Điểm tin ngày 4-5/6/2014

06/06/2014 | 03:00 AM

 | 

I.THÔNG TIN TRONG NƯỚC:Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: Cứu sống nạn nhân bị đâm thủng tim


Chiều 3/6, bác sĩ Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim, tiên lượng xấu.

Tối 2/6,  bệnh nhân N.C.L. (23 tuổi, ở xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa trong tình trạng bị một vết thương dài 1,5cm ở thành trước ngực trái do vật nhọn đâm, qua thăm khám phát hiện vết thương đi vào khoang màng tim. Bệnh nhân khi nhập viện bị choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt, tiên lượng tử vong cao. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu trong thời gian 90 phút và đến ngày 3/6 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch tính mạng.

2. Phường Him Lam (TP.Điện Biên): Ðiểm sáng về phòng chống  suy dinh dưỡng

Vừa qua, Đoàn cán bộ Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng đã có chuyến công tác và tổ chức lễ phát động “Ngày vi chất dinh dưỡng” tại thành phố Điện Biên.

Tại Điện Biên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE), đặc biệt là thể thấp còi ở còn ở mức rất cao, trên 32% (rất cao so với mức trung bình toàn quốc là trên 25%). Như nhiều tỉnh miền núi trung du phía Bắc khác, Điện Biên còn nhiều vùng có số trẻ bị SDD thấp còi ở mức rất cao nhưng cũng có một số vùng do làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục truyền thông được tăng cường nên tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em ở những vùng này lại ở mức rất thấp. Một trong những địa bàn làm tốt công tác này là phường Him Lam, TP.Điện Biên - điểm sáng của tỉnh về công tác phòng chống SDDTE, khi mà tỷ lệ SDDTE thể nhẹ cân ở đây chỉ ở mức 7,92%, tỷ lệ thấp còi là 10,8% thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của toàn tỉnh. Chị Quàng Thị Cúc- cán bộ Trạm y tế Him Lam cho biết: Trạm hiện có 7 cán bộ thường xuyên được tập huấn để nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn, khi khám cho người bệnh chúng tôi rất chú trọng đến khâu tư vấn cho người bệnh, đặc biệt với những bà mẹ mang thai tới khám hay sinh con tại đây. Gần 3 năm trở lại đây, việc quản lý các đối tượng như phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi được theo dõi chặt chẽ hơn thông qua việc cấp phát “quyển sổ vàng”. Được biết, chương trình cấp phát quyển sổ vàng (sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em) do Dự án phối hợp giữa Bộ Y tế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Quyển sổ này được thiết kế khoa học, thích hợp cho việc theo dõi  của cán bộ y tế và người bệnh:  một trang là phần ghi chép của gia đình, trang bên kia là phần theo dõi ghi ý kiến của thầy thuốc. Thông qua hình thức này, thầy thuốc có thể theo dõi một cách tỉ mỉ cả quá trình một phụ nữ từ lúc có thai đến lúc sinh nở và trẻ nhỏ từ lúc sơ sinh đến khi 5 tuổi. Từ khi chương trình này được triển khai tại đây, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được uống vitamin A, tiêm chủng mở rộng tại trạm luôn đạt các chỉ tiêu gần như tuyệt đối. Số phụ nữ khám thai định kỳ từ 3 lần trở lên luôn đạt 100%, nhiều trường hợp bà mẹ còn được tư vấn khám thai đến 4 - 5 lần...

Y sĩ Hoàng Thị Mai, Trưởng trạm y tế cho biết: Him Lam vẫn còn gặp một số khó khăn như: tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu đạt tỷ lệ thấp, dù đã tuyên truyền thường xuyên nhưng nhiều gia đình đến tháng thứ 4, 5 đã cho trẻ ăn dặm, nguyên do nhiều bà mẹ vẫn cứ nghĩ chỉ bú sữa thì trẻ không đủ lớn, nhiều người khác thì bận làm ăn nên khó thực hiện... Bởi vậy, cũng theo y sĩ Mai, trong thời gian tới, công tác tư vấn, giáo dục truyền thông cần tiếp tục được tăng cường để dần giúp họ thay đổi hành vi.

Điện Biên còn là một tỉnh nghèo, tỷ lệ SDDTE còn ở mức cao nhưng nếu mô hình phòng chống SDDTE tại Him Lam được nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh, không bao lâu tỷ lệ SDDTE ở Điện Biên có thể hạ thấp xuống tới mức ngang với các tỉnh đồng bằng. 

3. Việt Nam: Hạn chế gia tăng bệnh đái tháo đường

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, bệnh đái tháo đường gia tăng toàn cầu đã và đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với y tế và sự phát triển của các quốc gia trong thế kỷ 21 và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Theo Thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người mắc đái tháo đường trên toàn quốc hiện chiếm gần 6% dân số Việt Nam. Bệnh nhân đái tháo đường gia tăng nhanh chóng ở hầu khắp mọi miền đất nước, đặc biệt tại các thành phố  lớn và khu công nghiệp. Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường nhận định Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới. Rất nhiều người bệnh và gia đình cũng như các cơ sở y tế đang phải chịu những gánh nặng về kinh tế cho chi phí rất lớn trong điều trị căn bệnh này.

Tại Hội thảo vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên  cho biết Việt Nam hiện nằm trong nhóm những quốc gia thu nhập trung bình và thấp sẽ phải chịu nhiều tác động lớn của căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và có biện pháp xử lý dứt điểm. Để ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân, Bộ Y tế đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh đái tháo đường từ năm 2008. Chương trình này tập hợp nhiều giải pháp trong phòng, chống bệnh đái tháo đường như: Đào tạo cán bộ y tế về sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh; triển khai khám sàng lọc chủ động, phát hiện các yếu tố nguy cơ, biến chứng; đảm bảo tính sẵn có và khả năng tiếp cận về thuốc, trang thiết bị thiết yếu trong chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo  đường; truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân biết về bệnh, nguyên nhân, hậu quả, cách phòng, chống...

 Được biết, chương trình hợp tác công tư “Chăm sóc đái tháo đường Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015” giữa Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch cũng đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường; sàng lọc bệnh nhân; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong quản lý bệnh đái tháo đường; nâng cao chất lượng điều trị; tăng tiếp cận điều trị  bệnh. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chương trình phòng chống đái tháo đường tại Việt Nam, Bộ Y  tế rất cần có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan với các giải pháp về truyền thông, giáo dục sức khỏe, đào tạo cán bộ y tế, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, khả năng tiếp cận về thuốc, trang thiết bị y tế và cơ chế tài chính...

4. Hà Nội: Y tế tư nhân thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh

Vietlife là đơn vị đầu tiên ở Hà Nội thực hiện ký kết hợp tác với PAHE (Nhóm hợp tác vì công bằng sức khỏe) nhằm thúc đẩy bình đẳng trong dịch vụ y tế công, tư; cũng như vận động chính sách hướng tới công bằng sức khỏe cho người dân thông qua việc sử dụng khung tiếp cận dựa trên quyền và hợp tác các tổ chức phi chính phủ. Thực hiện công bằng với y tế tư nhân đồng nghĩa phòng khám phải thực hiện minh bạch trong dịch vụ khám chữa bệnh. Bác sĩ Vũ Tiến Đức - Trưởng đại diện PAHE cho rằng “Phòng khám tư muốn tồn tại bắt buộc phải đảm bảo chất lượng dịch vụ hoàn hảo. Vậy thì tham gia thực hiện công bằng khám chữa bệnh là cách giám sát chất lượng tốt nhất”.

Trong những năm qua, tại Việt Nam, sự ra đời của y tế tư nhân giúp giải quyết một số vấn đề quan trọng liên quan đến tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở Việt Nam cũng cho thấy chi phí y tế do người bệnh tự chi trả trong nhiều năm luôn ở mức cao trên 50%, điều đó đã tạo nguy cơ về bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng y tế. Thực tế này cho thấy rất cần có sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội dân sự đang vận động cho việc cải thiện công bằng sức khỏe ở Việt Nam và các tổ chức y tế tư nhân. Người dân sẽ được hưởng xứng đáng những chi phí mà họ bỏ ra cho từng dịch vụ khám chữa bệnh. Trong bối cảnh hệ thống y tế tư phát triển rầm rộ thì những đơn vị làm ăn nghiêm túc sẽ phải tìm cách đi lấy chất lượng dịch vụ làm hàng đầu, bên cạnh đó thực hiện công bằng giữa y tế công và tư cho người bệnh thông qua sử dụng khám chữa bệnh qua thẻ bảo hiểm y tế. BS. Nguyễn Ánh Vân - Giám đốc hệ thống phòng khám Vietlife cho biết: “Chúng tôi phát triển các dịch vụ khám bảo hiểm y tế, liên kết bảo hiểm y tế công, tư để người dân với mức thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận với y tế tư nhân”.

Được biết, PAHE sẽ đánh giá chính sách và dịch vụ của phòng khám, thí điểm từ Vietlife dựa trên quyền và các yếu tố xã hội về sức khỏe, từ đó xây dựng phòng khám tư mang tính nhân văn, đảm bảo tối đa quyền bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân.

5. Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM: Cứu bé trai bị ong chích 60 mũi

 Khoa Cấp cứu - Hồi sức, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, bé L.G.B. (10 tuổi, ngụ tại Cà Mau) bị bầy ong trong vườn nhà tấn công, phải nhập viện trong tình trạng suy đa cơ quan, tiểu ra máu. Qua thăm khám, bác sĩ xác định trên cơ thể bệnh nhi có khoảng 60 vết chích, tình trạng nhiễm độc đe dọa trực tiếp đến sinh mạng.

Trước đó, bệnh nhi B. được đưa tới bệnh viện địa phương cấp cứu, nhưng B. vẫn rơi vào tình trạng sốt cao, sốc do đau và nhiễm độc nên buộc phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bệnh nhi B được tiếp nhận trong tình trạng lơ mơ, khó thở, tím tái, vàng da, vàng mắt, tiểu ra máu. Kiểm tra trên cơ thể bệnh nhi,  bác sĩ phát hiện khoảng 60 vết ong đốt ở đầu cổ, tay, lưng gây sưng phù. Kết quả xét nghiệm cấp cứu cho thấy bệnh nhi bị tổn thương phổi nặng, suy gan, suy thận rối loạn đông máu... Cháu được nhanh chóng cho thở ôxy và tiến hành lọc máu liên tục để loại bỏ độc tố trong cơ thể. Sau 48 giờ cấp cứu, hồi sức tích cực hiện bệnh nhi đã qua được cơn nguy kịch.

6.Mèo Vạc (Hà Giang): Ba bố con tử vong vì ăn bánh ngô mốc

Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết:  Ba bố con anh Giàng Sìa Sính (thôn Hầu Chua, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc) đã tử vong vì ăn bánh bột ngô mốc.

Được biết, ngày 26/5, gia đình anh Giàng Sìa Sính (39 tuổi) ở thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc được một người thân biếu 1 bát bánh bột ngô. Ngay chiều hôm đó, gia đình đã chế biến ăn một bữa nhưng cả nhà đều không có biểu hiện gì. Số bột ngô chưa ăn hết còn lại một nửa đến 15 giờ chiều 1/6 được anh Giàng Sìa Sính tiếp tục đem rán để ăn. Cùng ăn bánh bột ngô với anh Sính có hai người con của anh là cháu Giàng Mí Tủa (15 tuổi), Giàng Thị Chía (11 tuổi). Sau khi ăn bánh bột ngô, đến 21 giờ cùng ngày, cả 3 bố con gia đình anh Sính đều có triệu chứng chân tay co giật, nôn, đi ngoài và hôn mê sâu đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc cấp cứu. Mặc dù đã được các bác sỹ hết lòng cứu chữa nhưng đến 1 giờ sáng ngày 2/6 thì anh Sính và cháu Tủa đều tử vong. Cháu Giàng Thị Chía cũng bị rất nặng và khoảng 10 giờ ngày 2/6 thì cháu Chía cũng không qua khỏi. Cả 3 bố con đã được gia đình đưa về nhà mai táng.

Với đồng bào dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn, ngô là lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày. Do trình độ nhận thức còn hạn chế, điều kiện sống khó khăn, nên khi thấy bánh bột ngô mốc, các gia đình không bỏ đi mà vẫn ăn nên đã có rất nhiều vụ ngộ độc bánh ngô đáng tiếc xảy ra.

Số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang cho thấy, chỉ tính từ năm 2007 đến tháng 5/2014, Hà Giang đã xảy ra gần 70 vụ ngộ độc do nấm rừng, ăn bánh ngô mốc.

7. Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam: Thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh sản phẩm nấm lim xanh

Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, nấm lim xanh được hiểu sai là chữa bách bệnh, hiện chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng về tác dụng chữa bệnh của sản phẩm này. Do đó, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 93/ATTP-T4Q gửi  Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam nhằm tăng cường kiểm tra việc quảng cáo các sản phẩm được chiết xuất từ nấm lim xanh.

Trước thực tế  nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ghi thông tin trên bảng hiệu quảng cáo là “Nấm lim xanh có tác dụng chữa nhiều bệnh, kể cả bệnh ung thư” - vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm của Bộ Y tế, để chấn chỉnh tình trạng  này, Chi Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh sản phẩm nấm lim xanh trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải quảng cáo sản phẩm theo đúng như nội dung công bố.

8. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vào cuộc vụ ngộ độc làm 170 người nhập viện

Ngày 1/6/2014, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty Nienshing (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) làm 170 công nhân mắc và phải nhập viện. Nhận được thông tin về ngộ độc thực phẩm, Đoàn công tác của Cục An toàn thực phẩm do ThS. Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm làm Trưởng đoàn đã trực tiếp xuống địa bàn để nắm bắt tình hình, chỉ đạo điều tra xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm.

Tại buổi làm việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình đã báo cáo về tình hình vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty Công ty Nienshing. Theo báo cáo, tổng số người ăn 1.328 người, trong đó 170 công nhân được đưa đến khám, xác định và điều trị tại các bệnh viện với các biểu hiện đau bụng âm ỉ, đi ngoài phân lỏng, nôn, buồn nôn. Đến thời điểm 20 giờ ngày 2/6/2014 chỉ còn 8 bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lâm Hoa và sức khỏe tiến triển tốt. Nguyên nhân ban đầu nghi do vi sinh vật.

Để xử lý kịp thời vụ ngộ độc và chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các công việc để xử lý như: Tổ chức cấp cứu, thu dung, điều trị kịp thời bảo đảm hạn chế diễn biến nặng và tử vong; điều tra xác định rõ cơ sở nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên trong vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định; công khai kết luận điều tra ngộ độc thực phẩm để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng; tăng cường thanh tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bữa ăn tập trung đông người, bếp ăn tập thể; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và các quy định của Thông tư số 30/2012/TT - BYT ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố; chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

9. Triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại 08 tỉnh, thành phố

   Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 16/TT-BYT ngày 22/5/2014 hướng dẫn thí điểm  bác sĩ gia đình (BSGĐ) và phòng khám BSGĐ. Theo Thông tư này, từ ngày 15/7 tới, mô hình BSGĐ sẽ được thí điểm triển khai tại 08 tỉnh, thành phố (TP) là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Phòng khám BSGĐ được phép thực hiện khám, chữa bệnh với cả bệnh nhân BHYT. Nếu phòng khám là của cơ sở công lập thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nếu là phòng khám của đơn vị tư nhân thì được quyền quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết:  BSGĐ hoàn toàn khác với  bác sĩ  đến khám tại nhà. BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục, có tính cộng đồng bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh...

10.TP.HCM: Giá viện phí được điều chỉnh từ ngày 1/6/2014

Các bệnh viện công lập ở TP.HCM bắt đầu triển khai điều chỉnh giá viện phí từ ngày 1/6/2014. Thông báo áp dụng giá viện phí mới đã được dán tại hầu hết các bệnh viện.

Bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Tài chính kế toán của Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố không áp giá viện phí bằng 100% mức giá tối đa của Thông tư liên tịch 04 (của Bộ Y tế - Bộ Tài chính) ngay, mà điều chỉnh dần làm 3 lộ trình. Năm nay bệnh viện của thành phố chỉ thu 75% và 65% so với mức giá tối đa của Thông tư 04 (tùy theo loại dịch vụ, kỹ thuật). Đến năm 2016 mới thu bằng 100% với mức tối đa Thông tư 04. Ở lần điều chỉnh giá viện phí năm nay của thành phố sẽ có dịch vụ, kỹ thuật khám, chữa bệnh tăng giá, có dịch vụ giảm giá (so với giá trước đó), nhưng số tăng giá chiếm phần lớn.

 Cụ thể, những loại dịch vụ kỹ thuật tăng giá như:  Tiền công khám bệnh, giá cũ 3.000 đồng, giá mới 15.000 đồng (bệnh viện hạng 1); giá cũ 3.000 đồng, giá mới 11.000 đồng (bệnh viện hạng 2); giá cũ 2.000 đồng, giá mới 7.000 đồng (bệnh viện hạng 3); giá cũ 500 đồng, giá mới 3.000 đồng (trạm y tế). Còn tiền giường nằm viện: giá cũ 10.000 đồng/ngày, giá mới 60.000 đồng (bệnh viện hạng 1); giá cũ 8.000 đồng, giá mới 48.000 đồng (bệnh viện hạng 2); giá cũ 5.000 đồng, giá mới 30.000 đồng/ngày (bệnh viện hạng 3)…Mức tăng cao nhất là các phẫu thuật đặc biệt (các cuộc mổ lớn như mổ tim bẩm sinh, cắt u màng não…) - tăng từ 2,5 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng. Có hơn 30 dịch vụ, kỹ thuật có giá tối đa thấp hơn hoặc bằng mức giá cũ khi điều chỉnh, như: chụp CT scanner giá cũ 700.000 đồng/lần, giá mới còn 500.000 đồng; cắt amidal giá cũ 1 triệu đồng, giá mới còn 660.000 đồng; siêu âm giá cũ 80.000 đồng, giá mới 35.000 đồng; đặt nội khí quản giá cũ 700.000 đồng, giá mới 415.000 đồng; chạy thận nhân tạo giá cũ 400.000 đồng, giá mới 345.000 đồng; chụp động mạch vành giá cũ 4 triệu đồng, giá mới 3,825 triệu đồng...

Trong tổng chi phí khám chữa bệnh, chiếm 60% là thuốc và vật tư; 40% còn lại là chi phí cho các dịch vụ, kỹ  thuật. Như vậy, việc điều chỉnh giá lần này là điều chỉnh liên quan đến 40% chi phí các dịch vụ, kỹ thuật; còn thuốc và vật tư được tính theo giá bệnh viện mua vào.

Hiện TP.HCM có 67% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Việc điều chỉnh một phần giá viện phí tác động không nhiều đến người tham gia bảo hiểm y tế - vì họ đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh.

1. Hà Nội: Bọ xít hút máu người lại xuất hiện

Những ngày gần đây, tại một số địa bàn dân cư thuộc các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm (Hà Nội) xuất hiện cá thể bọ xít có hình dạng giống bọ xít hút máu người.

Anh Hùng ở ngõ 354, đường Trường Chinh (quận Đống Đa) cho hay, trong các ngày 27 – 28/5, trong nhà anh xuất hiện 2 cá thể bọ xít, mỗi con dài gần 2 cm. Một số hộ dân gần đó, cũng phát hiện loài bọ xít này trong nhà. Trước đó, anh Trần Văn Thái ở số 7, phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) cũng bắt được một cá thể bọ xít tại cửa chính trong nhà. Khi lấy tăm dí vào bụng, bên trong có rất nhiều trứng con màu trắng. Đây không phải lần đầu anh Thái phát hiện bọ xít trong nhà. Mùa hè năm ngoái, bọ xít hút máu xuất hiện trong bếp nhà anh. Khi giết bọ xít, trong bụng máu phun ra.Tại phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm), người dân cũng đã tìm thấy loài bọ xít này trong nhà tắm, nhà vệ sinh và vô cùng lo lắng.

PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) cho biết, bọ xít hút máu thuộc giống Triatoma đã được ghi nhận ở Việt Nam từ trước, trong đó phổ biến là loài T.rubrofasciata.Theo ông, có 21/29 quận, huyện tại Hà Nội ghi nhận sự có mặt của loài T.rubrofasciata. TS Lam thông tin thêm: bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1 - 3,5 cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Thông thường rất dễ phát hiện vì các vết đốt to hơn nốt muỗi đốt, có màu đỏ  hoặc màu sẫm nối liền nhau. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân. Sau khi bị đốt và hút máu, các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ và bị sốt (nhất là trẻ em).

Mặc dù đến thời điểm này ở Việt Nam chưa phát hiện ra trường hợp nào bị bệnh do bọ xít này là trung gian lây truyền bệnh,  nhưng trước tình hình bọ xít hút máu xuất hiện ở nhiều nơi và có thể đốt người, trong tuần này, các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật sẽ đến những nơi phát hiện ra bọ xít để lấy mẫu phân tích.

Viện sốt rét- Ký sinh trùng T.Ư khuyến cáo, người dân khi thấy bọ xít xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh các nơi ẩm thấp, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào để ngăn chặn loại côn trùng này sinh sôi. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người. Nếu bị bọ xít hút máu người đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.

2. Bộ Y tế: Chặn dịch MERS-CoV từ cửa khẩu

Ngày 3/6, Bộ Y tế một lần nữa phát đi cảnh báo trên toàn quốc về dịch bệnh nguy hiểm viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV). Loại dịch bệnh này đã làm 202 người tử vong trong số 676 trường hợp mắc phải tại 20 quốc gia khu vực Trung Đông. Có 75% số ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát do lây truyền từ người sang người.

PGS. TS. Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, MERS-CoV có tỉ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần. Các chuyên gia y tế nhận định dịch bệnh này đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và nguy cơ virus truyền nhiễm MERS-CoV xâm nhập nước ta là rất lớn. Mọi người đều có khả năng nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, qua ghi nhận thì hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới; người có bệnh mạn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn.

Tại cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống dịch bệnh phía Nam mới đây, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc đã bày tỏ quan ngại khả năng bùng phát loại dịch bệnh này là rất lớn do lây nhiễm thứ phát từ người qua người: “Nguy cơ bệnh sẽ xâm nhập nước ta thông qua khách du lịch, người lao động, học tập tại nước ngoài. Đáng ngại hơn, một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines đã có ca bệnh sau khi trở về từ Trung Đông. Người Việt giao thương, qua lại những nước trong khu vực không phải ít”.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị chủ động ngăn chặn dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam. Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai ngay các hoạt động theo tình huống khi có ca bệnh tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động, thường xuyên cập nhật thông tin về bệnh MERS-CoV để có kế hoạch ứng phó theo tình huống diễn biến của dịch bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS-CoV. Tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý người trở về từ các quốc gia có dịch bệnh, kiểm tra sàng lọc thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa. Sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị; đồng thời, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, nghi ngờ mắc MERS-CoV, có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày…

Tại TP. HCM, phương án ứng phó với MERS-CoV cũng đã được triển khai. Sở Y tế TP. HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát để phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc đến từ vùng dịch Mers-CoV, đặc biệt tại các cửa khẩu quốc tế như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn; công tác thu dung, điều trị cũng đã sẵn sàng. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp, lực lượng chức năng sẽ thực hiện ngay cách ly, khám sơ bộ, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý theo quy định.

3. Cục Y tế dự phòng: Bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam:

Ngày 3/6, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua, số mắc mới bệnh tay - chân - miệng (TCM) đã lên gần 1.900 trường hợp, tăng 4,1% so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 24.730 trường hợp mắc bệnh TCM tại 62 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặc dù số mắc đang tăng nhưng số mắc TCM năm tháng đầu năm 2014 thấp hơn cùng kỳ 2013, ngoại trừ khu vực Tây Nguyên đã tăng 0,8% so với cùng kỳ 2013 và tiếp tục xu hướng gia tăng số lượng bệnh nhân. Đặc biệt, khác với tình hình năm trước, TCM có xu hướng phân bố đều trên cả nước thì trong năm nay bệnh đang tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, khu vực phía Nam đang chiếm tới 78,5% tổng số ca bệnh TCM từ đầu năm đến nay. Năm tỉnh thành có số ca bệnh đã tăng cao so với năm trước và hiện vẫn chưa có chiều hướng chững lại gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Lâm Đồng và Sóc Trăng.

Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới cho hay, các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực đang trong xu hướng gia tăng bệnh nhân TCM, cảnh báo nguy cơ tương tự tại Việt Nam, như Trung Quốc năm tháng đầu năm 2014 đã có gần 700.000 bệnh nhân, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ, Macau trên 1.300 bệnh nhân, tăng 1,8 lần...

Ngoài bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng cảnh báo bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 333 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Phú Yên. Như vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố và đã có 7 trường hợp tử vong tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Bình Phước và Phú Yên. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc sốt xuất huyết giảm 40,8%, tử vong giảm 4 trường hợp. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố có số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 32,6%), TP. Hồ Chí Minh (tăng 31,7%) và Bình Dương (tăng 27,2%).

Trước tình hình bệnh TCM, sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp có nguy cơ kết hợp với các dịch bệnh khác như sởi, thủy đậu đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là khu vực phía Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đề nghị các bệnh viện tại khu vực phía Nam chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, giường bệnh, khu cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm... sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

4. Bộ Y tế: Khẩn trương xác minh thông tin Bệnh viện Đa khoa huyện Bù Đăng không có người trực khám cấp cứu

          Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Bù Đăng đề nghị khẩn trương xác minh thông tin người dân phản ánh qua đường dây nóng về việc BVĐK huyện Bù Đăng không có người trực khám cấp cứu và “bác sĩ khám bệnh có mùi rượu”.

          Anh Trương Thanh Bình gọi đến đường dây nóng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phản ánh: Trưa ngày 2/6/2014, anh đưa con gái (cháu Trương Nguyễn Diễm Hương, 3 tuổi) bị dị vật đường mũi đến cấp cứu tại BVĐK huyện Bù Đăng nhưng bệnh viện không có người trực. Anh Bình đã gọi điện cho Giám đốc bệnh viện thì được giải thích rằng “Bệnh viện không trực chuyên khoa lẻ, phải chờ đến đến 13 giờ 30 chiều, nếu không chờ được thì có thể ra phòng khám tư”.  Ngoài ra, hồi 13 giờ 40, một bệnh nhân đã phản ánh tại bệnh viện này khi BS Tiến mời vào khám phát hiện “bác sĩ có mùi rượu”. Từ phản ánh trên, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế Bình Phước khẩn trương xác minh vụ việc, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu vi phạm tại BVĐK huyện Bù Đăng, báo cáo kết quả xử lý về Cục Quản lý Khám chữa bệnh trước ngày 7/6/2014. Đồng thời, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện việc thường trực đường dây nóng bệnh viện, công khai số điện thoại giám đốc bệnh viện cho người dân được biết. Thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, chuyển tuyến theo quy định. Quán triệt nhân viên y tế không được uống rượu bia trong giờ làm việc, kể cả giờ nghỉ trưa để không làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn và giao tiếp với người bệnh. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.

5. Bệnh viện Nhi Trung ương: Cứu bé 13 tháng tuổi uống dầu tưởng… nước ngọt

            Ngày 4/6, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết: BV  đang điều trị cho một bệnh nhi (BN) 13 tháng tuổi, bị ngộ độc dầu luyn dẫn đến viêm phổi nặng. Bệnh nhi T.T.U nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng… Người nhà BN cho biết, bé U. chơi một mình trong nhà, lúc bố mẹ không để ý bé đã uống chai chứa dầu luyn trong vỏ chai nước ngọt. Ngay sau đó, bé U. bị sặc, ho, tím tái, khó thở. Người nhà lập tức đưa BN đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng nặng, ngày 28/5, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

          Tại khoa Nhi, các bác sĩ lập tức hỗ trợ hô hấp cho bé T.T.U bằng thở máy áp lực cao, dùng kháng sinh phổ rộng… Hiện BN vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, được các bác sĩ theo dõi.

 

 

6. Bệnh viện Bạch Mai: Điều trị cho bé bị dị ứng sứa biển

          Ngày 4/6, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Khoa Nhi bệnh viện đang điều trị cho bé T.Q.B (Hà Nội) bị dị ứng sứa biển trong lần đi tắm biển ở Thanh Hóa. Bé B. khóc, đau, dương vật sưng mọng sau khi từ biển lên. Ngay lập tức bé được điều trị tại Bệnh viện Thanh Hóa, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Sau vài ngày điều trị, dương vật bé đã bớt sưng, giảm độ ngứa, tình trạng bệnh được cải thiện.

          Bác sĩ Phong (Khoa Nhi bệnh viện) cảnh báo, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ nhỏ không mặc gì khi tắm nhằm hạn chế nguy cơ sứa biển tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm như trường hợp của bé Bảo. Bởi da trẻ rất non, nếu sứa biển bám vào các vùng nhạy cảm trên da trẻ rất dễ gây dị ứng, viêm da nặng, phải nhập viện điều trị.

7. Bộ Y tế: Tăng cường truyền thông về một số dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

Ngày 6/5, tại Hải Phòng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo với cơ quan báo chí về công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh. Tham dự hội thảo có nhiều phóng viên và đại điện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tại hội thảo, PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thời gian qua, bệnh sởi đã cơ bản được khống chế. Các bệnh truyền nhiễm khác đều có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2013 và không ghi nhận ổ dịch tập trung. Tuy nhiên, dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do thời gian tới với thời tiết mùa hè thuận lợi cho các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết phát sinh và phát triển. Mặt khác, việc giao lưu đi lại của người dân giữa các vùng trong cả nước và với các nước trong khu vực cùng với vệ sinh môi trường chưa đảm bảo sẽ gây nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 9.746 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố. Trong đó có 7 trường hợp tử vong: tại TP. Hồ Chí Minh (3 trường hợp), Bình Dương (1 trường hợp), Cà Mau (1 trường hợp), Bình Phước (1) và Phú Yên (1). So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 40,8%; tử vong giảm 4 trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh năm nay, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:  Đối với bệnh sởi, tiêm vắc-xin sởi phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất; chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh để hạn chế biến chứng; Đối với bệnh sốt xuất huyết, người dân phải diệt loăng quăng, bọ gậy ngay tại hộ gia đình; diệt muỗi truyền bệnh thông qua việc phun hóa chất diện rộng, đặc biệt là tại các hộ gia đình ở các vùng có nguy cơ cao; Đối với bệnh tay chân miệng, mọi người cần phải thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Tại hội thảo, các đại biểu được cập nhật thông tin và cách phòng chống các bệnh như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, cúm A, thủy đậu, dại và viêm đường hô hấp cấp tính. Đồng thời, được cung cấp về tình hình triển khai tiêm chủng mở rộng và các loại vắc-xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

8. TP.HCM: Tăng cường kiểm soát sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng

Ngày 4/6, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) TP. HCM cho biết, trong 5 tháng qua, trung bình có khoảng 90 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH)/tuần phải nhập viện. Đã có 185 phường, xã có số ca mắc bệnh SXH. Trong đó có 89  phường, xã có từ 2 ca mắc trở lên và 3 quận huyện có 8-9 ca mắc trên địa bàn một phường như ở Bình Tân; và Thủ Đức. Tại 4 phường, xã có ca bệnh SXH xuất hiện liên tiếp trong  4 tuần là tại Q7 (P.  Tân Hưng); Q. Bình Tân (P. Bình Hưng Hòa, P. Tân Tạo) và Q. Thủ Đức (P. Linh Trung). Ngoài ra, các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác như sởi, sốt phát ban nghi sởi, tay chân miệng (TCM), thủy đậu… đã chững lại so với tháng trước. Tuy nhiên, người dân không thể chủ quan nhất là bệnh TCM. Hiện nay, tính trung bình có 235 trẻ nhập viện/tuần vì căn bệnh này. Trong tháng 5, TCM đã xuất hiện tại 279 phường, xã và có 206  phường, xã đã có 2 ca mắc trở lên; tại Bà Điểm (Hóc Môn) và Bình Trị Đông (Bình Tân) có từ 10 ca mắc trở lên. Tuy nhiên không xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng hay tại trường học về TCM.

Tuần qua,  có 87 trường hợp nhập các Bệnh viện:  Nhi Đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh Nhiệt đới do mắc sởi và sốt phat ban nghi sởi.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp trên địa bàn thành phố, ngành Y tế  thành phố đã yêu cầu các cơ quan y tế quận, huyện không được chủ quan, nhất là vấn đề khử khuẩn, vệ sinh phải được thực hiện thường xuyên tại từng địa phương và những nơi có nguy cơ, đặc biệt những điểm có nguy cơ phát sinh ổ dịch; tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân có ý thức vệ sinh môi trường, nơi ở, thực hiện các biện pháp vệ sinh theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Mặt khác, để phòng dịch bệnh có hiệu quả, không chỉ riêng ngành Y tế mà từng người dân và chính quyền địa phương, khi phát hiện những khu vực ô nhiễm môi trường có nguy cơ gây dịch bệnh phải thông báo để cùng xử lý.

9. Cục An toàn thực phẩm: Kiểm tra chất phụ gia trong sản phẩm bánh khoai, bánh chuối

Ngày 3/6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các mối nguy ô nhiễm thực phẩm từ các sản phẩm bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô không bảo đảm ATVSTP.

            Qua thông tin phản ánh của báo chí phản ánh về tình trạng sử dụng chất màu, hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến bánh khoai trên địa bàn Hà Nội. Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô và các loại bánh khác có nghi ngờ để kiểm nghiệm hóa chất, phẩm màu vàng của sản phẩm.

 

10. Sở Y tế Hà Nội: Cấm bác sỹ hút thuốc lá trước mặt người bệnh

 

          Sở Y tế Hà Nội yêu cầu 100% cán bộ y tế tuyệt đối không hút thuốc lá trong phòng làm việc và trước mặt người bệnh; 100% bệnh viện, công sở và các cơ sở y tế treo biển “Cấm hút thuốc” trong phòng khám bệnh, phòng làm việc, hành lang…

          Được biết đây là một phần trong kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá của ngành Y tế được Sở Y tế Hà Nội đưa ra và yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện để đạt được chỉ tiêu đến hết năm 2014, tất cả cơ sở y tế trong ngành xây dựng và đạt danh hiệu “Cơ sở y tế không khói thuốc”. Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu 100% căng tin trong khuôn viên bệnh viện không bán thuốc lá; 100% các đơn vị đưa nội dung không hút thuốc lá trong cơ quan, đơn vị vào tiêu chí thi đua của khoa phòng, cá nhân, đơn vị.

          Nhằm thực hiện kế hoạch trên, Sở Y tế Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế đã tổ chức cho các đơn vị ký cam kết thực hiện “Cơ sở y tế không khói thuốc”. Ngành Y tế sẽ áp dụng biện pháp phạt cơ sở y tế và cá nhân vi phạm quy định cấm hút thuốc theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với công tác tuyên truyền cho cán bộ y tế, người lao động trong ngành thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong các cơ sở y tế, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm nhằm từng bước và tiến tới chấm dứt việc hút thuốc lá trong công sở, bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn.

 

11. Gia tăng bệnh gan nhiễm mỡ vì uống rượu bia:

 

          Tỷ lệ người bị bệnh gan nhiễm mỡ đang chiếm khoảng 2,8 - 24% dân số thế giới. Đáng báo động, căn bệnh trọng này gặp ở cả người trẻ, người gầy, người thuộc lứa tuổi trung niên và luôn có xu hướng gia tăng cùng với sự gia tăng người bị béo phì, mỡ máu, tiểu đường typ 2. Nếu không điều trị kịp thời, 50% người bệnh gan nhiễm mỡ do rượu sẽ bị xơ hóa, 15% số này tiến triển thành xơ gan và 4% có nguy cơ mắc ung thư gan.

          Theo PGS- TS Nguyễn Thúy Vinh, Giám đốc Trung tâm tiêu hóa Bệnh viện E Hà Nội, người bệnh bị viêm xơ gan do rượu luôn chiếm quá nửa tổng số bệnh nhân nằm tại Khoa Gan Mật của viện: “Trước đây, bệnh xơ gan do rượu thường gặp ở những người có tuổi, nay độ tuổi đang trẻ dần. Có những người bệnh 50 tuổi đã bị xơ gan. Lúc đầu, họ chỉ uống rượu khi đi tiếp khách, nhưng sau đó nghiện lúc nào không biết, uống thường xuyên và dẫn đến xơ gan”. Đáng lo ngại là xơ gan không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ điều trị triệu chứng, bởi lá gan đã xơ, không còn tác dụng lọc, thải độc cho cơ thể. Chỉ khi được thay gan thì bệnh mới khỏi triệt để. Nếu đã có những dấu hiệu tăng men gan, gan nhiễm mỡ mà vẫn duy trì thói quen sinh hoạt, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ béo, nhiều nội tạng động vật thì nguy cơ này càng nâng lên, dần dẫn đến viêm gan, xơ gan vì bia rượu. Ngoài ra, người bệnh khám và điều trị do mắc các bệnh lý đường tiêu hóa cũng tăng nhanh. Tại Bệnh viện E, mỗi ngày thường xuyên có 140-150 người có vấn đề về đường tiêu hóa phải điều trị nội trú. Các yếu tố xã hội như: stress, ăn uống thất thường, ăn nhiều chất béo, ít vận động, thiếu ngủ tác động rất nhiều đến bệnh lý như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư hệ tiêu hóa (dạ dày, đại tràng), nhất là bệnh lý trào ngược dạ dày đang tăng rất nhanh. Khoảng 5-10% người đến điều trị bệnh này là công chức và có liên quan đến các áp lực trong cuộc sống lẫn bia rượu...

          PGS- TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều người quan niệm, uống bia không hại như rượu, nên dù bị gan nhiễm mỡ, men gan tăng những vẫn hồn nhiên uống bia vì không cưỡng được sự hấp dẫn của cốc bia mát lạnh. Ngược lại, dù nồng độ cồn thấp, nhưng lượng bia uống vào thường nhiều hơn rượu, nên “cộng dồn” một chầu bia cũng không khác gì một bữa uống rượu “tới bến”. Trên thế giới, các nước dùng “đơn vị rượu” là một đơn vị đo lường dùng quy đổi các loại rượu bia với nhiều nồng độ khác nhau. “Đơn vị rượu” thường có từ 8 đến 14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương 270ml bia, hoặc một chén rượu vang 125ml, hay một chén rượu mạnh 25ml. Theo đó, với nam giới không nên uống quá ba đơn vị rượu/ngày, tương đương là không quá 800ml bia mỗi ngày (không quá hai cốc bia hơi), không quá ba chén rượu mạnh, và không quá 375ml rượu vang... đối với nam. Còn với nữ giới, không nên uống quá hai đơn vị rượu/ngày.

          Các chuyên gia y tế cảnh báo,  vì sức khỏe, vì tính mạng bản thân, mọi người nên uống rượu bia ở lượng vừa đủ và lưu ý sử dụng các nhãn hiệu có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm.

 

12. Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng: Phẫu thuật thành công ca ung thư di căn hiếm gặp

 

            Ngày 4/6, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cho biết, vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật ung thư tuyến giáp di căn cho một bệnh nhân quê ở Phú Yên.

            Được biết,  bệnh nhân Nguyễn Thị T. (49 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị bướu giáp (bưới cổ) với các biểu hiện như: bướu ngày càng lớn, gây khàn tiếng, khó nuốt, khó thở... Trước đó, chị T. đã thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện địa phương nhưng không khỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp lan rộng khoang cạnh hầu, xâm lấn thanh quản, thực quản, khí quản và di căn hạch cổ bên... Vì thế, việc phẫu thuật  sẽ khó khăn do bướu đã lan rộng vào khoang cạnh hầu và thanh thực quản.

            Sau gần sáu giờ phẫu thuật, kíp mổ của bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hòa đã thực hiện thành công ca mổ, cắt toàn bộ thùy phải và khối tái phát, bốc tách bướu được khỏi hầu, thực quản và thanh quản, khí quản và nạo hạch cổ hai bên. Hiện sức khỏe bệnh nhân đang dần hồi phục, đã nói chuyện được, không khó thở, nuốt được. Bệnh nhân sẽ xạ trị.

 

II. TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI:

1.Mỹ: Phát hiện hoạt tính trong trà xanh ngăn ngừa ung thư

Các nhà khoa học Mỹ tại Viện Nghiên cứu Y sinh Los Angeles đã phát hiện một hoạt tính trong trà xanh có thể làm gián đoạn sự trao đổi chất của các tế bào ung thư tụy. Phát hiện này được xem là cách giải thích mở ra định hướng mới trong nghiên cứu ngăn ngừa ung thư.

Trong công trình vừa được công bố trên tạp chí Metabolomics, TS. Wai-Nang Lee và cộng sự phát hiện một tác nhân sinh học có trong trà xanh được gọi là epigallocatechin gallate (EGCG) có thể làm thay đổi sự trao đổi chất của tế bào ung thư tụy bằng cách trấn áp sự biểu hiện của lactate dehydrogenate A (LDGA) - một enzyme có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của bệnh ung thư. Sự trao đổi chất là tất cả phản ứng hóa học xảy ra trong tế bào, giúp tế bào lành cũng như tế bào ung thư tồn tại và sinh sôi.

Một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy việc uống trà xanh có thể kéo giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa ở phụ nữ hoặc việc tiêm EGCG trực tiếp vào khối u ung thư có thể khiến độ lớn của khối u co lại 2/3 hay biến mất trong vòng 1 tháng nhưng chưa giải thích lý do.

2.Báo cáo y tế toàn cầu năm 2014: Hơn 92% ca tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh là ở nước nghèo

 

            Theo Báo cáo y tế toàn cầu năm 2014 được đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Liên đoàn Hộ sinh quốc tế (ICM) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 3/6 tại Prague (Cộng hòa Séc), có hơn 92% các ca tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh trên thế giới xảy ra tại 73 quốc gia nghèo nhất thế giới. Tỷ lệ bác sỹ, y tá và nữ hộ sinh tại các nước này chỉ chiếm hai phần năm so với phần thế giới còn lại. Trong khi đó các nữ hộ sinh có thể ngăn chặn có hiệu quả các ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Báo cáo này cũng cho thấy, 96% ca tử vong ở sản phụ và 93% ca tử vong ở trẻ sơ sinh xảy ra tại 73 quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. và có tới 91% trường hợp thai chết lưu xảy ra ở các nước này. Từ năm 1990 đến nay số ca tử vong ở sản phụ tại 73 nước nói trên chỉ giảm 3% và số ca tử vong ở trẻ sơ sinh giảm 1,9%.

          Hãng tin CTK dẫn nguồn từ ICM cho biết, đào tạo các nữ hộ sinh được coi là sự đầu tư rất hiệu quả nhằm làm giảm số ca tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh. Tại Bangladesh,  500 nữ hộ sinh được đào tạo tốt trong 3 thập kỷ đã làm giảm 80% số ca tử vong ở sản phụ và 3/4 số ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Như vậy là việc đào tạo nữ hộ sinh ở nước này đã cứu được hơn 36.000 sinh mạng.

          UNFPA, ICM và WHO khuyến cáo các nước nên đầu tư vào việc cung cấp thiết bị, vật tư y tế, nâng cao trình độ của các nữ hộ sinh và giáo dục.

 

3. Sáu trẻ em Mỹ tử vong do sử dụng ghế ngủ Nap Nanny

 

          Ngày 3/6, tờ ABCNews đưa tin về trường hợp thứ 6 tử vong do sử dụng chiếc ghế ngủ Nap Nanny. Theo Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), bé gái 8 tháng tuổi đến từ New Jersey (Mỹ) đã tử vong do đai an toàn của chiếc ghế ngủ thắt quá chặt, khiến bé bị mắc kẹt và chết ngạt. Hiện tại Mỹ đã có 6 trẻ nhỏ tử vong do sử dụng ghế ngủ Nap Nanny.

          Giám đốc CPSC, ông Scott Wolfson khuyến cáo các bậc phụ huynh nên ngừng sử dụng các sản phẩm ghế ngủ, đặc biệt là các sản phẩm được rao bán online. Ông Wolfson nói: "Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Dừng sử dụng sản phẩm đó. Nó thực sự nguy hiểm. Đã có 6 trường hợp trẻ nhỏ tử vong và chúng tôi không muốn những đứa trẻ khác phải chết oan uổng".

        Từ năm 2009 đến năm 2012, khoảng 165.000 ghế ngủ đã được tiêu thụ trên thị trường. Trước đó, vào năm 2013, một sản phẩm ghế ngủ có tên Nap Nannies cũng đã bị thu hồi và cấm bán. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, các sản phẩm vẫn trôi nổi trên thị trường. Trong một tuyên bố mới nhất, một quan chức từng làm việc cho công ty chuyên cung cấp ghế ngủ cho trẻ em cho biết ông rất đau lòng khi các vụ tai nạn xảy ra với các gia đình.  Mặc dù đã có tới 6 trường hợp tử vong khi sử dụng ghế ngủ nhưng công ty sản xuất ghế ngủ Nap Nanny vẫn quyết định không thu hồi sản phẩm.

 

4. Australia: Xuất hiện virus mới gây tử vong ở trẻ sơ sinh

           

            Ngày 4/6, truyền thông Australia đưa tin sự bùng phát một loại virus mới  (có tên gọi parechovirus) làm trẻ em nước này tử vong đang khiến giới chức y tế quan ngoại.

            Các chuyên gia y tế nước này cho biết, trẻ bị nhiễm parechovirus thường có triệu chứng sốt, khó chịu, phát ban và tiêu chảy, tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh, virus có thể dẫn đến bệnh viêm gan hoặc viêm não và gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện có 46 trẻ được xác nhận dương tính với việc nhiễm parechovirus.

            Theo Giáo sư Theo Sloots- Giám đốc Viện nghiên cứu y khoa về các bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện nhi Queensland, loại virus mới gây ảnh hưởng đến não trẻ nhỏ và có thể dẫn đến tử vong. Đối với trẻ sơ sinh, virus có thể gây nhiễm trùng trong hệ thần kinh trung ương, dẫn đến sự tổn thương về lâu dài đối với các tế bào thần kinh. Hiện vẫn chưa biết được những ảnh hưởng về lâu dài bởi đây là chủng virus mới được phát hiện.

Hiện, virus này vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh và đang lây lan từ người sang người qua tiếp xúc thông thường. Vệ sinh sạch sẽ là cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả nhất, do đó các bậc phụ huynh được khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên và che mũi miệng mỗi khi ho hoặc hắt hơi.


Thăm dò ý kiến