Điểm tin ngày 7/11/2015
08/11/2015 | 10:39 AM



1. Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về "Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 36a của Chính phủ”: Sáng ngày 05/11/2015, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Quản lý KCB và thanh toán BHYT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ”. PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT); đại điện lãnh đạo Tập đoàn bưu chính viễn thông Quân đội Viettell, lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị liên quan, các phóng viên báo, đài Trung ương và Hà Nội đến dự và đưa tin. Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, 100% dịch vụ công của Bộ Y tế đã được công bố công khai trên Cổng thông tin của Bộ. 100% đạt trực tuyến mức độ 2; hiện có 7 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 và 4 hoạt động hiệu quả. Dự kiến trong tháng 11/2015, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện và khai trương tất cả 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc lĩnh vực môi trường y tế. Theo thống kê năm 2004, có 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã xây dựng, hình thành mạng lưới và khai thác hiệu quả hệ thống tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa. Đồng thời, cả nước hiện có 95% bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I đã thành lập phòng công nghệ thông tin; hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở lên đã có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin…
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế nhằm minh bạch hóa quy trình khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tin học hóa trong lĩnh vực BHYT, Lãnh đạo Bộ Y tế đã có những chỉ đạo quyết liệt, tập trung, xuyên suốt để đạt được mục tiêu kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở KCB với cơ quan BHXH trước ngày 31/12/2015. Bộ Y tế đã ban hành một số Quyết định về tổ chức điều hành, và Phê duyệt Đề án triển khai thí điểm ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT; thành lập các tổ chuyên môn nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án, thành lập Văn phòng Điều phối nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án. Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2348/CV-BYT-BH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong KCB BHYT và thanh toán BHYT, trong đó đề nghị chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện yêu cầu đầu ra dữ liệu của phần mềm quản lý KCB; Trên cơ sở đó, Vụ BHXH rà soát, tổng hợp các thông tin dựa trên số liệu báo cáo và khảo sát đánh giá thực tế tại từng địa phương, tiến hành rà soát lại những yêu cầu đầu ra dữ liệu để đáp ứng yêu cầu của BHXH Việt Nam trong việc kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế với cơ quan BHXH.Từ tháng 4/2015 đến nay đã triển khai chạy thử nghiệm kết nối dữ liệu theo 4 cấp tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tiền Giang, Ninh Bình, Nghệ An. Ngày 08/6/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành tạm thời bộ mã danh mục dùng chung để thí điểm áp dụng trong KCB và thanh toán BHYT. Dự kiến, Bộ Y tế sẽ ban hành bộ mã danh mục dùng chung phiên bản số 2 trong tháng 11/2015. Bộ mã sau khi ban hành sẽ được tích hợp vào phần mềm tổng thể chung của ngành y tế, từ đó thực hiện ánh xạ, đối chiếu với từng loại danh mục cụ thể của từng địa phương, từng cơ sở KCB để quản lý và thanh toán BHYT.
3. Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn toàn quốc công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương năm 2015: Trong 2 ngày, từ 4 - 5/11/2015, tại Hà Nội, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn toàn quốc năm 2015. Tới dự Hội nghị có TS. Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; GS.TS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn về sức khỏe khu vực phía Bắc, Ủy viên Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cùng đông đảo cán bộ, nhân viên trong hệ thống bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ toàn quốc. Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nhấn mạnh: Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Sức khỏe các đồng chí lãnh đạo lại càng quan trọng, có liên quan đến nhiều việc trọng đại của Đảng, đất nước. Vì vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới cho cán bộ y tế là hết sức cần thiết. Do đó, hằng năm Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đều mở hội nghị tập huấn chuyên môn.
4. Bệnh viện Nhi Hải phòng kiểm điểm bác sỹ liên quan đến vụ trẻ 16 tháng tuổi tử vong: Chiều 6/11, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Hải Phòng cho biết, Bệnh viện đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, xem xét khách quan vụ việc liên quan cái chết của bệnh nhi từng được điều trị tại Bệnh viện này. Đồng thời, đại diện lãnh đạo Bệnh viện và khoa, phòng đã đến thăm hỏi, chia sẻ mất mát cùng với gia đình khi được tin bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương. Trước đó, ngày 26/9, Bệnh viện Nhi Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhân nhi 16 tháng tuổi, ở phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền, đến khám bệnh tại phòng khám đa khoa và được nhập viện điều trị tại khoa tiêu hóa với chẩn đoán tiêu chảy cấp chưa mất nước. Ngày 27/9, bệnh nhi sốt cao từng cơn, mệt, tiêu chảy nhiều hơn, diễn biến nặng lên, tuy nhiên vẫn ăn được cháo. Bệnh nhân đã được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán tiêu chảy cấp có mất nước, theo dõi nhiễm trùng huyết do vi rút và đã được điều trị tiếp tục theo phác đồ của Bộ Y tế. Trước diễn biến bệnh tình nhanh của bệnh nhân, các bác sĩ hội chẩn và xử trí kịp thời. Khi gia đình bệnh nhân xin chuyển lên tuyến trên, bác sĩ đã giải thích tình trạng nặng của bệnh nhân. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân vẫn được chuyển lên tuyến trên theo nguyện vọng của gia đình và các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em đã bàn giao bệnh nhân cho bác sĩ của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Nhưng bệnh nhi đã tử vong tại bệnh viện Nhi Trung ương sau đó.
5. Bảo hiểm y tế khó đạt mục tiêu: Theo ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội VN, chính sách hiện nay đang khuyến khích người dân tham gia BHYT. “Quy định hiện hành chỉ cần người đại diện gia đình khai và cam kết về số nhân khẩu trong gia đình là có thể tham gia BHYT ở bất kỳ đại lý nào trong cả nước, người có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội có thể tham gia BHYT ở Bình Dương hoặc bất kỳ ở đâu mà họ có nhu cầu” - ông Sơn cho biết. Trong cuộc khảo sát giữa năm nay do Bộ Y tế thực hiện tại 12 tỉnh thành, các sai sót thường gặp tại các đại lý BHYT là yêu cầu người tham gia trình quá nhiều loại hồ sơ giấy tờ, thậm chí cả các giấy tờ không cần thiết như... chứng nhận ly hôn. Theo ông Sơn, ngay sau đó Bảo hiểm xã hội VN đã có văn bản hướng dẫn các đại lý thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, không yêu cầu nộp giấy tờ và chỉ kê khai các thành viên gia đình theo mẫu. “Chúng tôi rất dị ứng về các thủ tục hành chính như thế này”, ông Sơn nói. Theo lộ trình mà Bộ Y tế đã công bố, mục tiêu cuối năm 2015 có 75% dân số tham gia BHYT (đến hết tháng 10, số người tham gia mới đạt mức 73%), và dù viện phí sẽ tăng mạnh trong năm 2016, lộ trình này cũng dự định đến năm 2020 mới có 80% dân số có bảo hiểm. Tốc độ tăng tỉ lệ bao phủ BHYT như vậy là cực kỳ thấp và với tốc độ này, sẽ có rất nhiều người bệnh gặp khó khăn, không thể thanh toán nổi viện phí khi năm 2016 sẽ áp dụng viện phí mới với nhóm bệnh nhân trả phí trực tiếp. Còn hai tháng nữa là hết năm 2015 và mục tiêu đặt ra là có thêm xấp xỉ 2 triệu người tham gia BHYT. Với cách làm kể trên, sẽ rất khó thực hiện được mục tiêu. Và càng chậm trễ mở rộng diện bao phủ thì người nghèo sẽ càng khó khăn vì hiện còn khoảng 25 triệu người chưa có thẻ BHYT, họ đều là người lao động tự do, là nông dân, ngư dân, diêm dân, người làm nghề lâm nghiệp có mức sống trung bình, mà thời gian áp dụng viện phí mới đang đến rất gần rồi.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định thu thêm hai loại phục cấp đặc thù trong phí khám chữa bệnh: Bệnh nhân có BHYT sẽ được chi trả hai loại phụ cấp gồm "phụ cấp thường trực" và "phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật". Bệnh nhân chưa có BHYT thì phải tự thanh toán thêm hai khoản thu đó. Từ ngày 8/11, các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh Khánh Hòa sẽ thu thêm tiền hai loại “phụ cấp đặc thù” theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, người bệnh được điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước, từ các phòng khám trở lên (trừ trạm y tế xã) đều phải trả thêm tiền “phụ cấp thường trực”. Khoản tiền phụ cấp này sẽ tính cộng thêm vào chi phí ngày nằm giường bệnh của bệnh nhân. Mức “phụ cấp thường trực” mỗi ngày nằm giường bệnh của cơ sở khám chữa bệnh chưa được xếp hạng và bệnh viện hạng IV là 10.000 đồng; bệnh viện hạng III: 11.000 đồng, hạng II: 15.000 đồng, hạng I và bệnh viện hạng đặc biệt là 18.000 đồng. Khi được phẫu thuật, thủ thuật, ngoài chi phí bệnh nhân còn phải trả thêm khoản tiền “phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật”. Khoản thu phụ cấp này sẽ cộng thêm vào chi phí mà bệnh nhân phải trả theo từng loại phẫu thuật, thủ thuật. Có 18 chuyên khoa phẫu thuật và 24 chuyên khoa thủ thuật cho người bệnh đều được xếp từ loại III đến loại đặc biệt để tính tiền thu phụ cấp. Mức phụ cấp một phẫu thuật chuyên khoa cao nhất là 1,48 triệu đồng và thấp nhất là 125.000 đồng. Còn phụ cấp một thủ thuật cao nhất là 288.000 đồng và thấp nhất là 15.000 đồng. Hiện ở Khánh Hòa, Bệnh viện đa khoa tỉnh được xếp hạng cao nhất là hạng I.
7. Thành phố Hồ Chí Minh phạt 19 trường hợp không phòng, chống sốt xuất huyết: Chiều ngày 6/11, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP.HCM đã họp với Sở Y tế TP về việc phòng, chống dịch bệnh 10 tháng đầu năm 2015 và quá tải hai BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2. Theo Sở Y tế thành phố, mùa dịch nay đến sớm, dự báo 2015 SXH tăng chung theo khu vực Đông Nam Á và chu kỳ 3-5 năm. Bên cạnh đó ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân chưa cao, còn để nhiều vật chứa nước làm nơi cho muỗi SXH sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, qua kiểm tra các ký túc xá các trường ĐH, CĐ phát hiện lăng quăng rất nhiều, ngành y tế đã kêu gọi học sinh, sinh viên nâng cao ý thức diệt lăng quăng, diệt muỗi. "Hiện chúng tôi đã phạt được 19 trường hợp không hợp tác phòng, chống dịch SXH, không diệt lăng quăng, trong đó phạt 10 trường hợp ở Bình Thạnh, năm trường hợp ở Thủ Đức và Tân Phú là bốn trường hợp" - BS Dũng thông tin. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP, cho rằng chưa thấy vai trò ở địa phương vì SXH nằm trong địa bàn dân cư và trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, 24 quận/huyện nên đẩy mạnh phát huy vai trò của các đơn vị này, cùng ngành y tế thì mới có thể giải quyết được tình trạng dịch bệnh hiện nay.
8. Sở Y tế thành phố hồ Chí Minh đề nghị thanh toán BHYT cho các trường hợp sốt xuất huyết điều trị ngoại trú: đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 nêu "Cái khó khăn ở hai BV nhi là nếu điều trị ngoại trú để giảm tải BV thì BHYT không thanh toán ngoại trú, do BHYT không thanh toán thì bệnh nhân, đặc biệt là bệnh hô hấp cứ nằm hoài mặc dù bệnh này quá tải đến 20%. Giờ quá tải ko còn là đối phó nữa mà là thích nghi" – đại diện bệnh viện nói. Về vấn đề BHYT không thanh toán bệnh nhi ngoại trú, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết Sở đã kiến nghị nhiều lần và sẽ kiến nghị nữa. BS Nguyễn Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cũng đề nghị Sở Y tế nên phối hợp với BHXH TP giải quyết chế độ cho trẻ điều trị ngoại trú để giảm tải cho các BV càng sớm càng tốt.
9. Chuyên gia Y tế cảnh báo các phụ huynh không nên chờ vắc-xin dịch vụ vì điều đó làm mất cơ hội vàng phòng bệnh: Mặc dù Bộ Y tế đã thông tin vắc-xin Quivaxem vẫn an toàn cho trẻ, tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn kiên quyết không cho con em mình đi tiêm chủng loại vắc-xin này đúng độ tuổi và thời gian mà “săn” vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 xách tay hoặc tìm mua trên mạng... Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc chờ đợi vắc-xin dịch vụ để tiêm cho trẻ của nhiều gia đình đã khiến trẻ mất “cơ hội vàng” phòng bệnh... Ông Phu cho biết, Bộ Y tế nghiêm cấm việc tiêm vắc-xin dịch vụ tại nhà và nghiêm cấm đẩy giá vắc-xin, tuy nhiên nếu phụ huynh cứ tiếp tục chờ đợi vắc-xin dịch vụ hay hàng “xách tay”, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B. Bài học qua vụ dịch sởi năm 2014, hay gần đây là ho gà, bạch hầu... Qua giám sát cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm không đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, hoặc do trẻ tiêm muộn. Với các loại vắc-xin “xách tay”, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân không nên sử dụng vì đây là nguồn hàng trôi nổi, không bảo đảm chất lượng (do vắc-xin được bảo quản trong điều kiện thích hợp). Do đó, người dân cần phải thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và mở rộng. Các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn.
10. Bộ Y tế đã tính phương án thay thế vắc xin Quinvaxem nhưng chưa thể thực hiện được: Bộ Y tế cho biết đã tính đến phương án thay thế Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng bằng vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Liên quan đến hàng loạt phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem thời gian qua, ngày 6/11, Bộ Y tế phát đi thông báo chính thức cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo triển khai làm rõ các vấn đề liên quan, đồng thời xem xét các giải pháp thay thế khi có đủ bằng chứng khoa học, nguồn cung ứng đủ và đảm bảo được nguồn tài chính. Theo Bộ Y tế, việc thay thế vắc xin Quinvaxem (chứa thành phần ho gà toàn tế bào) bằng vắc xin phối hợp 5 trong 1 Pentaxim, 6 trong 1 Infanrix hexa (chứa thành phần ho gà vô bào) cũng đã được đặt ra, tuy nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó lý do chính là nguồn cung ứng các vắc xin này trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ. Bằng chứng, từ nay đến hết năm 2016 vẫn tiếp tục khan hiếm 2 loại vắc xin này. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B Bộ Y tế nhấn mạnh, việc thay thế vắc xin cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vắc xin dự kiến thay thế. Theo Bộ Y tế, bất kỳ loại vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định. Không thể nói vắc xin Quinvaxem là không an toàn và vắc xin có chứa thành phần ho gà vô bào là tuyệt đối an toàn vì không có loại vắc xin nào an toàn 100%.
11. Số ca sốt xuất huyết vẫn cao: Mặc dù dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm, nhưng số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao, nhiều địa phương vẫn tồn tại các ổ dịch. Theo Cục Y tế dự phòng, cả nước đã có hơn 53.400 ca mắc sốt xuất huyết tại 54/63 tỉnh thành, trong đó có 36 người tử vong. Tại Hà Nội, toàn thành phố có khoảng hơn 5.000 ca mắc. Tại một số “điểm nóng” về sốt xuất huyết vẫn còn nhiều ổ dịch đang hoạt động như huyện Thanh Trì, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 1.076 ca mắc sốt xuất huyết, với 80 ổ dịch trên toàn huyện. Ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thanh Trì cho biết: “Hiện nay còn khoảng hơn 20 ổ dịch đang hoạt động tại các xã: Tân Triều, Tả Thanh Oai, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp… toàn huyện còn khoảng 42 ca mắc sốt xuất huyết đang được theo dõi. Các biện pháp phòng dịch như tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng dịch vẫn đang được quyết liệt thực hiện. Chính quyền địa phương, cán bộ y tế cũng thường xuyên xuống các ổ dịch để giám sát, kiểm tra công tác phòng dịch tại các xã, phường, từng hộ gia đình”. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, dự báo dịch sốt xuất huyết vẫn còn kéo dài và có thể tới tháng 1 năm sau, tuy nhiên thành phố cố gắng từ nay đến tháng 12 có thể khống chế được dịch. “Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ thực hiện tiếp gần 130 chiến dịch diệt bọ gậy và hơn 60 chiến dịch phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, ngăn chặn các ca mắc mới”, ông Cảm cho biết. Tại TP Hồ Chí Minh, theo Trung tâm Y tế dự phòng, trong tuần qua, toàn thành phố thêm 774 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tương đương với số ca trung bình của 4 tuần trước; và có 1 trường hợp tử vong tại quận 9. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch sốt xuất huyết sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa và có thể diễn biến phức tạp do thời tiết liên tục thay đổi. Đặc biệt năm nay, hiện tượng El Nino gây mưa, nắng thất thường là nguyên nhân khiến muỗi sinh sôi phát triển nhanh, khiến dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Người dân không được chủ quan, mà phải luôn luôn chủ động trong phòng chống dịch, phối hợp với chính quyền địa phương để phun hóa chất, diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh nơi ở để ngăn chặn dịch lây lan.
12. Bình Dương phát hiện một cơ sở làm cho chuối chín từ thuốc diệt cỏ chứa Dioxin: Cơ sở bị phát hiện dùng hóa chất độc hại để làm cho chuối chín do ông Vũ Xuân Tiến, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương làm chủ. Tin mới nhất, vào ngày 29/10, Chi cục bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Dương đi kiểm tra, phát hiện một Cơ sở sử dụng chất độc có thể gây chết người để làm cho chuối chín và tạo độ cứng vỏ bóng màu sắc đẹp mắt cho quả, khiến cho nhiều người dân bức xúc về việc làm sai trái của chủ cơ sở này. Được biết, Cơ sở bị phát hiện dùng hóa chất độc hại để làm cho chuối chín do ông Vũ Xuân Tiến, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương làm chủ. Qua kết luận kiểm tra của chi cục bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Dương được biết cơ sở này đã sử dụng hai loại hóa chất độc hại tẩm vào chuối là khí đá và thuốc diệt cỏ CO 2,4D. Tại thời điểm kiểm tra Chi cục bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Dương đã phát hiện và thu giữ 200kg chuối tại cơ sở do ông Tiến làm chủ, sau đó số lượng chuối này đã bị đem đi thiêu hủy. Đồng thời cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt 6,4 triệu đồng về sai phạm của cơ sở ông Tiến.
13. Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện cơ sở sản xuất tương cà không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Sáng 6-11, từ nguồn tin của người dân, tổ công tác UBND xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) kiểm tra cơ sở sản xuất tương đen, tương cà, tương ớt tại địa chỉ 22/18H ấp Trung Đông do bà Trần Thị Sương làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác ghi nhận hàng trăm bình nhựa đựng các loại tương để tràn dưới đất từ ngoài đường đến tận trong nhà. Đoàn còn ghi nhận nhiều thùng nhựa đựng đầy tương không được che đậy khiến bụi bặm dễ bám vào. Không ít thùng nhựa đựng tương cáu bẩn, dơ dáy. “Công nghệ” chiết tương vô bình nhựa được thực hiện trên nền đất. Máy chiết tương cũ kỹ, rỉ sét, không đảm bảo vệ sinh. Bình nhựa rỗng để tràn dưới đất, nắp đậy đóng đầy bụi. Một con chó thản nhiên qua lại khu vực chiết và đóng bình tương, thỉnh thoảng đưa lưỡi liếm miệng bình. Bà Sương cho biết nguyên liệu sản xuất tương đen gồm bột mì, đậu nành và màu. Nguyên liệu sản xuất tương cà, tương ớt gồm bột mì, màu, cà, ớt, tỏi. Tuy nhiên, khi tổ công tác đề nghị cho xem cà, ớt, tỏi thì bà Sương chỉ đưa ra bịch tỏi, còn cà và ớt thì không. “Tôi dùng hương ớt, hương cà là chính, nhưng sử dụng hết rồi. Bên cạnh đó, do sử dụng bột mì mắc tiền nên nhiều lúc tôi thay thế bằng bột gạo” - bà Sương nói. Tổ công tác phát hiện khu vực để bột gạo nằm tại góc tường, sát con đường xe cộ qua lại. Điều đáng nói giấy chứng nhận ghi địa chỉ sản xuất tại 21/10 ấp Trung Đông, trong khi cơ sở sản xuất của bà Sương ở số 22/18H ấp Trung Đông. Điều này sai quy định.
14. Bệnh viện Vinmec lần đầu tiên mổ nội soi thành công dị tật thoát vị hoành nặng: Đầu tháng 11 này, Bệnh viện đa khoa quốc tế (BVĐK) Vinmec Times City đã mổ nội soi thành công cho một bệnh nhân bị dị tật thoát vị hoành nặng.
Đây trường hợp đầu tiên thoát vị hoành nặng phải thở máy cao tần, thở máy NO phẫu thuật nội soi thành công ở Việt Nam. Khi mang thai đến tuần 34, qua siêu âm chẩn đoán trước sinh, sản phụ được phát hiện thai có dị tật thoát vị hoành. Với dị tật này, trẻ rất dễ bị suy hô hấp với nhiều diễn biến khó lường, tỉ lệ tử vong lên tới 50%. Nhiều bác sĩ sản khoa đầu ngành ở Việt Nam đã khuyên gia đình sản phụ đến Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, nơi có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật dị tật bẩm sinh, trong đó có thoát vị hoành. Dựa trên kết quả thăm khám và siêu âm, GS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cùng Hội đồng tư vấn đã lên kế hoạch đỡ sinh em bé, chăm sóc và phẫu thuật với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa sản, sơ sinh, ngoại nhi, hồi sức. Là chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật thoát vị hoành bẩm sinh, đã từng mổ thành công hàng trăm trường hợp, GS Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Ở Việt Nam, trẻ mắc dị tật này khá cao từ 1 – 2/1.000 trẻ nhưng tỉ lệ sống sau sinh cho những trẻ bị tăng áp lực phổi nặng tương tự ca bệnh này từ trước đến nay rất thấp. Bởi nhiều trường hợp mắc dị tật ở mức độ nặng bị bỏ sót không được phát hiện dị tật trong bào thai, trong khi đó khi trẻ sinh thường ra có những diễn biến nguy kịch ngay”. Vì thế, GS. Liêm cũng khuyến cáo các bà mẹ khi mang thai cần tuân thủ thăm khám bác sĩ sản khoa định kỳ. Nếu trẻ bị dị tật, các bác sĩ có thể chuẩn bị kế hoạch chăm sóc, cứu sống em bé ngay sau sinh.
15. Một số bệnh viện tại TP.HCM vừa kiến nghị Bảo hiểm Xã hội thành phố về việc cho phép bệnh nhi điều trị ngoại trú do quá tải vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế: Theo đó, mô hình bệnh viện trong ngày đang được áp dụng tại hai viện nhi trên địa bàn thành phố, nhằm giảm tải số bệnh nhi. Nhiều ca điều trị tạm ổn cũng được linh động chuyển sang điều trị ngoại trú. Song bất cập hiện tại là chế độ bảo hiểm y tế không áp dụng cho các bệnh nhi điều trị ngoại trú, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những bệnh nhi này. Theo các bệnh viện, việc kiến nghị trên được thông qua sẽ có tác dụng rất tốt đến việc giảm tải cho các bệnh viện, khiến việc điều trị bệnh hiệu quả hơn. Ngoài ra, Sở Y tế còn khuyến cáo người dân không nên đưa con em mình khám bệnh vượt tuyến, tránh nguy cơ bệnh nhi bị lây nhiễm chéo do quá tải.
II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI
16. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố hết dịch Ebola tại Sierra Leone: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/11 đã chính thức tuyên bố Sierra Leone hết dịch Ebola. Tuyên bố trên được người đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Sierra Leone, ông Leone Anders Nordstrom đưa ra sau khi quốc gia Tây Phi này không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nhiễm virus Ebola nào trong suốt 42 ngày qua. Kể từ khi dịch Ebola bùng phát tại khu vực miền Nam Guinea tháng 12/2013, hơn 28.000 người đã nhiễm bệnh và 11.300 người đã tử vong, chủ yếu ở ba nước Tây Phi là Sierra Leone, Liberia và Guinea. Riêng tại Sierra Leone, có gần 4.000 người bị chết do nhiễm Ebola, kể từ khi dịch Ebola bùng phát mạnh tại đây từ tháng 5/2014. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số người tử vong thực sự có thể cao hơn so với các số liệu thống kê do số người chết vì virus Ebola lúc đầu được cho là tử vong vì sốt xuất huyết, dịch tả.
17. Mỹ phê chuẩn thuốc viên mới điều trị HIV: Loại thuốc hỗn hợp có chứa hoạt chất tenofovir mới, rất hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tuýp 1. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa phê chuẩn một loại thuốc viên mới có tên gọi Genvoya để điều trị cho người trưởng thành và thanh thiếu niên bị nhiễm HIV. Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đánh giá dược phẩm của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, ông Edward Cox cho biết, đây là loại thuốc hỗn hợp có chứa hoạt chất tenofovir mới, rất hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tuýp 1, đồng thời giảm bớt các tác dụng phụ. Trước khi được phê chuẩn, thuốc Genvoya đã được thử nghiệm cho khoảng 3.171 bệnh nhân. Kết quả cho thấy, loại thuốc này có thể làm giảm đáng kể lượng vi rút gây bệnh, hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị khác. Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, khoảng 1,2 triệu người tại quốc gia này bị nhiễm HIV, trong đó khoảng 150.000 người không nhận thức được rằng họ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
18. Một người mẹ đã hiến tạng của con gái cứu người không quen: Một bà mẹ Mỹ đã tặng gan của cô con gái 3 tuổi ung thư não giai đoạn cuối cho một em bé không quen biết. Tờ The Sun đưa tin, bé Olivia, con gái của chị Lauressa Swedberg, bị ung thư não không thể chữa khỏi. Trong những ngày cuối cùng bên cạnh con gái bé bỏng, Lauressa đã biết được câu chuyện thương tâm của bé trai 2 tuổi Lucas Goeller qua những dòng chia sẻ trên Facebook. Chị Jessia, mẹ của bé Lucas, đã lập một trang trên mạng xã hội Facebook, để tìm người có tạng phù hợp với cậu con trai Lucas bị bệnh gan nguy kịch. Jessica hy vọng, nếu ai đó trong cộng đồng mạng nhìn thấy được ‘khuôn mặt bé bỏng xinh xắn’ của Lucas, thì sẽ giúp đỡ cậu bé. Gia đình Lucas đã liên tục cập nhật về tình trạng của bé. Họ đăng nhiều hình ảnh và cả những clip "tâm sự" của Lucas. Khi nhìn thấy những bức ảnh thương tâm của cậu bé, chị Lauressa tự nhủ: “Làm sao người ta có thể không yêu cậu bé xinh xắn đó được chứ?”. Lauressa rất muốn giúp Lucas. Chị đã liên lạc với văn phòng ghép tạng ở Nebraska, Hoa Kỳ, để xem liệu có thể hiến gan của bé Olivia cho Lucas được không. Bé Olivia qua đời hôm 30/6. Thường gia đình người hiến tạng không thể biết người được nhận là ai. Các nhân viên ghép tạng cũng nói với Lauressa là họ không thể tiết lộ thông tin người được ghép gan. Tuy nhiên, sau đó, khi nhìn trên Facebook, Lauressa biết gan của Olivia đã được ghép cho Lucas.Lauressa hiểu rằng cô con gái yêu quý của mình đã cứu sống cậu bé Lucas.Bé Lucas hiện đã có thể đi lại và chơi đùa. Điều kiện sức khỏe của bé cũng đã được cải thiện và ổn định hơn. Jessica cảm ơn rất nhiều Lauressa, vì nghĩa cử vô cùng cao đẹp của một người mẹ mất con, và quyết tâm để ‘di sản’ của bé Oliva được nhiều người biết và nhớ mãi.