Điểm tin ngày 7/7/2013
07/07/2013 | 03:00 AM



1. Kon Tum: Trung tâm y tế huyện Kon Rẫy cấp cứu 16 người ngộ độc nấm rừng
Trung tâm y tế huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) tiếp nhận 16 bệnh nhân vào ngày 1/7, với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, bồn chồn, nôn mửa. Các bác sĩ chẩn đoán những bệnh nhân này có triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Được biết, 4 gia đình ở thôn 8, xã Đăk Tờ Lùng (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cùng hái nấm rừng về chia nhau làm thức ăn trưa. Ăn chưa xong bữa, cả 16 người đều có biểu hiện ngộ độc nên được đưa vào cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ đã khẩn trương cứu chữa kịp thời và hiện sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định.
Ngay khi sự việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum đã thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số lượng nấm độc còn lại và khuyến cáo bà con không được ăn các loại nấm rừng khi chưa biết rõ nguồn gốc.
2. Hà Nội: Kiểm tra đột xuất cơ sở quảng cáo làm đẹp từ tế bào gốc
Chiều 5/7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở quảng bá dịch vụ làm đẹp bằng tế bào gốc và phát hiện nhiều sai phạm ở cơ sở Mimi Clinic & Spa (số 31 Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội), cơ sở Trà Mi Spa & Clinic (171 Mai Hắc Ðế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Thanh tra Sở phát hiện có một số cơ sở quảng bá sử dụng tế bào gốc chống lão hóa, nâng ngực, làm trắng da..., việc sử dụng tế bào gốc tự thân để làm đẹp là dịch vụ chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Được biết, hiện nay Bộ Y tế chưa cho phép áp dụng công nghệ tế bào gốc trong các dịch vụ làm đẹp, việc sử dụng sản phẩm tế bào gốc tại Việt Nam đang ở giai đoạn nghiên cứu, chỉ mới có một số bệnh viện lớn được phép áp dụng điều trị bệnh lý huyết học, tim mạch, thoái hóa khớp.
3. Thành phố Hồ Chí Minh: Miễn toàn bộ viện phí cho 2 bệnh nhi bị đâm
Ngày 4/7, theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM), sau gần 10 ngày kể từ ngày 2 cháu Lê Thanh Phụng (2 tuổi) và Lê Trung Lợi (6 tuổi, ngụ chung cư An Bình, quận 5) bị Phan Xuân An (32 tuổi, ngụ đường An Bình, phường 6, quận 5) dùng dao đâm và gây thương tích nghiêm trọng, sức khỏe 2 cháu đã có nhiều cải thiện.
Được biết gia đình cả 2 cháu đều khó khăn, Bệnh viện đã bố trí cho các cháu được nằm phòng dịch vụ và miễn toàn bộ viện phí trên 60 triệu đồng cho 2 cháu.
4. Hà Nội: Chính thức tăng viện phí từ 1/8/2013
Với mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, ngày 6/7, HĐND TP. Hà Nội đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho sơ sở y tế công lập trên địa bàn TP. Hà Nội. Mức điều chỉnh một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho sơ sở y tế công lập trên địa bàn Thủ đô bằng 75% mức trần quy định trong Thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ 1/8/2013 và bằng 100% mức trần quy định trong Thông tư liên tịch số 04 áp dụng từ năm 2016. Như vậy, từ 1/8/2013, đối với khung khám bệnh, giám định y khoa, sức khỏe định kỳ, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại 1 được điều chỉnh từ 25.000 -100.000 đồng...
Mặc dù đến 1/8 sẽ áp dụng khung giá viện phí mới nhưng phần lớn các lãnh đạo bệnh viện đều cho rằng không phải chỉ đến khi được điều chỉnh viện phí, các bệnh viện mới thực hiện việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà vấn đề này đã được ngành y tế quan tâm triển khai từ rất lâu.
5. Đắc Nông: Phẫu thuật miễn phí cho 50 cháu bị dị tật khe hở môi, vòm miệng
Từ ngày 4 - 6/7, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Nông, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA TRAIN) Hà Nội đã tổ chức khám sàng lọc cho 70 trẻ em bị dị tật khe hở môi, hở vòm miệng bẩm sinh trên địa bàn các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận…. Sau khám sàng lọc, các bác sĩ trong đoàn đã tiến hành phẫu thuật miễn phí cho 50 cháu bị dị tật khe hở môi, hở vòm miệng bẩm sinh là con em các gia đình có hoàn cành khó khăn, hộ nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Được biết, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười và sư cô Định Liên (chùa Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí phục vụ cho đợt phẫu thuật này trị giá gần 700 triệu đồng.
Ngoài việc phẫu thuật miễn phí cho các cháu bị dị tật khe hở môi, hở vòm miệng, các cán bộ, bác sĩ của Trung tâm còn chuyển giao, hướng dẫn các kỹ thuật mới, tiên tiến nhất trong phẫu thuật dị tật khe hở môi, hở vòm miệng cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Nông để sau này có thể tự phẫu thuật cho các trường hợp tương tự.
6. WHO công bố đột phá trong điều trị HIV/AIDS
Ngày 30/6 tại Hội nghị Hiệp hội AIDS Quốc tế tổ chức ở Kuala Lumpur (Malaysia), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định: điều trị kháng virus sớm hơn, an toàn hơn và đơn giản hơn sẽ có thể đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS.Theo WHO, tất cả những người lớn bắt đầu nhận điều trị kháng virus sẽ dùng một loại thuốc kết hợp của ba loại thuốc kháng vi-rút là tenofovir, lamivudine (hoặc emtricitabine) và efavirenz với liều dùng cố định là mỗi viên một ngày. Sự kết hợp này giúp cho việc sử dụng thuốc dễ dàng hơn và an toàn hơn. Đặc biệt, thuốc có thể sử dụng ở người lớn, phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên và trẻ em. Báo cáo của WHO khuyến nghị rằng, điều trị người nhiễm HIV sớm hơn bằng loại thuốc an toàn, giá cả hợp lý và dễ quản lý hơn có thể giữ sức khỏe cho họ và làm giảm lượng vi rút trong máu, giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Được biết, số người hội đủ điều kiện nhận điều trị kháng virus sẽ là 26 triệu người trên toàn cầu.
7. Hội nghị khẩn cấp về virus MERS
Ngày 5/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn về nguy cơ bùng phát của loại virus MERS. Tuy nhiên, WHO khẳng định động thái này không có nghĩa là họ đang nâng mức cảnh báo trên toàn cầu.
Được biết, virus MERS (viết tắt của từ Virus corona gây Hội chứng Hô hấp Trung Đông) là một chủng virus nguy hiểm cùng họ với loại virus corona từng gây ra đại dịch SARS ở châu Á hồi năm 2003. Trường hợp tử vong do lây nhiễm virus MERS đầu tiên được ghi nhận vào tháng 6/2012 ở Ả-rập Xê-út. Tổng số bệnh nhân lây nhiễm loại virus này hiện đang tăng rất nhanh và lên tới con số 79 người. Đến nay đã có 43 bệnh nhân MERS bị thiệt mạng, tỷ lệ tử vong lên tới 54% (tỷ lệ này là cực cao nếu so với tỷ lệ 9% số người tử vong trong số 8.273 người bệnh trong đại dịch SARS 10 năm về trước). Các chuyên gia y tế hiện tích cực tìm hiểu về virus MERS nhưng họ mới chỉ đạt được những tiến bộ hết sức hạn chế. Tương tự như loại virus SARS, bệnh nhân nhiễm virus MERS cũng có những triệu chứng giống như bị cúm và khác với bệnh cúm, căn bệnh này còn gây ra triệu chứng suy thận.
8. Philippines: Dịch sốt xuất huyết hoành hành
Theo một quan chức Philippines, dịch sốt xuất huyết đang lan nhanh ở miền trung nước này, với hơn 1.800 người nhiễm bệnh và ít nhất 10 người đã tử vong. Ông Raul Banias - người đứng đầu tỉnh miền trung Iloilo cho biết, số người mắc bệnh sốt xuất huyết năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 71%; số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trong nửa đầu năm 2013 đã bằng tổng số ca tử vong do dịch này trong cả năm 2012. Hiện những người bị sốt xuất huyết được điều trị miễn phí tại các bệnh viện của Chính phủ.
9. Trung Quốc: Điều tra giá thuốc của 60 công ty dược
Ngày 4/7, Hãng tin AFP cho biết, Trung Quốc đang lên kế hoạch mở một cuộc điều tra nhằm vào 60 công ty dược phẩm liên quan tới nghi ngờ "làm giá" thuốc, trong đó có một số công ty liên doanh với nước ngoài.
Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) sẽ cử đoàn thanh tra kiểm tra giá bán buôn và chi phí sản xuất của hàng chục công ty dược phẩm. Các công ty là mục tiêu trong cuộc điều tra gồm Sino (công ty liên doanh với GlaxoSmithKline của Anh), Ingelheim (liên doanh với Boehringer của Đức), Công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu MSD, Sinopharm Group và Jiangsu Hengrui Medicine - công ty chuyên về các dược phẩm chống ung thư...Theo NDRC (cơ quan có nhiệm vụ giúp điều tiết giá cả ở Trung Quốc) cuộc điều tra 4 tháng được tổ chức nhằm "thiết lập và điều chỉnh giá thuốc kịp thời".
Hiện nay, việc cung cấp chương trình chăm sóc y tế với giá cả phải chăng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ben Cavender thuộc Nhóm Nghiên cứu thị trường Trung Quốc cho biết: "Luôn luôn có rất nhiều áp lực để đảm bảo rằng các loại thuốc thông thường phải có giá rẻ hơn so với các loại thuốc cùng loại được bán nhiều ở thị trường phương Tây". Theo tiết lộ của các quan chức ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc thì đây được xem là một kẽ hở để các công ty dược phẩm Trung Quốc hối lộ cho các bác sĩ và bệnh viện để sản phẩm của họ được sử dụng.