rẫy, bệnh nhân tiếp tục than đau ngực dữ dội kèm khó thở. Theo bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim mạch BV Chợ Rẫy, qua phim chụp CT scan, cho thấy tại đoạn quai động mạch chủ ngực có một túi phình dài khoảng 6cm, có nhiều máu tụ quanh túi phình, khả năng túi phình đã bị vỡ. BS nhận định, do túi phình động mạch chủ bị vỡ gây nên chèn ép cho khí quản khiến bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, khó thở. Bác sĩ Phạm Thị Lệ Xuân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức cũng nhận định: “Nguy hiểm nhất chính là khối phình đã bị vỡ, đây chính là ống máu chính nuôi cơ thể, nếu để lâu thì toàn bộ máu sẽ chảy hết ra ngoài lồng ngực và bệnh nhân sẽ tử vong”. Do vậy, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật khẩn thay đoạn quai động mạch đã bị phình, vỡ bằng các mạch máu nhân tạo. Ngoài ra, để thay đoạn quai động mạch bị vỡ, các bác sĩ phải tiến hành ngưng tim, phổi, chạy máy tuần hoàn bên ngoài cơ thể bệnh nhân, đồng thời hạ sâu thân nhiệt đến hết mức có thể (25 độ C). Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của ê-kíp phẫu thuật là bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 12 của thai kỳ. Trong khi ấy lại phải dùng thuốc kháng đông liều cao nên lo lắng nhất là nguy cơ bệnh nhân bị bong nhau, xuất huyết và sảy thai. Để xử lý tình huống cực khó này, ê kíp các bác sĩ Chợ Rẫy một mặt tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, đồng thời để dùng được thuốc kháng đông liều cao, họ đã nhờ bác sĩ BV Hùng Vương hỗ trợ chuyên môn để theo dõi tim thai trong quá trình mổ, giữ cho tử cung không bị co bóp, giữ thai nhi an toàn trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau 8 h nỗ lực, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
II. THÔNG TIN Y TẾ NGOÀI NƯỚC
16. Người nhiễm HIV vẫn có khả năng sống trên 70 tuổi: Công trình nghiên cứu mới cho thấy tuổi thọ bình quân của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại châu Âu và Bắc Mỹ tăng khoảng 10 năm nhờ thuốc mới. Trong thập niên 1980, kết quả chẩn đoán nhiễm HIV được xem như bản án tử hình và bệnh nhân bị nhiễm cầm chắc cái chết. Hiện nay, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thể hy vọng sống thọ chẳng khác người bình thường nhờ liệu pháp phối hợp ba loại thuốc kháng virus được áp dụng từ năm 1996. Cách đây 3 năm, Jimmy Isaacs (28 tuổi) phát hiện anh bị nhiễm HIV từ một người tình cũ. Anh kiên trì dùng 3 viên thuốc mỗi ngày lúc 18h và sẽ tiếp tục dùng thuốc trong suốt phần đời còn lại. "Sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Tôi ăn uống lành mạnh. Căn bệnh không ảnh hưởng đến công việc của tôi và cũng không ảnh hưởng đến đời sống xã hội của tôi" - Isaacs chia sẻ. Mặc dù phải thay đổi phương pháp điều trị 2 lần mới tìm ra phương thuốc kết hợp phù hợp với cơ địa của anh, Isaacs cho biết hiện tại anh không còn bị phản ứng phụ nào nữa. Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet ngày 10-5 cho thấy những thanh niên trong độ tuổi 20 được chữa trị trong khoảng năm 2010 được dự báo sống lâu hơn những người dùng thuốc trong năm 1996 những 10 năm. Theo đó, bệnh nhân độ tuổi 20 được điều trị bằng liệu pháp phối hợp ba loại thuốc từ năm 2008 và không tử vong trong năm đầu tiên nhiễm bệnh sẽ có thể tiếp tục sống đến tuổi thọ bình quân 73 tuổi (nam giới) và 76 tuổi (nữ giới). Theo báo Le Monde, tuổi thọ này xem như đã tăng 10 năm đối với nam, 9 năm đối với nữ và thấp hơn không nhiều so với tuổi thọ bình quân của người không mắc bệnh ở châu Âu và Bắc Mỹ (nam giới ở Anh năm 2010 đạt tuổi thọ bình quân 78 tuổi và nữ giới đạt 82 tuổi). Các bác sĩ cho biết việc bắt đầu điều trị sớm rất quan trọng vì giúp có được một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh. Tuy nhiên các tổ chức từ thiện cho biết vẫn còn quá nhiều người không biết rằng họ nhiễm loại virút này. Các tác giả của nghiên cứu thuộc đại học Bristol (Anh) đã tham vấn 18 nghiên cứu liên quan đến 88.500 người nhiễm HIV từ châu Âu đến bắc Mỹ và dựa vào dự đoán tuổi thọ của bệnh nhân trong 3 năm đầu dùng thuốc. Nhóm cho biết thành công vượt trội của việc điều trị HIV là kết quả của các loại thuốc mới vốn gây ít ảnh hưởng phụ hơn và hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn virút sinh sôi bên trong cơ thể. Ngoài ra virút HIV cũng không còn dễ đề kháng với các loại thuốc mới. Nhà khoa học Adam Trickey ở Đại học Bristol (Anh) - tác giả chính của nhóm nghiên cứu - giải thích rằng liệu pháp phối hợp các loại thuốc kháng retrovirus (ARV) đã được sử dụng từ 20 năm qua, dù vậy các loại thuốc mới đây ít gây phản ứng phụ hơn và người bệnh không cần dùng nhiều thuốc hơn, từ đó virus không sản sinh thêm cũng như khó trở nên kháng thuốc, vì vậy tuổi thọ bệnh nhân đã được nâng lên. Ông cho rằng phương thức điều trị hiện nay hiệu quả hơn trong việc phục hồi hệ miễn dịch và tỉ lệ giảm tử vong của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS xuất phát từ phương thức điều trị chứ không phải hoàn toàn do cải thiện thuốc uống. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không sống lâu như mong đợi, đặc biệt là những người bị nhiễm virút bằng kim tiêm. Đài BBC cho biết liệu pháp kháng virút là sự kết hợp giữa 3 hoặc nhiều hơn các loại thuốc có khả năng chặn tiến trình phát triển bình thường của HIV. Liệu pháp này được mệnh danh là "một trong những câu chuyện thành công về sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong 40 năm qua". Giáo sư Helen Stokes-Lampard ở Hiệp hội Hoàng gia các bác sĩ đa khoa (Anh) nhận xét: "Quả là một thành tựu y học đáng kể khi một căn bệnh lây nhiễm từng có tiên lượng xấu thì nay đã có thể bị khống chế”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo nên điều trị ARV càng sớm càng tốt đối với người nhiễm HIV.