Điểm tin y tế ngày 03/4/2017

04/04/2017 | 07:33 AM

 | 

I.THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Bệnh viện 115 thay khớp hàng thành công cho cụ ông gần 100 tuổi: Đó là trường hợp của cụ ông H.B.N, ngụ tại Bình Thạnh, TP.HCM vừa xuất viện ngày 1/4/2017 sau 10 ngày phẫu thuật thay khớp háng lần 2 trong tình trạng khỏe khoắn, linh hoạt và có thể đi lại được trên khung. TS.BS. Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện 115 cho biết: “Đây là ca phẫu thuật lần đầu tiên BV thực hiện thay khớp háng lần 2 trên bệnh nhân cao tuổi nhất nhưng thành công ngoạn mục và đã thắng tử thần khi trước đó tiên liệu xác suất tử vong ngay trên bàn mổ là rất cao”. Ngoạn mục ca thay khớp háng lần 2 cho cụ ông gần 100 tuổiBệnh nhân hạnh phúc trong nỗi vui mừng khôn tả, siết chặt tay cảm ơn TS.BS. Nguyễn Đình Phú. Được biết cách đây gần 1 năm, cụ ông bị té ngã, gãy cổ xương đùi và đã được phẫu thuật thay khớp háng tại một bệnh viện tuyến trước. Sau mổ, dù cũng tuân thủ tái khám nhiều lần nhưng ông vẫn không đi lại được và than đau nhức kéo dài. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân (BN) không nên mổ lại lần 2 mà chỉ nên “sống chung với bệnh” vì ông quá lớn tuổi, lại mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) giai đoạn nặng phải nhập viện điều trị nhiều lần. Tuy nhiên, hàng ngày chứng kiến ông cụ đau đớn, gia đình không đành lòng và tìm đến BV 115. TS.BS. Nguyễn Đình Phú cho biết: “Thông thường sau thay khớp, BN đi lại được là điều lý tưởng, nhưng dù không đi được mà không còn đau đớn đã là diễm phúc rồi. Trường hợp cụ H.C.N vừa không đi lại được, tình trạng đau đớn kéo dài, chất lượng cuộc sống giảm, chứng tỏ sức chịu đựng quá lớn”. TS.BS. Nguyễn Đình Phú khám cho bệnh nhân và đánh giá: Ông cụ minh mẫn, thể trạng gầy, nội khoa mắc bệnh suy kiệt người già và đặc biệt lưu ý tiền sử COPD giai đoạn nặng mới trải qua thời gian dài nhập viện điều trị. Qua chụp Xquang cho thấy, khớp háng có hiện tượng thủng ổ cối do chỏm khớp háng nhân tạo gây ra chưa rõ nguyên nhân. Đây chính là thủ phạm khiến BN không vận động được, đau đớn kéo dài và suy giảm chức năng sau phẫu thuật lần đầu. “Trước tha thiết được mổ lại của BN và gia đình cùng sự đánh giá của bản thân, tôi đã quyết định đồng ý cho BN phẫu thuật thay khớp háng lần 2, đồng thời tạo hình lại ổ cối, tạo hình phần đầu trên của xương đùi”, TS. Phú chia sẻ. Để thực hiện cuộc phẫu thuật này, các bác sĩ BV 115 đã tiến hành hội chẩn giữa gây mê hồi sức, nội khoa để tầm soát tất cả bệnh lý đi kèm, tiên lượng các nguy cơ, rủi ro trong và sau phẫu thuật để gia đình hiểu rõ. Ca phẫu thuật đã được tiến hành một cách suôn sẻ do GS. René D Esser đến từ Cộng hòa Pháp cùng BS. Nguyễn Cao Viễn và các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình - BV 115 thực hiện. “Đây là ca khó thực hiện do BN lớn tuổi, các thương tổn về xương khá nặng nề đòi hỏi can thiệp phẫu thuật tối đa, thời gian mổ kéo dài, đặc biệt là nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy hô hấp đe dọa BN tử vong ngay trên bàn mổ là rất cao”, BS. Nguyễn Cao Viễn nhận định. BN cũng nhận được sự chỉ đạo từ chính TS.BS. Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện 115 để các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hỗ trợ nâng cao thể trạng giúp sự hồi phục sau mổ được nhanh chóng và đúng quy trình điều trị.

 

2. Bệnh viện Da liễu Trung ương khám miễn phí cho 100 người dân Hà Tĩnh: Trong hai ngày 31/3 và 1/4, Đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương dưới sự chỉ đạo của GS.TS Trần Hậu Khang - thầy thuốc nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, đã về tại Trung tâm Da liễu Hà Tĩnh trực tiếp thăm khám cho gần 100 bệnh nhân mắc các bệnh da liễu. Viêm da cơ địa, các bệnh nấm da, vảy nến ghẻ, chốc lở, sủi màu gà, tổ đĩa, zona, á sừng, chàm… là các bệnh da liễu thường gặp do môi trường, vệ sinh và đặc biệt là do thời tiết thay đổi. Trong lần khám này, đã phát hiện 1 bệnh nhân phong, 2 bệnh nhân lây qua đường tình dục và 1 bệnh nhân bị bệnh nấm sâu (trước đó chưa từng có ở Hà Tĩnh). Cũng trong đợt này, Trung tâm Da liễu Hà Tĩnh đã cấp một số thuốc miễn phí (trị giá khoảng 15 triệu đồng) cho bệnh nhân nghèo do GS Khang và Bệnh viện Da liễu Trung ương hỗ trợ.

Ngoài việc thăm khám, hỗ trợ thuốc, GS.TS.TTND Trần Hậu Khang còn trực tiếp cầm tay chỉ việc, truyền đạt kiến thức cho gần 30 học viên là các y, bác sĩ chuyên ngành da liễu 2 tuyến tỉnh, huyện của ngành y tế Hà Tĩnh. Với chuyên đề “Bệnh da chung”, GS Khang đã đề cập tới chủ đề ánh sáng và điều trị bệnh bằng ánh sáng, điều trị trứng cá… cho các học viên. Qua đây, các học viên có thể nhận biết cách phát hiện, chẩn đoán điều trị các bệnh ngoài da cho bệnh nhân. Hoạt động này của Bệnh viện Da liễu Trung ương nhằm triển khai chủ trương của Bộ Y tế về tăng cường năng lực cho y tế tuyến dưới, đặc biệt là năng lực khám, điều trị các bệnh chuyên khoa. Với kinh nghiệm của mình, các Giáo sư, Bác sỹ Bệnh viện Da liễu Trung ương đã đào tạo các nhân viên y tế để họ có thể triển khai công tác khám, chữa bệnh tại địa phương, đặc biệt là việc chẩn đoán, phát hiện sớm các bệnh về da liễu để có thể kịp thời điều trị cho người bệnh. Do nhiều trường hợp bệnh da liều không phải là bệnh cấp tính, nên người dân thường ngại đi khám ở các cơ sở y tế, và tự điều trị bằng thuốc nam, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. DO vậy, bên cạnh việc phát hiện bệnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về phòng và điều trị bệnh da liễu cho người dân. Với mạng lưới chỉ đạo tuyến, trong thời gian qua Bệnh viện Da liễu Trung ương đã cử nhiều cán bộ đi địa phương để hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cán bộ y tế địa phương về chuyên ngành da liễu. Theo số liệu báo cáo, hoạt động này đã thu được hiệu quả đáng kể trong việc nâng cao năng lực của y tế cơ sở.

 

3. Hầu hết công nhân ngộ độc thực phẩm tại Nghệ An đã được ra viện: Liên quan đến vụ hàng chục công nhân của Công ty Điện tử BSE, thuộc Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An) phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm, đến sáng 2/4, đã có 42/50 công nhân ra viện. Bác sỹ Nguyễn Thị Phương, Khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa 115 cho biết: Đến thời điểm hiện nay, sức khỏe của 8 bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại khoa đã dần bình phục, các bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và có thể nói chuyện được. Đối với 3 bệnh nhân bị ngộ độc khi đang mang thai trên 3 tháng, bệnh viện đã tiến hành siêu âm và tiến hành các xét nghiệm cần thiết kiểm tra sức khỏe của thai nhi.  Qua kiểm tra cho thấy tim thai của các thai nhi vẫn bình thường. Các y bác sỹ trong khoa vẫn đang tích cực điều trị cho các bệnh nhân đặc biệt là các bệnh nhân mang thai bằng cách chuyền dịch để bù nước điện giải sau khi bị mất nước, uống than hoạt tính và sử dụng một số loại thuốc đặc trị chống ngộ độc. Trước đó, vào lúc 15 giờ ngày 1/4, Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An đã tiếp nhận và khẩn trương cứu chữa cho hàng chục công nhân của Công ty Điện tử BSE thuộc Khu Công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An) nghi do bị ngộ độc thực phẩm sau giờ ăn trưa. Các công nhân nhập viện đều có chung triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, nôn mửa, đau đầu và một số người đau bụng. Theo nhiều công nhân, đây là ngày đầu tiên các công nhân của Công ty Điện tử BSE ăn thức ăn do Công ty Cổ phần Brothers Việt Nam cung cấp và xảy ra tình trạng trên. Được biết, Công ty Điện tử BSE thuộc Khu Công nghiệp Nam Cấm đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có 4.900 công nhân, chuyên sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông, có tổng mức đầu tư 30 triệu USD, trên diện tích 5,7ha, quy mô sản xuất 250 triệu sản phẩm/năm. Hiện nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để phân tích mẫu thức ăn để tìm ra nguyên nhân ngộ độc. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân của vụ ngộ độc. Việc xác định chính xác các độc tố gây nên ngộ độc cũng vô cùng phúc tạp và cần thời gian. Trong thời gian chờ kết quả xác định nguyên nhân, Sở Y tế Nghệ An đã yêu cầu doanh nghiệp rà soát lại công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc cung cấp bữa ăn cho công nhân. Thực hiện nghiêm các quy định về thực phẩm an toàn, lưu mẫu thức ăn,...

 

4. Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống sản phụ bị bệnh viện trả về vì không còn hy vọng sống: Sau khi bác sĩ tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh tiên lượng bệnh tình của nhân rất nặng, không còn hy vọng cứu sống, gia đình đã quyết định đưa bệnh nhân (là một sản phụ) về nhà. Nhưng sau 3 ngày vẫn thấy sản phụ còn thở, gia đình lại đưa sản phụ vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Điều kỳ diệu đã xảy ra, đó là hiện sản phụ đã phục hồi, và được bác sỹ chỉ định xuất viện. Theo lời kể của người nhà, chị X. mang thai lần 2 được khoảng 8 tháng thì bị ra huyết nên nhập viện tại một bệnh viện ở thành phố Vũng Tàu (nơi anh chị đi làm thuê), tại đây bác sĩ chẩn đoán suy thai nên mổ bắt con. Tuy nhiên sau mổ ngày thứ 3, chị X. có biểu hiện lơ mơ, vàng da, vàng mắt, bụng trướng nhẹ… Tiếp đó, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện chuyên khoa ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng ngày chuyển sang một bệnh viện khác tại đây. Tuy nhiên sau 3 ngày điều trị tình hình càng xấu đi, chị X. hôn mê, da vàng như nghệ…các bác sĩ tại đây cho biết bệnh nhân suy đa cơ quan, tiên lượng nặng, không còn hy vọng nên gia đình xin về quê Vĩnh Long. Về quê được 3 ngày, thấy chị X. vẫn thoi thóp thở nên gia đình tiếp tục đưa đi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Tại đây bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, huyết áp thấp, da vàng, bụng chứa dịch, vết mổ lấy thai chưa lành…Các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chẩn đoán bệnh nhân X. bị suy đa cơ quan, rối loạn đông máu – bệnh não gan do biến chứng sau mổ lấy thai hội chứng HELP ngày thứ 10. Ngay lập tức, bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, thay huyết tương, bệnh nhân đã được truyền khoảng 25 đơn vị huyết tương tươi, hồng cầu, tiểu cầu… Bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Sau gần một tháng điều trị, với sự chăm sóc tích cực của các y bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục dần, tỉnh táo hoàn toàn, giảm vàng da, huyết áp ổn định, dấu hiệu sinh tồn tốt và có chỉ định được xuất viện. Anh Đức chồng bệnh nhân X. nói, vợ tôi được sống lại kỳ diệu là nhờ sự tận tâm của y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

 

5. Hội thảo nhân Ngày thế giới nhận thức về bệnh tự kỷ 02/4: Nhiều hoạt động thể thao dành cho trẻ tự kỉ được tổ chức nhằm giúp trẻ có môi trường hòa nhập với mọi người đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đông đảo phụ huynh đã đưa con mình đến để tham gia hoạt động này. Sáng ngày 02/4, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội thao thân thiện dành cho người tự kỉ. Chương trình được thực hiện nhân “Ngày thế giới nhận thức về tự kỉ” (2-4) với mục đích tạo môi trường năng động để trẻ có thể vui chơi. Nhiều phụ huynh, các trường chuyên biệt ở nhiều tỉnh, thành đã đưa trẻ đến để tham gia vào ngày hội này tạo nên một không khí thật sôi động. Hội thao lần này khuyến khích các bé vận động, tham gia vào các trò chơi như kéo co, nhảy xa, thi chạy... Bên cạnh đó, cũng có khu vực dành riêng cho trẻ chơi các trò chơi vận động nhẹ, tập vẽ... Đến tham dự hội thao còn có MC Thanh Bạch và diễn viên Trần Đại Nghĩa là hai MC chính của chương trình. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và diễn viên Lý Hùng cũng đến để góp vui cho chương trình lần này. Cũng tại đây, nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn cùng con gái là An Trần đã có màn trình diễn đầy cảm xúc để ủng hộ cho hoạt động lần này. An Trần cũng đã thổi kèn cùng với Trung Hiếu là một người tự kỉ ca khúc “Nhật kí của mẹ”.  Ngày 2-4 đã được Liên Hiệp Quốc chọn là “Ngày thế giới nhận thức về tự kỉ” với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến với hội chứng này. Hàng năm, vào mỗi dịp này trên thế giới đều tổ chức các hoạt động dành riêng cho người tự kỉ. Theo chuyên trang của Liên Hiệp Quốc, tự kỉ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong ba năm đầu đời, do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kì cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỉ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần. Tại Việt Nam, sự kiện “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỉ” được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 2-4-2016, tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến người tự kỉ. Tự kỷ và rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là hai thuật ngữ được sử dụng để chỉ một nhóm các rối loạn phức tạp của sự phát triển não bộ. Những rối loạn này gây ra những khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp, ngôn ngữ và hành vi lặp lại ở những mức độ khác nhau.

 

6. Tai biến nặng sau 2 ngày cấy chỉ nâng mũi ở spa: Phó giáo sư tiến sĩ bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết bệnh viện này thường tiếp nhận không ít bệnh nhân bị biến chứng hư mũi sau khi đi cấy chỉ nâng mũi ở các spa. Mới đây nhất là trường hợp của chị N.T.K.T. (29 tuổi, nhà ở phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM)  bị thối thịt ở mũi sau 2 ngày cấy chỉ để nâng mũi. Sau 2 ngày, mũi chị bắt đầu sưng tấy, mũi đỏ chét và có dấu hiệu nhiễm trùng nên chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng với chất liệu chỉ và collagen được cấy vào mũi. Trong quá trình thăm khám, chị T. cho biết chị được cấy vào mũi 5 sợi chỉ, sau đó nhân viên của tiệm spa còn bơm dung dịch collagen vào mũi bằng đường kim tiêm. Theo lời nhân viên spa thì chính collagen sẽ vây quanh các sợi chỉ làm nâng sống mũi lên và từ từ sợi chỉ sẽ tự tiêu, để lại sống mũi với những lớp collagen tự thân, làm sóng mũi đẹp một cách tự nhiên. Thế nhưng sau khi phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện có đến 12 sợi chỉ và dung dịch collagen không rõ loại. Đồng thời, phần da mũi bên ngoài bị thối nên bác sĩ phải cắt lọc, nạo hết ổ mủ nhiễm trùng và dùng kháng sinh mạnh để tránh tình vết thương viêm nhiễm nặng hơn. Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ T.Q. (khoảng 32 tuổi, nhà ở TP.HCM) bị cong sống mũi và nhiễm trùng sau khi cấy chỉ nâng mũi ở một spa. Theo lời chị Q, sở dĩ chị cấy chỉ nâng mũi vì nghe đây là “mốt” của phụ nữ Hàn Quốc và giá khá mềm, với chi phí nâng mũi là 25 triệu đồng. Thế nhưng sau 1 tuần nâng mũi, mũi chị Q. bị xiên xẹo theo đường chỉ, mũi bị hắt xì hơi liên tục và đau rát nên chị đến bệnh viện để mổ lấy ra. Hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ rao kỹ thuật cấy chỉ như phương pháp thần kỳ, đánh bay mọi nỗi lo cho chị em sợ đau khi nâng mũi. Điển hình như thẩm mỹ viện X.H. (ở Hà Nội) quảng bá: “Nhân ngày lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, giảm chi phí cho nâng mũi bằng chỉ. Sau 30 gây tê nhẹ không cần phẫu thuật sẽ cấy chỉ vào sống mũi, bạn sẽ sở hữu ngay dáng mũi đẹp từ A-Z với sóng mũi thẳng, đầu mũi gọn, chóp mũi hình chữ A, lỗ mũi hình hạt chanh cân xứng. Đây là phương pháp thẩm mỹ mũi không cần phẫu thuật, không dao kéo, không đau, không sẹo được phái đẹp ưa chuộng nhất hiện nay”. Các cơ sở này không nói cụ thể chi phí thực hiện, bao lâu thì nâng lại mũi, dạng mũi nào thì mới làm được… Tiến sĩ bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, phân tích: Muốn cấy chỉ vào mũi, buộc phải gây tê, dùng kim ấn vào sóng mũi để đưa các sợi chỉ vào, đồng thời dùng kim tiêm bơm collagen vào… Tất cả các thủ thuật này đều gây chảy máu, nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì phương pháp cấy chỉ có xâm lấn vào da thịt khách hàng nên được thực hiện bởi các bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, chứ ngay cả bác sĩ da liễu, các spa cũng không được làm. Do đó, nhân viên spa làm ở nhà khách hàng càng sai luật. Mặt khác, dù vật liệu chỉ có nằm trong danh mục được phép sử dụng nâng mũi nhưng khách hàng sẽ không biết được đó là loại chỉ nào, chất collagen đó có đúng như danh mục cho phép của Bộ Y tế hay không. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tràn la các vụ nhiễm trùng, hoại tử mũi vì cấy chỉ hiện nay. Tiến sĩ bác sĩ Phan Minh Hoàng – Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM, khuyến cáo: Nâng mũi bằng chỉ thì chỉ và collagen sẽ tan biến sau 3-5 năm, thậm chí sớm hơn.

 

7. Vẫn còn những trở ngại để phát triển Hệ thống bác sĩ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh: Mặc dù được quan tâm, phát triển tại cả hệ thống khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập nhưng đến nay, hệ thống bác sĩ gia đình tại TPHCM vẫn là một bức tranh khá ảm đạm. Là một trong những địa phương thực hiện thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình từ năm 2013 đến nay, TPHCM đã có 19/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa Khám bệnh; 191/319 trạm y tế phường, xã thuộc 24 quận - huyện triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, một số phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động độc lập với công tác của trạm y tế. TPHCM hiện có 8 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân; 17 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập và 1 phòng khám bác sĩ gia đình thuộc ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa mới thành lập. Bộ môn Y học gia đình ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đào tạo 46 bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình; 232 bác sĩ định hướng chuyên khoa Y học gia đình; 391 bác sĩ được bồi dưỡng kiến thức về Y học gia đình trong 3 tháng; 343 bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa bác sĩ gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Duy – Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong năm 2016, toàn bộ các phòng khám bác sĩ gia đình của TPHCM thực hiện được 652.262 lượt khám, chữa bệnh, trong khi tổng số lượt khám tại các bệnh viện là hơn 35 triệu lượt; chỉ có 2,8% số người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế. Ông Nguyễn Ngọc Duy thẳng thắn thừa nhận, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến với phòng khám bác sĩ gia đình của trạm y tế. Người dân chưa quan tâm đến việc quản lý sức khỏe, khám sàng lọc phát hiện bệnh tật mà chỉ khám, chữa bệnh khi có dấu hiệu bệnh. Trạm y tế chưa lồng ghép được việc quản lý sức khỏe cho người dân như quản lý sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… Việc thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông phòng bệnh, tiêm chủng tại các phòng khám bác sĩ gia đình còn hạn chế, chưa được đưa vào hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình mà còn tách biệt trong nhóm hoạt động khác của bệnh viện hoặc trạm y tế. Hiện nay, các phòng khám bác sĩ gia đình chủ yếu khám, chữa bệnh đối với bệnh lý nội khoa mạn tính (COPD, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…), các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu. Khám chữa bệnh cấp tính đa khoa chưa được phát huy. BS Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình cho biết, các phòng khám bác sĩ gia đình tại Tân Bình hoạt động rất không hiệu quả. Toàn quận chỉ có 10 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu, 5 trạm y tế không có bác sĩ do đã nghỉ việc hết, chỉ có 2 trạm y tế được ký hợp đồng bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội thành phố. Các trạm y tế của Tân Bình vẫn chưa được áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân nên chưa thể kết nối với các bệnh viện tuyến trên.

 

8. Cần hiểu đúng về mô hình Bác sỹ gia đình: trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh của các bác sỹ ở thành phố Hồ Chí Minhvề tình trạng thiếu bệnh nhân cho phòng khám Bác sỹ gia đình và tình trạng “giành giật bệnh nhân” ở một số cơ sở y tế và những khó khăn khi triển khai mô hình Bác sỹ gia đình. Theo BS Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận 1, từ khi áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế (tháng 3.2016), bệnh nhân đều lên bệnh viện quận để khám và lấy thuốc. Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe khó triển khai, vẫn phải làm thủ công, chưa có phần mềm quản lý. Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Phú, một trong những quận huyện phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình thì cho biết, để đảm bảo mỗi trạm y tế có 2 bác sĩ, vì không thể tuyển dụng được bác sĩ nên quận đã chuyển hướng tuyển y sĩ, sau đó cho đi đào tạo, như vậy mới có đủ số bác sĩ như hiện nay. Còn tại quận Gò Vấp, phòng khám bác sĩ gia đình chỉ hoạt động tại các bệnh viện, trong khi tại các trạm y tế hầu như không có hiệu quả. Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM, hiện có 151/ hơn 300 trạm y tế của TPHCM ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội nhưng trong số đó có đến trên 70 trạm y tế không có bệnh nhân.Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, dường như một số địa phương đang có sự hiểu nhầm hoặc hiểu chưa đúng vì Bộ không yêu cầu phải thành lập phòng khám bác sĩ gia đình bên trong trạm y tế, mà đây là tích hợp hoạt động của bác sĩ gia đình tại trạm y tế. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đặt câu hỏi, vì sao số lượng trạm y tế ký hợp đồng bảo hiểm y tế chưa được 50%, trong khi trạm y tế là tuyến đầu, có thể giải quyết 70% nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu? Việc tích hợp bác sĩ gia đình vào trạm y tế nhằm mục đích nâng cao chất lượng của trạm y tế, là giải pháp căn cơ để giảm tải, tiết kiệm chi phí. Làm việc với Sở Y tế TPHCM về mô hình bác sĩ gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chủ trương của Chính phủ là tăng cường y tế cơ sở nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, giảm tử vong, kéo dài tuổi thọ, trong đó có tích hợp trạm y tế xã, phường theo mô hình bác sĩ gia đình. Muốn phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình cần phải có sự phối hợp giữa bệnh viện và trạm y tế triển khai bác sĩ gia đình, không thể để mặc trạm y tế tự bơi. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư 16 (sửa đổi) về thí điểm bác sĩ gia đình, trong đó quy định rõ những danh mục kỹ thuật, tài chính, thuốc cơ bản dùng cho các trạm y tế xã - phường. Những điều khoản sửa đổi sẽ hướng trạm y tế đến mục tiêu vừa thực hiện chức năng phòng dịch, phòng bệnh lây nhiễm, đồng thời phòng cả những bệnh không lây nhiễm, kết hợp chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện, điều trị những bệnh nhẹ. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được bảo hiểm y tế chi trả những kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản trong chẩn đoán, điều trị những bệnh nhẹ, bệnh thông thường. Trong tương lai, những gói dịch vụ về quản lý sức khỏe toàn diện, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng sẽ được bảo hiểm y tế chi trả”.

 

9. Chủ động phát hiện sớm sẽ góp phần giảm 20% số người mắc bệnh lao: Áp dụng mô hình phát hiện chủ động bệnh lao có thể góp phần làm giảm khoảng 20% tỉ lệ mắc lao hằng năm; ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tỉ lệ phát hiện chủ động cao gấp 15 lần so với phát hiện thụ động. Theo PGS. TS. Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, phát hiện chủ động bệnh lao được xem là một giải pháp hiệu quả cần được mở rộng ứng dụng trong thực hiện chiến lược kết thúc bệnh lao ở Việt Nam. Nhận định trên được nêu sau khi ngành y tế thực hiện mô hình thí điểm chủ động phát hiện bệnh lao trong cộng đồng dân cư và ở một số đối tượng có nguy cơ cao tại một số địa bàn ở nước ta. Kết quả là, tỉ lệ phát hiện lao chủ động cao gấp 3,6 lần phát hiện lao một cách thụ động. Mô hình phát hiện chủ động bệnh lao có thể góp phần làm giảm khoảng 20% tỉ lệ mắc lao hằng năm; một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tỉ lệ phát hiện chủ động cao gấp ít nhất 15 lần so với phát hiện thụ động. Với kết quả trên, PGS. TS. Lê Văn Hợi cho biết, các mô hình phát hiện lao chủ động sẽ được mở rộng ở nước ta nhằm góp phần giảm nhanh tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong do lao, hướng đến kết thúc bệnh lao vào năm 2030. Trong hội thảo tham vấn các đối tác chiến lược phát hiện lao chủ động tại Việt Nam tổ chức mới đây, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng nhấn mạnh, với vai trò của một nước tìm đường trong thực hiện chiến lược kết thúc bệnh lao trên thế giới, các mô hình thí điểm và mở rộng phát hiện bệnh lao chủ động ở nước ta sẽ được chương trình chống lao quốc gia và các đối tác quốc tế chủ chốt tổng hợp và phổ biến trên thế giới. Nhiều giải pháp quan trọng cho mở rộng phát hiện lao chủ động đã được thảo luận như mở rộng địa bàn triển khai và tăng cường sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao (như trẻ em có tiếp xúc với người bệnh lao, người cao tuổi; người nhiễm HIV, người mắc các bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, tâm thần; người đã từng mắc lao, công nhân mỏ, nhân viên y tế…);  tăng cường ứng dụng các kỹ thuật phát hiện nhanh và có độ nhạy, độ đặc hiệu cao trong phát hiện chủ động; huy động rộng rãi sự tham gia của các tổ chức xã hội trong tham gia sàng lọc ở cộng đồng… Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao với tỉ lệ mắc và tử vong hằng năm giảm khoảng 4-5%. Tuy nhiên, ở nước ta, mỗi năm vẫn có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV; hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và khoảng 16.000 người tử vong. Bệnh nhân không có miễn dịch với bệnh sau khi mắc phải.

 

10. Chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng ngộ độc nấm: Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, hiện Trung tâm đang điều trị cho 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc nấm là Hà Thị Cúc (52 tuổi), Chu Văn Mai (58 tuổi) và Chu Văn Vinh (30 tuổi) ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Theo lời người nhà, sáng 20/3, anh Chu Văn Vinh vào rừng thấy nấm tươi nên hái về ăn trong bữa trưa. Bữa đó, chỉ có anh và bố là Chu Văn Mai ăn, mỗi người ăn khoảng 6-7 cây nấm. Đến bữa tối, còn một ít nước và thịt nên mẹ là Hà Thị Cúc ăn nốt. Sau ăn khoảng 6-10 tiếng, cả 3 người đều có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn rất nhiều. Theo Ths. Lê Quang Thuận- Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, 3 bệnh nhân này nhập viện vào chiều 22/3 (tức là khoảng giờ thứ 50 sau khi ăn nấm) trong tình trạng khá nặng. Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp. Các bệnh nhân được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc, điều trị suy thận. Bên cạnh đó, Trung tâm Chống độc cũng phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật “dẫn lưu mật mũi” để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Sau gần một tuần điều trị vì tình trạng quá nặng khó cứu chữa, bệnh nhân Chu Văn Vinh, 30 tuổi đã được gia đình xin về để lo hậu sự từ hôm tối 27-3. Hiện bố của anh Vinh là Chu Văn Mai vẫn đang trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng, chỉ có bà Hà Thị Cúc sức khỏe tiến triển tốt hơn. Nói về tình trạng ngộ độc nấm, TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người. Điều trị ngộ độc nấm chủ yếu bằng các biện pháp hồi sức cấp cứu, giải độc với chi phí tốn kém nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao. Theo TS. Dũng, ngộ độc nấm thường xảy ra ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn. Bên cạnh đó, do tập quán đi rừng hái rau, nấm về ăn, bà con hái phải nấm hoang dại, có độc, nên khi ăn thường cả gia đình đều bị ngộ độc. TS. Dũng dẫn chứng, trước năm 2009, từng có gia đình 9 người bị ngộ độc nấm thì chết đến 8. Từ thực tế đó, các bác sĩ chống độc đã phải lặn lội đến tận bản làng miền núi xa xôi để tuyên truyền cho người dân bằng trực tiếp các loại nấm độc tìm trên địa bàn. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng. Vào mùa Xuân, khi mưa xuống, các loại nấm rừng mọc lên rất nhiều. Nấm độc mọc xen lẫn với nấm thường. Trong khi đó nhiều loại nấm độc dù không nhiều nhưng thường trông rất đẹp, ngon, có màu trắng, nhìn giống nấm bình thường. Một trong những loại nấm độc nhất hiện nay không có màu sắc sặc sỡ, nên thường gây nhầm lẫn.

TS. Dũng chia sẻ gần đây, các chuyên gia đã nghiên cứu, tìm hiểu về các loại nấm chứa độc và phát hiện ra 13 loại nấm có thể gây độc tại Cao Bằng- địa bàn miền núi trước đây có nhiều người ngộ độc nấm. Chúng tôi đã thu thập các mẫu nấm độc này, mang về xét nghiệm, thử nghiệm trên thỏ, rồi giải phẫu, phân tích các cơ quan phổi, gan, thận, lách… xem tổn thương do nấm độc gây ra như thế nào và tại sao con người lại chết vì ngộ độc nấm nhanh đến thế.

 

11. Cách xử trí đối với trường hợp bị ngộ độc nấm: ở các bản làng, nhiều người cho rằng, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc nhìn các loại nấm “nếu côn trùng ăn được thì người ăn sẽ không ngộ độc”, song trên thực tế các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã từng cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm dù nấm đó đã bị kiến đục khoét và côn trùng khác ăn. Theo TS. Dũng, trong một số loại nấm độc có nấm tán trắng chứa độc tố amatoxin gây độc khá nguy hiểm, còn lại cũng có một số loại nấm khác chỉ gây rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân dễ qua khỏi nếu được cấp cứu kịp thời. Nhóm nấm độc mà triệu chứng gây độc xuất hiện muộn sau 6 giờ đồng hồ khi ăn nấm thì thường kinh khủng nhất, gây tổn thương gan, rối loạn đông máu, người bệnh dễ chết trong tình trạng suy đa phủ tạng. Với các loại nấm gây ngộ độc trước 6 giờ đồng hồ thường chỉ gây triệu chứng ngộ độc nôn, rối loạn tiêu hóa. Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để kịp thời rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Ngoài ra, nên đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm. Sau khi ăn nấm mà có biểu hiện bị ngộ độc, nếu người bệnh vẫn còn tỉnh táo nên cho uống thật nhiều nước để gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu. BS Nguyễn Trung Nguyên cũng hướng dẫn cách dự phòng ngộ độc nấm bằng cách, xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm. Nếu dưới 6 tiếng có thể điều trị ở xã, huyện. Nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả, đặc biệt là nấm có đủ vòng cuống, bao gốc. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. BS Nguyên cũng chia sẻ, những ca ngộ độc nấm nặng chi phí điều trị rất cao, trong khi tỉ lệ tử vong lên đến 50%, cho dù người bệnh chỉ ăn 1 - 2 tán nấm. Biểu hiện thường gặp đầu tiên của ngộ độc nấm là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương… Biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Biểu hiện ngộ độc muộn: Có thể sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ) mới xuất hiện triệu chứng. Hầu hết các trường hợp do nấm lục (nấm độc xanh đen) 6 - 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội và nhiều trong khi đó hầu hết chất độc đã vào máu. Có trường hợp sau 1 - 2 ngày điều trị, các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy đỡ, người bệnh nghĩ là bệnh đã khỏi. Nhưng trên thực tế, tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác. Sau 3 - 4 ngày: vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, tiểu ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.

 

12. Các biểu hiện của nghiện ma túy tổng hợp: Ma túy tổng hợp có tác hại rất mạnh tới thần kinh, não bộ người sử dụng dẫn tới các bệnh giảm trí nhớ, tiếp thu và phản xạ thông tin chậm. Người nghiện, thường xuyên sử dụng rất dễ dẫn tới các bệnh về tâm thần. Hiện nay ở Việt Nam chưa có phác đồ cụ thể để điều trị các chứng bệnh do ma túy tổng hợp gây ra. “Để hạn chế người sử dụng ma túy thì yếu tố giáo dục nhận thức về bản chất, tác hại của ma túy cho thanh thiếu niên là tiên quyết để chính họ hiểu rõ bản chất, tự bảo vệ bản thân trước những cám dỗ. Kiến thức về ma túy cũng cần được đưa vào giảng dạy thành môn học trong các trường kèm những kỹ năng sống khác”, một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy khuyến cáo. Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng - Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, nhiều người lầm tưởng rằng khi ma túy đá thải sạch khỏi cơ thể thì mọi chuyện sẽ ổn. Sự thật không phải như vậy. Đào thải sạch sau 7 – 10 ngày, nhưng những tổn thương do ma túy gây ra cho não thì vẫn còn. Sử dụng nhiều lần hay 1 lần duy nhất đều có thể gây ra hậu họa tức thời hoặc về sau. Nhiều trường hợp đã ngưng sử dụng sau vài tháng hoặc vài năm bình thường nhưng sau đó bệnh tâm thần xuất hiện. Để giúp người nghiện vượt qua trạng thái cai và phòng chống tái nghiện hiệu quả cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị (hóa dược, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm, liệu pháp lao động tái thích ứng tại cộng đồng…). Cần thiết lập mối quan hệ điều trị sau cai để giải quyết tốt các rối loạn trầm cảm và suy giảm nhận thức thường tồn tại rất lâu về sau. Tiến sĩ Thu cũng cho biết, người nghiện ma túy có 10 biểu hiện dễ nhận thấy. Đó là, họ có cảm giác ăn không ngon miệng, bị giảm cân nhanh chóng trong thời gian ngắn; Lơ là việc học, năng suất lao động giảm; Có dấu hiệu miệng meth điển hình như sâu răng, đen răng, thiếu răng và nướu răng đỏ; Người nghiện ma túy đổ mồ hôi nhiều và có mùi như nước tiểu mèo; Họ thường có những mụn trứng cá lớn trên mặt; Luôn suy nghĩ hoang tưởng, nghi ngờ có người theo dõi, làm hại; Không có nhu cầu ngủ, luôn trong trạng thái tỉnh táo, có khi không cần ngủ cả tuần; Ngứa nhiều vùng da, chà xát nhiều lần tới chảy máu; Trong phòng ngủ rải rác các mảnh giấy bạc hình vuông bị cháy và các vỏ chai hoặc ống hút được sử dụng để hút ma túy đá; Tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt và suy nghĩ kỳ quặc. Sử dụng nhiều lần hay 1 lần duy nhất đều có thể gây ra hậu họa tức thời hoặc về sau. Nhiều trường hợp đã ngưng sử dụng sau vài tháng hoặc vài năm bình thường nhưng sau đó bệnh tâm thần xuất hiện.

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NGOÀI NƯỚC

13. Yếu tố tâm lý tác động mạnh đến tình trạng bệnh tật: Những người luôn phải sống cùng cảm giác cô đơn một khi bị cảm lạnh, tình trạng sẽ nặng hơn người khác rất nhiều, tạp chí Science Daily đưa nghiên cứu của Đại học Rice (Mỹ). Nghiên cứu được thực hiện trên 159 người trong độ tuổi 18-55, gần 60% là nam giới. Họ được đánh giá sức khỏe thể chất và tâm lý, sau đó được nhỏ vào mũi một ít dung dịch thuốc gây cảm lạnh và được cách ly trong khách sạn năm ngày. Sau khi cân nhắc các yếu tố như giới tính, lứa tuổi, các nhà nghiên cứu xác định nguy cơ bị cảm lạnh của những người sống cùng cảm giác cô đơn không cao hơn người khác. Tuy nhiên, một khi bị cảm lạnh, tình trạng của họ sẽ nặng hơn người khác rất nhiều. Những người đang chịu căng thẳng một khi bị bệnh cũng nghiêm trọng hơn nhiều. Các nghiên cứu trước cho thấy các yếu tố tâm lý như cảm giác mình bị chối bỏ, thiếu gắn kết với người khác ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Cảm giác cô đơn khiến tình trạng bệnh tật nặng hơn và phải đối mặt với rủi ro chết sớm. Theo các nhà nghiên cứu, cần phân biệt rõ cảm giác cô đơn và sự thiếu vắng quan hệ xã hội. Một người vẫn có thể có cảm giác cô đơn ngay khi ở cùng với rất nhiều người. Kết luận này có thể giúp mọi người chủ động điều chỉnh quan hệ xã hội cũng như cảm xúc của mình theo hướng tích cực hơn. Ngày nay các bác sỹ đã thừa nhận vai trò quan trọng của các yếu tố tâm lý, xã hội đối với hiệu quả điều trị bệnh. Trong nhiều bệnh viện và cơ sở y tế, người ta đã lập ra bộ phận chuyên giúp đỡ bệnh nhân giải quyết các vấn đề tâm lý, xã hội – được gọi là đơn vị công tác xã hội. Những nhân viên công tác xã hội này không chỉ giúp các bệnh nhân nội trú, mà cả các bệnh nhân ngoại trú, họ có nhiệm vụ tư vấn cho bệnh nhân về các vấn đề liên quan đến tâm lý xã hội, giúp bệnh nhân tìm được các nguồn lực hỗ trợ trong thời gian nằm viện hoặc điều trị bệnh, nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân,... Thực tế cho thấy, làm tốt công tác xã hội trong bệnh viện đã mang lại hiệu quả to lớn cho điều trị bệnh. Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc nhưng lại có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc chữa bệnh, dùng chất đó và khỏi bệnh, đó là hiệu ứng placebo. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho tất cả các phương thức trị liệu của nền y học chính thống.

 

14. Một bé gái Thái Lan bị mắc hội chứng người cá: Bé Jermkwan Krathumnat, 10 tháng tuổi, không chỉ mắc hội chứng 'người cá' khiến 2 cẳng chân dính lại như đuôi cá, mà còn bị mù mắt phải và biến dạng khuôn mặt.Sirenomelia, hay còn được gọi là “Hội chứng người cá”, là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, đặc trưng bởi hiện tượng quay khớp và các chi dính lại như đuôi cá ở người bệnh. Sự biến dạng bẩm sinh đôi khi khiến hai chân dính chặt vào nhau, tạo thành hình dạng giống như chiếc đuôi cá, từ lúc thai nhi còn ở trong dạ con.Do ảnh hưởng từ hội chứng người cá, các bác sĩ không thể xác định rõ giới tính của bé, nhưng nhìn bề ngoài, người thân gọi tên cô bé là Kwan. Bé Kwan có các chi phát triển không hoàn chỉnh và khuôn mặt biến dạng nặng vì sứt môi hở hàm ếch. Ngoài ra, Kwan còn mắc hội chứng sứt môi và hở hàm ếch nghiêm trọng. Bé hiện sống cùng gia đình tại Kananchaburi, Thái Lan. Trường hợp của bé gây xôn xao cộng đồng và phương tiện truyền thông sau khi một người đàn ông, biệt danh Bhin, đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Anh Bhin nói: “Cha của Kwan có tâm thần không ổn định và mẹ cô bé còn rất trẻ khi Kwan ra đời. Có thể chính sự kết hợp trên đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho bé”. Hiện tại, cả gia đình chỉ sống dựa vào số tiền ít ỏi mà người bà kiếm được, nên hoàn toàn không đủ khả năng chữa trị cho cô bé. Anh Bhin quyên góp được 30.000 Baht Thái Lan (khoảng 19,5 triệu đồng) giúp trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình trong suốt thời gian thử thách. Một công ty truyền hình địa phương cũng tặng 10.000 baht (6,5 triệu đồng) để hỗ trợ cô bé. Theo kế hoạch, các bác sĩ sẽ cố gắng sửa lại vòm miệng của Kwan trước, sau đó họ sẽ phục hồi hình dạng chân tay bình thường cho cô bé khi lớn lên. Kwan hiện đang điều trị tại Bệnh viện Srirat ở Bangkok, điều đó nghĩa là các thành viên trong gia đình phải thường xuyên di chuyển khoảng 120km chỉ để gặp cô bé. Ông Bhin nói thêm: “Khoản quyên góp hiện tại chỉ đủ trang trải cho gia đình trong một thời gian ngắn, họ cần thêm nhiều lòng hảo tâm khác vì việc điều trị của Kwan sẽ mất rất nhiều thời gian”.Theo các chuyên gia, hội chứng người cá xảy ra khi dây rốn không tạo thành hai động mạch hoàn chỉnh. Kết quả là động mạch đơn “đánh cắp” máu và chất dinh dưỡng từ phần dưới cơ thể rồi chuyển trở lại vào nhau thai, khiến thai nhi không thể phát triển hai chi khác biệt vì thiếu chất dinh dưỡng. Tình trạng này rất hiếm, ảnh hưởng 1 trên 100.000 trẻ sơ sinh, nhưng khả năng xảy ra ở thai song sinh lại cao gấp 100 lần. Trẻ sơ sinh có tình trạng này hiếm khi sống quá một vài ngày với hơn một nửa trường hợp dẫn đến thai chết lưu. Vào tháng 5/2016, một đứa trẻ sinh ra tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ cũng khiến các bác sĩ choáng váng với tình trạng tương tự. Đáng buồn thay, đứa bé chỉ sống được khoảng mười phút.

 

15. Hệ lụy đối với sức khỏe và tâm sinh lý của bé gái bị lạm dụng tình dục: Các nhà khoa học Mỹ cho biết những bé gái bị lạm dụng về thể chất và tinh thần sẽ có xu hướng dậy thì sớm hơn 8-12 tháng so với những trẻ khác. Chính sự lạm dụng tình dục đã buộc những đứa trẻ phải trưởng thành về thể chất với tốc độ nhanh hơn. Sự phát triển sớm về thể chất như vậy sẽ liên quan với nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng do tăng sự phơi nhiễm hoóc môn oestrogen trong một giai đoạn dài. Thêm vào đó, dậy thì sớm là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện và nguy cơ tình dụng cũng như mang thai tuổi vị thành niên. Nghiên cứu do ĐH Bang Pennsylvania thực hiên đã so sánh sự phát triển của 84 phụ nữ từng bị lạm dụng tình dục với 89 người có cuộc sống bình thường. Họ cũng trao đổi với các y tá và Cơ quan bảo vệ trẻ em và các đối tượng tham gia được theo dõi từ tuổi dậy thì đến khi trưởng thành thống qua 1 hệ thống có tên Tanner – cho ra 5 chỉ số xếp hạng tương ứng về sự phát triển thể chất tuổi dậy thì với 2 dấu hiệu riêng của tuổi dậy thì là sự phát triển của ngực và lông mu. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những cô bé có tiền sử lạm dụng tình dục sẽ dậy thì sớm hơn những cô bé không bị lạm dụng tình dục. Ngực những đứa trẻ này đã thay đổi sớm hơn 8 tháng so với những trẻ gái không bị lạm dụng tình dục và lông mu cũng mọc sớm hơn tới gần 1 năm. TS Jennie Noll, Giám đốc Mạng lưới Giải pháp điều tra ngược đãi trẻ em và là chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển con người, gia đình, cho biết: “Mặc dù sự khác biệt chỉ là 1 năm - có vẻ như quá ít so với 1 đời người nhưng sự trưởng thành sớm này lại gây hậu quả lâu dài, bao gồm các vấn đề sức khỏe tâm thần và hành vi, cũng như nguy cơ ung thư hệ sinh sản”. TS Noll giải thích rằng cơ thể cần có thời gian để thể chất và những bước phát triển diễn ra song song, giúp đảm bảo đứa trẻ khi thay đổi vẻ bề ngoài cũng sẽ có sự tăng trưởng tâm lý tương ứng để đối phó với sự trưởng thành. “Khi bị sang chấn, chẳng hạn như bị lạm dụng tình dục, sẽ dẫn tới sự gia tăng hoóc môn stress, dẫn tới sự dậy thì sớm hơn nhịp sinh học của cơ thể. Khi sự trưởng thành về thể chất trội hơn sự trưởng thành về tâm lý sẽ gây ra tình trạng kém thích nghi”, TS Noll giải thích. Các nhà nghiên cứu tin rằng những phát hiện này đã cho thấy vai trò của stress trong tuổi dậy thì và hứa hẹn sẽ tạo ra những giải pháp chăm sóc, hỗ trợ tâm lý đối với những phụ nữ đang phải đối mặt với hậu quả của sự trưởng thành sớm. Đây không phải là lần đầu tiên có những nghiên cứu về những ảnh hưởng của lạm dụng tình dục đối với bé gái. Một nghiên cứu năm 2013 của ĐH Cornell cho thấy những bé gái bị lạm dụng tình dục cũng dậy thì nhanh hơn và đồng thời xuất hiện những vấn đề về cảm xúc, tiền đề cho trầm cảm và rối loạn lo âu.

 

16. Thông tin y tế của Trung Quốc: Trung Quốc ghi nhận thêm 6 ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9. Ngày 2/4, giới chức y tế Trung Quốc thông báo trong vòng một tuần, từ ngày 24-30/3 vừa qua, đã có thêm 6 ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 ở người được phát hiện tại tỉnh Hồ Nam, miền Trung nước này, trong đó một trường hợp đã tử vong. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, thời tiết mưa rét tại nhiều khu vực là một trong những yếu tố khiến virus H7N9 lan rộng. Tính từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện ít nhất 162 trường hợp tử vong do lây nhiễm H7N9, mức cao nhất trong 8 năm qua.  Hoạt động buôn bán gia cầm sống đã bị cấm tại thành phố Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, kể từ ngày 17/3 và lệnh cấm này có hiệu lực trong 21 ngày. Trường hợp virus H7N9 lây nhiễm sang người tại Trung Quốc được biết đến đầu tiên vào tháng 3/2013. Chủng virus này thường bùng phát trong khoảng thời gian mùa Đông và mùa Xuân hàng năm.  Hiện Trung Quốc đã nghiêm cấm hoạt động buôn bán gia cầm sống tại nhiều địa phương. Các chuyên gia cho biết H7N9 không lây giữa người với người, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với gia cầm sống và chết, nên mua các sản phẩm gia cầm có chứng nhận kiểm dịch. Một thông tin đáng chú ý khác là theo tờ Dailymail đưa tin, các bác sĩ Trung Quốc đã tiến hành thành công ca phẫu thuật cấy ghép vành tai mới cho một người đàn ông sau khi nuôi dưỡng nó trên cánh tay. Theo thông tin được đưa ra, người đàn ông giấu tên đã bị tổn thương nặng nề phía bên phải của mặt sau một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng vào năm 2015. Sau khi trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cấy ghép da mặt và vùng má, do cảm thấy tự ti vì gương mặt thiếu tai, người đàn ông đã đến gặp bác sĩ Guo Shuzhong - một chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tái tạo tại bệnh viện trực thuộc Đại học Jiaotong Xian ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) để tìm giải pháp. Bác sĩ Guo đã quyết định nuôi dưỡng một chiếc tai nhân tạo bằng cách lấy một phần sụn trên xương sườn của bệnh nhân và sử dụng công nghệ in 3D để xây dựng. Ca phẫu thuật cấy phép vành tai mới cho bệnh nhân tương đối phức tạp và kéo dài suốt 7 tiếng. Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, bác sĩ Guo đã thấy máu lưu thông qua vành tai mới được cấy ghép chứng tỏ cuộc phẫu thuật đã thành công.  Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện trong khoảng hai tuần tới cho đến khi vành tai mới có thể hoạt động bình thường.​ 


Thăm dò ý kiến