Điểm tin y tế ngày 02/4/2018

02/04/2018 | 11:48 AM

 | 

 

I. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Việt Nam hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới với chủ đề “BHYT toàn cầu: Tất cả mọi người, ở mọi nơi”: Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Hệ thống chính sách BHYT của Việt Nam đã không ngừng được hoàn thiện; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã tăng từ 5,6% lên 85,6% dân số (tính đến cuối năm 2017). Mỗi năm, hàng trăm triệu lượt người đã được bảo đảm quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo chế độ BHYT (năm 2017, quỹ BHYT đã thanh toán khoảng 84.500 tỷ đồng cho 165 triệu lượt người). Sự bảo đảm tài chính từ quỹ BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho việc sử dụng các dịch vụ y tế; đồng thời giảm dần “gánh nặng” cho ngân sách. Những kết quả đó cho thấy việc đẩy mạnh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân ở Việt Nam không chỉ là sự lựa chọn đúng đắn mà còn rất cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như định hướng phát triển bền vững đã được Đảng và Nhà nước ta xác định.

2. Từ ngày 1/4, nhiều đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế trên địa bàn TP HCM phải đổi thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội (mẫu thẻ mới): Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý về Bảo hiểm tế, đáp ứng yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung trên toàn quốc của ngành bảo hiểm xã hội. Theo đó, có 1,6 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế tại TP HCM sẽ được đổi thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội. Đó là những đối tượng như: Cán bộ hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng, người tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình, cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến, thân nhân liệt sĩ, thân nhân người có công với cách mạng, người phục vụ người có công với cách mạng. Cụ thể, đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm Xã hội hàng tháng, bao gồm cả người nhận tiền mặt và nhận qua ATM, các điểm bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng sẽ phát thẻ Bảo hiểm y tế mẫu mới cùng với kỳ chi trả vào tháng 4/2018. Còn đối với người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến, thân nhân của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, người phục vụ người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và trẻ em dưới 6 tuổi thì cơ quan quản lý đối tượng đó, cụ thể là Phòng Lao động thương binh và Xã hội quận huyện, UBND xã phường, thị trấn sẽ phát thẻ Bảo hiểm Y tế mẫu mới đến tay các đối tượng trước ngày thẻ có giá trị. Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP HCM, thẻ Bảo hiểm y tế mẫu mới sẽ có mã số trùng với mã số của thẻ Bảo hiểm xã hội, có giá trị sử dụng từ ngày 1/5/2018, trên thẻ không ghi "giá trị sử dụng đến" như trước đây. Việc này nhằm quản lý được đối tượng tốt hơn, bởi mã số thẻ sẽ đóng vai trò định danh mỗi người giúp kiểm soát được vấn đề cấp trùng thẻ, khắc phục được tình trạng thay đổi như in, cấp lại hàng năm gây tốn kém chi phí. Trong khi đó, quyền lợi của người dân vẫn không thay đổi, khi đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện, cơ sở y tế, người có thẻ chỉ cần nhớ mã số hoặc chụp vào điện thoại thông minh thì trên dữ liệu đã có đầy đủ thông tin lịch sử khám chữa bệnh trước đó. Bà Lưu Thị Thanh Huyền nói: "Sau này, những đối tượng này không cần lên lấy thẻ. Chỉ cần biết được thời gian sắp hết hạn và chuyển tiền vào tài khoản cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc ra đóng tiền ở đại lý, phần mềm sẽ cập nhật luôn giá trị. Người dân cũng không không cần đến để lấy thẻ nữa". Trước đó, từ tháng 2/2018, việc đổi thẻ đã được Bảo hiểm Xã hội TPHCM và Bảo hiểm Xã hội 24 quận, huyện của thành phố gửi thông báo đến các đơn vị: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội 24 quận huyện, UBND xã, phường, thị trấn, bưu điện thành phố để có sự phối hợp thực hiện. Hiện nay, thẻ Bảo hiểm Y tế theo mã số Bảo hiểm Xã hội đã được in và đang bàn giao cho các đơn vị để phát đến người dân. Ngoài 1,6 triệu dân trong những đối tượng trên thì Bảo hiểm Xã hội Thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị để hoàn tất cấp phát thẻ cho số dân còn lại từ sau tháng 4 tới. Chị Đặng Thị Thảo, ngụ quận Bình Thạnh cho biết việc đổi mã số Bảo hiểm Y tế sẽ tạo điều kiện cho người dân đi khám bệnh không cần thẻ, nếu để quên ở nhà hoặc mất vẫn có thể khám chữa bệnh được. Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM, trường hợp đổi thẻ Bảo hiểm Y tế theo mã số Bảo hiểm Xã hội nhưng bị sai thông tin so với thẻ cũ thì người tham gia Bảo hiểm Y tế liên hệ với cơ quan Bảo hiểm Xã hội nơi cấp thẻ để được đổi lại thẻ ngay. Trong trường hợp vì lý do khách quan chưa nhận được thẻ Bảo hiểm Y tế mới hoặc đã nhận được thẻ mới nhưng vẫn dùng thẻ cũ đi khám chữa bệnh, cơ quan này đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế để giải quyết, tiếp nhận khám chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm Y tế. Thẻ Bảo hiểm Y tế mới có giá trị sử dụng từ ngày 1/5/2018 còn thẻ Bảo hiểm Y tế mẫu cũ có giá trị sử dụng đến ngày 30/4/2018. Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn tiếp nhận bệnh nhân đi khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm Y tế theo mẫu cũ đến hết ngày 30/6/2018.

3. Vì sao cần quy định chặt chẽ tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái tầu hỏa: Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo lần I Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên làm việc trong ngành đường sắt. Một lần nữa, những nội dung do Bộ Y tế đưa ra được cho là "có vấn đề" khi một số quy định như: vòng ngực, bộ phận sinh dục, răng vẩu... là tiêu chí cho việc khám tuyển dụng và khám định kỳ. Theo dự thảo lần này, với lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn tuyển của nam giới phải cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg. Tương tự, với nữ là cao từ 1,58 m, cân nặng từ 47 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm. Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục, nếu nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... được xếp vào không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu. Theo ông Lê Lương Đống, Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo, thông tư trên bắt đầu được xây dựng từ tháng 9/2017. Đến cuối tháng 12, Bộ đưa lên website để lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, kết thúc vào ngày 24/2 vừa qua. “Trong suốt thời gian này, chúng tôi không hề nhận được ý kiến đóng góp nào, cho đến vừa qua, nhiều báo mới đưa thông tin”, ông Đống nói. Ông Đống cho biết ban soạn thảo căn cứ theo Quyết định 4132 của Bộ Y tế năm 2001 quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới. Là người tham gia xây dựng nhiều thông tư, theo ông Đống, so với lái xe đường bộ, sức khoẻ lái tàu khi tuyển dụng có nhiều quy định khắt khe hơn. Như tài xế lái xe đường bộ chỉ cần cao 1,62 m, nặng 48 kg nhưng lái tàu phải 1,64 m trở lên, cân nặng tối thiểu 52 kg. Tương tự lái xe đường bộ, vòng ngực chỉ cần 79 cm với nam nhưng lái tàu hoả cần trên 80 cm. Ông Đống quan điểm quy định rõ vòng ngực vì đây là một trong những chỉ số để đánh giá thể trạng sức khoẻ của một người, hô hấp tốt, độ giãn nở phổi lớn thì vòng ngực sẽ lớn. Ông Đống cho biết, ngay sau khi báo chí và dư luận có ý kiến, ông đã trực tiếp rà soát lại thông tư cũng như các văn bản có liên quan. “Thông tư đang dài 21 trang, chúng tôi sẽ xem xét để rút lại chỉ còn 5-6 trang theo hướng bao quát hơn, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ 2 nhóm tiêu chí và 13 chuyên khoa để người dân đọc thấy đơn giản hơn”, ông Đống cho hay. Riêng với chuyên khoa răng hàm mặt, sẽ bỏ tiêu chí vẩu (khoảng cách 2 hàm lớn hơn 0,5 cm). Với hệ máu bạch huyết trong đó yêu cầu xét nghiệm hậu quả của máu về bệnh phóng xạ, máu khó đông... ông Đống cho biết sẽ xem xét bỏ, vì không phải cơ sở y tế nào cũng đủ máy móc để xét nghiệm chỉ số này. Thay vào đó, bác sĩ sẽ phải khai thác rất kỹ bệnh sử, khi cần chuyển sang bệnh viện chuyên sâu hơn để xét nghiệm. Với các tiêu chí khác, chẳng hạn như lái tàu không được có răng sâu men, ngà trên 3 cái, sẽ chiếu lại thông tư liên bộ năm 2013 về quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật. Nếu chỉ ảnh hưởng 5-7% là bình thường, nếu trên 10% thì không đủ điều kiện.

4. Ngành Y tế Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển y tế chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Từ năm 2013, Đề án phát triển y tế chuyên sâu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 đã được triển khai tại nhiều bệnh viện trên địa bàn. Theo đó, công tác đào tạo y bác sĩ được thực hiện và nhiều thiết bị kỹ thuật chất lượng cao được đầu tư đã góp phần nâng cao uy tín, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh, giảm tải lượng bệnh nhân tuyến Trung ương. Là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện A Thái Nguyên chú trọng phát triển chuyên sâu sản nhi. Sau khi đầu tư trang thiết bị, cử các bác sĩ tham gia đào tạo tại tuyến Trung ương, hiện bệnh viện đã thực hiện được 100% các kĩ thuật của tuyến cuối về nhi khoa và sơ sinh cũng như nhiều kĩ thuật khác trước đây phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, sau gần 2 năm thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đến nay, tại bệnh viện 100 trẻ đã chào đời bằng phương pháp này. Bệnh viện đang tiếp tục hỗ trợ 50 trường hợp. Theo ông Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A tỉnh Thái Nguyên, kĩ thuật này luôn có sự phát triển, liên tục cập nhật, bệnh viện cũng mua sắm máy móc hiện đại, phục vụ hỗ trợ sinh sản, đào tạo bài bản các kíp thực hiện kĩ thuật. Tại Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi tiết niệu, các bệnh truyền nhiễm... Đây là những ca phức tạp mà trước đây bệnh viện phải chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương. Ông Lê Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên chia sẻ, Bệnh viện được giao phát triển mũi nhọn y tế chuyên sâu về nội tiết, đồng thời tiếp tục phát triển đa lĩnh vực. Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai, có sự giúp đỡ y khoa chuyên sâu của Bệnh viện Nhiệt đới và Bệnh viện Nội tiết Trung ương... giúp đào tạo nguồn nhân lực liên tục. Thời gian tới, Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên tiếp tục đi sâu và hoàn thiện kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng, tiết niệu, tiêu hóa, tai mũi họng, khớp, mổ u tuyến giáp, ứng dụng laser trong phẫu thuật thẩm mỹ, sử dụng dao siêu âm trong phẫu thuật… Những kỹ thuật y tế chất lượng khác cũng được thực hiện thành công tại nhiều bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh như: chẩn đoán lao kháng thuốc bằng kỹ thuật X.pert/RIF tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Bệnh viện Y học cổ truyền áp dụng điều trị một số bệnh có hiệu quả như liệt nửa người, thiểu năng tuần hoàn não, các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh về khớp và thần kinh, điều trị u xơ tuyến tiền liệt. Bệnh viện C phát triển kỹ thuật can thiệp tim mạch (thực hiện thành công đặt máy tạo nhịp tim), duy trì và phát triển các kỹ thuật phẫu thuật vỡ lún đốt sống ngực - thắt lưng do chấn thương bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống. Đề án đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu có chất lượng cao tương đương với các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện Hà Nội và một số bệnh viện ở trung tâm lớn của cả nước về một số lĩnh vực quan trọng. Từ việc triển khai Đề án, tỉnh đã nâng cấp được hai bệnh viện đa khoa gồm Bệnh viện A và Bệnh viện C từ hạng II lên hạng I và xây dựng ba bệnh viện trở thành vệ tinh của 4 bệnh viện chuyên ngành hàng đầu tuyến Trung ương và Hà Nội. Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết, để giảm tải người bệnh phải vượt tuyến cũng như phát triển tốt dịch vụ y tế chuyên sâu, ngành Y tế Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển tốt nguồn nhân lực có thể triển khai nhiều kĩ thuật y tế cao, dành kinh phí đầu tư trang thiết bị tốt để phục vụ y tế chuyên sâu. Ngành Y tế tỉnh phấn đấu tới năm 2020, 100% các kỹ thuật y tế sau tiếp nhận chuyển giao được các đơn vị tự thực hiện tốt và các kíp chuyên sâu phục vụ tốt yêu cầu chuyên môn.

5. Người nhà bệnh nhân ở Bắc Kạn lăng mạ, hành hung bác sĩ: Thông tin từ BS. Trịnh Đình Cương - Trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, khoảng 15h ngày 31/3, tại khoa Nội tổng hợp của bệnh viện đã xảy ra sự việc, chồng của bệnh nhân lăng mạ và hành hung bác sĩ Hoàng Thị Huế và điều dưỡng viên Hà Thị Hảo của khoa. Được biết, cả hai nhân viên y tế này đều còn trẻ. Kể lại chi tiết sự việc, BS. Cương cho hay, trước đó bệnh nhân đã được điều trị tại trung tâm Y tế TP.Bắc Kạn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn ngày 29/3. Tuy nhiên, gia đình đã tự ý đưa bệnh nhân về nhà. Tại nhà, bệnh nhân có các biểu hiện nôn, chóng mặt, đau đầu, tay chân tê bì, mệt mỏi. Khoảng 14h ngày 31/3, chồng của bệnh nhân đưa bệnh nhân tới bệnh viện Đa khoa tỉnh để thăm khám. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành các bước cần thiết để lên phác đồ điều trị, sau đó bệnh nhân kêu đau và tê tay. Chồng của bệnh nhân này đã tức tốc gọi các bác sĩ, điều dưỡng viên của ca trực và to tiếng lăng mạ, đánh 1 nữ bác sĩ và 1 điều dưỡng của ca trực. Sự việc xảy ra có khoảng 40 - 50 bệnh nhân đang điều trị tại khoa chứng kiến. “Các bác sĩ đã khám đúng quy trình, bệnh nhân bị co quắp và tê tay nhưng môi vẫn hồng hào, hỏi vẫn trả lời. Chúng tôi cũng đã giải thích cho người nhà bệnh nhân bình tĩnh, bệnh tình của bệnh nhân không có gì ghê gớm. Có thể người nhà bệnh nhân không hiểu nên mới có lời ra tiếng vào và giúi đầu bác sĩ”, BS. Cương nói. Cũng theo BS. Cương, thời điểm hai nhân viên của khoa mình bị hành hung, BS. Cương đang đứng cạnh bệnh nhân, còn bác sĩ Huế và điều dưỡng Hảo đi lấy dụng cụ khám. Ngay sau khi sự việc xảy ra, BS. Cương đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo của bệnh viện. “Chuyện bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện bị người nhà hành hung và chửi bới là có, phía công an cũng đã xuống bệnh viện để làm việc. Tuy nhiên, sự việc cũng không để lại hậu quả nghiêm trọng, không gây ra thương tích gì cho bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện. Chỉ hơn 1 tiếng sau đó, bệnh nhân đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục được thăm khám và điều trị”, BS. Cương chia sẻ thêm.

6. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm bàn tay vòng nội soi: Mặc dù đã nghỉ quản lý gần 6 năm nhưng nay GS Nguyễn Thanh Liêm vẫn gắn với danh hiệu “workaholic” - người nghiện việc. Sau khi nghỉ quản lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2012, GS Liêm vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Niềm say mê mà từ bấy lâu nay, GS Liêm vốn chỉ có những buổi tối, những ngày cuối tuần để làm. Ông luôn tâm niệm: “Tôi luôn tìm cái gì hay hơn cái đã làm”. Và những cái gây sốc, hay hay hơn cái đã làm đã đưa ông đến vinh dự cao quý: GS Nguyễn Thanh Liêm là người Việt đầu tiên được vinh danh được nhận giải thưởng Nikkei ở lĩnh vực khoa học công nghệ trong 22 năm từ khi có giải thưởng. Ngày 14.6 tới, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm sẽ tới Tokyo, Nhật Bản để nhận giải thưởng này. Nikkei là giải thưởng lớn với quy trình tuyển chọn rất khắt khe. Hội đồng xét duyệt giải thưởng đánh giá cao những thành tích chủ yếu trong vấn đề nội soi trẻ em và tế bào gốc của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm. Hơn 30 năm trong nghề, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm gắn bó với nhi khoa. Ngay cả khi làm lãnh đạo, bận trăm công nghìn việc ông vẫn mang trong mình đam mê nghiên cứu. Nhắc đến GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là nhắc đến nhiều công trình khoa học, nhiều ca bệnh khó nhờ bàn tay vàng của ông đã cứu những sinh mệnh bé nhỏ. Một trong những đóng góp của ông trong y khoa đó là kỹ thuật nội soi. Ông nhớ lại, trong chuyến công tác tại Nhật Bản năm 2002, một đồng nghiệp ở Philippines đã nói: “Tôi sang đây để học kỹ thuật nội soi của ông Liêm”. Sau khi được trao đổi, học hỏi đồng nghiệp người Philippines đã thốt lên rằng: “Thời gian tôi ở với ông rất hay nhưng mà nguy hiểm”. Hồi lâu, GS Liêm mới vỡ lẽ sự nguy hiểm mà đồng nghiệp nói ở đây là “xem ông Liêm làm thì dễ mà thực hành thì không như thế”. Đó là kỹ thuật phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Và chính ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cải tiến và thực hiện tại Việt Nam đã đưa tên tuổi ông đến với thế giới. Giờ đây, cũng chính nhờ những kỹ thuật nội soi do GS cải tiến một lần nữa ghi danh ông tại giải thưởng Nikkei. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nhớ lại: Năm 1997, tôi ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam. Kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh trước đây Việt Nam mổ rất vất vả, biến chứng nhiều bởi một bệnh nhi phải mổ 3 - 4 lần, cứ 3 - 4 tháng lại lên bàn phẫu thuật một lần. Tôi đã sáng tạo và giảm xuống mổ còn 2 lần cho bệnh nhi, rồi 1 lần mổ nhưng vẫn chưa thoả mãn bởi đường mổ mở lớn nên tôi mạnh dạn mổ nội soi và đã thành công. Hơn nữa, đường rạch rút từ 3 xuống còn 1. “Thành công này đã thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi. Năm 2001 tôi có ý tưởng mổ nội soi lồng ngực để chữa thoát vị cơ hoành cho trẻ nhỏ nhưng lúc đó không làm được vì phương tiện của mình chưa có đủ. Tôi đã thảo luận với một giáo sư người Pháp về vấn đề này. Giáo sư đó đã về Pháp và thực hiện ca mổ đầu tiên theo phương pháp tôi nghĩ ra trên một trẻ nhỏ 7 tháng tuổi. Năm 2002, Việt Nam đã có được phương tiện phẫu thuật cần thiết, trên cơ sở đã tiến hành trên những trẻ hơn 7 tháng thành công. Tôi nghĩ nếu đã mổ được cho trẻ 7 tháng tuổi thì cớ sao không thể mổ cho trẻ nhỏ tuổi hơn. Đương nhiên, phải lường trước những khó khăn đặc biệt và thảo luận với kíp gây mê hồi sức rất kỹ lưỡng để tránh rủi ro. Ca mổ nội soi lồng ngực điều trị thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh thành công vào tháng 2.2002. Những thành công đó đã thôi thúc tôi cùng các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu. Đến nay, giới phẫu thuật nhi khoa thế giới công nhận Việt Nam đi tiên phong về phẫu thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ, với kinh nghiệm phẫu thuật cho hàng ngàn trường hợp và phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị cơ hoành cho hang trăm ca”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nhớ kể lại. Trước đó, để chữa trị, người ta mổ ngang đường bụng, cắt cơ, sang chấn, nguy cơ tử vong cao. Sau khi nghiên cứu thành công, GS Liêm đã mổ nội soi ở trẻ lớn và bắt đầu thực hiện dần ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sau 2 - 3 ngày sinh. Tiếp đến, ông còn thành công hơn một bước khi thực hiện phẫu thuật này trên bệnh nhi đang thở máy cao tần. Thế giới rất kinh ngạc trước thành công này của Việt Nam bởi họ không khuyến khích làm ở trẻ sơ sinh và Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại.

7. Kết quả nghiên cứu ghép tế bào gốc cho trẻ bại não mở hy vọng chữa khỏi cho trẻ tự kỷ, bệnh não: Khi bước chân vào nghiên cứu một lĩnh vực mới, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đứng trước đầy khó khăn nhưng với ông đó là thử thách của mỗi nhà khoa học. Năm 2014, GS Liêm cùng đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam: Ghép tế bào gốc. “Ngày nào tôi cũng gặp các cháu nhỏ mắc bệnh nan y mà y học chưa có hướng chữa khỏi như bại não, tự kỷ, thoát vị màng não tủy, teo đường mật bẩm sinh...”, GS.TS Liêm trăn trở. Tự mày mò, học hỏi, những tia hy vọng đã lóe lên. Bệnh nhi 2 tuổi đầu tiên bị bại não do nhiễm trùng máu, thiếu oxy não phải sống thực vật, đã có tiến triển tốt sau ghép tế bào gốc. Niềm hy vọng đó thôi thúc GS.TS Liêm đề xuất ngay đề tài nghiên cứu cấp nhà nước ghép tế bào gốc cho trẻ bại não với Bộ Khoa học và Công nghệ, dù đây là phương pháp mới chưa được thế giới công nhận rộng rãi. Thời gian đầu, dư luận còn hoài nghi, thậm chí “lời ra, tiếng vào” với kết quả bước đầu của GS.TS Liêm và các đồng nghiệp. Mỗi ca ghép, ông đều trực tiếp thăm khám và chỉ định nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất cho bệnh nhi. Sau 3 năm nỗ lực, đề tài nghiên cứu mang về những kết quả tích cực ngoài mong đợi. Nhiều trẻ bại não đã cải thiện chức năng vận động và phát triển trí tuệ sau điều trị, thay đổi cuộc sống của bệnh nhi. Công nghệ ghép tế bào gốc được GS.TS Liêm mở rộng hướng nghiên cứu sang điều trị bệnh tự kỷ, teo đường mật bẩm sinh, thoát vị màng não xơ phổi ở trẻ nhỏ; xơ gan, thoái hóa khớp ở người lớn. Các đề tài về tế bào miễn dịch, công nghệ gene cũng được vị bác sĩ 66 tuổi tiếp tục đẩy mạnh. Kết quả về tế bào gốc sẽ được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cùng các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới trước khi đưa ra đánh giá khả quan. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm quan niệm: Thành tích của chúng tôi sẽ không dừng lại đây, sẽ tiếp tục tìm tòi để hoàn thiện để tìm ra nhiều kỹ thuật mới. Bởi với người làm khoa học, nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá sự thành công làm tìm được ra cái mới, cái hay hơn, ưu điểm hơn. Mà thế giới đi nhanh lắm. Cái gì người ta hôm nay không làm được thì ngày mai họ làm được. Tìm tòi ở đây không có nghĩa là phải phát kiến ra những gì lớn lao, mà cũng khó có gì lớn lao để tìm ra.

8. Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh điều trị thành công ca bệnh 9 năm ho ra máu: Một bé gái mắc bệnh hiếm gặp ho ra máu hàng chục năm vừa được Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM xác định ra bệnh và điều trị thành công ban đầu. Sáng 1-4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cho hay nơi đây vừa tiếp nhận điều trị bé gái 13 tuổi mắc bệnh hiếm gặp, ho ra máu kéo dài hàng chục năm. Trước đó, bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho ra máu nhiều lần. Qua xét nghiệm, X-Quang, kiểm tra chuyên sâu, sinh thiết nội soi lồng ngực, đồng thời hội chẩn với các chuyên gia trong và ngoài nước…, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh lắng đọng Hemosiderin tại phổi. Đây là bệnh hiếm gặp (tần suất mắc là 1/1.000.000) nhưng nguy cơ tử vong khá cao với hơn 50%. Đến nay thế giới chỉ mới ghi nhận khoảng 500 ca mắc. Bệnh đặc trưng với 3 triệu chứng: ho ra máu, phổi thâm nhiễm phế nang và gây thiếu máu từng đợt. Ngay lập tức, bệnh nhi được điều trị liệu pháp Corticoid đơn độc với liều Methylprednisolone, 30 mg/kg truyền tĩnh mạch 3 ngày liên tiếp mỗi tháng trong 6 tháng. Theo Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Huyên (Khoa Hô hấp 1), qua các lần theo dõi, bé không còn biểu hiện thiếu máu, không ho ra máu và XQ tổn thương phổi cải thiện. Tuy nhiên, cũng cần theo dõi và đánh giá thêm trong khoảng thời gian tiếp theo. Từ lúc 4 tuổi, bé gái đã có tiền căn nhiều lần thiếu máu, phải truyền máu 7-8 lần, được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt và điều trị bổ sung sắt nhưng không đáp ứng. Thỉnh thoảng em ho ra máu bầm lượng ít nhưng được chẩn đoán viêm họng, viêm phế quản, không xử lý dứt bệnh. Lần nhập viện này, tình trạng ho ra máu trở lại, nặng hơn, khó thở, em được sơ cứu tại bệnh viện địa phương rồi chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch được hỗ trợ NCPAP, xét nghiệm vi khuẩn lao (kết quả âm tính) trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.

9. Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thành phố Hồ Chí Minh lấy que xiên cá viên đâm xuyên hậu môn của bé trai 7 tuổi: Bé được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hoảng sợ, đau đớn nhiều vùng hậu môn. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp cấp cứu tai nạn sinh hoạt cho trẻ nhỏ. Nạn nhân là bé Q.H. (7 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM), bị xiên que cá viênđâm xuyên hậu môn trong lúc nô đùa. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng Quát đã tư vấn kỹ lưỡng cho người nhà cần phẫu thuật rút xiên que khỏi hậu môn cho bé. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, với dị vật như vậy sẽ nhanh chóng dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ, gây đến tổn thương nghiêm trọng hơn. Ca phẫu thuật nhanh chóng được tiến hành, các bác sĩ tiến hành rút que ra khỏi hậu môn cho bé và cắt lọc rộng da vị trí đâm, bơm rửa sạch và chăm sóc kỹ vết thương. May mắn vết thương xuyên hậu môn nhưng không gây thủng trực tràng. Hiện em đã ổn định vẫn được chăm sóc và điều trị. Món ăn vặt yêu thích của phần lớn trẻ em hiện nay như cá viên chiên, xúc xích chiên, bò viên chiên,... tưởng chừng như vô hại nhưng cũng có thể gây tai nạn không ngờ. Khi bé nô đùa, các que xiên có thể làm tổn thương đến các bé. Trước đây, tại BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, các bác sĩ cũng từng cấp cứu cho một trường hợp bé bị đũa tre xuyên thủng lưỡi trong lúc ăn cơm. Qua sự việc này, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh thường ngày nên để mắt nhiều hơn đến con em mình và phổ biến kiến thức cơ bản về vui chơi an toàn cho các cháu. Tuyệt đối không được để trẻ cầm đũa, dĩa, tăm hay ngậm kẹo mút trong lúc chơi đùa; cẩn thận với các loại hạt, loại quả vì có thể sẽ bị mắc nghẹn đường thở. Khi trẻ bị dị vật đâm phải, phụ huynh phải cố gắng giữ bình tĩnh, tuyệt đối không rút dị vật ra, cố gắng giữ dị vật ổn định và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

10. Các bác sỹ Bệnh viện Sản – Nhi Lào Cai cứu sống trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi bị vỡ dạ dày: Các bác sĩ Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận và cứu chữa thành công một em bé sơ sinh 2 ngày tuổi bị vỡ dạ dày hiếm gặp. Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh nhi là một em bé sinh non ở tuần thứ 38, với cân nặng chỉ 1,7kg. Khi mới chào đời, bé hồng hào, bú được và đã đi ngoài phân su. Tuy nhiên, hai ngày sau, bé nôn nhiều và xuất hiện bụng chướng. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường, gia đình đưa bé đến Bệnh viện huyện Văn Bàn (Lào Cai) điều trị. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng chướng bụng không đỡ nên các bác sĩ đã chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai. Lúc này, bé sơ sinh đã ở trong tình trạng li bì, khó thở, tím tái, không sốt, bụng chướng căng. Bác sĩ đặt sonde dạ dày thì có ít dịch màu xanh, bơm rửa trực tràng dịch nhầy nâu lượng ít. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các BS đã khẩn trương hồi sức tích cực. Sau khi hội chẩn, ThS.BS Đinh Ngọc Dũng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai xác định bé bị viêm phúc mạc do tắc ruột phân su biến chứng vỡ tạng rỗng. Khi tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho cháu bé, kíp mổ bất ngờ phát hiện dạ dày trẻ có cấu trúc bất thường. “Toàn bộ mặt trước của dạ dày không có lớp cơ chỉ có niêm mạc và thanh mạc, một đường vỡ lớn từ tâm vị đến hang vị. Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc và khâu phục hồi dạ dày”, BS Nguyệt nói. Sau 3 ngày điều trị tích cực tại khoa hồi sức sơ sinh bằng thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn và kháng sinh phối hợp, chăm sóc đặc biệt, hiện bệnh nhi đã hồng hào trở lại, tim mạch tốt, thân nhiệt ổn định, bụng mềm. Theo nhận định của BS Nguyệt, đây là trường hợp hiếm gặp vỡ dạ dày do bất thường cơ dạ dày trên trẻ sinh non, nhẹ cân.

11. Cảnh báo nguy cơ nhiễm vi rút viêm gan do xăm môi, xăm mày: Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, vừa cho biết năm 2017, cả nước có khoảng 967.000 người bị nhiễm viêm gan C nhưng chỉ có 74.000 người được chẩn đoán bệnh trước đó. Viêm gan vi rút C thường rơi vào nhóm nam giới tiêm chích ma túy, bệnh nhân AIDS, bệnh nhân bị gan, bệnh nhân lọc máu. Ngoài ra, có một tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan vi rút C do xăm mày, môi, xăm mình. Thống kê cho thấy tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan C khu vực phía Nam cao hơn tại phía Bắc. Bác sĩ Huyền nhận định ngoài viêm gan C, viêm gan vi rút B hiện đang là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam. Trước năm 1998, tỉ lệ trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi nhiễm viêm gan B từ 12%-18% nhưng từ năm 2000-2008 với việc tiêm chủng vắc-xin viêm gan B, tỉ lệ này đã giảm xuống dưới 3,6%. Tuy vậy, tỉ lệ nhiễm viêm gan B trong cộng đồng vẫn khá cao với khoảng gần 14 triệu (chiếm 10%-15% dân số) người phải theo dõi, điều trị. Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, vừa cho biết năm 2017, cả nước có khoảng 967.000 người bị nhiễm viêm gan C nhưng chỉ có 74.000 người được chẩn đoán bệnh trước đó. Viêm gan vi rút C thường rơi vào nhóm nam giới tiêm chích ma túy, bệnh nhân AIDS, bệnh nhân bị gan, bệnh nhân lọc máu. Ngoài ra, có một tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan vi rút C do xăm mày, môi, xăm mình. Thống kê cho thấy tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan C khu vực phía Nam cao hơn tại phía Bắc. Việc điều trị viêm gan virus C còn hạn chế do chi phí điều trị cao. Bác sĩ Huyền nhận định ngoài viêm gan C, viêm gan vi rút B hiện đang là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam. Trước năm 1998, tỉ lệ trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi nhiễm viêm gan B từ 12%-18% nhưng từ năm 2000-2008 với việc tiêm chủng vắc-xin viêm gan B, tỉ lệ này đã giảm xuống dưới 3,6%. Tuy vậy, tỉ lệ nhiễm viêm gan B trong cộng đồng vẫn khá cao với khoảng gần 14 triệu (chiếm 10%-15% dân số) người phải theo dõi, điều trị.

12. Bé gái bị ngộ độc do uống nhầm hóa chất tẩy rửa móng tay do bà nội đưa: Khi vừa uống chai nước bà nội lấy từ trên bàn, bé gái 3 tuổi ho sặc sụa, nôn ói. Lúc này người bà mới biết đưa nhầm hóa chất tẩy rửa móng tay. Tai nạn hi hữu này vừa xảy tới với bé gái 3 tuổi ở Đồng Nai. Bà Đỗ Thị Tốt – bà nội của bé cho hay, trong lúc trông cháu ở nhà, thấy bé gái khát, xin nước uống, bà lấy vội chai nước ngọt trên bàn đưa cho cháu. Khi vừa uống, bé gái ho sặc sụa, nôn ói. Ngửi chai nước thì bà Tốt tá hỏa phát hiện đó là chai đựng hóa chất tẩy rửa móng tay. “Chai nước đó để lẫn với các chai nước lọc, nên tôi đã lấy đưa cho cháu mà chủ quan không kiểm tra kỹ” – bà Tốt nhớ lại. Bé gái ngay sau đó được đưa tới bệnh viện nhi đồng thành phố thăm khám. Theo bác sĩ, may mắn bé gái không gặp phải tổn thương quá nặng. Hiện đang được điều trị nội khoa và theo dõi sát các diễn tiến sức khỏe. Trung bình 1 tháng bệnh viện nhi đồng TP tiếp nhận hơn 20 ca uống nhầm hoá chất, xăng dầu và các chất độc hại khác. BS Nguyễn Minh Tiến – Phó GĐ bệnh viện nhi đồng TP cho hay, uống nhầm xăng, dầu, hóa chất đựng trong chai nước giải khát là tai nạn đặc biệt nguy hiểm. Hóa chất sẽ gây ngộ độc, bỏng thực quản, khí quản, gây suy đa tạng có thể cướp đi sinh mạng của cả trẻ em lẫn người lớn. Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như: ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất. Khi con bị ngộ độc do nuốt nhầm dầu hỏa, cha mẹ không được gây nôn hay cho trẻ ăn uống bất kỳ thứ gì, vì nếu cha mẹ gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. "Mọi gia đình tuyệt đối không sử dụng chai nước giải khát để đựng những dung dịch xăng, dầu, chất tẩy rửa hoặc hóa chất nói chung. Những chai lọ chuyên dụng cho việc chứa các loại chất trên cũng phải để xa tầm tay của con trẻ" - BS Tiến khuyến cáo.

13. Hành động thiết thực nhân Ngày nước thế giới: Hàng trăm ngàn trẻ em của 6 tỉnh thành gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Long An, An Giang, Đồng Tháp nhận hỗ trợ trong chương trình Nước uống sạch cho trẻ em nhân kỷ niệm Ngày nước thế giới. Chương trình Nước uống sạch cho trẻ em 2018 vừa được phát động tại Trường tiểu học B, thị trấn An Châu, An Giang và ĐH An Giang do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai. Đây là chương trình nhân kỷ niệm ngày Nước thế giới nhằm cung cấp nước uống sạch cho hàng ngàn trẻ em và gia đình tại những địa phương khó khăn đang bị thiếu nước sạch. Chương trình năm nay được triển khai tại tỉnh An Giang - đây là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn nước bị ô nhiễm. Trong năm 2017, nhiều địa bàn ở tỉnh An Giang đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Học sinh Trường tiểu học B, thị trấn An Châu, An Giang cùng phát động chương trình Nước uống sạch cho trẻ em. Việc thiếu nước sạch để sinh hoạt không chỉ là nguồn gốc gây nên nhiều vấn đề xã hội như bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gia tăng tỷ lệ nghỉ học giữa chừng ở trẻ em và xáo trộn cuộc sống người dân. Theo thống kê của Sở GD-ĐT An Giang, sau Tết Nguyên đán Mậu tuất 2018, toàn tỉnh có trên 3.000 em học sinh không trở lại lớp. Ngoài An Giang, 5 tỉnh thành khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Long An, Đồng Tháp thụ hưởng lợi ích từ chương trình với khoảng 200.000 hộ gia đình được cung cấp nước sạch. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chương trình này được thực hiện tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe cộng đồng, đặt biệt là trẻ em và giảm thiểu tỷ lệ bệnh tật, tử vong không đáng có do việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm gây ra. Trong 2 năm qua, chương trình đã cung cấp nước uống sạch cho hơn 130.000 hộ gia đình tại 6 tỉnh thành, bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Long An, An Giang, Đồng Tháp. Riêng năm 2017, đã có hơn 60.000 hộ gia đình được nhận hỗ trợ 1,6 triệu gói bột lọc nước, đặc biệt tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 10 như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An. Năm 2018, chủ đề Ngày Nước thế giới được Liên Hợp Quốc lựa chọn là Nước với Thiên nhiên” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của thiên nhiên trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2017, gần một tỷ người trên thế giới không có nước uống sạch. Ở các nước đang phát triển, tiêu chảy gây ra bởi việc uống nước bị ô nhiễm vẫn là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Việc thiếu nước uống sạch gây ra nhiều ca tử vong hơn HIV/AIDS và sốt rét cộng lại. Đây cũng là trở ngại không nhỏ trong việc phát triển cộng đồng, khiến cho trẻ em thường phải bỏ học sớm.

14. Người đi đầu về ghép tế bào gốc điều trị bệnh tự kỷ: Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia ghép tế bào gốc điều trị bại não, vừa vinh dự nhận giải thưởng Nikkei về khoa học công nghệ. Đây là giải thưởng dành cho các nhà khoa học châu Á có các nghiên cứu mang tính sáng tạo, đột phá góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ trong châu lục và thế giới. Là người đi đầu về ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ, Giáo sư (GS) Nguyễn Thanh Liêm với nụ cười hạnh phúc sau cuộc điện thoại từ mẹ của một bệnh nhi thông báo: “Bác Liêm ơi, cháu đỡ đến 7 phần rồi, tự làm được các việc cá nhân, đang ngồi ăn cơm đây, không tăng động phá ngang nữa”. Người mẹ mộc mạc kể về các tiến bộ của con: “Cháu ngoan nhiều rồi, học được, đang đọc sách lớp 1, tính nết và nhận biết thay đổi rõ rệt, mừng quá”. “Cháu bé trai này 7 tuổi, ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ. Trước điều trị, cậu bé tăng động và hầu như không nhận biết về hành vi mình khiến gia đình chăm sóc rất vất vả, có khi nửa đêm còn thức dậy nghịch ngợm, hò hét. Bây giờ tiến bộ nhiều rồi, gia đình đang cho con học chữ và toán lớp 1”, GS Liêm cho biết thêm.

Tại Bệnh viện Vinmec, GS Nguyễn Thanh Liêm cùng các cộng sự đã ghép tế bào gốc cho nhiều loại bệnh mà trước đó chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, và lĩnh vực thành công nhất là ghép tế bào gốc điều trị bại não. “Chúng ta không chỉ ghép tế bào gốc cho bại não do thiếu ô xy não mà còn là quốc gia đầu tiên ghép tế bào gốc thành công cho trẻ bại não do vàng da sơ sinh; trẻ bại não sau đuối nước, trẻ sinh non bị xơ hóa phổi. Ghép tế bào gốc do xơ gan ở bệnh nhi teo đường mật, cho trẻ tự kỷ bước đầu cũng đã thu được những kết quả rất phấn khởi”, GS Liêm đầy cảm xúc khi nói về thành quả sau nhiều ngày dành công sức nghiên cứu, ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc. “Không phải gia đình nào cũng thật sự mạnh dạn tiếp cận với một phương pháp điều trị mới mẻ, dù rằng con mình đang bị bại não, phải sống đời thực vật. Đó là một thực tế mà chúng tôi đã gặp. Thậm chí, ngay cả trong y giới không phải ai cũng đồng thuận với hướng đi nghiên cứu của chúng tôi”, GS Liêm chia sẻ. Bên cạnh những thách thức ấy, rất may là nhóm nghiên cứu đã được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ từ phía Ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec với hệ thống labo, phòng ghép đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, cập nhật các kỹ thuật ghép tế bào gốc tiên tiến nhất thế giới. Vì thế chỉ sau hơn 2 năm tiếp cận, ghép tế bào gốc từ tủy xương điều trị bại não đã thu nhận được những thành công đáng ghi nhận.

15. Là người thầy thuốc chân chính thì không ngại bị “ném đá”: đó là tâm sự của GS. Nguyễn Thanh Liêm, Nguyện Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu ghép tế bào gốc. Ông cho biết chính mình đã từng bị nhân viên “đánh tháo” bệnh nhân. Trước khi bắt tay nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị các bệnh nan y tại Bệnh viện Vinmec, GS Nguyễn Thanh Liêm đã là người đi đầu trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh phức tạp cho trẻ em khi ông còn công tác và là Giám đốc tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Về chặng đường đã qua, ông chân thành cho hay: “Về phẫu thuật nội soi trẻ em, hội đồng xét thưởng Nikkei đã đánh giá tôi là người góp phần thúc đẩy và lan tỏa phẫu thuật nội soi trẻ em ở châu Á cũng như thế giới”. GS Nguyễn Thanh Liêm bắt đầu phẫu thuật nội soi điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em năm 1997, là một trong số những phẫu thuật viên trên thế giới tiên phong ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi cho các bệnh lý phức tạp ở trẻ em. Từ đó đến nay ông đã nghiên cứu, đóng góp 9 kỹ thuật nội soi trẻ em hoàn toàn mới và cải tiến nhiều kỹ thuật phức tạp khác làm cho các kỹ thuật này dễ thực hiện, an toàn và hiệu quả hơn. “Phẫu thuật nội soi cho bệnh nhi những ngày khởi đầu thiếu thốn đủ thứ, bản thân phẫu thuật viên vất vả vì chưa có kinh nghiệm nên mỗi ca mổ kéo dài đến 5 - 6 tiếng, những người tham gia kíp mổ cũng mệt và nản. Thậm chí, một vài lần khi lên phòng mổ thì tôi không thấy bệnh nhi đâu. Sau này mới biết, chính nhân viên của mình “tư vấn” cho gia đình là kỹ thuật mổ mới cũng chả khỏi được bệnh, gia đình mang con về”, GS Liêm nhớ lại những thăng trầm khi bắt tay làm kỹ thuật mới. “Ngay cả khi thực hiện ghép tế bào gốc điều trị cho trẻ bị tự kỷ, tôi cũng bị các ông bố bà mẹ... “ném đá”. Họ cho rằng mình lừa dối. Nhưng tôi cũng chấp nhận và hiểu nguyên do, nhiều gia đình đã tìm đến nhiều phương pháp điều trị tự kỷ cho con không mang lại kết quả, khiến họ cũng nghi ngờ phương pháp mới”, GS Liêm bày tỏ. Theo GS Nguyễn Thanh Liêm, với bệnh tự kỷ, cơ chế của tế bào gốc là giúp tăng sinh mạch máu cho não (tại vùng mà máu đến não không tốt, giúp tưới máu); làm giảm các phản ứng miễn dịch không có lợi vì các phản ứng đó gây ra các độc chất thần kinh; tế bào gốc cũng giúp biệt hóa tế bào thần kinh làm dẫn truyền thần kinh tốt hơn.  “Ghép tế bào gốc không điều trị khỏi tự kỷ 100% nhưng cải thiện được rất nhiều, giúp các cháu tự sống độc lập được. Tôi rất tin tưởng vào phương pháp này và tin rằng ghép tế bào gốc sẽ còn thêm những kết quả tốt đẹp trong tương lai”, GS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.

16. Làm tinh dịch đồ để xác định vô sinh nam: Theo thống kê năm 2015, ở Việt Nam, vô sinh nam chiếm khoảng 30% các nguyên nhân gây vô sinh. Trong đó, hơn 90% trường hợp là do bất thường tinh trùng. Để đánh giá tình trạng tinh trùng, bác sĩ dựa vào xét nghiệm tinh dịch đồ. Tinh dịch đồ là một xét nghiệm trên mẫu tinh dịch nhằm đánh giá chất lượng của tinh trùng, thông qua các chỉ số như số lượng, khả năng di động, hình dạng bình thường… Từ đó, đánh giá một cách khái quát về khả năng sinh sản của nam giới. Các chỉ số tinh dịch đồ chỉ có ý nghĩa tiên đoán khả năng sinh sản của nam giới là cao hay thấp, hoàn toàn không cho phép kết luận vô sinh hay không. Những trường hợp không tìm thấy được tinh trùng trong tinh dịch của mẫu xuất tinh, bệnh nhân cần làm thêm các xét nghiệm khác về nội tiết cũng như có những thăm khám chuyên sâu về nam khoa để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thêm. Đối với các trường hợp này, bệnh nhân vẫn có 50 - 80% cơ hội tìm thấy tinh trùng từ phẫu thuật. Kết quả tinh dịch đồ cùng với các dữ liệu từ phía người vợ sẽ giúp bác sĩ quyết định phương án điều trị cho một cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong kết quả của một xét nghiệm tinh dịch đồ thì cách lấy mẫu của bệnh nhân cũng có ảnh hưởng đến kết quả. Vì vậy, trước khi lấy mẫu, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn lấy mẫu một cách cụ thể. Bệnh nhân sẽ kiêng xuất tinh từ 2 - 7 ngày trước khi lấy mẫu. Mẫu tinh dịch được lấy bằng phương pháp thủ dâm và được thu toàn bộ vào một lọ sạch vô trùng có miệng rộng. Mẫu cần phải được thu nhận đầy đủ vào lọ, tránh thất thoát hoặc rơi vãi. Đối với một số trường hợp đặc biệt khó lấy mẫu tại cơ sở y tế, bệnh nhân có thể lấy mẫu tại nhà và chuyển tới cơ sở y tế trong vòng 1 giờ kể từ khi xuất tinh. Mẫu tinh dịch trong quá trình thu nhận và vận chuyển nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng (từ 20 - 370C). Hiện nay, phần lớn tinh dịch đồ được đánh giá theo chuẩn WHO 2010, một số khác theo chuẩn WHO 1999. Ngoài các khiếm khuyết cấu trúc trong hoạt động sinh tinh hay các rối loạn về nội tiết liên quan đến hoạt động của gen thì các nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen sinh hoạt như: chế độ ăn, việc tiếp xúc với hóa chất, từ trường, hay việc sử dụng quá mức các chất kích thích:  rượu, bia, thuốc lá, ma túy...  và các bệnh lây truyền qua đường sinh dục gây nên sự giảm sút nghiêm trọng chất lượng tinh trùng ở nam giới.

II. THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

17. Tảo Spirulina được Tổ chức Y Tế thế giới công bố “Tảo Spirulina là thực phẩm lý tưởng cho loài người trong thế kỷ 21: Có một loai siêu thực phẩm xanh có chứa hàm lượng chất chống oxi hóa tự nhiên cao giúp người gầy đào thải độc tố một cách tự nhiên và không ảnh hưởng đến sức khỏe, đó chính là tảo Spirulina. Tảo Spirulina là một loại thực phẩm an toàn, thích hợp sống trong môi trường nước có tính kiềm và thức ăn để chúng phát triển tốt nhất là ánh sáng, khí CO2 và nguồn nước tinh khiết, đặc biệt Tảo Spirulina có chứa hàm lượng cao (lên tới 14%, cao gấp nhiều lần các lọai rau quả) những chất chống oxi hóa mạnh (Phycocyanin, Chlorophyll, Beta-caroten). Đây chính là nguồn thực phẩm tốt giúp người gầy thanh lọc thải độc hiệu quả, không chứa chất độc hại, đồng thời có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Tảo Spirulina được Tổ chức Y Tế thế giới công bố “Tảo Spirulina là thực phẩm lý tưởng cho loài người trong thế kỷ 21”.

18. Tổng GIám đốc Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi tham gia Bảo hiểm y tế nhân Ngày Sức khỏe thế giới: Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn cầu diễn ra cuối năm 2017 tại Nhật Bản, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kể lại câu chuyện về một người bạn của mình. Đó là người dân của một quốc gia có thu nhập cao, nhưng do không có BHYT, nên sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, người bạn của ông đã lựa chọn việc không điều trị, bởi cân nhắc rằng quá trình điều trị bệnh của mình có thể làm tiêu tan hết số tiền cả gia đình đã dành dụm để bảo đảm cho tương lai. Trước đó, người đứng đầu WHO cũng từng có một câu chuyện khác. Đó là cuộc gặp giữa ông với một sinh viên y khoa trẻ bị suy thận ở Cộng hòa Đô-mi-ni-ca, người cần phải chạy thận ba lần mỗi tuần. “Việc điều trị của bạn tốn bao nhiêu tiền?”- ông Ghebreyesus hỏi, để rồi nhận được câu trả lời: Tôi không biết. Chính phủ trả tiền cho việc điều trị của tôi. “Không điều trị, anh ta sẽ chết. Nhưng vì có được những dịch vụ cần thiết, cho nên anh ấy đang chuẩn bị cho sự nghiệp giúp đỡ người khác. Đây là sức mạnh của BHYT toàn dân”- ông Ghebreyesus nhấn mạnh. Có lẽ, từ hai câu chuyện của nhà lãnh đạo WHO, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của BHYT. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay vẫn còn hàng triệu người mỗi năm buộc phải lựa chọn giữa cái chết và những khó khăn về tài chính vì không có BHYT. Những câu chuyện hoặc những thống kê đau lòng đó cũng chính là lý do để WHO lựa chọn chủ đề cho Ngày Sức khỏe Thế giới (ngày 7-4) năm nay là “BHYT toàn cầu: Tất cả mọi người, ở mọi nơi”. WHO cho biết, hiện nay, hàng tỷ người trên thế giới không thể có được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Việc phải tự trả tiền cho các dịch vụ y tế cũng đã khiến gần 100 triệu người bị đẩy vào cảnh đói nghèo; hơn 800 triệu người (gần 12% dân số thế giới) đang phải chịu “chi phí thảm khốc” - buộc phải chi tiêu ít nhất 10% ngân sách gia đình vào chi phí y tế của bản thân hoặc các thành viên khác trong gia đình. Theo WHO, vấn đề có tính toàn cầu này chỉ có thể được giải quyết qua việc thực hiện BHYT (UHC). Việc thực hiện BHYT toàn cầu sẽ bảo đảm tất cả mọi người có thể nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, ở đâu và khi nào họ cần mà không gặp phải những khó khăn về tài chính. Đó chính là chìa khóa cho sức khỏe và phúc lợi của con người và của các quốc gia. Mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức trong việc gia tăng và duy trì độ bao phủ BHYT, nhưng UHC hoàn toàn khả thi và mọi quốc gia đều có thể thực thi các giải pháp để thúc đẩy UHC... Cũng chính vì nhận thức rõ điều đó mà tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã đồng thuận trong việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn cầu vào năm 2030, như một phần của mục tiêu phát triển bền vững.

19. Một bé gái Mỹ bị dị ứng nặng sau khi chơi trò trang điểm: Chỉ 1 ngày sau khi bắt đầu sử dụng hộp trò chơi trang điểm dành cho trẻ em, bé gái 3 tuổi người Mỹ đã phải nhập viện vì các triệu chứng vô cùng nghiêm trọng. Hình ảnh cô bé Lydia với khuôn mặt nhiều mảng nổi đỏ, phồng rộp, cả vùng miệng và quanh miệng lở loét như bị phỏng nặng mà mẹ cô bé – bà Kylie Craven – chia sẻ trên Facebook đã khiến nhiều người giật mình. Cô bé 3 tuổi còn bị phát ban khắp cơ thể, không thể ăn được do những vết nứt nẻ quanh miệng và cứ 30 phút phải chườm mát một lần để chống lại cảm giác bỏng rát. Bé đã đã phải trải qua nhiều ngày trong bệnh viện chỉ sau trò chơi trang điểm đơn giản. Người mẹ đến từ bang Illinois - Mỹ đã mua cho con gái mình bộ trò chơi trang điểm tại một cửa hàng trong thị trấn. Loại đồ chơi này là sản phẩm đã được chứng nhận an toàn cho trẻ nhỏ và chưa từng được báo cáo là gây phản ứng dị ứng. Theo người mẹ này, trước đây, bé Lydia đã từng chơi trò trang điểm. Bé cũng dùng loại mỹ phẩm dành cho trẻ nhỏ nhưng của một hãng khác. Có thể Lydia là một trường hợp cá biệt nhưng những phản ứng nghiêm trọng mà cô bé gặp phải đã khiến các chuyên gia lo ngại. Bình luận về trường hợp trên, bác sĩ da liễu Lisa Kellett (Phòng khám Đa khoa DLK Toronto, Canada) cho biết trang điểm không bao giờ tốt cho trẻ em, cho dù là dùng mỹ phẩm dành riêng hay mỹ phẩm mẹ chúng đang sử dụng. Bởi lẽ, da trẻ em rất nhạy cảm với các loại hóa mỹ phẩm. Những loại mỹ phẩm tốt và hoàn toàn "lành" với người này vẫn có thể gây phản ứng nguy hiểm với người khác, bất kể lứa tuổi, bởi thành phần đa dạng trong đó. Rất nhiều ca viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc… đã được ghi nhận. Bác sĩ Kellett cũng cảnh báo rằng ngay cả những sản phẩm có dán nhãn "tự nhiên", "hữu cơ" vẫn có nguy cơ phản ứng phụ tương tự. Vấn đề chủ yếu nằm ở cơ địa mỗi người. Do đó luôn cần đề phòng khi thử một sản phẩm mới. Ngoài trẻ em, những người có tiền sử viêm da dị ứng hoặc chàm cũng thuộc đối tượng có nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng khi sử dụng mỹ phẩm. Về trường hợp bé Lydia, may mắn rằng bé đang dần hồi phục, cho dù vẫn phải theo dõi tại bệnh viện. Chủ nhân chuỗi cửa hiệu Family Dollar – nơi mẹ bé Lydia mua bộ trò chơi - cho biết đã cố liên hệ với gia đình để ghi nhận và tìm hướng giải quyết.

20. Ẩm thực côn trùng: Thế giới ẩm thực côn trùng không còn xa lạ trên thế giới. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), côn trùng ăn được là thứ mang về nhiều triệu đô la ở Thái Lan. Hai năm trước, cơ quan này đã công bố một báo cáo về ngành công nghiệp ăn bọ của đất nước này, kết luận rằng "côn trùng cực kỳ giàu protein, vitamin và khoáng chất”. Và bạn nghĩ sao khi 50 năm nữa côn trùng là thức ăn chính của mình? Theo iflscience, mỗi năm, có khoảng 70 triệu người được bổ sung vào dân số thế giới. Nếu tăng trưởng vẫn tiếp tục ở mức này, đến năm 2050, dân số dự kiến sẽ đạt đến 9 tỉ người. Để nuôi được dân số “khủng” này, chúng ta sẽ cần sản xuất gần gấp đôi lương thực so với hiện nay. Nhưng hiện nay chúng ta sử dụng 70% đất nông nghiệp để nuôi gia súc, trong khi đại dương bị đánh bắt quá mức, môi trường đang bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu và bệnh tật đe dọa sản xuất cây trồng. Với gần 1 tỉ người đói, rõ ràng chúng ta cần phải cân nhắc những ý tưởng của mình để giảm lãng phí thực phẩm và làm cho sản xuất lương thực hiệu quả hơn. Một giải pháp khả thi đó là ăn côn trùng. Theo trang web này, khoảng 2 tỉ người thường ăn côn trùng trong chế độ ăn uống, và hơn 1.900 loài côn trùng có thể ăn được. Loài ăn phổ biến nhất là bọ cánh cứng, sâu bướm, ong, ong bắp cày và kiến. FAO gần đây báo cáo về các loại côn trùng ăn đáng để xem xét nếu bạn quan tâm đến chủ đề này. Nếu ý tưởng ăn côn trùng gây phiền toái cho bạn, bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng bạn đã thường xuyên ăn chúng. Lấy ví dụ bia, vài loại côn trùng đặc biệt cũng thường được dùng để tạo màu tự nhiên cho bia, hoặc nước ép trái cây đóng hộp, bột cà ri… Chúng ta đã ăn chúng trong nhiều năm và chúng không hề gây phiền hà cho sức khỏe chúng ta, theo iflscience. Côn trùng là thực phẩm lành mạnh. Côn trùng thực sự có hàm lượng chất béo, protein, vitamin, chất xơ và khoáng chất cao, thường có thể sánh với cá hoặc gia súc. Chẳng hạn, dế có chứa hàm lượng protein trung bình 205 g/kg trong khi thịt bò chứa 256 g/kg. Mối cũng đáng ngạc nhiên là giàu protein - một trong những loài được tìm thấy ở Venezuela là 64% protein. Một số côn trùng thậm chí còn chứa đến 80% protein theo trọng lượng. Côn trùng cũng có nhiều a xít amin thiết yếu và a xít béo Omega-3; sâu chứa nhiều a xít béo chưa bão hòa Omega-3 và a xít béo Omega-6 như cá và thậm chí nhiều hơn thịt bò và thịt lợn. Một số có chất sắt rất cao; cào cào chứa đến 20 mg/100g, trong khi thịt bò chỉ chứa khoảng 6 mg/100g. Côn trùng là thực phẩm xanh và sạch. Ăn côn trùng là thân thiện với môi trường. Côn trùng là giống máu lạnh, do đó chúng cần ít năng lượng hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể. Nuôi côn trùng giúp giảm việc tưới tiêu và sử dụng thuốc trừ sâu. Côn trùng cũng cần đất đai và nước ít hơn đáng kể so với các loài động vật truyền thống và cũng sinh sản nhanh hơn nhiều. Chúng cũng có chu kỳ sống ngắn hơn và do đó có thể được nuôi nhanh và nuôi ở số lượng lớn ở các khu vực nhỏ…, theo iflscience.

Thu thập, nuôi trồng, chế biến và bán côn trùng có thể mang lại cơ hội sinh kế quan trọng cho những người nghèo sống ở các nước đang phát triển. Những hoạt động này sẽ cải thiện chế độ ăn uống, nhưng cũng có thể tạo việc làm và tạo thu nhập bằng tiền mặt thông qua việc bán sản phẩm. Nó cũng không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hay thiết bị tinh vi, có nghĩa là nhiều cá nhân có thể tham gia vào các hoạt động này bao gồm cả phụ nữ và những người sống ở nông thôn hoặc thành thị thiếu đất canh tác. Theo National Geographic, trong khi con bọ có thể có mùi hôi, thật ra chúng có vị như táo. Sâu đỏ được nói là cay, nhưng loại sâu cây này có vị giống như thịt heo. Côn trùng có thể không dành cho tất cả mọi người, nhưng chúng có thể là một tài sản có giá trị đối với an ninh lương thực toàn cầu. Chúng bền vững, xanh và sạch, dinh dưỡng và có thể giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo. Ủy ban châu Âu đang đưa ra giải thưởng rất hào phóng cho nhóm có ý tưởng tốt nhất để phát triển côn trùng như một loại thực phẩm phổ biến, theo National Geographic.

21. Nghiên cứu mới cho thấy đi bộ thường xuyên có thể làm giảm đáng kể rủi ro suy tim ở phụ nữ trong giai đoạn hậu mãn kinh: Lợi ích này vẫn được duy trì bất chấp thể trọng của một phụ nữ hay liệu người này có thực hiện hình thức vận động nào khác ngoài việc đi bộ hay không. Theo Hãng tin PTI, các chuyên gia của Bệnh viện Saint Vincent (Mỹ) đã phân tích hành vi đi bộ và hậu quả cho sức khỏe của 89.000 phụ nữ tuổi từ 50 - 79 trong hơn 10 năm. Kết quả cho thấy những phụ nữ đi bộ ít nhất 2 lần mỗi tuần có rủi ro bị suy tim thấp hơn 20 - 25% so với những người đi bộ ít thường xuyên hơn. Những người đi bộ trong 40 phút hoặc hơn mỗi lần có rủi ro thấp hơn 21 - 25% so với những người thực hiện các cuộc đi bộ ngắn hơn. Những người đi bộ với tốc độ trung bình hoặc nhanh có rủi ro thấp hơn lần lượt 26% và 38% so với những phụ nữ đi bộ với tốc độ thất thường.  “Các kết quả cho thấy ngay cả những phụ nữ béo phì và thừa cân vẫn có thể hưởng lợi từ việc đi bộ nhằm giảm bớt rủi ro suy tim”, chuyên gia Somwail Rasla thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.

22. Sống lạc quan sẽ giảm nguy cơ đau tức ngực: Các nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng sự lạc quan có thể giúp ích cho những bệnh nhân bị chứng đau tức ngực. Chứng đau này xảy ra khi tim không nhận đủ oxygen. Cơn đau có thể rất nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến phải đi cấp cứu. Theo Hãng tin UPI, tiến sĩ Alexander Fanaroff và các cộng sự thuộc Đại học Duke đã tiến hành nghiên cứu trên 2.400 bệnh nhân bị đau tức ngực mãn tính từng tiến hành phẫu thuật tái thông động mạch tim bị tắc nghẽn. Bình quân sau 2 năm theo dõi, những bệnh nhân tự đánh giá mình lạc quan hơn có ít nguy cơ phải nhập viện vì chứng đau tức ngực hơn những người kém lạc quan hơn. Họ cũng ít cần phải tiến hành thêm phẫu thuật tái thông động mạch tim.  “Phát hiện của chúng tôi cho thấy nếu chúng ta có thể xác định những bệnh nhân kém lạc quan hơn vì bất cứ lý do gì và giúp họ cảm thấy có hy vọng hơn bằng cách tập trung vào những gì họ có thể làm, chúng ta có thể tác động tích cực đến kết quả điều trị”, tiến sĩ Fanaroff nói.

23. Âm nhạc có thể chữa bệnh: Từ việc dùng âm nhạc giúp chồng mình vượt qua căn bệnh Parkinson, bà Carol Rosenstein đã nhân lên cách làm này để giúp cả trăm người khác có chung cảnh ngộ tại Mỹ. Chồng bà Carol Rosenstein bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson năm 2006. Ba năm sau, bác sĩ kết luận ông đã mất trí nhớ. Cùng với tình trạng bệnh diễn tiến liên tục, tính khí của ông Irwin chồng bà cũng trở nên vô cùng thất thường. Thuốc men thậm chí còn gây cho ông trạng thái ảo giác. Khi bệnh nặng hơn, vợ chồng bà cũng trở nên xa cách thêm. "Mỗi ngày trôi qua đều như một chuỗi cùng cực. Khi căn bệnh khủng khiếp xảy tới với một gia đình, ngay cả những người bạn thân thiết nhất cũng không biết phải nói gì. Nó giống như bạn bị bệnh hủi và chẳng ai muốn đến gần nữa" - bà Carol Rosenstein kể lại. Theo Đài CNN, tháng 6-2014 là thời điểm đặc biệt khó khăn với vợ chồng họ khi ông Irwin không có phản ứng tốt với thuốc. Nhưng rồi dường như một điều kỳ diệu đã xảy ra khi một lần bà Rosenstein nghe ông chơi piano. Ông Irwin vẫn luôn chơi saxophone và piano nhưng đây là lần đầu tiên bà nghe ông chơi đàn trong tám năm kể từ ngày bị bệnh. Bà quan sát thấy dường như ông tỉnh táo hơn, hoạt bát, sinh động và cởi mở hơn. "Tôi đã rất lo lắng và cuối cùng một điều tích cực đã đến - Bà nói - Âm nhạc thực sự đã hồi sinh ông ấy". Bà Rosenstein liên lạc với bác sĩ để trao đổi về việc này. Bà kể: "Ông ấy bảo rằng tôi đã quan sát thấy những tác động của âm nhạc với cơ chế hoạt động của các chất trong não. Việc chơi piano đã giúp sản sinh chất dopamine và khiến chồng tôi phấn chấn hơn... Tôi nhận ra không có loại thuốc nào hiệu quả tốt hơn âm nhạc". Trên thực tế khoa học đã chứng minh việc chơi một nhạc cụ âm nhạc cũng giống như cách ta tập thể dục trí não. Nó thúc đẩy hoạt động của các chất truyền dẫn thần kinh, giống như một liều thuốc trị bệnh tự nhiên. Với ông Irwin, bà Rosenstein đã thấy sự cải thiện rõ ràng ở ông nhờ âm nhạc. Ông có thể giao tiếp mạch lạc, vui vẻ hơn và chủ động được nhiều hơn trong sinh hoạt thường ngày. Trải nghiệm này là lý do để bà Rosenstein bắt tay thành lập một nhóm nhạc giúp chồng mình và những người khác bị các chứng bệnh thoái hóa thần kinh. Nhóm nhạc chọn tên gọi là "The 5th Dementia" (Chứng mất trí nhớ thứ năm). Không lâu sau khi thành lập nhóm nhạc, bà Rosenstein nhận ra họ đang tham gia một việc rất có ý nghĩa với nhiều người. Hơn ai hết bà hiểu rất rõ việc sống cùng một người bạn đời bị mất trí là hành trình khó khăn ra sao. Cảm giác đơn độc là điều rất thật trong mỗi ngôi nhà có người bị bệnh thoái hóa hệ thần kinh. Từ đó bà cùng những người bạn chủ động gần gũi với các thành viên và người thân của họ, tạo được nhiều nhóm nhạc ở các thành phố khác nhau, những nơi họ tìm được người bị bệnh thoái hóa thần kinh cũng yêu âm nhạc. Từ đây bà Rosenstein đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Music Mends Minds (Âm nhạc chữa lành tinh thần). Các nhóm nhạc sẽ luyện tập cùng nhau một hoặc hai lần mỗi tuần. Không gian luyện tập là một khu vực an toàn cho người bệnh, người chăm sóc, các thành viên trong gia đình và tất cả những ai muốn tham dự để cảm nhận được sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc. Mỗi năm Music Mends Minds tổ chức một vài chương trình biểu diễn cho tất cả các nhóm. Họ cũng đi chơi nhạc ở khắp nơi trong nước, đến với những người bệnh chưa có âm nhạc để đem lại niềm vui tinh thần cho họ, mời họ tham gia nếu muốn. Kể từ năm 2014, tổ chức phi lợi nhuận Music Mends Minds đã thành lập được 20 nhóm nhạc trên toàn nước Mỹ, theo đó giúp nâng cao chất lượng đời sống của hơn 200 người, trong đó có nhiều người bệnh giống như chồng bà Rosenstein. "Chúng tôi không còn đơn độc trên hành trình này nữa. Tất cả chúng tôi đều hiểu rõ những gian nan, thử thách đang chờ mình trước mặt, và cũng không cần phải giải thích chuyện ai đó cần phải cho đi vì tất cả chúng tôi đều chung cảnh ngộ. Chúng tôi thấy chương trình này là một nhóm hỗ trợ hiệu quả. Chúng tôi tạo ra các gia đình mới mở rộng và chỉ chơi nhạc cùng nhau. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn vì đã có âm nhạc trong cuộc sống của mình" - bà Rosenstein nói.​ 


Thăm dò ý kiến