Điểm tin ngày 23-25/9/2014

24/09/2014 | 02:54 AM

 | 

I.              TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

 

  1. Bộ trưởng Y tế tham dự phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về Dân số và Phát triển

Phiên họp đặc biệt được Đại hội đồng Liên Hợp quốc tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, đánh giá 20 năm thực hiện Chương trình hành động về cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc bảo vệ quyền con người, đầu tư vào y tế và giáo dục, thúc đẩy cân bằng giới tính, trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo tiếp cận đối với sức khoẻ sinh sản... Đây được coi là vấn đề trọng tâm trong nỗ lực mở rộng cơ hội đối với tất cả mọi người và cũng là nhân tố thiết yếu đối với phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham dự phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về Dân số và Phát triển diễn ra sáng ngày 23/9 tại New York, Mỹ. Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ, kết quả đáng kể thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển. Thực trạng sức khỏe của người dân đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ sinh giảm đáng kể và mức sinh thay thế đã được duy trì 1cách hợp lý. Trong giai đoạn 1990-2010, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm gần 75%, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 50% góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước trên Thế giới có thể đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong 2 lĩnh vực này vào năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam hiện đang đối mặt với một số vấn đề như già hóa dân số và mất cân bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa vùng đồng bằng và miền núi; đặc biệt, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. “Quan niệm của người miền Bắc và Bắc Trung bộ là phải có con trai để nối dõi tông đường, hoặc để gánh vác việc đồng áng rất khó có thể thay đổi một sớm một chiều, mà cần phải có tác động của công tác truyền thông giáo dục. Bộ Y tế cũng đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ra Nghị quyết về vấn đề này. Đây là thách thức mà một mình Bộ Y tế không thể giải quyết được mà cần phải có sự tham gia của các thành phần trong xã hội”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.   

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm tới, Việt Nam sẽ tập trung vào Chương trình phát triển bền vững, bao gồm phát triển các chính sách và luật pháp phù hợp để đối phó với tình trạng già hoá dân số, di cư và đô thị hóa, mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng cường năng lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe để bảo đảm sự tiếp cận phổ cập sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, cải thiện chất lượng dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thân thiện với giới trẻ, trong đó có việc lồng ghép giáo dục tình dục toàn diện vào chương trình học tập.

 

2. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tăng cường phòng, chống cúm H5N6                                            

Trước tình hình virus cúm A (H5N6) được phát hiện ở gia cầm tại một số tỉnh khu vực phía Bắc và việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng các sản phẩm gia cầm có thể làm tăng nguy cơ dịch cúm gia cầm tại Việt Nam, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn. Theo chỉ đạo, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch vào Việt Nam.

Hiện nay, ngoài giám sát dịch bệnh do virus Ebola, Mer-CoV đối với các hành khách di chuyển từ các quốc gia đang có dịch, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế sẽ sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để tổ chức khám, cách ly, lấy mẫu và xử lý y tế theo quy định. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện ca bệnh; Đồng thời phối hợp với ngành Nông nghiệp và Chi cục Thú y phát hiện sớm các ổ dịch trên gia cầm, xử lý kịp thời tránh để lây bệnh sang người.

Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do virus, đặc biệt là các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng virus độc lực cao. Đồng thời, các cơ sở điều trị phải có kế hoạch triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngành Y tế cũng đặc biệt lưu ý người dân cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi giết mổ gia cầm và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm.

  1. Hà Nội: Bác sĩ bị đánh giập xương gò má khi đang cấp cứu bệnh nhân         

Khoảng 22 giờ khuya 20-9, tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), một người đàn ông đã xông vào hành hung  bác sĩ trực cấp cứu, làm bác sĩ này bị giập xương gò má. Thời điểm trên, bệnh nhân Nguyễn Gia Huy (4 tuổi, ngụ Q.Hai Bà Trưng) được người nhà đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng bị sưng nề vùng trán. Lúc này bác sỹ trực cấp cứu ngoại là Phạm Thanh Tùng đã tiến hành thăm khám cho cháu bé.

Người nhà cho biết cháu bé bị ngã từ trên giường đập đầu xuống nền cứng. Lúc thăm khám cháu bé tỉnh, sưng nề vùng trán, không chảy máu, sờ không thấy lún sọ. Sau đó, bác sỹ Tùng đã giải thích với gia đình bệnh nhân cần theo dõi cháu tại Khoa Cấp cứu và đã cho chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não theo nguyện vọng của gia đình, tuy nhiên nhiều người nhà cháu bé có những lời lẽ thô tục. Bác sỹ Tùng đã gọi điện thoại liên hệ với phòng chụp của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội để chụp cho cháu bé và thông báo cho gia đình cháu chuẩn bị kinh phí phải nộp; đồng thời cử một điều dưỡng hỗ trợ cháu bé đi chụp tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Tuy nhiên, do cháu bé sợ hãi không chịu chụp phim nên người nhà đã được giải thích quay trở lại Bệnh viện Thanh Nhàn theo dõi thêm. Nhưng người nhà đã bế cháu bé đi không quay trở lại Bệnh viện Thanh Nhàn.

 

Đến khoảng 22 giờ 30cùng ngày, một người đàn ông khoảng 35 tuổi bất ngờ lao vào chửi và đấm liên tục vào mặt bác sỹ Tùng ngay trong Phòng khám cấp cứu ngoại khi bác sỹ Tùng đang khám cho bệnh nhân cấp cứu. Những người xung quanh can ngăn nên đối tượng đã bỏ đi. Bác sỹ Tùng đã được đưa đi chụp phim, kết quả chụp phim cho thấy bác sỹ Tùng đã bị đánh giập xương gò má, mặt bị sưng nề, nói khó, phải tiếp đồ ăn qua ống hút.

Vụ việc đã được báo cáo lên cơ quan công an để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm kẻ có hành vi côn đồ.

12. Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm vụ hành hung bác sỹ tại Bệnh viện Thanh Nhàn

 

Ngày 23/9, Bộ Y tế có công văn số 6627/VPB1 gửi Công an thành phố Hà Nội đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm việc hành hung bác sỹ tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Như các báo đã đưa tin trước đó, đêm 20/9, bác sỹ Phạm Thanh Tùng, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) khi đang làm nhiệm vụ trong ca trực đã bị người nhà bệnh nhân xông vào hành hung làm gãy xương hàm trái. Không chỉ trọng thương, nạn nhân hiện đang rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Bác sỹ Phạm Thanh Tùng là bác sỹ trực cấp cứu ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Trước thông tin trên, Bộ Y tế đề nghị Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin, xử lý nghiêm các đối tượng đã gây ra vụ việc trên để đảm bảo môi trường an toàn cho cán bộ y tế phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Bệnh viện Thanh Nhàn nói riêng và tại các bệnh viện trên cả nước nói chung.

4. Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Họp báo tuyên truyền về chiến dịch mất cân bằng giới tính tại Việt Nam

Sáng ngày 23/9, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ), Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức buổi họp báo tuyên truyền về chiến dịch mất cân bằng giới tính tại Việt Nam.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, nơi mà tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ 106 bé trai/100 bé gái năm 2.000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Trong mấy thập kỷ tỷ lệ nữ chiếm khoảng 53-52%, nam giới 47-48% và được duy trì khá ổn định. Nhưng trong 14 năm qua, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng mạnh. Nếu vấn đề này không được giải quyết hiệu quả thì chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ dư thừa 2,3-4,3 triệu nam thanh niên. Những người làm công tác dân số có lúc giật mình khi đi kiểm tra một số xã ở đồng bằng sông Hồng, có xã lên đến gần 150 trẻ trai/100 trẻ gái lúc ra đời. Mất cân bằng giới tính khi sinh lộ quá rõ. Vấn đề này gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội nếu không được giải quyết sớm và triệt để. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật có thể giúp biết giới tính thai nhi. Nhưng đây không phải là lý do chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới. Bằng chứng là khoa học kỹ thuật ở miền Nam phát triển không kém miền Bắc, thậm chí một số mặt còn vượt hơn, nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu ở miền Bắc, đặc biệt là ở đồng bằng sông Hồng. Người miền Nam quan niệm con nào cũng là con, miễn khỏe mạnh, người miền Bắc lại thích con trai.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, những biện pháp nhằm giảm sự gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai thời gian vừa qua đáng được ghi nhận, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thật tốt. Biện pháp can thiệp mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... và tính khả thi không cao. Và biện pháp căn cơ và hữu ích nhất vẫn là thay đổi tư tưởng của người dân về vấn đề này.

Theo ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam: “Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội. Do đó, giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng, mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em”. Ông Arthur Erken nhấn mạnh, thách thức của Việt Nam là làm sao thực hiện nghiêm việc cấm lựa chọn giới tính khi sinh và phá thai vì lựa chọn giới tính. Việc giám sát các phòng khám, bệnh viện hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Dù cán bộ y tế không được phép tiết lộ giới tính khi sinh, phá thai lựa chọn giới tính nhưng thực tế điều này chưa thực hiện được một cách đầy đủ.

5. Bộ Y tế khởi động chiến dịch truyền thông chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhân ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, Bộ Y tế sẽ khởi động chiến dịch truyền thông chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh. Chiến dịch gồm một chuỗi sự kiện như hội thảo, tọa đàm, diễu hành tại TP. Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, cũng như kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan cùng chung tay để chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh – một trong các hình thức đối xử phân biệt.

Thông điệp chính của Chiến dịch là: Phân biệt đối xử với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái của xã hội, là sự vi phạm nhân quyền, cần phải được chấm dứt. Bé gái cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

6. Cục Quản lý dược xác minh nguồn gốc một số loại thuốc nhập khẩu của Công ty VN Pharma

 

Trước tội danh buôn lậu thuốc của ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Pharma cùng khối lượng thuốc khổng lồ trúng thầu với giá siêu rẻ tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đang xác minh nguồn gốc thuốc tại các đơn vị cung cấp cho VN Pharma để làm sáng tỏ có “mờ ám” tại công ty này hay không.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Minh Hùng đã lấy pháp nhân Công ty VN Pharma liên kết với một số đối tượng nhập khẩu số lượng lớn thuốc không rõ nguồn gốc. Vào tháng 5/2014, Pharma đã trúng thầu 46 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới hơn 267,8 tỉ đồng vào gói thầu thuốc của Sở Y tế TP. HCM. Không chỉ có vậy, cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Minh Hùng còn là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (Nam Anh) và công ty này cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc cho Sở Y tế TP.HCM trị giá hơn 208,4 tỉ đồng. Như vậy, 2 công ty nói trên đã trúng thầu cung ứng thuốc cho Sở Y tế TP. HCM 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng.

            Đặc biệt trong danh sách các loại thuốc trúng thầu của 2 công ty này có rất nhiều loại thuốc có giá thầu siêu rẻ. Chẳng hạn như thuốc H-Capita caplet 500mg (chỉ định điều trị các bệnh ung thư vú, dạ dày và đại trực tràng), giá thuốc Sở Y tế mới thầu là 66.000 đồng/viên, nhưng đơn vị trúng thầu (LD Cty Nam Anh - Pharbaco) với giá 31.000 đồng/viên; thuốc kháng sinh dạng tiêm Vancomycin 1gr có giá đề nghị là 147.000 đồng/lọ thì Pharma lại đưa ra giá thầu rẻ hơn khi chỉ còn 110.000 đồng/lọ.

 

Với gói trúng thầu lớn trong khi Pharma không đủ khả năng sản xuất mà phải đi lấy thuốc từ các công ty khác khiến nhiều người đặt nghi ngại có nhiều “khuất tất” trong việc này. Hiện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đang xác minh nguồn gốc một số loại thuốc nhập khẩu của Công ty VN Pharma. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra, Bộ Công an cũng đang làm rõ hành vi giả mạo hồ sơ thuốc khi đấu thầu thuốc vào bệnh viện của VN Pharma.

 

7. Bệnh viện Bạch Mai: Cấp cứu một người đàn ông bị cào sắt găm thẳng vào đầu

Do mâu thuẫn trong lúc nhậu, một người đàn ông ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã bị bạn dùng cào sắt bổ thẳng vào đầu. Nạn nhân sống sót thần kỳ với chiếc cào găm trên đầu.

Vụ việc kinh hoàng xảy ra tại xóm 3, xã Phù Lưu. Nạn nhân là anh Thái Văn Tú, SN 1979. Người dùng cào sắt đánh anh Tú là một người tên Thắng, sinh năm 1976. Nạn nhân đang được chuyển lên xe cứu thương chuẩn bị đưa ra Hà Nội cấp cứu trong tình trạng bị một chiếc cào có nhiều thanh sắt đang găm sâu vào đầu. Theo lời kể của vợ anh Tú, khoảng 18h chiều 22/9, anh Tú và Thắng cùng uống rượu với nhau. Do chấp nhau câu nói, cả hai lớn tiếng lao vào đánh nhau. Đang vật lộn giữa sân, Thắng dứt ra lao vào nhà dân lấy được chiếc cào sắt tấn công anh Tú. Do không kịp tránh, anh Tú đã bị Thắng bổ thẳng cào vào đầu. Cú đánh rất mạnh làm cán cào gãy, chiếc cào có nhiều móc sắt găm sâu vào đầu nạn nhân. Quá sợ hãi, người dân đã gọi xe cứu thương đưa anh Tú lên Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu, đồng thời trình báo Công an huyện Lộc Hà. Một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho hay, nạn nhân bị chấn thương sọ não nặng. Do chưa đủ khả năng can thiệp phẫu thuật nên phía bệnh viện đã tiến hành sơ cứu, làm thủ tục chuyển thẳng bệnh nhân ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Ngay trong đêm qua, Công an huyện Lộc Hà cũng đã tiếp cận các đối tượng liên quan, lấy lời khai làm rõ nguyên nhân vụ việc.

8. Hà Nội: trong 1 tuần có hơn 4.000 ca đau mắt đỏ

Chỉ trong vòng 7 ngày, đã có hơn 4.000 trường hợp đau mắt đỏ. Sở Y tế Hà Nội đánh giá, bệnh tiếp tục tăng do thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa và bệnh rất dễ lây lan

Chiều ngày 22/9, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo về dịch bệnh đau mắt đỏ, cho thấy dịch bệnh có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, nếu như tính từ đầu vụ dịch đến ngày 14/9, trên địa bàn ghi nhận hơn 1.870 ca đau mắt đỏ thì chỉ trong một tuần (15-21/9), số ca đau mắt đỏ đã là hơn 4.000 trường hợp, với số mắc rải rác tại các quận, huyện, thị xã. Chắc chắn, số bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng lên do thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều, độ ẩm tăng tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút Adenovirus phát triển và gây bệnh. Để đối phó với dịch bệnh này, Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm kết mạc cấp, tập trung vào việc hướng dẫn vệ sinh và phòng, chống bệnh trong trường học và tại cộng đồng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện thực hiện rà soát, thống kê chính xác số lượng bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời ổ dịch; đồng thời báo cáo ngay về Sở nếu bệnh nhân gia tăng.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ vẫn tiếp tục gia tăng. Theo BS Hoàng Cương, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân.

 

9. Bệnh viện Đại học Y dược Huế: Lần đầu tiên điều trị thành công ung thư dạ dày bằng nội soi

 

Ngày 23/9, PGS.TS Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nội soi Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học (ĐH) Y dược Huế cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công ca ung thư dạ dày sớm qua nội soi không cần phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Huy, kỹ thuật nội soi có thể chẩn đoán khối u từ lúc còn khu trú ở lớp niêm mạc. Các bệnh nhân được sàng lọc bằng các kỹ thuật nội soi hiện đại (qua đường mũi) không gây đau đớn, không khó chịu. Việc phát hiện ung thư dạ dày sớm và được cắt bỏ khối u bằng kỹ thuật nội soi sẽ giúp bệnh nhân gần như được điều trị tiệt các di căn, sức khỏe hồi phục bình thường. Bằng phương pháp này, các bác sĩ có thể bóc tách toàn bộ khối u qua đường nội soi mà không phải mổ cắt dạ dày như trước đây. Đây được xem là cách điều trị tiệt căn cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ cần nằm bệnh viện ba ngày. Ông Huy cho biết thêm, việc nội soi trên sẽ kéo dài tuổi thọ của người bị ung thư vài chục năm. Chi phí điều trị cho mỗi trường hợp bị ung thư dạ dày gần 60 triệu đồng (nếu có bảo hiểm, chi phí này giảm xuống khoảng 5 triệu đồng). Được biết các thiết bị máy móc và kỹ thuật này được sự hỗ trợ từ ĐH Nagoya (Nhật Bản).

10. Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc: Điều trị hiếm muộn tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam

 

Ngày 19/9 vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (Bình Dương) đã chính thức ký kết biên bản hợp tác với S.ART về chuyển giao & phát triển kỹ thuật và dịch vụ trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn.

Thái Lan là quốc gia điều trị hiếm muộn hàng đầu Châu Á, trong đó Superior A.R.T (S.ART) được biết đến là Bệnh viện điều trị hiếm muộn hàng đầu Thái Lan và khu vực. Ngày 19/9 vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc đã chính thức ký kết biên bản hợp tác với S.ART về chuyển giao & phát triển kỹ thuật và dịch vụ trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn. Điều này có nghĩa là từ nay, ngay tại Việt Nam, bệnh nhân sẽ có cơ hội điều trị hiếm muộn với dịch vụ và chất lượng quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn rất nhiều.

Nhân dịp này, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cũng công bố trong tháng 7/2014 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Hạnh Phúc vừa trở thành trung tâm đầu tiên tại Việt Nam được trao bằng Công nhận quốc tế RTAC. Đây là một minh chứng cho việc đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong cơ sở vật chất, công nghệ và tiêu chuẩn dịch vụ của Hạnh Phúc.

Superior A.R.T sở hữu kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ưu việt và công nghệ kiểm tra sức khỏe di truyền của phôi nang, có thể mang tới cho bệnh nhân cơ hội tốt nhất để thụ thai thành công. Kỹ thuật giám định này của Genea đã được quốc tế công nhận. Genea, hay trước đây là Sydney IVF được xem là một trong những trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn nhất tại Úc với hơn 15.000 chu kỳ sinh sản mỗi năm. Trong suốt hơn 25 năm hoạt động, Genea luôn là đơn vị tiên phong tại Úc trong lĩnh vực điều trị vô sinh. Nhờ vào việc liên tục phát triển kỹ thuật và công nghệ, Genea đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt với tỉ lệ thai sống cao hơn 40% so các phòng khám khác. Không chỉ dừng lại ở Úc, hiện nay Genea đã mang dịch vụ này đến nhiều quốc gia trên thế giới. Sự liên kết giữa Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc – Genea – Superior A.R.T. chính là việc nhân rộng những thành công từ Genea tại Úc, Superior A.R.T tại Thái Lan đến Hạnh Phúc tại Việt Nam.

11. Bệnh viện quận Thủ Đức khánh thành tòa nhà 8 tầng

Sáng ngày 23-9, Bệnh viện quận Thủ Đức đã tổ chức khánh thành công trình nâng cấp và mở rộng với một tòa nhà 8 tầng, tổng diện tích sàn 5.813 mét vuông; có 43 phòng lưu bệnh gồm 180 giường và các phòng chức năng.

Công trình nâng cấp, mở rộng bệnh viện được thực hiện từ tháng 5/2013 với tổng vốn đầu tư hơn 75,6 tỉ đồng, nhằm mở rộng khu điều trị nội trú, đáp ứng nhu cầu sắp xếp, bố trí các khoa phòng, đảm bảo thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh của bệnh viện, đủ trang thiết bị y tế cho các tuyến theo qui định của Bộ Y tế; nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn quận Thủ Đức và các vùng lân cận.

Được thành lập từ năm 2007, đến nay Bệnh viện quận Thủ Đức đã có nhiều chuyên khoa mạnh như chuyên khoa ngoại thần kinh: phẫu thuật chấn thương sọ não, bướu não; phẫu thuật các chấn thương gãy cột sống, bệnh lý thoát vị đĩa đệm; chuyên khoa tai mũi họng: chẩn đoán và điều trị tất cả các bệnh lý tai mũi họng với kỹ thuật hiện cao hiện đại (tất cả các bệnh lý tai mũi họng tuyến Trung ương và thành phố); phẫu thuật nội soi: các bệnh lý về khớp, các bệnh lý sản phụ khoa, bệnh lý ngoại tổng quát, bệnh lý thận, niệu, tuyến tiền liệt...

            13. Phối hợp liên ngành chuẩn bị chu đáo cho đợt tiêm chủng mở rộng

Thực hiện Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 4/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012-2015 về việc triển khai vắc-xin MR trong tiêm chủng mở rộng (TCMR); Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 17/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella trong chương trình TCMR năm 2014-2015, đến nay các hoạt động đã được triển khai mạnh mẽ với sự chuẩn bị đầy đủ của Bộ Y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan.

Cụ thể, ngành Giáo dục triển khai các hoạt động tuyên truyền cho học sinh, giáo viên và phụ huynh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vắc-xin MR để huy động sự tham gia tích cực của nhà trường, gia đình và học sinh; Phối hợp với ngành Y tế thống kê, lập danh sách đối tượng tiêm chủng tại trường học và tổ chức các điểm tiêm chủng trong trường học. Bộ Quốc phòng triển khai tuyên truyền, vận động người dân tại khu vực đóng quân, tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người để người dân tin tưởng, tích cực đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ. Triển khai các hoạt động tiêm chủng, hỗ trợ nhân lực và các hoạt động chuyên môn cho những vùng khó khăn về y tế. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương và ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn thể, hội viên tham gia tiêm phòng, đặc biệt là các bà mẹ, gia đình có con em từ 1-14 tuổi đi tiêm chủng đầy đủ. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện thông tin tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của tiêm phòng sởi-rubella để huy động sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng. Ủy ban nhân dân các địa phương trực tiếp chỉ đạo toàn diện về chiến dịch, huy động các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội có liên quan tại địa phương tham gia chiến dịch. Bố trí đầy đủ và kịp thời kinh phí, nhân lực, trang thiết bị của địa phương cho chiến dịch tiêm vắc-xin mở rộng. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin cơ sở về chiến dịch để người dân hiểu, tích cực, chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh việc chuẩn bị về trang thiết bị, đội ngũ nhân viên y tế cũng phải bảo đảm năng lực, trình độ trong các khâu tiêm chủng, khám và sàng lọc. Bộ Y tế đã tập huấn công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế tất cả các tỉnh, thành phố. Bộ cũng sẽ tập huấn cho ngành Giáo dục để cùng triển khai, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chuyên ngành; nơi nào chuẩn bị tốt mới tiến hành tiêm chủng, không làm một cách ồ ạt. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên từ khi triển khai chiến dịch (15/9) đến 18/9, đã có 28.174 trẻ được tiêm và không ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm.

14. TP.HCM: Bệnh viện quận Thủ Đức thêm 180 giường nội trú mới

Ngày 23/9, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP. HCM) đã đưa vào sử dụng công trình xây dựng nâng cấp và mở rộng bệnh viện giai đoạn 2. Theo đó, công trình này được đầu tư trên 75 tỉ đồng bằng vốn ngân sách, tổng diện tích xây dựng hơn 5.800 m2 với 180 giường nội trú, nâng tổng số giường kế hoạch được giao cho bệnh viện là 500 giường.

BS. Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức cho biết, mỗi ngày có khoảng 3.500 lượt bệnh nhân đến khám. Số giường bệnh thực kê nội trú là trên 700 giường. Việc đưa vào sử dụng khu nội trú mới giúp giảm tải cho khu cũ. Mặc dù là bệnh viện quận nhưng do đã làm được những kỹ thuật cao về chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, phẫu thuật nội soi… nên được Sở Y tế đề nghị UBND TP nâng lên bệnh viện hạng 1 (hiện là bệnh viện hạng 2). Hiện Sở Y tế TP cũng đang xem xét triển khai kỹ thuật cho bệnh viện này mổ tim.

15. Bộ Y tế: Không chi trả tiền mặt với người hiến máu tình nguyện

Ngày 23/9, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã có công văn yêu cầu các bệnh viện và các Sở Y tế, các Trung tâm Truyền máu, cơ sở tiếp nhận hiến máu không chi trả tiền mặt với người hiến máu tình nguyện.

Công văn yêu cầu: Chăm sóc tốt người hiến máu, bảo đảm cho người hiến máu được bồi dưỡng sau hiến máu theo mức quy định; cải thiện điều kiện tại điểm hiến máu thoáng mát, hợp lý, đặc biệt lưu ý khi tổ chức hiến máu trong khi thời tiết nóng bức; trao quà tặng cho người hiến máu tình nguyện, không được dùng tiền mặt khi thực hiện việc chi trả chế độ đối với người hiến máu tình nguyện; bồi hoàn máu cho người hiến máu khi họ mắc bệnh, tai nạn, chấn thương cần truyền máu theo quy định. Các cơ sở y tế phải đảm bảo truyền máu an toàn, chất lượng, phát hiện, xử trí kịp thời và điều trị các tai biến truyền máu có liên quan đến truyền máu.

16. Đồng Nai: Bệnh viện Định Quán cứu sống bệnh nhân đa chấn thương

Sau khi được các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, tỉnh Đồng Nai phẫu thuật, chiều 24/9, sức khỏe của bệnh nhân Phạm Thị Thái Thanh, sinh năm 1982, xã Gia Tân, huyện Thống Nhất, đã ổn định, các thông số sinh tồn của bệnh nhân trở lại bình thường.

Bác sỹ Tạ Quang Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cho biết, chiều 22/9 vừa qua, bệnh nhân Phạm Thị Thái Thanh được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương do tai nạn giao thông. Vì bị thương quá nặng nên chị Thanh rơi vào trạng thái lơ mơ, tiếp xúc chậm, da xanh, huyết áp tụt thấp, niêm mạc nhạt. Qua thăm khám, các bác sỹ nhận thấy bệnh nhân tụ máu nhiều nơi, bụng chướng, gồng cứng khắp bụng, toàn thân xây xát, gan bị vỡ, gãy nhiều xương sườn hai bên, đa chấn thương phần mềm. Chị Thanh còn có nhóm máu hiếm AB và không có thân nhân. Xác định đây là ca bệnh khó, bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch, nếu chuyển viện có thể tử vong trên đường, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện quyết định phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân. Khi mở ổ bụng, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân bị vỡ gan, vỡ lách còn bị đứt đôi tụy, gãy 8 xương sườn hai bên và chấn thương phần mềm nhiều nơi. Ca phẫu thuật thành công sau hơn 3 giờ đồng hồ, bệnh nhân được truyền 3 đơn vị máu. Với diễn tiến phục hồi sức khỏe như hiện nay, dự kiến khoảng 10 ngày nữa bệnh nhân Phạm Thị Thái Thanh sẽ xuất viện.

17. Gia Lai : Công bố kết quả kiểm nghiệm vụ 114 người ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại một đám tang khiến 114  người phải nhập viện ở tỉnh Gia Lai mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa tin, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai vừa công bố kết quả kiểm nghiệm đối với mẫu nước, mẫu thịt bò và mẫu phân của một số người bị ngộ độc trong đám tang tại làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê ngày 15/9 vừa qua.

Cụ thể, trong mẫu thịt của con bò do gia đình ông Rơ Lan Gong mua về làm thịt cho cả làng ăn, chỉ số nhiễm khuẩn E.Coli vượt giới hạn cho phép hơn 100 lần; mẫu nước giếng nhà ông Rơ Lan Gong cũng nhiễm khuẩn Coliforms vượt 100 lần so với quy chuẩn chất lượng về nước ăn uống. Đây là những loại vi khuẩn có khả năng gây tiêu chảy, thậm chí có thể gây rối loạn máu và suy thận dẫn đến tử vong. Đáng chú ý, kết quả kiểm nghiệm mẫu phân của một số người trong vụ ngộ độc tập thể này còn có cả vi khuẩn tả nguồn gốc từ hải sản; trong đám tang này không sử dụng hải sản. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai đã gửi các mẫu này đi kiểm nghiệm lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để có kết quả kết luận cuối cùng.

18. Việt Nam: Phá thai tuổi vị thành niên chiếm 20% tổng số ca phá thai

Tại Việt Nam, tỷ lệ phá thai tuổi vị thành niên chiếm tới 20% tổng số ca phá thai. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ tuổi vị thành niên sinh con ở nước ta cũng cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Đối thoại chính sách và pháp luật về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên và thanh niên diễn ra ngày 24/9 tại Hà Nội. Theo đó, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam (nhóm từ 15-19) là 46/1.000, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác ở Châu Á. Như tại Myanma tỷ lệ này 17,4, Malaysia với tỷ lệ 12 và Singapore với tỷ lệ là 5,2. Đáng nói, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên đặc biệt cao ở nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm dân cư khu vực nông thôn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do tình trạng tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn xảy ra. Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, khoảng 2% nam thanh niên và 8,5% nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15-19 từng kết hôn. Kết quả Điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần 2 năm 2009 (SAVY 2) cũng cho thấy 17% số thanh niên đã lập gia đình. Khoảng 44% thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi 14 - 25 chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc SKSS, tình dục cho nhóm tuổi này chưa được phổ biến rộng rãi. Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng cao nhất trong lứa tuổi vị thành niên và đặc biệt cao (50,4%) trong nhóm phụ nữ chưa lập gia đình nhưng có sinh hoạt tình dục. Có đến 1/3 số thanh niên và vị thành niên được phỏng vấn trong điều tra của SAVY 2 cho rằng tiếp cận với các dịch vụ SKSS/TD không dễ dàng, vì thế, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở nhóm đối tượng này vẫn xảy ra. Ước tính, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 20% tổng số ca phá thai ở Việt Nam.

19. TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm tra thực phẩm chứa dầu bẩn    

UBND TP.HCM vừa có công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra trên toàn thành phố về những sản phẩm được nhập khẩu có chứa dầu bẩn của Đài Loan. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông báo tại TP.HCM có công ty nhập khẩu sản phẩm sản xuất từ dầu bẩn của Đài Loan. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra lại không phát hiện thấy sản phẩm trên. Ngày 23/9, UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế) chủ động phối hợp với Chi cục Quản lý Thị trường, Công an thành phố, Hải quan thành phố và UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra toàn địa bàn thành phố để phát hiện kịp thời các thực phẩm có chứa dầu bẩn được nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, UBND TP cũng yêu Chi cục An toàn thực phẩm báo cáo kết quả kiểm tra trước ngày 10/10.

20. Sở Y tế TP. HCM  làm việc với VN Pharma về thuốc chữa ung thư bị nghi không rõ nguồn gốc

Lô thuốc H-Capita (chữa ung thư) mà VN Pharma nhập về đã từng bị Cục Quản lý dược niêm phong. Lô thuốc này từng bị báo chí đặt nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Sở Y tế TP.HCM đã có buổi làm việc với Công ty CP VN Pharma về việc cung ứng thuốc thuộc danh mục thuốc trúng thầu theo kết quả đấu thầu thuốc tập trung đợt 1 năm 2013-2014 vào ngày 22/9. 

Tại buổi làm việc, Sở Y tế TP. HCM đề nghị Công ty CP VN Pharma trình bày rõ một số vấn đề về sản phẩm thuốc H-Capita như báo chí đã thông tin và các giải pháp, cam kết của công ty trong việc bảo đảm cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Trước đó, một số báo đã thông tin, lô thuốc H-Capita với trị giá khoảng 750 nghìn USD được nhập về Việt Nam. Tuy nhiên giấy xác nhận về lô thuốc trên của Tham tán Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada là giả mạo. Cơ quan điều tra tình nghi việc làm giả này nhằm hợp thức hóa lô thuốc H-Capita không rõ nguồn gốc nhằm thu lợi bất chính. Theo ông Quốc, thuốc H-Capita đã được Bộ Y tế cấp quota theo chuyến. Thuốc cũng đã được Viện Kiểm nghiệm kiểm tra chất lượng và xác nhận mẫu thử đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm này vẫn chưa xuất kho viên nào do đã bị Cục Quản lý dược niêm phong. Ngày 19/9, khi khám xét, cơ quan công an đã mở niêm phong thuốc H-Capita của Cục Quản lý dược, sau đó niêm phong lại, nên sản phẩm này chắc chắn sẽ không tiếp tục được phân phối nữa. Ông Quốc nhắc lại cam kết vẫn cung ứng thuốc bình thường cho các bệnh viện, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra. Công ty cũng đã gửi công văn cho các bệnh viện để xác nhận cam kết này.

21. Công an tạm giữ hình sự đối tượng hành hung bác sỹ BV Thanh Nhàn

Chiều 24/9, Công an phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết đã tạm giữ hình sự Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1988, ở 28 ngõ chùa Liên, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để điều tra làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng. Đỗ Mạnh Tuấn là nghi phạm trong vụ hành hung bác sỹ của Bệnh viện Thanh Nhàn vào ngày 20/9.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào tối ngày 20/9, chị Đàm Thị Thu Thủy (SN 1988, ở ngõ Quỳnh, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa cháu Nguyễn Gia Huy (SN 2010) đi thăm mẹ Huy là Đàm Thị Thu Hà (SN 1990, ở ngách 36/9, chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) đang đẻ mổ tại bệnh viện. Trong lúc chơi đùa, cháu Huy bị ngã từ trên cao đập đầu xuống đất gây sưng nề vùng trán. Thủy liền đưa Huy vào cấp cứu tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn để khám thương tích, đồng thời gọi điện thoại cho bố của Huy là Nguyễn Tiến Mạnh (SN 1978) vào thăm. 

Tại bệnh viện, bác sỹ Phạm Thanh Tùng khám cho cháu Huy có giải thích và đề nghị gia đình Mạnh chuyển cháu sang Bệnh viện Ung Bướu để chụp cắt lớp vì điều kiện kỹ thuật ở Bệnh viện Ung Bướu tốt hơn. Đồng thời, bác sỹ Tùng cử điều dưỡng đi cùng gia đình đưa cháu bé đi khám. Thời điểm này, có ba thanh niên, trong đó có Đỗ Mạnh Tuấn, tự xưng là người nhà của cháu Huy, đến phòng cấp cứu Khoa Ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn to tiếng và có nhiều lời lẽ xúc phạm bác sỹ Phạm Thanh Tùng.  Đỗ Mạnh Tuấn hành hung bác sỹ Tùng trước sự chứng kiến của đông người. Do có người chung quanh can ngăn nên những đối tượng này bỏ đi. Sự việc đã được báo cáo lãnh đạo bệnh viện và cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận đối tượng này hành hung bác sỹ Phạm Thanh Tùng.

22. Sở Y tế Hà Nội buộc VN Pharma ngừng hoạt động chi nhánh Hà Nội

Sở Y tế Hà Nội ngày 24/9 cho biết đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và giấy chứng nhận đạt “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP) cấp cho Công ty cổ phần VN Pharma chi nhánh Hà Nội (số nhà 1B, ngõ B2, đường Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa).

Sở cũng yêu cầu cơ sở này không được phép tiếp tục kinh doanh thuốc kể từ ngày giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và giấy chứng nhận GDP bị thu hồi.

23. Tác hại của mỹ phẩm chứa chất cấm

Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương vừa phát hiện kem dưỡng da - ngừa mụn B2 được bán tại một nhà thuốc ở Hà Nội có chứa chất bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm.

Thông tin kem - ngừa mụn B2 của Công ty (Cty) CP mỹ phẩm Quốc Anh (215 Độc Lập, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) được bày bán tại nhà thuốc Phương Chính (169 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) qua kiểm nghiệm đã phát hiện có chứa fluocinolon acetonid là thành phần bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm như là lời cảnh tỉnh đối với chị em. Đáng lưu ý, tháng 8/2014, cơ quan chức năng  cũng đã phát hiện mỹ phẩm kem dưỡng da - chống nắng B1 của CP mỹ phẩm Quốc Anh không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn kim loại nặng thủy ngân trong mỹ phẩm.

Cục Quản lý dược đã yêu cầu đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc sau khi cơ quan kiểm nghiệm phát hiện hai sản phẩm kem có vấn đề.

Theo một chuyên gia về dược, sản phẩm kem - ngừa mụn B2 có chứa chất fluocinolon acetonid, đó là dạng corticosteroid tổng hợp dùng để bôi, trị các bệnh ngoài da như viêm da, vảy nến không được dùng trong sản xuất mỹ phẩm. Tác dụng phụ nguy hiểm của fluocinolon acetonid là có thể gây suy vỏ tuyến thượng thận ở những người dùng lượng lớn thuốc và bôi trên diện rộng, dài ngày hoặc băng kín. Nếu loại thuốc này được trộn trong mỹ phẩm B2 sẽ có thể giúp có làn da trắng, mịn, không còn mụn nhưng với sự ham làm đẹp của chị em rất có thể sẽ được sử dụng lâu dài và vô tình phá hoại nội tạng.

II.TIN Y TẾ THẾ GIỚI

1. Châu Phi: Đã có 5.428 trường hợp mắc bệnh Ebola 

 

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, dịch bệnh do vi rút Ebola tại 6 nước châu Phi tới ngày 20-9 diễn biến như sau: ghi nhận tổng cộng 5.428 trường hợp mắc bệnh Ebola, trong đó có 2.670 trường hợp tử vong.

Cụ thể Guinea: 942 trường hợp mắc, trong đó 601 trường hợp tử vong; Liberia: 2.710 trường hợp mắc, 1.459 trường hợp tử vong; Sierra Leone: 1.673 trường hợp mắc, 562 trường hợp tử vong; Nigeria: 21 trường hợp mắc, 08 trường hợp tử vong; Senegal: 01 trường hợp mắc; Cộng hòa dân chủ Công Gô: 71 trường hợp mắc, 40 trường hợp tử vong.

4.     Mỹ: Cảnh báo snack sữa gạo gây nghẹn

Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ vừa thông báo đến Bộ Y tế Việt Nam về việc snack sữa gạo kem có thể gây nghẹn.

          Ngay sau khi nhận được thông báo của Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) về việc thu hồi sản phẩm snack sữa gạo có kem của Công ty Plum Organics có thể hại cho trẻ, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhanh chóng rà soát tình hình nhập khẩu sản phẩm này tại Việt Nam từ tháng 1/2012 đến nay. Cục cho biết, chưa có các sản phẩm nói trên công bố tại Cục.

          Các sản phẩm này gồm: Baby Little Crèmes Sweet Potato Kale Apple - 8ct; Baby Little Crèmes Blackberry Acai - 8ct; Baby Little Crèmes Beet Berry Pomegranate -8ct).

5.     Số trường hợp nhiễm Ebola có thể lên đến 1,4 triệu người

Số trường hợp nhiễm Ebola ở Liberia và Sierra Leone có thể tăng vọt lên con số 1,4 triệu vào tháng 1/2015, theo số liệu của cơ quan y tế Mỹ công bố ngày hôm qua 23/9.

Trung tâm phòng, chống bệnh dịch (CDC) Mỹ ước tính số trường hợp mắc Ebola ở hai nước tây Phi này có thể từ 550.000 đến 1,4 triệu ca tính đến ngày 20/01/2015. Con số này dựa trên giả thiết số ca bệnh Ebola trong vụ dịch lớn nhất thế giới từ trước tới nay bị báo cáo thấp hơn thực tế với hệ số 2,5.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng tính toán này căn cứ trên số liệu có được vào tháng 8, trước khi Mỹ đẩy mạnh đáp ứng với dịch ở tây Phi, hiện đã giết chết khoảng một nửa trong số 6.000 người mắc bệnh. "Những con số này không phản ánh tình hình hiện nay", báo cáo của CDC tuyên bố. "Các mô hình cho thấy những hành động tức thời trên qui mô lớn - như đang được bắt đầu - có thể đưa số ca nhiễm lên đỉnh dịch và sau đó sẽ giảm đi nhanh chóng".

WHO cho rằng số trường hợp mới sẽ tăng từ hàng trăm ca mỗi tuần lên hàng nghìn ca nếu không có “sự cải thiện mạnh mẽ trong các biện pháp kiểm soát dịch”, với số ca nhiễm có thể tăng gấp ba lên 20.000 ca vào tháng 11.


Thăm dò ý kiến