Điểm tin ngày 15/6/2016
14/06/2016 | 03:09 AM



2. Sở Y tế Quảng Trị vẫn cho rằng Phenol là chất độc nguy hiểm: Liên quan đến vụ phát hiện chất phenol ở trong lô cá nục 30 tấn, lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Quảng Trị vẫn tái khẳng định, phenol là chất độc, nếu ăn vào sẽ tích lũy dần gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Ngày 13/6, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Trị, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh đã tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm các lô cá tại cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc (khu phố 3, Thị trấn Cửa Tùng, Quảng Trị). Đối với lô hàng cá nục niêm phong vào ngày 11/6, biên bản được lập ước tính số lượng khoảng 25 tấn, nhưng trong quá trình chia lô lấy mẫu kiểm nghiệm lần này, đoàn kiểm tra xác định tổng số lượng cụ thể của lô hàng khoảng hơn 20 tấn. Để đảm bảo tính chính xác, đoàn đã chia thành 5 lô, mỗi lô lấy 1 mẫu, mỗi mẫu lấy 1,5kg. Các mẫu này được chia làm 3 phần, một phần được lưu lại cơ sở bà Thuộc, một phần lưu tại cơ sở lấy mẫu, phần còn lại gửi đi kiểm nghiệm. Sau khi chia lô và lấy mẫu, đoàn đã tiến hành niêm phong và yêu cầu chủ cơ sở tự bảo quản, không được tự ý xuất hàng khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Cuối giờ chiều 13/6, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Sau khi nghiên cứu các cơ sở, Sở Y tế nhận thấy các văn bản liên quan hiện tại về QCVN quy định hàm lượng phenol trong một số loại hình, hàm lượng phenol có trong nước biển là 0,03 Milligam/lit (quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT); Hàm lượng phenol và dẫn xuất phenol có trong nước ăn là 1 Microgam/lit (µg) (quy định tại QCVN 01:2009/BYT); Hàm lượng phenol có trong bao bì tiếp xúc trực tiếp hoặc làm từ nhựa phenol là 5 Microgam/lit (QCVN 12-1: 2011/BYT). Như vậy, so với các căn cứ nêu trên đều thấp hơn hàm lượng phát hiện trong lô cá nục là 0,037 mg/kg”. Ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm và dựa các căn cứ trên, Sở Y tế có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy. Trước lúc tiêu hủy đã niêm phong, đồng thời làm việc với các ngành để có căn cứ tiêu hủy. Ông Thành cũng nhấn mạnh, phenol là chất ít phân hủy, tác động đến thần kinh, tim mạch, máu,… dù chất này có thể không gây độc ngay nhưng tích lũy dần, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ông Trần Văn Thành cho biết, lần lấy mẫu kiểm nghiệm này cũng sẽ kiểm tra, xét nghiệm tất cả các chất khác, riêng về chất phenol sẽ kiểm tra kỹ hơn.
3. Đắk Lắk chuyển vụ sai phạm đấu thầu thuốc và trang thiết bị cho cơ quan công an điều tra: UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Kết luận Thanh tra về việc đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế tỉnh. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ những sai phạm đói với từng cá nhân, tập thể và chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ. Trước những sai phạm về việc đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị tại Sở Y tế Đắk Lắk, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính hằng năm tham mưu cho UBND tỉnh giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho Sở Y tế; Giao Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các cá nhân thuộc quyền quản lý của Sở Y tế và UBND tỉnh trong việc không tổ chức đấu thầu mua thuốc. Giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, các nhân trong việc cho phép Sở Y tế được gia hạn thực hiện, bổ sung kế hoạch đấu thầu thuốc gói năm 2012 - 2013 không đúng quy định. Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế phải chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ nhất là bộ phận trực tiếp tham mưu đấu thầu; chỉ đạo Giám đốc các bệnh viện đơn vị trực thuộc hàng năm phải dự trù nhu cầu sử dụng thuốc và thiết bị y tế với thực tế, nhu cầu sử dụng. Giám đốc Sở phải tổ chức họp kiểm điểm, quy rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có liên quan đến các sai phạm. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã chuyển cơ quan điều tra công an tỉnh để xem xét, làm rõ các sai phạm về 506 mặt hàng thuốc không trùng tên đã thanh toán trong thời gian chậm đấu thầu có giá trị cao hơn giá đấu thầu thuốc thấp nhất của các tỉnh giáp ranh với số tiền trên 5,5 tỷ đồng và việc mua sắm trang thiết bị y tế từ 2011 - 2015 tại Sở Y tế Đắk Lắk.
4. Phát hiện ở thành phố Vinh nhiều thực phẩm cho trẻ nhập khẩu từ Trung quốc đã hết hạn sử dụng: Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường công an TP Vinh (Nghệ An) vừa bắt giữ một khối lượng lớn thức ăn và nguyên liệu chế biến thức ăn cho trẻ em có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã hết hạn sử dụng. Trong quá trình kiểm tra tại kho hàng số 1A đường Thái Phiên, phường Hồng Sơn - TP Vinh của chị Hoàng Thị Mỹ (SN1982, trú tại Quảng Thọ, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) -Đội cảnh sát môi trường công an thành phố Vinh đã phát hiện trong kho đang chứa một số lượng lớn hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã hết hạn sử dụng. Số lượng hàng hoá này gồm: 50kg quẩy ngô; 800 gói kẹo các loại; 2000 hộp C ngậm cho trẻ em; 6 hộp bột sữa, một số đồ chơi bạo lực là súng đạn nhựa và 250kg mứt chùm ruột, 200kg dứa là nguyên liệu để chế biến các loại chè thập cẩm. Chủ kho hàng không xuất trình và không có bất cứ loại giấy tờ nào chứng minh nguồn xuất xứ của lô hàng nói trên. Đặc biệt, lô toàn bộ số hàng này đã hết hạn sử dụng. Lực lượng cảnh sát môi trường công an thành phố Vinh đã lập biên bản thu giữ toàn bộ để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. 8 người ở Đắk Lắk nhập viện cấp cứu sau khi ăn thịt chó: Để đãi bà con, láng giềng đã giúp gia đình mình dựng trụ tiêu ông A Ma Rom đã mua 2 con chó về làm thịt. Sau khi ăn xong, 8 người đã bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu. Chiều 14/6, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, bệnh viện đã cấp cứu cho 8 bệnh nhân ngộ độc do ăn thịt chó và đã có 3 bệnh nhân được cho xuất viện. Theo bác sĩ Anh, vào chiều ngày 13/6, 8 bệnh nhân được đưa vào bệnh viện đều có chung triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn và tiêu chảy cấp. Các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thịt chó, sau khi điều trị đến nay 3 người đã ra viện và 5 người đang nằm theo dõi thêm. Theo thông tin ban đầu, vào sáng ngày 13/6, gia đình ông AMa Rom (38 tuổi, trú tại buôn Đung B, xã Ea Khal, huyện EaH'leo) đã nhờ họ hàng, láng giềng tới giúp dựng trụ tiêu. Ông AMa Rom đã mua 2 con chó (1 còn sống, 1 đã chết) của một người dân ở thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) đem về làm thịt đãi cơm trưa. Sau khi ăn xong, 8 người có biểu hiện của ngộ độc và được người thân nhanh chóng đưa đi bệnh viện cấp cứu.
6. Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật nội soi thành công lấy chiếc nhíp mắc trong ruột một bệnh nhân: ngày 13/6, kíp mổ khoa Ngoại nhi - Cấp cứu bụng, Bệnh viện Trung ương Huế do Th.s. Phạm Xuân Đông mổ chính đã tiến hành phẫu thuật nội soi hoàn toàn thành công một trường hợp hy hữu dị vật trôi xuống ruột. Bệnh nhân là Trần Kim H. (29 tuổi, ở Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã nuốt dị vật là cây nhíp đã gần 1 tháng nay. Bệnh nhân đau bụng tăng dần không đỡ nên vào nhập viện Khoa Ngoại nhi - Cấp cứu bụng, bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây các bác sĩ đã theo dõi sát, tiến hành lấy dị vật bằng nội soi qua đường miệng nhưng thất bại. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật. Ekíp phẫu thuật và ekip gây mê của BS. Nguyễn Trung Hậu đã tiến hành phẫu thuật hoàn toàn nội soi qua ổ bụng lấy dị vật cho bệnh nhân. Do bệnh nhân nuốt dị vật đã lâu nên tá tràng viêm dính sát vào thành bụng. Sau hơn 1 tiếng phẫu thuật cuộc mổ đã thành công tốt đẹp, bệnh nhân hậu phẫu hoàn toàn ổn định. Đây là trường hợp đặc biệt thứ 2 trong năm do khoa Ngoại nhi – Cấp cứu bụng thực hiện thành công hoàn toàn bằng nội soi ổ bụng.
7. Bộ Y tế tuyên bố không cấm phenol trong thực phẩm: Chiều 13-6, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết như vậy. Ông Long nói: Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị mà chúng tôi nhận được, trong 6 mẫu cá nục thuộc lô hàng trên 25 tấn được kiểm tra có 1/6 mẫu có phenol hàm lượng 0,037mg/kg cá. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có kiến nghị lên UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy lô hàng. Sáng 13-6, chúng tôi có cuộc họp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kết quả xác định là phenol không có trong danh sách các chất cấm. Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu dừng lưu thông lô hàng này và cho lấy tiếp mẫu, gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Trường hợp kết quả không cao hơn hàm lượng đã phát hiện tại Quảng Trị, không ảnh hưởng tới sức khỏe sẽ cho lưu thông. Cuối tuần qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng trị khẳng định phenol là chất cực độc, chất này cũng có mặt trong sản phẩm công nghiệp và có gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Hiện chưa có bằng chứng phenol gây ra ung thư, nên Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế và cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp phenol vào nhóm chất gây ung thư. Liều gây chết 50% đối với sinh vật thử nghiệm là 300-600mg/kg thể trọng nhưng hiện chưa có cơ quan nào quy định giới hạn phenol, ngoại trừ Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hằng ngày chấp nhận được của cơ thể người là 0,18mg/kg thể trọng. Như vậy, với trọng lượng cơ thể người VN bình thường khoảng 50-60kg và hàm lượng phát hiện được trong cá là 0,037mg/kg cá, mỗi ngày mỗi người ăn 200 gam cá nục trong lô hàng kể trên là không ảnh hưởng tới sức khỏe. Phenol là một chất rắn/dạng dung dịch không màu hoặc màu trắng, có thể tổng hợp được hoặc có trong tự nhiên và được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, có trong nước, không khí hoặc ngay trong nước ngầm. Người ta có thể bị phơi nhiễm phenol qua nhiều đường, như không khí (hít thở), qua đất, nước hoặc môi trường làm việc (môi trường sản xuất nilông, nhựa...). Đối với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán, thịt rán, hoặc có tự nhiên trong dâu, cà chua, táo, đậu phộng (lạc), ca cao, nho đỏ, sữa.
8. Số trẻ em bị quai bị ở Nghệ An gia tăng: Từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa Truyền Nhiễm - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã điều trị cho khoảng gần 50 ca mắc quai bị, trong đó nhiều ca đã biến chứng sang viêm não. Hiện tại Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho 10 trẻ mắc và biến chứng do bệnh quai bị. Mẹ cháu Trần Võ Khánh Huyền (8 tuổi) ở Thanh Chương cho biết: “Ban đầu cháu sưng nóng 2 bên mang tai và kêu đau, có sốt nhẹ. Gia đình đã đưa cháu lên trạm y tế khám và lấy thuốc kháng sinh, thuốc dán về tự điều trị. Sau 1 tuần cháu không thuyên giảm, tình trạng bệnh nặng hơn: sốt cao, nôn mửa, li bì... Gia đình đưa cháu lên khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Sản Nhi thì được biết cháu bị quai bị và đã bị biến chứng viêm não. Hiện tại sau 2 tuần điều trị, cháu đã tỉnh táo, khỏe trở lại, ăn uống tốt”. BSCKII Nguyễn Văn Sơn- Trưởng Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Sản Nhi khuyến cáo: “Với những trẻ đã mắc bệnh quai bị cần vệ sinh sạch sẽ, cách ly với trẻ khác, người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn để hạn chế đến mức tối đa sự lây lan của virus. Đặc biệt, sau khi điều trị khỏi ít nhất 2 tháng cần phải tránh vận động mạnh, không uống đồ có ga để phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ 12 tháng trở lên, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng bệnh quai bị”.
9. Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành 2 ca mổ xuyên đêm cứu mạng bệnh nhân đau tim: tiếp nhận bệnh nhân vừa nhồi máu cơ tim nặng vừa phình quai động mạch chủ, tình trạng nguy kịch đến nỗi các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định tiến hành hai cuộc mổ liên tục kéo dài 10 giờ để cứu người bệnh. Đau ngực liên tục rồi lan sau lưng, khó thở, vã mồ hôi nhiều, bệnh nhân Huỳnh Văn Ánh được chuyển khẩn từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lên Chợ Rẫy (TP HCM). Với chẩn đoán choáng tim, phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp, phình quai động mạch chủ ngực dọa vỡ, bệnh nhân 56 tuổi đặt các bác sĩ trước nhiều thử thách khó lường. Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nhồi máu cơ tim có nhiều thể khác nhau, thể nhẹ chỉ có nhồi máu, đau ngực, huyết áp không thay đổi. Riêng bệnh nhân này ở thể nặng, bị choáng tim, phù phổi cấp, tụt huyết áp. Điều trị nội khoa ban đầu không đáp ứng nên đây được xem là một thách thức lớn, cần được nhanh chóng xử lý để tránh nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Về vấn đề phình quai động mạch chủ, với kích thước thông thường 3 cm đã dẫn đến nguy cơ vỡ túi phình và tử vong rất cao. Bệnh nhân Ánh lại phình quai động mạch chủ dạng túi đến 7 cm. "Chỉ cần mắc một trong hai bệnh lý, bệnh nhân đã đứng trước nhiều nguy cơ tử vong. Làm sao để vừa giải quyết tình trạng nhồi máu cơ tim cấp vừa đồng thời giải quyết túi phình cứu sống bệnh nhân là không hề đơn giản", bác sĩ An nhận định. Nếu chỉ giải quyết nhồi máu cơ tim cấp thì trong thời gian hậu phẫu, bệnh nhân có thể bị vỡ túi phình gây tử vong. Đặt vấn đề giải quyết tình trạng túi phình lên hàng đầu thì cuộc mổ trên một bệnh nhân đang nhồi máu cơ tim cấp là không có khả năng sống sót. Phải nhanh chóng đưa ra phương án tối ưu trong lúc tính mạng bệnh nhân đang nguy cấp, các bác sĩ quyết định nhờ đến sự hỗ trợ của phương tiện hồi sức hiện đại hơn là máy tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO. Kỹ thuật ECMO đã được áp dụng tại bệnh viện nhiều năm nay và trong trường hợp này đã đem lại hiệu quả kỳ diệu. Trải qua hai cuộc mổ xuyên đêm đầy căng thẳng từ 18h đến 4h sáng hôm sau, bệnh nhân được duy trì dùng máy ECMO liên tục 7 ngày và các biện pháp hỗ trợ khác. Hiện ông Ánh hồi phục tốt, không đau ngực, không khó thở. Đây là trường hợp cứu sống đầu tiên được báo cáo ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp kèm phình quai động mạch chủ dạng túi.
10. Người dân có thể gọi 19001740 nếu phát hiện sản phẩm trong lô hàng có sai phạm của URC: “Kết luận của Bộ Y tế ghi nhận một lô sản phẩm Rồng đỏ ly hương dâu (240 ml, sản xuất tại URC Hà Nội ngày 10-11-2015) và một lô sản phẩm trà xanh hương chanh (360 ml, sản xuất tại URC Hà Nội ngày 4-2-2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố”. Đó là nội dung trong thông cáo được ông Jai Gamboa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH URC Việt Nam, gửi cho báo chí chiều 14/6. Theo ông Jai Gamboa, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, URC đang tiến hành thu hồi hai lô hàng nói trên từ các nhà phân phối và bán lẻ. Nếu người tiêu dùng tìm thấy bất cứ sản phẩm trong hai lô hàng sai phạm còn lưu hành, vui lòng liên hệ đường dây chăm sóc khách hàng 19001740 để URC tiến hành thu hồi ngay lập tức. Sau khi phát hiện hai lô hàng của URC có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép,, Bộ Y tế đã yêu cầu công ty thu hồi ngay lập tức sản phẩm thuộc hai lô hàng trên. Nhưng thực tế nhiều nơi hai lô hàng này đã được bán cho người dân sử dụng. Hiện URC cũng không nắm được tình hình hiện nay về hai lô hàng này. Thể hiện thái độ nghiêm túc chấp hành kết luận của Bộ Y tế, Lãnh đạo công ty đã thông báo rộng rãi việc thu hồi sản phẩm trên.
11. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh niêm phong bệnh án cô gái tử vong sau truyền dịch: Kiểm tra phòng khám Thành Mỹ nơi nữ bệnh nhân 20 tuổi tử vong sau truyền dịch, Sở Y tế TP HCM đã tiến hành niêm phong phiếu điều trị và hồ sơ bệnh án. Ông Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết ngày 13/6 Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và yêu cầu Phòng khám Đa khoa Thành Mỹ cùng Bệnh viện quận Tân Phú báo cáo khẩn về quá trình xử trí khi tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Tố Uyên. Bệnh viện quận Tân Phú cũng được yêu cầu kiểm thảo tử vong đối với trường hợp bệnh nhân này và gửi về Sở trước ngày 15/6. Ban Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không sai sót chuyên môn kỹ thuật, lý do bệnh nhân tử vong cũng như nguyên nhân và hậu quả của sai sót chuyên môn kỹ thuật. Kết quả đánh giá của hội đồng chuyên môn và kết quả xử lý của Thanh tra Sở Y tế sẽ được công khai sau khi được Giám đốc Sở Y tế TP HCM phê duyệt. Ngày 12/6, bệnh nhân 20 tuổi Trần Thị Tố Uyên được bố đưa vào Phòng khám Đa khoa Thành Mỹ sau khi sốt cao 3-4 ngày. Với tình trạng tụt huyết áp, bệnh nhân được chỉ định truyền dịch song mới chỉ truyền 50-70 cc thì tình trạng trở nặng. Uyên được đưa vào Bệnh viện quận Tân Phú cấp cứu trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
12. Lo ngại gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh ở thành phố Hồ Chí Minh: Mặc dù Pháp lệnh Dân số đã “mở” hơn khi cho các cặp vợ chồng có quyền lựa chọn số con. Vậy nhưng qua thống kê mới đây của Tổng Cục dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ - Bộ Y tế) cho thấy đang có xu hướng tỷ lệ sinh giảm, nhất là ở các khu vực thành thị. Đặc biệt, tỷ lệ sinh giảm đáng kể ở các cặp vợ chồng trẻ do nhiều yếu tố. Hơn nữa, tỷ lệ chênh lệch giới tính nam/nữ vẫn chưa được cân bằng và có nguy cơ ngày càng giãn cách xa khi số trẻ sơ sinh nữ nhiều hơn trẻ nam. Theo Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, tỷ số giới tính khi sinh hàng năm của thành phố đang ở xấp xỉ 109 - 110 trẻ trai/100 trẻ gái. Đây là một thực tế mà các nhà quản lý dân số đang rất “đau đầu” bởi nguy cơ ảnh hưởng cân bằng dân số trong tương lai. Theo ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, mức sinh ở TPHCM có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới và tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số của TP. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TPHCM năm 2015 vào khoảng 1,35-1,36 con/phụ nữ. “Nếu mức sinh không được cải thiện, sẽ dẫn đến nguy cơ dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh… gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế-xã hội”, ông Trị cho biết. Trong khi đó, theo Tổng cục DS-KHHGĐ, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của cả nước đã là 112,6 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này gia tăng rất cao so với kết quả tổng điều tra dân số năm 2009 ở mức 110,5 bé trai/100 bé gái và không có sự chênh lệch đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn. Theo các chuyên gia y tế, với các kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán y khoa tiên tiến, thai phụ có thể biết trước được giới tính con mình gần như chính xác đến 100%. Cùng với đó là có thể can thiệp lựa chọn để tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ theo ý muốn. Trước thực trạng nói trên, UBND TPHCM vừa có chỉ thị yêu cầu Sở Y tế TP hướng dẫn các cơ sở y tế có chuyên khoa sản trên địa bàn không cung cấp dịch vụ liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi; tập huấn bắt buộc các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế; đẩy mạnh truyền thông giáo dục về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính và quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ liên quan chẩn đoán giới tính thai nhi... Tại hội nghị về DS-KHHGĐ mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng nhấn mạnh Bộ Y tế cấm tuyệt đối các cơ sở y tế, phòng khám siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhằm tránh việc lựa chọn giới tính.
13. Số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã lên tới con số 500: Ngày 14/6, Nhóm Chống thực phẩm bẩn tiếp tục công bố 43 điểm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước, nâng tổng số vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lên con số gần 500 vụ. Trong lần công bố này, ngoài những thực phẩm luôn đứng đầu danh sách vi phạm vệ sinh ATTP như thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, thịt bò hay mỡ bẩn, dầu bẩn với số lượng lớn đã quá quen thuộc với người tiêu dùng thì đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của chất Phenol. Đây là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm nhưng lại phát hiện chất này có trong cá nục đông lạnh với khối lượng lên tới 30 tấn với hàm lượng là 0.037mg/kg. Đứng thứ 2 là tình trạng thực phẩm bị làm giả cũng đang ở mức báo động: Nước khoáng giả, dấm ăn giả, rượu giả, bột ngọt giả, đường giả... Còn lại vẫn là các mặt hàng như: trứng, măng, bột mỳ, mỳ sợi, rau củ quả... Đến nay đã là lần thứ 10 công bố danh sách địa chỉ đen về ATTP bóc trần gần 500 cơ sở kinh doanh vi phạm vệ sinh ATTP nhưng thực phẩm bẩn vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn có lẽ là cuộc chiến cam go trường kỳ nhất và rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Điển hình, ngày 10/6, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An phát hiện tại cơ sở chế biến măng tươi do ông Nguyễn Văn Thi (trú khối 2, phường Bến Thủy, TP Vinh) làm chủ có hàng chục thùng phuy đang ngâm măng trong hóa chất, đồng thời phát hiện hàng chục bao tải chứa măng đã hư hỏng đang bốc mùi hôi thối. Lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an tỉnh Nghệ An và Công an phường Bến Thủy đã niêm phong, thu giữ 13 thùng phuy (loại 150 lít) măng ngâm hóa chất và 18 bao tải vàng chứa măng (trọng lượng gần 3 tấn) không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 11/6, CSGT TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) phát hiện xe tải do Hồ Văn Dũng (người địa phương) điều khiển, nghi vấn chở hàng hóa không rõ nguồn gốc nên yêu cầu dừng kiểm tra. Trên thùng xe, lực lượng chức năng phát hiện chở 8 tấn thịt mỡ động vật, đã bốc mùi hôi thối. Thời điểm kiểm tra, tài xế Dũng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số mỡ. Ông Dũng là chủ một cơ sở chế biến mỡ động vật ở TP Tam Kỳ. Kiểm tra tại đây, lực lượng chức năng phát hiện giấy phép kinh doanh của cơ sở đã hết hạn. Cũng tại cơ sở trên, lực lượng thu giữ 5 tấn mỡ động vật bốc mùi, đang được các công nhân chế biến để mang đi tiêu thụ.
14. Thành phố Hồ Chí Minh cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân sống cạnh khu bãi rác Đông Thạnh: Ủy ban nhân dân Huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh xem xét cấp miễn phí thẻ BHYT cho người dân sống quanh bãi rác Đông Thạnh, có chính sách hỗ trợ 100% người dân thuộc diện chính sách, diện nghèo, cận nghèo và người yếu thế do Ủy ban nhân dân xã Đông Thạnh đề xuất. Đó là một trong những chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về giải quyết tình hình ô nhiễm quanh bãi rác trên. Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao các cơ quan chức năng vận động các hộ dân chưa khám sức khỏe tiếp tục đến khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần, thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh ung thư của ngư Ủy ban nhân dân ời dân tại khu vực này. Sở Tài nguyên và môi trường nghiên cứu và đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố phương án phục hồi môi trường tại khu vực bãi rác, di dời xử lý chất thải nguy hại khỏi nơi này. Trước đó, ngày 11-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại địa bàn huyện Hóc Môn, lắng nghe ý kiến của cử tri về tình hình ô nhiễm trầm trọng tại bãi rác Đông Thạnh gây ảnh hưởng đến bà con, làm một số người bị ung thư. Trước toàn thể cử tri, Bí thư Đinh La Thăng nói ông xin nhận lỗi trước toàn thể bà con về vấn đề ô nhiễm bà con nêu và sẽ giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất. Ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành giám sát thực địa tại bãi rác Đông Thạnh để tiến hành khám sức khỏe cho toàn bộ người dân Đông Thạnh và Nhị Bình theo chỉ đạo.
15. Các chuyên gia thống nhất cho rằng chất phenol trong cá nục không nguy hại sức khoẻ: Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia hóa học, chuyên gia Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tài liệu quốc tế, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khẳng định hàm lượng Phenol trong cá nục được phát hiện ở Quảng Trị không nguy hại đến sức khỏe. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trước khi công bố thông tin Cá nục nhiễm 0,037mg/kg Phenol không gây hại sức khoẻ, Cục ATTP đã tham khảo ý kiến và có sự đồng nhất ý kiến của các chuyên gia này. Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp Phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Liều gây chết cho khoảng 50% sinh vật thử nghiệm ở trên loài ngặm nhấm là dùng Phenol ở ngưỡng 300 - 600mg/1kg thể trọng. Đến nay, Việt Nam chưa áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng Phenol trong thực phẩm (Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn của Codex). “Không áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng Phenol trong thực phẩm, không có nghĩa là thực phẩm không được hiện diện của chất này bởi Phenol hoàn toàn có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm phổ biến. Theo đó, Phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, ba chỉ rán, gà rán và một số loại trái cây như cà chua, táo lạc, chuối, cam, ca cao, nho đỏ, một số loại quả có màu sẫm đều sẵn có phenol, với hàm lượng khá cao", ông Phong nói. Trên thế giới cũng chưa một cơ quan, tổ chức nào quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản. Duy chỉ có cơ quan quản lý thực phẩm của Châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm là 0,00018mg/1kg cân nặng của cơ thể. Như vậy, với mẫu cá nục tại Quảng Trị, phát hiện với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu so sánh với ngưỡng mà Cơ quan Quản lý thực phẩm châu Âu nghiên cứu thì một người Việt có cân nặng khoảng 50 - 55kg ngày nào cũng ăn 200gram cá có chứa 0,037mg phenol/kg (tương đương nạp vào cơ thể 0.0074mg phenol) thì vẫn ở dưới ngưỡng này và không có ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội, hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước. Với hàm lượng 0,037mg/kg cá, 1 gia đình 4 người ăn hết 1kg cá có phenol thì chia đều cũng chỉ có 0,009mg ngấm vào cơ thể 1 người. Đây là lượng phenol rất nhỏ, có thể dễ dàng bài tiết qua da, nước tiểu nên không có khả năng gây ngộ độc cho người dân. Do đó ông khuyên người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, để cẩn trọng có thể xử lý phenol bằng cách giã đông cá tự nhiên. Theo đó, khi giã đông, để cá không bị nát, có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Đặc biệt nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc hơn. Trước đó, Chi Cục An toàn thực phẩm Quảng Trị công bố mẫu kiểm nghiệm cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg. Ngay sau khi có xét nghiệm này, Chi cục An toàn thực phẩm đã báo cáo với Sở Y tế, báo cáo lên UBND tỉnh Quảng trị để xin ý kiến tiêu hủy. Hiện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo các viện chuyên môn xét nghiệm thêm các mẫu cá nục từ Quảng Trị gửi ra để có câu trả lời chính xác, thông báo đến người dân.
16. Những thầy thuốc mang quân hàm xanh ở Bù Đốp, Bình Phước: Ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, Bù Đốp, Bình Phước, có trên 60% đồng bào dân tộc S'tiêng sinh sống. Trước đây, do trình độ dân trí thấp nên khi mắc bệnh, đồng bào chỉ biết hái lá rừng hoặc gọi thầy cúng đuổi con ma rừng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh sốt rét, tiêu chảy, cảm cúm, viêm nhiễm hô hấp và nhiều thứ bệnh khác gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông Phạm Thanh Cần, Bí thư Chi bộ ấp Bù Tam cho biết: “Trước đây, bà con còn nhiều hủ tục lạc hậu như: Sinh đẻ thì nhờ bà Mụ đỡ ngoài vườn, khám chữa bệnh cũng bằng cây thuốc tự nhiên theo kinh nghiệm dân gian, bệnh nặng lắm mới tới ông thầy Mo, thầy Cúng. Từ ngày có Trạm dân quân y ở đây, đã xóa được nhiều hủ tục lạc hậu, bà con dần có ý thức và có bệnh là đến ngay trạm xá”. Cùng với việc tổ chức khám, cấp phát thuốc, các chiến sĩ quân y của trạm thường xuyên xuống từng nhà dân để khám chữa bệnh, đồng thời hướng dẫn bà con cách phòng tránh các bệnh thông thường và loại bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu. Nhờ vậy, ý thức của đồng bào đã có sự chuyển biến mạnh. Khi có người ốm đau, đồng bào luôn tìm cách đưa đến Trạm quân dân y Biên phòng để được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc. Ông Điểu Dế, người dân ấp Bù Tam, xã Hưng Phước cho biết: “Có Trạm quân dân y, người dân chúng tôi rất phấn khởi, có bệnh hoặc đi cấp cứu không phải đi đâu xa. Dù bệnh nhẹ hay đêm hôm, nếu gọi cho cán bộ quân y là cán bộ đến ngay”. Trung úy Cao Văn Phương, cán bộ phụ trách Trạm quân dân y ấp Bù Tam, khẳng định: "Ngoài nhiệm vụ khám điều trị bệnh tại trạm, chúng tôi còn phối hợp với trạm y tế của xã thường xuyên tuyên truyền về lối ăn, ở hợp vệ sinh, cách sống khoa học để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, hướng dẫn bà con thông qua các chiến dịch tẩm mùng mền và phun thuốc diệt muỗi, khử khuẩn". Trong 5 năm qua, các trạm quân dân y trên địa bàn huyện ngoài công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, còn phối hợp với các tổ chức từ thiện trong và ngoài địa bàn khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 10.000 lượt người; cấp cứu 100 lượt người, với tổng chi phí trên 300 triệu đồng cho các gia đình khó khăn trên địa bàn biên giới. Bên cạnh đó, các trạm quân dân y còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cho trên 2.000 lượt người về cách vệ sinh phòng chống dịch bệnh sốt rét, HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm, kế hoạch hóa gia đình. Có thể nói, các trạm quân dân y ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đã trở thành điểm tựa của đồng bào vùng biên, góp phần củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở ở tuyến đầu biên giới của Tổ quốc.
17. Tổng Cục Du lịch khuyến cáo với du khách tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng da trước khi vào Panama: Ngày 13/6, Tổng cục Du lịch đã có công văn số 586/TCDL-HTQT gửi các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế có kế hoạch đưa khách tới Panama. Trong công văn, Tổng cục Du lịch nêu rõ, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về tình hình dịch bệnh sốt vàng da tại Panâm, Bộ Y tế Panama đã yêu cầu các du khách trên một tuổi bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng bệnh sốt vàng da ít nhất 10 ngày trước khi nhập cảnh Panama. Theo khuyến cáo trên, Tổng cục Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở Việt Nam có kế hoạch đưa khách tới Panama thông báo và hướng dẫn du khách Việt Nam thực hiện quy định về việc tiêm vắc–xin trước khi nhập cảnh Panama. Sốt vàng da là một bệnh sốt xuất huyết, gây ra bởi một loại virus lây lan qua muỗi. Bệnh phổ biến nhất ở khu vực châu Phi và Nam Mỹ, ảnh hưởng đến du khách và cư dân của những vùng đó. Trong trường hợp nhẹ, sốt vàng da gây sốt, nhức đầu, buồn nôn và ói mửa. Tuy nhiên, sốt vàng da có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây chảy máu (xuất huyết), tim gan, và các vấn đề về thận. Không có điều trị cụ thể cho bệnh sốt vàng da. Nhưng dùng vắc-xin bệnh sốt vàng da trước khi đi du lịch đến một khu vực, trong đó vi rút tồn tại có thể bảo vệ tránh bệnh.